Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được cho là sự kiện địa chính trị quan trọng nhất năm 2022. Cho đến nay, cuộc chiến được dự báo sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, vẫn có thể có những khoảng lặng ngắn xuyên suốt quá trình diễn ra cuộc xung đột khốc liệt. Các bên cũng đã nghĩ đến các giải pháp ngoại giao với các thỏa thuận hòa bình hoặc ít nhất là các thỏa thuận đình chiến. Nhưng sự khác biệt về mục tiêu của hai phía đang khiến con đường đi đến hòa bình ngày càng chông gai. Liên quan đến khả năng đạt được thỏa thuận chính trị này, tác giả Frank G. Hoffman có một bài viết đáng chú ý đăng trên website Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế có trụ ở tại Mỹ. Dưới đây là những quan điểm nghiên cứu của tác giả:
*****
Monty Hall sẽ nói gì về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine?
Monty Hall là một trò chơi truyền hình thực tế ở Mỹ, người dẫn chương trình này có tên là Monty Hall. Ông cũng là tác giả của bài toán xác xuất Monty Hall nổi tiếng. Trò chơi này yêu cầu người chơi lựa chọn một trong ba ô cửa mà đằng sau có thể là: con dê hoặc một chiếc xe hơi đắt tiền, ngoài ra có thể có những món đồ có giá trị khác. Người chơi luôn mong muốn chọn đúng ô cửa có chiếc xe, nhưng nếu mở trúng con dê thì họ vẫn phải mang nó về nhà. Thực tế, Monty Hall sẽ giúp người chơi loại trừ một đáp án sai bằng cách mở một ô cửa có dê. Còn hai ô còn lại, ông ta biết rõ đằng sau đó có gì. Người chơi sẽ được lựa chọn lần thứ 2: hoặc giữ nguyên lựa chọn ban đầu hoặc đổi sang ô còn lại.
Các chiến binh ở Ukraine cũng đang phải đối mặt với một sự lựa chọn tương tự. Họ nên giữ những gì họ có hay hi vọng có thể lấy một giải thưởng đẹp hơn? Bài viết này sẽ khám phá cuộc tranh luận đang diễn ra về những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến đàm phán chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine. Có một số người ủng hộ kêu gọi một thỏa thuận hòa bình nhưng lại có rất ít ý kiến về những nội dung mà các cuộc đàm phán nên bao gồm. Trên thực tế, nhiều nhà phân tích phương Tây dường như nghĩ rằng, đó hoàn toàn là chuyện giữa các bên tham chiến. Điều này bỏ qua các lợi ích chiến lược mà NATO và các bên đóng góp khác có được khi kết thúc trò chơi, cũng như các chi phí và rủi ro to lớn mà họ đang gánh chịu. Sau khi phác thảo cuộc tranh luận và một số ý nghĩa tiềm năng, một khuôn khổ cho một thỏa thuận được đưa ra. Đó là một thỏa thuận danh nghĩa như một điểm khởi đầu, và nó vượt qua các ranh giới đỏ đã được công bố từ cả hai bên phản đối.
Ukraine đã bất chấp những thách thức từ Nga và đã bảo vệ chủ quyền của mình một cách kiên cường. Vẫn còn một chặng đường dài để cố gắng loại bỏ lực lượng vũ trang Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Cuộc chiến đẫm máu này có thể kéo dài bất chấp những nỗ lực phản kháng của quân đội Ukraine. Nhưng đã đến lúc bắt đầu nghĩ về cái kết của trò chơi. Phác thảo những thỏa hiệp và những lựa chọn khó khăn cho việc chấm dứt “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga không phải là một bài tập lạc quan hay mơ tưởng. Hiểu được phương Tây mong muốn gì từ cuộc xung đột này và mục tiêu trong quan hệ với một nước Nga bại trận là một câu hỏi chiến lược rõ ràng đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ vào thời điểm này.
