Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang ở trong trạng thái bất ổn nhất trong 5 năm trở lại đây và có vẻ sẽ còn xấu đi hơn nữa khi Triều Tiên bước vào giai đoạn thử nghiệm tên lửa khốc liệt nhất. Từ tháng 9 đến nay, Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tần suất cao chưa từng có, bao gồm cả vụ phóng thử tên lửa xuyên qua biên giới biển liên Triều vào ngày 02/11/2022, đánh dấu lần đầu tiên một tên lửa Triều Tiên rơi vượt ranh giới trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc kể từ khi hai nước ký kết thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953 cũng như vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày 03/11/2022 ra bờ biển phía phía Đông khiến Nhật Bản phát cảnh báo yêu cầu người dân trú ẩn. Có thể đây là một phần trong kế hoạch dài hạn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhằm tăng cường khả năng quân sự của đất nước; đồng thời thể hiện sự bất bình của Bình Nhưỡng đối với một loạt cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc thời gian qua cũng như các chính sách cứng rắn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về vấn đề Triều Tiên được đồng minh Mỹ ủng hộ. Tương tự, Mỹ và Hàn Quốc đã thể hiện khả năng phòng thủ cũng như quyết tâm không lùi bước trước một Triều Tiên ngày càng táo bạo. Câu hỏi đặt ra là liệu Triều Tiên đang muốn gì và tương lai về đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên liệu còn hy vọng hay không?
Trong những năm gần đây, các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đã không còn là điều gì mới lạ, tuy nhiên, hàng loạt vụ phóng thử tên lửa trong hai tháng trở lại đây khiến các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cảm thấy lo ngại vì chúng liên quan đến nhiều loại tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên cho rằng khó bị đánh chặn hơn và có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật; đồng thời báo hiệu về nguy cơ Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 trong thời gian tới.
Động lực thúc đẩy Triều Tiên tiếp tục gia tăng căng thẳng
Bán đảo Triều Tiên luôn ở trong tình trạng căng thẳng nhiều tuần qua do các cuộc tập trận và một loạt vụ thử tên lửa cùng bắn pháo từ cả hai bên. Những động thái được xem là để thị uy sức mạnh với đối phương của các bên khiến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên nóng hơn bao giờ hết. Vậy đâu là động lực khiến Triều Tiên tiếp tục gia tang căng thẳng?
Thứ nhất, việc Triền Tiên đẩy mạnh phóng thử tên lửa nói riêng cũng như tình trạng leo thang căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên nói chung bắt nguồn từ việc các bên thiếu đi một kênh liên lạc và đàm phán bền vững.
Triều Tiên đã tạm ngừng tất cả vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong năm 2018 để tạo tiền đề cho các cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc và không có thỏa thuận nào về việc loại bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trong quá khứ, Triều Tiên đã sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ để đưa Washington ngồi vào bàn đàm phán, do đó, theo logic này, kho vũ khí càng mạnh thì ông Kim càng có nhiều đòn bẩy.
Các cuộc đàm phán dưới thời Tổng thống Donald Trump không đạt kết quả, cộng với việc thiếu đi các kênh đàm phán đã hạn chế khả năng hành động và phản ứng của các bên, dẫn đến tình trạng leo thang vì bên nào cũng muốn thể hiện sự kiên định, quyết tâm trước các hành động của bên kia.
Thứ hai, môi trường địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động và bị phân tán bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine, khiến Triều Tiên nhận thấy nhiều dư địa để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm vũ khí. Thời điểm phóng thử tên lửa của Triều Tiên dựa trên cả các cân nhắc về lợi ích chính trị hơn là các yếu tố kỹ thuật.
Triều Tiên đang lợi dụng môi trường địa chính trị ngày càng đặc trưng bởi sự chia cắt sâu sắc giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga để leo thang chương trình thử nghiệm tên lửa mà không lo bị trừng phạt. Triều Tiên đã tăng cường sự liên kết với cả Nga và Trung Quốc với các cam kết hợp tác “chiến lược và chiến thuật” chặt chẽ hơn.
