Sáng kiến Vành đai và Con Đường (BRI), Sáng kiến Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) và bộ ba sáng kiến chiến lược gồm: Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến An tinh Toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI) đã thể hiện tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Với địa lý gần gũi, và tầm quan trọng về địa chính trị với cạnh tranh Mỹ – Trung, Đông Nam Á là một trong những địa bàn đầu tiên và trọng tâm trong việc thực thi các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc. Phản ứng của các nước Đông Nam Á khi tiếp nhận các sáng kiến có sự khác nhau từ trung lập đến rất tích cực.
Thực trạng triển khai các sáng kiến chiến lược của Trung Quốc tại Đông Nam Á
Bảy nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã đồng ý xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc. Các quốc gia này phần lớn được thúc đẩy bởi lợi ích của sự hợp tác chung với Trung Quốc hơn là hoàn toàn tán thành tầm nhìn của Bắc Kinh về một trật tự đa phương do Trung Quốc đứng đầu. Việc Trung Quốc có thành công trong việc biến Đông Nam Á thành một phần không thể thiếu trong “cộng đồng toàn cầu vì tương lai chung” hay không sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận của khu vực này đối với các chiến lược của Bắc Kinh. Trong số đó, GDI có sức hút lớn nhất, tất cả 10 nước ASEAN đã gia nhập Nhóm bạn bè (Group of Friends) của GDI tại Diễn đàn LHQ[1]. ASEAN có triển vọng trở thành nhóm khu vực lớn nhất được hưởng lợi từ sáng kiến này, với 14 trên tổng số 50 dự án (28%) trong đợt đầu tiên của Nhóm Dự án GDI[2]. Sự tiếp nhận GDI của các nước Đông Nam Á phản ánh mối quan tâm của họ đối với việc phát triển kinh tế xã hội và sẵn sàng hợp tác với các đối tác phù hợp như Trung Quốc. Hơn nữa, GDI liên quan đến các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn hoặc không nhạy cảm nhưng có thể mang lại lợi ích hữu hình như giảm nghèo, công nghiệp hóa, ứng phó với đại dịch, vắc xin, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và phát triển xanh cũng như kết nối kỹ thuật số. Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc vào tháng 8 năm 2022 “hoan nghênh Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI)… và khuyến khích tham gia vào ưu tiên GDI khu vực”[3]. Tiếp theo đó là việc thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về Tăng cường sự phát triển chung và bền vững tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 25 tại tháng 11/2022, khẳng định “cam kết phát triển” và “ưu tiên cam kết phát triển”[4]. GDI cũng được Trung Quốc sử dụng như một công cụ ngoại giao và diễn ngôn nhằm làm giảm uy tín của cách tiếp cận lấy an ninh làm trung tâm của Mỹ và các đồng minh thông qua chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bắc Kinh nêu cao lợi ích của hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi do Trung Quốc dẫn đầu so với việc xây dựng mô hình hợp tác có tổng bằng không của Mỹ và các nước phương Tây. Các nước Đông Nam Á cũng có khả năng chấp nhận GCI vì lời kêu gọi khoa trương về sự tôn trọng lẫn nhau và học hỏi từ các nền văn minh khác nhau cũng như tăng cường trao đổi giữa người với người. Tuy nhiên, họ sẽ trở nên cảnh giác nếu GCI trở thành đường dẫn cho các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Trung Quốc[5] hoặc làm suy yếu vai trò của Mỹ về mặt “giá trị”[6]. Mặc dù sự tiếp nhận GSI khác nhau giữa các nước Đông Nam Á nhưng phản ứng tổng thể tỏ ra khá im lặng và thận trọng. Theo khảo sát Nhà nước Đông Nam Á 2023, 44,5% số người được hỏi bày tỏ ít hoặc không tin tưởng rằng GSI sẽ mang lại lợi ích cho khu vực so với 27,4% những người cảm thấy tự tin hoặc rất tự tin. Những người trả lời từ Brunei, Campuchia và Lào ủng hộ GSI nhiều nhất trong khi những người từ Myanmar, Việt Nam, Indonesia tỏ ra thận trọng nhất, tiếp theo là Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore[7].
Còn riêng về BRI, vì đã có 10 năm triển khai và thực hiện, vì thế mức độ ảnh hưởng của nó tới các nước Đông Nam Á cũng sâu rộng hơn. Nhìn tổng thể, các nước Đông Nam Á đều đã tiếp nhận những dòng vốn đầu tư từ BRI nhưng với mức độ và thái độ khác nhau. Nhóm nước có thái độ tích cực với BRI của Trung Quốc bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và một phần là Indonesia cùng Malaysia.
