Trang mạng Geopolitical Monitor (Canada) mới đây có bài viết nhận định rằng với tư cách một cường quốc vươn lên từ đống tro tàn của Liên Xô trước đây, Nga đã phải rất nỗ lực để khôi phục quyền bá chủ địa chính trị của mình trong không gian hậu Xôviết nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của phương Tây, tăng cường an ninh quốc gia, đảo ngược thế tương quan lực lượng bất lợi, xây dựng lại cấu trúc an ninh châu Âu nhằm triển khai các mệnh lệnh chiến lược. Cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine chỉ là bằng chứng mới nhất – và chắc chắn là tàn nhẫn nhất – cho thấy quyết tâm của Nga trong việc theo đuổi các mục tiêu này. Tuy nhiên, trong nỗ lực khẳng định lại vị thế của mình như một lực lượng được đánh giá cao trên toàn cầu, Moskva cũng đã củng cố vị thế của mình ngoài khu vực lân cận. Trên thực tế, có thể nhận thấy tầm ảnh hưởng của Nga ngay cả ở châu Mỹ (Tây bán cầu), cách xa “không gian sinh tồn” tự nhiên của nước này. Sự phát triển này thách thức ý tưởng cốt lõi của Học thuyết Monroe – quan niệm cho rằng Tây bán cầu thuộc phạm vi ảnh hưởng độc quyền của Washington. Theo quan điểm lý thuyết của Nicholas Spykman, ranh giới địa chính trị xác định phạm vi của an ninh quốc gia Mỹ chạy từ Alaska và Greenland đến Colombia, vạch ra một khu vực bao gồm Canada, Mexico, eo đất Trung Mỹ và lưu vực Caribe.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga ở Tây bán cầu không phải là điều mới mẻ. Người Nga đã chinh phục Alaska thông qua các khu định cư, tiền đồn thương mại, hoạt động truyền giáo và thậm chí cả vũ lực. Lợi ích càng được thúc đẩy bởi lợi nhuận mang lại từ việc buôn bán lông thú phát triển mạnh. Hơn nữa, trong bối cảnh nội chiến Mỹ, Đế chế Nga đã hậu thuẫn về mặt ngoại giao cho Liên bang miền Bắc và thậm chí điều tàu chiến đến các cảng chiến lược của Mỹ để ngăn chặn sự can thiệp quân sự trực tiếp của Anh hoặc Pháp – những đối thủ mà Nga cần phải giải quyết sau Chiến tranh Crimea và có xu hướng ủng hộ Liên minh miền Nam. Ngay sau chiến thắng của phe miền Bắc, Alaska đã được Nga bán cho Mỹ vì chi phí duy trì ngày càng cao so với lợi ích. Nga kỳ vọng rằng việc Mỹ tiếp quản Alaska sẽ làm suy yếu vị thế của Anh trong vùng biển phía Đông của Canada. Đổi lại, Washington muốn có Alaska vì đây là cửa ngõ vào châu Á và là mũi nhọn của sức mạnh hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trong Chiến tranh Lạnh, nỗ lực của Liên Xô nhằm đặt tên lửa đạn đạo ở Cuba – nước đã gia nhập khối xã hội chủ nghĩa dưới chế độ cách mạng của Fidel Castro – đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn, gần như khơi mào một cuộc đối đầu hạt nhân giữa các siêu cường hàng đầu thế giới. Sự hiện diện mang tính tác chiến của kho vũ khí hạt nhân Liên Xô ở quốc gia Caribe này hẳn có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với Washington vì nó đe dọa cửa sông Mississippi, trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ và một phần đáng kể của Bờ Đông. Trong những năm 1980, Điện Kremlin đã hỗ trợ các lực lượng cánh tả trong các cuộc nội chiến nổ ra ở Trung Mỹ. Đáp lại, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc đã tài trợ cho các đội quân bán vũ trang cánh hữu. Hơn nữa, thông qua mạng lưới gián điệp nằm vùng ở nước ngoài, Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) đã hoạt động tích cực ở khu vực trong các hoạt động gián điệp, âm mưu chính trị, chiêu mộ đặc vụ, kích động về tư tưởng, hoạt động bình phong, kích động lật đổ, và nhiều âm mưu bí mật khác.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, phần lớn ảnh hưởng của Nga đã biến mất khỏi Tây bán cầu. Tuy nhiên, có 4 bước ngoặt tạo cơ hội cho người Nga trở lại. Thứ nhất, sự tập trung quá mức vào Trung Đông, Trung Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Mỹ trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đã để lại một khoảng trống quyền lực mà các bên tham gia cả trong và ngoài khu vực đều có thể khai thác. Đối với Điện Kremlin, sẽ là không khôn ngoan nếu không tranh thủ cơ hội này. Thứ hai, sự trỗi dậy của các chính phủ độc tài cánh tả, do sự tích tụ của những bất bình, phẫn nộ và tình trạng người dân bị tước quyền, với các chính sách dân tộc chủ nghĩa nhằm vào lợi ích của Mỹ, đã tạo ra một bầu không khí chính trị thuận lợi. Việc các thành viên cứng rắn nhất của “trục Bolivar” đang nổi lên lợi dụng phong trào đấu tranh “chống đế quốc” đã thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm sự ủng hộ của nước ngoài, mà sự hỗ trợ của họ có thể giúp giảm thiểu một số tác động trực tiếp nhất từ các đòn trả đũa có thể dự đoán được của Washington.
