Tình trạng thiếu hụt dân số trẻ có liên quan đến việc thúc đẩy phong trào dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này lý giải vì sao khó có một sự thúc đẩy dân chủ hóa bền vững ở Trung Quốc, tiếp nối các cuộc biểu tình diễn ra trong thời gian qua ở quốc gia này. Đây là quan điểm Yi Fuxian trong bài viết “China’s Activist Shortage” (Project Syndicate).
Tiêu đề do Ban Biên tập đặt.
Rất khó để đảm bảo được sự chuyển đổi chính trị ở một quốc gia có độ tuổi trung bình trên 40 và bộ phận thanh niên từ 15-29 tuổi chiếm dưới 20% dân số. Đó là lý do tại sao, ngay cả khi đang diễn ra các cuộc biểu tình làm sôi sục các thành phố trên khắp Trung Quốc, cũng không nên mong đợi một sự thúc đẩy dân chủ hóa bền vững ở quốc gia này.
Rất khó để đảm bảo được sự chuyển đổi chính trị ở một quốc gia có độ tuổi trung bình trên 40 và bộ phận thanh niên từ 15-29 tuổi chiếm dưới 20% dân số. Đó là lý do tại sao, ngay cả khi đang diễn ra các cuộc biểu tình làm sôi sục các thành phố trên khắp Trung Quốc, cũng không nên mong đợi một sự thúc đẩy dân chủ hóa bền vững ở quốc gia này.
Những người biểu tình Trung Quốc đã xuống đường ở các thành phố, thể hiện sự bất đồng chính kiến hết sức hiếm hoi trong nền chính trị Trung Quốc. Mặc dù các cuộc biểu tình chủ yếu tập trung vào chính sách “zero-COVID” của chính quyền, nhưng chúng đã làm dấy lên suy đoán rằng một phong trào ủng hộ dân chủ – và thậm chí là một quá trình chuyển đổi chính trị kiểu Đài Loan – có thể sẽ nối tiếp các sự kiện trên. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra, đặc biệt là do hàng thập kỷ áp dụng các chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt, dẫn đến thực trạng là Trung Quốc có quá ít lực lượng thanh niên tham gia cuộc chiến đấu tranh vì dân chủ.
Một quốc gia có thể nói là đang có sự “bùng nổ dân số trẻ” khi tỷ lệ người trong độ tuổi 15-29 vượt quá 28%. Là những thành viên năng động nhất về kinh tế, đam mê chính trị và có sức lao động, những người trong nhóm tuổi này đặc biệt có khả năng thách thức, đấu tranh với các chuẩn mực đã được thiết lập, tham gia biểu tình và yêu cầu cải cách. Vì vậy, khi một quốc gia đang trải qua thời kỳ “bùng nổ dân số trẻ”, điều này có thể đồng nghĩa với các điều kiện thuận lợi để quốc gia trên tiến hành thay đổi chính trị, trong đó có khả năng thực hiện dân chủ hóa.
Đây chính là bài học trong lịch sử của Đài Loan và Hàn Quốc. Khi tỷ lệ thanh niên tăng lên – đạt mức 25% ở cả hai quốc gia vào năm 1966 lên tới mức cao nhất là 31% vào đầu những năm 1980 – tăng trưởng kinh tế và xu hướng ủng hộ dân chủ hóa cũng có sự gia tăng. Cả hai nền kinh tế đều trở thành các nền dân chủ vào năm 1987, khi độ tuổi trung bình của dân số là 26. Sự bùng nổ thanh niên cũng góp phần dẫn tới cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab vào năm 2010, khi độ tuổi trung bình ở các quốc gia Arab chỉ là 20.
