Ngày 09-10/9/2023, tại thủ đô New Dehli, Ấn Độ, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã được diễn ra. Cuộc họp kết thúc và đạt được một số kết quả, tiêu biểu trong số đó là sự công bố của Tổng thống Joe Biden về việc thiết lập dự án mang tên Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu (India – Middle East – Europe Economic Corridor – IMEC), một dự án được đánh giá là sẽ có khả năng đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Dự án này đã bắt đầu với một số cuộc họp kín giữa Ấn Độ, UAE và Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ trọn vẹn của Thái tử Saudi Arabia, và sau đó là sự tham gia của Ý, Đức và Pháp. Kết quả cuộc họp cho thấy: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Ý, Saudi Arabia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều đã ký vào biên bản ghi nhớ của IMEC. Theo các tài liệu dự án, IMEC được hình dung sẽ bao gồm hai hành lang riêng biệt: hành lang phía Đông nối Ấn Độ với vịnh Ả Rập, hành lang phía Bắc nối vịnh Ả Rập với châu Âu. Mục tiêu của IMEC được đưa ra là thiết lập một mạng lưới đường sắt “đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí” giữa Ấn Độ, UAE, Saudi Arabia, Jordan, Israel và châu Âu. Hành lang kinh tế này sẽ vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến bờ biển phía Đông của UAE, sau đó đến cảng Haifa của Israel bằng đường sắt, sau đó đến châu Âu từ Haifa bằng đường biển.
IMEC không chỉ là dự án về giao thông, mà còn là một đại dự án về cơ sở hạ tầng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, IMEC sẽ là một dự án mang tầm lịch sử. Đây là sự kết nối trực tiếp nhất cho đến nay giữa Ấn Độ, vịnh Ả Rập và châu Âu: với một tuyến đường sắt sẽ khiến tốc độ giao thương giữa Ấn Độ và châu Âu nhanh hơn 40%. Điều này sẽ giúp tăng cường hội nhập thương mại giữa các nước và các khu vực, đa dạng nguồn cung và cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế. Dự án cũng sẽ kết nối các tuyến đường sắt và cảng biển, đồng thời tạo ra mạng lưới cáp điện, cáp truyền dữ liệu tốc độ cao, đường ống dẫn khí hydro. Do vậy, dự án này còn được EC gọi là “cây cầu xanh và kỹ thuật số xuyên qua các lục địa và nền văn minh”.
Những đánh giá tích cực dành cho IMEC
Sự công bố thiết lập dự án IMEC nhận được những đánh giá tích cực từ nhiều quốc gia tham gia dự án. Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, IMEC sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững cho toàn thế giới. Theo tờ Times of Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu ca ngợi thông báo về hành lang này là một “sự phát triển lớn”. Ông mô tả sáng kiến này là “một dự án hợp tác vĩ đại nhất trong lịch sử của chúng ta” và là một dự án “đưa chúng ta đến một kỷ nguyên mới về hội nhập và hợp tác khu vực và toàn cầu, chưa từng có và độc đáo trong phạm vi của nó. Hành lang mới này sẽ mang lại hiện thực cho một tầm nhìn kéo dài nhiều năm sẽ thay đổi bộ mặt của Trung Đông và Israel”. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đánh giá đây là thỏa thuận lớn mang tính lịch sử nhằm kết nối các cảng tại châu Âu và Nam Á, đồng thời góp phần xây dựng khu vực Trung Đông ổn định, thịnh vượng và hội nhập hơn. Ông cũng cho rằng thỏa thuận sẽ mở ra nhiều “cơ hội không giới hạn” trong phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm nguồn điện, truyền tải dữ liệu và năng lượng sạch.
Vai trò của Mỹ trong thiết lập và xây dựng dự án
Như trong Biên bản ghi nhớ, IMEC được mô tả bao gồm hai nhánh hành lang chính: hành lang phía Đông nối Ấn Độ với vịnh Ả Rập, hành lang phía Bắc nối vịnh Ả Rập với châu Âu, được nối với nhau bằng hệ thống đường sắt và đường biển. Sự kết nối khu vực này giúp Ấn Độ và các nước Trung Đông tiếp cận với thị trường châu Âu; ngược lại, các nước châu Âu sẽ mở rộng kết nối giao thương thương mại với các nước Trung Đông và Ấn Độ, làm đa dạng hóa các nguồn hàng hóa, đồng thời mở cửa cho châu Âu tiếp cận với thị trường khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giúp các nước phát triển kinh tế, thương mại.
