Với vị thế địa chính trị chiến lược, đều nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Lào và Campuchia nhận được nhiều sự quan tâm và các khoản đầu tư trị giá hàng tỉ đô la từ Trung Quốc góp phần vào những thay đổi tích cực của cả hai quốc gia. Nhưng bên cạnh đó cái giá phải trả cũng không hề rẻ, khi cả hai nước đều đang ở mức nợ công vô cùng cao và có nguy cơ mắc vào “bẫy nợ”. Các tác động về môi trường, văn hoá, xã hội cũng không hề nhỏ.
Về vai trò của Lào và Campuchia đối với Trung Quốc
Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng với chiến lược phát triển của Trung Quốc đặc biệt từ sau Đại hội XVIII (2012), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức tuyên bố phát triển chiến lược cường quốc biển. Với đặc điểm địa lý án ngữ trên đường hàng hải nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tuyến đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới[1] cũng đi qua khu vực này. Bên cạnh đó, việc Mỹ thực hiện chiến lược “chuỗi đảo” nhằm bao vây, kiềm toả đường ra biển (đặc biệt là Thái Bình Dương) của Trung Quốc càng thôi thúc nước này mở đường xuống phía Nam và quyết tâm đưa Đông Nam Á trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển toàn cầu của mình.
Campuchia có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng đối với chiến lược hướng Nam, “ chuỗi ngọc trai’ và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Campuchia là bàn đạp, giúp Trung Quốc tiến sâu, gia tăng ảnh hưởng và loại dần ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi Châu Á – Thái Bình Dương[2]. Vì vậy, trong suốt hai thập kỉ vừa qua, đặc biệt từ sau Đại hội XVIII, Trung Quốc không ngừng mở rộng, làm sâu sắc toàn diện mối quan hệ với Campuchia bằng các dự án đầu tư trị giá hàng tỷ đô la.
Lào là một trong những nước nằm trực tiếp trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và có thể coi là con đường chính trong tuyến vận chuyển hàng hoá và năng lượng bền vững. Sở dĩ Lào có được vị trí quan trọng như vậy là do, tại các quốc gia khác dọc theo BRI của Trung Quốc ít nhiều các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn độ đều có ảnh hưởng và lợi ích tại đó, tình hình an ninh tại các nước đó cũng không mấy ổn định. Vì thế để tránh rủi ro và xung đột lợi ích giữa các nước lớn, Lào trở thành lựa chọn an toàn nhất cho Trung Quốc.
Chính sách của Trung Quốc đối với Lào và Campuchia
Chính sách đối với Lào
Theo một báo cáo nghiên cứu do Viện nghiên cứu Trung Quốc – ASEAN, Đại học Quảng Tây công bố, đầu tư của Trung Quốc vào Lào đã tăng 1.552 lần chỉ sau 16 năm: năm 2003 chỉ là 800.000 USD đến năm 2018 đã lến tới 1,24 tỷ USD với tổng cộng 862 dự án, chiếm 24,68% tổng số dự án nước ngoài của Lào. Ba lĩnh vực đầu tư chính của Trung Quốc vào Lào là sản xuất hàng hoá với 23,54%, nông lâm và nuôi trồng thuỷ sản 23,24% và khai khoáng chiếm 17,99%[3]. Lào là một trong những nước nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vì vậy những dự án đầu tư của Trung Quốc vào nước này nằm nhiều ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông. Những dự án này cũng đã đem lại sự thay đổi theo chiều hướng tích cực cho Lào. Những siêu dự án về hạ tầng trị giá hàng tỷ đô do Trung Quốc góp vốn đầu tư tại Lào có thể kể tới như dự án đường sắt nối liền thành phố Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc ) với thủ đô Viên Chăn (Lào), trị giá 5,8 tỷ USD có chiều dài 417km, tuyến đường sắt là dự án nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc[4].