Thứ ba, Triều Tiên ngày càng cảm thấy bất an hơn với các phát ngôn, quan điểm và chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bên cạnh đó, việc Mỹ và Hàn Quốc khôi phục các cuộc tập trận quy mô lớn cũng khiến Bình Nhưỡng không thể ngồi yên.
Triều Tiên đã xây dựng được kho vũ khí đáng kể và có thể đã đạt thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa đạn đạo, do đó, việc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân là rất có thể xảy ra trong tương lai. Một số chuyên gia quân sự nhận định, rất có thể tháng 12 tới đây, Triều Tiên sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Mặc dù, Bình Nhưỡng sẽ tính toán để tên lửa không rơi xuống khu vực có nguy cơ gây ra hậu quả chính trị lớn tới mức vượt quá tầm kiểm soát nhưng việc đảm bảo tính an toàn của đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo khó hơn nhiều so với đầu đạn thông thường.
Mục đích của Triều Tiên khi gia tăng căng thẳng
Việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa thời gian qua nhằm đạt được nhiều mục đích khác nhau. Ngoài việc mong muốn chứng tỏ năng lực phòng thủ, năng lực quân sự của mình, Triều Tiên còn muốn thử phản ứng của liên minh Mỹ-Hàn và nhiều mục đích khác[1]. Cụ thể như sau:
Một là, Triều Tiên muốn chứng tỏ năng lực quân sự phát triển vượt trội: Bình Nhưỡng tin phản ứng từ cộng đồng quốc tế với loạt vụ phóng thử tên lửa sẽ chứng minh họ là cường quốc mà các đối thủ không thể phớt lờ. Các nỗ lực cải tiến vũ khí của Triều Tiên cần được thử nghiệm và chứng minh và đây là thời điểm thích hợp để cho Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản thấy rằng, họ là cường quốc quân sự thực sự.
Ông Carl Schuster – cựu Giám đốc Trung tâm Tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, hiện tại là giảng viên của Đại học Hawaii Pacific nhận định, các vụ phóng thử tên lửa gần đây cho thấy, Triều Tiên đã sở hữu, hoặc ít nhất đang hoàn thiện loại vũ khí có thể tiếp cận được đảo Guam, hoặc thậm chí xa hơn.
Hơn nữa, đây cũng là dịp để Triều Tiên thử nghiệm vũ khí và huấn luyện nhằm duy trì tính hiệu quả và khả năng sử dụng vũ khí thành thạo. Họ muốn kiểm tra xem các hệ thống dẫn đường được nâng cấp hoặc thiết kế đầu đạn mới có thành công hay không và hiệu quả của các loại vũ khí hiện tại đến đâu.
Hai là, Triều Tiên muốn chứng tỏ khả năng phòng thủ: Thông qua các cuộc thử nghiệm tên lửa, Triều Tiên muốn chứng tỏ khả năng phòng thủ tốt trước các hoạt động răn đe, phủ đầu từ phía Hàn Quốc. Trong bối cảnh, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh chính sách ngăn chặn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân; Triều Tiên đã thông qua luật quy định quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ và liên tiếp tiến hành hàng loạt vụ phóng thử tên lửa từ đầu tháng 9 đến nay.
Nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Bắc Á Bruce Klingner thuộc Viện Nghiên cứu The Heritage Foundation nhận định, thông thường các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên là để thử nghiệm các phát triển mới, tuy nhiên, các hoạt động thử nghiệm trong hai tháng qua có khả năng là hoạt động thử nghiệm các đơn vị hạt nhân chiến thuật sẽ được triển khai gần khu vực phi quân sự. Tất cả đều nhằm mục đích tăng cường khả năng tấn công phủ đầu của Triều Tiên.