Gần đây, đã có những cuộc thảo luận về một giải pháp thương lượng ở Ukraine. Báo cáo từ New York Times tiết lộ các cuộc tranh luận đang diễn ra trong nội bộ chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc khuyến khích Ukraine sớm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley đã củng cố nhận định này tại Câu lạc bộ Kinh tế New York. Ông nghĩ rằng, đã đến lúc có thể đạt được một giải pháp chính trị, và ông công khai đề nghị rằng Kiev nên nắm bắt thời điểm đó. Ông lưu ý, quân đội Ukraine đang bế tắc trong việc chiến đấu với quân đội Nga. ”Bây giờ”, ông lập luận, “chúng tôi nghĩ rằng có một số khả năng ở đây cho một số giải pháp ngoại giao”. Ông tiếp tục lưu ý rằng, việc đẩy lui hoàn toàn người Nga ra khỏi Ukraine sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn và “xác suất Nga đạt được các mục tiêu chiến lược nhằm chinh phục Ukraine là… gần như bằng không.”
Có vẻ như Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảm thấy chưa đến lúc và họ cũng không nghĩ rằng, Hoa Kỳ nên gây sức ép với Tổng thống Ukraine để bắt đầu một cuộc đàm phán chính trị. Tương tự như vậy, Tổng thư ký của NATO tỏ ra thờ ơ với các cơ hội vào thời điểm này, tuyên bố rằng, Nga chỉ muốn một lệnh ngừng bắn để “chốt” các lợi ích của họ tính đến thời điểm này và dành thời gian cho các hoạt động quân sự mới vào mùa Xuân khi họ có binh lính mới và khôi phục kho đạn dược của mình.
Tuy nhiên, Tướng Milley đã xác định chính xác bối cảnh quân sự và đưa ra một phép loại suy lịch sử sâu sắc. Ông nói với các phóng viên tại một sự kiện tiếp theo ở Lầu Năm Góc về thời điểm đàm phán bây giờ là thích hợp, nói rằng: “Bạn muốn đàm phán vào thời điểm mà bạn đang ở thế mạnh và đối thủ của bạn đang ở thế yếu”. Ông đã rút ra một sự tương đồng với sự bế tắc kéo dài của Thế chiến thứ nhất, nơi mà hầu hết các bên đều hiểu, sau năm đầu tiên, một giải pháp quân sự là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, vì những lý do chính trị, mỗi bên đã duy trì thêm vài năm chiến tranh trong một cuộc thử thách sức chịu đựng làm tăng thêm hàng triệu thương vong và sự sụp đổ của một số đế chế. Điều này phản ánh một bài học lịch sử về chi phí chiến tranh, cả con người và vật chất.
Yếu tố phù hợp nhất của phép loại suy này là tính chất bế tắc của cuộc xung đột và thương vong khủng khiếp của nó. Nhưng, ngoài ra, người ta không thể coi thường sự tan rã đầy kịch tính của các đế chế Nga, Đức, Ottoman, Áo-Hung và sự hỗn loạn chính trị xảy ra sau đó. Một bài học thú vị khác là hiệp ước sau chiến tranh, trong con mắt của nhiều học giả, không đặt ra các điều kiện cho sự ổn định lâu dài. Như Henry Kissinger đã nhận xét: “Hiệp ước Versailles mang tính trừng phạt để kết thúc chiến tranh tỏ ra mong manh hơn nhiều hơn cấu trúc mà nó thay thế”. Trong khi ủng hộ chiến thắng của Ukraine, ông đồng tình rằng, thời điểm đang đến gần để xây dựng dựa trên những thay đổi chiến lược và “kết hợp chúng vào một cấu trúc mới hướng tới đạt được hòa bình thông qua đàm phán”. Các học giả khác đã nói thêm rằng, một thất bại chiến lược làm suy yếu nước Nga đến mức nước này trở thành con bài tài nguyên cho Trung Quốc lợi dụng nhằm mang lại lợi ích đáng kể cho Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược hiện nay.
Những người khác cho rằng đây không phải là lúc để lung lay và lập luận rằng, vũ khí tiên tiến hơn của Hoa Kỳ nên được gửi (nhanh hơn) để hỗ trợ chiến thắng của Kiev thay vì tìm kiếm các cuộc đàm phán. Chắc chắn là quá sớm với thực tế là Nga vẫn nắm giữ gần 1/5 lãnh thổ Ukraine và thậm chí có thể là một phần lớn hơn nền kinh tế của nước này. Hiện nay, Ukraine cũng có cho mình những động lực nhất định. Nhưng một thỏa thuận đình chiến hoặc một thỏa thuận thương lượng có thể khóa chặt lợi ích của Putin, và do đó, các cuộc đàm phán vào thời điểm này được coi là phản tác dụng .
