Nhiều sự kiện trong nước và quốc tế đáng chú ý đã diễn ra trong tháng 10 vừa qua. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 10/2024 và các đề xuất nghiên cứu có tính thực tiễn và khoa học cao trong thời gian tới.
Những vấn đề chung của toàn cầu
Triển vọng kinh tế thế giới 2024 kém sáng: Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington, Mỹ. Tổng Giám đốc IMF mới đây cũng đã đưa ra cảnh báo về một tương lai khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu trong trung hạn. Nguyên nhân tới từ bất ổn chính trị, xung đột leo thang, kinh tế tăng trưởng chậm do áp lực lạm phát, nợ công các chính phủ tăng nhanh.
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận đối với Cuba: Ngày 30/10 với 187 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp đã chính thức thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt sự phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính mà Washington áp đặt đối với Cuba trong nhiều năm qua.
KHU VỰC ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
1. Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện: Nhận lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiến hành thăm chính thức tới Pháp từ ngày 6 – 7/10/2024. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Elysée, Paris. Hai lãnh đạo tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Pháp trở thành nước thứ 8 và là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ khẳng định làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, tăng cường quan hệ đối tác kinh tế nhằm phát triển trao đổi thương mại và đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững và tự cường và tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân.
2. Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45: Tại Thủ đô Viêng chăn, Lào diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan. Với chủ đề “ASEAN kết nối và tự cường”, chuỗi hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng, khó lường, cạnh tranh địa chiến lược gay gắt, phân mảnh địa kinh tế gia tăng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, ASEAN giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức đang nổi lên.
3. Bán đảo Triều Tiên nóng trở lại: Trưa 15/10, Triều Tiên đã cho nổ một phần các tuyến đường từng được coi là biểu tượng cho hợp tác liên Triều. Sau đó, Triều Tiên cũng tuyên bố coi Hàn Quốc là quốc gia thù địch và Bình Nhưỡng thực hiện biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ hơn để ứng phó với tình hình quân sự cấp bách trên bán đảo Triều Tiên. Đáp trả lại, Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp quân sự cứng rắn với Triều Tiên. Động thái của hai bên đã đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên nóng trở lại kể từ tháng 3.
4. Pakistan đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO): Trong bối cảnh bất ổn chính trị và bạo lực đang gia tăng, đây được đánh giá là một bước tiến ngoại giao quan trọng với quốc gia Nam Á này nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác trong nhóm, nhấn mạnh sự tin cậy với quốc tế. Đồng thời khẳng định tiếng nói và sự tham gia tích cực của Pakistan trên các diễn đàn toàn cầu.
5. Đức – Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng: Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm làm sâu sắc thêm sự gắn kết giữa hai quốc gia trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, chủ đề chia sẻ công nghệ quân sự để thúc đẩy an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tạo sự chú ý trong bối cảnh Đức đang điều chỉnh mức độ và mô hình hợp tác với Ấn Độ. Cả Đức và Ấn Độ đều có vai trò quan trọng ở hai châu lục, vì vậy bất cứ sự điều chỉnh chính sách nào cũng mang những ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới vận động theo hướng đa cực.
6. Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo: Sáng 31/10, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo chưa xác định ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. Động thái của Triều Tiên diễn ra sau khi giới chức quân đội Mỹ và Hàn Quốc có cuộc thảo luận về quốc phòng thường niên tại Washington trong ngày 30/10.
KHU VỰC CHÂU ÂU – ĐẠI TÂY DƯƠNG
7. NATO có Tổng thư ký mới: Ông Mark Rutte – cựu Thủ tướng Hà Lan sẽ chính thức tiếp quản vị trí Tổng thư ký NATO từ người tiền nhiệm Jens Stoltenberg. Tuy nhiên, ông Mark Rutte trở thành Tổng thư ký NATO trong thời điểm tình hình chính trị, an ninh thế giới có rất nhiều biến động. Trong khi những điểm nóng có dấu hiệu diễn biến ngày càng phức tạp, thì sự đồng thuận trong NATO lại rất khó đoán định với biến số lớn nhất là sự thay đổi lãnh đạo của nước Mỹ chuẩn diễn ra.
8. NATO hướng tới điều chỉnh chiến lược với Nga: Ngày 14/10 các Bộ trưởng Quốc phòng của NATO nhóm họp tại Brussels để chuẩn bị chiến lược mới đối phó Nga khi tổ chức này coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất với an ninh châu .
9. Mỹ và phương Tây cam kết tiếp tục viện trợ cho Ukraine: Ngày 16/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua một gói viện trợ quân sự mới trị giá 425 triệu USD. Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố NATO đang tiếp tục thực hiện cam kết viện trợ quân sự 40 tỷ euro (43,53 tỷ USD) cho Ukraine trong năm nay.
10. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu: Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để tăng cường sức cạnh tranh của EU. Tuy nhiên, trọng tâm chiếm nhiều thời gian thảo luận tại hội nghị lần này là hai điểm nóng Ukraine và Trung Đông.
11. G7 tổ chức hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên: Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhóm họp tại thành phố Napoli, Italia để thảo luận tình hình căng thẳng hiện nay tại Trung Đông cũng như xung đột tại Ukraine.
12. Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024: Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 khối BRICS diễn ra ở Kazan Nga tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong việc giải quyết các vấn đề của chương trình nghị sự quốc tế những vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường phối hợp để ứng phó hiệu quả. Vấn đề Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự. Đáng chú ý, các quốc gia BRICS nhất trí thảo luận và nghiên cứu khả năng thành lập một hệ thống thanh toán và lưu ký BRICS Clear.