Bên cạnh các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, Trung Quốc còn đầu tư nhiều vào lĩnh vực năng lượng, cụ thể là các dự án điện. Với địa thế có các con sông lớn và nhiều núi cao, Lào có tham vọng trở thành “cục pin của Đông Nam Á”, và nguồn tiền để Lào hiện thực hoá điều đó không đâu khác đến từ Trung Quốc. Một trong những dự án tiêu biểu có thể nhắc tới là dự án thuỷ điện bậc thang trên sông Nam Ou do tập đoàn xây dựng điện Trung Quốc (PowerChina) đầu tư xây dựng. Dự án Nam Ou bao gồm bảy nhà máy thuỷ điện bậc thang dọc theo sông Nam Ou, là nhánh sông lớn nhất của sông Mekong ở Lào. Dự án được đưa vào vận hành toàn bộ vào tháng 9 năm 2021, có tổng công suất lắp đặt là 1,272 triệu kilowat và công suất phát điện trung bình hàng ănm là 5 tỷ kilowat giờ[5]
Chính sách đối với Campuchia
Trước đây, Campuchia cho rằng Trung Quốc hỗ trọ Polpot và Khmer Đỏ gây nên cuộc diệt chủng tại nước này nên quan hệ ngoại giao giữa hai bên gặp nhiều khó khăn, kém phát triển. Hoạt động thương mại, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia hầu như không diễn ra cho đến sau cuộc bầu cử tại Campuchia năm 1993. Luật đầu tư 1994 được phê duyệt được cho là khá tự do và khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trên cơ sở không phân biệt đối xử. Kể từ đó, Trung Quốc luôn nằm trong top những nước đầu tư vào Campuchia lớn nhất. Trong giai đoạn 1994 – 2009, đầu tư của Trung Quốc chiếm 22,29% với số vốn 7,025 tỷ USD, đứng đầu trong các nước Châu Á đầu tư vào Campuchia[6]. Các khoản đầu tư của Trung Quốc ở các lĩnh vực như khai thác tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, năng lượng… Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, Trung quốc đã dành 9,1 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Campuchia. Trung Quốc cũng đã cấp cho Campuchia các khoản tài trợ không hoàn lại cùng khoản cho vay trị giá hơn 2 tỉ USD (2006). Những khoản tiền này là rất lớn đối với Campuchia vào thời điểm đó, khi GDP nước này mới khoảng 10 tỉ USD.
Đâu là tham vọng của Trung Quốc đối với Lào và Campuchia?
Một trong những chiêu bài quen thuộc mà Trung Quốc dùng với các nước đang phát triển nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình là cung cấp cho họ những khoản vay dễ dàng, không đòi hỏi nhiều ràng buộc, điều kiện, yêu cầu và đảm bảo nghiêm ngặt tính minh bạch và hiệu quả để nhận được những khoản vay ưu đãi từ IMF hay WB. Nếu không tính toán kĩ lưỡng và sử dụng đồng vốn hiệu quả, Trung Quốc sẽ tiến hành thu hồi các khoản nợ bằng cách ép các nước đi vay cho mình thuê các cơ sở hạ tầng chiến lược với thời hạn không tưởng, ví dụ điển hình là Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm. Lào và Campuchia cũng không phải là ngoại lệ.
