Trong năm 2023, tình hình trên Biển Đông có nhiều biến động đáng kể, thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Điều này xuất phát từ các vấn đề xung đột lợi ích giữa các bên liên quan tại Biển Đông, trong số đó đáng chú ý là Trung Quốc và một số nước ASEAN cũng như cuộc đua lợi ích giữa các nước lớn. Việc Trung Quốc can thiệp ngày càng sâu vào Biển Đông cho thấy tham vọng của họ tại khu vực này. Tuy nhiên, tham vọng ấy đang vấp phải sự phản ứng ngày càng gia tăng của các bên liên quan.
Biển Đông có lợi thế kinh tế, địa chính trị và quân sự hết sức to lớn, thuận lợi cho sự phát triển của bất cứ quốc gia nào kiểm soát được khu vực này. Về kinh tế, đây là một trong số những tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Theo tính toán của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Biển Đông chiếm tới 30% khối lượng hàng hoá được vận chuyển trên toàn thế giới và là tuyến đường biển kết nối các nền kinh tế lớn của các lục địa Á – Âu – Phi – Mỹ. Biển Đông cũng sở hữu lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là nguồn hải sản lớn (ước tính chiếm khoảng 12% nguồn lợi hải sản trên toàn thế giới) và trữ lượng dầu mỏ quan trọng. Đối với Trung Quốc, việc kiểm soát được Biển Đông sẽ đem lại cho quốc gia này hai lợi ích chính.
Một là, về kinh tế, Trung Quốc sẽ đảm bảo được an ninh ở cửa ngõ phía nam, đặc biệt là an ninh năng lượng và an ninh lương thực nhờ giữ ổn định tuyến đường giao thương biển phía nam. Tuy rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đứng thứ hai trên thế giới nhưng đây vẫn là nền kinh tế bị phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, trong khi đó nhu cầu lương thực cũng như năng lượng tại đất nước tỉ dân này đang tăng cao nhằm đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế. Một khi kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ (khoảng 11 tỷ thùng trữ lượng dầu và 5.380 tỷ mét khối trữ lượng khí đốt tự nhiên theo ước tính của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ năm 2013) [1].
Hai là, về quốc phòng – an ninh, Biển Đông có thể trở thành vùng đệm để Trung Quốc đảm bảo an ninh quốc gia của họ. Hiện nay, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đang bị cản trở về mặt hàng hải do có vành đai các đồng minh của Mỹ vây quanh, kéo dài từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines. Do đó, Trung Quốc có rất ít không gian để triển khai cũng như phát triển năng lực hải quân. Biển Đông nằm phía Nam Trung Quốc, đồng thời khu vực này cũng là nơi có lực lượng quân đội đồng minh của Mỹ ít nhất, vì vậy, Biển Đông trở thành con đường biển quan trọng nhất mà Trung Quốc cần để tăng cường sức mạnh hải quân cũng như khả năng kết nối với các khu vực khác bằng đường biển.
Tham vọng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông
Trước những lợi ích cơ bản phía trên, Trung Quốc đã thể hiện rõ tham vọng: (1) kiểm soát phần lớn Biển Đông, (2) dần thiết lập một trật tự mới, những luật chơi mới trong khu vực nhằm có lợi cho Trung Quốc và (3) trở thành cường quốc thế giới thông qua việc trở thành cường quốc biển. Những tham vọng này đang được Trung Quốc hiện thực hoá bằng nhiều hành động và phương thức khác nhau.
Thứ nhất, Trung Quốc mang tham vọng kiểm soát phần lớn diện tích Biển Đông. Tham vọng này được thể hiện trước hết qua việc Trung Quốc tuyên truyền và sử dụng những tấm bản đồ có “đường đứt đoạn”. Từ năm 1947, Bộ Nội vụ của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc, chính phủ hợp pháp của Trung Quốc lúc bấy giờ, đã xuất bản cuốn sách “Địa lý các đảo ở Biển Đông”, trong đó có tấm “Bản đồ phác thảo vị trí các đảo ở Biển Đông” đã chỉ ra “đường 11 đoạn” mô tả biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc và khẳng định điểm cực Nam của Trung Quốc là khu vực bãi cạn James Shoal (tên tiếng Trung: 曾母暗沙 – tức bãi cạn Tăng Mẫu) [2], khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ngày nay. Cho đến nay, sau khi chính quyền Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã trở thành chính quyền hợp pháp và đại diện hợp pháp của Trung Quốc trên trường quốc tế, tấm bản đồ thể hiện chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã có một số sự thay đổi nhỏ.
