Chiến sự Nga – Ukraine đã gây ra mối lo ngại cho thế giới về một cuộc chiến khác sẽ nổ ra giữa Đài Loan và Trung Quốc. Đài Loan là một nút thắt quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, bất chấp các hành động thù địch của Trung Quốc đang phá hoại thị trường hàng hóa quốc tế. Điều này có nghĩa là cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ gây hậu quả với nền kinh tế toàn cầu – hoạt động chủ yếu dựa vào vào chất bán dẫn do Đài Loan sản xuất.
Những sự kiện nào đã dẫn đến sự thống trị của Đài Loan trên thị trường bán dẫn toàn cầu và tại sao điều đó lại đang đe dọa đến an ninh?
Vai trò của Đài Loan trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu
Từ những năm 1980, Đài Loan hướng đến vị trí thống lĩnh trong ngành sản xuất bán dẫn quốc tế. Khi đó, các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới như Intel và Texas Instruments sở hữu các cơ sở tự sản xuất và xử lý chip của riêng mình. Tuy nhiên, khi con chip ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp thì chi phí để sản xuất nó cũng tăng lên.
Năm 1987, Morris Chang đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Đây là “nhà sản xuất theo hợp đồng” đầu tiên trên thế giới, họ tập trung vào sản xuất chip thay vì thiết kế chip. Vì thế, các công ty kỹ thuật bán dẫn có thể dựa vào TSMC để sản xuất con chip do họ thiết kế. Mô hình kinh doanh trên đã thành công vang dội, góp phần tạo ra một “mô hình lý tưởng” ở Hoa Kỳ. Theo mô hình này, các công ty đầu tư nhiều vào nghiên cứu và thiết kế chip cũng như cấp phép sản xuất cho những nhà sản xuất chip như TSMC. Chính xu hướng này làm giảm thiểu năng lực sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ, giảm từ khoảng 40% thị phần toàn cầu (1999) xuống còn khoảng 12% (2020).
Đài Loan và TSMC đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Cụ thể, TSMC chiếm 54% doanh thu từ xưởng đúc toàn cầu vào năm 2020. Trong khi đó, công ty Global Foundries (Hoa Kỳ) chiếm 7%. 90% chip của một số ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như Apple, Amazon, Google, Nvidia và Qualcom đều dựa vào nhà sản xuất có trụ sở tại Đài Loan. Thành công của Đài Loan tạo động lực cho việc thành lập các công ty tương tự ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chiếm khoảng 80% năng lực sản xuất toàn cầu. Trong đó, Đài Loan dẫn đầu về chất lượng trong thị trường đúc vì TSMC cùng với Samsung có thể sản xuất loại chip bán dẫn tiên tiến nhất (5 nanomet).
Căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan và mối đe dọa tấn công từ Trung Quốc
Trong khi sự thống trị của Đài Loan trong lĩnh vực chất bán dẫn ngày càng tăng thì sự căng thẳng với Trung Quốc đại lục cũng không ngừng gia tăng, đặc biệt từ cuộc bầu cử lãnh đạo Thái Anh Văn (2016). Bà Thái có lập trường cứng rắn trước tham vọng của Trung Quốc, lãnh đạo này nhấn mạnh rằng Đài Loan không bao giờ chấp nhận việc thống nhất, đồng thời quyết tâm duy trì nền dân chủ cho Đài Loan. Bà cho rằng “điều cơ bản để giữ vững nền dân chủ cho Đài Loan, đó là niềm tin vào tương lai Đài Loan do người Đài Loan quyết định”.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn thống nhất Đài Loan và xem đây là sự kiện quan trọng trong “phục hưng” quốc gia, Trong bài phát biểu đầu năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Đài Loan “phải và sẽ” thống nhất với đại lục, đồng thời cảnh báo việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan sẽ không nằm ngoài dự tính.
Việc thống nhất bằng biện pháp quân sự (武 统) (wu tong) có vẻ khả thi khi Trung Quốc liên tiếp tăng cường tập trận quân sự gần eo biển Đài Loan. Vào năm 2021, Trung Quốc thực hiện xuất kích 950 lần vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Vào ngày 18 tháng 3, trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Biden điện đàm với Chủ tịch Tập về vấn đề Nga – Ukraine. hải quân Trung Quốc đã đưa tàu sân bay đến Sơn Đông và biểu dương lực lượng khi đi qua eo biển Đài Loan. Khi chiến sự ở Ukraine kéo dài, các cuộc tranh luận xoay quanh những bài học mà giới lãnh đạo Trung Quốc rút ra từ cuộc xung đột và việc cân nhắc biện pháp quân sự trong vấn đề Đài Loan cũng trở nên thu hút.
