Trong lịch sử hiện đại của Mỹ, 100 ngày đầu tiên của mỗi nhiệm kỳ tổng thống thường được xem như một thước đo quan trọng dự báo mức độ thành công của tân tổng thống. Donald Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai với những cam kết tái định hình nước Mỹ. Chỉ trong 100 ngày đầu tiên, Trump đã đảo ngược hàng loạt chính sách của chính quyền người tiền nhiệm. Các động thái quyết đoán này không chỉ đánh dấu sự trở lại của chủ nghĩa nước Mỹ trên hết, mà còn gây xáo trộn sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu, tái định hình các liên minh quốc tế và thổi bùng những bất ổn địa chính trị mới, mở ra một kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực ngày càng khốc liệt.
Chuyển giao quyền lực về tay Trump
Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ông Donald Trump chính thức tái cử nhiệm kỳ thứ 47 và trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa hai chính quyền, ông Trump không ngừng cho thấy mong muốn hiện thực hóa những kế hoạch mà ông chờ đợi suốt 4 năm. Khoảng thời gian từ ngày đắc cử 5/11/2024 đến ngày nhậm chức 20/1/2025 là một giai đoạn có nhiều tuyên bố mạnh mẽ về tương lai của nước Mỹ, đồng thời vạch ra các định hướng chính sách ưu tiên trong cả đối nội và đối ngoại. Với khẩu hiệu “Make America Great Again” (MAGA) thương hiệu, ông Trump tiếp tục phát triển thông điệp này, nhưng theo một cách thức mạnh mẽ hơn, tập trung vào chủ nghĩa dân tộc kinh tế cùng sự cứng rắn khẳng định sẽ đưa Mỹ trở lại “vị thế số một” trên thế giới.
Ngay sau ngày công bố kết quả, Tổng thống Trump đã có bài phát biểu chiến thắng, ông khẳng định: “Chúng ta sẽ không bao giờ để đất nước này bị chi phối bởi những thế lực bên ngoài. Nước Mỹ sẽ luôn là quốc gia mạnh nhất, thịnh vượng nhất, và tự do nhất”[1]. Đây trở thành thông điệp chủ đạo của Trump trong giai đoạn hậu bầu cử, nhấn mạnh hơn nữa mục tiêu đối nội sẽ thuộc phong trào “MAGA” hướng đến bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào các thể chế quốc tế và tăng cường sức mạnh kinh tế trong nước.
Ngoài ra, tại các cuộc phỏng vấn công khai, Trump cũng đề cập tới những ưu tiên trong chính sách đối ngoại mà ông sẽ triển khai sau khi nhậm chức. Ưu tiên hàng đầu được ông Trump nhắc tới 53 lần từ khi còn tranh cử đó là khả năng “kết thúc chiến tranh ở Ukraine trong 24 giờ”[2]. Theo đó, chính quyền của ông sẽ thúc đẩy các điều kiện cần thiết để đưa cả Nga và Ukraine lên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, châu Á – Thái Bình Dương vẫn nằm trong trọng tâm chiến lược khi Trung Quốc vẫn đang thách thức vị thế của Mỹ. Washington sẽ có một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh kể cả các đồng minh không tuân thủ thỏa thuận thương mại công bằng.
Mặc dù vậy, Trump cũng gợi mở khả năng điều chỉnh chiến lược đối với các quốc gia lớn như Nga và Trung Quốc, nếu như các cuộc đàm phán có thể mang lại lợi ích cho Mỹ. Trong một bài phát biểu tại một sự kiện của Liên đoàn Doanh nghiệp Mỹ vào tháng 12/2024, Trump cho biết: “Chúng ta không cần phải đối đầu với mọi quốc gia. Chúng ta sẽ đàm phán từ một vị thế mạnh mẽ. Nếu họ đồng ý hợp tác, chúng ta sẽ chào đón”[3]. Đây là một dấu hiệu cho thấy, mặc dù chiến lược của Trump vẫn chủ yếu hướng tới bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng ông cũng không loại bỏ khả năng tìm kiếm các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi kể cả với các nước đối địch.
