Năm 2014, Narendra Modi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ và đề xuất chính sách “Hành động Hướng Đông”, thúc đẩy Ấn Độ tham gia tích cực hơn vào khu vực Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, khi mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ “lúc ấm lúc lạnh” và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tiếp tục được hiện thực hóa, Mỹ cũng xem Ấn Độ là quốc gia trụ cột trong chiến lược này, New Delhi đã dần chấp nhận và tích cực hưởng ứng khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Ấn Độ coi ý đồ kiềm chế Trung Quốc mà Mỹ đặt vào chiến lược này là yếu tố chiến lược quan trọng của cả hai bên. Chính phủ Modi đã định hình lại và điều chỉnh chính sách Đông Nam Á của mình dưới khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, chủ yếu thể hiện ở việc Ấn Độ xem xét môi trường chiến lược của mình từ góc độ địa chính trị hàng hải, coi Đông Nam Á là một vòng ngoài quan trọng. Nhấn mạnh sự tương đồng về lợi ích với khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực hàng hải, nâng cao quan hệ chiến lược hàng hải với ASEAN. Lấy “Kinh tế xanh” làm trọng điểm phát triển quan hệ kinh tế Ấn Độ - ASEAN và tập trung vào hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực quân sự hàng hải với khu vực Đông Nam Á. Khi thủ tướng Modi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba và sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đã được cải thiện, người ta dự đoán Ấn Độ sẽ tiếp tục tận dụng sự chú trọng của Mỹ vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để có cách tiếp cận chủ động hơn trong chính sách Đông Nam Á. Tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong chiến lược đối ngoại của Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng. Do các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự tham gia của Ấn Độ vào các vấn đề của khu vực, vậy nên tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đối với tình hình khu vực này không thể xem nhẹ.
Xu hướng mới trong chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ
Chỉ vài tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, chính phủ Modi đã giới thiệu “Sáng kiến Hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tập trung mô tả tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của New Delhi với trọng tâm là lĩnh vực hàng hải, khẳng định vị thế của mình là một quốc gia Ấn Độ Dương, xác nhận vai trò quan trọng của ASEAN. Qua đó, Ấn Độ không chỉ tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự hiện có với khu vực Đông Nam Á mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực hàng hải, nỗ lực mở rộng toàn diện tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại khu vực này.
Lấy “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” làm cầu nối, đưa nội dung mới vào quan hệ chiến lược Ấn Độ – ASEAN
Trong chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ, việc phát triển tốt mối quan hệ với ASEAN luôn giữ vị trí trọng tâm. Vào đầu những năm 1990 của thế kỷ 20, khi chính sách “Hướng Đông” được triển khai, Ấn Độ đã coi việc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN là một mục tiêu quan trọng, liên tục mở rộng mối liên kết với khu vực Đông Nam Á. Với sự gia tăng sức nóng của khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” trong những năm gần đây, Ấn Độ đã chủ động đưa các nội dung liên quan đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào mối quan hệ song phương.
Đầu tiên, Ấn Độ nhấn mạnh vị trí trung tâm của ASEAN trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mìn. Tích cực tìm kiếm những điểm chung giữa hai bên để củng cố nền tảng hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tháng 6 năm 2019, ASEAN đã công bố “Triển vọng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ASEAN” (ASEAN Outlook on the Indo-Pacific, AOIP), chính thức đưa ra tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ASEAN. Vào tháng 11 cùng năm, Ấn Độ cho ra “Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và bắt đầu tập trung khai thác những điểm tương đồng giữa tầm nhìn của mình và AOIP.
Năm 2020, hai bên đã công bố Kế hoạch Hành động đối tác 2021-2025 (Plan of Action, POA), là kế hoạch thứ ba và mới nhất, lấy AOIP làm tài liệu hướng dẫn cho việc thúc đẩy hợp tác ASEAN – Ấn Độ. Đặc biệt chú trọng tăng cường phối hợp và trao đổi trong bốn lĩnh vực chính: hợp tác hàng hải, kết nối, Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc (UN Sustainable Development Goals 2030), và các lĩnh vực kinh tế khác có tiềm năng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ lần thứ 18 tổ chức vào tháng 10 năm 2021, hai bên đã công bố “Tuyên bố chung ASEAN – Ấn Độ về Hợp tác trên cơ sở Triển vọng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ASEAN vì Hòa bình, Ổn định và Thịnh vượng trong Khu vực” (ASEAN-India Joint Statement on Cooperation on the ASEAN Outlook on the Indo-Pacific for Peace, Stability, and Prosperity in the Region), tái khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc của AOIP, đặc biệt chỉ ra rằng AOIP và “Sáng kiến Hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” chia sẻ những nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác.
