Bước vào thế kỷ XXI, Hoa Kỳ đã suy yếu đáng kể. Quốc gia này đã can dự ở khắp nơi gây thiệt hại về nhân lực; nguồn lực quốc gia. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và suy thoái hậu Covid-19 cùng cuộc chiến do Nga triển khai ở Ukraine càng bộc lộ rõ sự suy giảm trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Điều này kéo theo sự phản đối của người dân trong ở trong nước vốn đã tồn tại mâu thuẫn do phân biệt chủng tộc và chia rẽ đảng phái. Do đó, nhóm I2-U2 được thành lập nhằm củng cố vai trò và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như chiến lược toàn cầu dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Trật tự thế giới đã chính thức chuyển về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sau 12 năm tuyên bố “xoay trục sang châu Á” dưới thời Tổng thống Barack Obama, cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã mở rộng quy mô chiến lược từ châu Á – Thái Bình Dương lên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đặc biệt hơn cả, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến thương mại lâu dài với Trung Quốc. Ngoài ra, siêu cường này cũng khôi phục Tứ giác An ninh kể từ năm 2007 và tập hợp các quốc gia Australia; Ấn Độ và Nhật Bản làm thế trận chiến lược chống Trung Quốc. Các bên cũng đã thông qua Tinh thần Bộ Tứ dưới thời Tổng thống Joe Biden vào tháng 3/2021. Điều này cho thấy cạnh tranh cường quốc sẽ diễn biến phức tạp và khó lường. Bên cạnh đó, nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt từ tháng 02/2022 tại Ukraine. Những sự kiện kể trên càng củng cố cho những kế hoạch tập hợp lực lượng mới của Hoa Kỳ, trong đó có I2-U2, để định hình lại trật tự toàn cầu. Liên kết này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Tổng quan về nhóm I2-U2
Thuật ngữ “Liên minh Ấn Độ – Abraham” xuất phát từ ông Mohammed Soliman, một học giả người Ai Cập trong bài viết được đăng trên trang Viện Nghiên cứu Trung Đông vào ngày 28/7/2021[1]. Thuật ngữ của ông Soliman bao gồm 2 thành tố: Ấn Độ và Abraham. Ấn Độ là quốc gia Nam Á. Trong khi đó, Abraham là tên của tổ phụ được sự công nhận chung của Do Thái giáo; Hồi giáo và Cơ đốc giáo với mục đích thể hiện sự gắn kết giữa các quốc gia Israel; Hoa Kỳ và các nước thuộc Thế giới Hồi giáo (theo ông Soliman là UAE).
Vào ngày 14/7/2022, các bên gồm Ấn Độ; Israel; UAE và Hoa Kỳ đã nhóm họp và thông qua tuyên bố chung thành lập nhóm có tên I2-U2 sau khi có cuộc họp đầu tiên vào tháng 10/2021[2]. Dù ở dưới tên gọi nào, nhóm I2-U2 là tập hợp mới nhất của Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden chuẩn bị để đối phó với các thách thức trong khu vực cũng như trên toàn cầu và đã được người đứng đầu Nhà Trắng đề cập trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2022 với vai trò tạo ra mạng lưới mạnh mẽ; linh hoạt và củng cố lẫn nhau.
Về quy mô tổng thể, diện tích khi liên kết các quốc gia trong nhóm lên đến 13 triệu 220 nghìn km2, lớn hơn diện tích Trung Quốc với 9,5 triệu km2 và lục địa châu Âu với 10,5 triệu km2. Việc thành lập nhóm I2-U2 xuất phát từ tình hình trật tự thế giới đang ngày càng phức tạp. Đầu tiên, sự can dự của Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Kể từ khi Sáng kiến Vành đai và Con đường được triển khai, những dự án mà Bắc Kinh tài trợ đến nay đã phát huy tác dụng. Các quốc gia trong khu vực này, bao gồm các quốc gia I2-U2 lo ngại về vấn đề an ninh từ những dự án do Trung Quốc tài trợ, đầu tư. Thứ hai, cuộc chiến do Nga triển khai ở Ukraine đang đẩy thị trường năng lượng vào những đợt tăng giá chưa từng có tiền lệ. Thứ ba, tình hình chính trị ở Tây Á đang rung lắc dữ dội do sự can dự của các cường quốc, trong đó, Trung Quốc đang là quốc gia triển khai nhanh chóng các sáng kiến trong khu vực.