Ngoài các tuyên bố về đối ngoại, Trump cũng khẳng định sẽ tập trung mạnh vào các vấn đề trong nước, với các cam kết tái thiết nền kinh tế Mỹ và phục hồi các ngành công nghiệp nội địa. Trong suốt giai đoạn chuyển giao quyền lực, ông đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ đưa các công việc trở lại Mỹ, xây dựng lại các ngành công nghiệp đã bị đánh mất trong nhiều năm qua. Chúng ta sẽ khôi phục các nhà máy, tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ và tái thiết nền kinh tế của chúng ta”[4]. Câu phát biểu này phản ánh rõ nét các định hướng ưu tiên trong chính sách kinh tế – xã hội của Trump 2.0.
Trong hai tháng này, Trump cũng không quên nhắc đến vấn đề an ninh quốc gia, một trong những ưu tiên lớn của ông trong chiến dịch tranh cử. “Chúng ta sẽ không để nước Mỹ bị tấn công từ bên ngoài hoặc bị đe dọa bởi các nhóm khủng bố. An ninh quốc gia là ưu tiên số một trong chương trình nghị sự của tôi”, ông Trump tuyên bố trong một bài phát biểu trước các lực lượng vũ trang Mỹ vào cuối tháng11/2024[5]. Dự đoán, trong những tháng đầu năm 2025, Trump sẽ tiếp tục triển khai các chính sách củng cố năng lực quân sự và đảm bảo an ninh biên giới với mục tiêu tăng cường sự bảo vệ toàn diện khỏi các mối đe dọa.

Dưới nhiệm kỳ Trump 2.0, cách tiếp cận đã mang tính bài bản có hệ thống hơn so với nhiệm kỳ đầu 2017. Nếu thời kỳ Trump 1.0, 100 ngày đầu chủ yếu tạo ra sự xáo trộn trong nước với các sắc lệnh gây tranh cãi, thì đến Trump 2.0, quyền lực Mỹ đã được tập trung nhằm thiết lập trật tự mới bằng các đạo luật bảo hộ, đòn thuế toàn diện và điều chỉnh quan hệ đồng minh – đối thủ. Chính trường ổn định hơn cho phép Trump hành động mạnh tay, đặc biệt với Trung Quốc và Ukraine. Những chuyển biến này phản ánh một chiến lược dài hạn rõ ràng hơn, mang tham vọng tái định hình cấu trúc quyền lực thế giới từ rất sớm.
Hành động thực tế của Trump trong 100 ngày
Trước hết, một trong những xu hướng nổi bật là việc Trump đảo ngược có hệ thống nhiều chính sách cốt lõi thời Tổng thống Joe Biden. Trong nước, Trump tập trung bãi bỏ hoặc làm suy yếu các quy định về môi trường, tiêu chuẩn lao động và thuế doanh nghiệp mà Biden đã siết chặt. Đặc biệt, chính sách chuyển đổi năng lượng xanh bị thu hẹp đáng kể. Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp mở lại việc khai thác dầu khí tại nhiều khu vực mà chính quyền Biden trước đó đã cấm hoặc hạn chế[6]. Trên bình diện quốc tế, Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi một số thỏa thuận đa phương về khí hậu và thuế tối thiểu toàn cầu điều mà vốn được Biden thúc đẩy mạnh mẽ điển hình như tại nhóm G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Một bước đi đáng chú ý khác là việc Trump hoãn thi hành lệnh cấm TikTok. Trong chiến dịch tranh cử, Trump từng tuyên bố nhiều cam kết mạnh tay với các nền tảng công nghệ xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì tiến hành ngay các lệnh cấm như kỳ vọng, ông Trump đã tạm dừng lệnh cấm mà ông Biden đưa ra trước đó đàm phán thêm về việc yêu cầu TikTok chuyển nhượng nhiều phần hoạt động tại Mỹ cho các công ty Mỹ[7]. Quyết định này phản ánh sự thực dụng chiến lược của Trump, bởi thay vì phá vỡ hoàn toàn các nền tảng có ảnh hưởng lớn với giới trẻ Mỹ, ông chọn cách gây áp lực để biến chúng thành công cụ phục vụ lợi ích Mỹ.
