Những ngày đầu tháng 6/2024, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có chuyến thăm Bắc Kinh, chuyến thăm của quan chức cao cấp nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Quốc trong hơn 10 năm gần đây. Ông Fidan đã có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Chủ tịch nước Hàn Chính, và người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Trần Văn Khánh. Trong cuộc đối thoại với ông Trần Văn Khánh, Ngoại trưởng Fidan chia sẻ “Chắc chắn, chúng tôi muốn trở thành một thành viên của BRICS. Vì vậy, chúng ta sẽ xem nó diễn ra như thế nào trong năm nay”[1]. Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu dẫn lời ông Fidan cho biết Ankara đang quan tâm đến sự hợp tác với các thành viên BRICS và Ngoại trưởng nước này đã tham dự cuộc họp các ngoại trưởng BRICS+ tại Nga ngày 10-11/6/2024.
BRICS là một tổ chức bao gồm các “nền kinh tế mới nổi” Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ban đầu, tổ chức này được thành lập vào năm 2006 bởi 4 quốc gia đầu tiên (BRIC), đến năm 2010, Nam Phi gia nhập và BRICS đã hoàn thiện được bộ khung của mình. Kể từ ngày 1/1/2024, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE đã trở thành thành viên của BRICS. Các quốc gia thành viên, đại diện chung cho khoảng 47,3% dân số thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (Theo sức mua tương đương PPP) là 36,4%[2], chia sẻ các đặc điểm cấu trúc quan trọng, chẳng hạn như nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, khả năng quân sự đáng kể và ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng trong các thể chế quản trị toàn cầu.
Thường được coi là một sự thay thế cho G7, BRICS+ đại diện cho một sự thay đổi đáng kể trong động lực quyền lực toàn cầu. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ thành công, họ sẽ trở thành đồng minh NATO đầu tiên gia nhập khối.
Động lực thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS
Lợi ích kinh tế và chính trị
Một trong những lý do chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến việc gia nhập BRICS là tiềm năng kinh tế của hiệp hội này. Các quốc gia BRICS đại diện cho các nền kinh tế đang phát triển với tinh thần hỗ trợ lẫn nhau ngày càng phát triển hơn nữa. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thu hút Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mục đích củng cố vị thế kinh tế của mình. Trong khi tăng trưởng kinh tế ở châu Âu đang chậm lại, các nước BRICS mang đến những cơ hội hợp tác và phát triển mới. Hayati Unlu, một học giả tại Đại học Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, lập luận rằng “Thổ Nhĩ Kỳ muốn phát triển một mạng lưới các mối quan hệ bổ sung cho mối quan hệ với phương Tây để vượt qua những khó khăn kinh tế”[3].
Sự phát triển của các thị trường mới là một lợi ích đáng kể. Tư cách thành viên BRICS có thể mở ra những thị trường và cơ hội đầu tư mới cho Thổ Nhĩ Kỳ, điều này đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu bất ổn hiện nay. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa nền kinh tế đất nước và giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào một hoặc một số đối tác thương mại.
Hơn nữa, tư cách thành viên của BRICS có thể thúc đẩy việc mở rộng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giao thông và viễn thông. Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng khối lượng thương mại với các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… từ đó tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư. Phát triển quan hệ thương mại với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ mở ra những chân trời mới cho các nhà sản xuất và xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ. Serkan Demirtas, một nhà phân tích chính sách đối ngoại và nhà báo ở Ankara, cho biết “Sự quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với BRICS là một phần của chính sách ngoại giao định hướng kinh tế không muốn bỏ lỡ sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của châu Á.”[4]
Giảm sự phụ thuộc vào phương Tây cũng là một yếu tố quan trọng[5]. Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào các nước phương Tây, đặc biệt là sau nhiều thời điểm căng thẳng trong quan hệ với EU và Mỹ. Tư cách thành viên BRICS sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế. Điều này đặc biệt có liên quan trong bối cảnh các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại mà các quốc gia có xu hướng hợp tác với phương Tây phải đối mặt. Ali Oguz Dirioz, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế và Công nghệ TOBB của Ankara, nói với Tân Hoa Xã cho rằng: “BRICS có khả năng thống trị nền kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới và Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành một phần của những cơ hội to lớn mà khối này mang lại trong một thế giới đa cực”[6].
Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận được sự hỗ trợ chính trị từ các nước BRICS. Hợp tác với các nước như Trung Quốc và Nga có thể giúp tăng cường ảnh hưởng quốc tế và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế[7]. Trong bối cảnh bất ổn chính trị toàn cầu và những thách thức ngày càng tăng như khủng bố và khủng hoảng di cư, mối quan hệ chặt chẽ với các nước đang phát triển hùng mạnh có thể trở thành một yếu tố quan trọng của an ninh quốc gia. Với tư cách thành viên mới, BRICS có thể tiếp thêm sức mạnh mở rộng tầm ảnh hưởng nhờ vị trí địa lý chiến lược cũng như bản sắc và mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây và với thế giới Hồi giáo. “BRICS đưa ra sự hỗ trợ cho khát vọng chính đáng của các nước mới nổi và đang phát triển từ khắp các châu lục, nhằm đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế”.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận được lợi ích về đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể dễ dàng tiếp cận các khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do BRICS sáng lập. Sự đầu tư từ các nước BRICS có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng năng lượng và công nghệ kỹ thuật số tại quốc gia này. Việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra các việc làm mới.
Ankara có thể tiếp cận công nghệ mới trong BRICS+. Hợp tác với các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như Trung Quốc, Ấn Độ có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận được các công nghệ và đổi mới tiên tiến, tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế trọng điểm. Việc triển khai các công nghệ và đổi mới mới sẽ trở thành nền tảng cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống của người dân.
BRICS cũng có thể mang lại sự ổn định tài chính cho Ankara. Tư cách thành viên của BRICS có thể góp phần tăng cường sự ổn định tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tiếp cận các nguồn tài chính và hạn mức tín dụng thay thế do các nước thành viên cung cấp. Điều này phù hợp trong điều kiện bất ổn tài chính toàn cầu và biến động thị trường tiền tệ. Đồng thời, các quốc gia BRICS+ đang nỗ lực phi đô la hóa bằng cách thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn các loại đồng nội tệ trong thanh toán với nhau, từ đó tạo ra các kênh tài chính ít bị tổn thương hơn trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu.
Có nhiều kỳ vọng rằng sự mở rộng của BRICS sẽ bắt đầu điều phối cơ sở hạ tầng của mình bên ngoài OPEC+, bao gồm cả khối lượng dầu và khí tự nhiên được khai thác. Với sự mở rộng đầu năm 2024, BRICS đã tạo ra một nhóm năng lượng đáng gờm, bao gồm Iran, Saudi Arabia, UAE là thành viên của OPEC, cùng với Nga và thậm chí là Ai Cập. BRICS+ đang thiết lập các con đường năng lượng toàn cầu mới, mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể hưởng lợi từ hệ thống này.
Tìm kiếm giải pháp cho sự bế tắc với EU
Từ năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực gia nhập Liên minh Châu Âu khi nước này được cấp tư cách ứng cử viên, và bắt đầu các cuộc đàm phán để tham gia liên minh từ 2005. Nhưng đến năm 2018, EU đã đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập với Thổ Nhĩ Kỳ vô thời hạn vì lý do nước này thiếu tiến bộ về nhân quyền và pháp quyền, cũng như chính sách đối ngoại của đất nước trong khi đây được xem là những yêu cầu nền tảng để thành viên liên minh. Việc gia nhập EU rơi vào bế tắc khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc tiếp cận các liên minh khác. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết “Hiệp hội liên chính phủ BRICS có thể cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một giải pháp thay thế Liên minh Châu Âu EU”.
Ankara và Brussel cũng đang bế tắc trong việc hiện đại hóa Hiệp ước Liên minh Hải quan giữa hai bên. Quá trình này bị chậm lại do EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hành động để ngăn chặn Nga phá vỡ các hạn chế thương mại mà EU đặt ra vì cuộc xung đột với Ukraine.
Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cầu nối giữa hai phe trong thời đại mới
Sự đối đầu giữa một bên là Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã trở nên ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây. Với vị trí địa lý chiến lược nằm tại ngã tư châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ có tham vọng trở thành cầu nối với cả hai phía. Sự thành công của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc làm trung gian Thỏa thuận ngũ cốc Istanbul qua Biển Đen và vai trò của Trung Quốc, thành viên chủ chốt của BRICS, trong việc làm trung gian cho thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia, 2 thành viên mới của BRICS+, tạo động lực và niềm tin cho Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành cầu nối giữa hai phe. Leon Rozmarin, một chuyên gia về các vấn đề Nga tại Đại học Northeastern ở Mỹ, cho biết: “Tốt hơn là nên đi cả hai thuyền. Bằng cách xây dựng hợp tác với cả phương Tây và các quốc gia chủ chốt của phần còn lại, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu chiếm một vai trò độc đáo mà không phải quốc gia nào cũng có thể đạt được”.[8]
Phản ứng từ các bên
Sự quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đến tư cách thành viên chính thức của BRICS+ nhận được sự ủng hộ từ Nga. Ngày 4/6/2024, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga hoan nghênh mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ và chủ đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh sắp tới của khối này. Hội Nghị thưởng đỉnh BRICS+ lần thứ 16 dự kiến được tổ chức tại Kazan vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, phát ngôn viên cũng cảnh báo rằng tổ chức khó có thể đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của tất cả các quốc gia thể hiện sự quan tâm đến nhóm.[9]
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh không đưa ra ý kiến nào trong các công bố chính thức của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn luôn là thành viên chủ chốt trong việc thúc đẩy mở rộng BRICS, do đó việc Ankara mong muốn gia nhập khối hoàn toàn phù hợp với định hướng của Bắc Kinh. Trước đó, năm 2023, trong một viết của Đằng Tấn (Tencent, Trung Quốc) có đề cập rằng: “Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ Lưu Thiếu Bân cho biết việc mở rộng BRICS được cộng đồng quốc tế kỳ vọng, đây là một khởi đầu lịch sử. Trung Quốc chúng tôi hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tham gia BRICS.”[10]
Các nước phương Tây, trong đó có EU cũng chưa đưa ra ý kiến về vấn đề này, tuy nhiên cũng có thể dự đoán được sự không ủng hộ từ liên minh này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên NATO, gần đây đã phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng từ các đồng minh về mối quan hệ thương mại, du lịch và năng lượng đang phát triển với Nga, thậm chí một số đồng minh cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang “xoay trục” khỏi khối.[11] Việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS có thể tiếp tục khiến phương Tây, đặc biệt NATO, khó chịu và dè chừng hơn. Tờ IntelliNews có trụ sở tại Berlin (Đức) cho rằng: “Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với sự giận dữ từ phương Tây nếu nước này thực hiện một động thái rõ ràng để gia nhập câu lạc bộ BRICS”[12].
Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên chính thức của BRICS
Tiếp tục một hành trình dài
Chưa có xác nhận chính thức nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ hoặc BRICS về việc Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập hoặc có kế hoạch cụ thể để đăng ký làm thành viên chính thức của BRICS. Đến thời điểm hiện tại, điều duy nhất rõ ràng là mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với BRICS đã tăng lên đáng kể so với trước đây, và Nga cùng Trung Quốc ủng hộ điều này.
Mặc dù Ankara có thể chưa thực hiện bất kỳ bước đi quyết liệt nào để theo đuổi tư cách thành viên BRICS, những tiếp cận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp hội các nền kinh tế mới nổi nêu bật sự thất vọng đang diễn ra trong mối quan hệ giữa nước này với Phương Tây, nhất là sự bế tắc trong việc gia nhập EU. Tuy nhiên, cho đến nay, EU vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm gần 1/3 tổng thương mại của nước này[13]. Trong khi đó, trong BRICS+, chỉ có Trung Quốc đối tác hợp tác kinh tế lớn của quốc gia Tiểu Á. Có thể thấy rằng, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên BRICS+ vẫn chưa rõ ràng, có thể đây chỉ là con bài mặc cả mà Ankara tạo ra để thúc đẩy bước tiến mới với Brussels.
Điều quan trọng cần lưu ý là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới NATO, mà đối thủ chính là Nga. Nếu Ankara quyết tâm theo đuổi tư cách thành viên BRICS+ và thân thiết hơn với Nga, cũng như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị khai trừ khỏi NATO.
BRICS đang thực hiện chiến lược mở rộng khối đã được xác định trong những năm gần đây, trong Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS lần thứ 14 tại Bắc Kinh vào cuối tháng 6/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh việc đẩy nhanh quá trình mở rộng của tổ chức này. Mới đây nhất, BRICS đã gia tăng gấp đôi số lượng thành viên từ 5 lên 10 quốc gia vào tháng đầu năm nay trở thành BRICS+. Và mặc dù BRICS+ cởi mở với các nguyện vọng gia nhập, họ cũng chia sẻ rằng khó có thể đáp ứng hết tất cả các nước quan tâm.