Mục tiêu của Hoa Kỳ đối với nhóm I2-U2
Hoa Kỳ đã trở thành một trung tâm trong quan hệ quốc tế thời hiện đại. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Hoa Kỳ đã củng cố ảnh hưởng toàn cầu của mình bằng cách hoạch định các sách lược, trong đó tập trung vào việc can dự tình hình nội bộ quốc gia khác với nhiều biện pháp kết hợp đối ngoại và quân sự. Ngoài ra, quốc gia này cũng có xu hướng tập hợp lực lượng nhằm cô lập chủ thể khác. Do đó, đối với nhóm I2-U2, Hoa Kỳ có kế hoạch lâu dài riêng khi tham gia liên kết còn non trẻ này.
Đầu tiên, Hoa Kỳ muốn mở rộng địa bàn hoạt động của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dưới thời Barack Obama, Hoa Kỳ đã tiến hành xoay trục về khu vực châu Á – Thái Bình Dương và sau đó chiến lược này được nâng cấp lên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dưới thời Donald Trump. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được chính quyền Biden định nghĩa là khu vực tính từ bờ biển Hoa Kỳ cho đến vùng biển Ấn Độ Dương[3]. Ông cũng cho rằng quan hệ đối tác, đồng minh trên khắp thế giới là tài sản chiến lược quan trọng nhất[4]. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục phát triển và làm sâu sắc các mối quan hệ hợp tác mới bên cạnh đối tác; đồng minh ở lục địa châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương[5]. Tuyên bố trong chiến lược đồng nghĩa với việc ông Biden sẽ không dừng lại ở những quan hệ hiện có, thay vào đó, những nhóm mới sẽ được hình thành để phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ. Khi thành lập nhóm I2-U2, Hoa Kỳ sẽ mở rộng địa bàn từ Ấn Độ Dương trải dài đến biển Địa Trung Hải, bao phủ toàn bộ các khu vực trọng điểm của thế giới. Việc mở rộng địa bàn hoạt động sẽ giúp Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện và bảo vệ lợi ích quốc gia này.
Thứ hai, các mối quan hệ đối tác; liên minh truyền thống của Hoa Kỳ không còn tính linh hoạt. Trong quá khứ, việc thành lập một liên minh đồng nghĩa với việc các quốc gia trong liên minh đó sẽ chống lại một hoặc nhiều quốc gia cụ thể. Khi một tổ chức được thành lập sẽ cần sự cam kết sâu sắc của các quốc gia trong khối nhằm hướng đến sự thống nhất. Ví dụ điển hình chính là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các quốc gia thành viên cam kết sẽ tham chiến khi có một thành viên trong tổ chức bị tấn công. Tuy nhiên, bước vào thế kỷ XXI, toàn cầu hóa đã nhanh chóng bao phủ khắp nơi và khiến các quốc gia phải lệ thuộc với nhau về kinh tế. Điều này dẫn đến các quốc gia có sự thận trọng trong việc tham gia các tổ chức mang tính chất đối đầu như liên minh quân sự nhằm bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bùng nổ, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia thành viên NATO đã từ chối cấp đặc quyền cho Ukraine tham gia NATO. Tổng thống Joe Biden cho rằng Ukraine phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mới có thể gia nhập NATO, hàm ý quốc gia Đông Âu phải kết thúc chiến tranh với Nga mới có thể được phê duyệt[6]. Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức ở Vilnius (Litva), Hoa Kỳ chỉ cam kết việc gia nhập của Ukraine trong tương lai bằng những động thái chính trị mang tính hình thức như thành lập Hội đồng NATO – Ukraine[7]. Siêu cường này hiểu rằng việc quốc gia Đông Âu gia nhập NATO trước hoặc trong khi cuộc chiến xảy ra, điều này đồng nghĩa với việc nước này phải tham chiến để chống lại Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Nga và Hoa Kỳ, kéo theo cuộc chiến hạt nhân quy mô toàn cầu. Do đó, Hoa Kỳ cần một tổ chức mới có sự linh hoạt để đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia và I2-U2 là tổ chức khả thi.
