Trung Đông là một khu vực đặc biệt khi nắm giữ trong mình hai mặt có thể quyết định đến vận mệnh của thế giới đương đại. Một mặt nằm ở vai trò “giếng dầu” đảm bảo giữ gìn an ninh năng lượng toàn cầu bình ổn. Mặt khác, với những mâu thuẫn tích tụ đang biến nơi đây thành “ngòi nổ” cho cuộc xung đột toàn diện. Thực tế kể từ khi Israel triển khai chiến dịch “Thanh kiếm sắt” nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza đến nay không những tiếng súng chưa ngưng mà còn dẫn tới lan rộng xung đột giữa Tel Aviv với các chủ thể khác. Vậy sau một năm khủng hoảng liên tục, tình hình cục diện Trung Đông hiện nay đang diễn biến ra sao? Và để giữ lại lợi ích lâu dài của mình, các nước lớn sẽ có điều chỉnh nào trong chiến lược để giữ tương lai khu vực này không trở thành một thùng thuốc súng?
Cục diện Trung Đông sau một năm chiến tranh Gaza bùng nổ
Trung Đông trong lịch sử và hiện nay là sự xoay tròn của những mâu thuẫn về lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo chủ yếu giữa người Ả Rập với người Do Thái. Đại diện cho mâu thuẫn đó nằm ở xung đột của nhà nước Israel với các nhà nước Hồi giáo xung quanh. Trong quá khứ, Israel cũng đã từng đối mặt với cuộc chiến tranh được tiến hành bởi thế giới Ả Rập và kết quả cho thấy người Do Thái không dễ dàng bị khuất phục. Đến nay, mặc dù mâu thuẫn giữa hai dân tộc vẫn còn tồn tại nhưng được giữ kiềm chế để không bộc phát thành một cuộc chiến tranh quy mô. Thế nhưng, sự ra đời của các nhóm vũ trang liên kết với nhau, tạo nên “trục kháng chiến” với nhân tố Iran làm nòng cốt có xu hướng đối đầu với Israel đã định hình lên cục diện Trung Đông như bây giờ. Israel hiện đang phải chiến đấu trên ít nhất 6 mặt trận.
Hamas – Israel
Vào ngày 7/10/2023, lực lượng Hamas đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào miền Nam Israel khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng ở cả hai phía. Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố “chúng ta đang có chiến tranh” và phát động chiến dịch “Thanh kiếm Sắt”, tiến hành không kích vào dải Gaza mở ra mặt trận chiến đấu đầu tiên[1]. Mặc dù thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh đã bị ám sát tại Iran cùng một số lãnh đạo quân sự khác bị tiêu diệt, thế nhưng những “chân rết” của phong trào vẫn hoạt động, tổ chức các cuộc tấn công hướng vào Israel. Đến nay, cuộc chiến đã chính thức tròn một năm diễn ra theo nhiều số liệu ước tính đã có khoảng hơn 40.000 người thiệt mạng, trên 10.000 người mất tích, 90% dân số dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa[2]. Hệ thống cơ sở hạ tầng nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Không có một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài nào giữa hai bên, Liên hợp quốc (LHQ) cũng không thể hiện nhiều vai trò hòa giải trong cuộc xung đột. Hệ quả chính là sự đau khổ của người dân và kèm theo đó là hàng loạt giao tranh quân sự nối tiếp nhau.
Hezbollah – Israel
Ngay sau một ngày khi Hamas tấn công Israel, ngày 8/10/2023 phong trào kháng chiến Hezbollah của Li Băng đã thực hiện tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự Israel để thể hiện ủng hộ với Hamas. Hỏa lực được hai bên bắn qua lại lẫn nhau bắt đầu và tiếp diễn kể từ khi đó. Cuộc giao tranh ban đầu được giới hạn trong tầm kiểm soát khi hai bên chỉ dừng ở không kích hạn chế nhưng mâu thuẫn bắt đầu leo thang từ cuối tháng 9/2024. Chính phủ Li Băng cho biết Israel tăng cường các cuộc không kích vào lãnh thổ nước này đã khiến ít nhất 2000 người thương vong. Kể từ khi cuộc chiến Gaza bùng nổ với sự tham gia của Li Băng thì đây là lần nước này chịu thiệt hại lớn nhất[3]. Ngày 28/9 vừa qua, Israel tuyên bố đã tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah sau cuộc không kích của Israel vào vùng ngoại ô thủ đô Beirut. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố trước LHQ rằng chiến dịch chống Hezbollah cả lực lượng trên bộ và trên không của Israel sẽ tiếp tục đến khi nào tiêu diệt tận gốc lực lượng này. Sự đanh thép trong các tuyên bố quốc tế từ Tel Aviv cho thấy mức độ thiệt hại và quy mô các đòn đánh vào Beirut thời gian tới không hề nhỏ.
