Cuộc xung đột Nga-Ukraine gần được 2 năm, gây ra những hậu quả nặng nề về nhân đạo, kinh tế và chính trị cho cả hai bên. Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của cuộc xung đột này là làn sóng di cư khổng lồ, khiến hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ quê hương. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, những người di cư vẫn đang từng ngày mưu sinh ở những nơi tị nạn xa xôi, rời xa quê hương để bảo toàn sự sống cho mình. Vấn nạn “di cư’ trở thành một một trong những vấn đề nhân đạo gây nhức nhối trong thế giới đầy biến động hiện nay.
Khái quát tình hình di dân ở Ukraine ra bên ngoài trong 2 năm xung đột
Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới hiện nay. Hàng triệu người tị nạn đã vượt biên sang các nước láng giềng và nhiều người khác phải di dời trong nước. Theo cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, cơ quan đối chiếu số liệu thống kê được ghi nhận bởi cơ quan nhập cư quốc gia, ít nhất 660.000 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã trốn khỏi Ukraine để đến các nước láng giềng ở phía tây trong 5 ngày đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine xảy ra[1]. Anna Rogachova, 34 tuổi, một người nội trợ đến từ Odessa, một thành phố trên Biển Đen, cho biết: “Chúng tôi không biết mình sẽ đi đâu”, vài phút sau khi vượt qua Moldova cùng cô con gái 8 tuổi “Và chúng tôi không biết khi nào chúng tôi sẽ quay lại.” “Hãy cho thế giới biết,” bà Rogachova nói và chỉ vào chiếc vali nhiều màu ở phía sau xe của mình. “Chúng tôi đã bỏ lại mọi thứ. Chúng tôi đặt cả cuộc đời mình vào chiếc túi duy nhất này.”[2].
Trong vòng 1 tuần, con số này lên đến một triệu người – đây là con số mà Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), báo cáo số người đã rời khỏi Ukraine[3]. Nhiều tuần, nhiều tháng trôi qua nhanh chóng và số người chạy trốn tiếp tục gia tăng. Vào tháng 3/2021, Liên Hợp Quốc dự đoán rằng sẽ có tổng cộng 4 triệu người tị nạn. Đến cuối tháng 4, số người trốn khỏi Ukraine lên tới 5,5 triệu người và đến cuối tháng 6 con số này là 6,5 triệu người[4].
Vào thời điểm này, trên thế giới đã đồng thời thúc đẩy phản ứng nhân đạo rộng rãi của cả chính phủ và người dân đối với người tị nạn. Họ đã được che chở trong các trường học được cải tạo cũng như các căn hộ tư nhân, trại tạm bợ,trung tâm hội nghị, nhà máy rượu vang cao cấp và thậm chí là nhà của một nhà lập pháp Moldova[5]. Ngược lại phản ứng các làn sóng di cư trước đây, các nước láng giềng như Ba Lan và Hungary đã mở cửa biên giới cho tất cả mọi người chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của Nga. Chính quyền Ba Lan đã cung cấp trợ giúp toàn diện cho người tị nạn, bao gồm cả việc đi tàu miễn phí và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ba Lan cũng bỏ yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm Covid âm tính. Hungary đã mở cửa các phần biên giới bị đóng cửa đối với người di cư. Moldova đã có mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ và tiếp đón các gia đình vượt biên. Đức và Áo đang cung cấp chuyến đi tàu miễn phí cho những người muốn đến đất nước của họ[6].
Đối với EU, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ Liên minh Châu Âu cho rằng họ đã kích hoạt Thỏa thuận ứng phó với khủng hoảng chính trị nhằm hỗ trợ các nước thành viên xử lý những vấn đề liên quan tới dòng người tị nạn[7]. Thỏa thuận cho người tị nạn Ukraine quyền sống và làm việc tại EU trong tối đa ba năm. Người Ukraine cũng sẽ có thể làm việc, tiếp cận giáo dục và nhà ở mà không cần phải xin tị nạn.
