Ngày 30/01/2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thăm Hàn Quốc và hội kiến với Tổng thống Yun Seok-yeol. Ông Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nền dân chủ có cùng chí hướng sát cánh với nhau để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vì an ninh xuyên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Trong một bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Chey, ông Stoltenberg khẳng định rằng, những gì xảy ra ở Châu Âu có ý nghĩa đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và những gì xảy ra ở châu Á có ý nghĩa đối với NATO.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm Nhật Bản, nơi ông gặp Thủ tướng Fumio Kishida vào ngày 31/01/2023, ông Stoltenberg nêu quan điểm của mình về các vấn đề an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm tình hình Bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông và tình hình eo biển Đài Loan. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và NATO trong bối cảnh môi trường chiến lược đang thay đổi.
Chuyến thăm của ông Stoltenberg tới Hàn Quốc và Nhật Bản là một mô hình thu nhỏ về sự phát triển mới nhất trong chính sách xoay trục châu Á – Thái Bình Dương của NATO trong những năm gần đây. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã đạt được động lực mới thông qua việc mở rộng và chuyển đổi các chức năng chiến lược cũng như định hình các mối đe dọa từ bên ngoài. Việc NATO xoay trục sang hâu Á-Thái Bình Dương có thể được coi là biểu hiện của việc tìm kiếm tính hợp pháp của tổ chức này.
Bên cạnh những động lực bên trong trong việc tìm kiếm một lý do hợp pháp của NATO, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và những động lực đang thay đổi trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc phát sinh từ những thay đổi trong chiến lược của Mỹ đã củng cố thêm những động lực bên ngoài trong quá trình xoay trục của khối này sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này đã được tăng tốc hơn nữa bởi sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Tháng 4/2019, tại cuộc họp của các ngoại trưởng NATO nhân kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh, cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nâng cao “mối đe dọa Trung Quốc” và tuyên bố rằng, thách thức lớn nhất đối với NATO trong những thập kỷ tới sẽ là làm thế nào để thích nghi với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Vào ngày 04/12/2019, Tuyên bố Luân Đôn được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tuyên bố rằng, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và các chính sách quốc tế của nước này thể hiện cả cơ hội và thách thức đối với NATO và đòi hỏi NATO phải có phản ứng chung với tư cách là một liên minh. Vào ngày 25/11/2022, báo cáo NATO 2030 một lần nữa xác định Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống toàn diện”, điều này đã tạo tiền đề cho các tuyên bố liên quan đến Trung Quốc của NATO sau đó.
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã coi việc củng cố hệ thống liên minh là một phương tiện quan trọng để xử lý cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Một trong những chuyển động then chốt là phá bỏ ranh giới địa lý, gắn kết hệ thống đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương với hệ thống đồng minh ở khu vực xuyên Đại Tây Dương và thúc đẩy tương tác giữa hai bên.
Vào tháng 6/2021, NATO đã đưa ra một thông cáo tại Hội nghị Thượng đỉnh Brussels nêu rõ: “Chúng tôi cũng sẽ tìm cách phát triển hơn nữa mối quan hệ với các đối tác của mình trên toàn cầu. Chúng tôi đang tăng cường đối thoại chính trị và hợp tác thiết thực với các đối tác lâu đời ở châu Á – Thái Bình Dương – Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc – để thúc đẩy an ninh hợp tác và hỗ trợ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Vào tháng 02/2022, Nhà Trắng đã công bố Báo cáo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nêu rõ rằng, Liên minh châu Âu và NATO đang ngày càng chú ý đến khu vực và sẽ tận dụng cơ hội này để điều chỉnh các cách tiếp cận và phối hợp thực hiện các sáng kiến, từ đó nhân lên hiệu quả của chúng. Mỹ sẽ xây dựng cầu nối giữa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Châu Âu-Đại Tây Dương và, ngày càng tăng với các khu vực khác, bằng cách đi đầu trong các chương trình nghị sự chung thúc đẩy hành động tập thể.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy nhanh hơn nữa việc NATO chuyển hướng sang châu Á – Thái Bình Dương, khiến NATO và các đồng minh của Mỹ trong khu vực coi các lục địa châu Âu và châu Á là một thể thống nhất, và theo đuổi hợp tác nhiều hơn theo chiều ngang. Vào ngày 10/03/2022, trong một bài phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương, Ngoại trưởng Anh khi đó là Tony Truss cho biết: “An ninh châu Âu – Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là không thể chia cắt. Chúng ta nên sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để đối phó với những thách thức của ngày hôm nay và ngày mai.”
Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã nhiều lần truyền bá ý tưởng rằng “Ukraine ngày nay có thể là Đông Á ngày mai,” nhằm thúc đẩy sự tương tác và hợp tác của Nhật Bản với NATO. Vào ngày 06/04/2022, bốn bộ trưởng ngoại giao châu Á – Thái Bình Dương – từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand – lần đầu tiên được mời tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Brussels. Vào ngày 29-30/06/2022, Hội nghị Thượng đỉnh NATO 2022 được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha và lần đầu tiên bốn nguyên thủ quốc gia của khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand – được mời tham dự. Người ta dự đoán rằng, sự tương tác giữa NATO và các nước châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở nên thường xuyên hơn và được thể chế hóa.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng của NATO sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng có giới hạn của nó. Đầu tiên là những hạn chế trong việc định vị chiến lược của chính NATO. Đây là một liên minh quân sự giữa Mỹ và châu Âu nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh trong khu vực Châu Âu. Mục tiêu chính của nó ban đầu là Liên Xô, và sau đó là Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết. Mặc dù Mỹ hy vọng mở rộng NATO với tư cách là một bên tham gia quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, định hướng châu Âu của NATO có thể sẽ không thay đổi trong bối cảnh môi trường an ninh châu Âu phức tạp.
Thứ hai là những hạn chế về bản sắc chiến lược của NATO. Là một tổ chức quân sự khu vực, việc mở rộng quá mức của NATO sẽ không chỉ cản trở sự phối hợp chính sách giữa các thành viên mà còn làm xói mòn bản sắc chiến lược của chính NATO.
Brent Scowcroft, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George H.W Bush, cho biết: “Tôi không quá quan tâm đến việc NATO mở rộng sang Đông Âu vì tôi sợ điều đó sẽ làm giảm sự thống nhất về mục đích của NATO”.
Ngoài ra, việc NATO xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương có lẽ sẽ không được hầu hết các quốc gia trong khu vực đón nhận. Sau Chiến tranh Lạnh, so với các khu vực khác, châu Á – Thái Bình Dương nhìn chung duy trì được môi trường hòa bình, ổn định mặc dù có một số điểm nóng về an ninh. Với tư cách là một liên minh quân sự, việc NATO xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương làm phức tạp thêm tình hình an ninh trong khu vực, thậm chí dẫn đến đối đầu, đi ngược lại lợi ích của hầu hết các nước trong khu vực. Ngoài ra, sự thay đổi chính sách có thể dẫn đến sự phản kháng theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn từ các quốc gia trong khu vực, khi những ký ức đau buồn về quá khứ thuộc địa của họ dưới bàn tay của phương Tây vẫn còn nguyên vẹn.
Việc NATO xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc, điều này gây ra những áp lực nhất định về địa chính trị và an ninh đối với Trung Quốc, như thu hút sự chú ý của quốc tế đối với vấn đề Đài Loan và các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Tuy nhiên, do tính chất hạn chế của việc NATO xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương cho đến nay, Trung Quốc không cần phải phản ứng thái quá, mặc dù họ nên theo dõi chặt chẽ hướng đi của mình. Trên thực tế, việc NATO chuyển hướng sang châu Á – Thái Bình Dương phần lớn là một quá trình năng động mà Trung Quốc khó có thể kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng.
Trong bối cảnh này, cách tốt nhất để đối phó với sự chuyển hướng sang châu Á – Thái Bình Dương của NATO là để Trung Quốc điều hành tốt công việc của mình và củng cố khả năng vượt lên trên những cú sốc và thách thức bên ngoài.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Chen Jimin là nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Phát triển, Hiệp hội Liên lạc Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc