Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines dự kiến triển khai một cơ chế đối thoại ba bên gồm các cố vấn an ninh quốc gia nhằm ứng phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Các cuộc thảo luận đầu tiên dự kiến diễn ra ngay tháng 4/2023. Điều đó khiến cục diện an ninh Đông Á tiếp tục thêm phức tạp khi ngoài JAPHUS, khu vực này vốn đã tồn tại các cơ chế như QUAD (Tứ giác An ninh), AUKUS (thỏa thuận quốc phòng 3 bên) và đều do Hoa Kỳ đứng đầu. Liệu rằng JAPHUS là một giải pháp hữu hiệu cho tình hình an ninh khu vực hay chính bản thân cơ chế này sẽ mang đến một thách thức mới?
Động lực thúc đẩy quá trình hình thành hợp tác 3 bên JAPHUS
Các cơ chế hợp tác an ninh, quân sự hiện có ở khu vực Đông Á chưa đáp ứng được tham vọng kiềm chế Trung Quốc của Hoa Kỳ. Và Washington sẽ không dừng lại cho đến khi đưa tất cả các quốc gia khu vực này vào trong các cơ chế hợp tác do họ đứng đầu, cùng hướng “ngọn giáo” về phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không tìm được lý do nào đủ thuyết phục để lôi kéo tất cả các nước Đông Á vào chung một cơ chế liên minh thống nhất. Do đó, cách duy nhất là cố gắng vận động các quốc gia tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác theo nhóm nhỏ, mỗi nhóm sẽ có chức năng, định hướng hợp tác khác nhau tương ứng với đặc thù của các quốc gia thành viên và quan trọng là đều do Hoa Kỳ đứng đầu.
Rất rõ ràng, tham vọng liên minh hóa, quân sự hóa khu vực Đông Á nhằm kiềm chế Trung Quốc là động lực căn bản cho quá trình thiết lập các cơ chế hợp tác do Hoa Kỳ giữ vai trò điều phối, không riêng gì JAPHUS. Hoa Kỳ muốn các quốc gia đồng minh tăng cường vai trò của họ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế cũng như trên thực địa nhằm chia sẻ gánh nặng về nhân lực, vật lực và sự ủng hộ chính trị với Washington trong cuộc đua dài hơn với Bắc Kinh.
Động lực tiếp theo tới từ 2 quốc gia thành viên còn lại, đó là tham vọng vươn ra bên ngoài của Nhật Bản và việc Philippines muốn chứng minh thiện chí cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ thông qua một hành động cụ thể.
Về phía Nhật Bản, sự thay đổi về chính sách quốc phòng với ba điểm đáng lưu ý: (1) định vị thách thức từ Trung Quốc; (2) nhấn mạnh quyền “phản công” của Nhật Bản; (3) hợp lý hóa kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng. Tương ứng với chính sách mới, Nhật Bản muốn thể hiện nhiều vai trò hơn không chỉ ở Đông Bắc Á mà trên toàn khu vực Đông Á. Và Philippines là một lựa chọn phù hợp đầu tiên đối với tham vọng của cường quốc hoa Anh Đào. Ngày 06/12/2022, các tiêm kích F-15 của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) đã tới căn cứ không quân Clark trên đảo Luzon. Đây là quốc gia thứ ba trên thế giới mà Nhật Bản cử chiến đấu cơ tới, sau Hoa Kỳ và Australia. Điều đáng chú ý, tương ứng với những lần cho chiến đấu cơ hoạt động ở nước ngoài như vậy, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy, tham gia vào các cơ chế an ninh, quốc phòng với các quốc gia này. Tương tự, việc Philippines trở thành nước thứ ba mà Nhật đưa chiến đấu cơ tới là một dấu hiệu quan trọng, báo trước việc thành lập JAPHUS là tất yếu.
Về phía Philippines, sau khoảng thời gian lạnh nhạt trong quan hệ với Hoa Kỳ thời cựu Tổng thống Duterte, đồng thời nhằm chứng minh “quá khứ gia tộc” của tân Tổng thống Marcos (con) sẽ không ảnh hưởng tới mối quan hệ đồng minh truyền thống, việc chấp nhận tham gia một cơ chế an ninh mới do Hoa Kỳ khởi xướng là một tín hiệu tích cực.
