Cuộc xung đột quân sự gần đây ở Syria đã gây chấn động thế giới. Ngày 27/11/2024, cuộc tấn công chớp nhoáng của các lực lượng đối lập bắt đầu nổ ra. Ngày 5/12, lực lượng đối lập Syria tuyên bố đã tiến vào và giải phóng “các khu dân cư rộng lớn” ở thành phố Hama ở miền trung Syria. Cùng ngày, lực lượng chính phủ Syria cũng thừa nhận lực lượng đối lập đã tiến vào Hama và cho biết họ sẽ đánh trả, tuy nhiên, những gì đã diễn ra cho thấy lực lượng đối lập đã dễ dàng có được chiến thắng. Chế độ Assad đã sụp đổ nhanh chóng vỏn vẹn sau 11 ngày, kết thúc ngày 8/12/2024.
Vào cuối tháng 11/2024, lực lượng đối lập Syria bất ngờ phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn, làm phá vỡ sự cân bằng của chiến trường ở miền bắc Syria. Damascus đã sụp đổ. Mối quan hệ giữa các thế lực bên ngoài ảnh hưởng tới vấn đề Syria gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng bước vào một giai đoạn phức tạp mới. Trong tương lai, tình hình chiến trường ở Syria rơi vào tình trạng hỗn loạn nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi tình hình ở Syria
Những thay đổi mạnh mẽ của tình hình chiến trường ở Syria là kết quả của hàng loạt yếu tố phức tạp trong và ngoài nước ở Syria. Đánh giá từ tình hình bên ngoài ở Syria, việc Nga và Iran giảm sự quan tâm của họ ở quốc gia này đã ảnh hưởng đến sự cân bằng của cuộc chiến ở Syria. Bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine, Nga đã điều chuyển một số lượng lớn quân đội rời khỏi Syria, giảm số lượng từ hơn 65.000 quân nhân lúc cao điểm xuống còn hơn 5.000 quân nhân vào tháng 6/2024. Một số lượng lớn vũ khí và thiết bị của Nga ở Syria cũng đã được chuyển ra ngoài. Chẳng hạn, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào năm 2022, hệ thống tên lửa phòng không S-300 từng được triển khai ở Syria đã được chuyển trở lại Nga.
Sức mạnh quân sự của Iran và tổ chức “Trục kháng chiến” do nước này lãnh đạo ở Syria cũng đã suy yếu. Với sự bùng nổ của một vòng xung đột mới giữa người Palestine và Israel, các nhóm dân quân ở Trung Đông có quan hệ chặt chẽ với Iran, bao gồm cả Hezbollah của Lebanon và Hamas của Palestine, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là sau khi Israel phát động cuộc tấn công lớn vào Hezbollah ở Lebanon vào tháng 10/2024, các thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah đã liên tiếp huy động lực lượng tinh nhuệ từ Mayadin và Boukamal, Hama và Homs xung quanh Deir ez-Zor ở Syria để quay trở lại trận chiến Hezbollah ở Lebanon. Viện trợ ra ngoài khu vực của Iran cũng được ưu tiên cho Hezbollah và Hamas, khiến viện trợ mà chính phủ Syria nhận được giảm đáng kể.