Năm 2009, tại Công hàm CML/17/2009 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc, tấm bản đồ với “đường chín đoạn” đã thể hiện chủ quyền và quyền tài phán của Bắc Kinh đối với các vùng nước được thể hiện trong bản đồ [3]. So với tấm bản đồ năm 1947 “Bản đồ phác thảo vị trí các đảo ở Biển Đông”, tấm bản đồ này đã xoá bỏ đoạn nét đứt ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (theo cách gọi của Việt Nam) và thay đổi vị trí một số nét đứt ở các khu vực khác. Năm 2014, Nhà xuất bản Hồ Nam xuất bản một tấm bản đồ dọc mới, thể hiện lãnh thổ của Trung Quốc được tính từ điểm cực bắc đến điểm cực nam của đảo Borneo. Việc một nhà xuất bản của một tỉnh xuất bản tấm bản đồ nói trên ngầm cho thấy chính quyền Trung Quốc cũng đồng tình với phần lãnh thổ được tuyên bố trong tấm bản đồ. Tất nhiên rằng, tất cả các bản đồ này không được các quốc gia trong khu vực và thế giới công nhận.
Gần đây nhất, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã công bố “bản đồ tiêu chuẩn” phiên bản năm 2023. Đáng chú ý, về bộ phận lãnh thổ đại dương, Trung Quốc đã thay thế “đường chín đoạn” bằng “đường mười đoạn”, giữ nguyên các đoạn nét đứt như trong tấm bản đồ được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc năm 2009 và bổ sung thêm một nét đứt bao quanh Đài Loan. Như vậy, trong phương diện hành chính quốc gia, chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận và tuyên truyền thông tin liên quan chủ quyền quốc gia tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Tham vọng chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông (bao gồm cả những tuyên bố chủ quyền phi pháp) còn được thể hiện thông qua việc Trung Quốc tuyên bố với cộng đồng quốc tế về chủ quyền tại Biển Đông và đơn phương phủ nhận các phán quyết của Toà cũng như đưa ra các yêu sách phi lý về quyền chủ quyền và quyền tại phán tại các vùng biển. Hành động gửi Công hàm CML/17/2009 được coi là động thái chính thức đầu tiên mà chính quyền Bắc Kinh tuyên bố với cộng đồng quốc tế về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tiếp đó, trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc vào năm 2016, Toà Trọng tài đã đưa ra kết luận về “đường đứt đoạn” “Các tuyên bố của Trung Quốc về quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác, đối với các vùng biển tại Biển Đông được bao quanh bởi ‘đường chín đoạn’ là trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý trong phạm vi vượt quá giới hạn địa lý và nội dung của các quyền được hưởng trên biển mà Trung Quốc được xác lập theo Công ước.” [4] Tuy nhiên, ngay sau khi Philippines đệ đơn khởi kiện về ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc trên Biển Ðông ra Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước luật biển 1982, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi Công hàm phản hồi và không chấp nhận cũng như không tham gia vào quá trình phán xử bởi Toà Trọng tài [5].