Ngoài vai trò là cầu nối trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, “IMEC còn giúp các nước trong khu vực châu Âu, Trung Đông và Nam Á có sự kết nối về chính trị, xã hội, giúp phục hồi mối quan hệ thương mại vốn đã có các kết nối chặt chẽ như ngày nay, và có tiềm năng để xây dựng các liên kết kinh tế lớn hơn nữa trong tương lai”, bà Aparna Pande, nhà nghiên cứu kiêm giám đốc của Sáng kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson chia sẻ với The Epoch Times. Khi các nước tăng cường triển khai các cuộc đối thoại về kết nối kinh tế, thương mại, mối quan hệ ngoại giao giữa các nước sẽ được hồi phục, nuôi dưỡng và phát triển, từ đó thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa các khu vực Trung Đông – Nam Á – châu Âu. Bà Pande nói, “Hoa Kỳ đang đóng vai trò hậu trường vì cả ba khu vực đều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ, và những khu vực này càng hội nhập thì càng tốt cho an ninh của Hoa Kỳ”.
Sự gia tăng vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế
Các chuyên gia đánh giá, IMEC hứa hẹn sẽ đem lại sự thay đổi về cục diện chính trị. Việc IMEC đầu tư vào hệ thống giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng, nối Ấn Độ với khu vực Trung Đông và châu Âu sẽ tạo ra sự liên kết về thương mại, giúp phát triển kinh tế. Điều này cho thấy, trật tự chính trị sẽ dần xoay chuyển sang khu vực Trung Đông mà Ấn Độ là nước nắm giữ vai trò chính, giúp cân bằng trật tự chính trị hiện đang nghiêng về phía Trung Quốc. Thông qua dự án này, Ấn Độ có thể gia tăng vai trò và vị thế chính trị của mình bằng việc củng cố định hướng kinh tế và ngoại giao đối với Mỹ và phương Tây. Ấn Độ cũng có thể tận dụng IMEC, tăng cường ảnh hưởng và vai trò của mình tại khu vực Đông Nam Á bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để kết nối hoạt động thương mại giữa Đông Nam Á với khu vực Trung Đông và châu Âu, làm đa dạng hóa nguồn cung, cầu và các mặt hàng thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, IMEC được dự đoán là sẽ giúp các nước tăng liên kết thương mại, thoát khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xe điện của Trung Quốc, hay sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn đang đứng trước những diễn biến khó lường.
Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ
Tuy nhiên, bất kỳ dự án nào được công bố đều vấp phải những ý kiến trái chiều, và IMEC cũng không ngoại lệ. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố về IMEC, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối dự án này. Thổ Nhĩ Kỳ, có thể nói, là trung tâm và là cầu nối của dự án cũng như cầu nối của các hoạt động thương mại từ châu Á trung chuyển sang châu Âu. Tuy nhiên, trong biên bản ghi nhớ về dự án lại không có Thổ Nhĩ Kỳ trong danh sách các nước tham gia IMEC. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước báo chí rằng: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận một hành lang nào mà không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi là cơ sở sản xuất và cầu nối thương mại quan trọng. Tuyến đường thuận tiện nhất từ phía Đông sang Tây đều phải đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.” Bên cạnh sự chỉ trích của ông Erdogan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cũng bày tỏ mối lo ngại về vai trò quan trọng của địa chiến lược trong việc phát triển hành lang. Ông chia sẻ: “Con đường buôn bán không chỉ có nghĩa là gặp gỡ buôn bán một mình. Nó cũng phản ánh sự cạnh tranh địa chiến lược.” Với chiến lược này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ duy trì hợp tác với các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU và tiếp tục ủng hộ BRI, dù cho tần suất tham gia của quốc gia này vào dự án không còn nhiều như trước.