Lực lượng đối lập Syria đã chuẩn bị kỹ càng nhưng lực lượng chính phủ Syria lại sơ suất trong việc đề phòng, khả năng sẵn sàng chiến đấu giảm mạnh. Bắt đầu từ tháng 8/2024, tại khu vực tiền tuyến tỉnh Idlib phía tây bắc Syria, lực lượng đối lập Syria bắt đầu thường xuyên trinh sát các vị trí phòng thủ của lực lượng chính phủ Syria. Lực lượng đối lập cũng tổ chức một số cuộc tấn công lẻ tẻ để kiểm tra thế trận phòng thủ của lực lượng chính phủ. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tích cực hỗ trợ vũ khí và trang thiết bị cho lực lượng vũ trang đối lập, điều phối hai lực lượng vũ trang đối lập chính là Quân đội Quốc gia Syria (SNA) đóng quân tại Azaz và Sham (Tahrir al-Sham) đóng quân ở Idlib ở tây bắc Syria, cuối cùng đã dẫn đến các hoạt động chung giữa hai lực lượng. Từ cuối tháng 11 năm 2024, Mặt trận Giải phóng Sham và Quân đội Quốc gia Syria liên tiếp phát động các cuộc tấn công, tạo thế gọng kìm từ phía tây và phía đông Aleppo, thành phố trung tâm phía bắc Syria, đánh bại các vị trí phòng thủ của lực lượng chính phủ Syria xung quanh Aleppo, rồi giành quyền kiểm soát thành phố này. Chưa dừng lại ở đó, Mặt trận Giải phóng Sham đi theo đường cao tốc M5 quan trọng ở miền bắc Syria và tấn công các trục giao thông huyết mạch dọc phía nam, nhắm thẳng vào Hama, một thị trấn quan trọng ở phía bắc miền trung Syria. Hama bị đánh bại, Damascus nhanh chóng phải đối mặt với sự sụp đổ.
Tình hình chiến trường
Mặc dù lực lượng đối lập Syria đã đạt được nhiều kết quả trong thời gian ngắn và quan trọng, họ đã kiểm soát được Damascus, trực tiếp khiến chính quyền Assad sụp đổ, nhưng sẽ là khó khăn đối với họ nếu tiếp tục mở rộng cuộc chiến này với những tham vọng lớn hơn. Điều cần lưu ý, cấu trúc quyền lực giữa các lực lượng vũ trang đang tồn tại ở Syria rất phức tạp, có sự can dự của nhiều thế lực bên ngoài, khó có thể xuất hiện một hoặc liên minh giữa một số lực lượng nhất định có thể bình định được tình hình Syria ngay lúc này.
Trước khi sụp đổ, lực lượng chính phủ Syria đã từng cố gắng thay đổi tình thế. Một mặt, lực lượng tinh nhuệ của Syria đã bắt đầu tập hợp và tham chiến. Các lực lượng chính phủ Syria đã tập hợp xung quanh Hama, trong đó có “Sư đoàn Tiger” (Sư đoàn hoạt động đặc biệt số 25) tinh nhuệ nhất, đã tham gia trận chiến. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, sự kháng cự của lực lượng chính phủ đã kết thúc với kết quả thất bại. Cả Nga và Iran đều không đủ động lực để cứu chính quyền Assad trong một diễn biến chớp nhoáng như vậy.
Hama là trung tâm giao thông kết nối Damascus và cảng Tartus của Syria dưới sự kiểm soát của Nga. Đây cũng là tuyến đường quan trọng, tạo điều kiện cho lực lượng đối lập Syria di chuyển về phía nam tới Damascus, sau khi lực lượng đối lập chiếm được Hama. Họ nhanh chóng áp sát Damascus, và chỉ ít ngày sau, lực lượng đối lập đã tuyên bố chiếm được thủ đô của Syria.
Cuộc chiến chớp nhoáng vừa qua có thể khái quát qua một số thời điểm quan trọng như sau: Ngày 27/11/2024, cuộc tấn công chớp nhoáng của các lực lượng đối lập bắt đầu nổ ra. 29/11/2024, Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria đã thất thủ. Ngày 5/12/2024 đến ngày 6/12/2024, lần lượt các cứ điểm phòng thủ ở Hama, Erzour và Palmyra bị đánh bại. Lực lượng đối lập ngay lập tức áp sát Damascus và đến ngày 8/12/2024, Homs và Damascus sụp đổ. Assad từ chức và rời đất nước. Chiến dịch lật đổ chính quyền Syria chỉ diễn ra trong vòng 11 ngày.
Sự giúp đỡ của Nga và Iran tương đối mờ nhạt. Mục tiêu của Nga không phải là cố gắng thay đổi tình hình, mà chỉ tập trung vào việc đảm bảo cho ông Assad và gia đình rời khỏi Syria. Các hoạt động không kích hạn chế của Nga trong những ngày trước khi Damascus thất bại cũng nhằm mục tiêu duy nhất này. Trong khi đó, nhóm dân quân Shia thân Iran ở Iraq cũng đã có động thái tiến về miền trung Syria dọc theo đường cao tốc N4 để hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria. Nhưng hiệu quả có được không đáng kể.