Song song với việc đảo ngược và điều chỉnh, Trump cũng thúc đẩy nhanh việc ban hành nhiều đạo luật mới cả bình diện trong nước và quốc tế. Gần 100 sắc lệnh hành pháp trên đủ lĩnh vực đã được Tổng thống Trump thông qua chỉ trong ngày đầu nhậm chức[8]. Trong nội địa, ông Trump ký Đạo luật Bảo vệ sản xuất Mỹ (American Manufacturing Protection Act) nhằm hỗ trợ tăng cường ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nội địa, đồng thời áp đặt hạn chế nghiêm ngặt đối với các công ty chuyển sản xuất ra nước ngoài. Trên bình diện quốc tế, Trump phê chuẩn một loạt đạo luật trừng phạt thương mại kiểu mới, cho phép chính phủ Mỹ đơn phương áp thuế hoặc hạn chế các đối tác thương mại bị coi là “không công bằng” với Mỹ.
Về phương diện song phương, Trump nhanh chóng mở rộng chiến lược thương mại cứng rắn với các nước láng giềng. Với Canada và Mexico – hai đối tác chính trong Hiệp định USMCA – Trump đe dọa tái đàm phán một số điều khoản liên quan đến ô tô và nông sản, với lập luận rằng Mỹ vẫn chịu thiệt hại không thể chấp nhận được. Đối với Greenland, ông Trump khôi phục lại nỗ lực vận động ảnh hưởng từ thời kỳ 2019, nhưng lần này thông qua các đề xuất hợp tác kinh tế, quân sự nhằm đối trọng với Nga ở Bắc Cực[9]. Panama, cũng nằm trong kế hoạch “thắt chặt an ninh kinh tế” nhằm đẩy Trung Quốc ra khỏi một số dự án cảng quan trọng.
Một điểm nhấn lớn khác là cách tiếp cận mới đối với Nga và Ukraine. Khác với thời kỳ Biden khi Washington đổ nhiều tiền bạc vào các cam kết viện trợ quân sự mạnh mẽ cho Kiev, đến thời Trump 2.0, một gửi tín hiệu rõ ràng được gửi đi về việc giảm bớt hỗ trợ, đồng thời mở cửa cho khả năng thương lượng với Moscow. Mặc dù không công khai từ bỏ Ukraine, nhưng chính sách này cho thấy Trump ưu tiên kết thúc chiến tranh bằng đàm phán theo lộ trình hòa bình mà chính quyền Trump vạch sẵn hơn là tiếp tục đầu tư tiền của người Mỹ vào chiến sự.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới chính sách thuế đối ứng gây chấn động toàn cầu mà Trump đã triển khai ngay đầu tháng 4. Trong vòng vài tháng đầu nhiệm kỳ, ông áp mức thuế bổ sung tương cao hơn cả số ngày ông nắm quyền đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới con số 104%. Thậm chí hơn gấp đôi với 245% với một số mặt hàng quy định[10]. Đáng chú ý, mức thuế không chỉ áp dụng với Bắc Kinh mà còn được mở rộng ra cả với các đối tác như Mexico, Ấn Độ và bao gồm cả châu Âu nếu không có sự điều chỉnh công bằng hơn trong cán cân thương mại với Mỹ. Chính sách này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đánh dấu sự chuyển mình sang mô hình “bảo hộ cực đoan có điều kiện”, trong đó Mỹ sử dụng đòn bẩy kinh tế như vũ khí mặc cả thay vì dựa chủ yếu vào hệ thống luật chơi quốc tế.
Từ những hành động thực tế trên, có thể định ông Trump là Tổng thống Mỹ gắn lời hứa tranh cử của mình với hành động thực tế nhất trong cả 2 nhiệm kỳ. Trong đó, đối đầu với Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của Mỹ được đẩy lên ưu tiên hàng đầu. Mặc dù vậy, những bước đi của Trump cũng rất khó đoán định cũng như dự báo chính xác nước cờ tiếp theo sẽ là gì. Cuộc thăm dò mới nhất của CNN, 59% người dân Mỹ cho rằng, các chính sách của Tổng thống Trump đã làm xấu đi tình hình kinh tế của đất nước[11]. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ quan điểm Tổng thống Trump 2.0 đã làm tổn hại đến uy tín của Mỹ, thay vào đó quy kết cho di sản lãnh đạo yếu kém của cựu Tổng thống Joe Biden để lại cho nước Mỹ.