Về quy mô hoạt động, I2-U2 được đề cập trong thông cáo chung là “nhóm”. Việc đề cập nhóm, thay vì liên minh sẽ tránh tạo cho đối thủ tâm lý lo ngại dẫn đến đối đầu. Về phạm vi, các bên đầu tư vào những sáng kiến mới về nước, năng lượng, giao thông, không gian, sức khỏe và an ninh lương thực, đồng thời thúc đẩy kết nối vật lý giữa các quốc gia trong khu vực Trung Đông[8]. Phạm vi hoạt động cho thấy việc Hoa Kỳ đang hình thành một thế trận chiến lược đối đầu với sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang phát triển phạm vi ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có khu vực Tây Á. Đối với từng quốc gia mà Trung Quốc có mục tiêu đầu tư khác nhau. Trung Quốc là nước đầu tư nhiều thứ ba ở Israel với 2 tỷ USD (số liệu năm 2021) thông qua các công ty tư nhân và quỹ đầu tư nước sở tại[9]. Mục tiêu của Trung Quốc hướng đến là các công ty nghiên cứu về công nghệ cao mới; công nghệ y – sinh; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tự động hóa; an ninh mạng,… Việc đầu tư vào Israel của Trung Quốc như một sự thách thức lớn đối với Hoa Kỳ vì từ lâu các bản quyền công nghệ ở siêu cường này xuất phát từ Israel. Thêm vào đó, những sự kiện gây sức ép của Trung Quốc với Ấn Độ sẽ làm gián đoạn tam giác công nghệ do Hoa Kỳ tạo ra, đó là Israel – Ấn Độ – Hoa Kỳ. Trong đó, Israel sẽ là nơi phát minh bằng sáng chế; Hoa Kỳ sẽ thu mua các bản quyền; phát triển và Ấn Độ là nơi gia công công nghệ. Vì vậy, sự can dự của Trung Quốc vào hai quốc gia này sẽ gây thiệt hại về kinh tế đối với Hoa Kỳ trong tương lai khi cuộc cạnh tranh về sản xuất chip bán dẫn đang căng thẳng.
Thứ ba, việc thành lập nhóm I2-U2 cho thấy hàm ý cân bằng quyền lực rõ nét của người đứng đầu Nhà Trắng. Quốc gia đầu tiên mà ông Biden muốn gây áp lực lớn nhất trong thời điểm hiện tại là Nga. Sau nhiều lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ và đồng minh áp đặt, nền kinh tế Nga vẫn có sức chống chịu tốt. Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã gây chấn động dư luận khi hủy bỏ thỏa thuận ngũ cốc với các bên để tàu vận chuyển của Ukraine có thể xuất khẩu ra thế giới. Việc áp đặt của ông Putin xuất phát từ việc hầu hết các hàng xuất khẩu của Ukraine liên quan đến ngũ cốc và lúa mì đều được cho là thuộc về các nhà tài phiệt Hoa Kỳ với 2/3 diện tích đất canh tác nông nghiệp[10]. Ngoài ra, việc nước Nga chi phối giá cả các mặt hàng năng lượng, đẩy giá cả thị trường tăng liên tục và không có dấu hiệu dừng lại. Việc chi phối hai ngành quan trọng nhất của đời sống như lương thực và năng lượng sẽ gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mang tính toàn cầu và có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh lớn hơn. Do đó, chính quyền ông Biden đã có biện pháp đáp trả. Ấn Độ là nước sản xuất sữa, đậu và đay lớn nhất thế giới, đồng thời là nước sản xuất gạo, lúa mì, mía, lạc, rau, trái cây và bông lớn thứ hai. Đây cũng là một trong những nhà sản xuất gia vị, cá, gia cầm, gia súc và cây trồng hàng đầu, ước tính tổng trị giá 2,1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, sản lượng Ấn Độ đáp ứng vẫn chưa cao, chỉ với 10% so với thế giới. Thêm vào đó, chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chung của thị trường[11]. Trong khi đó, Israel là quốc gia đang đi đầu về áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi. Do đó, việc kết hợp, thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ – Israel của chính quyền Joe Biden sẽ thúc đẩy giải quyết bài toán ngăn chặn xuất khẩu lương thực của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin khi cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đồng thời, việc tăng cường chất lượng nông sản sẽ gây áp lực về thị phần xuất khẩu không chỉ của Nga mà còn của Trung Quốc trong tương lai.
