Hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay có những khiếm khuyết và sự bất hợp lý rõ ràng. Trong vài thập kỷ qua, để khắc phục những thiếu sót của hệ thống tiền tệ quốc tế lấy đồng USD làm trung tâm, các học giả đã đề xuất nhiều phương án cải cách. Trong đó, phương án hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên có thể là phương án khả thi hơn. Nhưng sự hình thành của nó sẽ là một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, nếu Liên minh châu Âu và Trung Quốc có thể tăng cường hiệu quả các yếu tố thuận lợi và tạo ra các điều kiện có lợi, tốc độ hình thành hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên có thể sẽ nhanh chóng hơn. Việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã được thúc đẩy bởi sự gia tăng tỷ trọng của nó trong SDR trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu Nhân dân tệ trở thành một cực của hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên trong 10 đến 20 năm tới, nó cần phải nỗ lực rất nhiều.
Khiếm khuyết của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện hành
Kể từ sau “Cú sốc Nixon” năm 1971, hệ thống tiền tệ quốc tế đã bước vào thời kỳ được gọi là “hệ thống hậu Bretton Woods” hoặc “hệ thống Jamaica”.
Hệ thống hậu Bretton Woods đã hoạt động hơn 50 năm. Với việc tách rời giữa đồng đô la Mỹ và vàng, hệ thống tiền tệ quốc tế đã hoàn toàn bước vào kỷ nguyên tín dụng. Mặc dù chế độ “chốt kép” không còn tồn tại, nhưng đồng đô la Mỹ vẫn là trung tâm của hệ thống dự trữ toàn cầu. Nhờ vào thị trường tài chính mở và phát triển cao, cùng với hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ, vị thế của đồng đô la Mỹ như là đồng tiền dự trữ quốc tế chủ đạo không có sự thay đổi đáng kể, hiện nay chiếm gần 60% trong hệ thống dự trữ tiền tệ toàn cầu. Trong kỷ nguyên tín dụng, sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng của trái phiếu chính phủ Mỹ và tình hình cung ứng tiền tệ của các cơ quan quản lý tiền tệ Mỹ.
Hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay có những khiếm khuyết và sự bất hợp lý rõ ràng. Từ sự phát triển của hệ thống trong 50 năm qua, đặc quyền quá mức của đồng USD Mỹ đã gây ra tình trạng bất ổn tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và tài chính của các quốc gia ngoại vi, khiến tính công bằng trong phân bổ nguồn lực kinh tế toàn cầu bị đặt dấu hỏi. Điều này là do khi Mỹ thực hiện chính sách tiền tệ dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, thường gây ra hiệu ứng lan tỏa lớn đối với các quốc gia khác. Tác động lan tỏa này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế và tài chính cho phần còn lại của thế giới do sự thúc đẩy của chu kỳ tài chính toàn cầu. Ví dụ, sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, việc thực hiện và rút lui chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ đã gây ra cú sốc lớn đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, chính sách nới lỏng định lượng không giới hạn đã kích hoạt sự dư thừa thanh khoản toàn cầu và áp lực lạm phát tăng nhanh. Việc tăng lãi suất liên tục bắt đầu từ nửa đầu năm 2022 một lần nữa đã gây ra cú sốc đáng kể đối với sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu (đặc biệt là các nền kinh tế thị trường mới nổi).
Ngoài ra, do vị thế đặc biệt của đồng USD, nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước đang phát triển buộc phải nắm giữ một lượng lớn tài sản dự trữ bằng đô la Mỹ, đặc biệt là nắm giữ một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ có lãi suất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc các nước “nghèo” đang xuất khẩu vốn sang các nước “giàu” với tỷ suất lợi nhuận đầu tư rất thấp, khiến vốn tập trung nhiều hơn nữa vào các quốc gia “giàu”. Từ đó ảnh hưởng đến tính công bằng trong phân bổ nguồn lực kinh tế toàn cầu.
Các phương án cải cách
Trong vài thập kỷ qua, để khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống tiền tệ quốc tế lấy đồng USD làm trung tâm, các học giả khắp nơi trên thế giới đã đề xuất nhiều phương án cải cách. Trong đó chủ yếu bao gồm quay trở lại chế độ bản vị vàng quốc tế, tạo ra một đồng tiền thế giới duy nhất, triển khai đồng tiền siêu chủ quyền dựa trên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), thực hiện bản vị đồng USD cải tiến và phát triển một hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên…
Từ kinh nghiệm lịch sử có thể thấy rằng do số lượng và tốc độ khai thác vàng không theo kịp nhu cầu thực tế của thương mại và đầu tư quốc tế để sử dụng nó như một công cụ trung gian, cộng với việc chính phủ không thể sử dụng việc tạo tín dụng để điều chỉnh ngược chu kỳ trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Do vậy kế hoạch quay trở lại bản vị vàng quốc tế hoàn toàn không khả thi. Một số đề xuất xuất hiện trong những năm gần đây, chẳng hạn như bản vị Bitcoin, bản vị sản phẩm số lượng lớn, v.v.. cũng không khả thi vì lý do tương tự.