Ba là, Triều Tiên muốn thử phản ứng của Hàn Quốc và Mỹ: Triều Tiên muốn đánh giá lại toàn bộ các biện pháp răn đe của Hàn Quốc và Mỹ cũng như các phản ứng chính trị thông qua việc triển khai các hành động khiêu khích từ việc triển khai tàu vượt qua Đường giới hạn phía Bắc (NLL) ở biển Hoàng Hải, việc pháo kích lẫn nhau đến việc tập trận không quân và phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến gần đảo Ulleung (Hàn Quốc) để đặt báo động an ninh. Việc thử nghiệm cũng nhằm tìm hiểu thêm về khả năng sẵn sàng của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc trước Triều Tiên.
Hơn nữa, đây cũng là cách để Triều Tiên gây áp lực buộc Washington và Seoul phải ngừng các hoạt động tập trận và thử nghiệm liên quan đến tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạn nhân, tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chiến lược. Triều Tiên muốn chứng minh rằng họ có đủ năng lực quân sự để tiếp cận được cả lãnh thổ của Nhật Bản và Mỹ nếu hai nước này tiếp tục can dự vào xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, dù chỉ là vai trò hỗ trợ[2].
Bốn là, Triều Tiên có nhiều chủ ý khi bắn tên lửa bay qua Đường giới hạn phía Bắc: Trên thực tế, Triều Tiên chưa bao giờ công nhận đường biên giới trên biển này với Hàn Quốc nên có thể đây là hành động thăm dò nhằm tiến tới việc “vô hiệu hóa” đường biên giới này trên thực tế. Đây cũng có thể là loạt sự kiện chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 của Bình Nhưỡng trong thời gian tới.
Năm là, Triều Tiên muốn thu hút chú ý và lôi kéo Mỹ vào bàn đàm phán: Trong bối cảnh thế giới đang dồn sự tập trung chú ý vào tình hình chiến sự Ukraine và vấn đề Triều Tiên có phần phai nhạt dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Triều Tiên muốn trở lại trung tâm của sự chú ý và tạo áp lực lên Mỹ, Hàn Quốc để nối lại các tiếp xúc ngoại giao và đàm phán.
Phó Giáo sư Yongwook Ryu, Đại học Quốc gia Hàn Quốc đánh giá, đây là “phong cách ngoại giao điển hình của Triều Tiên” hay còn gọi là “chiến thuật bên miệng hố chiến tranh (brinkmanship), trong đó một bên tích cực theo đuổi đến cùng các điều khoản để bên kia phải đồng ý hoặc từ bỏ.
Các nhà quan sát chính trị đánh giá, mặc dù thường xuyên bác bỏ các lời kêu gọi đàm phán, nhưng việc Triều Tiên tiếp tục thể hiện sức mạnh là nhằm tìm kiếm các cuộc đàm phán về cứu trợ và viện trợ kinh tế, tuy nhiên, theo điều kiện của họ. Triều Tiên muốn sử dụng năng lực hạt nhân và tên lửa như “lá bài” để mặc cả với Mỹ cùng các đồng minh nhằm có được nhượng bộ về mặt ngoại giao cũng như kinh tế. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cũng cho rằng, mục đích của Triều Tiên khi quay lại đàm phán là đưa căng thẳng trở lại trong tầm kiểm soát, chứ không phải tham gia vào các cuộc đàm phán thiện chí về phi hạt nhân hóa, vốn vẫn là mục tiêu chính sách kết hợp của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên.
Chính sách hạt nhân mới của Triều Tiên
Trên thực tế, dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Triều Tiên đã áp dụng học thuyết hạt nhân cứng rắn hơn và đe dọa sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy nguy hiểm.