Vì sao JAPHUS chỉ là cơ chế hợp tác an ninh hẹp?
Gần như chắc chắn JAPHUS sẽ được thiết lập, vấn đề là tại sao cơ chế này không phải là một liên minh quân sự mà chỉ là một cơ chế hợp tác an ninh giống như QUAD? Một câu hỏi khác cần đặt ra, nếu như nó tương tự như QUAD, thì tại sao lại không mở rộng Bộ Tứ (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) thành Bộ Ngũ (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Philippines)?
Trả lời cho câu hỏi thứ nhất
Philippines chính là nhân tố tạo nên tính đặc trưng của JAPHUS, bởi Hoa Kỳ và Nhật Bản đã cùng hợp tác trong nhiều cơ chế tương tự. Đầu tiên, mục đích nổi bật nhất mà Manila muốn thể hiện là một thiện chí nhằm cải thiện quan hệ với đồng minh. Đồng thời, bản thân Tổng thống Marcos không muốn đất nước tham gia vào một cuộc phiêu lưu quân sự để đối đầu với Bắc Kinh. Tiếp đó, Philippines là một thành viên quan trọng của ASEAN, có trách nhiệm bảo vệ tinh thần chung của khu vực thông qua Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC). Do vậy, việc liên minh hóa, quân sự hóa một thành viên của ASEAN với các nước bên ngoài khu vực là điều tối kị với Đông Nam Á. Do vậy, JAPHUS không thể phớt lờ lợi ích mang tính sống còn của ASEAN. Điều này cũng đã được đề cập trong bài viết: “Philippines trong tham vọng liên minh hóa – quân sự hóa Đông Á của Hoa Kỳ” trên Nghiên cứu Chiến lược rằng, trong tình thế lưỡng nan của Manila, nước này không thể mạo hiểm tham dự vào một cơ chế liên minh quân sự mới.
Đối với câu hỏi thứ hai
Mặc dù QUAD và JAPHUS có chung đặc điểm của một cơ chế hợp tác an ninh cũng như có chung hai thành viên chủ chốt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng cách tiếp cận khác nhau của hai nhân tố Ấn Độ và Philippines là rào cản chính, khiến Hoa Kỳ và các đồng minh không thể mở rộng Bộ Tứ thành Bộ Ngũ.
Thực tế, Ấn Độ và Philippines không hề có mâu thuẫn đáng kể trong quan hệ song phương. Nhưng vấn đề ở chỗ, chính sách “Hành động hướng Đông” của quốc gia này không cho phép New Delhi có những động thái đi ngược với lợi ích của ASEAN – Đối tác Chiến lược Toàn diện của Ấn Độ. Việc cùng Philippines tham gia một cơ chế an ninh hẹp, do Hoa Kỳ đứng đầu có thể sẽ làm dấy lên những nghi ngờ chính sách đối với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á. Mặt khác, quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc đã tồn tại những căng thẳng nhất định, “Bộ Tứ” vốn đã tạo ra một thách thức không nhỏ trong quan hệ giữa hai nước. Nếu như Ấn Độ đồng ý mở rộng QUAD với thành viên mới là một đồng minh của Hoa Kỳ, chắc chắn quan hệ với Bắc Kinh sẽ trở nên căng thẳng hơn một bậc. Do vậy, việc JAPHUS được hình thành thay vì mở rộng Bộ Tứ nhiều khả năng có liên quan đến chính sách thận trọng của Ấn Độ.
Dự báo phản ứng của các bên đối với JAPHUS
Đối với Trung Quốc, là chủ thể chính mà JAPHUS nhắm đến, Bắc Kinh sẽ là bên có động thái phản ứng mạnh mẽ nhất đối với hợp tác an ninh ba bên này. Giống như động thái mà họ đã từng thể hiện với hợp tác an ninh “Bộ Tứ”, Bắc Kinh sẽ cho rằng JAPHUS là một biểu hiện của tâm lý Chiến tranh Lạnh, đe dọa đến tình hình an ninh của khu vực Đông Á. Đồng thời, JAPHUS sẽ khiến quan hệ giữa Trung Quốc với ba thành viên trở nên phức tạp, căng thẳng hơn. Quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản sẽ khó có thể được cải thiện, thậm chí những tuyên bố thiếu thiện chí giữa hai bên sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc hơn và nghiêm trọng hơn. Tính chất đối đầu trong quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ sẽ bước thêm một nấc thang mới và Philippines sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản đầu tư từ phía Bắc Kinh. Thậm chí, các nỗ lực đã đạt được từ đàm phán Trung Quốc – Philippines vừa diễn ra có thể sẽ phải gác lại.