Đối với Mỹ, Tổng thống Joe Biden vào thời gian đầu cũng đã công bố kế hoạch bắt đầu đưa những người Ukraine chạy trốn chiến tranh sang Mỹ, thực hiện lời hứa mà tổng thống đã đưa ra gần một tháng trước là chào đón tới 100.000 người tị nạn Ukraine. Ông Biden cho biết chương trình này sẽ “nhanh chóng” và “sắp xếp hợp lý”: “chương trình nhân đạo mới này sẽ bổ sung cho các con đường pháp lý hiện có dành cho người Ukraine… Nó sẽ cung cấp một kênh thích hợp để di cư hợp pháp an toàn từ châu Âu sang Hoa Kỳ cho những người Ukraine có nhà tài trợ của Hoa Kỳ.”[8]
Như vậy, có thể thấy rằng, thời điểm ban đầu, “tình đoàn kết” lan tỏa ở các quốc gia tiếp nhận người tị nạn một cách phi thường. Các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu đã thực hiện các biện pháp chưa từng có, lần đầu tiên nhanh chóng kích hoạt Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời, đảm bảo quyền tiếp cận sự bảo vệ và dịch vụ cho người tị nạn từ Ukraine. Các quốc gia châu Âu khác hay Mỹ đã mở rộng các chương trình bảo vệ tương tự.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, Vương quốc Anh đã có thái độ khác với các nước láng giềng châu Âu và cả Mỹ. Chính phủ cho biết họ chỉ có thể tiếp nhận 200.000 người tị nạn trở lên nếu họ là họ hàng của công dân Anh hoặc người Ukraine đã định cư ở đây. Các doanh nghiệp cũng sẽ được phép tài trợ cho một người Ukraine đến Vương quốc Anh.
Các điểm đến chính của làn sóng di dân của người Ukraine
Trong những tháng đầu của cuộc xung đột Ukraine, 20% người dân đã nhanh chóng rời khỏi Ukraine và di cư đến các nước Phương Tây (có một bộ phận di cư sang Nga) chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người già,… Dưới những phản ứng ủng hộ của các nước láng giềng, EU, Mỹ… một làn sóng di cư đạt những con số kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua.
Các chuyến bay dân sự nội địa đã bị huỷ bỏ vào những ngày đầu tiên. Kể từ đó, mọi người hướng về phía Tây sang các nước láng giềng bao gồm Ba Lan, Romania, Moldova và Hungary. Gần 548.000 người đã trốn sang Ba Lan. Hơn 133.000 người đã đến Hungary, 72.000 người đến Slovakia, 51.260 người đến Romania và gần 98.000 người đến Moldova ngoài EU, quốc gia nghèo nhất châu Âu, khoảng 350 người, đã tới Belarus (bản đồ 1)[9].
Đến 20/9/2023, Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn một năm sau khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine số công dân Ukraine lưu vong lên đến 4,8 triệu người đã trốn sang một nước thành viên EU và Vương quốc Anh. Về con số tuyệt đối, Ba Lan (khoảng 1,5 triệu) và Đức (khoảng 1 triệu) tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraina nhất vào năm 2023. Mỗi nước có số người Ukraine nhiều gấp đôi so với Cộng hòa Séc (490.000), là quốc gia thành viên EU lớn thứ ba tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine theo số liệu của UNHCR.
Ba Lan, quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất EU. Vào những ngày đầu, gần 548.000 người, sau gần 2 năm con số này đã nâng lên khoảng 1,2 đến 1,5 triệu người và hơn 30% người tị nạn Ukraine có ý định ở lại Ba Lan sau cuộc xung đột kết thúc. Một số lý do người Ukraina chọn Ba Lan làm nơi cư trú sau khi trốn khỏi quê hương: thứ nhất là sự gần gũi nói chung về mặt văn hóa, ngôn ngữ và địa lý (bao gồm cả xu hướng tự nhiên khi Ukraine là quốc gia có chung đường biên giới dài 500 km với Ba Lan). Thứ hai, sự hiện diện của gia đình và bạn bè trước khi chiến tranh bùng nổ, có khoảng 1,35 triệu người Ukraine ở Ba Lan. Thứ 3, cả hai nước đều phải trải qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế hậu Xô Viết sang một quốc gia châu Âu hiện đại. Chính vì vậy, Ba Lan trở thành một lựa chọn khá rõ ràng cho những người chạy trốn xung đột ở Ukraine.