Ngoài ra, việc Mỹ dính líu tới cái gọi là các cuộc “cách mạng màu” ở Liên Xô trước đây và việc NATO mở rộng về phía Đông đã gây ra phản ứng mạnh từ Moskva, giống như các nhà tư tưởng hiện thực George Kennan, Henry Kissinger, Kenneth Waltz và John Mearsheimer đã cảnh báo trước. Để đối phó, Điện Kremlin quyết định tăng cường sự hiện diện địa chính trị của mình ở Tây bán cầu. Xét cho cùng, đối với các nước Bolivar, Nga là một ứng cử viên thích hợp có đủ phương tiện và động cơ để cung cấp hình thức bảo trợ mà họ cần, cũng như một nguồn lợi ích kinh tế có thể bù đắp cho những hạn chế của họ về khả năng tiếp cận thương mại và nguồn vốn. Thêm vào đó, Điện Kremlin sẽ không chỉ trích họ về dân chủ tự do, thị trường tự do hoặc tính minh bạch. Tuy nhiên, động thái này là phản ứng dựa trên những tính toán về quản lý nhà nước lấy cảm hứng từ chính sách thực dụng, chứ không phải được thúc đẩy bởi nền tảng ý thức hệ.
Yếu tố chính thứ tư là sự hiện diện địa kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực thông qua đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, hoạt động kinh doanh, quan hệ đối tác thương mại, liên doanh, hạn mức tín dụng, hỗ trợ công nghệ và các dự án cơ sở hạ tầng. Theo quan điểm của Nga, nỗ lực này cho thấy vị thế của Washington ở sân sau của chính họ không còn vững chắc như trước đây. Theo đó, Mỹ Latinh có lẽ cũng có thể mang lại cơ hội cho Điện Kremlin. Về vấn đề này, bài viết sẽ xem xét sự can dự của Nga vào các nước Mỹ Latinh trọng yếu.
1. Cuba
Cuba, từng là một vệ tinh của Liên Xô, bất ngờ bị mất đi các khoản trợ cấp hào phóng và sự bảo trợ địa chính trị sau khi Liên Xô sụp đổ. La Habana không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các cải cách kinh tế nhỏ, lôi kéo các đồng minh Mỹ Latinh cùng chí hướng và nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương với Washington. Tuy nhiên, để đa dạng hóa quan hệ đối tác, Cuba đã chào đón và tiếp nhận các lợi ích của Trung Quốc và Nga. Theo quan điểm của La Habana, việc đảm bảo sự hỗ trợ của cả hai nước này rất quan trọng để đối phó với các nguy cơ bên ngoài và bên trong. Mặc dù Bắc Kinh giàu có hơn Moskva, nhưng Moskva lại thân thiết với Cuba hơn, vì sự gần gũi với Nga được vun đắp suốt nhiều thập kỷ trong Chiến tranh Lạnh. Ngày đó, sinh viên Cuba được học trong các trường đại học của Liên Xô, tiếng Nga được giảng dạy rộng rãi ở Cuba, giới tinh hoa cầm quyền của Đảng Cộng sản Cuba thường xuyên liên lạc với các đối tác Liên Xô, và hai bên có sự cộng tác tích cực trong lĩnh vực tình báo, quân sự, ngoại giao và thậm chí cả các hoạt động tác chiến được thực hiện trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ngoài khu vực. Do đó, một nền tảng vững chắc đã tạo điều kiện cho nỗ lực khơi dậy mối quan hệ này trong thế kỷ 21.
