Tháng 8/2024, thế giới đã không xuất hiện các thay đổi có tính đột biến lớn, nhưng tính phức tạp tại các khu vực vẫn tiếp tục được duy trì. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý tại các khu vực chiến lược trong tháng 8/2024 và các đề xuất nghiên cứu có tính thực tiễn và khoa học cao trong thời gian tới.
KHU VỰC ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
1. Hoạt động đối ngoại đáng chú ý của Việt Nam sau khi đồng chí Tô Lâm được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư. Sau sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đầu tháng 8/2024, đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm đã được Trung ương Đảng giới thiệu bầu giữ chức Tổng Bí thư. Ngay trong những ngày 18-20/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm quốc tế đầu tiên tới Trung Quốc. Chuyến thăm này diễn ra không lâu sau chuyến thăm hai nước Lào và Campuchia của đồng chí Tô Lâm khi ở cương vị Chủ tịch nước hồi tháng 7/2024. Các sự kiện này tiếp tục khẳng định ưu tiên láng giềng trong chính sách đối ngoại của tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời dự báo một chiến lược đối ngoại có tính kế thừa toàn diện, không có nhiều thay đổi của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
2. Campuchia khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo. Sự kiện này diễn ra ngày 5/8/2024, không lâu sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm có chuyến thăm tới Campuchia. Cùng với việc kế hoạch dự án này trước đó đã được Ủy hội Mê Kông thông qua, có thể nói tác động tiêu cực của dự án đã bị thổi phồng so với thực tế.
3. Căng thẳng trên biển Đông vẫn duy trì tính phức tạp. Trung Quốc và Philippines đã duy trì căng thẳng trên biển được nhiều năm, phạm vi xảy ra các va chạm trên biển cũng đã mở rộng, không chỉ xoay quanh khu vực bãi Cỏ Mây và bãi Scarborough. Gần đây, căng thẳng đã xuất hiện xung quanh bãi Sa Bin (thuộc quần đảo Trường Sa). Trung Quốc đã gia tăng số lượng tàu nhằm cố gắng phong tỏa, hạn chế khả năng tiếp việc của các lực lượng Philippines. Trong khi đó, Mỹ đã để ngỏ khả năng sẽ trực tiếp tham gia hộ tống các tàu của đồng minh nhằm thực hiện các nhiệm vụ ở trên biển. Tình hình đang cho thấy ngày càng có nhiều mầm mống bất ổn mới về vấn đề Biển Đông.
4. Australia – Indonesia có thể triển khai quân đội trên lãnh thổ của nhau. Đây là một trong những nột dung hết sức đáng chú ý trong thỏa thuận quốc phòng mới được thông qua giữa hai nước. Việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia này sẽ đặt ra những vấn đề mới cho tình hình an ninh khu vực Nam Thái Bình Dương nói chung và cửa ngõ phía nam của Biển Đông nói chung. Australia đã tiến thêm một bước trong chiến lược tiếp cận Biển Đông, trong khi Indonesia có thể có thêm một đối tác chia sẻ nhiều thách thức an ninh của mình. Nhưng liệu thỏa thuận này có mang lại lợi ích cho khu vực hay không vẫn là điều cần phải đánh giá thêm.
5. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố không tái tranh cử, đồng nghĩa với việc ông sẽ rời ghế Thủ tướng sau khi hết nhiệm kỳ vào tháng 9 này. Nhiều khả năng một ứng viên khác của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) sẽ kế nhiệm ông Kishida. Nhìn lại thời gian nắm quyền của mình, ông Kishida Fumio đã có những điều chỉnh đáng kể trong chính sách đối ngoại cũng như chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Ông Kishida tuyên bố rút lui khỏi chính trường khi chịu sức ép từ nhiều phía sau những bê bối chính trị thời gian qua, cũng như bản thân ông ngày càng nhận được ít sự ủng hộ của cử tri.
6. Khủng hoảng Bangladesh bùng nổ, thách thức mới xuất hiện đối với Nam Á – Ấn Độ Dương. Ngày 5/8/2024, Thủ tướng Bangladesh – Sheikh Hasina – người vừa tái đắc cử trong cuộc bầu cử hồi đầu năm đã tuyên bố từ chức và nhanh chóng rời khỏi đất nước, tới tị nạn tại Ấn Độ. Cuộc khủng hoảng được cho là có những đặc điểm của một cuộc cách mạng màu. Lực lượng biểu tình phản đối chính phủ của Hasina ban đầu dựa trên mục tiêu yêu cầu nhà nước Bangladesh điều chỉnh “hạn ngạch viên chức nhà nước”, nhưng sau khi các yêu sách của sinh viên (lực lượng chủ yếu tham gia biểu tình) được đáp ứng một phần, khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Rõ ràng, mục đích thực sự của biểu tình, bạo loạn không chỉ dừng lại ở việc đòi hỏi quyền lợi của sinh viên và người lao động. Bản thân Sheikh Hasina cũng thừa nhận bà đã phải chịu áp lực từ phía Mỹ. Cuộc khủng hoảng tại Bangladesh đang kiến tình hình Nam Á vô cùng phức tạp khi bên cạnh họ cũng đang tồn tại một lò lửa xung đột ở Myanmar.
