Sau 100 ngày, chiếc ghế Thủ tướng Thái Lan cuối cùng cũng đã được quyết định. Quốc hội Thái Lan đã bầu ông Srettha Thavisin của Đảng Pheu Thai làm Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan vào ngày 22/8/2023. Ngày hôm sau, vua Rama X đã chính thức bổ nhiệm tân Thủ tướng Srettha, ông trùm bất động sản mới tham gia chính trường cách đây nửa năm.
Quá trình xây dựng nội các mới và chuyển giao quyền lực từ cựu Thủ tướng Prayut Chan-ocha sẽ diễn ra trong thời gian tới và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9 này. “Kỷ nguyên Prayut” kéo dài 9 năm đã chính thức kết thúc và “Chính phủ đặc biệt” sẽ bắt đầu sứ mệnh của họ.
Thách thức đối với chính phủ mới của Thái Lan
Đây là điểm khởi đầu mới để Đảng Pheu Thái quay trở lại hàng ngũ đảng cầm quyền, một lần nữa khơi dậy sự ủng hộ của dư luận, nhưng đồng thời sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.
Mặc dù đã trải qua các hoạt động chính trị phức tạp và thận trọng, Đảng Pheu Thai cuối cùng đã thành công trong việc thành lập nội các nhưng vẫn còn nhiều bất ổn về chính trị trong tương lai.
Thứ nhất, các đảng chính trị chính trong liên minh cầm quyền (Đảng Tự hào Thái Lan – Bhumjaithai, Đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân – Palang Pracharath – PPRP, Đảng Quốc gia Thái thống nhất – UTN) đều là thành viên ban đầu của liên minh cầm quyền nhiệm kỳ thứ hai của Prayut Chan-ocha. Họ có đặc điểm và mối quan hệ chính trị đan xen sâu sắc, lý luận và hành động tương đồng nhất quán, sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị rất cao. Trong khi đó, Đảng Pheu Thái đã có những mâu thuẫn với các đảng này khi còn là đảng đối lập trong Quốc hội. Trong tương lai cầm quyền tới đây, Đảng của tân Thủ tướng Srettha Thavisin chắc chắn sẽ bị các Đảng trong liên minh cầm quyền cũ hạn chế.
Thứ hai, lợi thế phiếu bầu của Đảng Pheu Thai trong cuộc tổng tuyển cử là chưa đủ rõ ràng. Lần này, họ đang dẫn đầu trong việc thành lập Chính phủ và khả năng thương lượng của Đảng Pheu Thai so với liên minh 8 đảng của Đảng Tiến lên rõ ràng là yếu thế hơn. Nhiều cơ quan chủ chốt do các đảng chính trị khác tham gia quản lý, khả năng kiểm soát của Srettha và Pheu Thai trong các cơ quan chủ chốt đang chịu sự ảnh hưởng lớn của các đảng khác sẽ rất hạn chế. Điều này rất có thể dẫn đến nhiều quan điểm thực thi quản lý, chính sách cụ thể của Đảng Pheu Thái sẽ không được thực hiện thuận lợi.
Thứ ba, bản thân Srettha mới tham gia chính trường được nửa năm, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm điều hành là chưa đủ. Đảng Pheu Thai đã 9 năm không tham gia vào việc cầm quyền. Trong các hoạt động chính trị, sự phối hợp giữa các bộ, ngành; quan hệ giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương và nhiều lĩnh vực khác sẽ cần nhiều thời gian để thích ứng.
Về mặt kinh tế, sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh tế Thái lan đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh kinh tế của nước này tiếp tục suy yếu. Tốc độ phát triển kinh tế thấp hơn mức trung bình của khu vực ASEAN, đặc biệt xếp sau Indonesia, Việt Nam và các nước khác. Tăng trưởng GDP trong quý 2 năm 2023 chỉ đạt 1,8%, thấp hơn 2,6% so với quý 1 và thấp hơn nhiều so với ước tính của nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế dựa trên sự phục hồi của ngành du lịch là 3%. Trong khi đó, xuất khẩu giảm 3 quý liên tiếp, giảm 5,6% so với quý trước. Các nhà kinh tế Thái Lan tin rằng nếu chính phủ Srettha không thể thực hiện các biện pháp đột phá để kích thích nền kinh tế trong 4 tháng tới và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm phải trên 3%, nền kinh tế Thái Lan sẽ đối mặt với khó khăn lớn.