Như vậy, sau cuộc xung đột, người Ukraine chủ yếu vượt biên qua các nước láng giềng, số lượng lớn cùng những sự hoảng loạn đã gây ra tình trạng khủng hoảng di cư, gây ra những tác động không nhỏ đối với cả người di cư và những quốc gia họ đến cư trú.
Tác động của cuộc di cư đến người di cư và quốc gia sở tại
Di cư phần lớn để lại những tác động tiêu cực cho chính bản thân người di cư (đặc biệt trong tình trạng bất ổn về tình hình an ninh trong quốc gia mình), tuy nhiên đối với những quốc gia nhận người di cư, điều đó cũng không hẳn chỉ mang đến những điều tiêu cực.
Những người di cư là những người họ buộc phải rời bỏ nhà cửa, di cư trong nước hoặc tìm nơi ẩn náu xuyên biên giới để thoát khỏi cuộc xung đột ở Ukraine, đe dọa tính mạng và điều kiện sống của họ. Cuối cùng, những người tị nạn phải sống trong các trại trong một thời gian dài, nơi những người tị nạn sống mà không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết, và nhiều người trong số họ phải đối mặt với bạo lực thể xác và tình dục. Nhiều trẻ em có thể phải chịu tổn thương do chiến tranh hoặc bị đàn áp, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe thể chất và tinh thần trong một thời gian dài sau khi sự việc xảy ra. Những hành vi gây tổn thương này có thể xảy ra khi họ đang ở trong nước, trong quá trình làm thủ tục di dời khỏi nước họ hoặc thậm chí trong quá trình làm thủ tục tái định cư ở nước sở tại. Đối với người lớn và trẻ em bị buộc phải tìm nơi ẩn náu, họ phải chịu đựng những vấn đề khác nhau, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng, v.v[10]. Những người tị nạn đã chịu nhiều mất mát. Họ mất đất nước, tiền bạc, lối sống, sự an toàn và an ninh. Sự nghiệp của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chẳng hạn như việc học hành của con cái. Điều đau buồn nhất là sự mất mát bạn bè, đồng nghiệp, người thân, gia đình hoặc hàng xóm. Bi kịch của người tị nạn càng gia tăng khi nỗi buồn gắn liền với những điều gây sốc và xáo trộn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Như vậy, nhìn chung, những người di cư, do những điều kiện bất lợi, buộc họ phải “tha hương cầu thực” tìm kiếm sự sống còn trên mạnh đất “xa xứ”.
Ở quê nhà, mặc dù sau 2 năm, cuộc xung đột dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, hai bên tiếp tục giằng co và tranh chấp lãnh thổ. Kể từ thời điểm cuộc xung đột Ukraine bùng nổ tháng 2/2022 đến 12/2023 có hơn 6.357.100 người di cư trên toàn cầu do Tổng hợp số liệu thống kê của UNHCR do chính quyền cung cấp[11]. Giai đoạn đầu các nước Phương Tây, EU, Mỹ “dang tay chào đón”, tuy nhiên cũng có những nhận định và luồng ý kiến cho rằng: những người tị nạn Ukraine sẽ trở thành gánh nặng cho các quốc gia. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi cũng từng nhận định: “Tình hình diễn biến quá nhanh và mức độ rủi ro cao đến mức các nhà nhân đạo không thể phân phối viện trợ một cách có hệ thống“, theo báo Newsweek. Bà Ylva Johansson, phụ trách về nội vụ của Cao ủy châu Âu, nói với mạng truyền hình Euronews: “Chúng ta không nên ngây thơ. Hàng triệu người tị nạn Ukraine tất nhiên sẽ gây ra thách thức cho xã hội của chúng ta”[12]. Chính vì vậy, các quốc gia phải thắt chặt hơn những biện pháp kiểm soát đối với người tị nạn Ukraine và “khai thác triệt để tiềm năng con người này”. Theo luồng ý kiến thông thường, có thể thấy rằng, phần lớn người di cư là những phụ nữ, trẻ nhỏ, người già và những người dễ bị tổn thương khỏi cuộc xung đột, chính vì vậy họ có ít khả năng đóng góp cho nền kinh tế và thời điểm ban đầu phải chi tốn chi phí ăn ở, đi lại… cho người di cư. Hơn thế, vốn là những người di cư, nên họ bị rào cản về ngôn ngữ, văn hóa với người bản địa. Điều quan trọng là cuộc sống lưu vong vẫn sẽ tồn tại bất lợi, vì vậy ngay cả việc cư trú ở một đất nước thân thiện với người nhập cư Ukraine, chẳng hạn như Ba Lan, cũng gây ra lo lắng như vậy. Một số quốc gia châu Âu có đường biên giới với Ukraine như Ba Lan, Hungary, Romania… đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng buộc người tị nạn phải bươn chải để kiếm sống, điều này khiến chính quyền nước sở tại khó quản lý và kiểm soát tình hình. Làn sóng tị nạn cũng đặt gánh nặng lên vai các nước châu Âu về chăm sóc y tế, việc làm, giáo dục con cái và vấn đề lưu trú bất hợp pháp. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), việc tái định cư cho người tị nạn Ukraine ước tính sẽ tiêu tốn ít nhất 43 tỷ euro, tương đương với 1/4 tổng chi tiêu dự tính trong năm 2022 của EU[13], giữa lúc khối này vẫn đang gồng gánh áp lực từ cuộc khủng hoảng di cư ở phía bên kia bờ Địa Trung Hải.