Lực lượng vũ trang đối lập Syria đã mở rộng ra nhiều chiến tuyến. Họ đã kiểm soát một khu vực rộng lớn, gần như tăng gấp đôi diện tích mà họ kiểm soát. Nhưng có vẻ, sau khi hoàn thành được mục tiêu lật đổ chính quyền Assad, các lực lượng này chưa có nhiều động lực để tiếp tục mở rộng cuộc chiến ra khắp Syria.
Tính toán của bộ ba Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ
Các hoạt động quân sự chớp nhoáng của liên minh vũ trang đối lập nhằm lật đổ chế độ Assad đã đặt ra những câu hỏi lớn đối với Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ có nên can thiệp hay không, nếu can thiệp, họ sẽ giúp đỡ bên nào và giúp đỡ ở chừng mực nào. Thực tế những diễn biến vừa qua đã cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về các nhóm đối lập, trong khi Nga và Iran có những động thái tương đối hạn chế nhằm ủng hộ lực lượng của Assad. Thoạt nhìn, 3 quốc gia này có vẻ có sự khác biệt trong cách tiếp cận, nhưng lại hội tụ chung tại một điểm, họ không quá mặn mà với sự tồn tại của chính quyền Assad. Cả Nga và Iran đều nắm được tình hình, nhưng họ đã không lựa chọn toàn lực để thay đổi số phận chính quyền Syria của Tổng thống Assad.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù hỗ trợ các nhóm đối lập, nhưng Ankara cũng không ủng hộ việc mở rộng quá mức của các nhóm vũ trang này. Mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là khả năng kiểm soát miền bắc Syria, điều này sẽ không chỉ giúp gia tăng thêm số người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai, mà còn biến nó trở thành một lá bài gây áp lực về phía chính phủ mới của Syria. Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo dựng sẵn một nền tảng cho sự phát triển quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Syria trong tương lai. Đồng thời, việc leo thang cuộc xung đột quân sự ở Syria thành một cuộc xung đột toàn diện giữa nhiều lực lượng không có lợi cho họ. Ankara cũng cần phải duy trì sự cân bằng mong manh của “cơ chế đàm phán hòa bình Astana” do “bộ ba” Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran hình thành về vấn đề Syria. Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không muốn làm xấu đi mối quan hệ với hai đối tác còn lại của họ. Trên thực tế, với việc nối lại cuộc xung đột quân sự ở Syria, đã có một số lượng lớn các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Iran, và các phương tiện truyền thông theo đường lối cứng rắn của Iran cũng đã yêu cầu chính phủ gây áp lực lớn hơn lên Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với Nga, ưu tiên trước mắt của họ không phải là Syria. Với việc can thiệp quân sự vào tình hình Syria từ năm 2015, Nga vốn dĩ đã tạo ra một cơ hội thứ hai cho chính quyền Assad. Giúp chính quyền này vượt qua được tình thế hiểm nghèo trong cuộc chiến chống lại sự mở rộng nhanh chóng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cũng như các nhóm vũ trang đối lập khác. Nhưng sau một thập niên kể từ khi IS bị đánh bại, tình hình Syria vẫn không được cải thiện đáng kể. Sự yếu kém của chính quyền Assad cũng là một trong những yếu tố khiến Nga phải đánh giá lại khả năng can thiệp lần thứ hai của họ. Nga có quá nhiều mối quan tâm trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục giúp một lực lượng không đủ năng lực kiểm soát Syria không phải là một lựa chọn phù hợp. Hơn nữa, mặc dù các lực lượng đối lập đã lật đổ được chính quyền Assad, nhưng điều quan trọng, cấu trúc quyền lực mới vẫn sẽ phụ thuộc vào bộ ba Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga. Cùng với việc cả gia đình ông Assad đã được sắp xếp tị nạn ở Nga, điều đó có nghĩa, Nga vẫn có khả năng kiểm soát tình hình trong tương lai.