Đồng tiền thế giới duy nhất và đồng tiền siêu chủ quyền dựa trên SDR là những phương án lý tưởng, có thể giải quyết triệt để vấn đề bất ổn nội tại do nghịch lý Triffin gây ra. Hai phương án này đã từng được nhiều nhà kinh tế học quốc tế hàng đầu và các quan chức chính phủ ca ngợi, như học giả nổi tiếng người Mỹ Richard Cooper, Joseph Stiglitz, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều cần sự hợp tác chính trị đủ mạnh từ các nền kinh tế chính. Do Mỹ có quyền phủ quyết tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nên chỉ cần Mỹ không đồng ý thì phương án đồng tiền siêu chủ quyền không thể thực hiện được. Hơn nữa, từ góc độ kỹ thuật, phương án siêu chủ quyền dựa trên SDR có những hạn chế nghiêm trọng. Tức là cho đến hiện nay, phạm vi sử dụng của SDR chỉ giới hạn trong hệ thống thanh toán chính thức của IMF và không có bất kỳ sự lưu thông thương mại nào.
Tuy nhiên, không có gì là tuyệt đối. Với sự thay đổi trong cạnh tranh quốc tế, các phương án đã đề cập vẫn có cơ hội để phát triển, và không loại trừ khả năng có thể thực hiện sau một quá trình dài dựa trên sự nỗ lực. Trong hơn mười năm qua, SDR được phân phối và sử dụng thường xuyên hơn đã nói rõ điểm này. Ví dụ, vào năm 2009 để ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, IMF đã phân bổ 250 tỷ USD tương đương bằng SDR. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, IMF đã lại phân bổ thêm 650 tỷ USD tương đương bằng SDR. Trong tương lai, khi đối mặt với khủng hoảng thanh khoản toàn cầu, IMF có thể sẽ tiếp tục phân bổ một lượng SDR nhất định. Sau những nỗ lực lâu dài, SDR được kỳ vọng sẽ dần dần trở thành một phần quan trọng của hệ thống tài sản dự trữ đa nguyên.
Giải pháp bản vị tiền USD được cải thiện có nghĩa là khi cơ quan tiền tệ Mỹ có thể tự chủ đủ mức khi thực hiện chính sách tiền tệ, đồng thời sẵn sàng cân nhắc đến tình hình kinh tế tài chính của các khu vực khác trên thế giới, và các quốc gia khác cũng nên cố gắng tránh những chính sách tài chính tiền tệ không phù hợp. Từ đó làm cho tình hình mất cân bằng cán cân thanh toán trên phạm vi toàn cầu về cơ bản được kiểm soát hiệu quả. Như vậy tiếp tục thực hiện chế độ bản vị tiền tệ tín dụng lấy USD làm trung tâm có tính khả thi. Những người ủng hộ phương án này bao gồm cố nhà kinh tế học quốc tế nổi tiếng Ronald McKinnon và các nhà kinh tế học khác. Tuy nhiên, để Mỹ và các quốc gia trên thế giới thực hiện chính sách tài chính tiền tệ một cách tự chủ, đòi hỏi các nước liên quan phải thực hiện sự hợp tác cao và phối hợp chính sách kinh tế quốc tế hiệu quả. Đây hiển nhiên không phải là một chuyện dễ dàng.
Ngược lại, phương án hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên có thể là lựa chọn thứ hai khả thi hơn. Hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên đề cập đến chức năng của một loại tiền tệ dự trữ quốc tế được chia sẻ bởi một số loại tiền tệ. Sự hình thành của hệ thống này dựa trên sự chọn lọc tự nhiên của cạnh tranh, chứ không phải xuất phát từ ý chí chính trị chung của các nước lớn. Bởi vì có sự cạnh tranh về tiền tệ, nên chính sách tài chính và tiền tệ của các nước phát hành tiền tệ dự trữ chính sẽ trở nên tương đối tự chủ. Nếu một quốc gia phát hành tiền tệ dự trữ vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong nước hoặc ổn định mà mở rộng phát hành tiền tệ quá mức, thì đồng tiền của họ sẽ bị mất giá, dẫn đến tỷ trọng của đồng tiền đó trong hệ thống tiền tệ dự trữ toàn cầu sẽ giảm, trong khi tỷ trọng của các đồng tiền dự trữ khác sẽ tăng lên. Đồng thời, “vấn đề Triffin” cũng có thể được giảm nhẹ do sự chia sẻ giữa nhiều loại tiền tệ dự trữ. Mặc dù vậy, hệ thống này có thể dẫn đến những biến động lớn và thường xuyên giữa các tỷ giá hối đoái chính và cũng cần được giải quyết bằng cách tăng cường phối hợp chính sách kinh tế quốc tế.