Thứ hai, Ấn Độ nâng cao toàn diện mối quan hệ hợp tác chiến lược với ASEAN trong lĩnh vực hàng hải, phù hợp với chiến lược đối ngoại chuyển hướng trọng tâm sang lĩnh vực hàng hải của Ấn Độ dưới khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác đối thoại, Ấn Độ và ASEAN đã nâng cấp quan hệ chiến lược lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, tập trung vào lĩnh vực hàng hải và đẩy mạnh hợp tác theo chiều sâu.
Một mặt, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ lần thứ 20 diễn ra vào tháng 9 năm 2023, ASEAN và Ấn Độ đã công bố “Tuyên bố chung ASEAN – Ấn Độ về Hợp tác Hàng hải” (ASEAN-India Joint Statement on Maritime Cooperation), nêu rõ những vấn đề hàng hải mà khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện đang đối mặt và khẳng định “Kinh tế Xanh” (Blue Economy) là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện, bền vững trong khu vực. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ASEAN và Ấn Độ tăng cường hợp tác hàng hải thông qua các cơ chế do ASEAN lãnh đạo nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Văn kiện này đã liệt kê các lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa Ấn Độ và ASEAN trong tương lai, bao gồm các vấn đề an ninh như chống buôn người, buôn lậu vũ khí và ma túy, cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu thuyền, khủng bố, cũng như các lĩnh vực khác như quản lý đánh bắt cá trái phép, ô nhiễm biển v.v..
Mặt khác, Ấn Độ hiểu rõ ASEAN sẽ ưu tiên chủ nghĩa đa phương. Do đó ngoài Sáng kiến Hợp tác Kinh tế Kỹ thuật Đa ngành Vùng Vịnh Bengal do Ấn Độ chủ trì, nước này còn tìm kiếm thêm sự tham gia ở cấp độ khu vực nhỏ hơn. Ví dụ, Ấn Độ đã đưa các cơ chế đa phương khu vực nhỏ trong phạm vi Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Hiệp hội Hợp tác Khu vực Vành đai Ấn Độ Dương, khu vực tăng trưởng tam giác Indonesia-Malaysia-Thái Lan, khu vực tăng trưởng tam giác Singapore-Johor-Riau và Brunei-Indonesia-Malaysia, Khu vực tăng trưởng phía Đông ASEAN của Philippines vào kế hoạch hợp tác và phát triển chung, nhằm hướng tới sự phát triển đồng bộ trong tương lai.
Lấy “Kinh tế Xanh” làm trọng tâm mới để làm sâu sắc quan hệ kinh tế Ấn Độ – ASEAN
Trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, được triển khai ngay sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, lĩnh vực kinh tế đã là bước đột phá và lấy làm trọng tâm. Vào năm 2010, Khu vực Tự do Thương mại ASEAN – Ấn Độ chính thức được thành lập. Hiện tại, Ấn Độ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của ASEAN. Đến năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 113,07 tỷ USD, so với tổng kim ngạch thương mại chỉ 5,93 tỷ USD vào giai đoạn 1998-1999, cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, tổng kim ngạch thương mại 113,07 tỷ USD chỉ chiếm 2,94% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN trong năm đó, cho thấy quan hệ thương mại giữa hai bên vẫn còn nhiều không gian phát triển.