Houthi, Syria, Iraq – Israel
Ngoài hai lực lượng có xung đột trực tiếp, Israel còn đối mặt với những cuộc không kích khác từ các lực lượng bên ngoài lãnh thổ. Lực lượng Houthi ở Yemen, lực lượng nằm trong trục kháng chiến bên cạnh Hamas và Hezbollah đã thực hiện nhiều hành động nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với chiến sự ở Gaza. Ngoài việc kiểm soát lưu thông hàng hóa ở Biển Đỏ, Houthi cũng tiến hành không kích mạnh mẽ vào không phận Israel. Cục diện chiến sự đa mặt trận tại Trung Đông có thêm bước leo thang mới khi Israel dùng máy bay không người lái và tiêm kích oanh tạc thủ đô Syria cùng với đó, nhóm thánh chiến tại Iraq tiến hành cuộc tập kích gây thương vong nặng cho quân đội Israel trên Cao nguyên Golan vào đầu tháng 10. Tổn thất về lực lượng diễn ra trong bối cảnh quân đội Israel đang phải tập trung tác chiến cường độ cao trên đồng thời thời 2 mặt trận là dải Gaza và Li Băng.
Iran – Israel, thách thức lớn nhất
Iran – quốc gia Hồi giáo luôn có ác cảm với Mỹ và Israel nhất tại khu vực Trung Đông. Tehran luôn được cho là nguồn tài trợ chính cho các phong trào kháng chiến chống lại Tel Aviv cũng như thúc đẩy cho cuộc tấn công của Hamas một năm trước.
Tối 1/10/2024, Iran đã phóng khoảng 200 tên lửa các loại (gồm cả tên lửa siêu vượt âm Fattah) tấn công vào Israel. Đây là lần thứ hai từ hồi tháng 4 Iran tập kích tên lửa quy mô lớn trực tiếp vào Israel, đánh dấu bước đối đầu mới đáng lo ngại giữa hai cường quốc quân sự tại khu vực. Cuộc tấn công lần này có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn lần tập kích đầu tiên khi tỉ lệ mục tiêu bị đánh trúng lên tới 90% theo Iran công bố. Hệ thống Vòm Sắt của Israel đã bị chọc thủng[4]. Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố chiến dịch “Lời hứa đích thực 2” để thị uy sức mạnh tấn công trước Israel. Mặt khác, đây là hành động đáp trả các cuộc ám sát các thủ lĩnh phong trào kháng chiến ngay trên lãnh thổ Iran đồng thời “chia lửa” nhằm phân tán lực lượng Israel ở mặt trận Dải Gaza và Li Băng.
Cục diện Trung Đông hiện nay là cuộc đối đầu giữa Tel Aviv với Tehran qua các lực lượng ủy nhiệm Hamas, Hezbollah và Houthi. Tình hình sắp tới phụ thuộc rất lớn vào việc Israel sẽ đáp trả Iran như thế nào. Nếu căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao, Iran, Israel không tiến hành một cuộc chiến công khai thì lực lượng Hezbollah tại Li Băng có khả năng cao sẽ chính là trung tâm mới của cuộc xung đột tại Trung Đông thay cho Hamas một năm trước.
Sự điều chỉnh trong tính toán của các bên sau một năm chiến sự
Tham vọng của các bên
Mỹ: Từ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Đông luôn là mặt trận chiến lược quan trọng của Mỹ nơi đây có ảnh hưởng đến sự kiểm soát hệ thống kinh tế thế giới bằng Đô la của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục xu hướng thay đổi tư duy từ kiểm soát sang nới lỏng tại khu vực Trung Đông, giảm tối đa can dự quân sự trực tiếp. Mục tiêu của Mỹ gồm duy trì sự kiểm soát toàn diện khu vực Trung Đông hiệu quả thông qua đồng minh Israel, bảo đảm ảnh hưởng tại Trung Đông lớn hơn ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga hay bất kỳ một quốc gia bên ngoài nào khác. Theo đó, Mỹ tăng cường duy trì lợi ích chiến lược ở Trung Đông bằng “biện pháp phi quân sự”. Bảo đảm an ninh trước sự trỗi dậy của Iran. Duy trì các lợi ích kinh tế, quân sự, an ninh chiến lược. Thông qua biện pháp ngoại giao để can dự vào khu vực. Thúc đẩy giải pháp “2 nhà nước” thông qua đàm phán trong giải quyết vấn đề xung đột giữa giữa Israel và Palestine. Mục đích của Mỹ là đưa các nước Ả Rập hòa thuận với Israel khi đó mới tránh được chia rẽ ảnh hưởng đến tiếng nói của Mỹ.
Nga và Trung Quốc: Trong bối cảnh chính Mỹ tiếp tục triển khai chính sách thu hẹp can dự, nới lỏng kiểm soát Trung Đông vô tình tạo ra cơ hội để Trung Quốc và Nga ngày càng tăng cường hiện diện, mở rộng tập hợp lực lượng, nhằm khỏa lấp các khoảng trống mà Mỹ để lại. Nhất là sau chiến sự Ukraine, Nga – Trung cần các nước Trung Đông kết nối nhằm xây dựng dòng chảy năng lượng mà Bắc Kinh là bên có lợi nhất. Đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các đối tác truyền thống của Nga như Iran, Syria. Mở rộng kết nối với các đồng minh của Mỹ, như Israel, Saudi Arabia, UAE,… trên lĩnh vực kinh tế, quân sự trong đó thúc đẩy quan hệ với Israel. Chủ động, tích cực tham gia với vai trò hòa giải các điểm nóng khu vực đặc biệt ở dải Gaza để thể hiện trách nhiệm nước lớn. Sử dụng các cơ chế đa phương để thu hút sự quan tâm, hợp tác, giảm mâu thuẫn giữa các nước Ả Rập, thực hiện thâm nhập sâu vào kinh tế bằng Sáng kiến BRI, tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay kết nạp Iran, Saudi Arabia, UAE vào nhóm BRICS.