Nhưng nếu bạn tính đến những rủi ro và chi phí đang tăng lên, rõ ràng đã đến lúc xem liệu các bên tham chiến có thể nhìn ra sau bức màn và xem loại thỏa thuận nào có thể đạt được hay không. Có một số vấn đề có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải tạm dừng và nghĩ rằng, bây giờ là thời điểm thích hợp để xem xét cách chấm dứt xung đột. Bao gồm:
- Thông tin tình báo cho rằng, sức mạnh quốc gia tiềm ẩn của Nga có các nguồn dự trữ sâu hơn (hữu cơ và từ các đồng minh như Trung Quốc, Triều Tiên và Iran) sẽ được sử dụng.
- Dự đoán các nguồn sức mạnh chiến đấu thay thế (ví dụ: Iran hoặc Belarus chuẩn bị tham gia).
- Một số bằng chứng cho thấy, Nga đang xây dựng lại sức mạnh chiến đấu nhanh hơn người ta thường nghĩ hoặc chuẩn bị tấn công NATO để leo thang xung đột ra bên ngoài Ukraine.
- Nguy cơ leo thang ngày càng tăng (tín hiệu từ Shoigu có lẽ liên quan đến việc Nga sử dụng năng lực hạt nhân).
- Hỗ trợ của Liên minh Châu Âu/NATO có thể giảm mạnh (do suy thoái đang diễn ra, lo ngại lạm phát và thay đổi chính trị).
- Sự sụt giảm hỗ trợ của Hoa Kỳ (do lo ngại suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng, chi phí) từ những người cấp tiến của Đảng Dân chủ, những người đã đưa ra và rút lại những lo ngại hoặc hạn chế của họ từ Đảng Cộng hòa vốn có ý định xem xét kỹ lưỡng viện trợ quân sự.
- Những lo ngại rằng các ưu tiên cao hơn ở châu Á đang bị cắt giảm và khả năng xảy ra các cuộc xâm lược cơ hội ở khu vực đó đang gia tăng.
- Một đánh giá cho rằng, việc tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine đang làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ và việc khôi phục kho vũ khí sẽ tốn kém và chậm chạp đối với cả Washington và các đồng minh.
Về điểm thứ hai này, rõ ràng là các chính phủ phương Tây đang hiểu được mức độ họ có thể làm cạn kiệt kho vũ khí của mình và cơ sở công nghiệp của họ thực sự hạn chế như thế nào với khối lượng đạn dược được sử dụng ở Ukraine. Không rõ liệu các công ty quốc phòng có thể đáp ứng nhu cầu hay không, do sự thiếu hụt nhân công, lạm phát cao kỷ lục và sự gián đoạn chuỗi cung ứng (mặc dù Nga cũng gặp phải những khó khăn về nguồn cung tương tự và có nền kinh tế nhỏ hơn đang bị trừng phạt).
Với hàng loạt mối quan tâm này, không có gì ngạc nhiên khi các quan chức an ninh quốc gia đang cân nhắc chi phí và hậu quả của cuộc chiến. Trên thực tế, nếu những rủi ro tiềm ẩn này không được xem xét và tranh luận, Nhà Trắng có thể bị buộc tội sơ suất. Đồng thời, có những vấn đề nảy sinh từ câu chuyện của New York Times :
- Nó đã phơi bày một phần các cuộc thảo luận nội bộ và sự khác biệt về quan điểm giữa đội ngũ cấp cao của chính quyền Biden với công chúng.
- Nó làm đảo lộn giới lãnh đạo chính trị của Ukraine vì nó diễn ra sau các cuộc tấn công thành công của họ nhằm giành lại Kherson.
- Putin có thể hiểu sai rằng, Hoa Kỳ đang do dự trong việc ủng hộ một thành công quân sự rõ ràng cho Ukraine.
Về điểm thứ hai này, một số nhà ngoại giao, chuyên gia khu vực và học giả lo ngại về đàm phán với Nga vào thời điểm này. Raphael Cohen từ RAND đã đưa ra một bài bình luận sâu sắc về những mối nguy hiểm do những lời bình luận của Milley nêu ra, và kết luận rằng, chúng là động cơ thúc đẩy Tổng thống Putin tiếp tục cuộc chiến. Chính quyền Hoa Kỳ sau đó đã phản ứng mạnh mẽ để làm rõ sự hiểu lầm đó.
