Năm 2022 là một năm ảm đạm với nền kinh tế toàn cầu. Còn năm 2023, kinh tế thế giới nói chung sẽ ra sao? Mỹ sẽ triển khai những chính sách gì để tiếp tục duy trì vị trí số một thế giới trong lĩnh vực kinh tế? Các chuyên gia CSIS dự báo 5 vấn đề kinh tế cần lưu ý năm 2023 trong chính sách kinh tế của Mỹ. Đó là: tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại, khả năng quản lý kinh tế của Mỹ tại châu Á, tăng cường thực hiện biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện trong đó có công nghệ bán dẫn, chính sách tài chính phục vụ cho cơ sở hạ tầng và phát triển, và nỗ lực thúc đẩy đầu tư giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tiêu đề và các đề mục do Ban Biên tập đặt.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 có thể chậm lại trong bối cảnh lạm phát còn kéo dài. Ở các nền kinh tế lớn (ngoại trừ Trung Quốc), động lực thúc đẩy kinh tế sẽ tăng lên từ việc nới lỏng hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19. Các chính phủ không lên kế hoạch cho biện pháp kích thích kinh tế trên quy mô lớn đồng thời ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề lạm phát. Vào tháng 10 năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm từ mức 3,2% (năm 2022) xuống mức 2,7% vào năm 2023. Đây là mức độ tăng trưởng chậm nhất trong 20 năm qua, ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và cú sốc Covid-19 vào năm 2020.
Tại Mỹ, câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu Cục Dự trữ Liên bang có thể đưa ra “nỗ lực ngăn chặn lạm phát tăng cao của ngân hàng trung ương” hay suy thoái kinh tế là cách duy nhất để giảm tỷ lệ lạm phát từ mức cao nhất (trong 40 năm qua) xuống mức gần 2%. Nhiều nhà đầu tư dự đoán trước cuộc suy thoái sẽ xảy ra và thị trường sẽ phản ứng tiêu cực với các dấu hiệu tăng lương hoặc tăng trưởng việc làm, bởi vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất hơn 5% vào năm tới.
Tại Trung Quốc, chính phủ đã ngừng triển khai chính sách “Zero-covid” và chuyển sang ổn định kinh tế. Sau khi làn sóng lây nhiễm qua đi, việc mở cửa có thể thúc đẩy tiêu dùng, vốn đã nhận được ít sự hỗ trợ. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể ổn định với biện pháp hỗ trợ gần đây. Tuy nhiên, xuất khẩu khó có thể giúp kinh tế tăng trưởng vì nhu cầu tiêu dùng ở những nơi khác đang yếu đi. Mục tiêu tăng trưởng hàng năm được công bố vào tháng 3 sắp tới sẽ là chỉ số quan trọng. Với mục tiêu tăng trưởng trên 5% cho thấy sự trở lại của việc thúc đẩy kinh tế theo định hướng đầu tư hoặc kỳ vọng mức độ tiêu dùng được cải thiện.
Ở châu Âu, khủng hoảng năng lượng và lạm phát từ phía cung có thể dẫn đến suy thoái toàn khu vực. Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tiếp tục nâng lãi suất, mặc dù ít hơn so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trong khi chính phủ các quốc gia nỗ lực cân bằng củng cố tài khóa. Mục đích của việc này nhằm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp quản lý được giá năng lượng cao.
Thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với tác động của lãi suất cao hơn và đồng đô la Mỹ ngày càng mạnh hơn. Nhiểu nước đang phát triển có thể không trả được nợ ngoại tệ vào năm tới. Vì thế, việc thắt chặt ngoại tệ ở Mỹ đã góp phần làm giảm thanh khoản của chứng khoán Kho bạc của nước này. Điều này có thể khiến thị trường Mỹ dễ bị tổn thương trước những biến động trong tương lai.
Thách thức đối với khả năng quản lý kinh tế của Mỹ tại châu Á:
Quá trình xúc tiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) trong năm tiếp theo của chính quyền Biden sẽ là phép thử đối với các chiến lược kinh tế châu Á rộng mở của Nhà Trắng. Sau vòng đàm phán đầu tiên tại Brisbane vào tháng 12, có thể thấy rằng tốc độ đàm phán IPEF có thể nhanh hơn vào năm 2023. Chính phủ Mỹ hy vọng thu được một số kết quả thực tế trước giữa tháng 11 khi các nhà lãnh đạo khác đến Mỹ nhân sự kiện Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại San Francisco.