Tác động
Theo Đài BBC, 100 ngày nắm quyền đầu tiên của ông Trump là màn phô diễn quyền lực đơn phương chưa từng có của một tổng thống Mỹ hiện đại[12]. Mặc dù vậy, Dựa theo kết quả khảo sát do NBC News Stay Tuned Poll công bố hôm 27/4, cho thấy có tới 55% người Mỹ không tán thành cách ông xử lý công việc ở cương vị tổng thống[13]. Sự trái ngược này thể hiện ra nhiều vấn đề hơn trong cách sử dụng quyền lực khác biệt so với ông Trump của 8 năm trước đồng thời cũng cho thấy những ảnh hưởng to lớn có tính chất cộng hưởng vượt ra khỏi Mỹ lan rộng toàn cầu.
Đối với nước Mỹ
Chính sách của Trump trong 100 ngày đầu tiên đã tạo ra những biến động đáng kể đối với nền kinh tế và xã hội Mỹ. Ngắn hạn, các động thái như ban hành đạo luật bảo vệ sản xuất nội địa, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, rà soát các quy định hành chính đã kích thích niềm tin của thị trường. Các chỉ số như Dow Jones, S&P 500 đồng loạt tăng điểm, với Dow Jones vượt mốc 42.000 lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 3/2025[14]. Sự gia tăng này phản ánh kỳ vọng vào một giai đoạn tăng trưởng ngắn hạn nhờ dòng vốn đầu tư nội địa được kích thích.
Tuy nhiên, những chính sách áp thuế cao với đối tác và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế đã gây ra áp lực lớn đối với lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 ghi nhận mức tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mục tiêu kiểm soát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)[15]. Giá hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh, đặc biệt là các mặt hàng điện tử và hàng tiêu dùng thiết yếu. Người tiêu dùng Mỹ đang phải đối mặt với mức giá cao hơn trong bối cảnh thu nhập thực tế chỉ tăng chậm.
Trên bình diện xã hội, chính sách nhập cư cứng rắn hơn, siết quy định tị nạn và giảm số lượng visa lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ đã làm gia tăng tình trạng thiếu lao động tại các thành phố lớn.
Về dài hạn, nhà kinh tế Jason Furman của Harvard Kennedy School cảnh báo rằng nếu các cuộc chiến thương mại không được kiểm soát, Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ suy thoái kỹ thuật vào cuối năm 2025, do tác động cộng hưởng từ chi phí sản xuất tăng, tiêu dùng suy giảm và đầu tư chững lại[16].
Đối với các cuộc xung đột
Chính sách an ninh của Trump trong 100 ngày đầu tiên cũng để lại những tác động sâu sắc đối với các cuộc xung đột toàn cầu. Trước hết, với cuộc chiến Ukraine – Nga, quyết định cắt giảm dần các gói viện trợ quân sự từ Nhà Trắng đã làm thay đổi thế cân bằng chiến trường theo hướng bất lợi Kiev. Từ cuối tháng 3/2025, các đợt phản công của Ukraine bắt đầu chững lại, trong khi lực lượng Nga gia tăng áp lực tại miền Đông và miền Nam phối hợp với đẩy lùi lực lượng Ukraine tại Kursk. Chính quyền Zelensky buộc phải tìm kiếm thêm hỗ trợ từ EU và NATO, đồng thời tăng cường huy động nguồn lực trong nước.
Tại Trung Đông, việc Trump tăng cường chiến dịch không kích chống lại lực lượng Houthi tại Yemen đã khiến căng thẳng leo thang. Các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào tàu thương mại tại Biển Đỏ tăng 30% trong quý đầu tiên năm 2025 theo thống kê từ Lloyd’s List Intelligence, gây gián đoạn đáng kể cho các tuyến vận tải toàn cầu[17]. Trong khi đó, tại dải Gaza, xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục leo thang, với sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ từ chính quyền Trump đối với Israel làm giảm khả năng trung gian hòa giải của Mỹ tại khu vực.