Liệu một số giải pháp thương lượng với việc rút quân của Nga khỏi các khu vực được chọn có khả thi không? Có rất ít điểm chung về thỏa thuận có thể được nhìn ra. Vào cuối tháng 11.2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề ra một số quan niệm chung về hòa bình. Kết quả ưa thích của ông bao gồm việc Nga rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng (bao gồm cả Crimea), bồi thường thiệt hại và các hậu quả do tòa án xác định đối với các tội ác chiến tranh. Sự sẵn sàng dường như đã được đổi mới này để thảo luận về việc chấm dứt xung đột có vẻ đã được tạo ra nhằm đáp ứng các đề xuất từ Washington rằng Kiev thể hiện mình vẫn sẵn sàng cho một số loại thỏa thuận hòa bình. Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kubela, lập luận rằng, Kiev sẽ không thỏa hiệp trên lãnh thổ của mình và rằng, ông thấy trước không có triển vọng cho các cuộc đàm phán hòa bình hiệu quả.
Ngoài quan điểm riêng của giới lãnh đạo ở Washington và Kiev, ý kiến đóng góp của các đồng minh chủ chốt phải được tính đến. Ở đây có các quan điểm khác nhau. Sau khi tham khảo ý kiến với Biden trong chuyến công du tới Washington, Tổng thống Emmanuel Macron từ Pháp đã nêu rõ sự cần thiết phải đối thoại nhiều hơn, thậm chí còn ngược lại kêu gọi đưa vào các đảm bảo an ninh cho Nga. Trái lại, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom kêu gọi một chiến thắng quyết định, tuyên bố rằng “Bất cứ điều gì ít hơn một thất bại của Nga ở Ukraine sẽ khuyến khích Moscow và các cường quốc độc tài khác“.
Thỏa thuận có thể trông như thế nào
Không giống như chương trình của Monty Hall, các chính trị gia cần biết các lựa chọn có thể là gì, hơn là đưa ra các lựa chọn đằng sau bức màn. Trong những điều kiện nào, Chính phủ Hoa Kỳ có thể muốn thúc đẩy một giải pháp vào thời điểm cụ thể này, khi tiến độ giới hạn sẽ được thực hiện và Nga vẫn nắm giữ một vùng lãnh thổ đáng kể của Ukraine, có thể bóp nghẹt tiềm năng kinh tế dài hạn của nước này? Cả hai bên đều đổ máu, theo nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng dường như không bên nào sẵn sàng đàm phán. Một giải pháp không có trong tầm nhìn và một thỏa thuận sớm sẽ làm giảm bớt những đau khổ khủng khiếp cho Ukraine nhưng chỉ là tạm thời và chỉ trên vùng đất do Kiev nắm giữ. Nga sẽ dễ dàng tập hợp lại theo thời gian và đe dọa tự do và hòa bình của Ukraine và châu Âu một lần nữa. Tại thời điểm này, dường như không có sẵn cơ chế hay động lực để thực hiện một giải pháp chính trị hay thậm chí chỉ là ngừng bắn. Điều thứ hai có thể xoa dịu, chấm dứt bạo lực khủng khiếp, nhưng chắc chắn không có lợi cho sự ổn định lâu dài. Nó sẽ giữ chặt cuộc xung đột dọc theo các chiến tuyến như hiện tại, với việc Putin nắm giữ nhiều lãnh thổ và nguồn lực hơn trước chiến tranh. Nó sẽ đòi hỏi giới lãnh đạo chính trị của Ukraine phải nhượng lại một vùng đất nhưng nghiêm trọng hơn là bỏ rơi cư dân của vùng đất đó.
Cho đến nay, cả hai bên tranh chấp đều chưa đưa ra một cơ sở rõ ràng về một thỏa thuận. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng đưa ra một số khái niệm chung để lôi kéo các bên ngồi vào bàn đàm phán. Ngoại trưởng Nga đã phàn nàn rằng, Kiev không nghiêm túc trong việc chấm dứt chiến tranh và cho rằng, có thể đạt được một thỏa thuận nếu người Ukraine chỉ chấp nhận “ thực tế hiện tại”... Thực tế lớn nhất là quân đội Nga không thể rút tiền mặt từ những tấm séc mà Putin đang viết, tham vọng của ông ấy vượt xa khả năng của quân đội. Đánh giá quá cao là một lỗi cổ điển của chiến lược tồi được John Lewis Gaddis lưu ý.