Sự phát triển của Khu vực Tự do Thương mại ASEAN – Ấn Độ cũng chưa đạt được kỳ vọng, với sự gia tăng đáng kể trong thâm hụt thương mại hàng hóa của Ấn Độ với ASEAN. Vì lý do này, hai bên đã tiến hành rà soát hiệp định tự do thương mại vào năm 2019. Điều này liên quan chặt chẽ đến mức độ quốc hữu hóa kinh tế của Ấn Độ còn thấp và chính sách thương mại đối ngoại bảo thủ của nước này. Mặc dù Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, nhưng tỉ trọng thương mại quốc tế của nước này thường chỉ đứng ở vị trí thứ 13 đến 15, không tương xứng với quy mô kinh tế của nước này. Vào năm 2019, Ấn Độ đã rút khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), càng hạn chế hơn nữa sự hiện diện kinh tế của nước này tại khu vực Đông Nam Á.
Cùng với việc Ấn Độ chấp nhận khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và điều chỉnh chính sách đối ngoại theo quan điểm địa chính trị hàng hải. Việc đối mặt với “điểm yếu kinh tế” trong quan hệ với ASEAN, Ấn Độ đã bắt đầu tập trung vào “Kinh tế Xanh” để cải thiện tình trạng khó khăn trong việc đạt được bước đột phá trong lĩnh vực thương mại và kinh tế.
Tháng 2 năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã công bố “Tầm nhìn Ấn Độ Mới đến năm 2030” (The Government of India’s Vision of New India by 2030), trong đó “Kinh tế Xanh” được coi là một trong mười trọng tâm chính kích thích tăng trưởng kinh tế quốc gia và đứng ở vị trí thứ sáu. Vào tháng 9 năm 2020, tài liệu “Kinh tế Xanh của Ấn Độ: Dự thảo Khung Chính sách” (India’s Blue Economy: A Draft Policy Framework) đã được công bố. Tài liệu này mô tả chi tiết tầm nhìn về “Kinh tế Xanh” của New Delhi, định nghĩa rằng “Kinh tế Xanh” là “một phần của nền kinh tế quốc gia,” bao gồm “toàn bộ hệ thống tài nguyên biển, cơ sở hạ tầng kinh tế hàng hải nhân tạo và các khu vực biển và bờ biển trong quyền tài phán của Ấn Độ, góp phần vào sản xuất hàng hóa, dịch vụ và có mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế bền vững, môi trường và an ninh quốc gia.” Tài liệu cũng đề xuất rằng “Kinh tế Xanh” của Ấn Độ nên dựa trên “trục Seychelles – Singapore – Samoa” từ bờ biển phía đông châu Phi đến Tây Thái Bình Dương.
Tháng 10 năm 2021, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, ASEAN đã thông qua “Tuyên bố của Các Nhà Lãnh Đạo ASEAN về Kinh tế Xanh” (ASEAN Leaders’ Declaration on the Blue Economy). Tuyên bố nhấn mạnh rằng ASEAN cần đạt được sự đồng thuận về “Kinh tế Xanh” và xác định rõ phạm vi hợp tác và hoạt động mà “Kinh tế Xanh” bao phủ, nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên cũng như với các đối tác bên ngoài khu vực.
Tháng 12 năm 2022, ASEAN và Ấn Độ đã tổ chức “Hội thảo ASEAN – Ấn Độ về Kinh tế Xanh” (ASEAN-India Workshop on Blue Economy), vốn bị gián đoạn suốt 3 năm do đại dịch COVID-19. Hội thảo đã trao đổi về việc sử dụng bền vững tài nguyên biển, giải quyết vấn đề rác thải biển, phát triển du lịch biển và ven biển, xây dựng kết nối hàng hải bền vững.
Tháng 9 năm 2023, ASEAN đã công bố “Khung Kinh tế Xanh của ASEAN” (ASEAN Blue Economy Framework), giải thích về tầm nhìn, mục tiêu, nguyên tắc và các lĩnh vực cụ thể của “Kinh tế Xanh” ASEAN. Điều này thực sự đã cung cấp một lộ trình tương đối rõ ràng cho việc hợp tác cụ thể và sâu rộng hơn giữa Ấn Độ và ASEAN trong lĩnh vực “Kinh tế Xanh.” Chỉ hai ngày sau khi công bố “Khung Kinh tế Xanh của ASEAN”, hai bên đã cùng phát hành “Tuyên bố chung ASEAN – Ấn Độ về Hợp tác Hàng hải” (ASEAN-India Joint Statement on Maritime Cooperation), chi tiết hóa các lĩnh vực hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ trong lĩnh vực “Kinh tế Xanh”, thể hiện sự sẵn sàng của hai bên trong việc tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực hàng hải.