Đối với vấn đề năng lượng, thông qua nhóm I2-U2, Hoa Kỳ sẽ dễ dàng can dự lên vấn đề giá cả. Khu vực Tây Á là nơi có nhiều quốc gia chiếm sản lượng dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới, trong đó Ả rập Saudi có đến 297 triệu thùng dầu, chiếm khoảng 16% sản lượng thế giới và Iran khoảng 157 triệu thùng, chiếm 9,1%. Ngoài ra, các nước Iraq; Kuwait và UAE chiếm lần lượt 8,4%; 5,9% và 5,6% sản lượng toàn cầu[12]. Ngoại trừ Iran, hầu hết các quốc gia kể trên đều có chính quyền thân Hoa Kỳ. Khi nhóm I2-U2 được thông qua, Hoa Kỳ sẽ có thể điều chỉnh giá cả thị trường, tạo lập một hành lang để tác động lên sự độc quyền của Nga về năng lượng ở Châu Âu. Ngoài ra, việc tạo lập hành lang của Hoa Kỳ đồng thời sẽ gây sức ép lên Iran về vấn đề chiến tranh ủy nhiệm và thỏa thuận hạt nhân, buộc quốc gia Trung Đông này phải hạ nhiệt căng thẳng, ngồi vào bàn đàm phán để đổi lại các vấn đề về kinh tế và an sinh xã hội.
Đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ có hàm ý sâu sắc dành cho quốc gia này khi thành lập I2-U2. Sau khi cuộc cạnh tranh nổ ra dưới thời Tổng thống Donald Trump, cuộc cạnh tranh đang lan rộng sang những lĩnh vực mới, trong đó có công nghệ cao và chất bán dẫn. Công nghệ cao và chất bán dẫn được xem là mũi nhọn phát triển kinh tế và các ngành nghề khác trong tương lai, do đó cuộc cạnh tranh sẽ quyết định đến khả năng phát triển và thậm chí có thể tác động đến quyền lãnh đạo toàn cầu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phát triển đáng kể và ứng dụng công nghệ cao vào đời sống. Việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp cho quốc gia Đông Bắc Á phát triển kinh tế vượt bậc, thay đổi hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Thêm vào đó, Trung Quốc là nước sở hữu trữ lượng Germanium và Gallium lần lượt 60% và 80% của thế giới[13]. Nếu Hoa Kỳ thiếu hụt 30% Gallium trong khoảng thời gian ngắn, quốc gia này sẽ thiệt hại 600 tỷ USD, tương đương 2,1% GDP[14]. Việc nắm giữ trữ lượng cao trên thế giới giúp Trung Quốc có lợi thế và dễ dàng gây sức ép lên Hoa Kỳ và đồng minh. Do đó, việc liên kết I2-U2 cho thấy tầm nhìn chiến lược của siêu cường này.
Gallium là hợp chất phụ được sinh ra từ việc nấu chảy bauxite để tạo ra nhôm. Do đó, nhằm từng bước thoát khỏi phụ thuộc từ Trung Quốc, Hoa Kỳ đã liên kết với Ấn Độ để tăng cường việc xử lý thành phẩm Gallium. Trong khi đó, Germanium được sinh ra từ việc chế biến kẽm và than đá. Ấn Độ hiện đang có khoảng 3,8 tỷ tấn bauxite[15], quốc gia này đang có kế hoạch tăng sản lượng và hoàn toàn có thể thay thế Trung Quốc trong việc tạo ra Gallium. Đối với Germanium, Ấn Độ là quốc gia có trữ lượng than đá nhiều thứ 4 thế giới với 101 tỷ tấn[16] và có thể kết hợp với Hoa Kỳ để tạo ra trữ lượng lớn Germanium, cũng như việc Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy tìm kiếm các mỏ than đá chưa được phát hiện ở trong khu vực Tây Á thông qua các sáng kiến I2-U2.
