Ngày 01/3/2024, Trung Quốc ra “Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải phía Bắc Vịnh Bắc Bộ” theo “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” của nước này ban hành ngày 25/02/1992, trong đó có 7 “điểm cơ sở” khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố “lãnh hải” ở Vịnh Bắc Bộ. Việc Trung Quốc xác định lại “đường cơ sở” ở Vịnh Bắc Bộ là một động thái rất đáng chú ý, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài khu vực, nhất là trong bối cảnh trải qua sự thăng trầm của lịch sử, sự phát triển của luật biển quốc tế và sự quyết tâm chính trị của cả hai nước trong việc giải quyết vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ. Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 30/6/2004 để xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ; tạo ra được một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho việc mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong vịnh Bắc Bộ, đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững vịnh Bắc Bộ, duy trì sự ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước, góp phần tích cực vào việc củng cố hoà bình và ổn định trong khu vực và thế giới.
Quá trình đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc
Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn ở Đông Nam Á và thế giới, có diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 320 km (176 hải lý) và nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải lý). Đây là một vịnh nửa kín được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm bờ biển Đông Bắc Việt Nam, bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Tây, bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam, Trung Quốc, và giới hạn phía Nam bởi đoạn thẳng nối liền từ điểm nhô ra nhất của mép ngoài cùng của mũi Oanh Ca – đảo Hải Nam của Trung Quốc. Vịnh có hai cửa: (1) eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với bề rộng khoảng 19 hải lý và (2) cửa chính của vịnh từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới mũi Oanh Ca (đảo Hải Nam), rộng khoảng 119 hải lý. Chiều dài bờ biển phía Việt Nam khoảng 763 km, phía Trung Quốc khoảng 695 km. Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 1.300 hòn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 130 km.
Với đặc điểm cấu tạo trên, khi cả Trung Quốc và Việt Nam mở rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa theo Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển sẽ tạo ra vùng chồng lấn giữa Vịnh cần phải giải quyết. Do Vịnh là một biển nửa kín, nên căn cứ Công ước 1982, hai nước có nghĩa vụ hợp tác với nhau (Điều 63, 123).
Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng – an ninh, đồng thời là nơi chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Hai nước đều có nhu cầu đàm phán giải quyết phân định bởi việc phân định đường cơ sở lãnh hải là một khía cạnh quan trọng của chủ quyền quốc gia và là công cụ xác định phạm vi quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, bao gồm các quyền đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các vùng nước phía trên cho các mục đích khác nhau, bao gồm khai thác kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một quá trình kéo dài trong nhiều năm, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, sự phát triển của luật biển quốc tế cũng như nỗ lực và quyết tâm chính trị từ cả hai phía để đi đến kết quả. Trải qua 27 năm với 03 cuộc đàm phán chính trong các năm 1974, 1977 – 1978 và 1992 – 2000, các cuộc đàm phán cấp Chính phủ năm 1974 (từ tháng 8 – 11/1974) và năm 1977 – 1978 (10/1977 – 6/1978) không đạt được kết quả vì lập trường hai bên cách xa nhau. Năm 1991, sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Trung Quốc đã quyết định đàm phán để giải quyết các vấn đề về biên giới và lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Trong 09 năm, từ năm 1992 đến năm 2000, hai bên đã tiến hành 07 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 03 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên và nhiều vòng họp khác của Tổ chuyên viên liên hợp, Tổ chuyên gia đo vẽ, xây dựng Tổng đồ Vịnh Bắc Bộ (tổng cộng 49 vòng họp, trung bình mỗi năm có hơn 05 vòng họp).
Căn cứ vào Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các nguyên tắc luật pháp và thực tiễn quốc tế được công nhận rộng rãi, trên cơ sở suy xét đầy đủ mọi hoàn cảnh hữu quan trong vịnh Bắc Bộ, theo nguyên tắc công bằng, qua thương lượng hữu nghị, ngày 25/12/2000, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Cùng ngày, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, tuy nhiên, khác với Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ có thời hạn hiệu lực cụ thể (12 năm và 03 năm mặc nhiên gia hạn) và giá trị pháp lý ở mức cấp chính phủ phê duyệt. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ có hiệu lực từ ngày 30/6/2004. Đây là những hiệp định quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Đối với Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, hai bên thống nhất một đường phân định với 21 điểm kéo dài từ cửa sông Bắc Luân ra đến Cửa Vịnh phía Nam, trong đó từ điểm 1 đến điểm 9 là biên giới lãnh hải, từ điểm 9 đến điểm 21 là ranh giới chung cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo Hiệp định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích Vịnh và Trung Quốc được hưởng 46,77% diện tích Vịnh. Ðường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo được hưởng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 3 hải lý (25% hiệu lực). Ðảo Bạch Long Vĩ là một đảo nhỏ của Việt Nam (diện tích khoảng 2,5 km2) lại nằm gần như ở giữa Vịnh Bắc Bộ (cách bờ biển Việt Nam khoảng 110 km, cách bờ đảo Hải Nam – Trung Quốc khoảng 130 km), tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt nên theo luật pháp và thực tiễn quốc tế chỉ được hưởng một phần hiệu lực hạn chế trong phân định. Ðảo Cồn Cỏ cũng là một đảo nhỏ nhưng nằm gần bờ của Việt Nam hơn (cách bờ khoảng 13 hải lý) nên được hưởng 50% hiệu lực trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại đường đóng cửa Vịnh. Ðây là một kết quả công bằng đạt được trên cơ sở luật pháp và điều kiện cụ thể của Vịnh.