Tập trung vào hợp tác quân sự trên biển để củng cố mối quan hệ quân sự giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á
Sự tương tác quân sự giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu từ thời kỳ chính sách “Hướng Đông”. Kể từ khi chính phủ Modi lên nắm quyền vào năm 2014, tầm quan trọng của việc tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực quân sự đã không ngừng gia tăng trong chiến lược đối ngoại tổng thể của Ấn Độ. Ấn Độ tích cực đáp ứng chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ, đồng thuận với tư duy chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Dưới danh nghĩa duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “mở, tự do và toàn diện”, Ấn Độ đã tăng cường đáng kể năng lực trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Vào năm 2022, ngân sách của Hải quân Ấn Độ dành cho việc mua sắm các nền tảng và thiết bị quân sự mới đã tăng 45%. Trong ngân sách quốc phòng năm 2023, hải quân cũng là lĩnh vực có mức tăng lớn nhất. Xu hướng này rõ ràng cho thấy trong chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ, việc thúc đẩy hợp tác và trao đổi quân sự trong lĩnh vực hàng hải đã trở thành một biện pháp quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á.
Một mặt, trên cấp độ đa phương, Ấn Độ tích cực triển khai các dự án diễn tập quân sự hàng hải mới tại khu vực Đông Nam Á, nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển của Ấn Độ tại khu vực này. Vào tháng 9 năm 2019, Ấn Độ cùng với Singapore và Thái Lan đã tổ chức cuộc diễn tập hải quân ba bên (SITMEX). Đây là cuộc diễn tập hải quân ba bên đầu tiên do hải quân Ấn Độ chủ trì, diễn ra tại cảng Blair (Port Blair) của Ấn Độ. Cuộc diễn tập năm 2020 do Hải quân Singapore chủ trì, và năm 2021 do Hải quân Hoàng gia Thái Lan chủ trì. Cả hai cuộc diễn tập này đều diễn ra tại vùng biển Andaman. Tháng 5 năm 2023, Ấn Độ cùng với Singapore đã đồng chủ trì cuộc diễn tập hải quân đầu tiên giữa ASEAN và Ấn Độ (ASEAN-India Maritime Exercise, AIME). Diễn tập được chia thành hai giai đoạn: cảng và trên biển, với sự tham gia của 9 tàu chiến đến từ Ấn Độ, Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, cùng với 6 máy bay từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines, và hơn 1800 nhân sự tham gia.
Mặt khác, ở cấp độ song phương, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác quân sự hàng hải với các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Indonesia và Brunei. Hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Việt Nam nổi bật cả về quy mô và tần suất. Hai nước duy trì hợp tác chặt chẽ thông qua các cơ chế đối thoại quốc phòng, huấn luyện và diễn tập. Trong đó, hợp tác quân sự hàng hải là một phần quan trọng trong mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ – Việt Nam, với các hình thức hợp tác bao gồm cả cơ chế đối thoại quốc phòng thông thường, diễn tập chung trên biển, các cuộc thăm viếng tàu chiến lẫn nhau, cũng như hỗ trợ quân sự thông qua dự án “Hạn mức Tín dụng Quốc phòng” (Defense Line of Credit, LoC) của Ấn Độ. Tháng 3 năm 2019, “Đối thoại An ninh Hàng hải Ấn Độ-Việt Nam” lần thứ nhất đã được tổ chức. Tháng 5 năm 2023, hai bên đã tiến hành cuộc đối thoại lần thứ ba, nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa hải quân và lực lượng tuần duyên của hai nước. Tháng 8 năm 2021, Ấn Độ và Việt Nam đã tiến hành diễn tập hải quân song phương tại khu vực Biển Đông. Năm sau, Việt Nam cử hai tàu tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia “Milan” do Ấn Độ khởi xướng.
