Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với hiện tượng nóng lên toàn cầu, tuy nhiên điều này vẫn không là gì so với cái “nóng” của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tại Bắc Cực. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã có những lo ngại về việc xung đột vũ trang, tranh giành tài nguyên, hay sự nổi lên của các tuyến đường vận chuyển mới tại khu vực này… Tuy nhiên, điều nổi bật nhất trong số đó chính là vấn đề chênh lệch trình độ của ngành đóng tàu phá băng giữa Washington với các đối thủ của mình. Đây là một loại tàu chuyên dụng buộc phải có nếu như các quốc gia muốn trở thành một thế lực trong thế giới đang “tan chảy” hiện nay.
Nước Nga có rất nhiều tàu phá băng – những con tàu được thiết kế chuyên dụng để nghiền nát băng bằng thân tàu hoặc cắt qua băng để mở lối đi – được trang bị vũ khí và chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc cũng có bốn tàu, với một tàu siêu tiên tiến nữa sẽ sớm được ra mắt trong tương lai gần. Trong khi đó, Mỹ đang chỉ có một tàu phá băng hạng nặng Polar Star đã 50 năm tuổi và một tàu phá băng hạng trung hiện đã ngừng hoạt động sau khi bốc cháy vào tháng trước.
Đứng trước vấn đề này, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 vừa qua, Mỹ cùng với cặp đôi đồng minh NATO Canada và Phần Lan đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng có tên là Hiệp ước ICE với mục tiêu hợp tác chế tạo hàng loạt tàu phá băng mới. Đây có thể được coi là một xu hướng cạnh tranh mới của các cường quốc thông qua việc đóng tàu thay vì khả năng chế tạo tên lửa.
Trên thực tế, đối với Mỹ, sự cạnh tranh tại Bắc Cực không giống như những khu vực khác. Washington có nhiều lợi ích và mối lo hơn tại các khu vực Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương,… mà Bắc Cực không thể sánh bằng. Chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay về cơ bản chỉ tập trung vào việc theo dõi và giám sát sự cạnh tranh của các cường quốc khác trong hai thập kỷ vừa qua tại điểm nóng mới này.
Những nỗi lo của Mỹ tại Bắc Cực
Rebecca Pincus, Giám đốc Viện Polar tại Trung tâm Wilson, cho biết: “Tại sao chúng ta lại mong muốn trở thành một quốc gia Bắc Cực giống như Nga? Bắc cực giúp cho Nga gia tăng tỷ trọng GDP của mình một cách đáng kể, còn chúng ta thì không. Bắc Cực cũng không phải là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ so với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Châu Âu, vậy thì tại sao lại phải quá tập trung về vấn đề tàu phá băng?”
Câu trả lời ngắn gọn đó là bởi tất cả tám quốc gia Bắc Cực đều có tàu phá băng mà họ cần, ngoại trừ Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng để có thể cạnh tranh trong một cuộc chơi giữa các cường quốc ở phía Bắc, sở hữu loại tàu này là một trong những điều kiện bắt buộc. Và một điều quan trọng hơn nữa, đó là việc có tàu phá băng sẽ giúp Mỹ cạnh tranh với đối thủ lớn nhất trên bàn cờ Bắc Cực hiện nay — nước Nga.
Nếu cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực thu hẹp lại thành một một cuộc cạnh tranh Mỹ – Nga thì cuộc chiến nên diễn ra ở các xưởng đóng tàu và các cơ quan Bắc Cực của Nga, thay vì ở Mỹ. Một chiến lược tốt hơn để chống lại Nga ở Bắc Cực mà Mỹ và Châu Âu đang áp dụng đó là khiến Moscow khó có thể “kiếm lời” từ vùng biển băng giá này, chứ không phải việc tìm kiếm lợi ích của mình tại đây.
Nhiều tàu phá băng hơn cho Mỹ tất nhiên cũng là điều cần thiết. Loại tàu này thường được sử dụng hàng năm để hỗ trợ một số nhiệm vụ nghiên cứu, thực hành ứng phó tràn dầu trên biển ở Bắc Cực và tiếp tế cho trạm nghiên cứu McMurdo của Mỹ tại Nam Cực. Những năm qua, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã yêu cầu tối thiểu sáu tàu phá băng để xử lý các nhiệm vụ ở cả hai khu vực, tuy nhiên ngân sách quốc gia hiện nay chỉ có thể đáp ứng tối đa 1/3 số đó.
Mỹ có thể chế tạo các loại tàu rất phức tạp như tàu sân bay hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân, nhưng quốc gia này không thể chế tạo được tàu phá băng dù đã rất cố gắng trong nhiều năm: 2 tàu phá băng Polar Star và Healy duy nhất của Mỹ được chế tạo từ cuối thế kỷ XX.