Israel: Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc trước hai tuần khi xung đột với Hamas nổ ra, Thủ tướng Netanyahu đã trình bày một bản đồ “Trung Đông mới”. Mô tả Nhà nước Israel trải dài từ sông Jordan đến Biển Địa Trung Hải và xây dựng một “hành lang hòa bình và thịnh vượng” với các lãnh thổ của mình. Một nhà nước Palestine, hay thậm chí tập hợp các vùng đất bị thu hẹp mà Chính quyền Palestine bề ngoài kiểm soát, không hề xuất hiện trên bản đồ[5]. Chính quyền của ông Netanyahu đã luôn xác định rằng sẽ không sẵn sàng cho một nhà nước chính thức của người Palestine tồn tại và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến với Hamas một năm qua.
Những điều chỉnh chính sách sau một năm
Mỹ: Chiến tranh giữa Hamas với Israel nằm ngoài những tính toán trước đó của Mỹ về tình hình khu vực. Sự can dự “Hòa bình” ban đầu của Mỹ dần phải có sự thay đổi. Trước tiên, xung đột khiến kế hoạch đưa Israel “chung sống hòa bình” với thế giới Ả Rập bất thành. Sau khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, Ả Rập Xê Út tuyên bố ngừng vô thời hạn tiến trình bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. Các đồng minh của Mỹ như Ai Cập, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt lên án hành động không kích vào người dân thường của Israel ở Dải Gaza. Đây được coi như “đòn đánh” giáng vào nỗ lực đưa Israel xích lại gần thế giới Ả Rập, cũng như việc thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực với sự hòa thuận do Mỹ dẫn dắt. Tiếp theo, những thỏa thuận đạt được trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Iran của Mỹ cũng tan vỡ, khi Washington liên tục đe dọa gia tăng trừng phạt “cứng rắn” với Tehran vì Mỹ cho rằng Iran đứng sau trợ giúp Hamas. Ngoài ra, việc ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza cũng làm quan hệ giữa Mỹ với các nước Trung Đông rơi vào hố sâu, uy tín của Washington sụt giảm nghiêm trọng. Hay nói cách khác, Mỹ đang đổ vỡ trong thiết lập một cấu trúc an ninh mới cho Trung Đông và tạo điều kiện để Nga, Trung Quốc nâng cao vị thế, mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực quan trọng này, nhất là vai trò trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn, kết thúc cuộc xung đột[6].
Trung Quốc: Bắc Kinh hiện đang trong thời kỳ xây dựng một trật tự thế giới đa cực phá bỏ các giá trị phương Tây. Do vậy, quan điểm chính sách của Trung Quốc xoay quanh ủng hộ thế giới hòa bình phục vụ cho sự vươn lên của Trung Quốc. Đối với vấn đề chiến sự tại Trung Đông, khu vực chưa mang tính trọng yếu về chính trị nhưng lại là trọng điểm để sáng kiến BRI phát triển. Từ đó, chính sách của Trung Quốc không có nhiều thay đổi, nước này kêu gọi tất cả các bên nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và bền vững ở Gaza, đồng thời ủng hộ từ việc khôi phục các quyền dân tộc hợp pháp của Palestine và khởi động lại giải pháp hai nhà nước để đạt được hòa bình lâu dài ở Trung Đông.
Nga: Năm 2015, Nga triển khai các hoạt động quân sự hỗ trợ chính phủ Syria, đánh dấu quá trình gia tăng sự hiện diện của họ ở Trung Đông. Tuy nhiên, hiện tại, Nga hiện đang là nước có chiến tranh, mỗi ngày trôi qua cả hệ thống đối nội và đối ngoại cùng quốc phòng luôn bận rộn với các vấn đề xoay quanh cuộc chiến với Ukraine. Hơn thế, Israel đang thực hiện cuộc chiến với các lực lượng kháng chiến bị quy vào khủng bố nên Nga khó có thể đưa lời bênh vực cho Hamas, Hezbollah. Cũng giống với Trung Quốc, Nga chọn cách tiếp cận thúc đẩy hòa bình cho Trung Đông, sử dụng các cơ chế đa phương để lên án những hành động “diệt chủng” ở Gaza.
Israel: Một trong những yếu tố đáng chú ý trong cuộc xung đột hiện nay là sự thay đổi chiến lược của Israel. Thay vì quay trở lại trạng thái ban đầu, trước cuộc chiến với Hamas năm 2023, Israel dường như đang theo đuổi một chính sách mạnh bạo hơn, tìm cách tạo ra sự thay đổi vĩnh viễn về mặt lãnh thổ và chính trị tại Gaza và Li Băng. Việc kiểm soát Gaza, tạo vùng đệm tại Li Băng và nhằm làm suy yếu của các lực lượng Hezbollah, thể hiện rõ ràng mục tiêu không đổi giống với bài phát biểu về một “Trung Đông mới” của ông Netanyahu.