Một thập kỷ trước, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu BRI, Thái Lan là một trong những nước ủng hộ chính cho BRI. Sự nhiệt tình này một phần là do mối quan hệ chặt chẽ hơn của Thái Lan với Trung Quốc sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Phạm vi của các dự án BRI rất rộng lớn, khiến việc xác định dự án nào có liên quan chính thức với BRI tại Thái Lan là rất khó khăn. Các dự án của sáng kiến này bao gồm từ phát triển cơ sở hạ tầng, đặc khu kinh tế đến thúc đẩy các hoạt động văn hóa. Những dự án này đã giúp củng cố mối quan hệ kinh tế của Thái Lan với Trung Quốc, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước và củng cố vai trò của nước này như một trung tâm khu vực. Lào và Campuchia là đối tác BRI quan trọng hàng đầu trong số các quốc gia thành viên ASEAN. Các nước vẫn thể hiện thái độ trung lập tiêu biểu có thể kể tới Việt Nam. Có một vài dự án BRI ở Việt Nam đã được Trung Quốc công bố trước đây và sau đó đưa vào BRI, bao gồm dự án Cát Linh – Hà Đông (đường sắt 2A) ký năm 2008 và nhà máy điện Vĩnh Tân năm 2007 (ở Việt Nam thường coi là các dự án đồng tài trợ bởi Trung Quốc hơn là dự án do Trung Quốc đầu tư). Gần đây, Việt Nam chính thức hoan nghênh BRI và các lãnh đạo cấp cao nêu bật tiềm năng của sáng kiến này. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tăng cường hợp tác để đảm bảo BRI có chất lượng cao, đánh giá cao Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu[8]. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng coi hợp tác Việt Nam-Trung Quốc theo BRI là “chất xúc tác” cho sự phát triển khu vực[9]. Thái độ của Philippines và Myanmar đối với BRI là không nhất quán, phụ thuộc chủ yếu vào Các dự án BRI phụ vào tính toán chính trị của chính phủ cầm quyền. Trong khi Philippines chính thức tham gia BRI dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III, chính phủ không theo đuổi bất kỳ dự án BRI lớn nào vào thời điểm đó. Ngược lại, các dự án BRI quy mô lớn chỉ được triển khai dưới thời chính quyền của Rodrigo Duterte. Khi Tổng thống Bongbong Marcos trở thành tổng thống vào năm 2022, ông đã hủy bỏ ba dự án đường sắt giai đoạn đầu ở Luzon và Mindanao. Marcos vẫn chưa đồng ý với bất kỳ dự án BRI mới nào[10]. Với trường hơp Myanmar, kể từ khi BRI ra mắt, quan điểm của Myanmar đã chuyển từ sự phụ thuộc đa dạng trong chính quyền của Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh (USDP) được quân đội hậu thuẫn từ năm 2012 đến năm 2016, sang hỗ trợ tích cực hơn mặc dù thận trọng trong chính phủ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) từ năm 2016 đến nay 2021. Sau cuộc đảo chính tháng 2/2021, chế độ quân sự của Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) đã ủng hộ BRI, tìm cách khởi động lại hoặc đẩy nhanh các dự án bị đình trệ hoặc trì hoãn trong nhiệm kỳ của NLD[11].
Sáng kiến toàn cầu còn lai của Trung Quốc là Sáng kiến Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (SDR) cũng nhận được thái độ tích cực của các khu vực Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á từ lâu đã là khách hàng lớn của các công ty công nghệ Trung Quốc dưới danh nghĩa DSR. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của DSR trong khu vực, Trung Quốc đã tìm cách thể chế hóa DSR thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm cả việc thiết lập các cơ chế và thể chế dành riêng cho DSR, tổ chức các sự kiện liên quan đến DSR và cung cấp các khoá đào tạo công nghệ. Những nỗ lực này chủ yếu được dẫn dắt bởi chính quyền địa phương, các trường đại học và các công ty tư nhân[12]. Chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đóng vai trò hỗ trợ bằng cách cung cấp khuôn khổ liên chính phủ về các khía cạnh khác nhau của hợp tác kinh tế số. Về thể chế, một ví dụ điển hình là Cảng thông tin Trung Quốc-ASEAN (CAIH) được thành lập của khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc vào năm 2016 nhằm biến Quảng Tây thành một “trung tâm kỹ thuật số” kết nối Trung Quốc và ASEAN[13]. Gần đây hơn, nhiều công ty và tổ chức phi chính phủ từ Trung Quốc và ASEAN cùng khởi động Liên minh Think Tank “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” theo định hướng ASEAN vào tháng 9/2022 để tăng cường hợp tác ASEAN-Trung Quốc về chuyển đổi kỹ thuật số. Ngoài ra, Trung Quốc đã tổ chức nhiều hội thảo và diễn đàn để hỗ trợ DSR phát triển ở Đông Nam Á.
Tổng quan thành tựu hạn chế của các dự án tại Đông Nam Á
Thành tựu
Trong 10 năm qua, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng hơn gấp đôi từ 443,61 tỷ USD năm 2013 lên 975,34 tỷ USD vào năm 2022. Đầu tư hai chiều đã tăng hơn ba lần từ 114,78 tỷ USD lên hơn 380 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 14 năm liên tiếp. ASEAN là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Trung Quốc và là một trong những điểm đến đầu tư phát triển nhanh nhất của Trung Quốc. Hai bên đã cùng hợp tác để Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, có hiệu lực vào năm 2022. Trước đại dịch, Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của ASEAN. Năm 2019, có hơn 65 triệu chuyến đi hai chiều và khoảng 4.500 chuyến bay giữa hai bên mỗi tuần. Trung Quốc và ASEAN đã gửi hơn 200.000 học sinh đến trường của nhau và thành lập 225 cặp thành phố kết nghĩa, có 38 Viện Khổng Tử ở ASEAN[14]. Cụ thể hơn, các sáng kiến của Trung Quốc đã đem lại sự phát triển nhanh chóng cho cơ sở hạ tầng của các nước Đông Nam Á.