Đã có những dấu hiệu và cử chỉ mang tính biểu tượng hướng tới việc tái khởi động hợp tác quân sự. Ngoài ra, quân đội Cuba đã trở nên rất lạc hậu sau khi Liên Xô sụp đổ; vì vậy, việc tiếp cận với các loại vũ khí hiện đại của Nga sẽ rất hữu ích, nhất là nếu Cuba được hưởng các điều kiện tài chính thuận lợi để mua chúng. Tương tự, khả năng mở lại trạm Lourdes SIGINT – một trạm thu phát tín hiệu được sử dụng để theo dõi người Mỹ trong Chiến tranh Lạnh – cũng đã được thảo luận. Gần đây, khả năng Nga hiện diện quân sự trực tiếp tại Cuba đã được giới chức Nga đề cập, nhưng không rõ hai bên đã vạch ra kế hoạch thực hiện trong tương lai gần hay chưa.
Hơn nữa, khía cạnh kinh tế trong việc đổi mới quan hệ Nga-Cuba cũng rất đáng kể. Ví dụ, năm 2013, Moskva đã quyết định xóa bỏ gần 90% khoản nợ của Cuba. Do nền kinh tế Cuba còn yếu, nước này nhiều khả năng sẽ không thanh toán được tổng số nợ này, nhưng sự nhượng bộ này hẳn đã được đưa ra để đổi lấy sự ưu ái từ La Habana. Chi tiết chính xác vẫn chưa được tiết lộ, nhưng Cuba là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất các quan điểm ngoại giao của Nga. Nói cách khác, việc hồi đáp lại các ưu đãi về kinh tế không nhất thiết phải được giải quyết bằng tiền. Ngoài ra, các công ty Nga cũng tham gia các liên doanh có các dự án quy mô lớn nhằm tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của Cuba, bao gồm cả các mỏ dầu ngoài khơi và niken. Ngoài ra, Moskva đã đề nghị hỗ trợ để cải thiện năng lực kinh tế và công nghiệp của Cuba, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, cơ sở hạ tầng, viễn thông và công nghệ sinh học.
2. Venezuela
Sau khi Hugo Chávez trở thành tổng thống, Venezuela đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với các nước Mỹ Latinh có chung chí hướng chống Mỹ và với các cường quốc Á-Âu có chương trình nghị sự theo chủ nghĩa xét lại. Do đó, Nga đã trở thành một đồng minh chiến lược chủ chốt của Caracas. Hai bên đã hỗ trợ lẫn nhau rất nhiều trong ngoại giao và Moskva đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ Venezuela mà đứng đầu là Nicolas Maduro, người kế nhiệm do chính Chávez lựa chọn. Có thể nhận thấy rõ sự hậu thuẫn này bất cứ khi nào chế độ của Venezuela gặp áp lực. Ví dụ, một vài năm trước, các máy bay ném bom chiến lược của Nga đã được điều đến Venezuela như một cách thể hiện thẳng thắn sự ủng hộ vững chắc của Điện Kremlin khi Caracas đang bị lung lay bởi bất ổn chính trị. Chế độ Venezuela được cho là đủ sức mạnh và khả năng phục hồi để tự mình xử lý các đối thủ trong nước, nhưng việc dựa vào một đồng minh mạnh ngoài khu vực sẽ giúp nước này đứng vững hơn. Quan trọng hơn, Venezuela là khách hàng mua vũ khí của Nga, bao gồm súng trường tấn công, xe tăng, máy bay chiến đấu, trực thăng và tên lửa. Việc cung cấp khí tài quân sự đã làm gia tăng “sức mạnh cứng” của Caracas, ngăn chặn một cuộc nổi dậy của phe bất đồng chính kiến cũng như sự can thiệp quân sự của nước ngoài, và ở một mức độ nhất định đã cân bằng sự hiện diện của các lực lượng Mỹ ở nước láng giềng Colombia. Hơn nữa, theo một số báo, lính đánh thuê từ Tập đoàn Wagner – một công ty quân sự tư nhân của Nga – đang hoạt động ở Venezuela với tư cách là lực lượng bảo vệ tài sản của Nga và cũng là vệ sĩ cho các quan chức cấp cao Venezuela.