Một xu hướng tương tự dường như đã từng diễn ra ở Trung Quốc. Tỷ lệ thanh niên trong dân số Trung Quốc đã tăng từ 24% năm 1966 lên 28% năm 1979, khi độ tuổi trung bình là 22. Sự nhiệt tình về chính trị – mặc dù không tập trung vào các giá trị dân chủ – đang phát triển đã giúp thúc đẩy cuộc Cách mạng Văn hóa giai đoạn từ năm 1966 đến 1976. Sự tham gia chính trị của những người trẻ tuổi cũng giúp thúc đẩy chính sách cải cách và mở cửa mà cựu Chủ tịch Đặng Tiểu Bình đã phát động vào năm 1978, dẫn đến một số bất ổn trong xã hội Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã đối phó với tình trạng bất ổn trên bằng cách phát động chiến dịch “tấn công mạnh mẽ chống tội phạm” kéo dài ba năm trong thời gian từ năm 1983 đến1986. Nhưng điều này không làm suy giảm xu hướng ủng hộ các giá trị dân chủ ngày càng tăng của người dân Trung Quốc. Vào tháng 4/1989 – khi tỷ lệ thanh niên ở mức cao nhất là 31% và độ tuổi trung bình là 25 – những người biểu tình do sinh viên lãnh đạo đã chiếm Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, với hàng chục nghìn người Trung Quốc giương cao biểu tượng mới, Nữ thần Dân chủ, được mô phỏng theo Tượng Nữ thần Tự do, đồng thời kêu gọi đảm bảo quyền tự do ngôn luận và chấm dứt các hoạt động kiểm duyệt của chính quyền. Để dập tắt phong trào trên, Chính phủ Trung Quốc đã phải tiền hành một cuộc đàn áp đẫm máu vào tháng 06.
Tại tỉnh Tân Cương, tình trạng bất ổn xảy ra sau đó. Mặc dù khu vực này không trải qua sự bùng nổ dân số trẻ vào năm 1989, nhưng tỷ lệ thanh niên Duy Ngô Nhĩ đã vượt quá 28% vào năm 1996 và đạt mức cao nhất là 32% vào năm 2008. Năm tiếp theo, Tân Cương bị khuấy động bởi cái được gọi là “Bạo loạn Ürümqi”, bắt đầu là một cuộc biểu tình ôn hòa do sinh viên lãnh đạo về việc hai công nhân nhà máy người Duy Ngô Nhĩ bị sát hại song đã nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình bạo lực. Các cuộc bạo loạn ở Lhasa năm 2008 ở Tây Tạng cũng có mối liên hệ với sự bùng nổ dân số trẻ.
Ngày nay, những người trẻ tuổi lại một lần nữa dẫn đầu các cuộc biểu tình ở Trung Quốc. Nhưng trong số họ không có nhiều người trẻ nữa. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 15-29 ở Trung Quốc chỉ ở mức 17% vào năm 2021, trong khi độ tuổi trung bình là 42. Và tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm, có khả năng giảm xuống 13% vào năm 2040, khi độ tuổi trung bình dự kiến đạt 52.
Rất khó để đạt được chuyển đổi chính trị ở một đất nước có độ tuổi trung bình trên 40 và thanh niên chiếm chưa đến 20% dân số. Phong trào biểu tình nổi lên ở Hồng Kông vào năm 2019 để bảo vệ nền dân chủ đã kết thúc trong thất bại, một phần vì với độ tuổi trung bình cao hơn 44, lãnh thổ này đã bước vào “thời kỳ mãn kinh” chính trị khi chỉ có 16% dân số ở độ tuổi 15-29.
Tất nhiên, các hoạt động đàn áp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản các phong trào như trên, và các nhà cầm quyền Trung Quốc đã không ngần ngại trong việc tiến hành các hoạt động đàn áp, kiểm duyệt và buộc dân chúng phải khuất phục. Tuy nhiên, chính sự suy giảm dân số thanh niên mới là nhân tố chính làm cạn kiệt ý chí đấu tranh cho dân chủ của xã hội. Điều mà chính quyền Trung Quốc cần lo lắng không phải là mối đe dọa đối với an ninh của chế độ, mà là sự cứng nhắc của xã hội, bởi vì nếu tình trạng trên tiếp tục, sẽ không có đủ thanh niên để ủng hộ những cải cách ôn hòa như cuộc cải cách năm 1978.