Trong Hiệp định, hai bên cam kết tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ. Hiệp định cũng quy định về việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật trong Vịnh Bắc Bộ cũng như hợp tác có liên quan đến bảo tồn, quản lý và sử dụng tài nguyên sinh vật ở vùng đặc quyền kinh tế hai nước…
Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam và Trung Quốc có một đường biên giới biển rõ ràng bao gồm biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ.
Thực tiễn triển khai cho thấy, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề không những đã tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho mỗi nước tiến hành bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển bền vững Vịnh Bắc Bộ, góp phần duy trì ổn định trong vịnh, tăng cường tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
Trung quốc công bố đường cơ sở thẳng trong vịnh Bắc Bộ
Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng trong Vịnh Bắc Bộ và quan điểm của phía Trung Quốc
Ngày 01/3/2024, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở lãnh hải phía Bắc Vịnh Bắc Bộ”. Trong tuyên bố này, chính phủ Trung Quốc đưa ra 7 “điểm cơ sở” khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố “lãnh hải” ở Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, các điểm này không tồn tại trong 49 điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố ngày 15/5/1996 để tính chiều rộng lãnh hải từ Hải Nam tới Thanh Đảo.
Trung Quốc cho biết, Tuyên bố này được đưa ra căn cứ theo Điều 15 Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của nước này ban hành ngày 25/02/1992.
Theo Thời báo Hoàn cầu, ngày 04/3/2024, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định rằng, “đường cơ sở” mới được vạch ra này sẽ không tác động tiêu cực đến lợi ích của Việt Nam hay lợi ích của bất kỳ quốc gia nào khác; ngược lại sẽ giúp tăng cường hợp tác hàng hải quốc tế giữa Trung Quốc và các nước liên quan, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải toàn cầu. Trên tài khoản Wechat chính thức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Việc công bố đường cơ sở của lãnh hải là hành động cần thiết để thực thi chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Ngoài ra, còn có những quy định quản lý, kế hoạch sử dụng nội thủy, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế khác nhau. Bộ này lưu ý rằng “chỉ bằng cách phân định đường cơ sở của lãnh hải thì phạm vi của các vùng biển nêu trên mới được xác định rõ ràng, đồng thời tạo cơ sở cho việc sử dụng biển theo tiêu chuẩn và khoa học của các tỉnh và khu vực ven biển”.
Cục Biên giới và Đại dương Trung Quốc khẳng định: “Việc công bố đường cơ sở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ là một phần quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải thiện việc phân định đường cơ sở lãnh hải, phục vụ phát triển kinh tế của các tỉnh và khu vực dọc phía Bắc Vịnh Bắc Bộ như Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, đồng thời phục vụ tốt hơn mục tiêu xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển”.
Ngày 15/3/2024, trả lời phỏng vấn của phóng viên Bloomberg tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Uông Văn Bân nói rằng “việc xác định đường cơ sở lãnh hải ở Vịnh Bắc Bộ là quyền chính đáng và hợp pháp của Trung Quốc”.
Đánh giá về việc này, ông Phó Côn Thành từ Viện nghiên cứu Vành đai và Con đường của Đại học Hạ Môn Trung Quốc nói rằng việc phân định này là “bước thứ hai trong quy trình ba bước phân định đường cơ sở lãnh hải của Trung Quốc, hoàn thành việc phân định tất cả các đường cơ sở nằm ở phía Nam Trung Quốc, có ý nghĩa rất lớn”. Ông Phó còn cho rằng, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc “cơ bản không loại bỏ được các tranh chấp hàng hải giữa hai nước ở các vùng biển liên quan, do ranh giới hướng ra biển vẫn chưa rõ ràng; do đó, chỉ khi xác định được đường cơ sở thì cơ quan thực thi pháp luật mới có thể đo lường, tính toán rõ ràng ranh giới ngoài của lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở thẳng”.