Iran: Tehran đang cố gắng duy trì trạng thái nguyên trạng trong khu vực, dù phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, việc quay trở lại tình trạng trước cuộc xung đột Israel – Hamas ngày càng khó khăn hơn đối với Iran, đặc biệt là khi Israel ngày càng thể hiện cứng rắn hơn trong các hành động quân sự. Trong bối cảnh đó, Iran có thể phải điều chỉnh chiến lược của mình, tập trung vào việc bảo vệ các lợi ích cơ bản của Tehran. Cùng với đó, Iran không thể bỏ qua lợi ích của các đồng minh của “Trục kháng chiến”.
Tác động tới các tham vọng kinh tế lớn của Mỹ và Trung Quốc
Tổng quan về IMEC và BRI tại Trung Đông
Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu (IMEC) ra đời năm 2023 là dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế giữa châu Á, vùng Vịnh và châu Âu. IMEC sẽ bao gồm hai hành lang riêng biệt: hành lang phía Đông nối Ấn Độ với vịnh Ả Rập, hành lang phía Bắc nối vịnh Ả Rập với châu Âu. Hành lang kinh tế này sẽ vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến bờ biển phía Đông của UAE, sau đó đến cảng Haifa của Israel bằng đường sắt sau đó đến châu Âu bằng đường biển[7]. IMEC là dự án về giao thông, cơ sở hạ tầng kết nối trực tiếp nhất cho đến nay giữa Ấn Độ, vịnh Ả Rập và châu Âu: với một tuyến đường sắt sẽ khiến tốc độ giao thương giữa Ấn Độ và châu Âu nhanh hơn 40%[8]. Điều này sẽ giúp tăng cường hội nhập thương mại giữa các nước và các khu vực, đa dạng nguồn cung và cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong khi đó, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ra đời sớm hơn IMEC 10 năm, được Trung Quốc xem như một công cụ kinh tế chính trị quan trọng. Định hướng phát triển BRI nằm ở phía Tây trong đó Trung Đông và Bắc Phi được coi là khu vực trọng điểm để mở rộng BRI. Lý do là ở nhu cầu về năng lượng. BRI chạy qua Trung Đông nằm trong dự án “Con đường tơ lụa” trên biển và đất liền dọc từ Tây Á đến châu Âu. Năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 176 tỷ USD dầu thô từ Trung Đông[9]. Kể từ khi triển khai BRI thương mại của Trung Quốc với Trung Đông tăng từ 10 tỷ USD vào năm 2000 lên hơn 230 tỷ USD vào năm 2021[10]. Khu vực này có vai trò tối quan trọng trong việc mở rộng hơn nữa BRI và lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ vẫn là đối tác quan trọng nhất tại đây, nhưng kịch bản Washington bị thay thế bởi Bắc Kinh hoàn toàn khả dĩ.
Tác động đến mạch đập năng lượng
Theo CNBC, phiên giao dịch hôm 1/10, giá dầu WTI đã tăng 2,44% lên 69,8 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI giảm hơn 2%. Dầu Brent cũng tăng gần 2,6% lên 73,5 USD/thùng sau khi giá dầu Brent trong năm đã giảm hơn 4%. Vấn đề tính toán hiện nay liệu Israel có thể tấn công vào các cơ sở hạt nhân hoặc cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran để trả đũa hay không. Một kịch bản xấu nếu nguồn cung dầu từ Iran gặp rủi ro khi sản lượng dầu của nước này đang ở mức cao nhất hơn 3 triệu thùng/ngày[11].
Nếu Israel chọn phản công Iran thời gian tới vào các mục tiêu lọc dầu và năng lượng sẽ gây ra một đợt gián đoạn nguồn cung tạm thời có thể chạm mốc 100 USD/thùng. Tương tự khi xung đột Nga – Ukraine năm 2022, giá dầu thế giới đã chứng kiến những biến động chưa từng có. Các nước phương Tây đã chìm trong một thời gian thiếu thốn năng lượng do phụ thuộc lớn từ xuất khẩu dầu khí từ Nga. Tương tự, Iran là đồng minh của Nga, đồng thời Iran cùng một số nước xuất khẩu dầu vùng Vịnh như Ả Rập Xê Út cùng chống Israel có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cho Mỹ. Nếu ở Ukraine, Mỹ có thể lấy dầu ở Trung Đông và bán cho đồng minh. Thế nhưng, nếu OPEC thắt nguồn cung để phản đối các hành động của Israel thì Mỹ sẽ gặp vấn đề chỉ còn cách thuyết phục Israel nhằm giảm căng thẳng quân sự để nới lỏng cho các chính sách dầu của các nước Ả Rập. Đối với Mỹ, căng thẳng Trung Đông bị đẩy lên cao trong bối cảnh hiện nay không có lợi cho nước này. IMEC sẽ gặp nguy cơ gián đoạn nguồn cung cao nếu khủng hoảng Trung Đông xảy ra và vai trò cân bằng thâm hụt năng lượng của Mỹ sẽ trở thành câu hỏi đối với các thành viên dự án.