Thêm vào đó, thông qua I2-U2, Hoa Kỳ sẽ dễ dàng ngăn chặn Trung Quốc ở vịnh Aden. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) bắt đầu từ năm 2013 dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình trải dài từ Thái Bình Dương cho đến lục địa châu Âu. Trong đó, Djibouti, quốc gia ở châu Phi là cửa ngõ cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của Trung Quốc vì đây là địa điểm cuối cùng trước khi tiến vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã tiến hành nhiều dự án quan trọng ở quốc gia này, trong đó có việc xây dựng một cảng quân sự ở Djibouti với chi phí lên đến 590 triệu USD vào năm 2016 để tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo; hoạt động sơ tán phi chiến đấu; hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình và chống khủng bố; chống cướp biển ngoài khơi bờ biển Djibouti và xung quanh vùng Sừng châu Phi[17]. Thực tế, việc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti là bảo vệ các tàu hàng; đặc biệt là tàu vận chuyển dầu và các loại tài nguyên khác ở khu vực Trung Đông và châu Phi về đến Trung Quốc cũng như việc sẵn sàng phong tỏa Ấn Độ Dương và sẵn sàng giao tranh với Hoa Kỳ nếu xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng trầm trọng vì nơi đóng quân của Trung Quốc ở Djibouti cách nơi đóng trại của hải quân Hoa Kỳ được cho là vài dặm[18]. Thông qua nhóm I2-U2, Hoa Kỳ sẽ dễ dàng mở rộng phạm vi ảnh hưởng lên bán đảo Sinai, Ai Cập và kênh đào Suez để dễ dàng gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc.
Quốc gia khác mà Hoa Kỳ cũng muốn hướng đến việc gây áp lực là Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia lớn nhất khu vực Trung Đông và là đối tác; đồng minh quan trọng của siêu cường này ở trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã biến quốc gia này trở thành địa điểm địa chiến lược – địa chính trị quan trọng khi đặt tên lửa tầm xa trong cuộc cạnh tranh với Liên Xô. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang có xu hướng thân thiện với Nga và Trung Quốc. Ankara đã gia tăng hợp tác kinh tế với Moskva, giúp Nga giảm áp lực từ những đòn trừng phạt do Hoa Kỳ và đồng minh áp đặt và hơn hết, việc mua vũ khí từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ được xem là chưa từng có tiền lệ trong NATO, gây trầm trọng thêm mâu thuẫn nội bộ. Thêm vào đó, việc Tổng thống Tayip Erdogan bị đảo chính bất thành được cho là có sự hậu thuẫn từ Washington, khiến quan hệ hai nước suy giảm nghiêm trọng. Ankara đã triển khai nhiều chiến dịch truy quét sâu vào lãnh thổ Syria và Iraq nhằm vào các tay súng và tổ chức thân Hoa Kỳ cũng như đồng minh của quốc gia này ở khu vực Trung Đông, gây thiệt hại đáng kể đến những toan tính chiến lược mà siêu cường này xây dựng trong khu vực. Do đó, thông qua nhóm I2-U2, Hoa Kỳ sẽ hiện diện sâu sắc hơn trong khu vực nhằm cảnh báo rằng Washington hoàn toàn có thể sẽ sử dụng quân sự trong khu vực để bảo vệ lợi ích quốc gia[19].
Có thể thấy mục tiêu thành lập I2-U2 với các mục tiêu về thương mại – đầu tư sẽ cho Hoa Kỳ nhiều lợi ích đáng kể, trong đó có tính chính danh để quốc gia này trở lại can dự vào khu vực thông qua các khoản đầu tư sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố rút lui. Theo đó, khi kết hợp liên kết Ấn Độ – Abraham/I2-U2 với các liên minh hiện có, ảnh hưởng của Hoa Kỳ sẽ tăng lên đáng kể, bao phủ Ấn Độ Dương; bán đảo Ả rập; kênh đào Suez và Địa Trung Hải.
