Ngày 24/2/2022, Tổng Thống Nga Putin đã tuyên bố khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, và đưa quân vào Ukraine nhằm phản ứng lại các động thái của chính quyền Zelensky. Mỹ cùng Liên minh châu Âu EU đã kịch liệt chỉ trích hành động này là phi lý, vô cớ xâm lược và đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga về cả ngoại giao lẫn kinh tế. Hơn một năm xung đột, ít nhất 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt hơn 11,000 lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc chiến, khiến Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Không những thế, nhiều tổ chức, cá nhân của các nước thứ 3 có quan hệ hợp tác với Nga cũng đã bị áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp. Là đối tác truyền thống của Nga, liệu Việt Nam có nguy cơ bị áp đặt các lệnh trừng phạt không? Chúng ta cần lưu ý điều gì khi hợp tác với Nga để đảm bảo lợi ích của quốc gia?
Các biện pháp mà Mỹ và các đồng minh đã áp đặt lên Nga
Các biện pháp nhắm vào các cá nhân nhằm gây áp lực lên những người ủng hộ chính sách của Nga.
Mỹ cùng với EU đã đóng băng tài sản của hơn 1.500 cá nhân và tổ chức của Nga, bao gồm cả Tổng thống Nga Putin, Bộ trưởng Ngoại Giao Sergey Lavrov cũng như các nhà tài phiệt thân cận với ông Putin, đồng thời áp đặt hạn chế đi lại đối với các chủ thể này. Để thực thi các biện pháp đối đầu với các cá nhân Nga, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập lực lượng đặc nhiệm Klepto Capture và tham gia lực lượng đặc nhiệm đa phương REPO cùng với Úc, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và EU. Lực lượng này có nhiệm vụ truy tìm, đồng thời thu giữ tài sản của giới tài phiệt Nga trên toàn thế giới. Các thành viên nhóm REPO đã phong tỏa hoặc đóng băng thành công hơn 58 tỷ USD[i] tài sản của những người Nga bị trừng phạt, theo dõi tài sản và hạn chế đáng kể quyền truy cập của họ vào hệ thống tài chính quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt nhằm cô lập Nga khỏi hệ thống thương mại – tài chính quốc tế
Thứ nhất, EU và Mỹ đã cấm một số ngân hàng Nga truy cập vào hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu – SWIFT. Việc hủy quyền truy cập của các ngân hàng Nga khỏi mạng lưới SWIFT sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong việc thanh toán cho xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Nga có khoảng 643 tỷ USD dự trữ quốc tế[ii]. Do lệnh cấm giao dịch từ EU và các quốc gia khác, ước tính hơn một nửa dự trữ của Nga bị đóng băng. Nga không thể sử dụng lớp đệm tài sản nước ngoài này để cung cấp tiền cho các ngân hàng của mình. Ngay cả dự trữ vàng được lưu trữ ở Nga hiện nay dường như cũng khó bán hơn do các lệnh trừng phạt quốc tế ảnh hưởng đến các thực thể Nga.
Thứ hai, Mỹ cùng các đồng minh đã liên tục áp đặt các trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga bao gồm năng lượng, vận tải, hàng không, công nghiệp quốc phòng, hàng hóa và dịch vụ. Các biện pháp này bao gồm cấm xuất khẩu các mặt hàng từ hoặc đến Nga (bao gồm vũ khí hạng nhẹ, máy bay, các thiết bị liên quan, các mặt hàng công nghệ…), cấm vận vàng cũng như các phương tiện, tàu mang cờ Nga, hạn chế bổ sung đối với lĩnh vực dịch vụ, cấm xuất khẩu máy bay không người lái, thiết bị hóa học, sinh học, linh kiện điện tử và cấm đầu tư vào các lĩnh vực khai thác của Nga.
Mỹ đã thu hồi quy chế tối huệ quốc (MFN) đối với hàng hóa của Nga. Việc hủy bỏ quy chế MFN cho phép Mỹ áp đặt mức thuế cao hơn đối với hàng hóa của Nga. Sau khi chính quyền Biden tuyên bố hủy bỏ quy chế thương mại của Nga, các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước G7 và EU cũng đã công bố các hành động chung nhằm cản trở khả năng tham gia thương mại của Nga, khiến nước này trở thành “kẻ bị bỏ rơi về kinh tế và tài chính”. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết thu hồi các lợi ích quan trọng của tư cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Nga và đảm bảo rằng các sản phẩm của công ty Nga không còn nhận được sự đối xử Tối huệ quốc trong nền kinh tế của họ nữa. Ngoài ra, G7 còn lưu ý rằng họ sẽ nỗ lực để đảm bảo Nga không thể nhận được tài trợ từ các tổ chức tài chính đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WorldBank).
Lĩnh vực năng lượng – lĩnh vực có vai trò chủ chốt trong nền kinh tế Nga, đóng góp quan trọng cho tài trợ tham chiến của Nga, là mục tiêu quan trọng mà các lệnh trừng phạt hướng đến. Đức đã ngừng cấp phép cho đường ống “Dòng chảy phương Bắc II”. Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Nga. Vương Quốc Anh cũng cam kết sẽ độc lập với năng lượng của Nga. Các nước thành viên EU đã quyết định cấm nhập khẩu than của Nga kể từ tháng 8/2022, cấm nhập khẩu dầu mỏ bằng đường biển bao gồm dầu thô từ tháng 12/2022 và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ tháng 2/2023[iii]. EU cũng áp dụng mức giá trần đối với dầu mà Nga bán cho các nước thứ ba. Mức trần này bổ sung cho lệnh cấm vận của Châu Âu, đã được thông qua với sự hợp tác của các đối tác của “Price cap Coalition” (Liên minh giá trần – bao gồm G7, Ủy ban Châu Âu và Úc). Mục tiêu của việc đặt giới hạn giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga là nhằm giảm thu nhập mà Nga kiếm được từ việc này, đồng thời nhằm giữ cho giá dầu trên thế giới không bị tăng đột biến như năm ngoái.