KHU VỰC CHÂU ÂU – ĐẠI TÂY DƯƠNG
7. Ukraine tiếp tục bế tắc trong chiến dịch tấn công vào Kursk. Từ đầu tháng 8/2024, Ukraine đã chủ động thực hiện cuộc tấn công nhằm vào Kursk hòng tìm kiếm một bước ngoặt cho cục diện chiến tranh. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng, kết quả đạt được của Kiev tỏ ra vô cùng hạn chế, cho dù ở thời điểm đầu họ tuyên bố đã kiểm soát được 28 khu dân cư. Nga đã nhanh chóng triển khai công tác sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh ác liệt. Tính đến ngày 20/8/2024, số người dân được sơ tán đã hơn 130.000 người. Hiện tại, cuộc chiến thông tin xoay quanh cuộc tấn công này khiến cho việc xác nhận các thông tin tương đối khó khăn, nhưng có vẻ như Kiev đã không tạo ra được đòn đánh nhằm xoay chuyển cục diện. Thậm chí, chính các kênh truyền thông phương Tây đang ngày càng đề cập tới những tổn thất nặng nề của Ukraine, kèm theo đề xuất phương Tây phải tăng cường viện trợ hơn nữa.
8. Mỹ và EU nỗ lực viện trợ vào cái giếng không đáy ở Ukraine. Nhiều nước đã công bố các gói viện trợ mới, ví dụ, Mỹ tuyên bố gói 125 triệu USD, Latvia dự kiến viện trợ 112 triệu USD, Đan Mạch dự chi 115 triệu USD, Litva cũng có kế hoạch viện trợ tương đương với các nước Baltic khác. Tính đến thời điểm hiện tại, EU được cho là đã viện trợ tới 108 tỷ Euro. Ba Lan thậm chí còn thống kê con số viện trợ của nước này cho Ukraine lên tới 26 tỷ USD. Các con số đang cho thấy quy mô viện trợ khổng lồ của EU và phương Tây, nhưng tình hình chiến sự chưa cho thấy tín hiệu khả quan đối với Kiev.
9. Anh thúc đẩy quá trình hội nhập trở lại với châu Âu. Thuật ngữ “cài đặt lại quan hệ” giữa Anh và EU đang được sử dụng với tần suất nhiều hơn trong thời gian vừa qua. Bản thân nước Anh cũng đang có những động thái tăng cường quan hệ với các đầu tàu của EU, đặc biệt là Đức. Ngày 27/8, Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có chuyến thăm tới Berlin. Trong khi trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey đã có chuyến thăm tới nhiều nước như Ukraine, Pháp, Đức, Estonia, Ba Lan, Estonia. Động lực cho quá trình trở lại châu Âu của Anh đang được định vị bắt đầu từ lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
10. Mâu thuẫn trong cách tiếp cận Mỹ Latinh của EU. Trong khi EU đang nỗ lực kết nối với Mercosur nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong năm 2024 thì chính tổ chức này đang có những động thái mâu thuẫn với một số quốc gia Mỹ Latinh. Đáng chú ý là việc EU không công nhận kết quả bầu cử tại Venezuela (một thành viên của Mercosur hồi đầu tháng 8/2024. Sự thiếu thiện chí của EU đối với người vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Venezuela có thể khiến tiến trình hợp tác EU – Mercosur gặp nhiều rào cản lớn.
11. Lực lượng an ninh Pháp bắt giữ CEO của Telegram Pavel Durov. Về sự việc này, cựu điệp viên Edward Snowden gọi đây là “cuộc tấn công vào quyền cơ bản của con người về ngôn luận”. Pháp đã viện lý do Telegram bất hợp tác trong việc ngăn chặn các nội dung tiêu cực, gây mất an ninh để bắt ông Doruv, nhưng đối với cộng đồng quốc tế, các cáo buộc đưa ra không thuyết phục, đặt dấu hỏi cho cái gọi là tự do ngôn luận mà phương Tây vốn vẫn tuyên truyền. John Scott-Railton, nhà nghiên cứu cấp cao tại Citizen Lab thuộc Đại học Toronto cho rằng, sự việc này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Ngay cả Elon Musk cũng đã đăng quan điểm phản đối cách làm của cảnh sát Pháp.
KHU VỰC TRUNG ĐÔNG & CHÂU PHI
12. “Bóng tối” khủng hoảng nhân đạo vẫn tiếp diễn ở dải Gaza. Trong tháng 8/2024, các cuộc không kích của Israel vẫn tiếp diễn gây ra các thiệt hại lớn về nhân mạng và các cơ sở hạ tầng ở dải Gaza. Nhiều cáo buộc Israel tấn công các trường học đã được đưa ra, đồng thời các hoạt động cứu trợ nhân đạo vẫn tiếp tục gặp khó khăn do tình hình chiến sự. Phía Israel đưa ra biện minh rằng họ đã tấn công các cơ sở chỉ huy của Hamas và làm thiệt mạng nhiều thủ lĩnh của tổ chức này. Để hỗ trợ nhân đạo cho Gaza, nhiều nước đã cử nhân viên y tế và gửi hàng viện trợ cho người dân ở khu vực này. Điều đáng lo ngại là trong thời gian vừa qua, số nhân viên cứu trợ quốc tế cũng đã thiệt mạng hoặc bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến.