Mặc dù Venezuela không phải là một thị trường tiêu dùng thịnh vượng hay một cường quốc công nghiệp, nhưng nước này có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược. Do đó, Moskva là nhà cung cấp các khoản tín dụng và đầu tư, hiện diện trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Venezuela, chẳng hạn như sản xuất dầu và khai thác vàng. Với sự bất đối xứng hiện tại thì Nga có ưu thế hơn, nên Caracas muốn làm hài lòng các đối tác Nga, bao gồm các công ty nhà nước và công ty tư nhân. Điều quan trọng hơn là các lợi ích kinh tế, thương mại và tài chính mà Điện Kremlin cung cấp có thể được hoàn trả bằng những sự nhượng bộ về chính trị, quân sự, ngoại giao và chiến lược. Do đó, dòng tiền của Nga vào Venezuela đang được đền đáp bằng những lợi ích có giá trị hơn lợi nhuận đơn thuần. Đối với Caracas, thỏa thuận này đảm bảo rằng Moskva ủng hộ sự tồn tại của chế độ do Maduro đứng đầu. Ngoài ra, theo các nguồn tin mở, sự hỗ trợ của Nga đã cho phép Venezuela sử dụng lĩnh vực tiền điện tử không biên giới như một kênh phù hợp để chống lại các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt. Cần phải nhớ rằng Nga là một trong những chủ mưu hàng đầu trong một chiến dịch trên toàn thế giới nhằm làm suy yếu quyền bá chủ của đồng USD và sự kiểm soát đáng kể của Mỹ đối với huyết mạch tài chính quốc tế.
Tóm lại, Venezuela ngày càng trở thành một chỗ đứng chiến lược quan trọng đối với kế hoạch gây ảnh hưởng của Nga ở châu Mỹ. Mặc dù chưa thể coi chế độ Venezuela là một đối tác lý tưởng hoặc ổn định, nhưng Moskva sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước sự bất lợi đó miễn là có cơ hội giao dịch thực dụng để xác lập vị thế ở một vị trí tuyến đầu quan trọng như vậy. Theo đó, xét tới chiều sâu của sự can dự của Nga ở Venezuela, sự thay đổi chế độ ở Caracas – thông qua một cuộc đảo chính, nội chiến hay “cách mạng màu” – sẽ gây bất lợi cho chương trình nghị sự địa chính trị khu vực của Moskva và gây trở ngại cho Nga trong việc duy trì danh tiếng của một chủ thể bảo vệ hiệu quả cho các đồng minh bị bao vây.
3. Nicaragua
Nga bắt đầu can dự vào Trung Mỹ khi Liên Xô ủng hộ chế độ cánh tả do các chiến binh Sandinista thiết lập trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm nổ ra vào những năm 1980. Bên còn lại ở chiến trường này – các đội bán vũ trang cánh hữu được gọi là “contra” – được Washington hỗ trợ một cách bí mật dưới thời Chính quyền Reagan như một phần của cuộc thập tự chinh toàn cầu nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Liên Xô bằng cách lật đổ các chính phủ thuộc thế giới thứ ba liên kết với Moskva. Sự hậu thuẫn của Liên Xô bao gồm hỗ trợ quân sự, ngoại giao, chính trị và kinh tế. Cuộc chiến này không phải là nhỏ, vì các đợt sóng xung động mà nó gây ra có khả năng nhấn chìm các nước khác.
Việc Chiến tranh Lạnh kết thúc và lực lượng Sandinista bị lật đổ sau bầu cử đã khép lại chương này. Tuy nhiên, sự trở lại nắm quyền của lực lượng này ở Nicaragua, dưới sự lãnh đạo của Daniel Ortega vào năm 2007, đã đánh dấu một bước ngoặt trong định hướng chiến lược của đất nước. Vận may tạo ra cơ hội đáng để khai thác và Điện Kremlin không thể để lãng phí nó. Thời điểm đó, Nga đã phục hồi sau những xáo trộn mà họ trải qua trong những năm 1990 và sẵn sàng đối đầu với Washington như một phản ứng trước sự bao vây ngày càng tăng nhằm vào Nga. Xét tới các tiền lệ trước đây và nhu cầu cấp bách tìm kiếm chủ thể ủng hộ nhằm giúp giải quyết căng thẳng với Mỹ xung quanh những bất đồng không thể hóa giải, Tổng thống Ortega đã nhiệt tình đón nhận sự bảo trợ của Nga.