Đối trọng với BRI
Các chuyên gia nhận định, liệu IMEC có thể trở thành đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, hay có thể trở thành phương án thay thế cho BRI khi sáng kiến này đang đứng trước bờ vực phá sản? Theo Deutsche Welle, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc Jayadeva Ranade chia sẻ rằng: “Điều quan trọng để đáp ứng tất cả những mục đích của IMEC là tốc độ xây dựng và vận hành nhanh chóng. Nó chắc chắn sẽ trở thành dự án đối trọng với BRI của Trung Quốc, khi các dự án của BRI đang bị đình trệ ở nhiều quốc gia do lo ngại các khoản vay giá rẻ của Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành những khoản nợ không thể trả được”. Nhiều dự án của BRI thường xuyên gặp vấn đề về tính bền vững môi trường và không có hiệu quả về mặt kinh tế, bên cạnh đó làm gia tăng khoản nợ đối với các nước đang có gánh nặng nợ nần. Khi đại dịch COVID – 19 xảy ra và nền kinh tế thế giới bị tàn phá nặng nề, nhiều cuộc khủng hoảng nợ đã xuất hiện ở các quốc gia nhận chính khoản vay từ BRI. Từ năm 2019, Trung Quốc đã dành hơn 100 tỷ đô để cứu trợ các nước đang phát triển đang gặp khó khăn về nợ nần. BRI cũng tài trợ cho các nhà máy sản xuất điện sử dụng nhiều carbon, nhất là các nhà máy điện đốt than, nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ sắp tới. Tuy nhiên, sau 10 năm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố dự án, có thể thấy BRI đang trong giai đoạn suy yếu, và theo như đánh giá của ông Song Guo Cheng, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc gia Chengchi, BRI là một dự án không bền vững. Sau 10 năm hoạt động, sáng kiến này đã giảm mức độ đầu tư so với thời gian trước, khi mới thành lập và triển khai dự án. Có hai nguyên nhân chính khiến ông Song Guo Cheng đưa ra nhận định trên, thứ nhất là các nước nhận đầu tư của BRI đang gặp phải khó khăn với khoản nợ lớn và tăng dần; thứ hai là do tình hình Trung Quốc hiện tại đang gặp bất ổn về chính trị và kinh tế, dẫn đến khả năng duy trì dự án cũng yếu đi. Do vậy, IMEC có thể có khả năng trở thành dự án thay thế BRI trong tương lai.
Ngoài mục đích về kinh tế, BRI còn được xây dựng nhằm phục vụ cho những mục đích chính trị. BRI đã gây ra các tác động chính trị thông qua các dự án đầu tư kinh tế nhằm lôi kéo các nước tham gia BRI đi theo con đường chính trị mà Trung Quốc vạch ra, thay đổi cục diện thế giới. Trong khi đó, “IMEC thiên về khía cạnh kinh tế hơn, như vận tải đường sắt, một số miễn thuế,… BRI thiên về đầu tư dự án trực tiếp, như đào mỏ và xây dựng một số cơ sở công cộng như đường sắt, bến cảng, sân bay, trường học, bệnh viện,… và đầu tư trực tiếp nhiều hơn vào xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Davy Wong – nhà kinh tế học người Mỹ chia sẻ. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nhấn mạnh rằng IMEC sẽ đề cao tính khả thi tài chính của các nước thay vì tăng thêm gánh nặng nợ nần, cũng như tôn trọng các chuẩn mực xanh và chủ quyền lãnh thổ của các nước đối tác – những yếu tố được nêu ra để phân biệt với BRI của Trung Quốc.
Theo Deutsche Welle, ông Anil Wadha – cựu ngoại giao Ấn Độ chia sẻ rằng: “BRI có bản chất không rõ ràng và không minh bạch về nguồn tài trợ. Nguồn tài trợ chính của BRI là Trung Quốc, trong khi IMEC đã được thảo luận trong một thời gian dài và công bố trọng tâm của nguồn tài trợ sẽ đến từ nhiều nguồn, đặc biệt là thông qua quan hệ đối tác công – tư. Về bản chất, IMEC không chỉ là hành lang kết nối thương mại đa phương mà nó còn là dự án có các đường ống vận chuyển hydro xanh, đường cáp dưới biển dành cho việc kết nối hạ tầng kỹ thuật số và chuyển đổi dữ liệu. Dự án cũng sẽ làm thay đổi cục diện chính trị và sẽ đem lại lợi ích cho các nước trong khu vực Đông Nam Á khi nhánh hành lang phía đông và tây được thiết lập và đi vào hoạt động”.