Cuộc xung đột ở Trung Đông còn kéo theo tác động tiêu cực đến những hệ thống đường ống vận chuyển nhiên liệu đi qua Israel, Iran. Cuộc chiến giữa Nga – Ukraine cho thấy chiến sự ảnh hưởng đến các hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu trong khi đó cả Nga và Trung Đông đều là những nơi cung cấp lớn về nhiên liệu hóa thạch cho toàn cầu. Hồi tháng 2 đầu năm, một vụ nổ đường ống nối từ Iran đến biển Caspian phát nổ gây thiệt hại cho ngành khí đốt nước này. Phía Iran cho rằng Israel là nguyên nhân gây ra sự cố làm tăng căng thẳng giữa hai nước. Thực tế cho thấy Iran nắm giữ hệ thống đường ống năng lượng lớn kết nối Trung Đông với châu Á. Nếu Iran tham gia vào cuộc chiến với Israel nguy cơ về những đường ống dẫn nhiên liệu bị phá rất cao. Từ đó, Con đường tơ lụa trên đất liền (SEB) về mảng năng lượng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Tác động đến tuyến vận chuyển
Một trong số hệ quả của cuộc chiến tại dải Gaza đó chính là sự gia tăng các hành động cực đoan do các lực lượng kháng chiến ủng hộ Palestine tiến hành. Trong đó lực lượng Houthi ở Yemen liên tục tiến hành những cuộc tấn công bằng các thiết bị bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tàu vận tải thương mại quốc tế mà lực lượng này cho là liên quan Israel đi qua Biển Đỏ. Trong đó, Mỹ, Anh và một số tàu hàng từ châu Âu trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của Houthi. Từ đó, IMEC cũng chịu gián đoạn trong vận chuyển do các hoạt động quân sự cản trở. Con đường đi từ cảng phía Đông của UAE đến cảng Haifa của Israel dễ bị nhầm lẫn với tàu tiếp viện của phương Tây cho Israel. Hành lang phía Bắc của IMEC sẽ chịu tác động lớn từ cuộc xung đột tại Trung Đông. Ngoài ra, việc bảo đảm an ninh, ổn định ở tất cả các nước tham gia IMEC cũng là thách thức lớn. Khu vực nơi có IMEC đi qua rất dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa an ninh, nhất là nguy cơ khủng bố, xung đột và bất ổn chính trị.
Ngược lại, đối với BRI và Con đường tơ lụa trên biển (MSR) có phần chịu ít tác động hơn so với IMEC. Bởi lẽ, Houthi tuyên bố tàu Trung Quốc hoặc Nga không phải mục tiêu nhắm tới. Do vậy, lợi ích từ thương mại biển của Trung Quốc qua vùng eo Biển Đỏ đến Kênh đào Suez đến châu Âu dù bị ảnh hưởng một phần nhưng không quá nặng nề. BRI tại Trung Đông còn sở hữu lợi thế lớn hơn khi các đối tác của Trung Quốc đều tránh nằm trong vùng lan rộng xung đột. Mặc dù Iran – mấu chốt quan trọng của BRI tại khu vực có mâu thuẫn lớn với Israel nhưng nguy cơ để Iran đổ vỡ và xảy ra một cuộc chiến tranh với Israel không cao. Và Bắc Kinh cũng nhìn ra được Tel Aviv sẽ trở thành trung tâm của vòng xoáy xung đột nên BRI được triển khai không chú trọng vào các dự án hạ tầng quan trọng ít lợi ích. BRI còn được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang có tiếng nói mạnh mẽ với các nước Hồi giáo. Ankara lựa chọn duy trì hợp tác với phương Tây nhưng tích cực ủng hộ BRI cùng tham gia vào một số dự án không còn nhiều như trước.
Như vậy có thể thấy rằng IMEC và BRI đều sẽ bị ảnh hưởng một phần hoặc toàn diện nếu xung đột ở Trung Đông bùng nổ lan rộng. Bất kể đó là những dự án trên đất liền hay trên biển. Vai trò trung tâm về cửa ngõ giao thương, cân bằng an ninh năng lượng toàn cầu của Trung Đông càng được cho thấy rõ ràng hơn với những tác động to lớn có thể lường trước đối với các dự án, sáng kiến toàn cầu.
Tương lai của Trung Đông thời gian tới
Thế giới nói chung hiện nay đang đứng trước những ngã rẽ chưa từng có từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Bên cạnh điểm nóng Nga – Ukraine, Trung Đông hiện đang đứng bên bờ vực trở thành thùng thuốc súng thứ hai có thể châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện. Những hành động tấn công gây hại cho thường dân của Israel cũng bị chỉ trích tại Liên hợp quốc: “Không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn có thể cấu thành tội ác chiến tranh” Chỉ huy Lực lượng lâm thời của LHQ tại Nam Li Băng (UNIFIL) Aroldo Lázaro cho hay[12].
Diễn biến xung đột thời gian tới.
