Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump ngày 2/4 đã công bố loạt chính sách thuế quan mới, trong đó, EU dự kiến sẽ phải chịu mức thuế 20%. Chính sách này cùng với hàng loạt các mức thuế đã được áp dụng trước đó nhanh chóng tạo ra làn sóng phản ứng gay gắt từ phía các nhà lãnh đạo EU. Căng thẳng thương mại Mỹ - EU tiếp tục được đẩy lên một nấc thang mới.
Quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của EU kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng các mức thuế nhằm vào EU do thâm hụt thương mại hàng hóa và các hành động của EU chống lại các công ty công nghệ Mỹ. Ông Trump cũng đã công bố mức thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu từ ngày 12/3/2025. Và gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hàng loạt các đối tác thương mại, trong đó, EU sẽ phải chịu mức thuế 20%. Điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp EU. EU tuyên bố sẽ đáp trả bằng các biện pháp “kiên quyết và tương xứng”. Cuộc chiến thương mại này không chỉ ảnh hưởng đến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn có tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
Một cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và châu Âu sẽ khiến cả hai khu vực “yếu hơn, nghèo hơn và kém khả năng đối phó với các thách thức lớn khác” như căng thẳng địa chính trị và thách thức từ Trung Quốc, theo một báo cáo mới được sự hỗ trợ của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) công bố. Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa EU và Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu áp đặt thuế quan lên nhiều đối tác thương mại quốc tế.
Trong một nghiên cứu mới, được hỗ trợ bởi Phòng Thương mại Mỹ tại EU, các nhà nghiên cứu từ Viện Chính sách Đối ngoại Đại học Johns Hopkins và Mạng lưới Lãnh đạo Xuyên Đại Tây Dương nhận định rằng mối quan hệ Mỹ – châu Âu đại diện cho quan hệ đối tác thương mại lớn nhất thế giới và “không bên nào có lợi ích” khi bị cuốn vào vòng xoáy leo thang của một cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế.
Tầm quan trọng của thương mại EU – Mỹ
Nghiên cứu cho biết giá trị ước tính của các mối quan hệ kinh tế giữa châu Âu và Mỹ đạt 9,5 nghìn tỷ USD (8,7 nghìn tỷ euro) trong năm 2024, tăng từ mức 8,7 nghìn tỷ USD của năm 2023. Con số này bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa châu Âu và Mỹ ước tính kỷ lục 2 nghìn tỷ USD cùng với doanh số bán hàng của các chi nhánh liên kết đạt 7,5 nghìn tỷ USD. Thương mại hàng hóa giữa châu Âu và Mỹ đạt giá trị 1,3 nghìn tỷ USD trong năm, trong đó 976 tỷ USD là thương mại với các quốc gia thành viên EU. Giá trị thương mại hàng hóa của Mỹ với EU cao hơn 60% so với giá trị thương mại với Trung Quốc, và cũng cao hơn 20% so với thương mại giữa EU và Trung Quốc.
EU đã xuất khẩu 606 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ trong năm 2024, trong đó Ireland chiếm 103,3 tỷ USD , đồng thời nhập khẩu 370 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với khối này đạt 236 tỷ USD, tăng 27 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Ireland là quốc gia xuất khẩu hàng hóa hàng đầu sang năm bang của Mỹ – Indiana, Kentucky, Massachusetts, Tennessee và Wisconsin. Đức dẫn đầu về xuất khẩu sang 38 bang của Mỹ. Theo dữ liệu của Eurostat, năm 2023, EU đạt thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ là 157 tỷ euro. EU là đối tác lớn thứ hai của Mỹ về xuất khẩu hàng hóa trong năm 2022 và lớn nhất về nhập khẩu hàng hóa.
Về dịch vụ, thương mại dịch vụ giữa Mỹ và EU ước tính đạt tổng cộng 475 tỷ USD trong năm qua, với EU xuất khẩu 200 tỷ USD dịch vụ sang Mỹ và nhập khẩu 275 tỷ USD. Điều này dẫn đến việc Mỹ có thặng dư thương mại dịch vụ với EU là 75 tỷ USD. Ireland đứng thứ ba về mức nhập khẩu dịch vụ từ Mỹ với 84,3 tỷ USD, nhưng phần lớn là do các khoản phí sở hữu trí tuệ, chiếm 28,1 tỷ USD. Mỹ là đối tác lớn nhất của EU về xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ trong năm 2023. EU cũng là đối tác lớn nhất của Mỹ về xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ trong năm 2022. Theo dữ liệu của Eurostat, EU ghi nhận thâm hụt 109 tỷ euro trong lĩnh vực dịch vụ với Mỹ vào năm 2023.
Mục đích và phản ứng của EU
Mục tiêu của EU là gì? Các quan chức châu Âu mong muốn giáng một đòn mạnh vào Mỹ tại những điểm nhạy cảm, nhằm buộc nước này phải tham gia đàm phán, đồng thời hạn chế tối đa thiệt hại đối với người dân châu Âu.
Vào ngày 16/3/2025, Thủ tướng Pháp François Bayrou đã bày tỏ sự nghi ngờ đối với quyết định của Ủy ban châu Âu khi áp đặt thuế quan lên rượu bourbon và các sản phẩm khác của Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang theo kiểu “ăn miếng trả miếng” giữa Washington và Brussels. “Liệu có những bước đi sai lầm đã được thực hiện không? Có lẽ là có, bởi lẽ rượu bourbon Kentucky đã bị đưa vào danh sách như thể nó là một mối đe dọa thương mại,” ông Bayrou phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài France Inter vào hôm 16/3/2025.