Sự hình thành của một hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên sẽ là một quá trình lâu dài. Cho đến nay, trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, đồng USD Mỹ chiếm gần 60%, đồng Euro 20%, yên Nhật 5,35%, bảng Anh 4,97% và nhân dân tệ 2,9%. Mặc dù việc suy giảm vị thế quốc tế của đồng USD không thể tránh khỏi, nhưng việc đưa Euro và Nhân dân tệ trở thành đồng tiền có tầm quan trọng tương đương với đồng USD vẫn còn khó đoán. Trong tương lai, nếu EU và Trung Quốc có thể tăng cường hiệu quả các yếu tố thuận lợi và tạo ra các điều kiện có lợi, tốc độ hình thành một hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên có thể sẽ được thúc đẩy.
Nhân dân tệ có thể trở thành một cực trong hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên hay không?
Trong những năm gần đây, sự gia tăng tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong SDR (hiện đã đạt 12,28%) đã thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Đặc biệt là sự gia tăng vị thế của nó như một đồng tiền dự trữ quốc tế. Nhưng đồng Nhân dân tệ sẽ cần rất nhiều nỗ lực để trở thành trụ cột của hệ thống tiền tệ dự trữ đa nguyên trong 10 đến 20 năm tới. Việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ phải dựa vào sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc và sự mở cửa của hệ thống tài chính.
Thứ nhất, nỗ lực duy trì sự tăng trưởng kinh tế ổn định dài hạn là rất quan trọng.
Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định có ý nghĩa quan trọng đối với việc quốc tế hóa tiền tệ của một quốc gia. Hiện nay, do các yếu tố như tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sự phong tỏa công nghệ của Mỹ và các đồng minh, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn. Hơn nữa, tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn hơn do các vấn đề như dân số già hóa nhanh, tiến bộ công nghệ chậm, năng suất yếu tố tổng thể giảm, nền kinh tế quốc tế bị phân mảnh, rủi ro nợ địa phương tăng đáng kể và sự thiếu niềm tin trong đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân. Để đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng có thể sẽ xảy ra và do đó cung cấp hỗ trợ cơ bản lâu dài cho quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, Trung Quốc cần kiên định làm sâu sắc thêm cải cách kinh tế theo định hướng thị trường. Mở rộng hơn nữa mở cửa đối ngoại, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, đặc biệt là tăng cường bảo vệ quyền sở hữu và lợi ích của các doanh nghiệp tư nhân. Để sức sống của thị trường được phát huy đầy đủ thông qua cải cách cơ cấu sâu rộng hơn.
Thứ hai, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, xây dựng lợi thế thương mại xuất khẩu mới.
Kinh nghiệm quốc tế hóa đồng Mark Đức và đồng Yên Nhật cho thấy việc duy trì lợi thế thương mại xuất khẩu là rất quan trọng đối với quốc tế hóa tiền tệ. Bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ 20, đặc biệt là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, dưới sự dẫn dắt của chiến lược phát triển kinh tế hướng ngoại, Trung Quốc đã tận dụng lợi thế chi phí lao động giá rẻ, xác lập thành công vị trí quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sau khi lợi thế dân số giảm dần, Trung Quốc cần đẩy nhanh tiến bộ công nghệ và xây dựng lợi thế thương mại xuất khẩu mới để tiếp tục duy trì vị thế là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới.
Thứ ba, đi sâu cải cách tài chính trong nước và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống tài chính theo định hướng thị trường.