Mặc dù những thách thức như vậy, tuy nhiên, theo Ghi chú thảo luận của nhân viên NBU, tác động của việc di cư bắt buộc từ Ukraine đối với nền kinh tế của các quốc gia tiếp nhận về lâu dài sẽ là tích cực[14]. Hiệu quả tài chính sẽ tích cực đối với châu Âu về lâu dài, vì người Ukraina đang hội nhập tốt vào thị trường lao động châu Âu đang đóng thuế và các chi phí khác. Điển hình Ba Lan, quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất EU. Trước đây, người tị nạn từ Ukraine được ở miễn phí trong các khu tập thể và được Chính phủ Ba Lan hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Đến ngày 1/3/2023, Quốc hội Ba Lan đã thông qua một điều khoản thay đổi quy chế đối với người tị nạn Ukraine. Theo quy định mới, người tị nạn Ukraine ở các trung tâm hỗ trợ của Chính phủ Ba Lan quá 120 ngày sẽ phải trả 50% chi phí sinh hoạt. Đến tháng 5/2023, mức phí này đã tăng lên 75%[15]. Chi tiêu của người di cư Ukraine hỗ trợ nền kinh tế của các nước tiếp nhận chủ yếu dưới hình thức tiêu dùng cá nhân. Đặc biệt, chi phí ở nước ngoài của người Ukraine tăng hơn gấp ba lần năm 2022 so với năm trước, đạt 2 tỷ USD/tháng. Chi tiêu cho người di cư Ukraine cũng thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng nhà ở, y tế và giáo dục (có tính đến chiếm tỷ lệ lớn ở trẻ em, dao động từ 28% đến 44% ở nhiều quốc gia khác nhau). Theo tính toán, dựa trên ước tính trong báo cáo của IMF (2020) và kết quả khảo sát của Liên Hợp Quốc và Trung tâm Razumkov, tất cả những thứ khác đều bình đẳng, sự đóng góp của người di cư Ukraine sẽ thúc đẩy sản lượng vào năm 2026 tăng 2,2%–2,3% ở Estonia, Ba Lan và Séc, và 0,6%–0,65% ở Đức[16].
Thứ hai, tác động đến thị trường lao động. Thị trường lao động của các nước tiếp nhận người di cư Ukraine sẽ chịu tác động từ sự hòa nhập của họ. Vì Ukraine có nhiều điểm tương đồng về mặt địa lý và văn hóa với các nước châu Âu, cộng đồng người Ukraine hải ngoại khá lớn và họ được hưởng sự bảo vệ tạm thời, nên nhiều người Ukraine có thể tham gia vào lực lượng lao động của các nước này. Theo dự kiến của Ngân hàng Trung ương châu Âu, khoảng 25% đến 55% người di cư trong độ tuổi lao động Ukraine sẽ tham gia vào lực lượng lao động của khu vực đồng euro trong trung hạn. Điều này có nghĩa là lực lượng lao động của EU sẽ tăng khoảng 0,3 đến 1,3 triệu người[17]. Trong ngắn hạn, người di cư có thể tạo thêm thách thức cho tài chính nhà nước của các nước tiếp nhận. Tuy nhiên, nếu họ ở lại các nước này lâu hơn vài năm và chủ động tham gia vào thị trường lao động, thì họ có thể tác động tích cực đến ngân sách và nền kinh tế của các nước này. Những người di cư được phép làm việc và di chuyển tự do sẽ cư xử như những người di cư kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng tương ứng theo thời gian. Ngược lại, việc thiếu đầu tư vào nguồn nhân lực của người di cư từ các quốc gia họ lưu trú ở giai đoạn đầu có thể dẫn đến chi phí lớn hơn trong dài hạn. Đồng thời, nếu người di cư trở về nước xuất xứ sau khi thích nghi, thì tác động đối với nước sở tại là khá tiêu cực vì chi phí ban đầu rất cao không được bù đắp bằng lợi ích từ việc làm của người di cư trong dài hạn.