EU, đối tác thương mại lớn nhất (tính tổng toàn khối) của Nga, đã áp đặt nhiều hạn chế xuất nhập khẩu đối với Nga. Theo Ủy ban châu Âu, kể từ tháng 2 năm 2022, EU đã cấm hơn 43,9 tỷ Euro hàng hóa xuất khẩu sang Nga và 91,2 tỷ euro hàng hóa nhập khẩu, tương đương 49% hàng xuất khẩu và 58% hàng nhập khẩu bị xử phạt so với hàng hóa năm 2021[iv]. EU đã cấm xuất khẩu các mặt hàng công nghệ tiên tiến (máy tính lượng tử, chất bán dẫn, linh kiện điện tử và phần mềm), thiết bị công nghệ và dịch vụ ngành năng lượng, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, hàng xa xỉ, vũ khí dân dụng, máy móc, công nghệ lọc dầu… sang Nga. Bên cạnh đó, ngoài cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, EU cũng cấm nhập khẩu thép, sản phẩm sắt thép, vàng, xi măng, cao su… Các dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn kinh doanh – quản lý, tư vấn công nghệ thông tin, tư vấn pháp lý, dịch vụ quảng cáo… cũng bị cấm không được xuất khẩu sang Nga. Nhật Bản, Canada, Úc và nhiều quốc gia khác cũng tham gia vào trừng phạt Nga. Nhật Bản đã đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và các cá nhân Nga tại nước này, công bố lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Vladimir Putin cùng những người thân cận với ông[v], đồng thời cấm xuất khẩu hàng hóa tiên tiến cho một số tập đoàn của Nga, bao gồm cả các tổ chức nghiên cứu khoa học[vi]. Canada, Úc và nhiều quốc gia khác cũng sử dụng chung các biện pháp trừng phạt.
Thứ ba, Mỹ và đồng minh đã ban hành các lệnh cấm đầu tư vào Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Thông báo ngày 06/4/2022 từ Nhà Trắng đã khẳng định rõ cấm mọi sự đầu tư của người Mỹ vào Nga, bất kể là đang ở đâu. EU cũng tuyên bố cấm mọi đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đến Nga. Các tập đoàn lớn như ExxonMobil hay BP đã tuyên bố thoái vốn khỏi các dự án hợp tác năng lượng với Nga. BP đã rút 19.75% cổ phần khỏi trong công ty dầu khí Rosneft của Nga, đánh dấu sự kết thúc của một trong những khoản đầu tư lớn nhất của phương Tây vào Nga[vii]. Hàng loạt sở giao dịch chứng khoán lớn như New York, London… đã hủy niêm yết các công ty Nga. Nhiều công ty tư nhân đã phản ứng lại với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bằng cách rút khỏi thị trường Nga, hạn chế quyền tiếp cận hàng hóa hoặc dịch vụ của họ ở Nga. Hơn 1.000 công ty, tập đoàn nước ngoài đã rút khỏi thị trường Nga hoặc thu hẹp quy mô hoạt động[viii]. Mastercard, Visa đã đình chỉ hoạt động đối với các giao dịch của chủ thẻ người Nga. Các công ty công nghệ như IBM, Apple, Microsoft cũng đã ngừng bán hàng cho Nga. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan và Intel, hai trong số các nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới, đã ngăn chặn Nga tiếp cận các sản phẩm của họ.
Mỹ và EU cũng đã cấm bán, cung cấp, chuyển giao, xuất khẩu tiền giấy bằng đồng USD và Euro sang Nga nhằm mục đích hạn chế quyền truy cập vào tiền mặt bằng đồng USD hoặc Euro của chính phủ Nga, Ngân hàng Trung ương và các thể nhân hoặc pháp nhân ở Nga.
Thứ tư, Mỹ và ít nhất 32 quốc gia khác đã hạn chế việc đi lại từ Nga bằng cách chặn máy bay Nga đi vào không phận của họ. Ngày 27/2/2022, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đã tuyên bố rằng toàn bộ không phận của khối 27 quốc gia sẽ đóng cửa đối với các máy bay do Nga sở hữu, đã đăng ký hoặc do Nga kiểm soát bao gồm cả phi cơ riêng của các nhà tài phiệt. Cục Hàng không Liên bang Mỹ cũng đã ban hành lệnh cấm máy bay và các hãng hàng không Nga xâm nhập, sử dụng không phận của Mỹ, bất kể là máy bay thương mại hay dân dụng. Mỹ sau đó cũng đã cấm các tàu có liên quan đến Nga đi vào các cảng của Mỹ với một số ngoại lệ hạn chế. EU cũng đã cấm các doanh nghiệp vận tải đường bộ của Nga vào EU, bao gồm cả hàng hóa quá cảnh. Đồng thời, đóng cửa các cảng đối với toàn bộ đội tàu buôn hơn 2.800 tàu của Nga[ix] trong đó có ngoại lệ đối với các tàu chở viện trợ nhân đạo, dược phẩm, y tế, năng lượng.
Cách Nga phản ứng lại các lệnh trừng phạt
Tổng thống Nga Putin gọi các biện pháp trừng phạt của Phương Tây là “giống như một lời tuyên chiến”. Nga đã thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt. Bắt đầu bằng việc tăng lãi suất ngân hàng lên 20%, sau đó là kiểm soát dòng tiền, Chính phủ Nga đã thiết lập các biện pháp kiểm soát đối với việc rút tiền không phải là đồng Rúp từ ngân hàng, yêu cầu các công ty chuyển đổi 80% ngoại tệ kiếm được sang đồng Rúp và bắt buộc người vay Nga chỉ được trả nợ nước ngoài bằng đồng Rúp. Nga cũng đã sử dụng xuất khẩu năng lượng của mình làm đòn bẩy để nâng giá đồng tiền, Tổng thống Putin đã yêu cầu các 48 quốc gia “không thân thiện” trả tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp thay vì USD hoặc Euro như trên hợp đồng. Nga đã cắt đứt quan hệ với Ba Lan và Bulgaria vì từ chối thanh toán bằng đồng Rúp. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã cấm thanh toán trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, cấm các công ty Nga trả cổ tức cho các cổ đông ở các quốc gia không thân tiện. Các doanh nghiệp, cá nhân cũng bị cấm trả các khoản vay, tín dụng bằng đồng Rúp từ các quốc gia không thân thiện. Nga cũng đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không châu Âu, Mỹ, đồng thời thu giữ hơn 400 máy bay của các công ty phương Tây trị giá khoảng 10 tỷ USD và tuyên bố không trả lại.