Phản ứng của Trung Quốc
Truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích và gọi IMEC là “Con đường gia vị” do Mỹ tạo ra. Các chuyên gia đối ngoại của Trung Quốc cho rằng bất kỳ sáng kiến liên kết khu vực nào cũng đều phải có sự góp mặt của Trung Quốc, và truyền đạt thông tin đối với các nước tham gia IMEC rằng không nên lấy IMEC làm dự án đối trọng với BRI.
Theo China Daily, BRI vẫn có lợi thế hơn so với IMEC. Kể từ khi BRI được thành lập và chính thức đi vào hoạt động cho tới nay, đã có hơn 3.000 chương trình hợp tác được triển khai trong khuôn khổ sáng kiến, với mức đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ USD. Với việc tăng cường xây dựng hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện và nỗ lực của BRI là đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, điều mà IMEC không thể so sánh được.
Thời điểm công bố sự thành lập của BRI là vào 10 năm trước, năm 2013, trong bối cảnh thế giới thúc đẩy liên kết và hợp tác vì lợi ích và thịnh vượng chung. IMEC được công bố vào năm 2023, trong bối cảnh thế giới đang bị chia cắt bởi ảnh hưởng về cục diện chính trị và các quốc gia đều xây dựng hàng rào bảo vệ xung quanh, thay vì thiết lập và xây dựng mối liên kết với nhau. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, đằng sau những tư tưởng “đối trọng” là một suy nghĩ hẹp hòi, điều này làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia, khu vực thay vì kết nối với nhau. BRI cũng chưa từng giới hạn sự tham gia của bất kỳ quốc gia hay khu vực nào, các nước tham gia dự án có thể trải dài ở khắp châu lục. Trong khi đó, IMEC – một bản ghi nhớ được công bố bởi Nhà Trắng được nhìn nhận giống như là một sân chơi của các nước lớn đằng sau những hàng rào được xây dựng, hơn là một sân chơi được mở rộng và đón nhận sự tham gia của nhiều quốc gia. Sự hẹp hòi đó sẽ làm cản trợ những nỗ lực của IMEC trong tương lai. Với tình hình hiện tại chưa thể đánh giá được gì nhiều, nhưng Chính phủ Trung Quốc hy vọng rằng IMEC sẽ không trở thành dự án gây chia rẽ các quốc gia.
Tác động của IMEC tới Đông Nam Á và Việt Nam
Đông Nam Á, một khu vực nằm ở cửa ngõ giao thương giữa lục địa châu Á và châu Đại Dương theo hướng Bắc – Nam và Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương theo hướng Đông – Tây, được xem là một khu vực để các nước trong châu Á có cơ hội được vươn mình ra thế giới. Là khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng, tiềm năng phát triển kinh tế nhanh và ổn định, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào, dân số đông và trẻ, Đông Nam Á luôn là khu vực nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm từ các nước lớn, và các cường quốc đều mong muốn có được ảnh hưởng và vai trò quan trọng đối với khu vực đầy tiềm năng này. Xây dựng được tầm ảnh hưởng và vai trò tốt tại khu vực sẽ khiến các nước lớn chiếm được ưu thế trong cục diện chính trị thế giới. Chính vì vậy, khu vực này đã trở thành địa bàn tranh chấp của các nước lớn, các hành động nhằm mục đích lôi kéo luôn được tiến hành, gây áp lực cho các nước trong Đông Nam Á. Trong bối cảnh thế giới đang bị chia rẽ bởi cục diện chính trị, các cuộc xung đột xảy ra, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn nhằm xây dựng vị thế của mình đối với các khu vực, các dự án đầu tư với quy mô quốc tế được hình thành, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần phải hết sức khôn khéo để tránh rơi vào bất kỳ một cái bẫy chính trị nào được vạch ra bởi các nước lớn, nhất là đối với những nước có vị trí địa chính trị quan trọng như Việt Nam.