Tại Lào, bằng cách tham gia Sáng kiến, quốc gia này đặt mục tiêu từ một quốc gia không giáp biển thành một quốc gia liên kết với đất liền và cung cấp nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao hơn và mức sống tốt hơn cho người dân. Dự án tiêu biểu nhất có thể kể tới là dự án Đường sắt Lào – Trung Quốc (LCR), bắt đầu vào năm 2016 và hoàn thành vào năm 2021 với chi phí khoảng 6 tỷ USD. Tuyến đường sắt chạy khoảng 1.000 km từ thành phố Côn Minh (Trung Quốc) đến Viêng Chăn[15]. Nó tạo ra những lợi ích kinh tế tích cực, giảm chi phí và thời gian vận chuyển. Tính đến tháng 5/2022, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển đã vượt hơn 20 triệu tấn. Trong đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới vượt hơn 4 triệu tấn, với giá trị tương ứng là 17,7 tỷ nhân dân tệ (2,5 tỷ USD). Trong quý đầu tiên của năm 2023, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Đường sắt Lào-Trung đã tăng 274,4% so với cùng kỳ năm trước[16]. Tuyến đường sắt Lào-Trung là biểu hiện của nỗ lực thiết lập một cộng đồng toàn cầu với tương lai chung cho nhân loại của Bắc Kinh. Cả hai bên có thể tăng cường hợp tác trong kết nối kinh tế và sức mạnh chính trị bằng cách hợp tác sâu rộng thông qua BRI. Quan trọng nhất, BRI có thể giúp biến Lào từ một quốc gia không có biển thành một trung tâm liên kết trên đất liền kết nối Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Singapore.
Tương tự như Lào, Campuchia cũng đã cải thiện nhanh chóng cơ sở hạ tầng của mình trong những năm vừa qua nhờ vào BRI. Campuchia đã có thể kết nối thủ đô với các vùng nông thôn của đất nước và cơ sở hạ tầng mới được cải thiện đã giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương và quốc gia. Các dự án BRI đã tập trung vào các loại cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, đường bộ và cầu. Một trong những dự án đáng chú ý nhất là Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville, giúp giảm thời gian di chuyển của người lái xe từ 5 đến 6 giờ xuống còn 2 giờ[17]. Người dân ở Phnom Penh có thể đi du lịch trong ngày tới các thành phố biển như tỉnh Sihanoukville, việc này đã khuyến khích hàng ngàn người đến thăm tỉnh này. BRI cũng đã thúc đẩy hoạt động chuyển tiền xuyên quốc gia giữa Trung Quốc và Campuchia bằng việc sử dụng công nghệ thanh toán kỹ thuật số. Hoạt động này đã khuyến khích thương mại xuyên biên giới và thúc đẩy khách du lịch Trung Quốc chi nhiều tiền hơn ở Campuchia chỉ bằng cách quét mã QR và thanh toán trên WeChat hoặc Alipay của họ. Hiện tại, các dự án BRI quan tâm nhiều đến tiêu chuẩn lao động cao, đào tạo trình độ cho người lao động địa phương và phát triển xanh. Người ta rất kỳ vọng rằng sẽ có thêm nhiều dự án BRI chảy vào Campuchia vì nước này vẫn có nhu cầu cao về cơ sở hạ tầng vật chất, đặc biệt là cầu và đường nông thôn[18].
Đối với Indonesia, từ góc độ kinh tế, đầu tư của Trung Quốc có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Indonesia, đặc biệt khi hướng tới phát triển cơ sở hạ tầng. Ưu tiên của chính phủ Indonesia là kết nối đảo Java với các khu vực phía đông, nơi có thể cải thiện đáng kể tăng trưởng kinh tế và kết nối khu vực.
Những lĩnh vực trọng tâm DSR của Trung Quốc đang triển khai tại Đông Nam Á gồm 5G, cáp quang và thương mại điện tử xuyên biên giới. Huawei và ZTE đã có những bước tiến đáng kể trong việc mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á thị trường kể từ năm 2020. Những thành tựu chính của Huawei bao gồm: xây dựng bệnh viện thông minh 5G đầu tiên của ASEAN ở Thái Lan[19]; cung cấp Giải pháp Đường sắt Thông minh cho Đường sắt Trung Quốc-Lào[20]; ký nhiều Biên bản ghi nhớ với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông địa phương ở Indonesia và ra mắt trung tâm dữ liệu “3AZ” đầu tiên ở Indonesia[21]. Tương tự, ZTE đã ký nhiều Biên bản ghi nhớ liên quan đến 5G với địa phương các nhà cung cấp dịch vụ ở Malaysia và có kế hoạch xây dựng an ninh mạng trung tâm ở Malaysia[22]. Các công ty công nghệ Trung Quốc như HMN Tech và China Unicom đã đầu tư rộng rãi trong việc xây dựng các tuyến cáp xuyên đất liền và cáp ngầm trên toàn cầu. Trung Quốc được cho là đã xây dựng 34 tuyến cáp đất liền và nhiều tuyến cáp ngầm với các nước láng giềng[23]. Vào tháng 5/2022, cáp ngầm SEA-H2X, một dự án do China Unicom khởi xướng, đã được khởi công xây dựng và đang dự kiến hoạt động vào năm 2024. HMN Tech, trước đây thuộc sở hữu của Huawei, cũng đã tích cực tham gia xây dựng cáp ngầm dưới biển ở Đông Nam Á. Các công ty công nghệ Trung Quốc thành công ở Indonesia là do họ chiến lược bản địa hóa, bao gồm việc cung cấp các buổi đào tạo về an ninh mạng cho địa phương quan chức chính phủ, chuyên gia và sinh viên đại học[24]. Ví dụ, vào năm 2021, Huawei đã triển khai khóa đào tạo kiến thức kỹ thuật số kéo dài 5 năm cho 100.000 quan chức chính phủ và một chương trình đào tạo nhân tài kỹ thuật số cho hơn 30 trường đại học ở Indonesia[25]. Vào năm 2023, công ty đầu tư mạo hiểm Kairous Capital có trụ sở tại Malaysia đã công bố ra mắt Hội đồng hợp tác kỹ thuật số Malaysia-Trung Quốc, nhằm mục đích “tạo điều kiện cho sự hợp tác xuyên biên giới lâu dài giữa các công ty Malaysia và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và sự đổi mới.”[26] Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các công ty Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực để tham gia vào thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á. Nổi bật nhất có thể kể tới hai ông lớn Alibaba và ByteDance đã đầu tư hàng tỷ USD nhằm chiếm lĩnh thị trường lớn và có khả năng tăng trưởng cao tại Đông Nam Á.
