Hiện nay, cơ chế đa phương nhỏ giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã đạt được những bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế và mở rộng lĩnh vực hợp tác trong một thời gian ngắn. Mặc dù trọng tâm hợp tác chủ yếu vẫn nằm trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng, nhưng ba nước cũng đã bắt đầu triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, kinh tế và khoa học công nghệ. Sự phát triển nhanh chóng của cơ chế đa phương nhỏ này phản ánh xu hướng hội nhập chiến lược của ba nước trước những thay đổi trong môi trường địa chính trị, đồng thời cũng là kết quả của việc cân nhắc lợi ích chiến lược của từng bên. Tuy nhiên, việc hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines có thể tiến xa đến đâu trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump vẫn còn là một ẩn số, đối mặt với nhiều biến số khó lường.
Ngày 10 tháng 12 năm 2024, các quan chức cấp cao về quốc phòng và ngoại giao của Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức cuộc đối thoại hàng hải ba bên đầu tiên tại Tokyo, Nhật Bản. Cuộc đối thoại này được tổ chức dựa trên Tuyên bố Tầm nhìn Chung của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nhật Bản – Philippines vào tháng 4 năm 2024, là một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa ba bên trong khuôn khổ cơ chế này. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của cơ chế hợp tác đa phương nhỏ giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines.
Hai bước đột phá
Cơ chế ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines là một cơ chế hợp tác đa phương nhỏ mới do chính quyền Biden thúc đẩy. Đồng thời đây cũng là một nền tảng hợp tác đa phương quan trọng khác do Mỹ dẫn đầu ở khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, sau các cơ chế như Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Australia (QUAD), Mỹ – Anh – Australia (AUKUS) và Mỹ – Hàn Quốc – Nhật Bản. Hợp tác ba bên giữa Mỹ – Nhật Bản – Philippines đã đạt được hai bước đột phá quan trọng trong một khoảng thời gian ngắn.
Thứ nhất là việc hoàn thiện cơ chế hợp tác. Từ cuộc “Đối thoại Chính sách Quốc phòng Ba bên” vào tháng 9 năm 2022, đến cuộc họp đầu tiên giữa các cố vấn an ninh quốc gia ba nước, hội nghị ngoại trưởng ba bên, và hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4 năm 2024. Chỉ trong vòng một năm rưỡi, ba nước đã thiết lập một loạt cơ chế đối thoại đa dạng, bao gồm cả tham vấn chiến lược cấp cao nhất. Gần đây, Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức cuộc đối thoại hàng hải ba bên đầu tiên, tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác ba bên trong tương lai. Chúng bao gồm các hoạt động hợp tác trên biển, thực thi pháp luật hàng hải và nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác khác. Ngoài ra, Mỹ – Nhật Bản – Philippines còn tìm cách mở rộng hợp tác với các đồng minh khác trên nền tảng hợp tác ba bên này. Vào tháng 11 năm 2024, Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Australia đã có cuộc gặp đầu tiên bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Thứ hai là mở rộng lĩnh vực hợp tác. Ban đầu, hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quốc phòng và an ninh, nhưng sau đó đã nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực khác như kinh tế, khoa học – công nghệ và an ninh mạng. Xu hướng này phù hợp với sự phát triển chung của các cơ chế hợp tác đa phương nhỏ do Mỹ thúc đẩy ở khu vực “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương”. Ví dụ, hợp tác giữa Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Australia (QUAD) đã mở rộng từ an ninh hàng hải sang nhiều lĩnh vực khác. Trong khi liên minh Mỹ – Anh – Australia (AUKUS) cũng đã phát triển từ hợp tác về tàu ngầm hạt nhân sang các lĩnh vực như điện toán lượng tử và vũ khí siêu thanh.
Lĩnh vực quân sự và quốc phòng vẫn là trọng tâm trong hợp tác ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines. Năm 2024, Mỹ đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác hàng hải đa phương làm trọng tâm chiến lược với Nhật Bản và Philippines. Đồng thời phối hợp với các nước như Australia, Canada để tổ chức năm hoạt động “Hợp tác hàng hải đa phương” nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các nước tham gia. Bên cạnh đó, sự phát triển hợp tác quốc phòng song phương giữa Mỹ – Philippines và Nhật Bản – Philippines cũng tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác ba bên.