Dựa vào việc nhìn nhận khách quan về hai nhân tố đối đầu chính trong khu vực là Iran và Israel mặc dù trên thực tế hai bên đã có những cuộc đấu tên lửa đều ghi nhận thiệt hại. Tuy nhiên, thời gian tới ít nhất đến hết năm 2024, tình hình “chảo lửa” Trung Đông sẽ khó hạ nhiệt nhưng để diễn ra cuộc đấu quân sự trực diện giữa Tel Aviv với Tehran dường như ở mức thấp.
Về phía Iran, với rào cản hơn 2000km giao tranh qua lại bằng vũ khí tầm xa sẽ tối ưu hơn so với đổ bộ, bên cạnh đó Iran sẽ sát cánh bên các lực lượng Hamas, Hezbollah, Houthi. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tuyên bố, Iran có thể tấn công Israel lần nữa nếu cần và khẳng định Israel không bao giờ đánh bại được Hamas, Hezbollah. Đồng thời ông kêu gọi các quốc gia từ Afghanistan đến Yemen sẵn sàng hành động chống lại kẻ thù[13]. Động thái trên như cách Iran trấn an cho các nhóm trong “Trục kháng chiến” sau sự việc loạt thủ lĩnh của họ bị Israel tiêu diệt. Iran cần một hành động thực tế để chứng minh khả năng lãnh đạo Trục này của mình. Tuy nhiên, nếu để vì các nhóm này mà Iran phải chiến đấu với Israel đánh đổi lợi ích quốc gia thì sẽ khó xảy ra. Bởi lẽ “Trục kháng chiến” đứng sau bởi Iran đều hoạt động vì lợi ích nhìn thấy ở nhau mà không phải sự gắn kết chặt chẽ, bài bản. Bản thân Iran với Hamas, Hezbollah, Houthi có sự khác biệt trong tôn giáo giữa một bên dòng Shia và Sunni, điều này về cơ bản đã dễ tạo ra rạn nứt chia rẽ nếu Iran không chủ động đi tìm điểm giao chung.
Tiếp đến, sức mạnh nội tại của Iran còn gặp phải nhiều vấn đề cần ưu tiên giải quyết trước. Tiềm lực quân sự của Israel và Iran không có quá nhiều chênh lệch dựa trên xếp hạng. Thế nhưng khoảng cách địa lý khiến cho sức mạnh bộ binh của Iran bị giới hạn ngược lại nếu chiến đấu trên không Israel có lợi thế hơn khi được cung cấp các loại máy bay hiện đại của Mỹ. Hệ thống Vòm Sắt cho thấy sức phòng không của Israel không thể đánh giá thấp nếu không bị tấn công bất ngờ. Ngoài ra, nội bộ của Iran đang phân nhóm sau khi nước này có Tổng thống mới Masoud Pezeshkian, người thuộc phe cải cách và mong muốn cải thiện quan hệ với phương Tây. Tổng thống không phải người quyền lực nhất ở Iran mà là Giáo chủ Ali Khamenei và Hội đồng An ninh quốc gia tối cao những người xem xét và quyết định phương hướng hành động của đất nước. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu lại nhận được sự ủng hộ của đa số người dân, binh lính Israel với cuộc chiến ở Gaza, Li Băng rằng người Do Thái chỉ đang tự vệ chính đáng sau khi bị tấn công trước.
Đối với Israel, Hamas, Hezbollah và Houthi chỉ được coi là tổ chức khủng bố với tiềm lực được các nhà nước Hồi giáo tài trợ không đủ để đe dọa đến lợi ích cốt lõi của Israel tại khu vực. Với động lực đến từ chiến thắng trước liên quân các nước Ả Rập năm 1967 cho thấy Israel không ngần ngại chuẩn bị cho chiến tranh lâu dài. Cuộc chiến ở Gaza tạo ra cơ hội để Israel tiến hành tiêu diệt tận gốc các tổ chức cản đường. Iran không phải mục tiêu để Israel phải chiến đấu đến cùng vì lợi ích đạt được sẽ thấp hơn những giá trị phải bỏ ra. Điều đáng lo ngại hiện nay là nếu Israel đáp trả trong những ngày tới, Trung Đông sẽ bị đẩy vào một vòng lặp “ăn miếng trả miếng”. Đây sẽ là kịch bản xấu nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi một cuộc chiến Israel – Iran không thực sự diễn ra, tình hình tại Li Băng được cho cũng sẽ rất đáng lo ngại trong những ngày tới đây.
Khả năng can thiệp từ bên ngoài vào Trung Đông.
Mỹ: Sự quan tâm của Mỹ tại Trung Đông thể hiện qua việc vừa kêu gọi hòa bình nhưng vẫn “bơm” tiền để nuôi chiến tranh. Israel luôn là quốc gia nhận được nhiều viện trợ nhất của Mỹ với hơn 300 tỷ USD đã viện trợ[14]. Thế nhưng, trong bối cảnh Washington đang đối mặt với sức ép cả bên trong và bên ngoài đã làm cho khả năng can thiệp vào cuộc xung đột Trung Đông giảm xuống. Khi Mỹ vẫn đang bận rộn tại chiến trường Ukraine thì chiến lược răn đe từ xa là thượng sách của nước này hiện tại. Tổng thống Joe Biden ủng hộ đồng minh tiếp tục chống Hamas đồng thời dự định cử một đợt hỗ trợ kỹ thuật đến miền Nam Li Băng để bảo vệ đồng minh. Mặc dù vậy khả năng lính Mỹ tham chiến trực tiếp là rất thấp vì nước Mỹ đang trong giai đoạn bầu cử Tổng thống, một quyết định sai có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ thắng của Đảng Dân chủ. Do đó, Mỹ đang cân nhắc giữa răn đe và hài hòa thách thức mang tên Iran khi dưới thời ông Trump cầm quyền Washington đã suýt tuyên chiến với Tehran.