Vào tháng 11 năm 2022, hai tàu chiến của Ấn Độ — INS Shivalik và INS Kamorta — đã thăm thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Tháng 5 năm 2023, INS Delhi và INS Satpura đã thăm Đà Nẵng, Việt Nam. Vào tháng 12 năm 2020, Ấn Độ đã khởi động dự án đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng Việt Nam thông qua dự án “Hạn mức Tín dụng Quốc phòng” trị giá 100 triệu USD. Ngoài các tàu tuần tra được giao trực tiếp và đóng tại Ấn Độ, 7 chiếc còn lại được đóng tại Việt Nam. Dự án này đã hoàn thành vào năm 2022, cung cấp tổng cộng 12 tàu tuần tra cho Việt Nam. Vào tháng 6 năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã tổ chức hội đàm cấp bộ trưởng, trong đó Singh đã thông báo rằng Ấn Độ sẽ tặng Việt Nam một tàu khu trục tên lửa lớp Kukri (INS Kirpan). Đây được coi như một “cột mốc quan trọng trong việc nâng cao năng lực của lực lượng Hải quân Việt Nam.”
Vào năm 2019, Ấn Độ và Philippines đã tổ chức cuộc diễn tập hải quân bốn bên ở Biển Đông cùng với Mỹ và Nhật Bản. Tháng 8 năm 2021, hai nước đã tiến hành diễn tập hải quân song phương tại khu vực Biển Đông. Tháng 1 năm 2022, Philippines và Ấn Độ đã ký hợp đồng mua tên lửa BrahMos trị giá 375 triệu USD, đánh dấu đơn đặt hàng xuất khẩu đầu tiên của tên lửa BrahMos từ Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lúc bấy giờ, Delfin Lorenzana nhận định rằng tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới này có thể nâng cao khả năng răn đe trên biển của Philippines. Đến tháng 4 năm 2024, lô hàng tên lửa BrahMos đầu tiên đã được giao cho Philippines.
Vào năm 2018, Ấn Độ và Indonesia đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” và tổ chức cuộc diễn tập hải quân song phương đầu tiên mang tên “Samudra Shakti”. Tính đến năm 2023, cuộc diễn tập này đã được tổ chức bốn lần, với lần diễn tập thứ tư diễn ra ở Biển Đông vào tháng 5 năm 2023. Vào tháng 2 năm 2023, tàu ngầm INS Sindhukesari của Ấn Độ đã cập cảng Jakarta-Indonesia. Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm của Ấn Độ ghé thăm Indonesia. Sự kiện này được coi là có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Tàu ngầm có thể nâng cao khả năng kiểm soát biển và triển khai sức mạnh trên biển, đồng thời là một phần trong xây dựng hệ thống ngăn chặn trên biển. Việc cho phép tàu ngầm Ấn Độ thăm cảng Indonesia cho thấy Indonesia đã dần nới lỏng cảnh giác đối với sự triển khai lực lượng hải quân của Ấn Độ ở Tây Thái Bình Dương. Phản ánh sự tin tưởng ngày càng tăng giữa hai nước và rõ ràng thể hiện ý định của cả hai bên trong việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng đã tăng cường quan hệ ngoại giao quân sự với Brunei, tập trung vào trao đổi và hợp tác quân sự trên biển. Trong tháng 1 năm 2021, hai nước đã ký gia hạn bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng trong 5 năm, đặt nền tảng để hai bên tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng hiện có và khai thác các dự án hợp tác mới. Hiện tại, các hình thức hợp tác quân sự chính giữa hai nước bao gồm: trao đổi và đào tạo sĩ quan định kỳ, thăm tàu hải quân và tàu tuần tra của hai bên, huấn luyện và diễn tập chung, cũng như tham gia triển lãm quốc phòng do hai nước tổ chức. Tháng 8 năm 2021, các tàu hộ vệ INS Shivalik và INS Kadmatt của Ấn Độ đã thăm cảng Muara ở Brunei, và hải quân của hai bên đã tiến hành một cuộc diễn tập quá cảnh (Passage Exercise).