Dự báo xu hướng di cư thời gian tới
Thứ nhất, Cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nếu cuộc xung đột tiếp tục kéo dài, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều người Ukraine buộc phải rời bỏ nhà cửa. Các chuyên gia quân sự cảnh báo rằng điều này có nghĩa là cuộc chiến có thể sẽ kéo dài, gây áp lực to lớn lên các đối tác quốc tế của mình để cam kết thêm hàng tỷ đô la cho các nguồn lực quân sự, nhân đạo và tài chính. Cựu tướng Anh Richard Barrons – cựu chỉ huy Bộ chỉ huy lực lượng chung của Vương quốc Anh, nói với CNBC: “Ukraine phải chứng tỏ rằng họ có thể đạt được những bước tiến mới, nhưng mọi người đều biết rằng, với quy mô lực lượng mà họ có, họ sẽ không ném Nga ra khỏi Ukraine vào năm 2023”, “Vào cuối năm nay, cả hai bên sẽ nghĩ rằng họ vẫn thu được nhiều lợi ích hơn khi chiến đấu. Nga không thể bỏ cuộc, không thể thua, vì những hậu quả tuyệt vọng đối với chế độ Nga, và Ukraine vẫn chưa cạn ý chí chiến đấu và không sẵn sàng từ bỏ lãnh thổ đã bị chiếm đóng, họ chỉ muốn nhiều hơn nữa. giúp lấy lại nó. Và điều đó sẽ đưa chúng ta đến năm 2024 và có thể là năm 2025,”[18]. Từ phía Nga, Ukraine hay các quốc gia khác trên thế giới cũng cho rằng chiến tranh sẽ tiếp tục kéo dài suốt những tháng này mà không có dấu hiệu kết thúc. Trong giai đoạn vừa qua, việc trao đổi hỏa lực pháo binh và tên lửa giữa hai bên trong cuộc chiến đã đạt đến mức độ chưa từng có. Ngoài số lượng lớn người Ukraine phải di dời, dù là những người rời bỏ quê hương đến nước khác hay chuyển đến những vùng an toàn hơn trong nước, bánh xe chiến tranh vẫn gây ra sự tàn phá lớn ở các thành phố Ukraine ở phía đông. Cuộc chiến kéo dài có thể sẽ tiêu tốn hàng tỷ đô la cho các nguồn lực quân sự, nhân đạo và tài chính. Ví dụ, một phân tích do Trung tâm Phát triển Toàn cầu Hoa Kỳ thực hiện đã ước tính rằng việc tiếp nhận người tị nạn Ukraina có thể khiến các nước phương Tây tiêu tốn hơn 30 tỷ USD chỉ trong một năm, với ước tính rằng chi phí này sẽ tăng gấp đôi cùng với mức độ lạm phát cao trong nền kinh tế toàn cầu[19]. Như vậy cho thấy xã hội phương Tây đang gặp khó khăn trong việc tiếp tục chịu đựng sự lưu trú lâu dài của những người tị nạn Ukraine, đặc biệt là với điều kiện kinh tế toàn cầu không thuận lợi, những tác động tiêu cực đã ảnh hưởng đến tất cả các xã hội.