Ngày 08/9/2022, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố: “Không có việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân” và Triều Tiên gạt bỏ “mọi đàm phán về việc phi hạt nhân hóa”. Ngày 09/9/2022, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (Quốc hội) đã thông qua luật “Chính sách về lực lượng hạt nhân” với các nội dung như sứ mệnh sức mạnh hạt nhân, quyền chỉ huy, kiểm soát, nguyên tắc, điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, quản lý, bảo trì và bảo vệ vũ khí hạt nhân, trong đó cho phép tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, đồng thời tuyên bố nước này là “quốc gia hạt nhân”. Luật này là sự cập nhật học thuyết quân sự của Triều Tiên, thay thế cho luật có từ năm 2013 (trong đó quy định Triều Tiên có thể dùng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi cuộc xâm lược hoặc cuộc tấn công của một quốc gia hạt nhân thù địch và thực hiện các cuộc tấn công trả đũa[3]). Luật mới cho phép Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu nếu họ phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào “các mục tiêu chiến lược” của Triều Tiên, trong đó có giới lãnh đạo của nước này. Luật cũng cấm mọi hành vi chia sẻ vũ khí hoặc công nghệ hạt nhân với các nước khác; đồng thời nêu rõ Triều Tiên phản đối mọi hình thức chiến tranh, bao gồm cả chiến tranh hạt nhân, thể hiện mong muốn xây dựng một thế giới hòa bình và công lý quốc tế được thực thi. Theo văn kiện này, việc đưa ra chính sách về các lực lượng hạt nhân và quy định pháp lý về sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm giảm tối đa nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Văn bản này quả thực là rõ ràng nhưng cũng chỉ là nhắc lại nội dung tuyên bố của ông Kim Jong Un hồi tháng 07/2022 nhân kỷ niệm 69 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Lúc đó, ông Kim đã nói rằng Triều Tiên sẵn sàng triển khai lực lượng răn đe hạt nhân trong trường hợp đối đầu với Mỹ và Hàn Quốc[4]. Hơn nữa, hàm ý tính chất “không thể đảo ngược được” của lực lượng hạt nhân cũng đã thể hiện trong Hiến pháp của Triều Tiên, được sửa đổi bổ sung hồi tháng 4/2012[5].
Giới quan sát cho rằng luật mới của Triều Tiên nhằm: (1) Chứng minh Triều Tiên nghiêm túc về học thuyết quân sự tập trung vào răn đe chiến lược; (2) Làm rõ với Mỹ và Hàn Quốc về những hành động mà họ sẽ thực hiện nếu bị đe dọa.
Việc Triều Tiên thông qua luật về “Chính sách về lực lượng hạt nhân” cũng như các động thái leo thang căng thẳng thời gian qua là đặc biệt đáng lo ngại. Trước đây không lâu, hãng Reuters tiết lộ rằng, trong báo cáo trình Ủy ban Cấm vận Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các giám sát viên độc lập cho rằng, các hoạt động tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri mở đường cho các vụ thử hạt nhân nhằm mục đích phát triển dòng vũ khí hủy diệt. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng tiếp tục phát triển năng lực sản xuất vật liệu phân hạch tại cơ sở hạt nhân chính Yongbyon[6].
Giới quan sát nhận định, có thể sắp tới Triều Tiên sẽ thực hiện bước đi nguy hiểm hơn là chế tạo vũ khí hạt nhân chiến thuật như bom trọng lực, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn, ngư lôi… được trang bị đầu đạn hạt nhân. Đây là loại vũ khí sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.
Phản ứng của các bên liên quan
Đối với Mỹ và đồng minh
Trước các động thái leo thang căng thẳng của Triều Tiên, Hàn Quốc đã không dừng lại ở cảnh cáo bằng lời mà tăng cường phản ứng mạnh mẽ. Hàn Quốc đã điều máy bay chiến đấu đến các khu vực hàng hải phía trên ranh giới giữa hai miền Triều Tiên và mở rộng cuộc tập trận chung với Mỹ.
