Gần đây, Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 18 tháng 2, ông Vương Nghị đã công bố rằng, Trung Quốc có một kế hoạch hòa bình và sẽ được đưa ra vào đúng ngày chiến dịch quân sự của Nga tròn một năm. Liệu vai trò trung gian hòa giải cho cuộc chiến tranh Nga – Ukraine mà Trung Quốc đang theo đuổi sẽ mang lại những thách thức và rủi ro nào đối với tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu của Trung Quốc? Hãy cùng BBT “Nghiên cứu Chiến lược” theo dõi bài viết sau đây của tác giả Ivan Lidarev và cùng mong đợi các nội dung trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc trong những ngày tới…
*****
Sau khi Nga tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ của Ukraine, các nhà lãnh đạo EU, ngoại trưởng Ukraine và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý rằng, với tư cách là một cường quốc trung lập gần Moskva, Bắc Kinh có thể làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói một cách mơ hồ về vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc xung đột vào tháng 3 và tháng 12 năm 2022.
Nhìn bề ngoài, vai trò làm trung gian hòa giải của Trung Quốc dường như có ý nghĩa đối với Bắc Kinh. Nó sẽ giúp cải thiện mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và Châu Âu, những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến tranh mà Nga đang tiến hành tại Ukraine, thể hiện Trung Quốc là một cường quốc thế giới tìm kiếm hòa bình và giúp chấm dứt cuộc xung đột gây bất ổn cho nền kinh tế thế giới và làm suy yếu Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế những động thái của Trung Quốc liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine thời gian qua cho thấy, giới lãnh đạo nước này dường như luôn miễn cưỡng làm trung gian hòa giải giữa hai bên. Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với giới nghiên cứu quan hệ quốc tế thời gian qua.
Theo nhiều nhận định, lý do một phần cho thái độ trên của Trung Quốc là cả Nga và Ukraine đều không quan tâm nghiêm túc đến việc chấm dứt xung đột ở giai đoạn này. Cuộc chiến cũng mang lại cho Bắc Kinh không chỉ những thiệt hại mà còn cả những lợi ích, như: Quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ nhanh chóng hơn, năng lượng rẻ hơn và giảm sự tập trung của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Trung Quốc với Mỹ là một yếu tố khác khiến cho việc hòa giải vô tư của Trung Quốc giữa Ukraine (do Mỹ hỗ trợ) và Nga (có quan điểm chống Mỹ và quan hệ mật thiết với Trung Quốc) trở nên khó khăn hơn.
Sự hòa giải của Bắc Kinh sẽ ngay lập tức làm nổi bật lập trường trung lập thân Nga của Trung Quốc. Trung Quốc đã liên tục đổ lỗi cho việc vì NATO mở rộng sang phía Đông đã gây ra xung đột và nước này cũng thường xuyên đưa ra các quan điểm chính trị, những lập luận ủng hộ Nga trên truyền thông – tất cả những điều này sẽ thu hút sự chỉ trích gay gắt mới. Điều này sẽ khơi lại căng thẳng với phương Tây vào thời điểm Trung Quốc đang ổn định quan hệ với châu Âu và cố gắng cải thiện mối quan hệ đang bị bao vây với Mỹ.
Lập trường thân Nga của Trung Quốc cũng sẽ làm dấy lên nghi ngờ về vị thế trung gian hòa giải của Bắc Kinh và thậm chí có thể làm hỏng các nỗ lực hòa giải của họ, đặc biệt nếu Trung Quốc đề xuất các thỏa hiệp gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán. Nhưng việc từ bỏ những lập trường thân Nga này sẽ bị người dân trong nước và quốc tế coi là một sự rút lui nhục nhã trước áp lực của phương Tây và Moskva sẽ coi đó là một sự phản bội.