Khi Nhà Trắng công bố dự án IMEC tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 và mô tả phạm vi cũng như mục tiêu của dự án, cựu nhà ngoại giao Ấn Độ Anil Wadhwa chia sẻ quan điểm của mình với báo chí, rằng IMEC sẽ làm thay đổi cuộc chơi địa – chính trị và sẽ đem lại lợi ích cho Đông Nam Á khi hành lang phía đông, tây của được thiết lập và triển khai. Ấn Độ có thể tăng ảnh hưởng và vai trò của mình tại khu vực Đông Nam Á bằng cách tận dụng IMEC, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước trong khu vực kết nối hoạt động thương mại giữa Đông Nam Á với châu Âu và Trung Đông. Khi hành lang phía đông, tây được thiết lập sang khu vực Đông Nam Á, các nước trong khu vực sẽ có cơ hội được tăng cường hội nhập kinh tế và thương mại với thị trường mới, làm đa dạng hóa nguồn cung, cầu, thúc đẩy tăng cường các cuộc trao đổi, đối thoại giữa các quốc gia, từ đó phát triển quan hệ ngoại giao và phát triển kinh tế của mỗi nước.
Tại sao ông Wadhwa lại cho rằng khi mở rộng và thiết lập hành lang phía đông, tây của dự án lại thay đổi cục diện chính trị? Khi IMEC được thiết lập, cục diện chính trị sẽ được tập trung vào khu vực Trung Đông. Điều này sẽ làm tăng ảnh hưởng và vai trò của Ấn Độ cũng như các nước phương Tây tại khu vực này, kiềm chế ảnh hưởng và vai trò độc quyền của Trung Quốc, hay nói cách khác, cân bằng cục diện chính trị tại khu vực. Khi IMEC mở rộng hành lang phía đông, tây, tức là mở rộng phạm vi của IMEC sang khu vực Đông Nam Á, vai trò của Ấn Độ tại khu vực này cũng theo đó tăng lên nếu Ấn Độ tạo sự kết nối thương mại giữa hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, song song với đó là sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Tình thế đó sẽ trở thành mối lo ngại đối với Trung Quốc, khi Trung Quốc đang ra sức tăng cường ảnh hưởng và vai trò của mình tại Đông Nam Á. Theo đánh giá của tổ chức tư vấn Úc – Viện Lowy cho thấy, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á ngày càng gia tăng, thông qua các quan hệ hợp tác kinh tế và ngoại giao, trong khi Mỹ ảnh hưởng tới khu vực này ít hơn và ở mạng lưới quốc phòng và ảnh hưởng văn hóa. Khi đó, vị thế của Đông Nam Á sẽ tăng lên do sự cạnh tranh gay gắt của các nước lớn, đồng nghĩa với những thách thức về phương diện ngoại giao và cả về phương diện kinh tế cũng sẽ gia tăng đối với các nước trong khu vực.
Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý vô cùng quan trọng. Với vị trí nằm ở cửa ngõ đi vào khu vực châu Á từ Thái Bình Dương, Việt Nam trở thành mục tiêu của các nước lớn trong và ngoài khu vực, nhằm tạo sự ảnh hưởng và chi phối. Hiện nay, Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động nhằm gây ảnh hưởng và chi phối, thậm chí có sự bành trướng, tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam tại khu vực Biển Đông. Bên cạnh Trung Quốc, các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đều dành sự chú ý, quan tâm tới Việt Nam và muốn tăng ảnh hưởng cũng như vai trò với Hà Nội. Sự cạnh tranh quyền lực của các cường quốc khiến cho vị thế của Việt Nam được nâng cao, và song song với đó, Việt Nam đã nhiều lần phải đối mặt với thách thức. Đồng thời, là quốc gia đã chiến thắng trong các cuộc “chiến tranh vệ quốc” trước các nước lớn ở thế kỷ XX, Việt Nam đã tạo được uy tín và vị thế nhất định với các nước trong khu vực Đông Nam Á, với một số quốc gia vừa và nhỏ trên thế giới.
Sự mở rộng của IMEC sẽ làm thay đổi cục diện chính trị tại khu vực Đông Nam Á, sẽ tác động tới các nước trong khu vực, và sự tác động này không ngoại trừ Việt Nam. Sự tác động này đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đem đến nhiều thách thức. Hiện nay, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được coi trọng, và Việt Nam luôn là tâm điểm trong sự quan tâm của các nước lớn. Giữa bối cảnh IMEC mở rộng phạm vi hoạt động, Việt Nam sẽ nhận được nhiều cơ hội trong mở rộng, kết nối và đa dạng hóa nguồn thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời nâng vị thế của Việt Nam trên thế giới. Song song với những cơ hội đó, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những thách thức đi kèm, nhất là về phương diện chính trị ngoại giao. Để tối đa hóa lợi ích đồng thời giảm thiểu tối đa rủi ro, thách thức, Việt Nam cần xác định được vị trí của mình, xác định mục tiêu, tầm nhìn mà Việt Nam muốn hướng tới trong tương lai, từ đó chủ động nắm bắt cơ hội, dự đoán trước những tình huống có thể xảy ra và đưa ra những đối sách phù hợp để tối đa hóa lợi ích, cơ hội, giúp tăng trưởng kinh tế đất nước và tăng tầm ảnh hưởng, cũng như vai trò và vị thế trên thế giới, hạn chế những thách thức, rủi ro đi kèm.