Các yếu tố hứa hẹn nhất trong IPEF do Bộ Thương mại Mỹ dẫn dắt, đặc biệt là khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững. Một số tiến bộ khác có thể thấy trong lĩnh vực trụ cột thương mại, như việc tạo thuận lợi cho lĩnh vực thương mại và nông nghiệp. Tuy nhiên, khi nhìn vào việc các quy tắc kỹ thuật số được Mỹ ưu tiên nâng cao, có thể thấy Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ dường như không mấy hào hứng trong việc thúc đẩy một hiệp định thương mại kỹ thuật số, bất chấp lợi ích của các công ty Mỹ (cả công ty lớn và công ty nhỏ) và của người lao động.
Câu hỏi còn lại là liệu tất cả những điều này có trấn an các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rằng Mỹ cam kết can dự lâu dài vào các vấn đề kinh tế của khu vực hay không. Với việc chính quyền Biden cho đến nay không sẵn sàng tìm kiếm sự chấp thuận của quốc hội cho một thỏa thuận thương mại chính thức bao gồm các đề nghị tiếp cận sâu hơn vào thị trường Mỹ, các đối tác sẽ tìm kiếm các lợi ích hữu hình và lâu dài khác từ Washington thông qua IPEF hoặc các sáng kiến khác.
Trong khi đó, các đối tác khu vực sẽ cảnh giác với quan hệ kinh tế Mỹ – Trung Quốc. Trong cuộc họp vào tháng 11 tại Bali, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã khuyến khích các đối tác trong khu vực thành lập lại các nhóm công tác song phương nhằm giải quyết vấn đề từ biến đổi khí hậu đến vấn đề nợ, nhưng nhiều đối tác vẫn gặp khó khăn bởi tâm lý đối đầu nhau của hai bên và nỗ lực tách rời nền kinh tế của cả Bắc Kinh và Washington trong các mục tiêu quan trọng (ví dụ: mục tiêu phát triển công nghệ quan trọng).
Mỹ tăng cường kiểm soát xuất khẩu công nghệ
Chính quyền Biden ngày càng thắt chặt việc bảo vệ công nghệ quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt với Trung Quốc. Do đó, năm 2023, việc Mỹ tăng cường sử dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ là điều hiển nhiên.
Vào ngày 7 tháng 10, chính quyền Biden công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn hàng đầu và thiết bị cần thiết để sản xuất chất bán dẫn. Động thái này cho thấy sự thay đổi mô hình chiến lược kiểm soát xuất khẩu của Mỹ: các đối thủ của Mỹ sẽ không còn được phép phát triển công nghệ tới một khoảng cách an toàn phía sau Mỹ; thay vào đó, biện pháp kiểm soát sẽ được sử dụng nhằm đảm bảo cho Mỹ luôn duy trì vị trí “dẫn trước càng nhiều càng tốt”.
Trong thời gian tới, chính quyền Biden nỗ lực đa phương hóa các biện pháp kiểm soát công nghệ bán dẫn. Mặc dù họ chiếm ưu thế trong một số ngành thiết bị sản xuất bán dẫn quan trọng, nhưng những công ty Nhật Bản và Hà Lan cũng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Nếu Nhật Bản và Hà Lan không sẵn sàng đồng ý thì chính quyền Buden có thể đe dọa thực hiện biện pháp ngoài lãnh thổ thông qua Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Product Rule). Tuy nhiên, điều này đòi hỏi chính quyền Biden phải sử dụng nguồn lực ngoại giao và khuyến khích các công ty nước ngoài “phi Mỹ hóa” chuỗi cung ứng của họ.
Trong năm tới, chính quyền Biden có thể thực hiện biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện tương tự đối với lĩnh vực công nghệ quan trọng khác. Sắc lệnh sàng lọc đầu tư ra đời vào tháng 9 cung cấp cơ sở hữu ích để xem xét những lĩnh vực đó có thể là gì. Cụ thể, “vi điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và sản xuất sinh học, điện toán lượng tử, năng lượng sạch tiên tiến và công nghệ thích ứng với khí hậu” đều là “nền tảng để Mỹ dẫn đầu công nghệ, thế nên đó cũng là an ninh quốc gia”. Bản chất sâu rộng của biện pháp kiểm soát bán dẫn ra đời ngày 7 tháng 10 cho thấy Mỹ có thể tận dụng nút thắt chiến lược trong lĩnh vực công nghệ để ngăn chặn hoặc kiểm soát chất bán dẫn khiến năng lực Trung Quốc bị suy giảm. Bất chấp những lời hoa mỹ xung quanh việc hợp tác với các đồng minh và đối tác, chính Quyền Biden không thể chờ đợi có được sự đồng thuận trước khi tiến hành thực hiện biện pháp kiểm soát mới.