Kể từ đó, hợp tác song phương đã phát triển mạnh mẽ trên quy mô chưa từng có. Nicaragua đã ủng hộ lợi ích của Moskva về mặt ngoại giao ngay cả ở một số điểm nóng gây tranh cãi nhất trong không gian hậu Xôviết (chẳng hạn như việc công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, sáp nhập Crimea và tấn công Ukraine). Đổi lại, Nga đã ủng hộ chế độ Ortega thông qua việc cung cấp viện trợ, tiền mặt và thiết bị quân sự. Trong hoàn cảnh đó, sự hiện diện của Nga tại quốc gia này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi Chính phủ Nicaragua ngày càng khiến Washington không hài lòng. Hơn nữa, sự huấn luyện của Nga đã nâng cấp năng lực thể chế của lực lượng an ninh Nicaragua, một nguồn “sức mạnh cứng” mang lại sự ổn định chính trị trong thời kỳ khó khăn, cũng như lợi thế đáng kể trong trường hợp xảy ra bất ổn dân sự.
Nicaragua không mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Moskva. Tuy nhiên, vị trí địa lý của nước này thích hợp để thực hiện các hoạt động mang tính biểu tượng. Ngoài ra, Nicaragua còn là nơi đặt một trạm mặt đất của Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu của Nga (GLONASS) do cơ quan vũ trụ Nga Roskosmos điều hành. Mặc dù mục đích của cơ sở nói trên có thể mang tính dân sự thuần túy, nhưng nó cũng có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo từ tín hiệu (SIGINT).
4. Các cam kết bổ sung
Thông qua Venezuela, Cuba và Nicaragua, Nga đã lần lượt xâm nhập Nam Mỹ, Caribe và Trung Mỹ. Tuy nhiên, sự ổn định của những cầu nối này về lâu dài không vững chắc. Do đó, việc tiếp cận các chủ thể nặng ký trong khu vực có tính ổn định hơn để tìm kiếm cơ hội phòng ngừa rủi ro rất có ý nghĩa đối với Moskva. Vì thế, Nga đã đầu tư phát triển các mối quan hệ với Brazil, Mexico và Argentina. Giống như với các nhà nước bất hảo, Điện Kremlin cũng có khả năng tiếp cận các nước mà chính phủ của họ có tính hợp pháp cao hơn.
Brazil và Nga đều là thành viên của khối BRICS, một nhóm không chính thức gồm các nước vừa được coi là các nền kinh tế mới nổi, vừa được coi là các cường quốc đang lên. Điều thú vị là mẫu số chung giữa Nga và Brazil nằm ở mối quan tâm đối với sự cân bằng quyền lực đa cực, một cấu trúc cho phép họ đạt được quyền bá chủ trong khu vực lân cận. Vì phạm vi ảnh hưởng tiềm tàng của họ không trùng lặp, nên hai nước này có tiềm năng hợp tác ở những lĩnh vực khác. Trên thực tế, mặc dù có những khác biệt về ý thức hệ, song cả hai chính phủ cánh tả và cánh hữu Brazil đều duy trì mối liên hệ với Nga. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi địa chính trị được định hình bởi các lực lượng vô tri chứ không phải do con người quyết định. Ví dụ, Moskva đã liên tục ủng hộ nỗ lực của Brazil để trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thêm vào đó, Nga là một thị trường tiêu thụ nguyên liệu thô và thực phẩm xuất khẩu của Brazil, mang lại lợi nhuận cao, đồng thời cũng là nhà cung cấp phân bón cho nông nghiệp Brazil. Ví dụ gần đây nhất về mối quan hệ Nga-Brazil là chuyến thăm chính thức của Tổng thống Jair Bolsonaro tới Moskva, khiến Washington phẫn nộ. Mỹ coi chuyến thăm là một hành động thách thức vì nó diễn ra khi căng thẳng trong vấn đề Ukraine đang gia tăng. Cho đến nay, Chính phủ Brazil vẫn giữ thái độ trung lập đối với cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn, ví dụ như việc vận chuyển vũ khí của Nga tới Caracas là một vấn đề đối với Brazil, vì nước này xem Venezuela là “kẻ gây rối” và có nguy cơ trở thành nhà nước thất thủ.