Phản ứng của ASEAN, tổ chức này sẽ không hoan nghênh ý tưởng thành lập cơ chế hợp tác này bởi nhiều nguyên nhân. Một là, JAPHUS vốn dĩ không phù hợp với tinh thần chung của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) – bộ khung cốt lõi đối với định hướng phát triển của khu vực Đông Nam Á. Hai là, khi một thành viên bất kỳ của tổ chức tham gia vào các cơ chế hợp tác an ninh hẹp kiểu như vậy sẽ làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN. Ba là, JAPHUS sẽ tạo tiền đề cho Hoa Kỳ và Nhật Bản gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á. Điều đó sẽ khiến “ngoại giao phòng ngừa” của Đông Nam Á đứng trước một thách thức không nhỏ. Đặc biệt, nó có thể khiến những nỗ lực đàm phán COC của ASEAN với Trung Quốc đi vào bế tắc. Tuy nhiên, ASEAN cũng khó có thể đưa ra một tuyên bố phản đối một cách cụ thể, do “đồng thuận” không thể đạt được bởi chính Philippines là một thành viên của JAPHUS và một số quốc gia trong khu vực có chính sách thân Hoa Kỳ.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế, sự phân tuyến của cộng đồng quốc tế đã được thấy rõ qua các sự kiện xung đột gần đây. Nga cùng các quốc gia thân thiết với Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng về phía Bắc Kinh, phản đối các mô hình liên kết hẹp như JAPHUS. Một bộ phận sẽ có phản ứng ngược lại bao gồm các nước đồng minh phương Tây cũng như đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Á. Phần còn lại của thế giới sẽ tìm cách im lặng hoặc né tránh bởi họ không muốn bị cuốn vào cuộc đối đầu giữa các nước lớn.
JAPHUS sẽ không mang đến một giải pháp mang tính xây dựng cho an ninh Đông Á
Thay vì tạo ra một cơ chế an ninh bao gồm đầy đủ các thực thể trong khu vực để cùng thảo luận, tìm kiếm các giải pháp duy trì hòa bình, ổn định thì các cơ chế an ninh, quốc phòng do Hoa Kỳ đứng đầu lại có xu hướng thu hẹp, có chọn lọc với mục đích không quá khó để nhận ra là nhằm vào Trung Quốc. Tương tự như Bộ Tứ và thỏa thuận ba bên AUKUS, JAPHUS cũng sẽ tạo ra những thách thức đối với an ninh Đông Á.
Thứ nhất, làm suy yếu các cơ chế hợp tác khu vực. Điều này được minh chứng một cách rất rõ thông qua việc cơ chế đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã bị tạm dừng kể từ năm 2019, khiến xu thế hợp tác khu vực Đông Bắc Á đang ở giai đoạn bế tắc. Ở Đông Nam Á, hành động của Philippines sẽ làm ASEAN gặp khó khăn trong quá trình tăng cường vai trò trung tâm của khối đối với các vấn đề khu vực. Sự tăng cường hiện diện của Nhật Bản ở Đông Nam Á cùng với Hoa Kỳ sẽ làm cuộc cạnh tranh Hoa Kỳ – Trung tại Biển Đông càng trở nên phức tạp. Thay vì gỡ rối, JAPHUS làm tăng thêm độ khó cho bài toán an ninh tại Biển Đông nói riêng và toàn khu vực Đông Á nói chung.
Thứ hai, JAPHUS làm suy yếu lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt giữa Trung Quốc với ba thành viên của cơ chế hợp tác này. Các cơ chế hợp tác ASEAN + sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Đồng thời làm gia tăng các nghi ngờ trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN với Philippines. Hợp tác nội bộ ASEAN sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, khiến những nỗ lực chung của khối từ sau Chiến tranh Lạnh có thể sụp đổ.