Người Nga khẳng định rằng, họ thậm chí sẽ không ngồi vào bàn đàm phán nếu không có một thỏa thuận, trong đó, việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ được công nhận như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Zelensky đã có một bài phát biểu với một kế hoạch mười điểm thiên về các nguyên tắc và yêu cầu để đáp lại thông điệp tinh tế của Washington. Ông ta muốn quân đội Nga rút khỏi tất cả các khu vực và đưa Crimea trở lại Ukraine.
Không ai có vẻ sẵn sàng cho một thỏa thuận, hoặc có lẽ họ chỉ đang tạo dáng trước khi ngồi xuống. Nhưng không có đề xuất nào cung cấp một khuôn khổ cho ngoại giao. Điểm xuất phát của riêng tôi được trình bày trong bảng dưới đây. Cột đầu tiên phản ánh các yếu tố gây tranh cãi chính sẽ bao gồm thỏa thuận cuối cùng. Chúng bao gồm sự liên kết chính trị, kinh tế và quân sự, chi phí bồi thường và tái thiết, và đảm bảo an ninh. Điểm khởi đầu cho các bên tham gia hiệp ước được liệt kê trong các cột. Vì chiến tranh và chi phí của nó không chỉ được chia sẻ giữa các bên tham chiến, nên tôi đã đưa vào một cột dành cho các bên quốc tế tham gia đàm phán.
Liên kết Kinh tế và An ninh. Yếu tố chính của điểm khởi đầu được đề xuất là sự đánh đổi trong việc Ukraine liên kết với phương Tây. Về mặt kinh tế và chính trị, Ukraine sẽ tiếp tục nỗ lực để gia nhập Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, về mặt an ninh và quân sự, Kiev sẽ chấp nhận vị trí trung lập với sự đảm bảo an ninh từ một liên minh gồm các quốc gia có thiện chí. Các lực lượng của NATO sẽ không được bố trí bên trong Ukraine và đổi lại, các lực lượng của Nga cũng sẽ không có mặt ở Belarus. Zelensky trước đây đã đưa ra điều này, nhưng đó là giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Kiểm soát lãnh thổ. Một số điểm vướng mắc chính sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán. Theo đề xuất của tôi, bốn khu vực bị chiếm đóng được trả lại cho Ukraine kiểm soát. Moscow sẽ phản đối điều này, giống như Ukraine sẽ phản đối đề xuất công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea. Hầu hết các nhà quan sát tin rằng, những nỗ lực chiếm lại Crimea bằng vũ lực sẽ rất gian khổ và đẫm máu. Điều này hoàn toàn đúng nếu một phần đáng kể sức mạnh chiến đấu ngày càng tăng của Ukraine bị cạn kiệt trong chiến dịch sắp tới nhằm giải phóng các khu vực bị sáp nhập. Nhưng các quan chức ở Kiev lạc quan hơn về cơ hội giành lại bán đảo.