Trong khi đó, Nga và Mexico đã thúc đẩy việc cải thiện quan hệ song phương ở mức độ khiêm tốn. Xét cho cùng, Mexico đang ở trong tình thế phức tạp. Bị ràng buộc chặt chẽ với quỹ đạo địa chính trị và địa kinh tế của Washington, nước này phải bù đắp cho những điểm bất cân xứng hiện có trong quan hệ với Mỹ, nhưng đồng thời, họ cũng không đủ khả năng xa lánh Mỹ hay kết hợp với các đối thủ của nước này. Do đó, Mexico cần phát triển một mối liên kết độc lập, thận trọng và thực dụng với các cường quốc ngoài khu vực như một chính sách bảo hiểm nhằm trang bị lá chắn trước những căng thẳng địa chính trị. Việc thực hiện hành động cân bằng này phụ thuộc vào khả năng quản lý đất nước, nhất là nếu Mexico muốn duy trì quyền tự quyết lâu dài. Nếu không, nước này có thể rơi vào thế bất lợi trong cuộc đối đầu đang nảy sinh giữa các cường quốc. Do đó, mặc dù quan hệ song phương thiếu chiều sâu chiến lược và sự hợp tác còn hạn chế, nhưng Mexico vẫn nhận được 20 triệu liều vaccine Sputnik-V của Nga trong năm 2021. Tương tự, thông qua quan hệ đối tác với công ty Eni của Italy, công ty Lukoil của Nga đã phát hiện ra một mỏ dầu ở vịnh Mexico, trong khu vực mà họ được cấp phép thăm dò và sản xuất dầu khí năm 2017, với sản lượng ước tính khoảng 250 triệu thùng. Nỗ lực của nhà nước Mexico nhằm phòng ngừa rủi ro cho các quyết định chiến lược của mình được thể hiện qua động thái ngoại giao lên án cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các xung đột, nhưng đồng thời lại do dự trước việc tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.
Trong trường hợp của Argentina, nước này cũng đã nhận vaccine của Nga và có kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Trong chuyến thăm gần đây tới Điện Kremlin, Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến việc tăng cường quan hệ song phương và đề nghị tạo điều kiện thúc đẩy sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Nga ở Mỹ Latinh. Sự mời chào táo bạo này của Argentina đối với Moskva với tư cách là một đối tác chiến lược tiềm năng rõ ràng sẽ giúp Buenos Aires vượt lên trên lập trường trước đây là gắn kết chặt chẽ với các lợi ích của Mỹ (một xu hướng không còn được xem là có lợi nữa) và vượt qua các gánh nặng như khoản nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Mỹ và các tổ chức tài chính tư nhân của Mỹ. Về cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra, quan điểm của Argentina khá giống với Mexico.
5. Kết luận
Là một bên tham gia theo chủ nghĩa xét lại trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu, Nga đã có được chỗ đứng nhất định ở châu Mỹ. Do đó, Nga đã lôi kéo các chế độ đang cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ bên ngoài để xử lý các mối quan hệ không mấy dễ chịu của họ với Mỹ. Đối với Moskva, những điểm tiếp cận này đóng vai trò vừa là tác nhân gây rối, gây xao nhãng chiến lược, vừa là đòn bẩy và con bài thương lượng có thể có ích trong việc củng cố quyền bá chủ khu vực của Nga trong không gian hậu Xôviết. Do đó, Nga khó có thể sẵn sàng tham chiến để bảo vệ Cuba, Venezuela hay Nicaragua, và dù muốn thì nước này cũng thiếu năng lực hậu cần để thực hiện việc huy động quân sự cần thiết. Tuy nhiên, ít nhất trong thời điểm hiện tại, những quan hệ đối tác này là công cụ để Moskva củng cố vị thế và đối đầu với Washington tại sân sau của chính họ. Nói cách khác, mối quan hệ cộng sinh này không được bồi đắp bởi các yếu tố ý thức hệ. Thay vào đó, vì nó xuất hiện do các nhu cầu bổ sung, nên tất cả đều là vì lợi ích quốc gia dân tộc. Ngay cả sự sụp đổ của các chính phủ các nước Cuba, Venezuela hay Nicaragua cũng sẽ vẫn được Moskva ngầm hoan nghênh, nhất là khi bất cứ điều gì gây ra rắc rối cho Mỹ (và các quốc gia thất thủ ở Tây bán cầu chắc chắn sẽ thúc đẩy sự bất ổn khu vực) đều được xem là yếu tố thuận lợi đối với lợi ích quốc gia của Nga.