Đảng Pheu Thai luôn giành được sự ủng hộ của công chúng về khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế và trong chiến dịch tranh cử cũng đưa ra nhiều chính sách kinh tế hấp dẫn. Một trong những chính sách lớn là phát hành tiền điện tử. Trong vòng sáu tháng sau khi Chính phủ mới thành lập, 10.000 Baht sẽ được cấp cho mỗi công dân trên 18 tuổi. Việc này cần một ngân sách khổng lồ 560 tỷ Baht. Ngân sách này đến từ đâu? Chính phủ Thái Lan đã nợ nần chồng chất trong suốt 3 năm chống dịch. Nợ quốc gia chiếm khoảng 61% GDP, tiệm cận với rủi ro cảnh báo nợ. Nếu lại tiếp tục vay mượn nhiều, rủi ro tài chính đối với Thái Lan chắc chắn sẽ gia tăng.
Mặc dù bản thân Srettha cũng là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ý định của ông là rõ ràng, nhưng việc sử dụng ngân sách khổng lồ cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội. Lập trường của các Đảng cầm quyền khác như thế nào vào thời điểm đó vẫn chưa được biết. Ngay cả khi nó được thực hiện, liệu hiệu quả có như dự đoán của Đảng Pheu Thai hay không và liệu nguồn thu từ thuế có tăng mạnh để bổ sung vào ngân sách quốc gia hay không cũng là một ẩn số lớn.
Các nhà kinh tế học nổi tiếng của Thái Lan đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này: “Đảng Pheu Thai trong những năm gần đây thiếu kinh nghiệm điều hành và đã thúc đẩy các dự án với ngân sách khổng lồ như vậy. Một khi rủi ro vượt quá tầm kiểm soát, sự ổn định về mặt tài chính và nguồn ngân sách quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, lúc đó nền kinh tế Thái Lan có thể rơi vào tình trạng tương tự như Mỹ Latinh và Argentina”.
Hơn nữa, theo thống kê, 91% hộ gia đình trong xã hội Thái Lan phải đối mặt với rủi ro nợ nần, nhiều gia đình vỡ nợ và không thể thoát khỏi tình trạng nợ xấu, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội.
Ngoài ra, trong chiến dịch tranh cử, Đảng Pheu Thai đã hứa rằng, Chính phủ mới sẽ tăng mức lương bình quân hàng ngày của người lao động Thái Lan không thấp hơn 600 Baht. Mức lương hàng tháng của sinh viên tốt nghiệp đại học không dưới 25.000 Baht. Điều này trái ngược với tình hình hiện nay ở Thái Lan, nơi chi phí lao động tăng cao đã dẫn đến suy giảm thiện chí đầu tư nước ngoài và gây khó khăn trong xuất khẩu. Giá lao động tăng, làm thế nào để đồng thời nâng cao tay nghề cũng như làm thế nào để tối ưu hóa và cải thiện cơ cấu kinh tế đều là những vấn đề kinh tế nan giải đối với Chính phủ Srettha.
Ngoài ra, Đảng Pheu Thái còn phải đối mặt với thách thức về uy tín ở trong nước. Trong chiến dịch tranh cử, Đảng Pheu Thai đã cam kết không hợp tác với các Đảng Prayut và Prawit; sau bầu cử đã chủ động tách khỏi Đảng Tiến lên, thành lập nội các cùng với Đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân và Đảng Quốc gia Thái thống nhất khiến nhiều cử tri thất vọng. Ngày 3/8, Chuwei đã ba lần công khai vạch trần rằng Tập đoàn Bất động sản Sansiri, một công ty trước đây thuộc sự quản lý của Srettha, đã trốn thuế và có những hoạt động kinh tế vi phạm pháp luật. Hoạt động này đã ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực đến danh tiếng của Srettha. Thậm chí, ông còn bị nhiều thành viên Quốc hội chỉ trích công khai trong cuộc bầu cử Thủ tướng tại Quốc hội vào ngày 22/8, đồng thời yêu cầu chính Srettha phải làm rõ sự thật.