Thứ hai, Các nước tiếp nhận người tị nạn sẽ tiếp tục mở cửa đón nhận người tị nạn Ukraine. Các nước châu Âu đã cam kết tiếp nhận và hỗ trợ người tị nạn Ukraine, và họ sẽ tiếp tục thực hiện cam kết này trong thời gian tới tuy nhiên họ sẽ có biện pháp để chọn lọc người di cư. Theo điều phối viên của Người tị nạn khu vực Tình hình Ukraine năm 2024 Kế hoạch ứng phó (RRP), UNHCR tiếp tục hỗ trợ chính phủ và địa phương chính quyền chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang hỗ trợ người tị nạn trong các hệ thống và dịch vụ quốc gia. Bảo vệ tạm thời của EU – Chỉ thị (TPD) và các kế hoạch bảo vệ tương tự sẽ được giữ nguyên cho đến tháng 3 năm 2025[20]. Những chương trình này đã giúp đảm bảo khả năng tiếp cận nhanh chóng quyền và sự bảo vệ cho phần lớn người tị nạn.
Tuy nhiên, số lượng người vô gia cư ngày càng tăng người tị nạn trên đường phố của cộng đồng sở tại. Một số tổ chức nhân quyền địa phương ở Ý, Tây Ban Nha và Anh chỉ ra rằng ngày càng nhiều người tị nạn Ukraina trở thành người vô gia cư, và trong nhiều trường hợp là vô gia cư trên đường phố sau khi chủ nhà từ chối tiếp tục ở trong nhà của họ, hoặc thậm chí tiếp tục cư trú với họ cho đến khi họ trở thành người vô gia cư, có thể tìm được nơi trú ẩn mới. Các chính phủ và tổ chức cứu trợ đã hoan nghênh sự xuất hiện của những người tị nạn Ukraine như một tình trạng tạm thời trong thời gian ngắn, nhưng việc chiến tranh ở Ukraine kéo dài khiến nhiều quốc gia không khỏi lo lắng trước sự hiện diện quá đông đảo của người Ukraine trên đất nước họ. Mặc dù Liên Hợp Quốc khuyến khích hỗ trợ người tị nạn tìm giải pháp lâu dài, chẳng hạn như trở về quê hương, tái định cư ở nước thứ ba hoặc hòa nhập vào cộng đồng sở tại mới của họ, nhưng phần lớn người tị nạn vẫn không thực hiện được điều đó hoặc ở trong tình trạng lấp lửng. Tuy nhiên, việc trở về quê hương của họ là không thể, do chiến tranh vẫn tiếp diễn và chưa được giải quyết và những người chạy trốn không muốn trở về quê hương. Mặc dù hàng triệu người tị nạn Ukraine trốn sang EU đã được hứa hẹn rằng họ có thể được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận việc làm, sinh sống và gửi con đi học ở bất cứ đâu trong EU, nhưng sự thật là nhiều người tị nạn đã phải rời bỏ quốc gia Châu Âu này để đến quốc gia Châu Âu khác và họ vẫn chưa có việc làm. Vì vậy, ngày càng nhiều người tị nạn Ukraine ở châu Âu trở thành người vô gia cư, trong nhiều trường hợp phải sống trên đường phố, sau khi chủ nhà từ chối tiếp tục ở trong nhà của họ hoặc thậm chí ở lại với họ cho đến khi họ tìm được nơi trú ẩn mới.