Trước hết, Mỹ và Philippines ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn trong vấn đề Biển Đông. Năm 2024, lần đầu tiên, hai nước triển khai hệ thống tên lửa tầm trung “Typhon” trong các cuộc tập trận “Salaknib” và “Balikatan”. Ngoài ra, Mỹ và Philippines cũng lần đầu tổ chức cuộc hội đàm “3+3” giữa ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia hai nước. Tháng 11, trong chuyến thăm Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ký “Thỏa thuận Bảo mật Thông tin Quân sự Chung” với Philippines, đồng thời tiết lộ sự tồn tại của lực lượng đặc nhiệm tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và cam kết cung cấp thêm tàu không người lái T-12 cho Philippines.
Tiếp đến, Nhật Bản và Philippines đã ký “Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng” (RAA) vào tháng 7 năm 2024. Đến tháng 12, Nhật Bản tiếp tục đưa Philippines vào danh sách các nước nhận viện trợ an ninh chính thức, sau lần đầu tiên vào năm 2023. Đồng thời cam kết cung cấp các trang thiết bị như radar giám sát ven biển cho Philippines.
Trong lĩnh vực an ninh mạng. Tháng 6 năm 2024, Mỹ và Philippines đã thảo luận về việc thành lập phòng thí nghiệm Mạng Truy cập Không dây Mở (RAN) tại Philippines. Đến ngày 18 tháng 10 cùng năm, cuộc Đối thoại ba bên về Mạng và Kỹ thuật số giữa Mỹ – Nhật Bản – Philippines lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore.
Trong các lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nhật Bản – Philippines, ba nước đã đề xuất thành lập “Hành lang kinh tế Luzon”, thúc đẩy hợp tác phát triển công nghệ quan trọng và công nghệ mới nổi, quan hệ đối tác về khí hậu, cũng như chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Trong khuôn khổ hội nghị, cuộc họp giữa các Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp ba nước đã đề cập đến chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, chất bán dẫn, ứng dụng RAN, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng. Ngày 21 tháng 5, Mỹ – Nhật Bản – Philippines chính thức thành lập Ủy ban Chỉ đạo về “Hành lang kinh tế Luzon” và tổ chức cuộc họp đầu tiên. Mỹ, Nhật Bản cam kết đẩy nhanh việc phối hợp đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng có tác động lớn đến Philippines.
Động cơ chiến lược
Sự phát triển nhanh chóng của cơ chế hợp tác đa phương nhỏ Mỹ – Nhật Bản – Philippines phản ánh xu hướng hội nhập chiến lược của ba nước trong bối cảnh môi trường địa chính trị khu vực thay đổi, đồng thời cũng là kết quả từ việc tính toán lợi ích chiến lược của từng bên.
Từ góc độ hội nhập chiến lược, mặc dù sức mạnh và vị thế của Mỹ, Nhật Bản và Philippines không cân xứng, nhưng ba nước ngày càng có lợi ích chung trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đặc biệt là trong việc duy trì lợi ích hàng hải và ngăn chặn sự mở rộng sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Do đó, cả ba bên đều có động lực mạnh mẽ để hợp tác chặt chẽ với nhau hơn.
Nhìn từ lợi ích chiến lược của mỗi nước, trước hết, từ thời chính quyền Obama, Mỹ nhận thấy các liên minh song phương theo kiểu “trục và vành đai” không đủ khả năng đối phó với “mối đe dọa Trung Quốc” để duy trì vị thế bá chủ tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Do đó, họ đã tích cực thúc đẩy chuyển đổi hệ thống liên minh. Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, làm rõ mục tiêu tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác, biến chúng thành một cấu trúc mạng lưới an ninh. Chính quyền Biden đã tiếp tục thúc đẩy hệ thống liên minh song phương chuyển hướng sang mô hình đa phương nhỏ và cấu trúc an ninh mạng lưới.
Việc xây dựng cơ chế ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines không chỉ củng cố sự hiện diện của Mỹ tại “chuỗi đảo thứ nhất”, mà còn dựa trên vị trí chiến lược của Nhật Bản và Philippines. Hợp tác Mỹ – Nhật Bản – Philippines sẽ kết nối các chiến lược đối với Biển Đông và eo biển Đài Loan. Đây rõ ràng có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì “chiến lược chuỗi đảo” của Mỹ.