Đối với Iran, cũng có phần giống với Nga, mối bận tâm lớn nhất của Iran không phải là Syria, đối thủ chính của Tehran là Israel. Khi cuộc tấn công của các lực lượng đối lập bắt đầu, nhiều nguồn tin lo ngại rằng, nếu Iran để mất Syria, họ có thể để mất thêm cả Lebanon và Iraq. Tuy nhiên, động thái không can thiệp sâu của Iran cho thấy mối lo ngại như vậy đã bị thổi phồng. Iran vẫn giữ lại khả năng đưa các lực lượng vũ trang vào Syria, nhưng không nêu rõ khi nào và điều kiện nào sẽ kích hoạt điều đó. Cuộc đối đầu với Israel vẫn còn ở phía trước, sự xuất hiện của Iran ở Syria có thể tạo ra những bất ngờ cho kẻ thù của Iran trong tương lai. Hơn nữa, Iran vẫn đang tuân thủ cơ chế đàm phán hòa bình cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Một mặt, Iran cần theo dõi các động thái từ hai đối tác còn lại. Mặt khác, việc can dự Syria quá sớm có thể gây ra những đụng độ không cần thiết với các lực lượng ủy nhiệm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Điều đó không có lợi cho Iran trong bối cảnh kẻ thù Israel đang chờ đợi những sơ hở từ phía Iran.
Tương lai Syria: Hỗn loạn trong tầm kiểm soát
Sự sụp đổ của chính quyền Assad đã mở ra một cơ hội quan trọng mà bất cứ thế lực bên ngoài nào cũng muốn tranh thủ gia tăng ảnh hưởng. Ngay sau khi Syria sụp đổ, Mỹ đã ngay lập tức triển khai các hoạt động không kích vào lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Như thường lệ, Mỹ vẫn biện minh cho các hành động của mình là nhằm vào các mục tiêu được cho là tàn dư của lực lượng IS và hoàn toàn không lợi dụng việc chấm dứt quyền lực của ông Assad. Israel cũng đã thực hiện các cuộc tấn công tương tự. Mỹ và các đồng minh đang tìm cách can thiệp vào tình hình Syria.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay, các nhóm vũ trang đang chiếm ưu thế ở Syria đều được coi là các lực lượng ủy nhiệm của bộ ba Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga. Khả năng Mỹ có được khả năng kiểm soát Syria không lớn, nếu không muốn nói là không thể. Tuy nhiên, mặc dù đã có thỏa thuận hợp tác, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn có một lịch sử lâu dài cạnh tranh chiến lược với nhau ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng. Các nhóm vũ trang bên trong Syria với các mục tiêu khác nhau sẽ tiếp tục duy trì tình trạng đối đầu lẫn nhau, khiến tình hình quốc gia này duy trì tình trạng hỗn loạn, nhưng bố cục quyền lực tổng thể sẽ không có nhiều thay đổi. Chừng nào, cơ chế hợp tác an ninh giữa bộ ba Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran còn tồn tại, các lực lượng ủy nhiệm của họ vẫn sẽ kiểm soát phần lớn Syria, ngăn chặn khả năng mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại quốc gia này.
Sau khi ông Assad từ chức và rời khỏi Syria, động lực xung đột ở Syria sẽ giảm. Giai đoạn đàm phán chính trị giữa các nhóm vũ trang cũng sẽ được mở ra. Vai trò trung gian hòa giải sẽ trở thành công cụ cho các nước lớn gia tăng ảnh hưởng ở quốc gia này. Đối với khu vực, sự xáo trộn ở Syria mặc dù sẽ làm gián đoạn quá trình đoàn kết thế giới Arab, nhưng tác động của nó là không đủ để phá vỡ cấu trúc xung đột ở Trung Đông. Các cuộc xung đột liên quan tới Israel vẫn sẽ là tâm điểm ở khu vực trong năm 2025 và những năm tiếp theo./.
Bài viết được tổng hợp từ các quan điểm của tác giả Wang Jin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Israel tại Đại học Northwestern, cùng những quan điểm, phân tích bổ sung của Hoàng Hải.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của hai tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]