Để phản ứng lại các lệnh trừng phạt và cấm vận, Nga cũng đã ban hành các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu trả đũa. Các lệnh cấm xuất khẩu đối với 200 sản phẩm liên quan đến “thiết bị viễn thông, y tế, xe cộ, nông nghiệp và điện, cũng như một số sản phẩm lâm nghiệp như gỗ” đã được chính phủ Nga áp đặt đối với “các quốc gia đã có các hành động không thân thiện”. Nga cũng đã trừng phạt một loạt các chính trị gia phương Tây, bao gồm các nhà lập pháp, quan chức ở Mỹ, EU, Anh, Canada và các nước khác, cũng như các nhà báo, để đáp trả các động thái tương tự của các nước này. Ngày 15/3/2022, Chính phủ Nga đã công bố các lệnh trừng phạt đối với các quan chức hiện tại và trước đây của Mỹ bao gồm Tổng thống Biden, Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Vào ngày 12/5/2022, Gazprom cho biết họ sẽ ngừng xuất khẩu khí đốt sang các nước châu Âu thông qua đường ống. Đến ngày 02/9/2022, tập đoàn này đã tuyên bố chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy Phương bắc I[x]. Phản ứng lại việc phương Tây áp trần giá dầu của Nga, Tổng thống Nga Putin cũng đã tuyên bố cấm bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những nước áp dụng giá trần dầu. Nga đã tuyên bố giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày sẽ có hiệu lực cho đến tháng 6/2023, điều này làm giảm khoảng 5% sản lượng khai thác dầu hàng ngày hiện tại của Nga. Phó thủ tướng Nga – Alexander Novak cho rằng, việc áp giá trần dầu đối với sản phẩm dầu khí xuất khẩu của Nga là hành động can thiệp vào thị trường năng lượng, còn sự cắt giảm sản lượng của Nga sẽ góp phần khôi phục quan hệ thị trường.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, đối mặt với các lệnh cấm vận, trừng phạt từ phương Tây và các đồng minh của họ, Nga cũng tăng cường hợp tác với các đồng minh và các quốc gia không tham gia trừng phạt mình, trong đó nổi bật là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ…
Quan hệ Nga – Trung Quốc đã phát triển vô cùng mạnh mẽ kể từ khi Nga phát động chiến lược quân sự đặc biệt tại Ukraine. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Nga – Trung vượt 190 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021[xi], trong đó xuất khẩu từ Nga đạt hơn 114 tỷ USD, tăng hơn 43%. Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu dầu khí sang Trung Quốc dưới áp lực của các lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm 2022, Nga xuất khẩu sang Trung Quốc 81.3 tỷ USD các sản phẩm dầu, than và khí đốt, tăng 56% so với năm 2021[xii]. Nga cũng vương lên trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của Trung Quốc – tăng một bậc so với năm 2021, với lượng giao hàng tăng 177%[xiii]. Cuộc đối đầu với các nước phương Tây đã đưa Nga xích lại gần Trung Quốc. Quan hệ với Trung Quốc có tầm quan trọng rất lớn đối với Nga trên phương diện xóa bỏ sự cô lập về chính trị và phối hợp hành động trên trường quốc tế. Một lĩnh vực quan trọng khác trong hợp tác Nga – Trung là tài chính ngân hàng với sự tăng cường thanh toán bằng đồng nội tệ thay thế USD. Theo thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Andrey Rudenko, gần một nửa giao dịch giữa hai nước trong nửa đầu năm 2022 được thực hiện bằng đồng Rúp và Nhân Dân Tệ[xiv].
Nga cũng đã thúc đẩy phát triển quan hệ với Ấn Độ thông qua việc tăng cường xuất khẩu dầu mỏ sang quốc gia Nam Á này. Ấn Độ đã trở thành một trong những quốc gia mua dầu hàng đầu của Nga khi Nga thay đổi thị trường mục tiêu sang cung cấp dầu cho châu Á kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine. Thương mại song phương Nga – Ấn Độ đã chạm mức kỷ lục 30 tỷ USD trong năm 2022 so với 13.5 tỷ USD năm 2021. Nguồn cung dầu của Nga cho Ấn Độ đã tăng gấp 36 lần[xv], Nga cũng trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Ấn Độ, sau đó là Iraq và Saudi Arabia. Cuối năm 2022, Nga và Ấn Độ đã đồng ý chuyển sang thanh toán thương mại bằng đồng nội tệ[xvi]. Ấn Độ đã phớt lờ những cảnh báo của phương Tây, nước này hiện đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Ấn Độ đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho Nga phụ tùng thay thế thiết bị hàng không, ô tô và đường sắt, có thể trở thành một bên tham gia quan trọng trong việc nhập khẩu song song hàng hóa phương Tây vào Nga.
Nga cũng đẩy mạnh hoạt động thương mại với các quốc gia khác không tham gia trừng phạt mình như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất khẩu của Nga sang Pakistan trong năm 2022 đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể là 38.6% so với năm 2021[xvii]. Pakistan đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng tham gia thương mại với Nga bằng đồng tiền khác ngoài USD và Euro. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng lên 9,3 tỷ USD vào năm 2022 từ 5,8 tỷ USD một năm trước đó[xviii].
Tác động của cuộc chiến và các lệnh trừng phạt đến nền kinh tế Nga.
Thực tế là xung đột và các lệnh trừng phạt đã có ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, nền kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái, tuy nhiên sự sụp đổ kinh tế mà Mỹ và phương Tây mong đợi đã không xảy ra. Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố đầy tự tin vào đầu năm nay rằng năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với Nga, tuy nhiên Nga đã vượt qua những rủi ro một cách khá thành công. Thật vậy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không làm suy yếu tiềm năng kinh tế của Nga đến mức Điện Kremlin sẽ mất khả năng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là đáng kể nhưng không nghiêm trọng như một số người dự đoán. GDP Nga chỉ giảm 2,1% vào năm 2022 – ít hơn nhiều so với dự đoán 5-6% được đưa ra vào hồi đầu năm.