Nga và Trung Quốc: Nga từng có lịch sử can dự vào Trung Đông mạnh mẽ nhưng từ khi nước này có chiến tranh với Ukraine đặc biệt với những diễn biến gần đây, Nga đã chọn cách tiếp cận từ xa kêu gọi kiềm chế. Quan điểm của Tổng thống Putin về vấn đề Israel – Palestine cần được hòa giải bằng cơ chế chính thức. Vậy nên, sự can thiệp trực tiếp của Nga vào Trung Đông rất thấp. Về phía Trung Quốc, với chủ trương nhất quán không can dự vào các xung đột bên ngoài vùng lợi ích cốt lõi. Trên Biển Đông và Đài Loan, Bắc Kinh thể hiện sức mạnh nước lớn bằng quân sự thì tại Trung Đông Bắc Kinh lại chọn cách tiếp cận “án binh bất động”. Trung Quốc tuân theo chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác và ủng hộ các giải pháp hòa bình và ngoại giao cho các cuộc xung đột. Bằng cách tiếp cận thận trọng và thực dụng, Bắc Kinh tìm cách bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong khi vẫn duy trì tính trung lập và tránh những rủi ro. Đồng thời cả Moscow và Bắc Kinh đều kiên định sát cánh với các nước Ả Rập đóng vai trò trung gian hòa giải cho xung đột ở Gaza[15].
NATO: NATO được thành lập với mục đích phòng thủ, tuy nhiên trong 75 năm hoạt động khối quân sự này đã tham gia vào không ít cuộc xung đột. Trung Đông cũng không nằm ngoài tầm tay của NATO điển hình với Afghanistan, Iraq và Libya thế nhưng đến chiến tranh Gaza tổ chức này dường như ngó lơ. Với những sự xáo trộn trong nội bộ NATO gần đây đặc biệt khi chiến trường Ukraine vẫn là sự quan tâm hàng đầu của NATO thì việc can dự vào Trung Đông gần như sẽ không xảy ra. Một phần do Tel Aviv có mối liên hệ “tốt đẹp” với Brussel thông qua Mỹ. Mặt khác NATO cũng lo ngại khi tham gia vào câu chuyện nội bộ của các nước Ả Rập Hồi giáo như Iran sẽ dẫn tới sự gia tăng mối lo ngại khủng bố ở châu Âu. Do vậy, mặc cho sự kêu gọi của thành viên Thổ Nhĩ Kỳ về ngừng hợp tác với Israel và xúc tiến hòa bình cho người Palestine ở Gaza, NATO vẫn chưa hồi đáp.
Liên Hợp Quốc (LHQ): Một năm chiến tranh giữa Israel với Hamas trôi qua nhưng Hội đồng Bảo an cùng Đại hội đồng không có hành động can thiệp ngoài đưa ra lời kêu gọi đang thể hiện sự bất lực của tổ chức. Thậm chí Ngoại trưởng Israel Katz còn cấm Tổng thư ký Guterres nhập cảnh vào Israel bởi lẽ ông Guterres đã không lên án vụ tập kích tên lửa của Iran. Sự tham gia mạnh mẽ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ có lẽ sẽ không được tính đến như lần đội quân này được xuất hiện trong chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, Lực lượng lâm thời của LHQ tại Li Băng (UNIFIL) – một nhánh của lực lượng gìn giữ hòa bình đang đóng vai trò giảm mức độ tàn khốc và tránh những khu vực đông dân thường bị tấn công. Lực lượng này đã hoạt động ở Li Băng hơn 28 năm qua để đảm bảo Hezbollah – Israel thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 1701*.
Sự điều chỉnh chính sách của các nước trong khu vực.
Chính sách chung của các nước trong khu vực khi chiến tranh Hamas nổ ra đó là ủng hộ chính sách hai nhà nước cho người Palestine, thúc đẩy ngừng bắn đồng thời lên án Israel. Như đã nói đến ở trên, trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Biden, Mỹ đóng vai trò lớn trong việc sắp xếp các mảnh ghép để hoàn thiện bức tranh Trung Đông hoàn chỉnh. Mục tiêu đưa Israel trở thành một nhà nước Do Thái cùng bắt tay với các nước Ả Rập để ổn định tình hình khu vực được ưu tiên hướng tới.