Cuối cùng, tham vọng xâm lấn phần lớn diện tích Biển Đông của Trung Quốc được thể hiện qua việc Trung Quốc gây hấn với các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền tại khu vực và đơn phương tiến hành các hoạt động kinh tế – quân sự trái phép tại các khu vực tranh chấp cũng như tại các thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia khác, ngay cả sau khi nhận được Phán quyết chung thẩm của cơ quan tài phán trong Vụ kiện Biển Đông cũng như sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, Trung Quốc tham vọng trở thành một cường quốc biển, từ đó trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Bắt nguồn từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm 2012, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi cần nỗ lực hơn để “xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển”. Theo quan điểm của học giả Trương Văn Mộc (Zhang Wenmu), “một cường quốc biển” theo ý thức hệ Trung Quốc được tạo thành từ 2 thành tố: (1) các quyền trên biển cả và (2) sức mạnh biển. Hai thành tố này liên hệ chặt chẽ với nhau, sức mạnh biển giúp một quốc gia đạt được các quyền lợi trên biển mà đôi khi những quyền này không nằm trong phạm vi các quyền hợp pháp và chính đáng của một quốc gia. Từ đó, một quốc gia có thể đạt được vị thế bá chủ trên biển nhờ vào việc thao túng hành vi hoặc điều khiển hành vi của các nước khác trên biển [6]. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các thành phần làm nên một “cường quốc biển” theo tư tưởng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc cụ thể gồm các thành phần nào. Dựa theo khái niệm đưa ra bởi các học giả phương Tây về “cường quốc biển” và từ các văn kiện Đại hội Đảng Trung Quốc, “một cường quốc biển” theo quan niệm của Bắc Kinh được thực hiện thông qua các cách thức: mở rộng kinh tế biển, tăng cường việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và bảo vệ các quyền cũng như lợi ích trên biển. [7] Chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy việc khai thác một cách có trách nhiệm tài nguyên thiên nhiên trên biển và phát triển đóng tàu, phát triển hoạt động thương mại biển, từ đó phát triển các ngành kinh tế trên đất liền. Trung Quốc cũng tiến hành nâng cao nhận thức của người dân về di sản hàng hải chung cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán mà Trung Quốc tuyên bố lên các thực thể trên biển và giáo dục người dân về các vấn đề môi trường biển. Về vấn đề bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực hải quân. Theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2022 của Lầu Năm Góc công bố vào tháng 11, Hải quân Trung Quốc có khoảng 340 tàu chiến và dự kiến cán mốc 400 tàu trong 2 năm tiếp theo. Trung Quốc đang sở hữu 2 tàu sân bay và chuẩn bị đưa tàu sân bay thứ 3 đi vào hoạt động trong năm 2024. Bắc Kinh cũng đã hoàn thành xây dựng 1 căn cứ quân sự tại nước ngoài ở Djibouti vào năm 2017 và đang xây dựng 1 căn cứ Hải quân ở Ream, Campuchia.
Cuối cùng, một tham vọng của Trung Quốc trong việc tiến hành các chiến lược tại Biển Đông là nhằm phá hủy các thiết chế do Mỹ đứng đầu, dần thiết lập các thiết chế mới do Trung Quốc dẫn dắt và từ đó hình thành một cục diện mới tại khu vực nhằm tối đa hoá lợi ích cho nước này. Trước hết, cần khẳng định rằng hiện nay, Mỹ đang muốn tăng cường triển khai và thúc đẩy nhiều thiết chế dựa trên hệ tư tưởng, giá trị và ý chí do Mỹ và phương Tây dẫn đầu tại Biển Đông. Hội nghị Hoà bình San Francisco diễn ra từ ngày 4 đến ngày 8/9/1951 đã quyết định việc phân chia chủ quyền đối với nhiều khu vực bị quân phiệt Nhật Bản chiếm đóng trong thế chiến thứ hai, trong đó khẳng định rõ Trung Quốc không có chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi pháp với hai quần đảo này như được nêu trong tấm Bản đồ phác thảo vị trí các đảo ở Biển Đông năm 1947. Do đó, chính quyền Bắc Kinh cho rằng việc mất đi chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hệ quả của một trật tự thế giới được xây dựng bởi ý chí của Washington. Cũng trong Hội nghị Hoà bình San Francisco, Mỹ đã thành công thiết lập hạm đội hải quân của mình tại Nhật Bản, tham gia chỉ huy vùng biển của Thái Bình Dương. Từ đó cho tới nay, hệ thống các căn cứ hải quân của Mỹ đã trải dài tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tạo thành thế bao vây ngăn cản sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Tiếp đó, Bắc Kinh cũng có sự xung đột sâu sắc với hoạt động trong chương trình “tự do hàng hải” (FONOPs) được tiến hành bởi Washington. Hoạt động FONOPs được ra đời vào năm 1979 nhằm thách thức các hành vi đơn phương hạn chế các quyền và tự do của cộng đồng quốc tế tại các khu vực được Công ước Luật biển 1982 trao quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác. Chương trình này phù hợp với Luật pháp quốc tế và được thực hiện bởi nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp; tuy nhiên, phía Bắc Kinh lại cho rằng các chương trình FONOPs được thực hiện bởi Washington này là “công cụ chính trị để gây áp lực mạnh lên Trung Quốc” [8] và Bắc Kinh đã từng triển khai tàu chiến cùng máy bay chiến đấu nhằm cảnh cáo tàu chiến của Mỹ. Bất chấp các căng thẳng xoay quanh quan hệ Mỹ – Trung, việc Mỹ thực hiện FONOPs cho đến nay vẫn nhằm trong giới hạn của luật pháp quốc tế. Trong trường hợp Trung Quốc tiến hành hoạt động cưỡng ép tàu chiến của bất cứ quốc gia nào dừng hoạt động FONOPs tại khu vực được Công ước Luật biển 1982 cho phép bằng việc đe doạ sử dụng vũ lực, điều này vi phạm nghiêm trọng quy định của luật pháp quốc tế, thậm chí có thể coi là việc Trung Quốc đang cố tình diễn giải sai luật để thực hiện việc đưa vũ khí quân sự vào khu vực tự do hàng hải. Hơn thế, vào ngày 22/01/2021, Trung Quốc đã ban hành Luật Cảnh sát Biển mới, trong đó có các quy định được cho là đi ngược lại với quy định nêu trong UNCLOS 1982. Ví dụ, Điều 3 của Luật này quy định rằng “Cảnh sát Biển sẽ áp dụng Luật này khi tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và trong vùng trời phía trên vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.” Theo UNCLOS 1982, các vùng biển thuộc thẩm quyền của một quốc gia là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển thuộc thềm lục địa (bao gồm cả thềm lục địa mở rộng). Do đó, theo UNCLOS 1982 và Phán quyết từ Toà Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông 2016, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là vi phạm pháp lý. Tuy nhiên, việc Trung Quốc không nêu rõ trong văn kiện Luật mới các vùng lãnh thổ được áp dụng Luật cho thấy có khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động của lực lượng Cảnh sát Biển ở cả những vùng không thuộc quyền tài phán của Trung Quốc theo UNCLOS 1982. Đồng thời, việc Trung Quốc ưu tiên áp dụng Luật quốc gia lên trên luật pháp quốc tế cho thấy nước này đang muốn hành xử theo quy tắc của riêng mình tại Biển Đông. [9]
Thách thức đối với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay
Trong trật tự thế giới đa cực hiện nay, Trung Quốc không dễ dàng trong việc hiện thực hoá các tham vọng của mình do gặp phải nhiều thách thức đến từ Mỹ cùng hệ thống các nước đồng minh và các thể chế trong khu vực.
Một là, Mỹ ngày càng quyết tâm triển khai các chiến lược kiềm toả Trung Quốc và tăng cường sự hiện diện của mình tại Biển Đông thông qua nhiều phương tiện và cách thức ngăn chặn. Mỹ tiếp tục triển khai hoạt động FONOPs dù có sự suy giảm về số lượng: vào năm 2020, Mỹ đã tiến hành 9 hoạt động FONOPs. Tới năm 2021 và năm 2022, con số này giảm xuống một nửa và tính tới tháng 9/2023, mới chỉ có 2 hoạt động FONOPs được diễn ra trong năm 2023. Song song với đó, Mỹ cũng tiến hành các hoạt động phát triển năng lực hải quân cho các quốc gia đồng minh, chia sẻ thông tin tình báo và tiến hành các cuộc tập trận chung hợp pháp tại các vùng biển. Với các đồng minh quan trọng và truyền thống của Mỹ trong khu vực như Philippines, Hàn Quốc hay Nhật Bản, các cuộc tập trận chung liên tục được diễn ra kể từ đầu năm 2023 đến nay. Ngày 11/4, Mỹ và Philippines đã có cuộc tập trận chung lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, tiếp đến vào ngày 1/6, ba nước Mỹ, Philippines và Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung lần đầu tiên. Cũng trong tháng 6, trong lúc Trung Quốc tổ chức hoạt động tập trận quy mô lớn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thì Mỹ cũng tổ chức một trong số những cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Biển Philippines kể từ ngày 28/6. Trong năm qua, Mỹ cũng đã công khai ủng hộ Philippines trong hoạt động tiếp tế tại bãi Cỏ Mây cũng như các mâu thuẫn khác trên biển Đông với Trung Quốc.
Hai là, một số quốc gia trong khối ASEAN đang tìm kiếm các cơ chế hợp tác an ninh với Mỹ và đồng minh nhằm nâng cao năng lực hải quân, đối phó với các nguy cơ xung đột với tàu thuyền Trung Quốc trên biển. Các quốc gia nổi bật có thể kể đến là Philippines và Việt Nam.