Trước đó, khi bị các đồng minh NATO chỉ trích về việc “xoay trục” khỏi khối, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng họ vẫn là một thành viên cam kết của NATO và duy trì mục tiêu trở thành thành viên đầy đủ của Liên minh Châu Âu EU[14].
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến tư cách thành viên BRICS+. Sáu năm trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã kêu gọi lãnh đạo BRICS kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của hiệp hội. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo sau đó, không có sự tham gia của bất kỳ quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nào trong các các cuộc họp của BRICS[15]. Mặc dù BRICS+ không phải là một tổ chức an ninh, và các quan hệ về an ninh cũng không nổi bật mà chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế, một cách khách quan, tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra sự không chắc chắn khi hợp tác với BRICS+.
Do đó, cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm và nỗ lực gia nhập BRICS+ giống như 25 năm về trước đối với EU, đồng thời chấp nhận những rủi ro từ NATO, hành trình sẽ có những chuyển biến mới. Cho đến lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tìm một giải pháp trung hòa hơn, là tiếp cận song phương tới các quốc gia thành viên của BRICS+, thay vì tư cách thành viên. Ibrahim Karatas, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông về an ninh cho rằng “Trong hoàn cảnh hiện tại, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ lựa chọn cải thiện hợp tác kinh tế với từng thành viên BRICS thay vì trở thành thành viên của tổ chức. Quan hệ với khối BRICS sẽ được tiếp tục một cách không chính thức và không có tư cách thành viên chính thức”[16]./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Orange Wang (2024), China eyes closer ties with Turkey to take on global ‘power politics’, South China Morning Post, https://www.msn.com/en-xl/news/other/turkey-sees-brics-economic-potential-as-it-waits-for-full-eu-membership/ar-BB1nAJoK?ocid=BingNewsSearch
[2] The Tricontinental, “On 1 January 2024, the World’s Centre of Gravity Will Shift: The Thirty-Fifth Newsletter“, https://thetricontinental.org/newsletterissue/brics-expansion/
[3] https://www.middleeasteye.net/news/why-turkey-wants-join-brics
[4] Burak Akinci, News Analysis: Türkiye interested in BRICS to tap into economic potential, Xinhuanet, http://www.chinaview.cn/europe/20240618/55022a3b183a4ac3990300878fd67626/c.html
[5] Seymur Mammadov, Why Turkey wants to join BRICS, News.AZ, https://news.az/news/-why-turkey-wants-to-join-brics-
[6] Burak Akinci, News Analysis: Türkiye interested in BRICS to tap into economic potential, Xinhuanet, http://www.chinaview.cn/europe/20240618/55022a3b183a4ac3990300878fd67626/c.html
[7] Seymur Mammadov, Why Turkey wants to join BRICS, News.AZ, https://news.az/news/-why-turkey-wants-to-join-brics-
[8] Ragip Soylu, Why Turkey wants to join Brics, Middle East Eye, https://www.middleeasteye.net/news/why-turkey-wants-join-brics
[9] New Cold War, “Turkiye Would Like to Join BRICS – Top Diplomat“, https://newcoldwar.org/turkiye-would-like-to-join-brics/
[10] Tencent, “下轮扩员时,土耳其能否加入金砖?中国已做回应,俄印或各有想法”, https://new.qq.com/rain/a/20230904A01I1W00
[11] Reuters (2024), “Kremlin welcomes Turkey’s reported desire to join BRICS“, https://www.reuters.com/world/kremlin-welcomes-turkeys-reported-desire-join-brics-2024-06-04/
[12] bne IntelliNews, “Ankara’s top diplomat holds out prospect of Turkey joining BRICS”, https://www.intellinews.com/ankara-s-top-diplomat-holds-out-prospect-of-turkey-joining-brics-328368/
[13] Conor Gallagher, Türkiye Shows Renewed Interest in Joining BRICS, Naked Capitalism, https://www.nakedcapitalism.com/2024/06/turkiye-takes-steps-towards-joining-brics.html
[14] Reuters (2024), “Kremlin welcomes Turkey’s reported desire to join BRICS“, https://www.reuters.com/world/kremlin-welcomes-turkeys-reported-desire-join-brics-2024-06-04/
[15] bne IntelliNews, “Ankara’s top diplomat holds out prospect of Turkey joining BRICS”, https://www.intellinews.com/ankara-s-top-diplomat-holds-out-prospect-of-turkey-joining-brics-328368/
[16] Doç. Dr. Ibrahim Karatas, ,Should Turkey Join BRICS?, Politic Today, https://politicstoday.org/should-turkey-join-brics/