Thách thức triển khai
Có thể thấy, việc triển khai I2-U2/liên kết Ấn Độ – Abraham hoàn toàn khả thi và cho thấy tham vọng trở lại dẫn dắt toàn cầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Đây có thể được xem là một nâng cấp sâu sắc và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi Hoa Kỳ triển khai chiến lược Toàn cầu trên lục địa Á – Âu. Mặc dù I2-U2 mới được thành lập nhưng việc thành lập cũng cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng đối đầu với bất kỳ chủ thể được cho là đe dọa đến lợi ích quốc gia này. Bên cạnh những mục tiêu kể trên, thách thức đối với I2-U2 vẫn hiện diện.
Thứ nhất, nội bộ các nước trong I2-U2 vẫn còn những mâu thuẫn. Như đề cập, I2-U2 là tập hợp Ấn Độ; Israel; Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Hoa Kỳ. Trong quá khứ, các bên Ấn Độ; UAE có lịch sử quan hệ không tốt đối với Israel. Điều này xuất phát từ quan điểm của từng nước ở thời điểm bấy giờ. Đối với Ấn Độ, việc phủ nhận sự tồn tại của Israel trong thời kỳ Chiến tranh lạnh là ở tình thế bắt buộc khi nước này có quan hệ không tốt với Hoa Kỳ do Washington ép buộc quốc gia Nam Á phải từ bỏ vũ khí hạt nhân và New Delhi được phía Hoa Kỳ cho là đứng về phe Xã hội Chủ nghĩa của Liên Xô. Đối với UAE, việc xem Israel là kẻ thù đã được truyền dạy từ thời cổ đại. Mặc dù hai nước kể trên đã tuyên bố ủng hộ Hiệp định Abraham được ký kết dưới thời Tổng thống Trump khi tuyên bố thành lập I2-U2 dưới thời Biden nhưng hai nước này vẫn phản đối việc sáp nhập các vùng lãnh thổ như dải Gaza; Cao nguyên Golan và khu tự trị của người Palestine vào lãnh thổ Israel. Mặc dù gọi là Liên kết Ấn Độ – Abraham hay I2-U2 cho thấy sự đoàn kết; thống nhất nhưng nếu Hoa Kỳ không sớm giải quyết mâu thuẫn, tập hợp các quốc gia này có thể sớm tan rã vì các nước như Trung Quốc và Nga sẽ đào sâu mâu thuẫn và phân tách các nước, khiến chiến lược để trở lại dẫn dắt toàn cầu của Hoa Kỳ hoàn toàn sụp đổ.
Tháng 10/2023, lực lượng Hồi giáo Hamas mở cuộc tấn công vào Israel. Ban đầu Israel đã bị động bất ngờ nhưng sau đó quốc gia Trung Đông này đã bắt đầu cuộc hành quân vào Dải Gaza. Cuộc chiến bắt đầu có lợi cho Israel và quốc gia này đã nhận chỉ trích của tất cả các quốc gia Ả-rập, trong đó Bahrain, quốc gia đã ký Hiệp ước Abraham, đã tuyên bố dừng quan hệ ngoại giao với Israel. Tuy nhiên, UAE đã lên tiếng ủng hộ bảo vệ Hiệp ước Abraham và quan hệ với Israel. Ali Al Nuaimi, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Nội vụ và Đối ngoại thuộc Hội đồng Quốc gia Liên bang UAE khẳng định tại cuộc họp trực tuyến do Hiệp hội người Do Thái ở châu Âu (EJA) và Ủy ban Công vụ Israel-Hoa Kỳ (AIPAC) vào ngày 3/11/2023: “Hiệp ước Abraham là tương lai của chúng tôi. Đây không phải là thỏa thuận giữa hai chính phủ mà còn là nền tảng giúp đưa khu vực này trở thành nơi mọi người được hưởng nền an ninh, sự ổn định và thịnh vượng” [20]. Trong khi đó, Ấn Độ tuyên bố ủng hộ cuộc chiến chống “khủng bố” (Hamas) của Israel nhưng quốc gia Nam Á này tuyên bố ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền vào ngày 12/10/2023[21]. Động thái không rõ ràng của Ấn Độ cho thấy quốc gia Nam Á vẫn chưa hoàn toàn ủng hộ Israel. Ả Rập Saudi, đồng minh Hồi giáo theo dòng Sunni thân cận nhất với Hoa Kỳ ở khu vực này cũng tuyên bố tạm dừng tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel[22], động thái quan trọng nhất để mời quốc gia này ký Hiệp định Abraham và tiến tới tham gia I2-U2. Trong khi đó, Trung Quốc đã trở thành trung gian hòa giải quan hệ Ả Rập Saudi – Iran vào tháng 3/2023[23], điều chưa từng có trong lịch sử khi hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite đã xung đột và mâu thuẫn với nhau hàng nghìn năm kể từ sự ra đi của Mohammed.
Thứ hai, việc hình thành I2-U2 sẽ khó cho Hoa Kỳ trong cách triển khai. Hoa Kỳ từ lâu đã quen thuộc với một tổ chức đầy đủ các điều khoản cam kết và động thái rõ ràng. Mặc dù Hoa Kỳ rất mong muốn một tổ chức như ASEAN nhưng khi chuyển sang một tổ chức tương tự như vậy trong thực tế sẽ khó cho Hoa Kỳ đảm bảo rằng các quốc gia I2-U2 sẽ có cam kết lâu dài hay tìm kiếm lợi ích riêng khi Hoa Kỳ suy yếu vì bản chất trật tự thế giới là vô chính phủ.
Thứ ba, việc mong đợi I2-U2 trở thành một tổ chức cân bằng quyền lực với BRICS là khó khả thi. Trong bất kỳ chính sách; chiến lược đối ngoại được triển khai đều hướng đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Do đó, Hoa Kỳ trông chờ vào việc thành lập I2-U2 sẽ đảm bảo mục tiêu duy trì và bảo vệ lợi ích quốc gia này. Tuy nhiên, I2-U2 vừa được thành lập và cần thời gian để đi vào hoạt động thực tiễn. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đang tăng cường can dự vào Châu Phi và khu vực Bắc Cực với nhiều động thái làm phức tạp khu vực, tiềm ẩn những xung đột trong tương lai.
Kết luận
Thế giới đang đứng trước những dịch chuyển cơ cấu quyền lực trong trật tự quốc tế. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang cho thấy vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đang ủng hộ sự độc lập của các nước châu Phi thoát khỏi ảnh hưởng của đồng minh truyền thống Hoa Kỳ như một thế cân bằng với I2-U2 trong tương lai. Do đó, việc thành lập nhóm I2-U2 cùng các quốc gia đối tác; đồng minh sẽ tạo điều kiện cho Hoa Kỳ trở lại dẫn dắt trật tự toàn cầu. Tuy nhiên, siêu cường này phải giải quyết bất đồng các mâu thuẫn trong nội bộ và điều chỉnh lợi ích các bên hợp lý nhằm tránh sự can dự của đối thủ./.
Tác giả: Bùi Gia Kỳ
Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Soliman, M. (2021). An Indo-Abrahamic alliance on the rise: How India, Israel, and the UAE are creating a new transregional order. https://www.mei.edu/publications/indo-abrahamic-alliance-rise-how-india-israel-and-uae-are-creating-new-transregional, truy cập ngày 30/10/2023.
[2] C. Raja Mohan. (2021). India and the new ‘Quad’ in West Asia, https://indianexpress.com/article/opinion/columns/india-and-the-new-quad-in-west-asia-7578842/, truy cập ngày 30/10/2023.
[3] Biden, J. (2022). The Indo-Pacific’s Promise. In Indo-Pacific Strategy, tr. 4.
[4] Biden, J. (2022a). Overview of Our Strategic Approach. In National Security Strategy 2022, tr. 11.
[5] Biden, J. (2022b). Using Diplomacy to Build the Strongest Possible Coalitions, National Security Strategy 2022, tr. 17.
[6] Anh, V. (2023). Ông Biden từ chối cấp đặc quyền để Ukraine gia nhập NATO. https://vnexpress.net/ong-biden-tu-choi-cap-dac-quyen-de-ukraine-gia-nhap-nato-4618900.html, truy cập ngày 30/10/2023.