Lập trường của Việt Nam
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều ngày 14/3/2024, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc mới đây công bố xác định đường cơ sở trong vịnh Bắc Bộ, trong đó nêu rõ: Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ. Ngày 25/12/2000, hai nước đã ký Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ và có hiệu lực từ ngày 30/6/2004 để xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ. Việt Nam cho rằng, các quốc gia ven biển cần tuân thủ UNCLOS 1982 khi xác định đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, đảm bảo không ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, bao gồm quyền tự do hàng hải, quá cảnh qua các eo biển sử dụng cho hàng hải quốc tế phù hợp với UNCLOS.
Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao đổi với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ các hiệp định về phân định lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ theo hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000 và UNCLOS 1982.
Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế, cũng như quan điểm đã nêu tại tuyên bố ngày 06/6/1996 của Chính phủ Việt Nam liên quan đến tuyên bố ngày 15/5/1996 của Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc.
Điều gì đằng sau “đường cơ sở” của Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ?
Chính phủ Trung Quốc đã 02 lần công bố tọa độ địa lý của “một số đường cơ sở và điểm lãnh hải”, trong đó: (1) Trong tuyên bố xác lập đường cơ sở ngày 15/5/1996, Trung Quốc vạch đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa), trong đó xác lập 28 điểm cơ sở trên các thực thể của quần đảo Hoàng Sa, từ đó nối thành các đoạn cơ sở thẳng bao kín toàn bộ quần đảo này. Tuy nhiên, quy định đường cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và các quy định của Luật Biển quốc tế về vạch đường cơ sở. (2) Năm 2012, Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở của quần đảo Điếu Ngư và các đảo liên quan, cùng với tên và tọa độ địa lý của 17 điểm lãnh hải.
Theo quy định của UNCLOS 1982, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (gọi tắt là đường cơ sở) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định vị trí và chiều rộng của các vùng biển. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ làm dấy lên lo ngại về những tác động tiềm ẩn đối với các hiệp định hiện có và sự ổn định trong khu vực.
Một là, việc này đặt ra câu hỏi về việc Trung Quốc có tuân thủ các hiệp định hiện có cũng như luật hàng hải quốc tế, đặc biệt là UNCLOS hay không. Đường cơ sở mới này không phù hợp với UNCLOS bởi một số điểm cơ sở nằm quá xa bờ biển. Nó có thể dẫn đến những phức tạp trong các hoạt động hàng hải, bao gồm tự do hàng hải, nghiên cứu khoa học và nỗ lực kinh tế trong khu vực. Nó có thể dẫn đến nguy cơ Trung Quốc thể định hình lại các ranh giới trên biển trong khu vực để khẳng định “các yêu sách và quyền tài phán” của mình ở Vịnh Bắc Bộ, vốn đã được xác định rất rõ trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 30/6/2004. Bên cạnh đó, tranh chấp về yêu sách lãnh thổ có thể cản trở sự hợp tác trong các vấn đề như bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên và làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Troy Lee-Brown tại Viện Quốc phòng và An ninh Đại học Tây Australia nhận định, “đường cơ sở mới” này có thể làm phức tạp các thỏa thuận trước đó với Việt Nam ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông mô tả “đường cơ sở mới” của Trung Quốc là “quá mức”; đồng thời nhấn mạnh những hậu quả tiềm ẩn của động thái này, bao gồm sự chồng chéo ngày càng mở rộng giữa vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và các khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng để đánh bắt cá. Sự chồng chéo như vậy có thể làm gia tăng căng thẳng và tranh chấp trong khu vực, không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế mà còn ảnh hưởng đến bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn.
Hai là, Trung Quốc có thể sử dụng “đường cơ sở” này để yêu cầu báo cáo đối với tàu thuyền Việt Nam cũng như tàu thuyền các nước đi vào khu vực mà Trung Quốc gọi là “lãnh hải”, từ đó có thể tiến hành “xử lý các hành vi” mà họ cho là vi phạm theo luật pháp của Trung Quốc. Isaac Kardon, thành viên cấp cao tại Chương trình Châu Á thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie có trụ sở tại Washington, Mỹ nhận định, việc phân định ranh giới mới nhất của Trung Quốc đã biến một phần phía Bắc Biển Đông thành vùng nội thủy của nước này tại những khu vực mà trước đây Bắc Kinh không xác định.
Ba là, mặc dù chưa rõ tại sao Trung Quốc lại công bố “đường cơ sở” trong Vịnh Bắc Bộ vào thời điểm này dù đã có Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ rất rõ ràng với Việt Nam nhưng theo ông S D Pradhan, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo chung của Ấn Độ, động thái này phù hợp với chiến lược của Trung Quốc nhằm củng cố vị thế trong các tranh chấp đang diễn ra về ranh giới biển và nhất quán với “giấc mộng Trung Hoa”.