Sự hỗ trợ từ các đồng minh
Sự ra đời của Hiệp ước Nỗ lực hợp tác phá băng (ICE) mới do đó mang lại ý nghĩa quan trọng với Mỹ. Phần Lan và Canada hiện đang là những nước giỏi nhất trong việc đóng loại tàu này, riêng Phần Lan đã đóng hơn một nửa số tàu phá băng trên thế giới. Trong tình cảnh tàu phá băng thế hệ mới Polar Security Cutter của Mỹ đang bị trì hoãn nhiều năm và vượt chi ngân sách, thì việc nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia khác được cho là một hành động khôn ngoan.
Mika Hovilainen, Tổng giám đốc điều hành của công ty thiết kế tàu phá băng Phần Lan Aker Arctic, cho biết: “Phần Lan là quốc gia hàng đầu về thiết kế và chế tạo tàu phá băng. Giờ đây, khi đã là một phần của NATO, chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ cho các đồng minh trong lĩnh vực này”. Tuy nhiên, cách thức hoạt động và triển khai của hiệp ước ICE trên thực tế vẫn còn khá mơ hồ, bởi những kế hoạch được công bố cho đến nay vẫn chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản làm cản trở Mỹ xây dựng loại tàu mà Trung Quốc có thể chế tạo chỉ vỏn vẹn trong vòng hai năm.
Trước hết, các xưởng đóng tàu nước ngoài không được phép tiếp cận Lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu hải quân của Mỹ, trong khi đây là những nơi có lực lượng lao động với chuyên môn cao. Các xưởng đóng tàu của Mỹ với việc không có sự đầu tư, nguồn lực, đơn đặt hàng, và thậm chí là cả bến tàu, đang gặp rất nhiều vấn đề trong việc đóng tàu ngầm hạt nhân theo yêu cầu của Quốc hội, chứ đừng nói đến những loại tàu mới. Thêm vào đó, Mỹ còn đưa ra những quyết định khá sai lầm khi lựa chọn xây dựng tàu phá băng dựa trên một bản thiết kế chưa qua kiểm chứng của Đức. Hiệp ước ICE được cho là giống với AUKUS, một thỏa thuận ba bên giữa Úc, Mỹ và Vương quốc Anh nhằm phát triển công nghệ tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, trong hiệp ước ICE này, Mỹ đã trở thành nước Úc, và Washington sẽ phải tốn rất nhiều chi phí để học hỏi được chuyên môn đóng tàu từ hai quốc gia đồng minh của mình.
Một quốc gia đã phát minh ra tàu sân bay hạt nhân tại sao lại gặp khó khăn khi chế tạo một con tàu chỉ cần đâm vào những tảng băng dài gần 2 mét? Câu trả lời đó là vì tàu phá băng, cũng giống như tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu trong quá trình thiết kế và chế tạo, cũng như những thử nghiệm thực tế. Thân tàu không chỉ cần được gia cố đặc biệt, với các thuộc tính khác nhau tùy thuộc vào việc sẽ nghiền nát hay cắt băng, mà còn cần động cơ lớn và hệ thống vận hành có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết. Công ty Aker Arctic đã dành tận 10 năm chỉ để nghiên cứu và phân tích độ bền của thân tàu nhằm tìm ra chính xác vị trí nào của tàu phá băng cần phải gia cố chắc chắn và vị trí nào thì các nhà thiết kế có thể tiết kiệm nguyên liệu. “Chúng tôi đã tích lũy được những kinh nghiệm bởi chúng tôi chỉ tập trung vào việc thiết kế tàu phá băng,” Hovilainen cho biết. “Có rất nhiều giải pháp tiêu chuẩn và chúng tôi biết giải pháp nào hiệu quả để có thể áp dụng vào các dự án mới.”
Thông qua Hiệp ước ICE, các nước phương Tây có thể sẽ chế tạo được từ 70 đến 90 tàu phá băng mới trong tương lai. Nhưng trên thực tế, những mục tiêu của Mỹ và NATO hiện nay không phải là sở hữu thêm tàu phá băng phục vụ cho việc vận chuyển và nghiên cứu khoa học, mà là đảm bảo rằng Nga sẽ không thể thực sự tận dụng bất kỳ lợi thế mình có tại khu vực. Mỹ mong muốn trở thành một quốc gia Bắc Cực nhưng trên thực tế việc kìm hãm Nga mới thực sự giúp Washington chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh này.
Những điểm yếu của Nga
Năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bổ sung các kế hoạch đầy tham vọng của mình tại Bắc Cực tới năm 2035. Ông đã có một số điểm nhấn mới như “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, nhưng vẫn giữ nguyên các mục tiêu cũ, bao gồm hai mục tiêu quan trọng nhất: khai thác tài nguyên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và biến bờ biển phía Bắc Siberia thành tuyến đường vận chuyển xứng với tên gọi của mình.