Đối với Lào
Việc đồng ý nhận khoản đầu tư để xây dựng các siêu dự án hạ tầng trị giá hàng tỷ đô, trong khi quy mô dân số của quốc gia này chỉ có 7 triệu người. Với quy mô dân số như vậy, Lào không cần thiết phải xây dựng những dự án có quy mô lớn như vậy. Điều này có thể gây lãng phí vốn vay khi nhu cầu thực tế của quốc gia này không tương xứng với quy mô các công trình, gây ra lo ngại rằng Lào sẽ sớm rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, thậm chí tệ hơn là có thể dẫn đến vỡ nợ như trường hợp Sri Lanka. Nguy cơ vỡ nợ là khá thường trực đối với Lào, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo rằng nợ công của Lào có thể lên tới 95% GDP vào cuối năm 2022, đưa Lào trở thành một trong những nước có nguy cơ vỡ nợ cao nhất Châu Á[7]. Giáo sư Đại học Tokyo, cựu cố vấn của chính phủ Lào Toshiro Nishizawa lập luận rằng Trung Quốc sẽ không cho phép Lào vỡ nợ trong các khoản thanh toán của mình, cụ thể là “Một “bẫy nợ” đối với Lào cũng có nghĩa là “bẫy nợ” đối với các tổ chức cho vay của Trung Quốc. Trung Quốc không muốn trở thành một chủ nợ chịu gánh nặng về tài sản kém hiệu quả, cũng như không muốn giống như một người cho vay không đáng tin cậy đối với các quốc gia đang phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Phi”. Có thể thấy rằng Trung Quốc có ý định đưa Lào vào vòng ảnh hưởng của mình bằng “con bài” bẫy nợ quen thuộc như đã làm với các nước khác, nhưng vẫn không muốn quá gây sức ép với Lào để vẫn đảm bảo được các khoản vay đã cung cấp của mình. Việc nhận được các khoản vay dễ dàng đến từ Trung Quốc khiến Lào khó tiếp cận được các nguồn tài chính khác do chỉ số tín nhiệm xuống thấp do nợ. Cụ thể, vào tháng 8 năm 2020, tổ chức xếp hạn tín nhiệm Moody’s đã thay đổi triển vọng của Lào thành “tiêu cực”, đồng thời hạ mức tín hiệm của Lào từ B3 xuống Caa2; công ty xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings hiện không còn xếp hạng Lào[8]. Với sức ép của việc nợ công gia tăng, giải pháp khả dĩ mà Lào và các chuyên gia đưa ra có thể là các chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu chính phủ và tăng cường thu thuế. Điều này có thể gây ra tâm lí không dễ chịu từ các doanh nghiệp đối với chính phủ. Giảm chi tiêu chính phủ đồng nghĩa với các khoản phúc lợi xã hội dành cho những thành phần yếu thế, cần hỗ trợ cũng sẽ giảm đi, có thể gây ra tình trạng bất bình trong xã hội lan rộng hơn. Nguy cơ về mặt xã hội tiếp theo đối với Lào là tình trạng mất giá đồng kíp. Với tình trạng mất giá hiện tại, Lào sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho các khoản an sinh xã hội. Theo nghiên cứu của chính phủ Lào công bố vào tháng 9 năm 2020, trợ cấp cho trẻ em và người khuyết tật năm 2022 sẽ tiêu tốn 115 tỷ kíp, nhưng sẽ tăng lên 207 tỷ vào năm 2025 và 478 tỷ kíp vào năm 2030[9].
Bên cạnh nguy cơ vỡ nợ luôn thường trực, các dự án về điện tại Lào có sự đầu tư của Trung Quốc đã cho thấy rõ hệ quả của nó. Mặt tích cực là những dự án điện như dự án nhà máy điện bậc thang trên sông Nam Ou đã đem lại những tín hiệu tích cực cho kinh tế – xã hội tại Lào. Thế nhưng, cái giá Lào phải trả không chỉ tính bằng những đồng đô la, mà còn hơn thế rất nhiều. Hậu quả lớn nhất là Lào đã phải cho công ty Trung Quốc nắm quyền kiểm soát lưới điện của nước mình. Tiếp theo, việc xây dựng một dự án bảy nhà máy thuỷ điện bậc thang trên đoạn sông Mekong chảy qua Lào đã gây ảnh hưởng lớn đến sinh kế, an ninh lương thực của các quốc gia hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam. Sông Mekong rất quan trọng với các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, nếu thiếu nước về hạ du có thể dẫn đến tình trạng thiếu đói lan rộng, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, nghiêm trọng hơn còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Ngoài ra, Trung Quốc còn yêu cầu Lào phải chấp nhận 3 yêu cầu cơ bản, đó là ủng hộ chính sách của Trung Quốc về các vấn đề tại Đài Loan và Tây Tạng, các công ty Trung Quốc được phép khai thác tài nguyên tại Lào, đồng thời xây dựng các tuyến đường xuyên suốt từ Lào đến Thái Lan.