Kết luận
Sự thành công của dự án sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm vấn đề tài chính, nguồn đầu tư; các bên ký kết đồng thời sẽ phải tiến hành đánh giá thực tế về lý do tham gia dự án, khả năng của từng thành viên, đưa ra kế hoạch về tổ chức và vận hành, đưa ra ý tưởng sơ bộ về thời gian thực hiện,… trong đó, yếu tố tài chính là quan trọng nhất và nhận được sự quan tâm triệt để của các nước tham gia. Dự án BRI của Trung Quốc gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề tài chính, trong đó có nguồn vốn đầu tư. Trung Quốc là nhà đầu tư duy nhất cho tất cả các dự án được triển khai trong khuôn khổ BRI thông qua các khoản vay, khiến các nước tham gia dự án đều vướng vào vấn đề nợ nần và tăng dần. Khác với BRI, IMEC dựa vào nỗ lực hợp tác liên quan đến vốn tư nhân. Trong biên bản ghi nhớ của IMEC có ghi rằng, nguồn tài chính đầu tư cho các dự án là đa dạng bao gồm cả khu vực công lẫn tư nhân. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID – 19 đã để lại hậu quả nặng nề về kinh tế và tài chính, vì vậy các nhà đầu tư tư nhân muốn hạn chế tối đa những rủi ro liên quan đến tài chính. Điều này khiến các bên tham gia ký kết IMEC cần phải xây dựng một chiến lược chung để cung cấp các khoản đầu tư đảm bảo và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và các nước tham gia. Trong quá trình triển khai kế hoạch, với bối cảnh thế giới luôn ở trong sự biến động, chắc chắn không thể tránh khỏi những rủi ro xảy đến, vì vậy, các nước cần phải đưa ra được những dự đoán và cam kết về khả năng phục hồi sau rủi ro.
Để dự án được chính thức công bố đi vào hoạt động và hoạt động có hiệu quả, cần phải dành nhiều thời gian để các bên ký kết trao đổi và thảo luận. Cho dù có điều kiện thuận lợi như thế nào, dự án này cũng phải mất tối thiểu 5 năm để lên kế hoạch tổ chức, điều phối và triển khai dự án. Các bên ký kết cần làm phải làm việc tập thể, tập trung và nhanh chóng để sắp xếp và triển khai tất cả các yếu tố của tuyến đường mới; để thiết lập các cơ quan điều phối nhằm giải quyết đầy đủ các vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế, tài chính, pháp lỳ và các quy định có liên quan. IMEC dự kiến sẽ tiêu tốn hàng chục tỷ USD, đồng thời đối mặt với những thách thức lớn về vấn đề hậu cần; điều này đòi hỏi sự cam kết đáng kể của các nước phương Tây. Các bên ký kết cần phải đảm bảo rằng IMEC sẽ thành hiện thực và đủ hấp dẫn để thuyết phục các nước tham gia dự án. Bên cạnh đó, các quốc gia IMEC cần mạnh dạn, chủ động trong việc giải quyết các thách thức an ninh tiềm ẩn từ việc tăng cường liên kết Á – Âu. Nếu IMEC chứng tỏ được sự thành công của mình, kế hoạch này có thể đóng vai trò là dự án tiên phong cho những sáng kiến khác liên quan tới cân bằng quyền lực Á – Âu./.