Thứ ba, JAPHUS tiếp tục góp thêm giọt nước cho một chiếc ly vốn đã đầy, đẩy nhanh quá trình chạy đua vũ trang và quá trình phân tuyến theo mô hình lưỡng cực Chiến tranh Lạnh ở Đông Á. Lòng tin chính trị suy yếu là nhân tố quan trọng thúc đẩy toàn khu vực vũ trang hóa, JAPHUS đã đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang theo cách như vậy. Điều đó chỉ khiến tình hình an ninh Đông Á trở nên rối ren hơn, bất cứ mâu thuẫn nhỏ nào cũng có thể thổi bùng nên căng thẳng.
Một số gợi ý đối với Việt Nam
JAPHUS không phải liên kết hẹp đầu tiên được hình thành ở khu vực Đông Á. Do vậy, những thách thức mà nó tạo ra không phải quá mới mẻ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những điểm đáng chú ý, cần nghiêm túc nhìn nhận liên quan đến cơ chế hợp tác này.
Thứ nhất, cần đánh giá một cách toàn diện xu hướng liên minh hóa, quân sự hóa khu vực Đông Á. Rõ ràng, QUAD, AUKUS và hiện tại là JAPHUS đang phản ánh một “quy trình” liên minh hóa Đông Á hết sức bài bản của Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Kế hoạch lớn của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở đó, việc nâng cấp, mở rộng hoặc hình thành các cơ chế hợp tác mới có thể tiếp diễn. Nhận định đúng đắn xu hướng này sẽ góp phần đưa ra những dự báo chính sách quan trọng cho các quốc gia vốn vẫn theo đuổi chính sách không liên kết, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, thông qua ASEAN, Việt Nam cần có tiếng nói quan trọng trong việc bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì “ngoại giao phòng ngừa” của khu vực, sớm có những giải pháp ngăn ngừa sự can thiệp của các nước lớn vào khu vực thông qua “tiền đồn” Philippines. Ngoại giao đa phương của Việt Nam đang đóng vai trò ngày một lớn, trong đó, hợp tác ASEAN là một ưu tiên hàng đầu. Việc một thành viên ASEAN theo đuổi chính sách liên kết, liên minh là điều bất lợi đối với hợp tác khu vực. Do đó, ASEAN không thể không có những tính toán phù hợp, bắt kịp với yêu cầu thực tế. Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Việt Nam cần chủ động có những sáng kiến phù hợp thay vì bị động, phụ thuộc vào mong muốn của các quốc gia thành viên khác.
Thứ ba, cần giữ vững chính sách không liên kết, không để bị cuốn vào quá trình phân chia chiến tuyến ở khu vực Đông Á. Kể từ khi hội nhập sâu rộng với quốc tế, chính sách không liên kết là yếu tố căn bản giúp Việt Nam có được tính độc lập trong các quyết sách của mình. Quá trình hiện đại hóa, phát triển kinh tế đất nước vẫn còn một chặng đường dài phía trước, Việt Nam cần tránh bị cuốn vào cuộc đua tranh giữa các nước lớn, cần tận dụng tối đa mặt tích cực trong các mối quan hệ song phương và đa phương phục vụ quá trình phát triển. Việc chọn bên là điều tối kị trong thời điểm hiện tại, đồng thời cần đảm bảo được nguyên tắc “bốn không một tùy” trong sách trắng quốc phòng 2019.
Thứ tư, tiếp tục triển khai quá trình hiện đại hóa quân đội đủ khả năng ứng phó với những biến động mới của khu vực. Mặc dù phản đối quá trình chạy đua vũ trang trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực, nhưng việc hiện đại hóa quân đội là nhu cầu tất yếu trước những thách thức mới của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh các mối quan hệ chồng chéo, đan xen phức tạp như hiện nay, việc đa dạng hóa trong hợp tác quốc phòng cần đảm bảo quan điểm “đa dạng có chọn lọc”, không vì đẩy mạnh đa dạng hóa mà làm mất cân đối chiến lược quốc phòng vốn có của Việt Nam.
Sự hình thành của JAPHUS đang phản ánh chiều hướng ngày một phức tạp của tình hình an ninh Đông Á. Bài toán an ninh khu vực sẽ xuất hiện nhiều biến số mới và quá trình đi tìm lời giải sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn./.
Tác giả: Hoàng Hải