Những hạn chế và ảnh hưởng của các dự án tới đời sống kinh tế xã hội các nước Đông Nam Á
Bên cạnh những lợi ích đem lại về kinh tế và cơ sở hạ tầng cho các nước Đông Nam Á, BRI cũng đang có những ảnh hưởng tiêu cực tới các nước trong khu vực. Các ảnh hưởng tiêu cực mà nhiều nước đang lo ngại chung như “bẫy nợ”, ô nhiễm môi trường, gia tăng các mâu thuẫn xã hội và các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Tuy là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ BRI, Thái Lan luôn có những lo ngại về khả năng tài chính của một số dự án BRI và khả năng nước này rơi vào “bẫy nợ”, như đã thấy ở các quốc gia đối tác BRI khác về các điều khoản cho vay và mối quan ngại về chủ quyền. Những lo ngại về môi trường cũng đi kèm với các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường sắt cao tốc. Đã có những lo ngại về tác động sinh thái của một số dự án BRI ở Thái Lan, đặc biệt là ở những khu vực nhạy cảm, chủ yếu là do nạn phá rừng và sự di dời cộng đồng. Việc xây dựng đường sắt cao tốc, đặc biệt là gần thành phố cổ Ayutthaya, đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng gây thiệt hại vật chất và hình ảnh đối với các di tích lịch sử. Nhiều người lo lắng rằng việc xây dựng đường ray và nhà ga trên cao gần một số địa điểm cổ xưa có thể khiến UNESCO loại Ayutthaya khỏi danh sách Di sản Thế giới. Các vấn đề như thâm hụt thương mại, tác động đến môi trường và tác động đến cộng đồng vẫn là những vấn đề đang được quan tâm.
Tương tự với Thái Lan, sự phụ thuộc ngày càng tăng của Indonesia vào Trung Quốc có thể gây rủi ro cho nền kinh tế nước này vì đầu tư của Trung Quốc tăng lên có thể dẫn đến nợ tăng cao. Hiện tại, có 71 chương trình liên quan đến BRI với tổng giá trị là 20,3 tỷ USD của Trung Quốc tại Indonesia[27]. Mối lo tiếp theo của Indonesia là về các vấn đề xã hội đang cản trở việc thực hiện BRI. Một số dự án BRI, chẳng hạn như khu công nghiệp Morowali (IMIP) ở Trung Sulawesi, gây lo ngại về an toàn của người lao động. IMIP, trải rộng trên diện tích 3.200 ha và sản xuất 3 triệu tấn thép không gỉ, đã thông tin sai lệch liên quan đến dòng công nhân Trung Quốc đổ vào. Điều này đã dẫn đến căng thẳng giữa công nhân Indonesia và Trung Quốc, dẫn đến cái chết của một công nhân Trung Quốc và một công nhân Indonesia[28]. Hiện tại, chính phủ Indonesia đang mong đợi đầu tư tiếp theo của Trung Quốc vào thành phố thủ đô mới của Indonesia, có tên Nusantara (IKN), với hợp đồng trị giá 32 tỷ USD[29]. Mặc dù IKN rất quan trọng đối với sự phát triển của Indonesia nhưng nó làm dấy lên mối lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư của Bắc Kinh và tâm lý bài Trung Quốc tiềm ẩn ở Indonesia. Mặt khác, một số nêu ra các vấn đề kinh tế như tiến độ chậm, chi phí tài chính cao hơn dự kiến và quy trình đấu thầu không minh bạch.
Ngoài ra còn có những lo ngại chính trị nảy sinh từ các dự án BRI ở các quốc gia khác, chẳng hạn như nguy cơ bẫy nợ, trả đũa và mục đích sử dụng kép của cơ sở vật chất. Cuối cùng, có những vấn đề xã hội tiềm ẩn như thiệt hại về môi trường liên quan đến các nhà máy điện không tái tạo, vấn đề an toàn lao động và việc Trung Quốc sở hữu tài sản địa phương. Mặc dù Philippines được hưởng lợi về mặt kinh tế từ các hoạt động xây dựng và việc làm tại địa phương, nhưng các dự án BRI quy mô lớn này đã không làm thay đổi nền kinh tế Philippines theo hướng mô hình phát triển lâu dài và mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp dịch vụ quy mô vừa của Trung Quốc, đã trở thành đối tác liên doanh của các doanh nghiệp Philippines. Tuy nhiên, dịch vụ lại là lĩnh vực mạnh nhất ở Philippines, có nghĩa là đầu tư, việc làm và doanh thu sẽ chỉ tăng nhẹ. BRI cũng đã gián tiếp chuyển vốn bất hợp pháp của Trung Quốc vào Philippines. Dưới thời chính quyền Duterte, mối quan hệ Philippines-Trung Quốc được cải thiện tạo ra môi trường tốt hơn cho các công ty tư nhân đầu tư vào Philippines. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tăng vào dịch vụ, tài chính, bất động sản, bán buôn và bán lẻ và các lĩnh vực khác[30]. Tuy nhiên, nhiều công ty và nhà đầu tư nước ngoài này đã trực tiếp và gián tiếp làm việc với các công ty cờ bạc trực tuyến. Đầu tư cờ bạc trực tuyến đạt đến đỉnh điểm vào năm 2019, có đến 250-300 công ty dịch vụ và cờ bạc trực tuyến thành lập cửa hàng và nhập khẩu 500.000 lao động hợp pháp và bán hợp pháp từ Trung Quốc[31] đi kèm với rửa tiền, mại dâm và bạo lực gia tăng. Kể từ khi Marcos nhậm chức, nhiều công ty trong số này đã rời đi, nhưng một số vẫn ẩn náu trong các thành phố và đặc khu kinh tế. Đối với trường hợp của Malaysia, thông qua BRI, Malaysia đã phát triển nguồn nhân lực trên nhiều lĩnh vực trọng điểm như kỹ thuật số; dệt may; thép; năng lượng, giao thông, viễn thông v…v. Tuy nhiên, nhiều người Malaysia nhận thấy sự phát triển của các mối liên kết của các dự án BRI với nền kinh tế trong nước còn thưa thớt. Một cuộc khảo sát gần đây về tác động xã hội và nhận thức của cộng đồng về hai dự án BRI ở Malaysia, đó là khu công nghiệp Kuantan Malaysia – Trung Quốc và Trung tâm Đầu máy toa xe của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, cho thấy hai dự án này được nhìn nhận tích cực về mặt tạo việc làm và kích thích nền kinh tế địa phương. Nhưng cũng có những lo ngại về quyền đất đai, khung pháp lý cho liên doanh, quyền lao động và thực tiễn việc làm, tham vấn cộng đồng, tính minh bạch và truyền thông, đầu tư cộng đồng, cũng như các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa[32].