Thứ ba, các điểm đến di cư của người Ukraine, hơn một nửa vào Ba Lan, số còn lại đến Hungary, Moldova, Slovakia và Romania – là những quốc gia láng giềng và được xem khá “nồng nhiệt” trong việc chào đón người di cư hơn những khu vực khác, ngoài ra còn có Moldova, Belarus và Nga. Tuy nhiên những người đã cư trú ở các quốc gia thời gian trên, sẽ mong muốn có cơ hội trở về quê hương mình. Dưới đây là khảo sát về mong muốn của người dân ở Ban Lan, trong đó 59% người dân muốn quay trở lại Ukraine (hình 2)[21]
Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định di cư. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tị nạn về việc trở về quê hương sau khi chiến tranh kết thúc hay định cư ở một quốc gia khác. Người dân Ukraine có thể chọn không quay trở lại sau khi cuộc xung đột kết thúc quá lâu có thể có một số yếu tố như:
Thứ nhất, những người mới đến xem việc tiếp cận việc làm và chăm sóc trẻ em cũng như các kỹ năng ngôn ngữ là chìa khóa để có thể hội nhập lâu dài và thích ứng với môi trường mới, nếu quốc gia định cư có thể đảm bảo cho người Ukraine được nhận sự hỗ trợ ngay lập tức cũng như cơ hội đóng góp cho xã hội và đất nước nơi họ cư trú. Theo nghiên cứu, nhiều thế hệ lớn lên ở đất nước tị nạn có thể không còn muốn quay trở lại nơi từng là quê hương của họ nữa. Việc đảm bảo quyền ở lại hợp pháp và có triển vọng cho tương lai của họ sẽ làm tăng tỷ lệ người Ukraina muốn ở lại các quốc gia họ đến. Nếu các chính phủ ngăn cản một cách hợp pháp việc người tị nạn tìm kiếm việc làm chính thức thì cơ hội tự túc tài chính của họ sẽ rất thấp. Điều này sẽ tùy thuộc vào các nước mà họ định cư. Như đã đề cập ở trên, hầu hết họ định cư ở Liên minh châu Âu, nơi họ có thể có được tình trạng bảo vệ tạm thời đặc biệt cho phép họ làm việc, đi học và được chăm sóc y tế trong thời gian từ 1 đến 3 năm. Tuy nhiên do cuộc chiến kéo dài nên các nước đang có những “rạn nứt” và bắt đầu có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Xét đến cùng, di cư thì vẫn là người mang quốc tịch “khác”.
Thứ hai, việc xây dựng lại nhà cửa và bồi thường thiệt hại tài sản trong xung đột, là hướng khuyến khích người dân trở về quê hương sau khi tái định cư. Việc tái thiết một quốc gia sau xung đột thường được tài trợ bởi chính phủ sau chiến tranh hoặc các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hoặc Liên Hợp Quốc. Mọi người cần một nơi để sống và có nhiều khả năng ở lại đất nước tị nạn nếu họ không có nhà để trở về. Tuy nhiên hiện tại, cuộc chiến chưa có dấu hiệu kết thúc, hai bên đánh qua đánh lại nhiều năm trời, gây hư hại rất nhiều nhà cửa, chính vì vậy công dân Ukraine có thể khó trở về quê hương.
Cuối cùng, điều quan trọng đối với những người đang cân nhắc việc trở về quê hương không chỉ là hòa bình mà còn là tình hình chính trị. Theo quy định, nếu việc quay trở lại không an toàn, những người tị nạn vẫn ở lại đất nước mà họ đã trốn đến. Ngay cả khi Nga rút hoàn toàn lực lượng quân sự khỏi Ukraine, một số người có thể lo sợ một cuộc chiến tranh mới bùng nổ và sẽ không trở về nhà.
Dự báo xu hướng di cư ở Ukraine thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nếu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài, số lượng người di cư sẽ tiếp tục gia tăng. Trong trường hợp cuộc xung đột kết thúc, nhiều người di cư sẽ có thể trở về Ukraine, nhưng vẫn có một bộ phận người di cư sẽ chọn ở lại hoặc chọn định cư ở các nước khác.