Đối với các đồng minh
Chính sách đòi hỏi chia sẻ gánh nặng nhiều hơn cho nước Mỹ đang làm lung lay nghiêm trọng quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống. Tại châu Âu, nhiều quốc gia NATO như Đức, Pháp, và Hà Lan bày tỏ quan ngại về việc Mỹ giảm bớt cam kết an ninh, trong khi vẫn yêu cầu các nước này tăng chi tiêu quốc phòng lên tối thiểu 2% GDP[18]. Áp lực này buộc EU phải thúc đẩy nhanh hơn các sáng kiến còn trì hoãn như “Lực lượng Phản ứng Nhanh EU” cũng như yêu cầu củng cố nền công nghiệp quốc phòng chung.
Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc buộc phải thích ứng bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng lần lượt 8,5% và 7,2% trong ngân sách năm 2025[19]. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác ba bên với Mỹ, nhưng cũng đồng thời dự phòng các kịch bản xấu bằng cách gia tăng hợp tác với Australia, Ấn Độ và ASEAN trong các khuôn khổ như QUAD và IPEF.
Sự khó đoán và thiếu cam kết bền vững từ Washington đang khiến các đồng minh chủ chốt phải tìm cách đa dạng hóa chiến lược an ninh của mình, theo hướng không phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ như trước kia. Điều này báo hiệu một sự phân tán quyền lực mềm của Mỹ trên trường quốc tế vốn là trụ cột sức mạnh của nước này trong trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.
Đối với thương mại toàn cầu
Thương mại toàn cầu đang chịu những tác động nghiêm trọng từ chính sách thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ của Trump. Các biện pháp áp thuế “vô tội vạ” không phân biệt bạn – thù của chính quyền Trump đã kích hoạt làn sóng phản ứng từ các đối tác thương mại lớn. Mạnh mẽ nhất là Trung Quốc khi ngay lập tức công bố danh sách trả đũa thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với mức thuế đạt 125%[20].
Các chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch, lại tiếp tục chịu thêm áp lực. Theo UNCTAD (2025), tăng trưởng thương mại toàn cầu trong quý I/2025 giảm 1,2% so với quý trước, chủ yếu do sự sụt giảm trong thương mại Mỹ – Trung và Mỹ – EU[21]. Các công ty đa quốc gia tăng tốc chiến lược “China+1” nhưng thay vì nhanh chóng chuyển toàn bộ sang Mỹ, họ lại tìm kiếm các đối tác gia công chi phí thấp tại Đông Nam Á, Ấn Độ dẫn tới suy yếu mục tiêu tái công nghiệp hóa nội địa của Trump.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư quốc tế trở nên bất ổn hơn khi các nước tranh nhau ban hành các biện pháp bảo hộ mới, làm xói mòn các nguyên tắc tự do hóa thương mại vốn là nền tảng của toàn cầu hóa trong ba thập niên qua.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Tổng thống Donald Trump đã có buổi trò chuyện với tạp chí TIME tại Nhà Trắng vào ngày 22/4 nhìn lại hành trình vừa qua của ông. Trong buổi phỏng vấn, ông Trump đã thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cuộc chiến thương mại và nền kinh tế, vấn đề nhập cư, quyền lực tổng thống, cũng như tình hình tại Ukraine và Trung Đông. Đây có thể là cơ sở quan trọng để dự báo các chiều hướng tiếp theo của mà ông Trump muốn thực hiện đặc biệt trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Trước đòn đánh thuế quan khắc nghiệt của Washington, Bắc Kinh cũng chủ động xây dựng lợi ích của mình trước hết tại Đông Nam Á thông qua chuyến công du của Tổng Bí thư Tập Cận Bình vừa qua. Như vậy, hai bờ chiến tuyến Đông – Tây đều đang tích cực chuẩn bị những phương án tốt nhất nhằm đối chọi lại với bên còn lại.

Việc Trump trở lại Nhà Trắng đang định hình một chu kỳ bất ổn mới trong chính trị và kinh tế toàn cầu. Các động thái bước đầu cho thấy chính quyền Trump 2.0 không đơn thuần là sự lặp lại của nhiệm kỳ trước, mà đã được điều chỉnh theo hướng triệt để và sắc bén hơn nhằm định hình lại trật tự thế giới theo cách có lợi nhất cho lợi ích quốc gia Mỹ.