Trung Quốc cũng nhận thấy rằng, việc làm trung gian hòa giải có thể dễ dàng biến thành một nỗ lực của phương Tây nhằm buộc Bắc Kinh phải trừng phạt Nga. Nếu Moskva không chịu chấm dứt chiến tranh hoặc đưa ra những nhượng bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán do Bắc Kinh làm trung gian, phương Tây có thể sẽ đổ lỗi cho Bắc Kinh vì huyết mạch kinh tế của Trung Quốc đã dẫn đến sự không khoan nhượng và tiếp tục chiến tranh của Tổng thống Vladimir Putin. Phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, sẽ gây áp lực lớn ép Bắc Kinh chứng minh cam kết chấm dứt xung đột bằng cách trừng phạt Nga – áp lực sẽ gia tăng khi chiến tranh tiếp diễn.
Trong một kịch bản như vậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc sẽ xa lánh đối tác cường quốc duy nhất của mình, trong quá trình này trung Quốc sẽ đánh mất nhiều lợi ích đắt giá gần đây trong quan hệ Trung Quốc-Nga, đồng thời củng cố vị thế của đối thủ chính của họ, Mỹ, vốn có mục tiêu làm suy yếu Nga. Nếu không, nó sẽ làm mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Trung Quốc với phương Tây ngày càng gay gắt hơn. Tiến bộ tương lai trong quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây thậm chí có thể phụ thuộc phần lớn vào việc Bắc Kinh trừng phạt Moskva. Cả hai lựa chọn đều có khả năng gây ra những tổn thất về chính trị và kinh tế đối với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có nguy cơ thất bại trong nỗ lực hòa giải của mình. Thỏa hiệp về các vấn đề đằng sau khi chiến tranh chấm dứt là cực kỳ khó đạt được, vì vậy cơ hội thành công của hòa giải là rất mong manh. Lợi ích duy nhất cho Trung Quốc trong nỗ lực hòa giải thất bại sẽ là cải thiện một chút hình ảnh của mình ở phương Tây và trong thời gian ngắn trông giống như một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm đang tìm kiếm hòa bình quốc tế. Trong khi đó, tổn thất của Trung Quốc trong trường hợp nỗ lực hòa giải thất bại sẽ rất lớn. Bắc Kinh sẽ trông yếu ớt, kém cỏi về mặt ngoại giao và không thể đóng vai trò của một nhà lãnh đạo quốc tế mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm kiếm – một điểm mà nhiều đối tượng chống đối sẽ khai thác sau khi Trung Quốc gặp phải những thất bại trong kế hoạch kiểm soát dịch COVID-19 và phát triển kinh tế. Trung Quốc cũng sẽ không thể duy trì lực ảnh hưởng đến Nga bất chấp mối quan hệ ngày càng bất bình đẳng của họ và bị chỉ trích vì không sử dụng đòn bẩy của mình đối với Moskva.
Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ từ chối đảm nhận vai trò hòa giải trong bất kỳ trường hợp nào. Nước này có thể làm như vậy ở giai đoạn sau khi hai bên sẵn sàng chấm dứt chiến sự hơn và tình hình quốc tế xung quanh cuộc chiến đã thay đổi.
Bắc Kinh cũng có thể sẵn sàng tham gia vào nỗ lực ngoại giao đa phương để hòa giải chiến tranh hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại giữa hai bên mà không cần hòa giải, trong cả hai trường hợp đều giảm thiểu rủi ro giúp chấm dứt xung đột. Tính toán hòa giải của Trung Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng nếu Moskva yêu cầu Bắc Kinh làm trung gian hòa giải hoặc chiến tranh leo thang thảm khốc.
Trung Quốc khó có thể làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến Nga-Ukraine, ít nhất là cho đến khi hoàn cảnh thay đổi đáng kể. Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây ồn ào về việc làm trung gian hòa giải xung đột và kiềm chế Nga để xoa dịu phương Tây.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Ivan Lidarev là nhà phân tích chính sách đối ngoại và chuyên gia về an ninh châu Á và quan hệ quốc tế, đồng thời là cựu cố vấn tại Quốc hội Bulgaria.