Với DSR, Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển sáng kiến này tại Đông Nam Á. Trong nước, Trung Quốc phải điều hòa sự phát triển ngày càng tăng căng thẳng giữa các công ty công nghệ nhà nước và tư nhân, xuất phát từ việc thắt chặt của Bắc Kinh những hạn chế đối với khu vực công nghệ tư nhân[33] và việc tìm kiếm lợi nhuận của các công ty công nghệ tư nhân trong khi tuân thủ và tận dụng các chính sách của nhà nước. Đối với các nước Đông Nam Á có các công ty công nghệ Trung Quốc, mối lo ngại có thể trở nên trầm trọng hơn khi các công ty Trung Quốc có nguy cơ chuyển các dữ liệu mạng cho chính phủ Trung Quốc nếu Bắc Kinh yêu cầu, theo quy định của luật an ninh mạng quốc gia và gián điệp ở nước này[34]. Điều này có thể dẫn đến việc chuyển dữ liệu quan trọng về Trung Quốc và có khả năng làm suy yếu an ninh mạng của các nước chủ nhà. Điều này có nghĩa là khi sự hiện diện kỹ thuật số của Trung Quốc được coi là mối đe dọa lớn hơn là sự bổ sung mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Trên bình diện quốc tế, tương lai của DSR ở Đông Nam Á sẽ được quyết định bởi khả năng của Trung Quốc trong việc đảm bảo vị trí thống trị trong các công nghệ tiên phong như 5G và AI, đồng thời tăng thị phần trong thị trường kỹ thuật số của khu vực trong bối cảnh sự cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.
Thái độ của các nước Đông Nam Á với GSI nhìn chung vẫn còn nhiều sự ngờ vực. Có một khoảng cách lớn giữa những phát ngôn và hành động của Trung Quốc. Từ đó nổi lên câu hỏi Trung Quốc sẽ giải thích và áp dụng những nguyên tắc của GSI như thế nào trong các vấn đề an ninh cụ thể khi lợi ích của Bắc Kinh xung đột với lợi ích của các nước láng giềng. Mặc dù nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền là điều kiện tiên quyết cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, chính sách và hành vi của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông lại không cho thấy điều đó. Các quốc gia Đông Nam Á không thể nào yên tâm với những tuyên bố về các quy chuẩn thuộc GSI của Trung Quốc trước những hành động quân sự hóa và quyết đoán của Trung Quốc và sự xâm lấn của Trung Quốc tại các vùng biển của các quốc gia ven biển khác. Tương tự như vậy, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc nhưng lại ủng hộ tuyên truyền cho Moscow biện minh cho việc tiến hành chiến tranh của mình ở Ukraine[35]. Nguyên nhân thứ hai cho sự dè dặt của Đông Nam Á về GSI cũng bắt nguồn từ sự lo lắng ngày càng tăng của họ về sự cạnh tranh Mỹ-Trung. Lo ngại GSI sẽ làm gia tăng áp lực buộc các quốc gia trong khu vực chọn phe là lý do lớn nhất khiến các chính phủ vẫn còn nghi ngờ về GSI[36].