KHU VỰC TRUNG ĐÔNG & CHÂU PHI
13. Israel tấn công trên bộ vào miền Nam Li Băng: Sáng 1/10, Israel đã mở chiến dịch tấn công trên bộ vào miền Nam Lebanon với các cuộc đột kích “có giới hạn” nhằm vào lực lượng Hezbollah ở khu vực biên giới. Đến nay Israel đã leo thang thực hiện mở thêm các cuộc không kích vào miền Nam thủ đô Beirut nhằm tiêu diệt tận gốc lực lượng Hezbollah.
14. Tròn một năm chiến sự Israel – Hamas: Ngày 7/10/2024 đánh dấu tròn một năm sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel – khiến xung đột tại Trung Đông bùng phát và lan rộng. Ngoài mặt trận chính với Hamas tại Bờ Tây và dải Gaza Israel còn duy trì chiến sự ở nhiều khu vực xung quanh. Trong khi đó, Liên minh Mỹ – Anh đã tiến hành không kích Yemen tấn công lực lượng Houthi. Mọi diễn biến cho thấy chiến sự Trung Đông không ngừng leo thang, ngược lại các cuộc đối thoại để hạ nhiệt căng thẳng Trung Đông diễn ra ngày một ít hơn.
15. Thủ lĩnh Hamas bị tiêu diệt: Ông Yahya Sinwar, thủ lĩnh cao nhất của Hamas được tuyên bố đã thiệt mạng sau cuộc đấu súng với quân đội Israel ngày 16/10. Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ sát hại các lãnh đạo cấp cao của “trục kháng chiến” do Israel thực hiện kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza. Ông Khaled Mashal trở thành thủ lĩnh mới của lực lượng Hamas thay thế ông Yahya Sinwar. Ban lãnh đạo lực lượng Hamas nhấn mạnh rằng sau cái chết của ông Sinwar, các cuộc đàm phán về trao đổi tù nhân và chấm dứt xung đột sẽ ngày càng khó khăn hơn.
16. Israel cấm cơ quan của Liên hợp quốc hoạt động ở nước này: Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, Israel vừa thông qua hai luật cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động trên lãnh thổ nước này. Israel cáo buộc nhiều thành viên của UNRWA hoạt động cho Hamas và có liên quan tới các vụ tấn công mà Hamas thực hiện. Mỹ và phương Tây cũng lập tức bày tỏ lo ngại hai luật mới của Israel sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo ở Gaza vốn đã rất thảm khốc.
17. Nối lại đàm phán ngừng bắn tại Gaza: Mỹ, Israel và Qatar ngày 24/10 thông báo về việc nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn ở dải Gaza nhằm tìm kiếm các lựa chọn mới sau nhiều tháng không thể đối thoại. Đây là những nỗ lực mới nhất nhằm đạt được một thỏa thuận lâu dài hướng tới hiệp định ngừng bắn hoàn toàn cho dải Gaza sau một năm chiến sự.
KHU VỰC CHÂU MỸ
18. Cuba xin gia nhập BRICS: Đảo quốc Caribe này đã xin gia nhập nhóm BRICS với tư cách quốc gia đối tác. Đại sứ Nga tại Cuba Viktor Koronelli khẳng định lãnh đạo Cuba, Miguel Diaz-Canel cũng đã được mời tham dự họp Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan.
19. Xích mích ngoại giao âm ỉ giữa Ấn Độ và Canada bùng trở lại: Canada đã trục xuất sáu nhà ngoại giao Ấn Độ với cáo buộc những người này có liên quan đến vụ giết một nhà lãnh đạo ly khai người Canada gốc Xích hồi năm ngoái, phía Ấn Độ đáp trả trục xuất sáu nhà ngoại giao Canada. Xung đột ngoại giao giữa Ấn Độ và Canada có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực thắt chặt hơn quan hệ với Ấn Độ của Mỹ, đặc biệt khi phương Tây cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với cả hai bên.
19. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng châu Mỹ: Trong bối cảnh xung đột toàn cầu đang leo thang có nguy cơ ảnh hưởng tới các khu vực dễ bị tổn thương ở khu vực Mỹ – Latinh. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng châu Mỹ (CMDA) lần thứ 16 tổ chức tại Argentina nhằm mục đích tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh khu vực, hợp tác an ninh mạng và phòng chống thảm họa thiên tai.
20. Bầu cử Tổng thống Mỹ vào giai đoạn nước rút: Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng 2024, hai ứng viên Tổng thống Donald Trump và Kamala Harris vẫn nỗ lực chinh phục những cử tri còn đang lưỡng lự, đặc biệt là tại 7 bang chiến trường. Đây được xem là mùa bầu cử kịch tính nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ với kết quả được dự báo sẽ rất sít sao giữa hai ứng cử viên.
MỘT SỐ HƯỚNG NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
– Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
– Diễn biến quân sự mới tại các điểm nóng xung đột, phân tích các khía cạnh sự phát triển nghệ thuật quân sự, phương thức tổ chức chiến tranh, sự phát triển của khoa học quân sự.
– Đánh giá kết quả, tác động của cuộc bầu cử Mỹ ảnh hưởng ở khu vực cũng như toàn cầu.
– Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
– Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Đây là thời điểm không thể phù hợp hơn để chia sẻ với các bạn về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới. Với Việt Nam, đây là giai đoạn khởi điểm hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ./.
Ban Biên tập