Tác giả: Nguyễn Thị Hải Yến
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Patrick Kingsley (2022), “Ukraine War Sets Off Europe’s Fastest Migration in Decades”, The New York Times, https://www.nytimes.com/2022/03/01/world/europe/ukraine-war-migration.html#site-content, [ngày truy cập 20/1/2023]
[2] Nytimes.com, tldd
[3] “The Ukrainian refugee crisis: Important historical context for the current situation”, People In Need, https://www.peopleinneed.net/the-ukrainian-refugee-crisis-providing-important-historical-context-for-the-current-situation-9539gp?, [truy cập ngày 20/1/2023]
[4] Peopleinnedd.net, tldd
[5] Nytime.com, tldd
[6] “Ukraine’s refugees: how many are displaced and where will they go?”, The Guardian, https://www.theguardian.com/global-development/2022/mar/03/ukraines-refugees-how-many-are-displaced-and-where-will-they-go, [truy cập ngày 20/1/2023]
[7] Hồng Quang, Thế Dung, Đoàn Hà (2022), “Làn sóng di cư từ Ukraine sang các nước EU có thể vượt 7 triệu người, Liên minh châu Âu họp khẩn”, VTV online, https://vtv.vn/the-gioi/lan-song-di-cu-tu-ukraine-sang-cac nuoc-eu-co-the-vuot-7-trieu-nguoi-lien-minh-chau-au-hop-khan-20220228055737827.htm, [truy cập ngày 20/1/2023]
[8] Julia Ainsley, Alexandra Bacallao (2022), NBC News, “Biden announces ‘streamlined’ plan to bring Ukrainian refugees to the U.S.”, https://www.nbcnews.com/politics/immigration/biden-admin-announce-plan-begin-bringing-ukrainian-refugees-us-rcna25340, [truy cập ngày 21/1/2024]
[9] “Ukraine’s refugees: how many are displaced and where will they go?”, The Guardian, https://www.theguardian.com/global-development/2022/mar/03/ukraines-refugees-how-many-are-displaced-and-where-will-they-go, [truy cập ngày 20/1/2023]
[10] 2018, “Refugees, forced migration, and conflict: Introduction to the special issue”, Sage Journals, https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/0022343318814128, [truy cập ngày 25/1/2024]
[11] (2024), “Ukraine Refugee Situation”, UNHCR, https://data.unhcr.org/en/situations/ukraine?, [truy cập ngày 21/1/2023]
[12] (2023), “Ukraine Refugees Encounter Chaos, Racism—and Also ‘Extraordinary Humanity”, Newsweek, https://www.newsweek.com/2022/03/25/ukraine-refugees-encounter-chaos-racism-also-extraordinary-humanity-1685146.htm, [truy cập ngày 22/1/2023]
[13] 2022, “Xung đột Nga-Ukraine dẫn tới làn sóng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2”, VOV, <https://vov.vn/the-gioi/xung-dot-nga-ukraine-dan-toi-lan-song-di-cu-lon-nhat-o-chau-au-ke-tu-the-chien-2-post951550.vov>, [truy cập ngày 25/1/2024]
[14] Olga Tucha, Inna Spivak, Olga Bondarenko, Olga Pogarska (2022), “Impact of Ukrainian Migrants on Economies of Recipient Countries”, National Bank of Ukraine, <https://bank.gov.ua/admin_uploads/article/Migration_impact_2022-12-15_eng.pdf>, [truy cập ngày 25/2/2024]
[15] 2023, “EU chia rẽ trong cơn khủng hoảng di cư”, Công an nhân dân online, https://cand.com.vn/Nguoi-trong-cuoc/eu-chia-re-trong-con-khung-hoang-di-cu-i709825/, [truy cập ngày 25/1/2024]
[16] Olga Tucha, Inna Spivak, Olga Bondarenko, Olga Pogarska (2022), “Impact of Ukrainian Migrants on Economies of Recipient Countries”, National Bank of Ukraine, https://bank.gov.ua/admin_uploads/article/Migration_impact_2022-12-15_eng.pdf, [truy cập ngày 25/2/2024]
[17] 2022, “The impact of the influx of Ukrainian refugees on the euro area labour force”, European Central Bank, https://www.ecb.europa.eu/pub/economicbulletin/focus/2022/html/ecb.ebbox202204_03~c9ddc08308.en.html, [truy cập ngày 25/1/2024]
[18] Holly Ellyatt (2023), “How — and when — Ukraine’s war with Russia could end”, CNBC, https://www.cnbc.com/2023/08/07/when-and-how-will-ukraines-war-with-russia-end.html, [truy cập ngày 25/1/2024]
[19] Rayeq Saleem Al Brizat (2023), “The Ukrainian War and Its Impact on the Situation of Ukrainian Refugees in Europe”, Res Militaris, https://resmilitaris.net/menu-script/index.php/resmilitaris/article/view/3427/2687, [truy cập ngày 25/1/2023]
[20] (2024), “Ukraine situation Overview of UNHCR’s 2024 plans and financial requirements”, UNHCR, https://data.unhcr.org/en/documents/details/106112, [truy cập ngày 25/1/2024]
[21] (2023), “Refugees from Ukraine in Poland Challenges and potential for integration”, Deloitte, https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/pl/Documents/Reports/pl_ENG_Report_Refugees_from_Ukraine_in_Poland.pdf, [truy cập ngày 25/1/2024]