Nếu trong quá trình cầm quyền tiếp theo, Srettha không thể đưa ra một lời giải thích hợp lý về các thách thức xã hội, chắc chắn ông sẽ gặp phải áp lực từ tất cả các bên. Vì vậy, Chính phủ Srettha cần khôi phục niềm tin của cử tri càng sớm càng tốt, cho dù đó là kế hoạch “tiền điện tử 10.000 Baht” được đề xuất trong chiến dịch tranh cử nhằm kích thích tiêu dùng, hay những vụ bê bối kinh doanh của các công ty thuộc sở hữu của ông Srettha, đều phải được thực hiện nghiêm túc và giải quyết đúng đắn. Nếu các chính sách này không được thực thi hiệu quả và đưa ra các phản ứng tích cực thì rất có thể sẽ làm tổn hại thêm uy tín chính trị của Đảng Pheu Thai và của chính đương kim Thủ tướng Srettha.
Quan hệ Thái Lan – Trung Quốc trong tương lai
Là thành viên sáng lập và là quốc gia quan trọng trong khu vực ASEAN, nghệ thuật và thành tựu ngoại giao của Thái Lan luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Kể từ khi Prayut Chan-ocha tiến hành cuộc đảo chính vào năm 2014, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thái Lan với lý do gọi là dân chủ và nhân quyền. Ngay cả khi quan hệ Mỹ-Thái Lan đã phục hồi trong nhiệm kỳ thứ hai của Prayut thì quan hệ đồng minh giữa Mỹ – Thái Lan vẫn tương đối lỏng lẻo hơn so với Philippines, cũng là đồng minh của Mỹ. Ngược lại, trong hơn 20 năm qua, quan hệ Trung Quốc – Thái Lan luôn duy trì ở mức cao, dù dưới thời Đảng Pheu Thai hay dưới thời ông Prayut Chan-ocha cầm quyền, Trung Quốc và Thái Lan luôn duy trì sự hợp tác chặt chẽ.
Khi sự đối nghịch giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang, các nước ASEAN nói chung đang phải đối mặt với áp lực ngoại giao để “chọn bên”. Thái Lan sẽ làm thế nào để duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ? Cả cánh tả và cánh hữu sẽ kiểm tra sự khôn ngoan trong chính sách ngoại giao của Chính phủ Thủ tướng Srettha. Trong chiến dịch tranh cử, ông Srettha từng nói rằng trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, Thái Lan nên giảm sự phụ thuộc vào cả hai nước này. Tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với Ấn Độ, phát triển hơn nữa quan hệ song phương với Ấn Độ và các nước khác, thể hiện sự ủng hộ cân bằng của mình đối với các cường quốc. Ngoài ra, lập trường của Thái Lan trong vấn đề Myanmar trái ngược với quan điểm của các nước quan trọng trong ASEAN như Indonesia, Singapore, Malaysia… Làm thế nào để phát huy vai trò mang tính xây dựng mà không ảnh hưởng đến sự đoàn kết của ASEAN cũng là vấn đề mà Chính phủ Thủ tướng Srettha cần cân nhắc.
Gần đây, ông Srettha đã nhanh chóng đảm nhận vai trò Thủ tướng và chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ sau: Thứ nhất, tập trung giải quyết khủng hoảng, thành lập đội ngũ quản lý kinh tế, kiểm soát nền kinh tế, và đảm nhiệm thêm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, nỗ lực khôi phục nền kinh tế. Thứ hai, gặp gỡ Thủ tướng tiền nhiệm Prayut Chan-ocha để xóa bỏ những mâu thuẫn trong quá khứ, điều phối quan hệ song phương, thực hiện tốt công việc bàn giao và đạt được khởi đầu tốt đẹp. Thứ ba, đến tỉnh Phuket ở miền nam Thái Lan và những nơi khác để tiến hành nghiên cứu, nắm rõ nhu cầu của ngành du lịch, đề xuất tối ưu hóa chính sách thị thực, mở rộng và xây dựng sân bay mới nhằm mục đích vực dậy ngành du lịch.