Tháng 10/2022, Hàn Quốc tuyên bố một vụ thử hạt nhân mới sẽ vấp phải phản ứng “vô song” từ các đồng minh nhưng không chỉ rõ biện pháp đó là gì. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup cho biết, trọng tâm của các nỗ lực đối phó với Triều Tiên nên được chuyển từ kiềm chế phát triển vũ khí hạt nhân sang ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng phạm vi chia sẻ thông tin tình báo, lập kế hoạch, tập trận và diễn tập.
Mới đây nhất, ngày 02/11/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chỉ đạo quân đội phải hành động nhanh để “buộc Triều Tiên phải trả giá cho các hành động khiêu khích”. Phản ứng của Hàn Quốc cho thấy họ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về việc không nhượng bộ trước Triều Tiên.
Đối với Mỹ, nhiều năm áp dụng các biện pháp trừng pháp, gây áp lực ngoại giao và phô trương lực lượng quân sự đã không ngăn được Triều Tiên phát triển và mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa có thể vươn tới Mỹ. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horn cho biết, Mỹ và Hàn Quốc đang sát cánh đồng thuận trong nỗ lực tìm kiếm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”. Mặc dù biện pháp ngoại giao được ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên, Washington và Seoul đang tiếp tục làm việc cùng nhau để hạn chế việc Triều Tiên phát triển vũ khú hạt nhân. Phi hạt nhân hóa là mục tiêu cuối cùng và ngăn chặn Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Nhật Bản cũng đặc biệt quan ngại về các hành động leo thang căng thẳng của Triều Tiên, nhất là đối với các vụ phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã phải báo động, khuyến cáo người dân tìm chỗ trú ẩn trong nhà. Mặc dù Nhật Bản có năng lực để ngăn chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên, tuy nhiên, họ có nhiều lý do để không “ra tay”: (1) Việc đánh chặn có thể gây leo thang căng thẳng vì tên lửa của Triều Tiên không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản mà là ở Thái Bình Dương; (2) Việc ngăn chặn sẽ phơi bày năng lực của Mỹ và Nhật Bản, ở đây là khả năng cảnh báo sớm và việc sử dụng tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis; (3) Việc đánh chặn không thành công có thể gây lo ngại lớn cho người dân Nhật Bản, Mỹ, cùng đồng minh và đối tác, tạo cơ hội cho Triều Tiên lên tiếng; (4) Việc đánh chặn nếu xảy ra trên bầu trời một khu dân cư hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng có thể gây thiệt hại vì những mảnh vỡ rơi xuống.
Đối với Trung Quốc và Nga
Mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên, tuy nhiên, những biến động địa chính trị bất ngờ thời gian qua đã khiến Moscow và Bắc Kinh dường như không sẵn sàng bỏ phiếu tán thành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng do Mỹ khởi xướng và cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cần được nới lỏng.
Ngày 26/5/2022, đại diện Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo áp thêm lệnh trừng phạt lên Triều Tiên do nước này nối lại các vụ đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006 một dự thảo nghị quyết nhắm vào Triều Tiên bị chặn tại Hội đồng Bảo an.
Trước việc Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa, ngày 02/11/2022, cả Trung Quốc và Nga cùng kêu gọi các bên tránh bất kỳ bước đi nào có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa; nhấn mạnh việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như việc giải quyết các quan ngại của nhau một cách cân bằng thông qua đối thoại và tham vấn sẽ phục vụ lợi ích chung của khu vực. Mới đây nhất, tại cuộc họp lần thứ 9 trong năm 2022 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Triều Tiên vào ngày 05/11/2022, Nga, Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đấu khẩu, đổ lỗi cho nhau vì căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên; đồng thời cho rằng Liên Hợp Quốc nên tập trung vào giảm căng thẳng trên Bán đảo.