Một số người tin rằng sự thống trị của Đài Loan trong ngành công nghiệp bán dẫn cung cấp cho họ “lá chắn silicon” hữu hiệu. Một lý thuyết cho rằng nếu Trung Quốc thực hiện biện pháp quân sự thì các quốc gia khác sẽ có xu hướng hỗ trợ quân sự, kinh tế, ngoại giao cho Đài Loan nhằm giảm bớt sự phụ thuộc toàn cầu vào hòn đảo này. Trung Quốc đã cố gắng ngăn sự phụ thuộc của mình vào chip của nước ngoài bằng cách nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nỗ lực này của đại lục đã vấp phải những trở ngại đáng kể.
Châu Âu, Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến khả năng xảy ra hoạt động quân sự. Vì thế, họ đã nỗ lực tạo cơ hội cho thị trường phương Tây bằng con đường pháp lý. Với châu Âu, Ủy ban châu Âu đã soạn thảo luật huy động hơn 43 tỷ Euro, bao gồm cả công quỹ và các quỹ tư nhân, nhằm gia tăng gấp đôi thị phần của mình trên thị trường sản xuất chất bán dẫn toàn cầu vào năm 2030. Còn tại Hoa Kỳ, các nhà lập pháp tiếp tục tranh luận về Đạo luật CHIPS và Đạo luật FABS nhằm đưa ra giải pháp ưu đãi và sử dụng biện pháp thuế để khuyến khích ngành công nghiệp sản xuất chip “nội địa”. Tuy nhiên, báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston cho thấy rằng việc tập trung hóa chuỗi cung ứng chip là mục tiêu tầm thường vì yêu cầu nguồn đầu tư lớn và giá tăng cao cho người dùng cuối.
Hậu quả gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột
Trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine, một số công ty Ukraine đã cung cấp 90% khí neon tinh khiết được sử dụng cho ngành công nghiệp chip của Mỹ. Khi cuộc chiến bắt đầu, các nhà sản xuất chip phải cạnh tranh lẫn nhau để có được nguồn nguyên liệu thay thế. Tuy nhiên, các ông lớn trong ngành sản xuất chất bán dẫn đã chuẩn bị đa dạng hóa nguồn cung. Mặc dù các quốc gia nỗ lực tăng khả năng tự cung cấp chip, nhưng không thể tách nền kinh tế toàn cầu khỏi hậu quả của cuộc chiến ở eo biển Đài Loan.
Mặc dù Mỹ duy trì mức độ tự chủ nhất định về chất bán dẫn sử dụng trong công nghệ quốc phòng; nhưng nhiều hệ thống phòng thủ của Mỹ như hệ thống phòng thủ tên lửa, radar và các máy bay chiến đấu tiên tiến vẫn dựa vào chip thương mại có nguồn gốc từ Đài Loan. Sự gián đoạn sản xuất chip của Đài Loan do xung đột với Trung Quốc có thể làm gián đoạn năng lực ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đồng thời làm suy yếu an ninh quốc gia và năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang.
Những lo ngại về hậu quả của việc gián đoạn chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong lĩnh vực công nghệ – quân sự có thể còn không là gì so với những tác động đốivới nền kinh tế toàn cầu. Iphone mới của Apple sở hữu con chip do TSMC sản xuất, còn trong ô tô hiện đại có khoảng 1000 – 3500 chất bán dẫn được sử dụng, đa số được sản xuất tại Đài Loan. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống 5G và Internet of Things (IoT) cũng dựa vào bộ vi xử lý tiên tiến do một số công ty có năng lực như TSMC sản xuất. Đây chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu cho những ngành sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự gián đoạn sản xuất chip của Đài Loan.
Bên cạnh những biến động địa chính trị và khủng hoảng nhân đạo sẽ xảy ra sau cuộc tấn công Đài Loan của Trung Quốc, chúng ta cũng không lường trước được mức độ tàn phá nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ và đồng minh đang tìm cách bảo vệ nền kinh tế của họ thoát khỏi các tác động của cuộc xung đột này. Ngoài ra, các quốc gia cũng cần hợp tác thảo luận về khả năng phục hồi trong môi trường an ninh quốc tế nhiều biến động hiện nay.
Tác giả: Gregory Arcuri & Samantha Lu
Biên dịch: Tuệ Lam
Về tác giả:
Gregory Arcuri là thực tập sinh nghiên cứu Dự án Đổi mới Sáng tạo của Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington.
Samantha Lu là thực tập sinh nghiên cứu của Dự án Điện lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, DC.