Ngành ô tô của Nga là một trong những ngành gặp khó khăn nhất do lệnh trừng phạt. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB), số lượng ô tô được bán ra vào năm ngoái đã giảm gần một triệu xe so với năm 2021, tương ứng với mức giảm 59%[xix]. Trong lĩnh vực năng lượng, việc áp trần giá dầu được xem như là có ảnh hưởng rõ rệt nhất đối với nền kinh tế Nga, theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu Helsinki, việc phương Tây áp trần giá dầu đã khiến Nga mất khoảng 172 triệu USD/ngày[xx].
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã nhanh chóng thích nghi với các lệnh trừng phạt, cấm vận của phương Tây. Ngành công nghiệp vũ khí đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về sản lượng và góp phần vào việc duy trì hoạt động kinh tế. Hàng hóa phương Tây cũng dễ dàng được nhập khẩu thông qua các nước thứ ba như Kyrgyzstan, Armenia hoặc Gruzia, để cung cấp cho ngành công nghiệp ở Nga. Ngành công nghiệp thực phẩm, bán lẻ cũng được phục hồi nhờ sự mở rộng của các công ty địa phương thay thế các thương hiệu phương Tây, như Pepsi hay Coca-Cola.
Doanh thu từ sản xuất và xuất khẩu Hydrocarbon của Nga tăng 28% so với năm 2021. Sản lượng dầu của Nga cũng tăng 2% trong năm 2022. Kể từ đầu năm 2023, sản lượng xăng và dầu diesel đã tăng 7% so với năm trước[xxi]. Ngày 15/3/2023 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết mặc dù Nga vẫn xuất khẩu cùng một khối lượng, doanh thu dầu mỏ của Nga đã giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái dưới tác động của các lệnh trừng phạt từ G7 và EU. Sau một năm xung đột với Ukraine, phải đối mặt với hàng loạt các lệnh trừng phạt, Nga vẫn xuất khẩu cùng một khối lượng dầu đến thị trường quốc tế. Điều này cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh đã thất bại trong việc làm giảm nguồn cung các sản phẩm năng lượng từ Nga.
Các hạn chế áp đặt đối với xuất khẩu sang Nga tập trung vào hàng hóa công nghệ cao là nhằm làm suy yếu năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quân sự Nga. Tuy nhiên, Theo Bloomberg, bất chấp những hạn chế xuất khẩu của EU đối với “hàng trăm hàng hóa và công nghệ”, Nga vẫn nhận được hầu hết hàng hóa mà mình cần, chủ yếu thông qua tái xuất khẩu từ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập và Trung Quốc. Bloomberg lấy ví dụ Kazakhstan trước khi bắt đầu xung đột, đã xuất khẩu các chất bán dẫn trị giá 12.000 USD sang Nga mỗi năm, nhưng đã tăng xuất khẩu lên 3,7 triệu USD năm 2022[xxii].
Các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên các bên thứ ba ngoài Nga
Ngoài việc trừng phạt Nga, Mỹ và các đồng minh cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên các thực thể từ các nước thứ ba vì ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga, hoặc gián tiếp hỗ trợ, cung cấp các thiết bị, nguồn lực cho Nga trong cuộc chiến.
Mỹ và các đồng minh đã tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Belarus do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ủng hộ Putin, đồng thời hỗ trợ Nga trong xung đột quân sự với Ukraine. Mỹ cùng EU đã đưa ra lệnh trừng phạt nhắm vào hơn 200 cá nhân, tổ chức Belarus – những người ủng hộ chính trị và kinh tế đối với Nga. Các ngân hàng Belarus cũng phải chịu các biện pháp trừng phạt tài chính bao gồm các hạn chế đối với việc cấp vốn, cấm giao dịch liên quan đến tài sản, dự trữ của Ngân hàng Quốc gia Belarus. Một số ngân hàng Belarus cũng bị loại trừ ra khỏi hệ thống SWIFT. Belarus cũng bị cấm nhập khẩu trong các lĩnh vực kinh tế then chốt bao gồm hydrocarbon, kali, vận tải và hàng hóa. Trước đó, từ tháng 10/2020, EU đã dần áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Belarus để đáp trả chính quyền mới sau cuộc bầu cử tồng thống vào tháng 8.
Bộ Tài chính Mỹ đã viện dẫn “sự hỗ trợ và tạo điều kện thuận lợi cho cuộc xâm lược của Nga của Belarus” để trừng phạt hai chục thực thể Belarus có quan hệ đặc biệt thân thiết với Nga. Ngày 08/4/2022, lưỡng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Đình chỉ Quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, hủy bỏ quy chế MFN của hai nước. Mỹ cũng đã mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Nga lẫn Belarus nhằm ngăn chặn việc chuyển hướng mặt hàng sang Nga thông qua Belarus, bao gồm công nghệ, phần mềm trong lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ và hàng hải. Đồng thời cấm hai nước nhập khẩu hàng xa xỉ có nguồn gốc từ Mỹ. Vào ngày 15/3/2022, Mỹ đã trừng phạt Tổng thống Belarus, ông Lukashenko cùng các thành viên gia đình vì dính líu đến các vi phạm nhân quyền, tham nhũng, đồng thời viện dẫn Belarus ủng hộ cuộc xâm lược của Nga. Vương quốc Anh, EU, Canada cũng đã trừng phạt tương tự đối với kinh tế – chính trị Belarus và các quan chức Belarus vì hỗ trợ Nga. Các chính phủ này, cùng với sự tham gia của một nhóm rộng lớn hơn bao gồm Úc, Moldova, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, cũng đưa ra một tuyên bố tại WTO nói rằng “với sự hỗ trợ vật chất của Belarus đối với các hành động của Liên bang Nga, chúng tôi cho rằng quá trình gia nhập của nước này vào WTO đã bị đình chỉ, sẽ không có bất kỳ công việc nào liên quan đến việc gia nhập được diễn ra”. Ngày 27/02/2023, EU đã tuyên bố gia hạn các biện pháp hạn chế đối với Belarus thêm một năm nữa.
Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức, cá nhân Iran để đáp trả việc Iran ủng hộ chiến lược quân sự của Nga, trong đó có việc Iran chuyển giao máy bay không người lái (UAV) cho Nga[xxiii]. Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đang chỉ định tổng cộng ba thực thể của Iran là Lực lượng Hàng không Vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Công nghiệp Hàng không Qods và Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Hàng không Shahed tham gia vào việc chế tạo, cung cấp UAV cho Nga. Trước đó, các nước châu Âu bao gồm cả EU lẫn Vương quốc Anh cũng đã trừng phạt Công ty Hàng không Shahed. Bộ Tài chính Mỹ cũng chỉ định hai tổ chức Success Aviation Services FZC có trụ sở tại UAE và I Jet Global DMCC liên quan đến việc chuyển giao UAV của Iran cho Nga để sử dụng ở Ukraine. 2 tổ chức này đều hợp tác với công ty Safiran Airport Servives của Iran, đã bị Mỹ trừng phạt sau khi bị tố điều phối các chuyến bay giữa Iran và Nga, bao gồm các chuyến bay cho Lực lượng Không quân Nga cũng như các chuyến bay liên quan đến việc vận chuyển UAV của Iran, nhân sự lẫn thiết bị liên quan từ Iran sang Nga.
Ngoài ra, Mỹ đã trừng phạt cả những công ty thuộc các nước cùng chung chí hướng như Đức và cả những công ty ở các nước trung lập như Trung Quốc vì cho rằng họ có hành động hỗ trợ Nga trong cuộc chiến. Theo Reuters, Bộ Tài Chính Mỹ đã đưa ra các hình phạt đối với hơn 30 thực thể từ Thụy Sĩ, Đức cũng như các quốc gia khác vì giúp Nga tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine[xxiv]. Mỹ và các đồng minh đã cảnh báo đối với các quốc gia giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt sẽ phải trả giá đắt. Trong đó có sự lo ngại về vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trong nền kinh tế Nga khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai. Ngày 24/02/2023 – ngày đánh dấu tròn 1 năm Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với “hơn 200 thực thể trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông”[xxv] có liên quan đến nỗ lực hỗ trợ chiến tranh của Nga. Chính quyền Biden đã đưa 5 công ty Trung Quốc vào danh sách đen nhập khẩu, đồng thời cấm các công ty Mỹ xuất khẩu sang họ vì vi phạm lệnh trừng phạt với cáo buộc cung cấp hỗ trợ cho các công ty quân sự, quốc phòng của Nga trước và trong cuộc xung đột với Ukraine. 5 công ty bao gồm Connect Electronic, King Pai Technology, Sinno Electronics, Winninc Electronic và World Jetta (HK) Logistics[xxvi]. Trong khi đó, phía Trung Quốc tuyên bố rằng họ đang đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình và không cung cấp bất cứ hỗ trợ quân sự nào cho Nga.
Theo thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Alan Estevez, hành động trừng phạt bên thứ ba gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các tổ chức và cá nhân trên toàn cầu rằng nếu họ tìm cách hỗ trợ Nga, Mỹ sẽ phản ứng lại. Các nhà lãnh đạo G7 đã phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 02/2023 rằng: “Chúng tôi kêu gọi các nước thứ ba hoặc các chủ thể quốc tế khác đang tìm cách làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của chúng tôi phải ngừng cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nga, nếu không sẽ phải trả giá đắt. Để ngăn chặn hoạt động này trên toàn thế giới, chúng tôi đang có những hành động chống lại các nước thứ ba hỗ trợ vật chất cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine[xxvii]”.
Sau Hội nghị thượng đỉnh G7, ngày 28/02/2023, Nhật Bản đã quyết định bổ sung thêm 143 cá nhân, tổ chức có quan hệ với Nga vào danh sách trừng phạt[xxviii]. Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản gồm phong tỏa tài sản và cấm các công ty Nhật Bản có hoạt động hợp tác, xuất nhập khẩu với các thực thể này.
Làm thế nào để duy trì hợp tác với Nga trong bối cảnh rủi ro bị trừng phạt thứ cấp?
Sau khi Nga bị áp giá trần dầu, Ấn Độ đã mua dầu Nga dưới mức giá trần 60 USD/thùng như phương Tây áp đặt. Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu từ Nga, nhưng cũng đưa ra cam kết sẽ không vi phạm các lệnh trừng phạt về giá trần dầu mà Mỹ và EU đưa ra[xxix]. Ấn Độ, Trung Quốc đều có điểm chung trong việc giữ quan điểm trung lập đồng thời tiếp tục hợp tác với Nga là cả hai đều đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán bằng đồng nội tệ nhằm tránh các lệnh trừng phạt về việc cung cấp tiền USD hoặc Euro cho Nga.
Bất chấp là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan điểm trung lập và từ chối áp lệnh trừng phạt Nga. Sau khi Nga bị cô lập, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một vùng đệm quan trọng trong kết nối Nga với bên ngoài. Nhà phân tích người Thổ Nhĩ Kỳ Atilla Yesilada của GlobalSource Partners cho biết: “đối với nhiều công ty châu Âu, cách hợp pháp để lách lệnh trừng phạt là thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tái xuất khẩu qua Nga. Còn đối với các công ty Nga, tất nhiên, họ có thể tìm nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời có thể trốn tránh các lệnh trừng phạt”. Theo Bloomberg, hơn 1.300 công ty có chủ sở hữu là người Nga đã được thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022, tăng 670% so với năm trước[xxx]. Mỹ và EU đã từng lên tiếng cảnh báo có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định “chúng tôi kiên quyết thực thi chính sách không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một kênh để trốn tránh các lệnh trừng phạt”[xxxi]. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố ngay ngày đầu nổ ra cuộc xung đột rằng hành động của Nga là trái với luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được, đồng thời đã gửi viện trợ nhân đạo và máy bay không người lái đến Ukraine. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng cường mua khí đốt và dầu mỏ của Nga để góp phần bảo vệ Nga khỏi các lệnh trừng phạt, thương mại song phương giữa hai nước ước tính đạt 70 tỷ USD trong năm 2022[xxxii]. Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tiếp tục hành động tiếp cận cân bằng đối với xung đột Ukraine – Nga. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, về mặt địa lý hay quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong khối phương Tây và là một đồng minh quan trọng của phương Tây – NATO, nhưng về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với Nga. Kerim Has, chuyên gia độc lập về Nga ở Moscow cho biết: “Nếu Nga cắt khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, đó sẽ là một thảm họa. Tương tự như vậy, nếu nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ, các ngân hàng châu Âu cũng sẽ phải chịu thiệt hại với số khoản vay mà Thổ Nhĩ Kỳ đã lấy từ họ”[xxxiii]. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cho thấy sự trung lập của mình có lợi cho đôi bên cũng như các nước khác trên thế giới thông qua việc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Liên Hợp Quốc làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc giữa Ukraine và Nga, được gọi là thỏa thuận Istanbul. Thỏa thuận này nhằm mục đích đảm bảo an ninh lương thực cho các nước phụ thuộc.