Philippines là một bên tranh chấp với Trung Quốc tại khu vực bãi Hoàng Nham (Scarborough). Philippines vốn đã có những rạn nứt đáng kể trong quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt kể từ sau Vụ kiện Biển Đông năm 2016, nay càng củng cố quan hệ với Mỹ và các nước đồng minh thông qua các hoạt động quân sự – ngoại giao tích cực trong năm qua. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Philippines nêu rõ, nước này sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện Hiệp ước Phòng thủ chung với Mỹ. Mỹ cũng tái khẳng định cam kết của Washington với Manila và hai bên đã công bố bản Bộ hướng dẫn Phòng thủ Song phương, một văn kiện bổ sung, làm rõ các vấn đề hợp tác an ninh chung trong bối cảnh mới với sự gia tăng thách thức từ Trung Quốc. Cụ thể, văn bản này nêu hướng dẫn chi tiết rằng “Một cuộc tấn công vũ trang tại khu vực Thái Bình Dương, bao gồm mọi địa điểm ở Biển Đông, vào bất kỳ tàu tuần duyên, máy bay hoặc lực lượng vũ trang nào, bao gồm lực lượng Cảnh sát Biển, sẽ kích hoạt Điều IV và V thuộc Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines năm 1951.” Văn bản này cũng đưa ra một nội dung mới liên quan đến hình thức xảy ra tấn công “chiến thuật vùng xám”, vốn là chiến thuật được Trung Quốc sử dụng tại các vùng biển ngoại vi, bao gồm cả Biển Đông. [10] Với Australia, Manila và Canberra đã thiết lập hàng loạt các văn bản phòng thủ chung và an ninh chung từ lâu đời. Đáng chú ý, vào ngày 9/9 vừa qua, hai nước đã nâng cấp quan hệ đối tác từ “Toàn diện” lên “Chiến lược”. Trong Tuyên bố Chung của hai nước cũng đã bổ sung các điều khoản về hợp tác an ninh – quốc phòng, trong đó có 2 điều khoản nói tới hợp tác an ninh hàng hải và cam kết “đối thoại và phối hợp, hợp tác thực chất và triển khai các hoạt động xây dựng năng lực… lên kế hoạch tuần tra chung song phương ở Biển Đông và trong các khu vực thuộc mối quan tâm chung của hai nước.” Trước đó, vào ngày 21/8, hai nước đã có cuộc tập trận chung song phương đầu tiên ở Biển Đông tại một căn cứ hải quân nằm cách bãi Scarborough (Hoàng Nham) khoảng 240km. Ngoài ra, với sự tăng cường hợp tác giữa Philippines và Nhật Bản thông qua Mỹ, các học giả cũng đặt dấu hỏi về sự hình thành một “Bộ Tứ” mới giữa 4 quốc gia Mỹ – Philippines – Nhật Bản – Australia tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Sự hợp tác Philippines – Nhật Bản xuất phát từ việc cả hai quốc gia đều có những mối bận tâm chung đó là Trung Quốc. Việc Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản tại khu vực Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư và các chuyển động quân sự của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp tương tự với tình trạng xảy ra trong quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ. Hai quốc gia Nhật Bản – Philippines cũng đồng thời là hai quốc gia quần đảo, do đó, các vấn đề liên quan đến biển cả luôn nằm trong trọng tâm chiến lược của hai nước. Philippines và Nhật Bản được cho là đang xây dựng Thoả thuận Các lực lượng Thăm viếng tương tự như các Thoả thuận giữa Philippines và Mỹ hoặc giữa Philippines và Australia. Trong tương lai, một Thoả thuận như vậy giữa Philippines và Nhật Bản sẽ giúp Philippines nâng cao vị thế năng lực quân sự – hải quân, hưởng lợi từ sự hiện diện của quân đội Nhật Bản trên lãnh thổ Philippines cũng như các chuyển giao về vũ khí quân sự từ Nhật Bản.