Triển vọng về chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ
Kể từ khi Chính phủ Modi bước vào nhiệm kỳ thứ hai, Ấn Độ đã thể hiện sự đồng thuận cao đối với khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Trên cơ sở chấp nhận vai trò của mình như một quốc gia quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ấn Độ đã tận dụng sự phát triển của “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” để triển khai một nền ngoại giao đa lĩnh vực, đa chiều tích cực trong khu vực này. Đồng thời ngày càng chú trọng đến Đông Nam Á, đặc biệt là tăng cường hợp tác với ASEAN và các quốc gia Đông Nam Á trong lĩnh vực hàng hải. Điều này phản ánh thái độ tích cực của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại khu vực. Nó không chỉ bắt nguồn từ giá trị chiến lược địa chính trị không thể tranh cãi của khu vực Đông Nam Á đối với Ấn Độ, mà còn là một lĩnh vực quan trọng trong việc theo đuổi vị thế cường quốc của Ấn Độ, đồng thời thể hiện sự phòng ngừa của New Delhi đối với Trung Quốc. Trong những năm gần đây, quan hệ Trung – Ấn đã hạ nhiệt rõ rệt. Ấn Độ tự coi mình là “nhà cung cấp an ninh thuần túy” cho Ấn Độ Dương, và dưới danh nghĩa “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã củng cố sự hiện diện của mình tại khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ khẳng định tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các công ước quốc tế khác về biển. Tập trung tương tác quân sự với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong lĩnh vực an ninh hàng hải, nhiều lần tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông. Họ cũng công khai ủng hộ tính “hợp pháp” của phán quyết trọng tài Biển Đông năm 2016 do Philippines đệ trình vào tháng 6 năm 2023. Điều này thể hiện sự chỉ trích rõ ràng đối với Trung Quốc.
Trong thời gian tới, chính sách của Ấn Độ đối với Đông Nam Á sẽ kết hợp việc theo đuổi vị thế cường quốc thực dụng hơn dưới tầm nhìn chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong khi duy trì sự tự chủ chiến lược của mình, Ấn Độ sẽ tăng cường phối hợp với các nước phương Tây và tham gia vào nhiều hoạt động cạnh tranh với Trung Quốc, nhấn mạnh mục tiêu kiềm chế Trung Quốc. Điều này thể hiện trong các xu hướng phát triển đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, sự tham gia của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á sẽ thể hiện một tư thế ngày càng chủ động hơn. Điều này được giải thích bởi hai lý do chính:
1. Thay đổi trong cơ cấu chính trị nội bộ Ấn Độ: Từ sau đại dịch COVID-19, Đảng Bharatiya Janata (BJP) đã củng cố được ảnh hưởng của mình trong chính trị nội bộ Ấn Độ và chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024. Chính phủ do Modi lãnh đạo đã tái đắc cử lần thứ ba. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục các cải cách trong lĩnh vực đối ngoại, đồng thời mở đường cho những bước đi chủ động hơn. Trong những năm cuối thập kỷ 90, chính sách “Hướng Đông” của BJP đã thể hiện rõ sự chủ động trong các vấn đề quốc tế. Chẳng hạn như việc thử nghiệm hạt nhân vào năm 1998 để thể hiện tham vọng của một cường quốc và tích cực hơn trong lĩnh vực ngoại giao khu vực cùng thời kỳ. Do đó, với việc đảng BJP tiếp tục duy trì ưu thế trong chính trị nội bộ, việc Ấn Độ tham gia tích cực và chủ động hơn vào Đông Nam Á là điều tất yếu.
2. Tăng cường hợp tác an ninh hàng hải: Chính sách Đông Nam Á của chính phủ Modi trong nhiệm kỳ thứ hai đã thể hiện rõ sự chú trọng đến lĩnh vực an ninh hàng hải, đặc biệt là việc tăng cường hợp tác với ASEAN và một số quốc gia Đông Nam Á trong lĩnh vực ngoại giao quân sự truyền thống. Các hoạt động hợp tác trong việc xây dựng năng lực quân sự trên biển với các quốc gia Đông Nam Á đã được công nhận. Ví dụ, ngoài việc bán thành công tên lửa BrahMos cho Philippines, Việt Nam và Indonesia cũng đã tích cực thảo luận với Ấn Độ về việc mua tên lửa BrahMos. Sự gia tăng tầm quan trọng của các vấn đề quân sự trong chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ cho thấy Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng lòng tin chính trị sâu sắc hơn với ASEAN và các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời thắt chặt liên kết với khu vực và mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực lân cận. Những thành công trong lĩnh vực ngoại giao quân sự cũng sẽ tăng cường sự tự tin của Ấn Độ trong việc tham gia vào các hoạt động quân sự tại Đông Nam Á, thúc đẩy chính phủ Modi tham gia tích cực hơn vào việc định hình trật tự an ninh khu vực trong nhiệm kỳ thứ ba.