13. Hezbollah “tấn công có kiểm soát” vào mục tiêu quan trọng của Israel. Các cuộc tấn công của Hezbollah vào các ngày 23-25/8/2024 đã gây những thiệt hại nhất định đối với Israel, khiến quốc gia Do Thái phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng giới phân tích cho rằng, Hezbollah vẫn đang kiềm chế nhằm tránh mở rộng quy mô chiến tranh toàn diện với Israel. Sau các cuộc tấn công của Hezbollah, Israel cũng đã có các động thái tấn công đáp trả. Israel đang phải căng mình trong cuộc chiến với Hamas ở phía Tây Nam, Hezbollah ở phía Bắc và sự thù địch của Iran cũng như các lực lượng do Tehran hậu thuẫn.
14. Căng thẳng Somalia – Ethiopia khiến vùng sừng châu Phi tiếp tục bế tắc. Mặc dù, Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng cai tổ chức vòng đàm phán thứ hai nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa giữa Somalia và Ethiopia vào ngày 12/8/2024, nhưng 2 bên vẫn chưa cho thấy thiện chí hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi đó, Somalia đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Ai Cập thông qua một thỏa thuận quốc phòng vào cuối tháng 8/2024. Theo đó, Ai Cập sẽ cung cấp vũ khí và các khoản viện trợ khác cho đối tác của họ. Thậm chí, Ai Cập cũng đã triển khai lực lượng đặc nhiệm tới Somalia. Điều này làm gia tăng mối lo can thiệp từ bên ngoài vào vùng sừng châu Phi.
15. Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi cấp bộ trưởng đã được diễn ra ngày 25/8/2024 tại Nhật Bản. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng 47 quốc gia châu Phi cùng đại diện của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội. Các thảo luận tại hội nghị đã tập trung vào các nội dung tìm kiếm giải pháp giải quyết các thách thức mà các nước châu Phi đang phải đối mặt.
16. Sudan đối mặt với “khủng hoảng kép”. Chiến tranh và dịch bệnh đang khiến Sudan ngày càng chìm trong bóng tối. Ngày 18/8/2024, Bộ Y tế Sudan đã chính thức tuyên bố bùng phát dịch tả. Liên quan tới tình hình xung đột ở quốc gia này, Quân đội Sudan cũng đã từ chối đàm phán hòa bình. Sudan tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng toàn diện.
KHU VỰC CHÂU MỸ
17. Mỹ La tinh tiếp tục phân hóa vì kết quả bầu cử ở Venezuela. Các nước Mỹ Latinh dưới sự ảnh hưởng của các nước lớn đã phân hóa thành ba nhóm: ủng hộ, phản đối và trung lập về kết quả bầu cử ở Venezuela. Hợp tác nội bộ khu vực Mỹ Latinh tiếp tục đi vào ngõ cụt liên quan đến vấn đề này. Ở Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro đã thực hiện cuộc cải tổ Nội các, đáng chú ý là các thay đổi ở bộ Dầu mỏ và bộ Tài chính. Như thường lệ, ông Nicolas Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ của các đối tác truyền thống. Các nước vốn có quan hệ không tốt với phương Tây. Ở phía ngược lại, các lực lượng đối lập vẫn gây áp lực đòi ông Maduro từ chức. 11 nước châu Mỹ khác cũng đã từ chối công nhận kết quả bầu cử với chiến thắng của ông Maduro. Vấn đề Venezuela có thể thổi bùng lên một cuộc khủng hoảng về quan hệ nội bộ châu Mỹ.
18. Mexico đình chỉ quan hệ với cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ và Canada. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã tuyên bố điều này vào ngày 27/8/2024 sau khi Mỹ và Canada chỉ trích kế hoạch cải cách tư pháp của Mexico. Ông cho rằng đó là hành động vi phạm chủ quyền và quyền tự quyết của quốc gia Trung Mỹ.
19. Brazil ban bố quốc tang sau khi một máy bay chở 62 hành khách gặp nạn. Sự việc diễn ra vào ngày 9/8/2024, chiếc máy bay ATR 72-500 của hãng hàng không Voepass xuất phát từ bang Parana đến Sao Paulo đã bị rơi, khiến toàn bộ phi hành đoàn và hành khách thiệt mạng.
MỘT SỐ HƯỚNG NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
– Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
– Diễn biến quân sự mới tại các điểm nóng xung đột, phân tích các khía cạnh sự phát triển nghệ thuật quân sự, phương thức tổ chức chiến tranh, sự phát triển của khoa học quân sự.
– Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
– Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
BAN BIÊN TẬP