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tranh chấp phức tạp nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Tranh chấp này thậm chí từng lên đến đỉnh điểm và đã dẫn đến xung đột vũ trang trong thế kỷ XX. Việt Nam luôn khẳng định nhất quán với chính sách “4 không”, tuy vậy Việt Nam cũng tìm kiếm sự hợp tác về an ninh với các nước trong và ngoài khu vực thông qua các hoạt động mua bán tàu và tập trận chung nhằm tăng cường sức mạnh hải quân trong việc đối phó với các lực lượng xâm phạm vào vùng nước tranh chấp đến từ nước ngoài. Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ từ ngày 14 đến ngày 16/4/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã khẳng định Mỹ đang hoàn tất việc chuyển giao chiếc tàu tuần duyên thứ ba sang Việt Nam, tiếp nối hoạt động nâng cao năng lực của Việt Nam diễn ra từ năm 2016. Ông Blinken nêu rõ, “Tất cả những nỗ lực này giúp tăng cường năng lực của Việt Nam trong việc đóng góp vào hòa bình và ổn định hàng hải ở Biển Đông.” [11] Cũng trong tháng 6 vừa qua, ngày 25/6, Việt Nam đã đón chuyến thăm của Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) cùng 2 tàu hộ tống là Tàu USS Antietam (CG 54) và Tàu USS Robert Smalls (CG 62) thuộc lực lượng Hải quân Mỹ. Chuyến thăm cũng như việc Tàu sân bay Mỹ đi vào khu vực Biển Đông diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại Vịnh Bắc Bộ, chỉ cách đường phân cách Vịnh Bắc Bộ khoảng 10km. Chuyến thăm này có thể là một tín hiệu cho thấy sự hợp tác nhanh chóng của hai nước khi xuất hiện thách thức, mà nhân tố đem đến thách thức chung cho cả hai nước ở đây là Trung Quốc. Việt Nam đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn với các quan hệ đối tác quốc phòng truyền thống như Nga, tương ứng với chính sách “4 không” và chủ nghĩa đa phương mà Việt Nam đang theo đuổi. Ấn Độ là một đối tác quan trọng của Việt Nam về an ninh – quốc phòng trong thời gian tới. Tuy không có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông, nhưng Ấn Độ chia sẻ với Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức về xung đột biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc. Hơn nữa, Ấn Độ sở hữu tiềm lực quân sự ấn tượng và đang đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí ra các nước khác. Bởi vậy, hợp tác về quốc phòng được cho là trụ cột trong quan hệ Ấn Độ – Việt Nam, mà trong đó vấn đề đảm bảo an ninh trên biển là một thành tố quan trọng. Tháng 7 vừa qua, Ấn Độ đã triển khai bàn giao Tàu hộ tống tên lửa INS Kirpan cho Việt Nam “nhằm xây dựng và nâng cao năng lực”, phản ánh mối quan hệ hợp tác đặc biệt của Ấn Độ và Việt Nam. Trong 4 năm trở lại đây, hai nước đã tổ chức Đối thoại An ninh Hàng hải Ấn Độ – Việt Nam. Tuy hai nước không công bố Tuyên bố chung, nhưng từ các thông cáo báo chí và truyền thông từ hai bên sau Đối thoại An ninh Hàng hải Ấn Độ – Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức tại New Delhi vào ngày 31/5/2023. Có thể thấy trong năm 2023, sự hợp tác về an ninh hàng hải đã được đẩy mạnh và trở thành một trọng tâm trong chiến lược hợp tác hàng hải giữa hai bên. Hai nước đề xuất “củng cố hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, thông qua hoạt động hợp tác giữa các lực lượng Hải quân và Cảnh sát Biển, trật tự hàng hải và nâng cao năng lực”.