Khuyến nghị đối với các công ty, doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam và Nga có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Cuộc xung đột địa chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine sẽ có tác động tiềm tàng đến nền kinh tế Việt Nam khi Nga cung cấp khối lượng đáng kể các mặt hàng quan trọng như sản phẩm quốc phòng, dầu thô, phân bón, thiết bị y tế, vật liệu xây dựng và một số khoáng sản khác cho Việt Nam. Bất kỳ lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác Nga – Việt cả trực tiếp và gián tiếp.
Có thể thấy rõ, Mỹ và các đồng minh sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt lên các quốc gia lên tiếng ủng hộ Nga, cũng như các đối tác của Nga, đặc biệt là các hợp tác có liên quan đến việc cung cấp thiết bị quốc phòng như trường hợp của Iran hay một số doanh nghiệp Trung Quốc. Cùng với đó, văn bản “Thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga và Belarus theo Quy định quản lý xuất khẩu (EAR) và tinh chỉnh các biện pháp kiểm soát hiện có”[xxxiv] được công bố tháng 9/2022 theo quy định của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ đã nhấn mạnh quy tắc mở rộng các biện pháp kiểm soát “người dùng cuối quân sự” và “người dùng cuối tình báo quân sự” là Nga và Belarus. Quy tắc này nhằm hạn chế quyền truy cập vào các mặt hàng cho phép hỗ trợ khả năng quân sự của Nga thông qua việc kiểm soát các tổ chức xuất khẩu.
Không những thế, thông báo cho các công ty trên toàn thế giới của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ được ban hành đầu tháng 3/2023 về nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, đã nhấn mạnh phương pháp “sử dụng bên thứ ba, bên trung gian và điểm trung chuyển” là phương pháp trốn tránh lệnh trừng phạt phổ biến nhất, đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực trên toàn cầu thực hiện các biện pháp tuân thủ nghiêm ngặt. Thông báo này đã đề cập đến Trung Quốc, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan là những quốc gia thường được sử dụng làm điểm trung chuyển đến Nga và Belarus. Ví dụ, ngày 06/3/2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải từ chối thông quan đối với các hàng hóa quá cảnh đến Nga mà không có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Các hàng hóa có nguồn gốc từ EU và Mỹ đã bị chặn lại không được thông quan, trong khi đó, những lô hàng có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc hàng hoá không nằm trong danh sách trừng phạt, vẫn được thông quan, vận chuyển mà không gặp vấn đề gì[xxxv]. Mặc dù, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Nga, không tham gia các lệnh trừng phạt của EU, tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên minh Hải quan châu Âu nên việc thông quan hàng hóa phải diễn ra theo quy định của EU.
Do đó, Việt Nam – là đối tác truyền thống của Nga, hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước vẫn tiếp diễn bình thường, tuy nhiên cần phải có những lưu ý để tránh những vi phạm trực tiếp đến các lệnh trừng phạt, cũng như bị áp đặt lệnh trừng phạt.
Thứ nhất, Việt Nam nên có sự tiếp cận cân bằng đến cả hai phía. Trong bất cứ tình huống nào, lợi ích dân tộc vẫn luôn là mục tiêu tối cao của đất nước. Mỹ, EU là các cường quốc lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng, đồng thời cũng là những đối tác quan trọng của Việt Nam, tuy nhiên, Liên bang Nga cũng là đối tác truyền thống và chiến lược toàn diện của Việt Nam. Hà Nội nên tránh những lệnh trừng phạt, cùng lúc cũng cần đảm bảo sự phát triển trong quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa Việt Nam với các đối tác. Việt Nam không ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa hai quốc gia này. Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nga vẫn tiếp tục, tuy nhiên Hà Nội cần giữ cách tiếp cận cân bằng, không chọn bên, không phụ thuộc. Việt Nam nên cẩn thận trong các phát ngôn, quan điểm ngoại giao, đồng thời cũng nên tránh các vấn đề liên quan đến vận chuyển, cung cấp vũ khí hay thiết bị quốc phòng đến Nga. Trong hợp tác với Liên bang Nga, Việt Nam cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của thanh toán đồng nội tệ thông qua việc thiết lập tài khoản giữa các ngân hàng của hai nước hoặc tham gia vào hệ thống SPFS của Nga (một giải pháp thay thế cho hệ thống SWIFT mà các ngân hàng Nga bị cấm truy cập). Điều này có thể xem là không vi phạm việc cung cấp tiền USD cho Nga, tuy nhiên cũng dễ đối mặt với trừng phạt thứ cấp vì gián tiếp giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt. Nhìn vào cách tiếp cận của Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam cũng phải hiểu rằng hai quốc gia này là hai nước lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, vị thế trên thế giới cũng vượt trội hơn hẳn Việt Nam. Do vậy, Hà Nội không thể cứng nhắc học hỏi các cách tiếp cận của hai quốc gia này.