Tác giả: Linh Khánh
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược (NCCL). Mọi trao đổi học thuật cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Venus Upadhayaya (2023), “Hành lang thương mại nối châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ đối lập với chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc”, The Epoch Times Tiếng Việt, https://www.epochtimesviet.com/phan-tich-chuyen-sau-hanh-lang-thuong-mai-noi-chau-au-trung-dong-an-do-doi-lap-voi-chuong-trinh-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc_411774.html
2. Gregory Copley (2023), “Hành lang kinh tế IMEC do Mỹ dẫn dắt có phải là một sáng kiến thực chất?”, NTD Việt Nam, https://www.ntdvn.net/binh-luan-hanh-lang-kinh-te-imec-do-my-dan-dat-co-phai-la-mot-sang-kien-thuc-chat-475613.html
3. Trọng Thành (2023), “ “Dự án IMEC”: Chiến thắng ngoại giao của Mỹ – Âu và Nam Bán Cầu trước Trung Quốc”, RFI Tiếng Việt, https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230914-du-an-imec-chien-thang-ngoai-giao-cua-m%E1%BB%B9-au-truoc-trung-quoc
4. Alex Wu (2023), “Các nước thiết lập Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu để đương đầu với ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc”, The Epoch Times Tiếng Việt, https://www.epochtimesviet.com/cac-nuoc-thiet-lap-hanh-lang-kinh-te-an-do-trung-dong-chau-au-de-duong-dau-voi-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc_409992.html
5. Hùng Hà (2023), “Ấn Độ đánh giá cao hành lang kinh tế với Trung Đông và châu Âu”, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/an-do-danh-gia-cao-hanh-lang-kinh-te-voi-trung-dong-va-chau-au-744323
6. Kumardeep Banerjee (2023), “IMEC: The modern silk route”, The Pioneer, https://www.dailypioneer.com/2023/columnists/imec–the-modern–silk-route.html
7. “Memorandum of understanding on the principles of an India – Middle East – Europe Economic Corridor” (2023), The White House, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/09/09/memorandum-of-understanding-on-the-principles-of-an-india-middle-east-europe-economic-corridor/
8. Mohammed Soliman (2023), “With G20 – IMEC plan, the globla order shifts to Eurasia”, The Indian Express, https://indianexpress.com/article/opinion/columns/imec-plan-president-joe-biden-narendra-modi-g20-success-8947495/
9. Sedef Akademir & Noam Ivri Adanani (2023), “The G20’s IMEC Initiative: An alternative trade corridor to China’s Belt and Road Initivative”, APCO Worldwide, https://apcoworldwide.com/blog/the-g20s-imec-initiative-an-alternative-trade-corridor-to-chinas-belt-and-road-initiative/
10. Fatih Yurtsever (2023), “The geopolotical impact of IMEC on Turkey”, Turkish Minute, https://www.turkishminute.com/2023/09/15/analysis-geopolitical-impact-of-imec-on-turkey/
11. Quốc Đạt (2023), “Thấy gì ở Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu?”, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thay-gi-o-hanh-lang-kinh-te-an-do-trung-dong-chau-au–i342584/
12. Hồng Nhung (2023), “IMEC đón đầu bước ngoặt lịch sử thúc đẩy kết nối hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu”, Báo Tổ quốc, https://toquoc.vn/imec-don-dau-buoc-ngoat-lich-su-thuc-day-ket-noi-hanh-lang-kinh-te-an-do-trung-dong-chau-au-2023091410182175.htm
13. David Sacks (2023), “Will the U.S. Plan to Counter China’s Belt and Road Initiative work?”, Council on Foreign Relations, https://www.cfr.org/blog/will-us-plan-counter-chinas-belt-and-road-initiative-work
14. Ragip Soylu (2023), “Turkey’s Erdogan opposes India – Middle East transport project”, Middle East Eye, https://www.middleeasteye.net/news/turkey-erdogan-opposes-india-middle-east-corridor
15. Swasti Rao (2023), “For IMEC to have any real impact, fix the finance first. Only then it can counter China’s BRI”, The Print, https://theprint.in/opinion/for-imec-to-have-any-real-impact-fix-the-finance-first-only-then-it-can-counter-chinas-bri/1794035/
16. Murali Krishnan (2023), “India – Middle East – Europe economu corridor to counter China?”, Deutsche Welle, https://www.dw.com/en/can-new-india-europe-middle-east-corridor-counter-china/a-66799232
17. Zhang Zhouxiang (2023), “Being all – embracing gives BRI a major advantage over IMEC”, The China Daily, http://www.chinadaily.com.cn/a/202309/12/WS64ff9863a310d2dce4bb52a6.html