Ba là, các cơ chế hợp tác an ninh hiện có và mới hình thành khu vực đang được đề cao với sự tham gia của các nước có tranh chấp tại Biển Đông, các nước ASEAN và nhiều nước đối tác – đối thoại liên quan, qua đó vừa nhằm nâng cao năng lực và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, vừa thúc đẩy các nước tham gia vào cơ chế đó tuân thủ theo các quy định, quy tắc và luật lệ chung, đặc biệt là các quy chế pháp lý được áp dụng tại Biển Đông như Công ước Luật biển 1982 và Phán quyết của Toà Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông năm 1982. Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực hình thành văn kiện ràng buộc pháp lý với các bên liên quan tại Biển Đông nhằm đảm bảo tình hình ổn định, hợp tác và phát triển cũng như giải quyết thực chất các tranh chấp còn tồn đọng. Các cơ chế hợp tác an ninh hiện nay đa số được dẫn dắt bởi ASEAN, có thể kể đến như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Được thành lập vào năm 1993, nhưng tới năm 2003, vấn đề an ninh hàng hải mới trở thành một trọng tâm trong chương trình nghị sự của ARF và được nêu cao hành động tại Hội nghị. Văn kiện Tuyên bố ARF về Hợp tác phòng chống Cướp biển và các Thách thức An ninh khác khẳng định lần đầu tiên “An ninh hàng hải là điều kiện cần thiết và cơ bản cho sự thịnh vượng và an ninh kinh tế của khu vực các nước tham gia Diễn đàn. Đảm bảo an ninh hàng hải là lợi ích trực tiếp của tất cả các nước, đặc biệt là các nước tham gia ARF.” Tuyên bố ARF nhằm Thúc đẩy Hoà bình, Ổn định và Thịnh vượng thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa năm 2022 kêu gọi các bên “đối thoại và hợp tác mang tính xây dựng”, “tăng cường hợp tác”, “nâng cao vai trò của Chủ tịch Diễn đàn trong việc tạo điều kiện đối thoại và tham vấn giữa các Bên tham gia ARF nhằm thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa (CBM và PD) trong tiến trình ARF.” Thực hiện các lời kêu gọi này, từ năm 2022 đến 2023, Nhóm giữa kỳ Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển (ARF ISM-MS) đã tiếp nối và tổ chức các đối thoại: Hội thảo ARF lần thứ tư về Thúc đẩy Hợp tác trong việc Thực thi Luật biển tổ chức bởi Việt Nam, Australia và Liên minh Châu Âu (EU) từ ngày 6 đến 7/4/2022 và Diễn đàn ARF về An ninh biển lần thứ 13 tổ chức bởi Indonesia, Ấn Độ và Mỹ vào ngày 12/5/2022, Hội thảo ARF lần thứ tư về thực thi UNCLOS 1982 và các văn kiện quốc tế khác nhằm giải quyết các vấn đề hàng hải mới nổi được tổ chức bởi Việt Nam, Australia, EU và New Zealand từ ngày 30/11 đến ngày 1/12/2022 và Diễn đàn ARF về An ninh biển lần thứ 14 được đồng tổ chức bởi Campuchia và Trung Quốc từ ngày 25 đến 26/5/2023. Các chủ đề bao gồm sự phối hợp giữa, quản lý và bảo tồn môi trường cũng như các giải pháp hướng tới mục tiêu góp phần vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững trong khu vực.. Hội thảo tái khẳng định vai trò trung tâm của UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải được thực hiện; ghi nhận một số thách thức mới nổi trong việc thực hiện UNCLOS 1982; và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm sự tham gia của tất cả các bên liên quan ở mọi cấp độ và trong việc giải quyết các vấn đề hàng hải mới nổi. Trọng tâm của các đối thoại này đều nhằm thảo luận cơ chế thực thi luật biển và đảm bảo an ninh, ổn định hàng hải khu vực, đề cập đến chống cướp biển và chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo, không được kiểm soát (IUU), các khuôn khổ và sáng kiến liên quan đến hàng hải trong khu vực và vai trò của UNCLOS 1982. Các chủ đề được nêu trên một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đều đã nhấn mạnh được vai trò trung tâm của UNCLOS 1982 cho tất cả các bên tham gia đều phải thực hiện và khẳng định rằng, ASEAN nói riêng và ARF nói chung hoạt động dựa trên luật lệ chung, mà cụ thể ở đây chính là UNCLOS 1982. Do đó, điều này ràng buộc Trung Quốc tuân theo các điều khoản được nêu trong Luật Biển 1982, bao gồm các quy định về vạch đường cơ sở (dẫn tới việc bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” hoặc yêu sách “Tứ Sa”) và “tránh dựa vào việc đe dọa hay sử dụng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của mọi quốc gia.”