Phản ứng của các bên và tác động của các sáng kiến
Nhiều nhà bình luận của Mỹ nhấn mạnh rằng BRI là công cụ giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện “Mục tiêu thế kỷ” (Centenary goals) là sự trỗi dậy của Trung Quốc[37]. Các nhà bình luận Mỹ cũng đưa ra một loạt các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn mà họ thấy việc BRI mang lại lợi ích vượt xa lợi ích kinh tế. Các học giả phương Tây có quan điểm về các sáng kiến của Trung Quốc, tiêu biểu, BRI là một trường hợp thực tiễn của ngoại giao bẫy nợ. Họ cho rằng các dự án của Trung Quốc phần lớn không quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận. Các nước đi vay sẽ không bị xiết nợ bằng cách tịch thu tài sản mà bị đẩy vào các cuộc đàm phán song phương nhằm phục vụ lợi ích chính trị của Trung Quốc[38]. Ngoài ra, họ cũng nêu bật những nỗi lo ngại về an ninh của các nước đi vay khi các dự án Thành phố thông minh tại các quốc gia này dựa trên mô hình giám sát của Trung Quốc. Các công nghệ dựa trên nhận dạng khuôn mặt và AI xâm lấn để giám sát các hoạt động an ninh và tiền tệ công cộng. Các sáng kiến này đôi khi được nhìn qua lăng kính về sự tiến triển được nhận thức trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc hướng tới việc sử dụng ảnh hưởng quốc gia một cách chủ động hơn và theo đuổi lợi ích toàn diện hơn. Tầm nhìn của Bắc Kinh nhằm xây dựng một “cộng đồng tương lai chung” với Đông Nam Á hình dung ra một kịch bản trong đó Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn, đủ để buộc các nước trong khu vực phải tôn trọng “lợi ích cốt lõi quốc gia” của mình và hạn chế sự can dự của họ với các cường quốc “ngoài khu vực”. Điều này sẽ không phù hợp với các quốc gia-dân tộc Đông Nam Á vốn đề cao chủ quyền và mong muốn duy trì trạng thái cân bằng lành mạnh trong quan hệ với các cường quốc. Sách trắng về “cộng đồng toàn cầu chia sẻ tương lai” ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã theo đuổi “sự tiến bộ cho toàn nhân loại và lợi ích chung của thế giới” kể từ khi được thành lập cách đây một thế kỷ. Tuy nhiên, những hành động trong quá khứ của CPC đặt ra vấn đề cho nước Đông Nam Á phải luôn cảnh giác trước các tác nhân bên ngoài lợi dụng tình hình trong nước của họ vì mục đích địa chính trị. Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng một “cộng đồng tương lai chung” với Đông Nam Á dường như đang đạt được tiến bộ tốt, nhưng những nước ủng hộ nỗ lực này không nhất thiết phải hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Trung Quốc thông qua các sáng kiến chiến lược của họ. Những nước chưa làm như vậy có thể sẽ không ngần ngại xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Mục tiêu cuối cùng của họ là tham gia một cách thực tế vào sự hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc mà không phải tuân theo kế hoạch lớn của Bắc Kinh về một trật tự khu vực mới.
Phương hướng và triển vọng triển khai trong thời gian tới
Trong bài phân tích của Trợ lý Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc – Nong Rong có đề ra bốn phương hướng nhằm thúc đẩy triển khai các sáng kiến của Trung Quốc tại Đông Nam Á trong tương lai.
Thứ nhất, tăng cường lòng tin chiến lược lẫn nhau và trở thành người dẫn đầu trong việc xây dựng một cộng đồng có tương lai chung. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải gắn liền Giấc mơ Trung Hoa với khát vọng của người dân các nước láng giềng.
Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới và trở thành hình mẫu về hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao. Trong đó nhấn mạnh phải hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN (ACFTA) 3.0, mang lại kết quả trong các lĩnh vực then chốt như kinh tế số, kinh tế xanh và kết nối chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng và mức độ hợp tác thương mại và đầu tư, đồng thời đạt được sự tích hợp sâu hơn của chuỗi sản xuất và cung ứng.
Thứ ba, đảm bảo sự ổn định và tiên phong thực hiện GSI. Ông có đề cập rằng Đông Nam Á vẫn có thái độ nghi ngờ do một số thế lực bên ngoài đang giật dây. Từ đó, ông chỉ ra nhiệm vụ làm thế nào để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt nghi ngờ và củng cố nền tảng tin cậy là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi nỗ lực nhất quán của cả hai bên. Trung Quốc sẽ hợp tác với ASEAN để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện GSI, đồng thời giữ cho sự phát triển và hợp tác của các bên tránh khỏi sự xói mòn và tác động của Chiến tranh Lạnh mới hoặc tâm lý bên được mất.
Thứ tư, tăng cường kết nối giữa người với người và đi đầu trong việc triển khai GCI. Năm trao đổi nhân dân Trung Quốc-ASEAN vào năm tới có thể tạo cơ hội để khuếch đại hơn nữa lợi ích của các dự án đặc trưng truyền thống và đảm bảo thực hiện hợp lý các sáng kiến hàng đầu mới như Viện thủ công hiện đại Trung Quốc-ASEAN và “Kế hoạch đào tạo cho 10.000 người”.
Trong tương lai, Trung Quốc cho rằng điều quan trọng là phải tuân thủ hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong việc chia sẻ kiến thức phát triển, được thúc đẩy bởi những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hợp pháp hóa và thúc đẩy ‘Mô hình Trung Quốc’ (China Model) trên trường quốc tế. Một biểu hiện của điều này là sự trỗi dậy của quốc tế nghiên cứu phát triển ở Trung Quốc, tập trung vào con đường phát triển của Trung Quốc và thúc đẩy nó như một mô hình phát triển trong quan hệ Nam-Nam toàn cầu[39]. Trung Quốc đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tri thức Quốc tế về Phát triển (CIKD) tích cực thúc đẩy GDI. Theo kế hoạch hành động 2021-2025 để thực hiện Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi chính sách và thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm về quản trị, bao gồm quản trị điện tử, khu vực công cải cách, nâng cao năng lực chính quyền địa phương, quản trị môi trường và kỹ thuật số quản trị[40].