Bảng 1: Dàn xếp thương lượng tạm thời
Ukraina | Cộng đồng quốc tế | Nga | |
Liên kết kinh tế | Thành viên EU | Kết nạp Kiev vào EU nhanh chóng | |
Căn chỉnh an ninh | Trung lập, và không có quân đội NATO. | Chỉ có tùy viên quốc phòng tại các đại sứ quán | Không có quân đội Nga ở Belarus |
Bồi thường | Nhà tài trợ, EU và các tổ chức hỗ trợ Ucraine khác | ||
Tái thiết | Các nhà tài trợ quốc tế | ||
Lãnh thổ | Giữ chủ quyền của 4 vùng bị chiếm đóng | Công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea | Giữ lại Crimea |
Tư pháp/Hình sự | Ukraine giữ quyền lựa chọn đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế | Đánh giá của Ủy ban Nhân quyền LHQ | |
Công dân Nga | Ukraine cam kết bảo vệ các quyền chính trị và quyền tiếp cận tất cả các phương tiện truyền thông cho cư dân Nga | Những người nói tiếng Nga có quyền đối với ngôn ngữ, văn hóa và quyền truy cập vào đài truyền hình/đài phát thanh Nga | |
Tiếp cận Crimean | Ukraine giữ quyền lợi của họ tại khu vực này | Nga đồng ý cho phép tiếp cận Biển Azov | |
An ninh Biển Đen | Thành lập Nhóm quan sát hàng hải của LHQ | ||
Người tị nạn và người bị trục xuất | Ukraine trao trả toàn bộ tù nhân Nga | Giám sát Chữ thập đỏ và hỗ trợ của UNHR | Nga trao trả toàn bộ tù nhân, người bị trục xuất kể cả trẻ em |
Đảm bảo an ninh cho Kiev | Liên minh các quốc gia sẵn sàng đồng ý bảo vệ chủ quyền Ukraine | ||
Trừng phạt kinh tế | EU và Mỹ điều chỉnh nhập khẩu năng lượng của Nga để thực thi thỏa thuận |
Tái thiết và sửa chữa. Đề xuất này không có nhiều tác dụng trong việc buộc Nga phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị tàn phá của đất nước nằm trong khoảng từ 350 đến 800 tỷ USD. Ước tính gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới là gần 350 tỷ USD. Sẽ khó tìm được các nguồn lực cho thách thức tái thiết này, ngay cả khi giả định rằng, nền kinh tế Ucraine có phục hồi trở lại cũng ít hơn nhiều so với trước đây. Hơn nữa, điều này sẽ khó đạt được nếu Nga chiếm đóng một loạt các khu vực quan trọng đối với các trung tâm sản xuất, khai thác mỏ và nông nghiệp của Ukraine.
Xây dựng lại Ukraine sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực. Một nỗ lực phục hồi tốn kém thời hiện đại, ví dụ một kế hoạch Marshall cho Ukraine sẽ là cần thiết để đảm bảo rằng Ukraine phục hồi và có cơ hội đạt được hòa bình và thịnh vượng về sau, tất nhiên nếu họ thành công trong việc đẩy lùi quân đội Nga. Các nước phương Tây có thể chuyển toàn bộ tài sản bị đóng băng của Nga sang mục đích tái thiết Ukraine cũng như bồi thường chiến tranh. Ban đầu, đề xuất này hướng đến khả năng để tòa án châu Âu hoặc Tòa án Hình sự Quốc tế giữ các khoản tiền đó và Ukraine sẽ là bên bị thiệt hại chính có thể đưa ra yêu cầu trước tòa án. Một nhóm từ Hội đồng Đại Tây Dương do Steve Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ được nhiều người kính trọng, đã đề xuất rằng số tiền (hơn 300 tỷ USD) sẽ bị tịch thu và trao cho chính phủ Ukraine. Cũng trong đề xuất này, các khoản bồi thường được trình bày như một chi phí mà Ukraine phải gánh chịu, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Trao đổi tù nhân vẫn đang diễn ra, nhưng việc trao trả những người Ukraine bị bắt cóc và trách nhiệm giải trình đối với những người mất tích có thể là vấn đề trong các cuộc đàm phán. Việc một số lượng lớn trẻ em bị mất tích cũng sẽ gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Ukraine.
Đảm bảo an ninh. Ukraine đã nói rõ mong muốn của mình về các đảm bảo an ninh và nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào một số liên minh tự nguyện. Ngoại trưởng Ukraine một lần nữa đã không khôn ngoan khi yêu cầu gia nhập NATO ngay lập tức, gọi sự chậm trễ trong quá khứ từ Brussels là một “sai lầm chiến lược”. Trong khuôn khổ ban đầu, tính trung lập cho Ukraine được đề xuất để đáp ứng lợi ích của Moscow. Nhưng các biện pháp trừng phạt hoặc các tài sản bị tịch thu khác có thể được coi là “con tin” nhằm đảm bảo sự phản ứng có giới hạn của Nga.
Đây không phải là một thỏa thuận hoàn chỉnh, các yếu tố được mô tả chỉ là điểm khởi đầu để các bên bắt đầu đàm phán. Nó không được cho là sẽ làm hài lòng tất cả các bên. Nó cũng không thực sự giải quyết được câu hỏi lớn hơn về mối quan hệ giữa Nga với phương Tây. Những ảo tưởng về chủ nghĩa đế quốc của Moscow sẽ không được giải quyết vĩnh viễn bằng thỏa thuận này. Sự bất bình của họ đối với các nền dân chủ sẽ chỉ bùng lên bởi sự sáo rỗng về sức mạnh quân sự của Nga và tình trạng kinh tế suy giảm mà Putin đã tạo ra cho người dân của mình.