Mỹ triển khai các chính sách tài chính phục vụ cho phát triển và cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng toàn cầu vẫn là yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden vào năm 2023. Yếu tố này sẽ giúp Hoa Kỳ gia tăng uy tín với những sáng kiến liên quan đến cơ sở hạ tầng, bao gồm Sáng kiến Đối tác vì Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), Mạng lưới Blue Dot (BDN), Đối tác cơ sở hạ tầng ba bên (TIP) và Diễn đàn đối thoại An ninh thuộc nhóm Bộ tứ (Quad). Những nỗ lực này được đặt ra nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng chất lượng.
Cho đến nay đã có rất ít dự án thực hiện theo những tiêu chí đánh giá này. TIP bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc. Vào tháng 10 năm 2020, TIP đã công bố dự án nối cáp quang dưới biển với đảo quốc Palau. Vào tháng 11 năm 2022, họ đã hỗ trợ công ty viễn thông Úc Telstra mua lại mạng của Digicel tại Quần đảo Thái Bình Dương. Hai dự án kể trên đều cho thấy động cơ cạnh tranh với Trung Quốc trong cùng một lĩnh vực và khu vực mà họ vẫn ảnh hưởng sâu rộng. Nhóm Quad bao gồm 3 quốc gia TIP và Ấn Độ. Nhóm quốc gia này cũng đã đạt được một số thành công, đáng chú ý là dự án sản xuất và phân phối vắc-xin Covid-19 được công bố vào tháng 3 năm 2021.
PGII và IPEF vẫn còn nhiều tham vọng với mục tiêu tiên quyết là huy động 600 tỷ USD trong vòng 5 năm để tài trợ cho dự án cơ sở hạ tầng và mục tiêu sau đó hướng đến những cuộc đàm phán đang diễn ra. Mạng lưới Blue Dot (BDN) đang từng bước thiết lập khuôn khổ chứng nhận cơ sở hạ có chất lượng cao và chắc chắn, nhưng để làm được điều này còn cả một chặng đường dài phía trước.
Những quốc gia đang phát triển cần nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, gần 60% các quốc gia có thu nhập thấp hiện đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất hoặc có nguy cơ chịu rủi ro cao và họ không thể chờ đến ngày những sáng kiến này thất bại. Vì hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng đều không mang lại lợi nhuận, làm hạn chế sức hút của chúng đối với khu vực tư nhân (đây là yếu tố Mỹ hy vọng khai thác một cách đáng kể để giải quyết các khoảng trống về tài chính). Mỹ và đối tác của họ phải đương đầu với nhiều thách thức bằng việc xác định nguồn tài chính phù hợp bao gồm cho vay bằng đồng nội tệ và khoản vay ưu đãi cũng như dự đoán rủi ro nhạy bén hơn.
Huy động nguồn tài chính giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu
Thông qua Dự luật Giảm Lạm phát huy động đầu tư vào năng lượng sạch trong nước, nỗ lực trong năm 2023 của Mỹ là thúc đẩy đầu tư vào giảm thiểu và thích nghi khí hậu toàn cầu. Tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) vào tháng trước, đã có nhiều câu hỏi lớn xoay quanh nguồn tài trợ và cơ chế “quỹ tổn thất và thiệt hại”. Những câu hỏi còn đề cập đến mối quan hệ giữa quỹ này với các cam kết tài chính khí hậu trong Thỏa thuận Paris, vai trò tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ tài chính giải quyết các vấn đề khí hậu và “tài sản chung toàn cầu”. Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia đang hối thúc ngân hàng phát triển đa phương tăng cường cho vay vốn và hỗ trợ đầu tư tư nhân nhiều hơn (kể cả Chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETPs). Theo báo cáo của các nhà lãnh đạo G7 trong tháng này, Nam Phi và Indonesia là hai quốc gia tham gia triển khai JETP còn Việt Nam, Ấn Độ và Senegal đang trong quá trình thảo luận. Dự án JEPT dự kiến mang đến khoản đầu tư hàng chục tỷ đô la Mỹ nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển gắn liền với khí hậu. Trong dài hạn, việc đánh giá tác động của quá trình khí thải nhà kính là chìa khóa thay đổi hành vi của thương mại và dòng vốn theo hướng bền vững.
Biên dịch: Tuệ Lam
Về các tác giả
Matthew P. Goodman: phó chủ tịch cấp cao về kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, D.C.
Erin Murphy: phó giám đốc và thành viên cấp cao của Chương trình Kinh tế CSIS.
Gerard DiPippo: thành viên cấp cao của Chương trình Kinh tế CSIS.
Stephanie Segal: thành viên cấp cao của Chương trình Kinh tế CSIS.
Matthew Reynolds: thành viên của Chương trình Kinh tế CSIS.