Bốn là, dù Trung Quốc tuyên bố “đường cơ sở” trong Vịnh Bắc Bộ không ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất cao nếu Trung Quốc “thực thi chấp pháp” trên biển theo “đường cơ sở”, gây khó khăn cho ngư dân Việt Nam và có thể cản trở hoạt động hợp pháp của Việt Nam ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, đồng thời có thể làm leo thang thêm căng thẳng và tranh chấp trong khu vực.
Năm là, “đường cơ sở” mà Trung Quốc vừa tuyên bố ở Vịnh Bắc Bộ có thể đóng vai trò là “đòn bẩy” cho Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Việt Nam về các vấn đề biển riêng biệt ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện quyết tâm khẳng định quyền kiểm soát ở các khu vực có tầm quan trọng chiến lược.
Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc ký kết ngày 25/12/2000, có hiệu lực từ ngày 30/6/2004 đã giúp xác định một đường biên giới biển rõ ràng bao gồm biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ có giá trị pháp lý quốc tế, được hai bên cùng thoả thuận, tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho việc mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong vịnh Bắc Bộ, đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững vịnh Bắc Bộ, duy trì sự ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước cũng như đóng góp vào thực tiễn áp dụng và phát triển luật quốc tế về phân định. Chính vì vậy, việc Trung Quốc mới đây tuyên bố “đường cơ sở” trong Vịnh Bắc Bộ đang làm dấy lên nhiều quan ngại về việc Trung Quốc muốn khẳng định quyền kiểm soát lớn hơn đối với một vùng biển quan trọng vốn đã được phân định rõ ràng với Việt Nam.
Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là cơ sở pháp lý quan trọng cần được Việt Nam và Trung Quốc tuyệt đối tôn trọng và thực thi đầy đủ, qua đó góp phần củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước và xây dựng biên giới Việt- Trung thành biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển cũng như đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới.
Tác giả: Nguyên Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. 中华人民共和国外交部 (2024), 中华人民共和国政府关于北部湾北部领海基线的声明, https://www.mfa.gov.cn/web/ziliao_674904/1179_674909/202403/t20240301_11252543.shtml
2. IndraStra Global (2024), China’s Recent Announcement Regarding New Territorial Baseline in Gulf of Tonkin Raises Concerns, https://www.indrastra.com/2024/03/chinas-recent-announcement-regarding.html?m=1
3. Ashish Dangwal (2024), After Philippines, China ‘Schemes’ To Encroach Vietnam’s Territory In Gulf Of Tonkin, Redraw New Baseline, https://www.eurasiantimes.com/after-philippines-china-schemes-to-encroach/amp/
4. Global Times (2024), China’s latest delineation of territorial sea baseline in Beibu Gulf will not affect interests of any country, https://www.globaltimes.cn/page/202403/1308172.shtml
5. Global Times (2024), China’s latest delineation of territorial sea baseline in Beibu Gulf marks significant step in clarifying boundaries: expert, https://www.globaltimes.cn/page/202403/1308023.shtml?id=11
6. Maria Siow (2024), Are China and Vietnam on collision course over Beijing’s ‘creeping’ demarcation in Gulf of Tonkin?, SCMP, https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3255245/are-china-and-vietnam-collision-course-over-beijings-creeping-demarcation-gulf-tonkin
7. Báo Nhân dân (2004), Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ góp phần tăng cường sự tin cậy giữa Việt Nam và Trung Quốc, https://nhandan.vn/hiep-dinh-phan-dinh-vinh-bac-bo-gop-phan-tang-cuong-su-tin-cay-giua-viet-nam-va-trung-quoc-post468891.html
8. S D Pradhan (2024), China makes disproportionate claims in the Gulf of Tonkin, https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/ChanakyaCode/china-makes-disproportionate-claims-in-the-gulf-of-tonkin/
10. Báo Dân trí (2024), Bộ Ngoại giao nói về đường cơ sở Trung Quốc tuyên bố ở vịnh Bắc Bộ, https://www.vietnam.vn/bo-ngoai-giao-noi-ve-duong-co-so-trung-quoc-tuyen-bo-o-vinh-bac-bo/
11. Báo Điện tử Chính phủ (2024), Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ các hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/viet-nam-de-nghi-trung-quoc-ton-trong-va-tuan-thu-cac-hiep-dinh-phan-dinh-vinh-bac-bo-119240315104206155.htm
12. Nguyễn Hồng Thao (2021), Quá trình phân định biển trong Vịnh Bắc Bộ, https://ttdn.vn/bien-gioi-bien-dao/qua-trinh-phan-dinh-bien-trong-vinh-bac-bo-56332