[7] Biên tập của trang North Atlantic Treaty Organization. (2023). Vilnius Summit Communiqué. https://www.nato.int/cps/en/natohq/official_texts_217320.htm, truy cập ngày 30/10/2023.
[8] Biên tập của trang The White House. (2022). Joint Statement of the Leaders of India, Israel, United Arab Emirates, and the United States (I2U2). https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/07/14/joint-statement-of-the-leaders-of-india-israel-united-arab-emirates-and-the-united-states-i2u2/, truy cập ngày 30/10/2023,
[9] Strategy and Marketing Unit Invest in Israel. (2021). FDI Potential between Countries 2021: China and Israel, truy cập ngày 30/10/2023.
[10] Biên tập của trang InfoBrics. (2022). US corporations own around 30% of Ukrainian arable land. https://infobrics.org/post/36302/, truy cập ngày 30/10/2023.
[11] Biên tập của trang Food and Agriculture Ogranization of the United Nations. (n.d.). India at a glance. https://www.fao.org/india/fao-in-india/india-at-a-glance/en/, truy cập ngày 30/10/2023.
[12] Biên tập của trang World Population Review. (n.d.). Oil Reserves by Country 2023. https://worldpopulationreview.com/country-rankings/oil-reserves-by-country, truy cập ngày 30/10/2023.
[13] Liang, A., & Marsh, N. (2023). Gallium and germanium: What China’s new move in microchip war means for world. https://www.bbc.com/news/business-66118831, truy cập ngày 30/10/2023.
[14] Funaiole, M., Hart, B., & Powers-Riggs, A. (2023). Mineral Monopoly: China’s Control over Gallium. https://features.csis.org/hiddenreach/china-critical-mineral-gallium/, truy cập ngày 30/10/2023.
[15] Balaji. (2023). Which State is India’s Largest Bauxite Producer? https://byjusexamprep.com/upsc-exam/which-state-of-india-is-the-largest-bauxite-producer, truy cập ngày 30/10/2023.
[16] Biên tập của trang Mining Technology. (2020). Countries with the biggest coal reserves. https://www.mining-technology.com/features/feature-the-worlds-biggest-coal-reserves-by-country/, truy cập ngày 30/10/2023.
[17] Zhou, L. (2017). How a Chinese investment boom is changing the face of Djibouti, http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2087374/how-chinese-investment-boom-changing-face-djibouti, truy cập ngày 31/10/2023.
[18] Suciu, P. (2020). China’s Naval Base in Africa Is Getting Bigger. Is a Network of Bases Next? https://nationalinterest.org/blog/buzz/chinas-naval-base-africa-getting-bigger-network-bases-next-153146, truy cập ngày 31/10/2023.
[19] Biden, J. (2022c). Modernizing and Strengthening Our Military, National Security Strategy 2022, tr. 20.
[20] Linh Nguyên. (2023). Mặc cộng đồng Arab ‘dậy sóng’, quốc gia Trung Đông này vẫn không muốn ‘nghỉ chơi’ với Israel, https://baoquocte.vn/mac-cong-dong-arab-day-song-quoc-gia-trung-dong-nay-van-khong-muon-nghi-choi-voi-israel-248945.html, truy cập ngày 10/11/2023.
[21]Aijaz Hussain và Sheikh Saaliq. (2023). India bars protests that support the Palestinians. Analysts say a pro-Israel shift helps at home. https://apnews.com/article/india-kashmir-protests-israel-gaza-f4b431716decb1550522db2e49630d9e, truy cập ngày 10/11/2023.
[22] Aziz El Yaakoubi và Parisa Hafezi. (2023). Saudi Arabia puts Israel deal on ice amid war, engages with Iran, sources say. https://www.reuters.com/world/middle-east/saudi-arabia-puts-israel-deal-ice-amid-war-engages-with-iran-sources-say-2023-10-13/, truy cập ngày 10/11/2023.
[23] Amrita Jash. (2023). Saudi-Iran Deal: A Test Case of China’s Role as an International Mediator. https://gjia.georgetown.edu/2023/06/23/saudi-iran-deal-a-test-case-of-chinas-role-as-an-international-mediator/, truy cập ngày 10/11/2023.