Triển vọng cho đối thoại về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là một trong những vấn đề lâu năm và đầy nan giải. Tuy nhiên, đối thoại Mỹ – Triều đóng băng 04 năm qua sau hai cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đàm phán rơi vào bế tắc khi Mỹ kiên quyết đòi Triều Tiên giải trừ hạt nhân toàn diện, trong khi Bình Nhưỡng muốn cắt giảm năng lực hạt nhân theo từng phần và yêu cầu Washington đồng thời dỡ lệnh trừng phạt để tạo thiện chí. Đến nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, hai bên không thể đối thoại khi Washington giữ lập trường không chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Giới chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, việc thừa nhận Triều Tiên là “quốc gia hạt nhân” sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nguy hiểm đối với nỗ lực toàn cầu về ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, những gì Mỹ và đồng minh thể hiện thời gian qua cho thấy, họ đã chuyển từ việc kiềm chế sang ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ngoài việc nối lại các cuộc tập trận ở quy mô lớn thì các biện pháp của Mỹ và đồng minh vẫn chưa thực sự rõ ràng. Hơn nữa, các động thái quân sự lẫn ngôn từ cứng rắn mà Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục tung ra thời gian qua chỉ phản ánh thực tế họ đã cạn ý tưởng và phương án kiềm tỏa tham vọng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng sẽ không quan tâm đến đối thoại và tiếp tục có các động thái gia tăng căng thẳng chừng nào Washington còn nhắc đến mục tiêu phi hạt nhân hóa, cho dù đây là mục tiêu chính sách dài hạn hay trước mắt của Washington đi chăng nữa. Thông điệp của ông Kim Jong Un là Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và sẽ sở hữu mãi mãi, đồng thời muốn sử dụng chúng như thế nào là tùy ý. Do đó, ý tưởng buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân là phi thực tế.
Căng thẳng nối tiếp căng thẳng, những hành động mang tính “ăn miếng trả miếng” từ các bên liên quan vẫn tiếp tục diễn ra, khiến đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên càng trở nên bế tắc. Hơn nữa, các biến động địa chính trị đầy bất ngờ trên thế giới cũng như cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng tốc ở châu Á và căng thẳng chiến lược Mỹ – Trung đã tác động đáng kể đến quyết sách của Bình Nhưỡng. Rõ ràng là Triều Tiên không thể cân nhắc việc phi hạt nhân hóa khi phần còn lại của khu vực, trong đó có Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục tăng cường năng lực vũ trang. Đó là kịch bản không tưởng.
Dự báo tình hình trong thời gian tới
Đối với Triều Tiên
Trong thời gian tới, với học thuyết mới về chính sách hạt nhân, Triều Tiên sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa, thậm chí nguy cơ về việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 là rất dễ xảy ra. Hiện tại, Bình Nhưỡng sẽ không sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối thoại nào khi mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết ông chưa “hứng thú” gắp bất cứ ai, ngoại trừ cựu Tổng thống Trump và khi mà Washington vẫn giữ quan điểm về việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên như lâu nay.
Đối với Hàn Quốc
Với đường lối cứng rắn về vấn đề Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol, cộng với sự hẫu thuận rất lớn từ đồng minh Mỹ, Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, đẩy mạnh hơn nữa năng lực thực thi răn đe mở rộng như mở rộng hệ thống phòng thủ ba trụ cột, xúc tiến xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thành lập “Bộ Tư lệnh chiến lược” vào năm 2024 nhằm dẫn dắt, kiểm soát hiệu quả, phát triển chiến lược một cách có hệ thống đối với “Hệ thống phòng thủ ba trụ cột”. Đây là kế hoạch ứng phó của quân đội Hàn Quốc bao gồm Hệ thống tấn công phủ đầu bằng tên lửa “Kill Chain”, Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD) và Hệ thống trừng phạt và đáp trả trên diện rộng (KMPR) nhằm phát hiện, đánh chặn tên lửa, hạt nhân và phá hủy các cơ sở trọng tâm như bộ chỉ huy của Triều Tiên[7].