Trong ngắn hạn, nhiều kịch bản có thể được dự báo. Trước hết, trong quan hệ với Trung Quốc, nguy cơ một cuộc chiến thương mại là hiện hữu song sẽ có sự biến thiên theo chu kỳ. Với việc áp đặt các mức thuế mới kết hợp gây áp thương mại lực buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ về các vấn đề cấu trúc như chuỗi cung ứng công nghệ. Một số chuyên gia thậm chí cảnh báo rằng, khác với giai đoạn 2017-2020, lần này cuộc chiến thương mại có thể kéo dài hơn và có tính hệ thống hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, mức thuế đối với Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm xuống nếu như Trump đạt được một thắng lợi ngoại giao theo ý muốn với Nga tại Ukraine. Hoặc khi Trung Quốc đưa ra tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn thỏa thuận trực tiếp với Washington. Với tính cách bốc đồng, giao dịch mặc cả của Trump, ông sẽ thường đưa ra lời đe dọa phủ đầu để thăm dò sức chịu đựng của đối phương và khi không nhận đươc phản ứng theo ý muốn, ông Trump sẽ giảm dần mức độ gay gắt. Suy cho cùng, việc đánh thuế hiện tại của Trump nhận về nhiều rủi ro hơn cho việc duy trì quyền lực của ông, song lại có tác động lớn đến chiến lược kiểm soát từng đối thủ địa chính trị của Mỹ.
Ở Trung Đông, chính quyền Trump có thể lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn hơn với Iran, tái lập các chính sách gây sức ép tối đa như trong nhiệm kỳ đầu tiên. Điều này đi kèm việc tiềm ẩn nguy cơ thổi bùng mâu thuẫn trở lại tại các điểm nóng có tiền sử xung đột như tại eo biển Hormuz, Yemen hay Syria. Cùng lúc đó, khả năng Trump thúc đẩy các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel – Arab theo khuôn khổ Hiệp định Abraham phiên bản mở rộng cũng được tính đến như một hướng đi chiến lược nhằm tái cam kết trở lại vị thế Mỹ tại khu vực.
Trong quan hệ với Nga và cuộc chiến tại Ukraine, chính sách của Trump thời gian tới mang tính thực dụng cao: vừa thể hiện ý định thương lượng hòa bình với Moscow, vừa gửi thông điệp rõ ràng về việc Washington sẽ không tiếp tục viện trợ vô điều kiện tài chính – quân sự cho Kiev. Đổi lại, Mỹ cần nhận được sự đồng ý tiếp cận nguồn khoáng sản giàu có từ chính quyền Zelensky. Nếu xu thế này tiếp diễn, một thỏa thuận ngừng bắn mang tính tạm thời hoặc một khu vực phi quân sự mới ở Đông Âu có thể được hình thành, nhưng đổi lại là sự suy yếu của liên minh NATO và vai trò truyền thống của Mỹ tại châu Âu.
Vấn đề đặt ra với Việt Nam
Trong các diễn biến sau 100 ngày nắm quyền của Tổng thống Trump, Việt Nam đứng trước những thách thức và cơ hội đan xen. Trước hết, cạnh tranh Mỹ – Trung dưới thời kỳ Trump 2.0 được dự báo sẽ khốc liệt hơn, với phạm vi không chỉ dừng lại ở các tuyên bố chiến tranh thương mại như thuế quan mà còn mở rộng sang đa lĩnh vực công nghệ, chuỗi cung ứng thậm chí cả đối đầu quân sự.
Trước hết, cạnh tranh Mỹ – Trung 2.0 trong nhiệm kỳ mới của Trump đặt Việt Nam vào một không gian địa kinh tế phức tạp hơn. Các chính sách siết chặt thương mại, kiểm soát công nghệ, hạn chế đầu tư và tái cơ cấu chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn dắt, nhằm làm suy yếu Trung Quốc sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vừa có cơ hội trở thành điểm đến thay thế trong chiến lược “China+1” của nhiều tập đoàn đa quốc gia, vừa phải đối mặt với nguy cơ bị kéo sâu vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc.