Vùng Bắc Cực của Nga có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên khổng lồ, tuy khai thác khó khăn nhưng vẫn khả thi đối với Nga, bất chấp một thập kỷ bị phương Tây cấm vận làm ảnh hướng tới một số dự án năng lượng biên giới của quốc gia này. Khâu vận chuyển khí đốt từ phía Bắc lạnh giá đến các thị trường khát dầu ở Châu Á có thể được coi là thử thách nhất với Moscow, bởi băng ở Bắc Cực có thể đang tan chảy nhưng không có nghĩa là việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn.
Thêm vào đó, sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra khiến phần lớn các nước châu Âu đóng cửa thị trường năng lượng nhập khẩu từ Nga, phía Đông đã trở thành ưu tiên chiến lược quan trọng đối với Putin. Bán đảo Yamal ở tây bắc Siberia là tâm điểm của hoạt động thương mại khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới được tìm thấy của Nga.
Tuyến đường biển phía Bắc (NSR)—tuyến đường vận chuyển ở phía trên nước Nga—là mục tiêu cuối cùng của quốc gia này quanh khu vực châu Âu và hướng tới một sự gắn bó hơn với thị trường Trung Quốc. Moscow tự tin rằng NSR sẽ trở thành tuyến đường biển toàn cầu cạnh tranh với các tuyến đường khác như Kênh đào Suez hay Panama, dù trên thực tế các tàu chở hàng cũng không tiết kiệm được thêm thời gian khi mạo hiểm đi vào vùng nước nông đầy băng và sương mù này. Năm 2023, NSR đã đạt được con số tốt nhất từ trước đến nay với 36 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển thông qua tuyến đường, trong khi kênh đào Suez có thể vận chuyển lượng hàng hóa tương đương chỉ trong vòng một tuần.
Vẫn còn một hạn chế nữa của NSR đó là khoảng một nửa lưu lượng giao thông trên tuyến đường này được phục vụ cho việc xuất khẩu khí ga hóa lỏng (LNG). Vận chuyển khí đốt qua các tảng băng trôi đòi hỏi các tàu chở LNG phải có khả năng phá băng. Trước đây, Hàn Quốc là đối tác chế tạo và chuyển giao tàu phá băng cho Nga, nhưng từ khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra, mọi thứ đã chấm dứt. Nga đang cố gắng tự đóng tàu của riêng mình và có thể sẽ làm được, nhưng việc nắm vững công nghệ chở hàng hóa tiên tiến và độc quyền của phương Tây sẽ là trở ngại lớn.
Việc tấn công vào điểm yếu của Nga ở Bắc Cực đang đem sự hiệu quả cho Mỹ và các đồng minh. Ngay sau khi triển khai hoạt động quân sự tại Ukraine, các lệnh trừng phạt đã khiến cơ sở hóa lỏng LNG lớn của Nga ở Bán đảo Yamal phải dừng hoạt động do phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây. Công ty tư nhân Nga Novatek hiện đang nỗ lực đưa ra giải pháp mới trong những năm tới để khí đốt của mình trở nên siêu lạnh và có thể truyền dẫn nhanh, dù cho những giải pháp thay thế này vẫn chưa được kiểm chứng.
Các lệnh trừng phạt bổ sung cũng là một công cụ gây khó khăn cho việc xuất khẩu khí LNG của Nga tại các cảng châu Âu. Moscow thường sử dụng các tàu chở hàng phá băng để vận chuyển khí đốt về phía Nam, sau đó chuyển khí đốt sang một tàu chở hàng thông thường để xuất khẩu sang phía Tây. Với những gói trừng phát thứ 14 mới đây của EU, tàu chở LNG của Nga sẽ phải chạy hết chặng đường từ Siberia đến đích cuối cùng và quay đầu trở lại mà không đạt được bất kỳ kết quả gì.
Kết luận
Nếu cuộc chiến giữa các cường quốc tại Bắc Cực diễn ra, Moscow sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, thay vì chế tạo thêm các tàu phá băng, Mỹ nên đảm bảo rằng người Nga sẽ không thể đạt được lợi ích tại đây. Các công cụ trừng phạt kinh tế là một chiến lược hiệu quả và không tốn nhiều chi phí để Washington gây thêm sức ép lên đối thủ của mình. Nếu duy trì được điều này, trữ lượng dầu khí và cơ sở vật chất của Moscow sẽ trở thành tài sản bị mắc kẹt, khiến cho Bắc Cực và tuyến đường NSR của Nga trở nên vô nghĩa.
Lược dịch: Trần Anh Khôi
Tác giả: Keith Johnson là phóng viên của Foreign Policy chuyên đưa tin về vấn đề địa kinh tế và năng lượng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]