Thứ hai, Việt Nam cũng cần chủ động đưa ra những hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc hợp tác với các đối tác ở Nga. Sự hướng dẫn của nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận, hiểu rõ quan điểm, lập trường của Việt Nam cũng như có được sự định hướng trong quan hệ hợp tác với các đối tác ở Nga một cách hiệu quả, an toàn. Ngoài ra, Việt Nam cần cân nhắc về tính dài hạn của hướng dẫn, vì kể cả khi cuộc xung đột kết thúc hòa bình, các lệnh trừng phạt lên Nga vẫn có xu hướng kéo dài lâu hơn trong tương lai. Vương Quốc Anh đã nói rằng các biện pháp trừng phạt của nước này có thể kéo dài một thập kỷ[xxxvi]. Mỹ cũng nhiều khả năng sẽ tiếp tục các lệnh trừng phạt kéo dài kể cả khi cuộc xung đột kết thúc, giống như các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Thứ ba, các công ty, ngân hàng Việt Nam phải thực hiện thẩm định thực tế khi thực hiện các hoạt động liên quan đến Nga. Cần tăng cường kiểm tra các khâu kinh doanh, theo nguyên tắc rủi ro để hiểu được bối cảnh giao dịch, mục đích giao dịch, hàng hóa, xuất xứ, người dùng cuối, tàu hoặc các phương tiện vận tải khác, điểm đến, cảng và các thông tin khác, tiến hành sàng lọc danh sách đen các bên liên quan như hợp đồng giao dịch cơ bản, hóa đơn thương mại, tờ khai hải quan, vận đơn, v.v., đặc biệt chú ý đến việc kiểm tra danh sách trừng phạt để xác minh xem các bên giao dịch có liên quan có nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ hay không. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tránh có liên quan đến các thực thể bị áp lệnh trừng phạt vì tài trợ vũ khí, thiết bị quân sự cho Nga, bởi các thực thể này bị giám sát rất gắt gao, việc hợp tác với các tổ chức này dễ đưa doanh nghiệp vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt với lý do là gián tiếp tài trợ cho Nga trên chiến trường ở Ukraine. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tránh các giao dịch đối với các hàng hóa công nghệ cao có nguồn gốc từ Mỹ hoặc châu Âu đến Nga hoặc các thị trường nhạy cảm như Belarus, Iran. Bởi rủi ro về việc trở thành người trung chuyển các hàng hóa này sang thị trường Nga trong các giao dịch này rất lớn, và dễ bị áp đặt các lệnh trừng phạt.
Thứ tư, các công ty, doanh nghiệp có hợp tác với Nga, hoặc Belarus có thể liên hệ đến cơ quan nhà nước như Đại sứ quán để xin tư vấn, khuyến nghị. Các luật, quy định trừng phạt, lệnh hành pháp của Mỹ, châu Âu đối với Nga rất phức tạp và luôn trải qua những thay đổi nhanh chóng. Do đó, cần có đánh giá chuyên môn về rủi ro trừng phạt có thể liên quan đến mỗi giao dịch liên quan đến Nga. Đối với danh tính khách hàng hoặc các dự án nhạy cảm hơn ở quốc gia của họ, có thể thuê luật sư chuyên nghiệp để tiến hành thẩm định, hỗ trợ xem xét các thỏa thuận dự án, các tài liệu pháp lý, tư vấn về các rủi ro pháp lý liên quan đến kinh doanh để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt liên quan đến Nga đối với doanh nghiệp và đảm bảo hoạt động trơn tru của doanh nghiệp.
Tác giả: Thi Thi
[i] Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, “Mỹ và đồng minh đóng băng hơn 58 tỷ USD tài sản của người Nga bị trừng phạt”, https://vov.vn/the-gioi/my-va-dong-minh-dong-bang-hon-58-ty-usd-tai-san-cua-nguoi-nga-bi-trung-phat-post1006491.vov
[ii] European Council, “EU sanctions against Russia explained”, https://www.consilium.europa.eu/en/policies/sanctions/restrictive-measures-against-russia-over-ukraine/sanctions-against-russia-explained/
[iii] France Diplomacy – Ministry for Europe and Foreign Affairs, “Imposing sanctions against Russia and Belarus”, https://www.diplomatie.gouv.fr/en/country-files/ukraine/situation-in-ukraine-what-is/imposing-sanctions-against-russia-and-belarus/
[iv] European Council, “EU sanctions against Russia explained”, https://www.consilium.europa.eu/en/policies/sanctions/restrictive-measures-against-russia-over-ukraine/sanctions-against-russia-explained/
[v] Tsuruoka Michito (2022), Why Japan is getting tough on Russia now, The Diplomat, https://thediplomat.com/2022/06/why-japan-is-getting-tough-on-russia-now/
[vi] Ju-min Park and Elaine Lies (2022), Japan announces fresh economic sanctions against Russia, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/japan-announces-fresh-economic-sanctions-against-russia-2022-05-10/
[vii] American Journal of International Law. Cambridge University Press (2022), “United States and Allies Target Russia and Belarus with Sanctions and Other Economic Measures”, 116(3), pp. 614–631. doi: 10.1017/ajil.2022.28.