Đối với Campuchia
Những cái giá mà Campuchia phải trả cho những hỗ trợ từ phía Trung Quốc cũng không hề nhỏ. Tương tự với Lào, thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại, Trung Quốc sẽ gây sức ép, tác động nhằm chi phối chủ trương, quan điểm đối ngoại của Campuchia, dần dần đưa Campuchia vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trrung Quốc, buộc Campuchia điều chỉnh chính sách ngoại giao, cân nhắc những vấn đề khu vực và quốc tế mà Trung Quốc đang quan tâm, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Điển hình như vào năm 2009, theo yêu cầu của Trung Quốc, Campuchia đã trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ xin tị nạn sang Trung Quốc bất chấp sự phản đối kịch liệt của quốc tế. Năm 2012, Campuchia đã ngăn ASEAN ra thông cáo chung về hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Do vậy, uy tín ngoại giao của Campuchia trong khối ASEAN nói riêng và trên trường quốc tế nói chung đã bị giảm sút nghiêm trọng. Tiếp theo, việc phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn của Trung Quốc đặt Campuchia trước nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Tính đến nửa đầu năm 2021, nợ nước ngoài của Campuchia đạt hơn 9,18 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm tới 43,78% tổng số nợ[10]. Đến năm 2021, số nợ nước ngoài đã chiếm tới hơn 75% quy mô GDP của Campuchia, mà Trung Quốc lại là chủ nợ lớn nhất. Điều này là cơ sở cho Trung Quốc có thể gây áp lực đối với Campuchia cho thuê lại các cơ sở hạ tầng chiến lược để gán nợ trong trường hợp bị vỡ nợ, như điều tương tự đã xảy ra ở Sri Lanka. Cơ sở hạ tầng hàng đầu mà Bắc Kinh nhắm tới không đâu khác là cảng nước sâu Sihanucvin, một cảng có vị chí chiến lược quan trọng, Nếu Trung Quốc có quyền kiểm soát hải cảng này và đưa lực lượng hải quân đến đây thì có thể gây ảnh hưởng lên vịnh Thái Lan và eo biển Malacca – eo biển có hoạt động thương mại nhộn nhịp bậc nhất thế giới, trở thành đối trọng trực tiếp với Hoa Kì ở khu vục này và rộng hơn nữa điều đó cũng sẽ gây không ít những lo ngại với an ninh, chủ quyền vùng biển phía Nam Việt Nam.
Đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào Campuchia tuy đã cải thiện về cơ sở hạ tầng, nhưng cũng đã đem lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường, hệ sinh thái cho đất nước này. Ví dụ thực tế điển hình nhất là đập thuỷ điện Kamchay – đập thuỷ điện lớn đầu tiên của Campuchia với công suất lắp đặt 194 MW do Trung Quốc đầu tư. Đập Kamchay được xây dựng ở khu vực nổi tiếng về đa dạng sinh học và có các loại tài nguyên đem lại lơi ích kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, kể từ khi được xây dựng, con đập đã làm ngập 2.291 ha đất và rừng ở Vườn quốc gia Bokor dẫn tới khả năng tiếp cận các nguồn lâm sản này vô cùng hạn chế, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân xung quanh đập thuỷ điện[11].