Mối quan hệ sau chiến tranh. Như một số chuyên gia đã lưu ý, Nga sẽ không sụp đổ, nước này sẽ vẫn là một cường quốc trong tương lai và có lẽ vẫn là một nguồn bất ổn dai dẳng đối với châu Âu. Đặc điểm của cuộc xung đột này và sự chấm dứt của nó sẽ ảnh hưởng đến châu Âu trong phần còn lại của thập kỷ này. Chúng ta có trách nhiệm không chỉ nghĩ trong ngắn hạn hoặc tự huyễn hoặc bản thân rằng Washington hay thủ đô của các đồng minh NATO của chúng ta không có can đảm trong cuộc chiến này cũng như việc giải quyết xung đột. Người ta nghi ngờ rằng, giới tinh hoa ở Berlin và Paris theo phản xạ muốn quay trở lại trạng thái trước chiến tranh, quay trở lại quan hệ kinh tế, đặc biệt là nhập khẩu năng lượng của Nga. Phương Tây sẽ phải xây dựng một cách tiếp cận gắn kết đối với Nga sau chiến tranh và một lập trường thống nhất ngày nay có thể đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh nếu Moscow hiểu điều này.
Thật khó để nghĩ về một số hiệp ước có ý nghĩa và công bằng có thể sớm được ký kết với Nga bất cứ lúc nào. Tổng thống Putin dường như có ý định tăng gấp đôi, vũ khí hóa cái lạnh mùa đông và loại bỏ lưới điện của Ukraine. Tuy nhiên, những thành công gần đây của Ukraine cho thấy rõ ràng rằng, họ vẫn có thể đạt được nhiều hơn nữa trên chiến trường. Sẽ rất tốn kém về mạng sống con người, nhưng Kiev có thể sẽ tiếp tục đạt được tiến bộ miễn là có các phương tiện cần thiết. Những tiến bộ này có khả năng đạt được vào năm tới, mặc dù người ta nghi ngờ rằng kết quả sẽ ngược lại. Như Mick Ryan đã lưu ý, việc chiếm lại Crimea sẽ là một thách thức lớn và có thể phải trả giá đắt mà những người nước ngoài ủng hộ Zelensky không thể đáp ứng nổi.
Vì vậy, chiến tranh sẽ tiếp tục, giống như nó đã xảy ra vào năm 1914. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể diễn ra các hoạt động trao đổi ngoại giao hoặc các rủi ro đối với khu vực không được kiểm soát chặt chẽ.
Phần kết luận
Không thể phủ nhận các quyết định chiến lược về chiến tranh, bao gồm cả việc chấm dứt chiến sự là phức tạp. Giáo sư Dan Reiter, từ Đại học Virginia/Mỹ, đã xác định điều kiện then chốt để chấm dứt xung đột trong cuốn sách How Wars End của ông . Điều kiện quan trọng là mức độ tin cậy của các bên tham chiến, liệu họ có tôn trọng một thỏa thuận cuối cùng. Nhưng hồ sơ theo dõi của Nga với các hiệp định như Helsinki, Hiệp định Lực lượng hạt nhân tầm trung, Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh và các thỏa thuận Minsk là không rõ ràng. Chúng là phương tiện để đạt được mục đích mà các mục đích đó không bao giờ hướng tới giải pháp và thỏa hiệp.
Hầu hết các cuộc chiến đều đi đến hồi kết và thường gắn với một số loại thỏa thuận chính trị được đàm phán. Nhưng cuốn sách về chấm dứt chiến tranh của Fred Ikle, Every War Must End, chỉ đúng một phần. Nhiều cuộc chiến cũng là những bài kiểm tra kéo dài về sức chịu đựng. Lịch sử có rất nhiều ví dụ như Chiến tranh Trăm năm và Chiến tranh Ba mươi năm. Ngay cả cặp chiến tranh tàn khốc của thế kỷ 20 cũng có thể được coi là một cuộc xung đột đơn lẻ kéo dài bốn thập kỷ ở châu Âu. Cuộc chiến này cũng sẽ kết thúc vào một ngày nào đó. Putin hành động bất chấp cái giá mà ông ấy và nước Nga có thể phải trả. Putin biết rõ hơn ai hết câu trả lời cho câu hỏi “Nga có thua không?” Như ngài Lawrence Freedman đã kết luận vào tháng 11.2022, Putin biết rằng cuộc chiến đã thất bại từ lâu. Tuy nhiên, ông ấy miễn cưỡng chọn một lối thoát, sợ phải tìm ra điều gì đó đằng sau bức màn.