Vấn đề đặt ra với Việt Nam và khuyến nghị các giải pháp
Với việc đã thống nhất xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai trong năm 2023, quan hệ hợp tác Việt – Trung đã lên một tầm cao mới. Các dự án thuộc các sáng kiến của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng cả về chất và lượng qua thời gian. Xu hướng này vừa đem lại cho Việt Nam những thời cơ và cả những thách thức không nhỏ. Thách thức đầu tiên có thể kể tới là chất lượng và tiến độ của các dự án có vốn đầu tư từ các sáng kiến của Trung Quốc. Tuyến tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông là bài học mà các nhà hoạch định chính sách của Hà Nội có lẽ vẫn chưa thể quên. Việt Nam luôn kiên trì, khẳng định rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và chính sách quốc phòng “bốn không”, tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu. Tuyên bố chung năm 2022 nêu “sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng” và “tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) – ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)”. Trong thời gian tới, hai nước tập trung hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số và kinh tế số, đường sắt cao tốc Bắc – Nam[41]. Những dự án trên sẽ là động lực thúc đẩy việc triển khai mạnh mẽ hơn các dự án thuộc các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc.
Để có thể phát huy tối đa những cơ hội và giảm thiểu những hạn chế, Việt Nam cần tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao được coi trọng với hình thức đa dạng, linh hoạt hơn. Ngoài số lượng chuyến thăm, thời điểm chuyến thăm cũng thể hiện sự coi trọng cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, lãnh đạo cao cấp hai nước xác định quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nay là quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới, khẳng định kiên trì phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt[42]. Sự tin cậy chiến lược giữa hai nước được củng cố và tăng cường giữa hai nước là kim chỉ nam giải quyết vướng mắc trong các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại đến vấn đề biên giới lãnh thổ. Đơn cử như, về kinh tế, thương mại, hai bên đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển thương mại song song với giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, đó là từng bước giảm nhanh tình trạng nhập siêu của Việt Nam, hay tình trạng hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thiếu ổn định, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực, trình độ công nghệ cao sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam…
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như như khủng bố, “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, tội phạm về ma túy, lừa đảo trên mạng, đánh bạc xuyên biên giới, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao… đang nổi lên nhanh chóng và thách thức Việt Nam. Việt Nam cần vừa có thái độ thận trọng và tranh thủ những hợp tác về an ninh với Trung Quốc thông qua GSI nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức trên./.
Tổng hợp và phân tích: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Hoàng Thị Hà (2023), “Why Is China’s Global Development Initiative Well Received in Southeast Asia?”, ISEAS, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2023/01/ISEAS_Perspective_2023_9.pdf
[2] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, “List of First-batch Projects of GDI Project Pool”, https://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx_662805/202209/P020220921624707087888.pdf
[3] “Chairman’s Statement of the ASEAN Post Ministerial Conference (PMC) 10+1 Sessions with the Dialogue Partners and Trilateral Meetings” (2022), ASEAN, https://asean.org/wp-content/uploads/2022/08/Final_Chairmans_Statement_of_PMC_101_Sessions_with_DPs__Trilateral-Meetings.pdf
[4] “ASEAN-China Joint Statement on Strengthening Common and Sustainable Development” (2022), ASEAN, https://asean.org/wp-content/uploads/2022/11/FINAL-ASEAN-China-Joint-Statement-on-Strengthening-Common-and-Sustainable-Development.pdf
[5] Andrew Weaver (2023), “The Clash of Xivilizations?”, The National Interest, https://nationalinterest.org/feature/clash-xivilizations-206852
[6] R. Evan Ellis (2023), “The Trouble With China’s Global Civilization Initiative”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2023/06/the-trouble-with-chinas-global-civilization-initiative/
[7] Sharon Seah (2023), “The State of Southeast Asia: 2023 Survey Report”, ISEAS, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2025/07/The-State-of-SEA-2023-Final-Digital-V4-09-Feb-2023.pdf
[8] Ngọc An (2023), “Việt Nam-Trung Quốc thúc đẩy kết nối ‘Vành đai và Con đường’ chất lượng cao”, Báo tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/viet-nam-trung-quoc-thuc-day-ket-noi-vanh-dai-va-con-duong-chat-luong-cao-20230629212924766.htm
[9] Thuý Quyên (2023), “Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham dự Hội nghị cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 8”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-9-18/Bo-truong-Nguyen-Chi-Dung-tham-du-Hoi-nghi-cap-caokvibfv.aspx
[10] Alvin Camba (2023), tldd
[11] Xinhua (2020), “Key expressway project of China to SE Asia passage resumes construction”, Xinhua Silk Road, https://en.imsilkroad.com/p/312153.html
[12] Wang Zheng (2024), “China’s Digital Silk Road (SDR) in Southeast Asia: Progress and Challenges”, ISEAS, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2023/12/ISEAS_Perspective_2024_1.pdf
[13] Ngeow Chow-Bing, “China-ASEAN Information Harbor: The Digital Silk Road from Guangxi to Southeast Asia”, Friedrich Ebert Stiftung, August 2021, https://library.fes.de/pdf-files/bueros/indones ien/18185.pdf.