Đối với Mỹ
Washington sẽ tiếp túc bảo vệ quan điểm tiếp cận Bình Nhưỡng với tâm thế “không từ bỏ vũ khí hạt nhân thì không đàm phán”; tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt, nhấn mạnh chính sách răn đe hạt nhân đã được kiểm chứng và các quy trình liên liên quan; đồng thời tăng cường các cuộc tập trận quy mô lớn với đồng minh Hàn Quốc cũng như triển khai lực lượng hải quân, không quân áp sát và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến và động thái của Triều Tiên.
Washington sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để đảm bảo năng lực răn đe với Triều Tiên, trong đó liên quân Mỹ – Hàn sẽ mạnh tay hơn và có biện pháp đối phó áp đảo nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, liên quân Mỹ – Hàn Quốc – Nhật Bản cũng sẽ khó có thể sử dụng biện pháp quân sự để đối phó với Triều Tiên bởi đều có những cái khó riêng: (1) Hàn Quốc không thể triển khai biện pháp quân sự vào thời điểm này vì hậu quả sẽ khôn lường, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng không nhỏ đại dịch Covid-19 cũng như tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga – Ukraine thời gian qua; (2) Nhật Bản vẫn đang trong quá trình cải cách Hiến pháp bao gồm việc đưa quân ra nước ngoài; (3) Mỹ cũng khó có thể quyết định một mình trong trường hợp đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản chưa thể đưa ra hành động chung.
Như vậy, thời điểm hiện tại các bên có thể sẽ có các động thái gia tăng căng thẳng mới, nhưng xung đột không thể xảy ra. Nhiều khả năng, diễn biến trước mắt sẽ dừng lại ở việc Triều Tiên tăng cường các vụ phóng tên lửa; các bện sẽ không chọn con đường xung đột, bởi tình hình thế giới đã đang rất phức tạp và suy cho cùng, các bên đều không có lợi ích khi xung đột nổ ra.
Những diễn biến thời gian qua cho thấy, tương lai về một tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên có thể cần mất nhiều thời gian hơn. Các bên sẽ khó có thể ngồi vào bàn đàm phám khi tiếp tục giữ quan điểm riêng về vấn đề phi hạt nhân hóa. Chính vì vậy, việc sớm tìm ra giải pháp giải quyết căng thẳng, tránh để mọi việc leo thang quá mức ảnh hưởng tới an ninh khu vực và thế giới là điều quan trọng nhất lúc này. Có lẽ đã đến lúc, Mỹ và đồng minh cần thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Thay vì tiếp tục đòi hỏi phi hạt nhân hóa toàn diện, Mỹ cần chấp nhận thực tế Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân để từ đó có thể chuyển trọng tâm đàm phán sang giảm rủi ro xung đột và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Washington và Bình Nhưỡng vẫn có cơ hội quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai với điều kiện tiên quyết là quan hệ giữa các bên được cải thiện vượt bậc với những xu hướng địa chính trị chuyển dịch tích cực hơn hiện nay. Chỉ chừng nào tư tưởng và quan điểm của các bên cùng gặp nhau thì đối thoại phi hạt nhân hóa mới có thể tái khởi động và mang lại hiệu quả thực chất.
Tác giả: Nguyên Long
Tài liệu tham khảo
[1] https://www.cfr.org/in-brief/north-korea-has-escalated-its-military-provocations-heres-why
[2] https://nypost.com/2022/11/07/north-korea-missile-tests-were-south-korea-us-attack-practice/
[3] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/nkorea-passes-law-declaring-itself-nuclear-weapons-state-kcna-2022-09-08/
[4] https://www.npr.org/2022/07/28/1114179064/kim-threatens-to-use-nukes-amid-tensions-with-us-s-korea
[5] https://www.piie.com/blogs/north-korea-witness-transformation/dprk-constitution-and-nuclear-weapons
[6] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-paves-way-more-nuclear-tests-un-report-2022-08-04/
[7] http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=e&Seq_Code=169770