Một số người nghĩ rằng những nỗ lực lớn hơn nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao là ngây thơ hoặc đơn giản là bị bác bỏ theo phản xạ. Đàm phán kết thúc xung đột giữa con người với nhau là tiêu chuẩn nhưng cuối cùng chỉ có thể được theo đuổi khi mỗi bên tin rằng họ có thể đạt được và chốt được nhiều lợi ích hơn trên bàn so với trên thực tế. Những điều mà phe diều hâu Nga lo sợ lại đang được Putin thúc đẩy, đặc biệt là một NATO mạnh hơn và gắn kết hơn ở gần biên giới của nó. Tuy nhiên, triển vọng về hòa bình là cực kỳ mong manh, trừ khi một người sẵn sàng chấp nhận hòa bình theo các điều kiện của Putin.
Điều đó không có nghĩa là không có hi vọng đảm bảo một nền hòa bình phù hợp, hoặc không đáng để cố gắng đạt được. Hòa bình không thể được thiết lập hoặc duy trì nếu không có một quan niệm rộng hơn về trật tự khu vực. Tôi đồng ý với Freedman rằng “Không có hại gì khi bắt đầu nghĩ về một trật tự an ninh thời hậu chiến” nhưng sẽ ngược lại nếu nó được xây dựng trên suy nghĩ viển vông hoặc những quan niệm giàu trí tưởng tượng về Buổi hòa nhạc châu Âu thời hiện đại. Cách tốt nhất để đạt được một nền hòa bình lâu dài là đảm bảo rằng Putin hiểu việc tiếp tục cuộc chiến này sẽ tạo ra những thiệt hại lớn về chính trị và kinh tế cũng tồi tệ như những thất bại choáng váng mà ông đã phải nhận trong lĩnh vực quân sự. Sau đó, ông ta sẽ bị đẩy sang một bên hoặc buộc phải thực hiện một thỏa thuận. Tại thời điểm này, tất cả chúng ta đều là khán giả trong chương trình của Monty Hall đang tự hỏi thí sinh sẽ đưa ra lựa chọn nào. Chúng ta nên giúp làm rõ cho Putin và những người ủng hộ ông ta rằng sẽ không có giải thưởng hay thỏa thuận nào tốt hơn sắp tới, bất kể chiến thuật của ông ta mạnh mẽ đến mức nào.
Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả (Frank G. Hoffman), hoàn toàn không phản ánh quan điểm nghiên cứu của Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược.
Biên dịch: Hoàng Hải
Nguồn: Frank G. Hoffman, “Let’s Make a Deal? Ukraine and the Poor Prospects for Negotiations with Putin”, Foreign Policy Research Institute, 06.01.2023
Kịch bản Chiến tranh Triều Tiên đề xuất cho Kiev?
Ngày 07.01.23, trên kênh Telemarathon, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraina O.Danilov tuyên bố rằng Kiev được đề nghị giải quyết tình hình ở Ukraina theo Kịch bản Triều Tiên.
Danilov nói: “Chúng tôi hiện đang được đề nghị phương án Triều Tiên. Cái gọi là vĩ tuyến 38 theo quy ước. Đấy, ở đây là người Ukraina, còn ở kia không phải là người Ukraina… Tôi biết chắc chắn rằng một trong những phương án mà họ có thể đề xuất với chúng tôi – đó là thiết lập “Vĩ tuyến 38”.
Ngoài ra, theo Danilov, tại các cuộc gặp gỡ hiện nay với các chính trị gia châu Âu, đại diện của Mátxcơva kiểu như là truyền tải “thông điệp rằng họ sẵn sàng nhượng bộ, nhưng để chốt lại hiện trạng thực tế đang tồn tại ngày hôm nay”.