[14] Nong Rong (2023), “Working together for a Closer China-ASEAN Community with a Shared Future”, Chinese Peoples’s Institue of Foreign Affairs, https://www.cpifa.org/en/cms/book/391
[15] Bouadam Sengkhamkhoutlavong (2023), tldd
[16] Bouadam Sengkhamkhoutlavong (2023), tldd
[17] “Phnom Penh-Sihanoukville Expressway” (2023), Road Traffic Technology, https://www.roadtraffic-technology.com/projects/phnom-penh-sihanoukville-expressway/
[18] Sovinda Po (2023), tldd
[19] “Thailand Launches ASEAN’s First 5G Smart Hospital” (2021), Huawei, https://www.huawei.com/en/news/2021/12/smart-hospital-thailand-5g-siriraj
[20] 8 “Huawei’s Smart Railway Solution and Connectivity Support New China-Laos High-Speed Train” (2021), Huawei, https://www.huawei.com/en/news/2021/12/huawei-laos-china-railway
[21] Heru Andriyanto (2022), “Huawei Builds Jakarta Data Center in Just 37 Days”, Jakarta Globe, https://jakartaglobe.id/tech/huawei-builds-jakarta-data-center-in-just-37-days
[22] 1 “Malaysia and Huawei Open Southeast Asia’s First Cybersecurity Center to Support 5G Growth” (2021), ASEAN Today, https://www.aseantoday.com/2021/02/malaysia-and-huawei-open-southeast-asias-first-cybersecurity-center-to-support-5g-growth/
[23] 6 “BizDataDive: China Proposed Digital Silk Road, Advancing Technology’s Reach” (2023), CGTN, https://news.cgtn.com/news/2023-07-05/China-proposed-Digital-Silk-Road-advancing-technology-s-reach-1lcelOvbTr2/index.html
[24] Gatra Priyandita, Dirk van der Kley, and Benjamin Herscovitch, “Localization and China’s Tech Success in Indonesia”, Carnegie Endowment for International Peace, 11 July 2022, https://carnegieendowment.org/2022/07/11/localization-and-china-s-tech-success-in-indonesia-pub-87477
[25] Zulfikar Rakhmat, “China’s Digital Silk Road in Indonesia: Progress and Implications”, LSE IDEA S, 28 July 2022, https://lseideas.medium.com/chinas-digital-silk-road-in-indonesia-progress-and-implication-b6996172262a
[26] Yimie Yong, “Kairous Capital to Establish Malaysia-China Digital Cooperation Council & Development Fund to Invest in Tech Sector in Both Countries”, TechNode Global, 4 April 2023, https://technode.global/2023/04/04/kairous-capital-to-establish-malaysia-china-digital-cooperation-council-226m-fund-to-invest-in-tech-sectors-in-china-malaysia/
[27] Fadhila Inas Pratiwi (2023), tldd
[28] William Yuen Yee (2023), “Ten Years On, How is the Belt and Road Initiative Faring in Indonesia?”, The Jamestown Foundation, https://jamestown.org/program/ten-years-on-how-is-the-belt-and-road-initiative-faring-in-indonesia/
[29] Stefanno Sulaiman (2023), “Indonesia, China discuss boost to investment and trade”, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/indonesia-china-discuss-boost-investment-trade-2023-09-08/
[30] Alvin A.Camba (2019), “Where is China money going? Gambling, real estate, tours, big cities big winners”, Phillipines Center for Investigative Journalism, https://pcij.org/article/3483/where-is-china-money-going-gambling-br-real-estate-tours-big-cities-big-winners
[31] Alvin Camba (2023), “Philippines should pull the plug on online gambling”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Opinion/The-Philippines-should-pull-the-plug-on-online-gambling
[32] Merdeka Center (2022), “SOCIAL IMPACT AND COMMUNITY PERCEPTION OF
BELT AND ROAD INITIATIVE PROJECTS IN MALAYSIA”, https://asiafoundation.org/wp-content/uploads/2022/04/Social-Impact-and-Community-Perception-of-Belt-and-Road-Initiative-Projects-in-Malaysia.pdf
[33] Zhang Lilian (2023), “A Timeline of China’s 32-Month Big Tech Crackdown That Killed the World’s Largest IPO and Wiped Out Trillions in Value”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/tech/big-tech/article/3227753/timeline-chinas-32-month-big-tech-crackdown-killed-worlds-largest-ipo-and-wiped-out-trillions-value
[34] Arjun Kharpal (2019), “Huawei says it would never hand data to China’s government. Experts say it wouldn’t have a choice”, CNBC, https://www.cnbc.com/2019/03/05/huawei-would-have-to-give-data-to-china-government-if-asked-experts.html
[35] Paul Mozur, Steven Lee Myers and John Liu (2022), “China’s Echoes of Russia’s Alternate Reality Intensify Around the World”, The New York Times, https://www.nytimes.com/2022/04/11/technology/china-russia-propaganda.html
[36] Hoang Thi Ha (2023), “Why is China’s Global security Initiative Cautioisly precerved in Southeast Asia?”, ISEAS, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2023/01/ISEAS_Perspective_2023_11.pdf
[37] Alek Chance (2016), “American Perspectives on the Belt and Road Initiative”, Institue for China-America Studies, https://chinaus-icas.org/wp-content/uploads/2017/02/American-Perspectives-on-the-Belt-and-Road-Initiative.pdf
[38] Michelle Marcus (2022), “Combatting the Seen and Unseen threats of China’s Digital Silk Road”, Network for Strategic Analysis, https://ras-nsa.ca/combatting-the-threats-of-chinas-digital-silk-road/
[39] Han Cheng (2023), “Global China’s Knowledge Infrastructure: The Rise of International Development Studies in China”, Global China Pulse, https://thepeoplesmap.net/globalchinapulse/global-chinas-knowledge-infrastructure-the-rise-of-international-development-studies-in-china/
[40] “7 Plan of Action to Implement the ASEAN-China Strategic Partnership for Peace and Prosperity (2021 – 2025)” (2021), ASEAN, https://asean.org/wp-content/uploads/2022/08/ASEAN-China-POA-2021-2025_Updated-with-ANNEX.pdf
[41] Trà Nguyễn (2023), “Phiên họp lần thứ 14 Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc”, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/phien-hop-lan-thu-14-uy-ban-chi-dao-hop-tac-song-phuong-viet-nam-trung-quoc-699813
[42] Nguyễn Thị Phương Hoa (2023), “Tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tiep-tuc-cung-co-quan-he-huu-nghi-truyen-thong-lam-sau-sac-hon-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-trung-qu-1