Sự đầu tư ồ ạt kéo theo làn sóng di cư của người Hoa tới Campuchia dẫn đến những nguy cơ bất ổn về văn hoá – xã hội. Dễ thấy nhất là ở tỉnh Sihanucvin của Campuchia, số lượng người Hoa ở đây là không nhỏ, với hoạt động kinh tế chủ yếu là kinh doanh các sòng bạc, nhà hàng, khách sạn… Điều này một phần cũng giúp bộ mặt của Sihanucvin thay đổi theo hướng hiện đại hơn, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại chưa thật sự tương xứng. Hầu hết các hoạt động kinh doanh do người Trung Quốc làm chủ thì cũng sẽ thuê người Trung Quốc để làm việc, không góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho Campuchia. Tệ hơn nữa điều này còn làm gia tăng các tệ nạn xã hội như các vụ ẩu đả, xô xát hay buôn người, như các vụ việc gần đây đã bị phát giác nhiều người Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia và bị bắt ép làm việc phi pháp trong các sòng bài. Không gian văn hoá của người Hoa cũng ngày càng được mở rộng, đặc biệt ở một vị trí địa chiến lược như Sihanucvin khiến giới quan sát không khỏi lo ngại. Các khoản đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường dẫn tới nguy cơ Campuchia biến thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc.
Thay lời kết
Có thể thấy hiện nay, đối với Lào và Campuchia, vấn đề không còn là liệu hai nước, đặc biệt là Campuchia, có nên tiếp tục quan hệ với Trung Quốc nữa hay không, vấn đề đặt ra là làm thế nào để sống chung và đối phó với các “hậu quả” kinh tế-xã hội của sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về thương mại, đầu tư và viện trợ tài chính. Lào và Campuchia sẽ cố gắng quản lý sự phụ thuộc ngày càng tăng của họ vào Trung Quốc, nhưng trong tương lai gần, không nước nào có khả năng sẽ thoát khỏi tư tưởng phụ thuộc này[12].
Tác giả: Phạm Quang Phúc (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Thuỳ Trang (2017), “Đông Nam Á trong điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc”, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, http://tailieudientu.lrc.tnu.edu.vn/Upload/Collection/brief/59480_272201885922nguyen%20thuy%20trang.pdf
[2] Bùi Nam Khánh (2019), “Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XIX và tác động với Campuchia”, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_document.php?subfolder=16/51/98/&doc=165198271709060581196526177900235592491&bitsid=4aa46308-8f54-4013-827d-a2411d54430d&uid=
[3] Đầu tư của Trung Quốc vào Lào tăng 1552 lần chỉ sau 16 năm (2020), Tạp chí Việt Lào, https://tapchilaoviet.org/tin-bai-noi-bat/dau-tu-cua-trung-quoc-vao-lao-tang-1-552-lan-chi-sau-16-nam-20580.html
[4] Đầu tư thương mại Lào – Trung tăng mạnh, http://vietlao.vietnam.vn/dau-tu-phat-trien/dau-tu-thuong-mai-lao-trung-tang-manh
[5] https://www.helsinkitimes.fi/china-news/22595-hydropower-project-invested-by-powerchina-brings-development-opportunity-to-hilly-northern-laos.html
[6] Kim Việt Bách (2016), “Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Campuchia và gợi ý đối với Việt Nam”, https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_document.php?subfolder=10/66/78/&doc=106678594228588740292956388709432749058&bitsid=f698cf1e-7d80-40eb-be1a-b40f4cec1d62&uid=
[7] https://nghiencuulichsu.com/2022/10/17/lao-con-no-trung-quoc-pha-san-nhieu-hon-quang-cao/
[8] Trương Khắc Trà (2021), “ Trung Quốc đổ tiền ngành điện tại Lào và ẩn hoạ môi trường”, https://diendandoanhnghiep.vn/trung-quoc-do-tien-dau-tu-nganh-dien-tai-lao-va-an-hoa-moi-truong-201795.html
[9] https://nghiencuulichsu.com/2022/10/17/lao-con-no-trung-quoc-pha-san-nhieu-hon-quang-cao/
[10] Sorn Sarath (2021), “Cambodia’s foreign debt tops $9 billion, with China accounting for mone than 40 percent”, https://cambojanews.com/cambodias-foreign-debt-tops-9-billion-with-china-accounting-for-more-than-40-percent/
[11] https://www.mdpi.com/2073-4441/8/9/405
[12] https://nghiencuubiendong.vn/lao-campuchia-va-su-phu-thuoc-khong-the-tranh-khoi-doi-voi-trung-quoc.49819.anews