Bộ phận dân chúng dưới thời thực hiện chính sách “một con” thường được coi là các “cậu ấm”, thích ủng hộ chính phủ hơn là theo đuổi sự thay đổi chính trị xã hội. Cha mẹ của họ cũng không hoàn toàn sẵn sàng lãnh đạo một cuộc cách mạng, và điều này không chỉ xuất phát từ việc các thế hệ cũ có xu hướng thích thực trạng hơn là thay đổi. Với việc chỉ có một đứa con duy nhất phụ dưỡng mình khi về hưu, các cha mẹ Trung Quốc biết rằng họ sẽ phải dựa vào chính phủ để đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và mạng lưới an ninh từ chính sách hưu trí.
Chính sách một con đã khiến quy mô hộ gia đình trung bình của Trung Quốc giảm từ 4,4 người năm 1982 xuống 3,4 người năm 2000 và 2,6 người năm 2020, dẫn đến giảm nhu cầu của các gia đình và do đó, tăng cường quyền lực của chính phủ. Năm 1983, thu nhập khả dụng của hộ gia đình Trung Quốc chiếm 62% GDP, nhưng giảm xuống còn 44% vào năm 2021 (mức trung bình toàn cầu là 63%). Bất chấp các thành quả từ 04 thập kỷ phát triển kinh tế với tốc độ thần tốc, Trung Quốc không có một tầng lớp trung lưu đủ lớn. Một xã hội bị phân mảnh, căng thẳng về kinh tế có thể gây ra các cuộc biểu tình, nhưng không có cuộc biểu tình nào bền vững hoặc đủ lớn để thách thức một chế độ hùng mạnh, chứ đừng nói đến việc mang lại một quá trình chuyển đổi dân chủ. Do thực tế rằng tình trạng già hóa dân số sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, Trung Quốc có thể không bao giờ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hoặc đạt được một quá trình chuyển đổi chính trị.
Chắc chắn là, nếu thu nhập khả dụng của hộ gia đình tăng lên 60-70% GDP, Trung Quốc có thể phải theo đuổi các cải cách kinh tế, thay đổi mô hình chính trị và xã hội, cũng như thay đổi chính sách đối ngoại và quốc phòng. Điều này sẽ tạo ra một hệ thống chính trị giống với hệ thống của phương Tây hơn và dẫn đến sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, bất chấp các điểm hạn chế hiện nay, hệ thống chính trị của Trung Quốc không gặp phải các hiểm họa trực tiếp trong thời gian trước mắt, mặc dù việc duy trì mô hình quản trị như hiện nay có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ về kinh tế và xã hội trong tương lai. Tiêu biểu, hệ thống chính trị của Tây Tạng đã tồn tại hơn một nghìn năm sau khi dân số bắt đầu giảm vào thế kỷ thứ tám. Các nhà chức trách Trung Quốc có thể cảm thấy đủ an toàn về mặt chính trị để quay trở lại với một hệ thống Nho giáo ôn hòa hơn, tập trung vào việc khôi phục sự bền vững về dân số và sức sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhiều khả năng rằng đây sẽ không phải là đường lối mà chính quyền Trung Quốc sẽ tuân theo.
Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hai thập kỷ trước, nhiều người đã dự đoán rằng việc mở cửa kinh tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến sự tăng cường của các giá trị dân chủ. Thay vào đó, Trung Quốc tăng cường kiểm duyệt và đàn áp, đồng thời trở thành nhà sản xuất mọi thứ theo nhu cầu của người dân Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới. Vậy nhưng, những gì Trung Quốc đã không “sản xuất” được là số lượng Trung Quốc để đảm bảo tương lai của đất nước và duy trì tiến trình hướng tới cải cách dân chủ.
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả
Yi Fuxian là nhà khoa học cao cấp tại Đại học Wisconsin-Madison, tác giả cuốn sách “Big Country with a Empty Nest” (Nhà xuất bản Phát triển Trung Quốc, 2013).