Thứ hai, Ấn Độ đã tận dụng chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Mỹ để mở rộng sự tham gia của mình tại khu vực Đông Nam Á. Chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Washington đã được cụ thể hóa dần dần từ chính quyền Trump đến chính quyền Biden. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò cốt lõi của cơ chế Bộ tứ “QUAD” và làm nổi bật vai trò trụ cột của Ấn Độ. Với tuyên bố rõ ràng rằng: “Việc phát triển mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ không chỉ là cần thiết mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”
Thông qua việc tham gia tích cực vào các cơ chế khu vực do Mỹ dẫn dắt, đặc biệt là cơ chế “QUAD”, Ấn Độ đã tăng cường sự phối hợp chính sách với Mỹ cũng như Nhật Bản, Australia và các quốc gia khác. Đồng thời cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực ngoài an ninh như biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng năng lượng sạch, kết nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật số…
Hơn nữa, cơ chế Bộ tứ “QUAD” đã bắt đầu mở rộng ra ngoài bốn quốc gia thành viên chính. Như trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên của “QUAD Plus” vào tháng 3 năm 2020, đã mời đại diện từ Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam tham gia, trong khi Việt Nam đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN. Vào tháng 2 năm 2022, cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao “Đối thoại An ninh Bốn bên” đã nhất trí mở rộng cơ chế này, bao gồm các quốc gia đối tác và thảo luận về cách hợp tác tốt hơn với các tổ chức đa phương khác, chẳng hạn như ASEAN. Vì vậy, trong tương lai, các đối tượng hợp tác của cơ chế “QUAD” có thể bao gồm ASEAN và các quốc gia Đông Nam Á.
Do Ấn Độ còn hạn chế thực lực, việc hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực nêu trên và với khu vực Đông Nam Á còn gặp khó khăn nhưng nhờ nền tảng mà cơ chế “QUAD” cung cấp, Ấn Độ có thể tham gia như một lực lượng chính. Hiện tại, cơ chế “Đối thoại An ninh Bốn bên” đã bao phủ nhiều lĩnh vực từ an ninh đến khí hậu, năng lượng, kinh tế kỹ thuật số, y tế công cộng. Nhờ vào sự thúc đẩy của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ, Ấn Độ có thể đạt được sự tham gia rộng rãi hơn tại khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba, Ấn Độ sẽ tận dụng chương trình nghị sự “Nam toàn cầu” để triển khai hợp tác đa dạng hơn với khu vực Đông Nam Á. Sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022, sự quan tâm của Ấn Độ đối với “Nam toàn cầu” đã được tái khởi động. Chính phủ Modi không chỉ tái thiết lập liên hệ với Phong trào Không Liên kết, mà còn tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng tiếp xúc với các quốc gia trong “Nam toàn cầu” rộng lớn hơn. Vào tháng 1 năm 2023, chính phủ Modi đã mời hơn 120 quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói của Nam toàn cầu “ (Voice of Global South Summit), trong đó có các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Philippines và Timor-Leste. Chỉ sau 10 tháng, chính phủ Modi đã tổ chức Hội nghị “Tiếng nói của Nam toàn cầu” lần thứ hai, tập trung thảo luận với hơn 100 quốc gia đang phát triển về các vấn đề như sử dụng tài nguyên hiệu quả, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, khí hậu và nợ của các nước đang phát triển.
Chính phủ Modi đang tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao theo chương trính nghị sự “Nam toàn cầu”, tạo ra những kênh hợp tác mới với các quốc gia Đông Nam Á. Khi chính phủ Modi thể hiện sự nhiệt tình cao độ với ngoại giao “Nam toàn cầu” cạnh tranh vị thế lãnh đạo “Nam Toàn cầu” một cách công khai, các hợp tác diễn ra theo chương trình nghị sự này đã phần nào đáp ứng được chiến lược “ngoại giao cân bằng” truyền thống của một số quốc gia Đông Nam Á. Theo “Báo cáo Khảo sát Tình hình Đông Nam Á” của Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak về ASEAN năm 2024, Ấn Độ đã liên tiếp 2 năm trở thành lực lượng “thứ ba” được ASEAN tin tưởng và sẵn sàng lựa chọn nhất trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, đứng sau EU và Nhật Bản, nhưng xếp trên Australia, Anh và Hàn Quốc. Trong khi vào năm 2022, tỷ lệ ủng hộ của Ấn Độ chỉ đạt 5,1%, đứng cuối bảng. Điều này cho thấy, khu vực Đông Nam Á có thái độ tích cực đối với việc Ấn Độ mở rộng sự hiện diện tại khu vực và xem Ấn Độ là một lực lượng có thể mang lại ảnh hưởng tích cực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, các hoạt động của Ấn Độ theo chương trình nghị sự “Nam Toàn cầu” có thể được Đông Nam Á đón nhận. Từ đó góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ Ấn Độ – Đông Nam Á.
Kết luận
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ấn Độ đã chuyển hướng sang phía Đông nhằm phát triển đất nước và tái định hình môi trường ngoại giao xung quanh. Ấn Độ bắt đầu tăng cường tham gia vào các vấn đề khu vực Đông Nam Á. Từ chính sách “Hướng Đông” đến chính sách “Hành động Hướng Đông”, Ấn Độ đã sử dụng khu vực Đông Nam Á làm bàn đạp để mở rộng không gian chiến lược. Sau khoảng 30 năm phát triển, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN cũng như các quốc gia Đông Nam Á đã được tăng cường và nâng cấp đáng kể. Mặc dù chưa thể so sánh với sự hiện diện kinh tế và ảnh hưởng toàn diện của Trung Quốc và Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, nhưng không thể phủ nhận rằng Ấn Độ đã trở thành một lực lượng không thể xem nhẹ trong khu vực này.
Đặc biệt, khi chiến lược “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương” do Mỹ dẫn đầu tiếp tục gia tăng sức nóng, Ấn Độ, với vai trò là quốc gia trụ cột của chiến lược này đã đạt được giá trị chiến lược chưa từng có. Chính phủ Modi đã nắm bắt cơ hội và tận dụng tình thế, xem xét môi trường bên ngoài dưới góc độ của một quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong nhiều tuyên bố chính thức hoặc phát biểu liên quan đến khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Ấn Độ luôn nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực này, tích cực nâng cao mối quan hệ chiến lược với ASEAN. Họ cũng tập trung vào việc khai thác các điểm tương đồng về lợi ích trong lĩnh vực hàng hải, tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực này.
Những điều chỉnh chính sách này của Ấn Độ về cơ bản phù hợp với “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ, trong đó nhấn mạnh việc tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và tăng cường hợp tác với Đông Nam Á trong lĩnh vực hàng hải. Điều này thể hiện sự phối hợp chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ tại Đông Nam Á, cũng như ý đồ thu hút sự ủng hộ từ khu vực này nhằm cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, kiềm chế Trung Quốc và thậm chí là đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vì vậy, trên cơ sở nhận thức về khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Ấn Độ có ý định tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Đông Nam Á từ các cấp độ khu vực, tiểu khu vực đến cấp độ song phương. Với sự hỗ trợ từ chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ và lý thuyết “Ấn Độ cân bằng quyền lực”, Ấn Độ đang định hình mình như một nhân tố tạo dựng trật tự “mở, tự do và toàn diện” trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Từ đó mở rộng không gian chiến lược của mình cả trong khu vực này và thậm chí trên toàn cầu. Đồng thời tăng cường hỗ trợ để hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc của mình.
Trước sự tham gia tích cực của Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á tỏ ra tương đối lạc quan. Điều này chắc chắn sẽ có lợi cho việc thúc đẩy chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ và sự phát triển quan hệ Ấn Độ – Đông Nam Á. Tuy nhiên, các động thái chính sách này của New Delhi cũng đặt ra những thách thức và tác động phức tạp đối với môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc, đòi hỏi phải có sự ứng phó thận trọng.
Hết
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Các tác giả:
Vũ Hương Quân hiện đang là trợ lý nghiên cứu tại Viện ASEAN, Đại học Quảng Tây.
Dương Lộ là giảng viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]