Một mặt, sự dịch chuyển dòng vốn sản xuất ra khỏi Trung Quốc có thể giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, năng lượng tái tạo và logistics. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng FDI ở mức 10–12%/năm nếu tận dụng tốt xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng[22]. Tuy nhiên, mặt khác, việc gia tăng vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu cũng khiến Việt Nam đứng trước áp lực lớn từ phía Mỹ trong việc tuân thủ tiêu chuẩn xuất xứ và ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.
Thêm vào đó, trước những đòn thuế mới mà Trump áp đặt, Việt Nam phải đặc biệt thận trọng. Mặc dù các gói thuế cao chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, nhưng trong thực tế, Việt Nam có thể bị cuốn vào các biện pháp kiểm soát nguồn gốc hàng hóa chặt chẽ hơn từ phía Mỹ. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho Việt Nam phải nhanh chóng nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống chứng nhận xuất xứ đáng tin cậy để bảo vệ thị trường Mỹ – vốn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, được thiết lập từ tháng 9/2023, mang lại những cơ hội chiến lược cần được tận dụng tối đa. Trước hết, đây là cơ sở để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng sạch, và công nghệ bán dẫn – những lĩnh vực phù hợp với chiến lược tái định hình chuỗi cung ứng của Mỹ. Đây là thời cơ để Việt Nam không chỉ thu hút đầu tư mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cạnh tranh dài hạn.
Bên cạnh đó, việc duy trì đối thoại chiến lược thường xuyên với Mỹ cũng giúp Việt Nam củng cố vị thế quốc tế, gia tăng khả năng neo mình vào các cơ chế thương mại toàn cầu mới do Mỹ dẫn dắt, đặc biệt trong khuôn khổ như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF). Đồng thời, Việt Nam cần khéo léo duy trì cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và các đối tác khác, nhằm tránh bị đồng hóa vào bất kỳ phe phái nào trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.
Kết luận
Tổng kết lại, trong 100 ngày nắm quyền của nhiệm kỳ Trump 2.0 đã đủ để khẳng định rằng thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn của bất định gia tăng, chủ nghĩa dân tộc kinh tế phục hồi mạnh mẽ và sự điều chỉnh sâu rộng của trật tự toàn cầu. Tại khoảnh khắc này, có thể nhìn nhận rõ một bức tranh toàn cảnh với nhiều gam màu xám tối. Sức mạnh toàn diện của Mỹ đứng trước những ngã rẽ khi chiến lược đối ngoại của nước này thể hiện những mục tiêu mà chỉ có những người ngồi ở phòng Bầu Dục mới hiểu. Các quốc gia như Nga hay Trung Quốc đã nhìn thấy ở Mỹ một sự xáo trộn chính sách điều mà vốn trước đây các chính quyền tiền nhiệm theo đuổi chủ nghĩa quốc tế trước Trump không thể hiện ra ngoài. Bắc Kinh không còn “ẩn mình chờ thời” mà sẵn sàng cạnh tranh với một Washington đang tự “thử lửa chính mình”. Mặc dù vậy, trong bối cảnh đó luật chơi vẫn do các nước lớn đưa ra, chỉ những quốc gia nằm trong quỹ đạo cạnh tranh đó mới thực sự cảm nhận được ảnh hưởng mà cuộc đua này tạo ra. Đối với Việt Nam, việc nhạy bén thích ứng, chủ động xây dựng năng lực nội tại và khai thác linh hoạt các cơ hội chiến lược sẽ là những yêu cầu sống còn trong thời kỳ đầy biến động sắp tới./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Flynn Nicholls (2024), “Donald Trump Victory Speech Full Transcript”, Newsweek, https://www.newsweek.com/donald-trump-victory-speech-full-transcript-1981234
2. Daniel Dale (2025), “Fact check: Trump’s Ukraine war claims”, CNN, https://edition.cnn.com/2025/04/25/politics/fact-check-trump-ukraine-war/index.html
3. Hudson Lockett (2024), “Trump’s tariff gambit doesn’t have to make sense”, Reuters, https://www.reuters.com/breakingviews/trumps-tariff-gambit-doesnt-have-make-sense-2024-11-26/