Thực tế Ả Rập Xê Út chính là quốc gia đồng minh đầu tiên của Mỹ thử nghiệm giải pháp này. Tiến trình hòa giải giữa Israel với Ả Rập Xê Út đã đạt được nhiều dấu mốc nhưng mọi nỗ lực trước đó đã gần như “đổ bể” khi cuộc chiến Gaza nổ ra. Người Palestine mong muốn thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza. Hầu hết quốc gia Ả rập từ chối công nhận Israel cho đến khi một nhà nước như vậy được thành lập. Quan điểm trên thể hiện chính sách khu vực của Ả Rập Xê Út với vai trò một trong các quốc gia ảnh hưởng nhất tại Trung Đông nằm ở việc Israel ứng xử thế nào khi để chiến sự đang ngày lan rộng. Thế nhưng cánh cửa để ngỏ về một quan hệ công nhận hoàn toàn với Israel đã gần như bị khước từ ông Netanyahu không muốn như vậy. Không có giải pháp hai nhà nước nào, không có hòa bình với Hamas và không chịu thất thế trước Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tiếng nói đáng kể đối với chính sách của các nước trong khu vực. Quốc gia thành viên NATO này không ngần ngại đưa ra những quan điểm cứng rắn. Đối với sự gia tăng bạo lực của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách một quốc gia Hồi giáo đang ra sức kêu gọi một sự đoàn kết chung cho một Trung Đông đang chìm dần vào những chia rẽ. Tổng thống Erdogan khẳng định: “Động thái duy nhất có thể ngăn chặn sự ngạo mạn, ăn cướp của Israel là thành lập liên minh các nước Hồi giáo”. Ankara kêu gọi các nước Hồi giáo lập liên minh để ứng phó Israel và mối đe dọa ngày càng gia tăng từ chủ nghĩa bành trướng tồn tại để chia rẽ những nước Hồi giáo./.
* Nghị quyết 1701 được thông qua tháng 8/2006 nhằm chấm dứt xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hezbollah, kêu gọi các bên ngừng hoàn toàn các hành động thù địch và triển khai lực lượng UNIFIL nhằm giảm căng thẳng tại vùng biên giới phía Nam của Li Băng.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] NBC News (2023), “Death toll rises as Israel battles Hamas. https://www.nbcnews.com/news/world/live-blog/israel-hamas-conflict-live-updates-rcna119362
[2] Wafaa Shurafa & Julia Frankel (2024), “More than 40,000 Palestinians have been killed in Gaza, the territory’s Health Ministry says”, AP News. https://apnews.com/article/gaza-death-toll-hamas-war-israel-40000
[3] Quân đội nhân dân (2024), “Israel không kích Lebanon, gần 500 người thiệt mạng”.https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/israel-khong-kich-lebanon-gan-500-nguoi-thiet-mang-795803
[4] Susannah George (2024), “Iran Israel ballistic missile attack”, The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/world/2024/10/02/iran-israel-ballistic-missile-attack/
[5] Time Of Israel (2023), “Full text of Netanyahu’s UN address: ‘On the cusp of historic Saudi-Israel peace’”. https://www.timesofisrael.com/full-text-of-netanyahus-un-address-on-the-cusp-of-historic-saudi-israel-peace/
[6] Lê Xuân Thuận (2024), “Sự điều chỉnh chính sách đối với khu vực Trung Đông của các nước lớn”, Hồ sơ sự kiện. https://hssk.tapchicongsan.org.vn/bai-viet/chuyen-sau/su-dieu-chinh-chinh-sach-doi-voi-khu-vuc-trung-dong-cua-cac-nuoc-lon-post411.html
[7] Trần Hà (2023), “IMEC: Lợi ích của các bên tham gia”, Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông. https://ordi.vn/imec-loi-ich-cua-cac-ben-tham-gia.html
[8] The Guardian (2023), “G20: EU and US back trade corridor linking Europe, Middle East and India”. https://www.theguardian.com/world/2023/sep/09/g20-eu-and-us-back-trade-corridor-linking-europe–east-and-india
[9] Insight Global (2022), “China’s Reliance on Middle East Oil, Gas to Rise Sharply”. https://www.insights-global.com/chinas-reliance-on-middle-east-oil-gas-to-rise-sharply
[10] Gedaliah Afterman and Allie Weinberger (2024), “China’s growing influence in the Middle East”, The Strategist. https://www.aspistrategist.org.au/chinas-growing-influence-in-the-middle-east/
[11] Spencer Kimball (2024), “Crude oil rises more than 2% after Iran fires missiles at Israel”, CNBC. https://www.cnbc.com/2024/10/01/crude-oil-prices-today.html
[12] United Nation (2024), “UN’s Guterres urges global solutions as uncertain world edges toward a ‘powder keg’”. https://news.un.org/en/story/2024/09/1154771
[13] Time Of Israel (2024), “Iran’s Khamenei threatens ‘stronger and more painful’ attack on Israel. https://www.timesofisrael.com/liveblog_entry/irans-khamenei-threatens-stronger-and-more-painful-attack-on-israel/
[14] VOV (2024), “Các quốc gia được nhận nhiều nhất viện trợ nước ngoài của Mỹ’. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cac-quoc-gia-duoc-nhan-nhieu-nhat-vien-tro-nuoc-ngoai-cua-my-post1094769.vov
[15] Quân đội nhân dân (2024), “Xung đột Hamas – Israel: Trung Quốc kêu gọi lập lực lượng chung giải quyết xung đột Trung Đông”. https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/xung-dot-hamas-israel-trung-quoc-keu-goi-lap-luc-luong-chung-giai-quyet-xung-dot-trung-dong-788625