Hơn nữa, Nga đã có những nỗ lực thận trọng hơn nhằm tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Brazil, Mexico và Argentina. Không giống như Venezuela, Nicaragua hay Cuba, những nước này không thể bị đối xử như các chư hầu, vệ tinh hay nước được bảo trợ. Việc phát triển các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi mang lại nền tảng ổn định để hình thành các quan hệ đối tác lâu dài, với tiềm năng đáng được khám phá. Sự can dự với các chủ thể nặng ký trong khu vực trên cơ sở đôi bên cùng có lợi như vậy cho thấy Nga đang thúc đẩy sự xuất hiện của cán cân quyền lực đa cực ở Tây bán cầu. Sự đa dạng như vậy chắc chắn sẽ làm suy yếu vị thế vượt trội của Washington, vốn được xem là trung tâm địa chính trị duy nhất trong khu vực.
Nhìn chung, kế hoạch gây ảnh hưởng của Nga ở Mỹ Latinh đã được tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi thông qua các kênh ngoại giao. Tuy nhiên, có những cách tinh vi hơn để can thiệp vào khu vực này, nhất là với kinh nghiệm dày dạn của Moskva trong lĩnh vực tình báo đối ngoại. Ví dụ, trong trường hợp căng thẳng giữa Mỹ và Nga tiếp tục leo thang, Nga có thể sử dụng “các biện pháp tích cực” (tức là các hành động bí mật). Chiến lược độc đáo này có thể liên quan đến việc kích động bất ổn thông qua việc ngầm khuyến khích các lực lượng chiến binh gây bạo loạn, chiến tranh tâm lý, tấn công mạng, bạo lực chính trị-xã hội hay thậm chí là thao túng các mạng lưới tội phạm có tổ chức ở các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là những nước liên kết với Mỹ hay những nước có sự hiện diện đáng kể của các lợi ích Mỹ. Các phương pháp chiến tranh đa hình thái như vậy không chỉ có mức độ rủi ro thấp mà còn gây tác động lớn. Xét cho cùng, việc gieo rắc sự hỗn loạn ít tốn kém, dễ dàng và nhanh chóng, trong khi việc cố gắng lập lại trật tự lại tốn kém, khó khăn và kéo dài. Thêm vào đó, vẫn còn phải xem liệu Điện Kremlin có tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây thông qua các mạng lưới kinh tế, thương mại, tài chính và tiền tệ ngầm ở khu vực Mỹ Latinh hay không.
Trong khi đó, vẫn chưa biết Mỹ sẽ làm cách nào để đối mặt với những thách thức ngày càng tăng này ở khu vực lân cận. Có những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị giải quyết vấn đề này. Trên thực tế, ngay sau khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mời các quan chức chính phủ Venezuela tham dự các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp dầu thay thế và giảm thiểu tác động của tình trạng giá năng lượng toàn cầu tăng. Đổi lại, Washington được cho là đang xem xét khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trong các cuộc đàm phán tiềm tàng này, Caracas cũng có thể yêu cầu trả lại toàn bộ số vàng dự trữ đã bị Anh đóng băng và/hoặc đòi hỏi Mỹ ngừng ủng hộ việc thay đổi chế độ ở Venezuela. Đề nghị này ít có khả năng được đáp ứng, do bộ máy chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn sẽ kiên quyết từ chối áp dụng chính sách thực dụng và do sự phản đối của một số nhóm vận động chính trị hành lang ở trong nước. Tuy nhiên, nếu đạt được một kết quả thành công, thì đó có thể là tiền lệ cho những nỗ lực tiếp theo của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Nga ở châu Mỹ.
Tóm lại, có rất nhiều bằng chứng cho thấy Tây bán cầu – từng nằm dưới sự giám hộ độc quyền của Washington – đã trở thành mặt trận then chốt của cuộc chiến tranh lạnh mới. Trên chiến trường cạnh tranh chiến lược này, gã khổng lồ Nga có thể sử dụng nhiều quân bài và nước này có động lực để tăng cường nỗ lực của mình sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ đáp trả. Vẫn chưa rõ cuộc cạnh tranh này rốt cuộc sẽ diễn ra như thế nào trong khu vực, nhưng thực tế hiện nay đã chứng minh cho nhận định của Hầu tước Curzon rằng các nước đại diện cho các quân trên bàn cờ của một cuộc chơi lớn xoay quanh quyền thống trị thế giới”./.
HẾT