4. Vietnam News (2025), “Trump’s trade policy 2.0: What it means for Viet Nam’s economy”, https://vietnamnews.vn/economy/1691573/trump-s-trade-policy-2-0-what-it-means-for-viet-nam-s-economy.html
5. Colin P. Clarke (2025), “Counter-Terrorism Implications of a Second Trump Presidency”, International Centre for Counter-Terrorism, https://icct.nl/publication/counter-terrorism-implications-second-trump-presidency
6. Davenport, C. (2025), “Trump Declares Emergency to Expand Oil and Gas Drilling”, The New York Times, https://www.nytimes.com/2025/01/20/climate/trump-emergency-oil-gas.html
7. Gavin Blackburn (2025), “White House says implementation of TikTok ban passed to Trump, citing timing reasons”, Euronews, https://www.euronews.com/next/2025/01/18/white-house-says-implementation-of-tiktok-ban-passed-to-trump-citing-timing-reasons
8. TTXVN (2025), “Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp”, Quân đội Nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/tan-tong-thong-my-donald-trump-ky-gan-100-sac-lenh-hanh-phap-812494
9. Byers, M. (2025), “Trump’s Greenland bid is really about control of the Arctic – and the coming battle with China”, The Conversation, https://theconversation.com/trumps-greenland-bid-is-really-about-control-of-the-arctic-and-the-coming-battle-with-china-246900
10. Đức Anh (2025), “Sự thật về mức thuế 245% mà Mỹ áp dụng với một số hàng hóa Trung Quốc”, VnEconomy, https://vneconomy.vn/su-that-ve-muc-thue-245-ma-my-ap-dung-voi-mot-so-hang-hoa-trung-quoc.htm
11. Ariel Edwards-Levy (2025), “Poll: Trump’s economy, tariffs get mixed reviews”, CNN, https://edition.cnn.com/2025/04/28/politics/poll-trump-economy-tariffs/index.html
12. Anthony Zurcher và Tom Geoghegan (2025), “Trump’s first 100 days: What Americans think”, BBC News, https://www.bbc.com/news/articles/cly1n7jz587o
13. Marc Trussler và Stephanie Perry (2025), “Poll: Americans vent disappointment in Trump ahead of 100-day mark, especially on economy”, NBC News, https://www.nbcnews.com/politics/trump-administration/poll-americans-vent-disappointment-trump-ahead-100-day-mark-especially-rcna202656
14. CNBC (2025), “Stock market today: Live updates”, CNBC, https://www.cnbc.com/2025/03/17/stock-market-today-live-updates.html
15. Bloomberg (2025), “US inflation unexpectedly cools ahead of tariffs impact”, Bloomberg, https://www.bloomberg.com/news/articles/2025-04-10/us-inflation-unexpectedly-cools-ahead-of-tariffs-impact
16. Rodrik, D. (2025), “The biggest danger of Trump’s trade war”, Harvard Kennedy School, https://www.hks.harvard.edu/centers/mrcbg/programs/growthpolicy/biggest-danger-trumps-trade-war
17. Lloyd’s List (2025), “No recovery for Red Sea traffic”, Lloyd’s List, https://www.lloydslist.com/LL1152695/No-recovery-for-Red-Sea-traffic
18. International Institute for Strategic Studies (2025), “Global defence spending soars to new high”, https://www.iiss.org/online-analysis/military-balance/2025/02/global-defence-spending-soars-to-new-high/
19. NAGATOMI SHINNOSUKE (2025), “Japan’s defense budget nears 2% of GDP as Trump pressure looms”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/Defense/Japan-s-defense-budget-nears-2-of-GDP-as-Trump-pressure-looms
20. Hà Thu (2025), “Trung Quốc áp thuế trả đũa 125% lên hàng Mỹ”, VnExpress, https://vnexpress.net/trung-quoc-ap-thue-tra-dua-125-len-hang-my-4872839.html
21. UNCTAD (2025), “Global trade 2025: Resilience under pressure”, UNCTAD, https://unctad.org/news/global-trade-2025-resilience-under-pressure
22. World Bank (2025), “Viet Nam’s economy forecast to grow 6.8 percent in 2025: WB”, World Bank, https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2025/03/12/viet-nam-s-economy-forecast-to-grow-6-8-percent-in-2025-wb?cid=eap_tt_asiapacific_en_ext