[viii] Reuters, “Factbox: Russia’s response to Western sanctions”, https://www.reuters.com/world/russias-response-western-sanctions-2022-05-13/
[ix] European Council, “EU sanctions against Russia explained”, https://www.consilium.europa.eu/en/policies/sanctions/restrictive-measures-against-russia-over-ukraine/sanctions-against-russia-explained/
[x] Holly Ellyatt (2022), EU economics chief says bloc is not afraid of Putin, ready to react over halted Russian gas supplies, CNBC, https://www.cnbc.com/2022/09/03/europe-ready-to-react-to-halted-russian-gas-supplies-official-says.html
[xi] Anh Tú (2023), Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục phá kỷ lục, Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, https://vov.vn/the-gioi/kim-ngach-thuong-mai-giua-nga-va-trung-quoc-tiep-tuc-pha-ky-luc-post1007499.vov
[xii] Erica Downs and Tatiana Mitrova (2023), China-Russia Energy Relations One Year after the Invasion of Ukraine, Center on Global Energy Policy, https://www.energypolicy.columbia.edu/qa-china-russia-energy-relations-one-year-after-the-invasion-of-ukraine/
[xiii] Reuters (2022), “Factbox: Asian buyers of Russian oil, gas and coal”, https://www.reuters.com/business/energy/asian-buyers-russian-oil-gas-coal-2022-02-22/
[xiv] Российский совет по международным делам, “Андрей Руденко: Санкции Запада стали катализатором торговли России и Индии”, https://ria.ru/20230213/rudenko-1851230313.html
[xv] Rezaul H Laskar (2023), India, Russia review bilateral trade and economic cooperation, The Hindustan Times, https://www.hindustantimes.com/india-news/india-russia-review-bilateral-trade-and-economic-cooperation-101678119864013.html
[xvi] Russia Briefing News, “Russia-India Trade Prospects in 2023 & The Emergence Of The Ruble and Rupee In Asian Trade Flows”, https://www.russia-briefing.com/news/russia-india-trade-prospects-in-2023-the-emergence-of-the-ruble-and-rupee-in-asian-trade-flows.html/
[xvii] Usman Hanif (2023), Despite sanctions, ties with Russia to flourish, The Express Tribune, https://tribune.com.pk/story/2406368/despite-sanctions-ties-with-russia-to-flourish
[xviii] Hải Vân (2023), Thổ Nhĩ Kỳ chặn hàng hoá bị trừng phạt quá cảnh tới Nga, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-chan-hang-hoa-bi-trung-phat-qua-canh-toi-nga-20230311012139418.htm
[xix] Công Thuận (2023), Những yếu tố giúp nền kinh tế Nga đứng vững trước lệnh trừng phạt của phương Tây, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-yeu-to-giup-nen-kinh-te-nga-dung-vung-truoc-lenh-trung-phat-cua-phuong-tay-20230224164500358.htm
[xx] Nguyễn Phương (2023), Doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga bùng nổ giữa “sóng” trừng phạt phương Tây, Báo Kinh tế và Đô thị, https://kinhtedothi.vn/doanh-thu-xuat-khau-nang-luong-cua-nga-bung-no-giua-song-trung-phat-phuong-tay.html
[xxi] Aleksashenko, S. (2023) Russia after a year of sanctions, Al Jazeera, https://www.aljazeera.com/opinions/2023/2/28/russia-after-a-year-of-sanctions
[xxii] Duy Trinh (2023), Bloomberg: Nga thành công vượt qua lệnh trừng phạt, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/the-gioi/bloombergnga-thanh-cong-vuot-qua-lenh-trung-phat-20230305063047118.htm
[xxiii] United States Department of State, “Imposing Sanctions on Entities and Individuals in Response to Iran’s Transfer of Military UAVs to Russia”, https://www.state.gov/imposing-sanctions-on-entities-and-individuals-in-response-to-irans-transfer-of-military-uavs-to-russia/
[xxiv] Steve Holland, Jonathan Landay and Andrea Shalal (2023), U.S. targets Russia with sanctions, Moscow says measures won’t work, Reuters, https://www.reuters.com/world/us-targets-russia-with-sanctions-tariffs-ukraine-war-anniversary-2023-02-24/
[xxv] Demetri Sevastopulo, Henry Foy, Christopher Miller (2023), Western alliies warn of “severe costs” for countries helping Russia evade sanctions, Financial Times, https://www.ft.com/content/82dbb951-fc4b-4b74-9511-432d85127f22
[xxvi] Demetri Sevastopulo, US blacklists Chinese companies for allegedly supporting Russian military, Financial Times, https://www.ft.com/content/a866bf53-ed1a-4329-aa01-2d7c1fcf305d
[xxvii] Demetri Sevastopulo, Henry Foy, Christopher Miller (2023), Western alliies warn of “severe costs” for countries helping Russia evade sanctions, Financial Times, https://www.ft.com/content/82dbb951-fc4b-4b74-9511-432d85127f22
[xxviii] Trần Quyên (2023), Nhật Bản trừng phạt thêm 143 cá nhân và tổ chức có quan hệ với Nga, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-trung-phat-them-143-ca-nhan-va-to-chuc-co-quan-he-voi-nga-20230228134542291.htm
[xxix] Ruchi Bhatia and Adrija Chatterjee (2023), India to Ensure No Breach on Russia Oil Purchase Sanctions, Bloomberg,https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-03-12/india-to-ensure-no-breach-on-russia-oil-purchase-sanctions
[xxx] Beril Akman (2023), Russia Inc. Booms in Turkey With Surge in Newly Opened Firms, Bloomberg, https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-03-20/russia-inc-booms-in-turkey-with-surge-in-newly-opened-firms
[xxxi] Henry Doy and Sam Fleming (2022), James Politi and Laura Pitel, US and EU step up pressure on Turkey over Russia sanctions, Financial Times, https://www.ft.com/content/95243a73-22c8-447e-bbae-a10a206d7e9e
[xxxii] Stefanie Glinski (2023), Turkey’s Balancing Act Between Putin and the West, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/03/06/turkey-elections-russia-erdogan-putin-nato/
[xxxiii] Stefanie Glinski (2023), Turkey’s Balancing Act Between Putin and the West, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2023/03/06/turkey-elections-russia-erdogan-putin-nato/
[xxxiv] The US Federal Register, “Implementation of Additional Sanctions Against Russia and Belarus Under the Export Administration Regulations (EAR) and Refinements to Existing Controls”, https://www.federalregister.gov/documents/2023/02/27/2023-03927/implementation-of-additional-sanctions-against-russia-and-belarus-under-the-export-administration
[xxxv] Hải Vân (2023), Thổ Nhĩ Kỳ chặn hàng hoá bị trừng phạt quá cảnh tới Nga, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-chan-hang-hoa-bi-trung-phat-qua-canh-toi-nga-20230311012139418.htm
[xxxvi] Avery Hartmans (2022), The US and its allies are trying to cripple Russia’s economy with sanctions that target everything from international travel to oligarchs’ yachts — here’s how they work, Business Insider, https://www.businessinsider.nl/the-us-and-its-allies-are-trying-to-cripple-russias-economy-with-sanctions-that-target-everything-from-international-travel-to-oligarchs-yachts-heres-how-they-work/