Một thị trường trái phiếu chính phủ có tính thanh khoản cao, quy mô đủ lớn và mở rộng là cực kỳ quan trọng đối với việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Hiện nay, quy mô thị trường trái phiếu quốc gia của Trung Quốc đã đứng thứ ba trên thế giới, nhưng do thiếu thanh khoản, vẫn khó đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản tài chính Nhân dân tệ có tính thanh khoản cao và bảo mật cao. Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục mở rộng quy mô thị trường trái phiếu quốc gia, làm phong phú thêm các loại hình có kỳ hạn ngắn, tính thanh khoản cao, tiếp tục thúc đẩy cải cách lãi suất theo định hướng thị trường. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực định giá và hiệu quả đầu tư của thị trường chứng khoán A, cung cấp các công cụ thị trường vốn hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Phải thúc đẩy cải cách chế độ tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ, tăng cường tính linh hoạt của đồng Nhân dân tệ nhằm duy trì tính độc lập chính sách tiền tệ trong môi trường thị trường tài chính mở rộng hơn. Cần đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính, đặc biệt là xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế và giải ngân bằng đồng Nhân dân tệ. Tiếp tục xây dựng thêm ngân hàng thanh toán tại các nước và vùng lãnh thổ có tiềm năng.
Thứ tư, đẩy nhanh việc mở tài khoản vốn một cách phù hợp đồng thời tăng cường quản lý an toàn vĩ mô.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED), mặc dù đã có hơn 20 năm nỗ lực mở cửa, mức độ mở tài khoản vốn của Trung Quốc hiện chỉ bằng 16% mức trung bình của các nước OECD. Có thể thấy rằng, nếu không tiếp tục nới lỏng kiểm soát vốn, tự do hóa hơn nữa tài khoản vốn, quốc tế hóa nhân dân tệ rất khó phát triển rõ rệt, thậm chí rất khó tiếp tục tiến lên. Việc mở rộng mở cửa tất nhiên sẽ mang lại rủi ro ổn định tài chính, cần phải quản lý hiệu quả. Trải qua nhiều năm tìm tòi, Trung Quốc đã tích lũy được không ít kinh nghiệm thành công trong việc kiểm soát rủi ro vốn chuyển quốc tế. Thông qua điều chỉnh kỹ thuật kịp thời, các cơ quan liên quan có thể ngăn chặn hiệu quả các dòng vốn chuyển quốc tế ra vào trong thời gian ngắn. Từ đó đạt được sự ổn định cơ bản của tỷ giá hối đoái nhân dân tệ ở mức cân bằng hợp lý.
Thứ năm, tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính quốc tế, tích cực tham gia quản trị tài chính toàn cầu.
Quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ là quá trình do thị trường thúc đẩy. Vai trò của chính phủ chủ yếu là thúc đẩy sự hình thành các điều kiện kinh tế và tài chính khác nhau, từ đó thực hiện thúc đẩy gián tiếp. Tuy nhiên, bằng cách tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính quốc tế, chính phủ cũng có thể thúc đẩy trực tiếp ở một mức độ nhất định, chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thúc đẩy đồng Nhân dân tệ tham gia giỏ tiền SDR. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc có thể liên tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua việc tích cực tham gia điều phối chính sách kinh tế vĩ mô trong khuôn khổ G20, cũng như tiến trình giảm nợ và giảm thiểu dư nợ cho các nước thu nhập thấp. Đồng thời tận dụng cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư trên “Vành đai và Con đường”, từng bước nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc trong các vấn đề tài chính tiền tệ toàn cầu, từ đó thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Thứ sáu, tiếp tục tìm kiếm tính khả thi của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới khai phá tiền kỹ thuật số. Cuối năm 2019, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đã lần lượt khởi động thí điểm tại Thâm Quyến, Tô Châu, Khu vực mới Hùng An, Thành Đô và các khu vực liên quan đến Thế vận hội mùa Đông. Vào tháng 2 năm 2021, Viện Tiền tệ Kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tham gia Dự án Cầu nối Tiền tệ Kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Đa phương do BIS hỗ trợ trong một cuộc thăm dò tích cực nhằm thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Trong tương lai, việc khám phá đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới có thể chủ yếu bao gồm ba khía cạnh:
Thứ nhất, ở tầng bán lẻ (được sử dụng cho các giao dịch hàng ngày), tiền điện tử Nhân dân tệ sẽ chủ yếu phục vụ người dùng nước ngoài sinh sống tại Trung Quốc, để đáp ứng nhu cầu tài chính phổ thông của họ.
Thứ hai, ở tầng bán buôn (được sử dụng giữa các ngân hàng hoặc giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác), các cơ quan liên quan có thể tiếp tục thúc đẩy đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tham gia vào các thử nghiệm liên quan đến dự án cầu nối tiền điện tử.
Thứ ba, xây dựng các tiêu chuẩn và nguyên tắc hợp pháp của tiền kỹ thuật số một cách cởi mở và toàn diện. Đồng thời ứng phó phù hợp với các rủi ro và thách thức khác nhau trong quá trình cùng nhau thúc đẩy cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Trương Lễ Khanh là Giáo sư Học viện Tài chính Trung ương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Quốc tế.