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) được thành lập năm 2006 và sau đó được mở rộng cho sự tham gia của các đối tác – đối thoại của các nước ASEAN thông qua Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) vào năm 2010. Đây là một diễn đàn quan trọng giúp thúc đẩy hoà bình và ổn định khu vực thông qua cơ chế đối thoại, hợp tác và chia sẻ thông tin. An ninh hàng hải là một trong số các chủ đề thảo luận tại ADMM+. ADMM+ có thể được coi là tiếp cận và giải quyết các thách thức an ninh một cách khá toàn diện, bởi bên cạnh các hoạt động thực chất nhằm giải quyết các vấn đề được nêu ra trong Hội nghị, ADMM+ còn là nơi giúp các quan chức hoạch định chính sách theo 3 cấp độ: Hội nghị Nhóm làm việc Bộ trưởng Quốc phòng Cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+ WG) có vai trò thảo luận, chuẩn bị văn kiện và đưa ra các khuyến nghị chính sách; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) có vai trò xem xét các đề xuất, khuyến nghị trước khi trình tại ADMM+ và cuối cùng là ADMM+ với vai trò phê duyệt chính sách. Đồng thời, thông qua việc đặt bản sơ lược các chính sách về an ninh – quốc phòng của các nước lên chương trình nghị sự và hình thành cơ chế thảo luận chính sách nên ADMM+ có thể tác động thực tế và trực tiếp lên chính sách của các nước tham gia. Tại ADSOM+ diễn ra vào tháng 8 năm nay, các bên tham gia tiếp tục nhấn mạnh tới vai trò của UNCLOS 1982 trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế trên biển và thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) cũng như thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Sự hình thành của COC thực chất đã bắt đầu từ năm 1992 tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN, tới năm 1995, COC song phương giữa Philippines – Trung Quốc và Philippines – Việt Nam đã được thông qua, đồng thời các bên đã thống nhất chấp thuận việc tiến hành đàm phán, tiến tới việc cho ra đời một bản COC áp dụng cho toàn khu vực ASEAN. Tuy vậy, tiến trình đàm phán gặp nhiều thách thức, chủ yếu đến từ các xung đột sẵn có về tuyên bố chủ quyền giữa các bên xung quanh các thực thể trên Biển Đông. Do đó, tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN lần thứ 35 năm 2002, Malaysia đã gợi ý việc hình thành một bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm tạm thời ràng buộc các bên ở mức độ thấp hơn trong thời gian chờ đợi hoàn tất đàm phán COC. Trung Quốc là một bên ký kết vào DOC và tham gia đàm phán COC cùng các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, Trung Quốc thường xuyên có các hành động không phù hợp với tinh thần của DOC; do đó, COC được kỳ vọng mang tính ràng buộc pháp lý ở mức cao sẽ sớm được thông qua, góp phần xây dựng Biển Đông hoà bình, ổn định và phát triển.
Lời kết
Nhìn chung, tình hình tại Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Trung Quốc nổi lên với nhiều tham vọng, tất cả đều nằm trong tham vọng vươn lên trở thành cường quốc thế giới và xây dựng trật tự mới. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ khó đạt được, trước hết là dưới sự kiềm toả của Mỹ và hệ thống các nước đồng minh trong khu vực, sau là bởi các nước đang đối diện với các thách thức gây ra bởi sự vươn lên của Trung Quốc. Vì vậy, khu vực Biển Đông nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung sẽ còn chịu tác động lâu dài từ biến động của môi trường quốc tế./.
Tác giả: Chloe Nguyen
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] “South China Sea,” (2019) U.S. Energy Administration, https://www.eia.gov/international/analysis/regions-of-interest/South_China_Sea.
[2] “《南海诸岛地理志略》原书现身 藏家愿无偿捐赠” (2016), CCTV, http://news.cctv.com/2016/07/04/ARTIHwWx6WmOfJORGnJJd9xU160704.shtml.
[3] The Permanent Mission of the People’s Republic of China to the United Nations, CML/17/2009, (New York: 2009), https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf.
[4] The South China Sea Arbitration (The Republic of Philippines v. The People’s Republic of China) (Final award) (Permanent Court of Arbitration, 12 July 2016). https://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20-%2020160712%20-%20Award.pdf.
[5] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, Position Paper of the Government of the People’s Republic of China on the Matter of Jurisdiction in the South China Sea Arbitration Initiated by the Republic of the Philippines, (2014), https://www.fmprc.gov.cn/eng./wjdt_665385/2649_665393/201412/t20141207_679387.html.
[6] Zhang Wenmu. 2016. Sea Power and China’s Strategic Choices. Trang 23. https://search.issuelab.org/resources/372/372.pdf.
[7] Liza Tobin “Underway—Beijing ’s Strategy to Build China into a Maritime Great Power,” Naval War College Review 71 no. 2 (Spring 2018): 9, https://digital-commons.usnwc.edu/nwc-review/vol71/iss2/5
[8] Hu Bo (2023), “Feature-challenge Freedom of Navigation Operations and the Major Agendas of U.S. Policy toward China,” South China Sea Strategic Situation Probing Initiative,
[9] Ministry of Defense, The Coast Guard Law of the People’s Republic of China, https://www.mod.go.jp/en/d_act/sec_env/ch_ocn/index.html.
[10] U.S. Department of Defense, Fact Sheet: U.S.-Philippines Bilateral Defense Guidelines, (2023), https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3383607/fact-sheet-us-philippines-bilateral-defense-guidelines/.
[11] U.S. Department of State, Secretary Antony J. Blinken at a Press Availability, (2023), https://www.state.gov/secretary-antony-j-blinken-at-a-press-availability-33/.