Quan hệ Trung Quốc-Thái Lan luôn thân thiết, hữu hảo và được mệnh danh là “một gia đình”. Năm 2022, dưới sự chỉ đạo ngoại giao của các nguyên thủ quốc gia, hai nước tuyên bố sẽ cùng nhau xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Thái Lan”. Hiện nay, quan hệ Trung Quốc-Thái Lan một lần nữa đạt đến điểm khởi đầu mới. Bản thân Thủ tướng Srettha có thái độ tích cực và thân thiện với Trung Quốc, đây thực sự có ích rất lớn cho sự phát triển tình hữu nghĩ trong quan hệ Trung Quốc-Thái Lan. Trong chiến dịch tranh cử, Srettha bày tỏ quan điểm về cách thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan, đề xuất nên thực hiện chính sách miễn thị thực cho khách du lịch Trung Quốc. Ngày 3/3/2023, Srettha đã tổ chức một cuộc thảo luận với Hiệp hội Thái Lan-Trung Quốc và cho biết, nếu ông có thể thuận lợi nắm quyền, ông sẽ đưa quan hệ Trung Quốc-Thái Lan phát triển một cách toàn diện. Ông sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đối với Trung Quốc do Chính phủ tiền nhiệm thực hiện và cố gắng hết sức để phát triển chính sách đó. Srettha đặc biệt quan tâm đến quan hệ thương mại Trung Quốc-Thái Lan và bày tỏ ý định muốn tăng cường xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc.
Với thái độ thân thiện của Thủ tướng Srettha dành cho Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tích cực thực hiện các biện pháp trong các phương diện sau để đảm bảo sự phát triển ổn định, trật tự và lành mạnh trong quan hệ Trung Quốc-Thái Lan.
Thứ nhất, hợp tác chính trị chặt chẽ: Tăng cường đối thoại chính trị và trao đổi cấp cao, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước; tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị với Hoàng gia và các quan chức cấp cao trong Chính phủ, đồng thời mời Vua Rama X cùng Hoàng Hậu, Thủ tướng Srettha thăm chính thức Trung Quốc trong thời gian thích hợp; tăng cường trao đổi và hợp tác xung quanh các vấn đề quốc tế, khu vực và song phương, tiếp tục duy trì tình hữu nghị như “một gia đình”.
Thứ hai, tăng cường hợp tác kinh tế: Tăng cường đầu tư thương mại với Thái Lan, khuyến khích người dân đi du lịch đến Thái Lan và giúp nước này tăng tường phát triển kinh tế; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Thái Lan và mở rộng hạn ngạch nhập khẩu nông sản của Thái Lan; tăng tần suất các chuyến bay đến Thái, chống tuyên truyền sai sự thật trên internet về các rủi ro khi du lịch Thái Lan và tăng lượng khách du lịch đến nước này trong quý III và quý IV; tận dụng thái độ tích cực của Srettha đối với đường sắt cao tốc Trung Quốc-Thái Lan trong chiến dịch tranh cử để xác định cơ hội thúc đẩy tiến độ xây dựng đường sắt cao tốc.
Thứ ba, tăng cường trao đổi hợp tác về khoa học, công nghệ, giáo dục và văn hóa: Sử dụng các học viện khoa học cao cấp sẵn có như Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan-Trung Quốc do Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Trung Quốc cùng Viện Nghiên cứu Quốc gia Thái Lan đồng thành lập để thúc đẩy nghiên cứu văn hóa, phát triển công nghệ chung trong các lĩnh vực liên quan khoa học kỹ thuật; tiếp tục phát huy “Học viện Khổng Tử” đẩy mạnh các dự án trao đổi văn hóa, giáo dục khác ở Thái Lan có chiều sâu và thiết thực hơn nữa; thực hiện và áp dụng các chính sách biện pháp toàn diện, tích cực lên tiếng trong dư luận chính thống ở Thái Lan nhằm tạo bầu không khí cũng như quan điểm thân thiện của dư luận Thái Lan đối với Trung Quốc, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Thứ tư, tăng cường hợp tác thiết thực trong lĩnh vực an ninh: Tiếp tục tăng cường hợp tác với quân đội Thái Lan, thúc đẩy các cuộc tập trận chung đa quân chủng dựa trên cơ sở các chương trình huấn luyện quân sự chung như “Đột kích”, “Lam sắc đột kích”, “Đại bàng đột kích” v.v..; tăng cường hợp tác với cảnh sát Thái Lan để cùng trấn áp các băng nhóm tội phạm quốc tế xuyên quốc gia gây ra mối đe dọa và có ảnh hưởng xấu về thông tin như lừa đảo, buôn người ở biên giới Thái Lan-Myanmar./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Yu Qun (虞群) – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Công nghệ Quốc phòng. Bài viết đăng trên trang mạng Quan sát viên.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]