Nhật Bản là một trong những nước ủng hộ tích cực đối với cấu trúc ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines. Nhật Bản cho rằng họ có lợi ích thiết thực tại Biển Đông và trong những năm gần đây, Tokyo đã thiết lập mối quan hệ song phương ngày càng mật thiết với Manila. Thông qua cơ chế hợp tác Mỹ – Nhật Bản – Philippines, Nhật Bản có thể mở rộng ảnh hưởng đối với Philippines và củng cố sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á và Biển Đông. Đồng thời, Nhật Bản muốn thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên, nâng cao vị thế của mình như một “cường quốc quân sự bình thường”. Nhật Bản cũng muốn thông qua việc “gắn kết cơ chế” để khóa chặt cam kết an ninh khu vực của Mỹ, nhằm đối phó với những tác động có thể xảy ra từ biến động chính trị nội bộ Mỹ có thể ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh.
Hợp tác ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines cũng phù hợp với lợi ích chiến lược của Philippines. Philippines hy vọng có thể tận dụng sức mạnh của Mỹ và Nhật Bản để tăng cường thế mạnh trong việc đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông. Thúc đẩy quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang, nâng cao năng lực của hải quân và cảnh sát biển. Đồng thời nhận được nhiều hơn viện trợ kinh tế và đầu tư, cũng như chia sẻ rủi ro chiến lược.
Đối mặt với biến số
Dưới thời chính quyền Biden, sự hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã có những bước tiến nhanh chóng, đặc biệt là sự hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng, đã tạo ra một số hiệu ứng khóa chặt. Thêm vào đó, hợp tác song phương giữa ba nước trong khuôn khổ này cũng có xu hướng gia tăng. Vì vậy cơ chế ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines đã đạt được một mức độ bền vững nhất định. Những bước đi như việc ký kết “Thỏa thuận Bảo mật Thông tin Quân sự Chung” giữa Mỹ và Philippines trước khi Tổng thống Biden kết thúc nhiệm kỳ cũng nhằm điều chỉnh hướng đi tương lai của liên minh Mỹ – Philippines. Ngoài ra, hợp tác Nhật Bản – Philippines có thể đóng vai trò trở thành chất kết dính. Với vị trí chiến lược quan trọng của Philippines, Mỹ sẽ khó có thể bỏ qua sự hợp tác với nước này. Các thành viên trong nội các mà Tổng thống Trump đề cử, chẳng hạn như ứng cử viên Ngoại trưởng Marco Rubio, cũng đặc biệt chú trọng đến liên minh Mỹ – Philippines.
Cũng cần phải thấy rằng, mặc dù Tổng thống Trump không mấy quan tâm đến chủ nghĩa đa phương, nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã đưa ra kế hoạch tăng cường hợp tác với các “đối tác cùng chí hướng” thông qua các cơ chế đa phương nhỏ nhằm đối phó với “mối đe dọa Trung Quốc”. Mô hình đa phương nhỏ có đặc điểm hiệu quả, linh hoạt, chi phí giao dịch thấp và cam kết thực hiện tự nguyện. Điều này giúp Mỹ dễ dàng tiến hành chiến lược kiềm chế Trung Quốc cùng với các đồng minh trong khu vực mà không dễ bị kéo vào các tình huống “bị bỏ rơi” hoặc “bị liên luỵ” của các liên minh truyền thống.
Tuy nhiên, việc hợp tác ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines sẽ tiến xa đến đâu vẫn cần được quan sát thêm. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, do xu hướng chính sách mang tính giao dịch và tính khó đoán định của ông, liên minh Mỹ – Nhật Bản và Mỹ – Philippines sẽ đối mặt với nhiều biến số không chắc chắn. Dù liên minh Mỹ – Philippines có thể duy trì ổn định nhờ quán tính chính sách, nhưng hợp tác an ninh ba bên chắc chắn sẽ bị hạn chế phần nào bởi tư duy chống chủ nghĩa đa phương của Trump. Thêm vào đó, điểm hỗ trợ quan trọng cho hợp tác Mỹ – Nhật Bản – Philippines là việc Mỹ và Nhật Bản cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Philippines. Nhưng với yêu cầu của Trump về việc các đồng minh cần chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn và tránh dính líu vào xung đột vì lợi ích của họ, điều này sẽ không có lợi cho sự phát triển của cơ chế đa phương nhỏ. Hơn nữa, lĩnh vực kinh tế là điểm yếu trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ. Khả năng Mỹ và Nhật Bản có thể thực hiện các cam kết đối với Philippines trong các lĩnh vực kinh tế và công nghệ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của hợp tác ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Lưu Lâm là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Học viện Hành chính Quốc gia – Trường Đảng Trung ương.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]