Ông Bayrou cho rằng Ủy ban châu Âu đã sai lầm trong việc lựa chọn các sản phẩm nằm trong danh sách trả đũa. Theo ông, Ủy ban “đã sử dụng lại một danh sách rất cũ mà không xem xét lại như lẽ ra cần phải làm.” Những bình luận của ông dường như ám chỉ rằng ông Trump đe dọa nhắm vào ngành đồ uống có cồn của EU vì Brussels đã quyết định tấn công cụ thể vào rượu bourbon, cùng với một số sản phẩm khác.
Ông Bayrou nhấn mạnh rằng ngành sản xuất cognac của Pháp một lần nữa có nguy cơ trở thành con tin trong căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt khi ngành này hiện đã là nạn nhân gián tiếp của một tranh chấp thương mại khác giữa EU và Trung Quốc. Năm 2024, Bắc Kinh đã khởi động một cuộc điều tra thương mại đối với việc nhập khẩu rượu brandy từ châu Âu (bao gồm cognac của Pháp) để đáp trả các mức thuế của EU áp lên xe điện Trung Quốc. Ông Bayrou đã gặp gỡ các nhà sản xuất cognac vào 14/3/2025 và nói rằng họ đang phải chịu áp lực từ hai phía: Trung Quốc ở một bên và Mỹ ở bên kia. Cuộc điều tra của Trung Quốc sẽ là một trong những hồ sơ ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot, khi ông dự kiến sẽ thăm Trung Quốc trước cuối tháng 3/2025.
Với bà Cecilia Malmstrom, người từng giữ vai trò Ủy viên Thương mại EU trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, coi việc trao đổi thuế quan này là “một xung đột đang leo thang” và cho rằng bất kỳ câu hỏi nào về việc “bên nào sẽ thắng” đều hiểu sai bản chất của các cuộc chiến thương mại. “Đây là một trò chơi mà cả hai bên đều thua,” bà nói với DW, nhấn mạnh rằng những người chịu thiệt hại lớn nhất sẽ là người tiêu dùng và người dân thường, bởi giá cả tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, việc làm và tăng trưởng kinh tế. Bà mô tả viễn cảnh “thời kỳ vàng son mà thuế quan sẽ mang lại cho Mỹ” là một ảo tưởng mà rất ít nhà kinh tế học trên thế giới đồng tình. “Có thể có một vài người quanh Tổng thống Trump ủng hộ điều này, nhưng tôi cho rằng 95% các nhà kinh tế trên toàn cầu đều chia sẻ quan điểm rằng thuế quan về cơ bản không phải là điều tốt,” bà Malmstrom nói.
Liên minh châu Âu đã khẳng định lập trường kiên quyết phản đối thuế quan. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh trong bài phát biểu với các phóng viên tại Brussels khi công bố phản ứng của EU vào 13/2/2025 rằng các mức thuế cao hơn đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng đồng thời tạo ra sự bất ổn cho nền kinh tế. Việc làm bị đe dọa, giá cả sẽ tăng.
Chiến dịch thuế quan của ông Trump đã gây ra lo ngại sâu sắc về những rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ. Một số ngân hàng Phố Wall và các nhà phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới giữa bối cảnh dữ liệu ảm đạm và tâm lý bi quan về tác động của thuế quan đối với lạm phát. “Thuế quan là một dạng thuế. Chúng gây bất lợi cho doanh nghiệp và còn tồi tệ hơn đối với người tiêu dùng,” Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố.
Các biện pháp đối phó ban đầu của EU sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 đối với các sản phẩm của Mỹ, từ quần jeans, xe máy đến bơ đậu phộng và rượu bourbon, tương tự như các biện pháp từng áp dụng đối với thuế quan của chính quyền Trump vào năm 2018 và 2020. Tuy nhiên, còn nhiều biện pháp khác sẽ được triển khai vào giữa tháng 4/2025. Một loạt các sản phẩm dệt may, thiết bị gia dụng, thực phẩm và nông sản có thể nằm trong danh sách, tùy thuộc vào kết quả tham vấn kéo dài hai tuần với các bên liên quan. Danh sách các mặt hàng bị ảnh hưởng, dài gần 100 trang, đang được lưu hành, bao gồm thịt, sữa, trái cây, rượu vang và đồ uống có cồn, bồn cầu, gỗ, áo khoác, đồ bơi, váy ngủ, giày dép, đèn chùm và máy cắt cỏ.
Hành động đầu tiên mà EU có thể thực hiện là đàm phán. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố rằng các mức thuế không có căn cứ áp lên EU sẽ không bị bỏ qua mà không có phản ứng. “EU sẽ hành động để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Chúng tôi sẽ bảo vệ người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng của mình,” bà nói trong một tuyên bố ngày 11/2/2025.
Ủy ban châu Âu, cơ quan đàm phán quan hệ thương mại thay mặt EU, cũng cảnh báo rằng việc áp thuế sẽ là bất hợp pháp và phản tác dụng về mặt kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi sản xuất tích hợp sâu sắc. Ủy ban nhấn mạnh rằng bằng cách áp thuế, Mỹ sẽ tự đánh thuế lên chính công dân của mình, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và thúc đẩy lạm phát. Nếu EU không thể đạt được thỏa thuận với Mỹ để tránh thuế quan, EU có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tự bảo vệ. EU có thể áp thuế đối phó lên hàng hóa từ Mỹ. Ngoài ra, EU cũng có thể nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu cảm thấy Mỹ vi phạm các quy định của tổ chức này và yêu cầu bồi thường.
Trong những năm gần đây, EU đã thông qua luật thiết lập một công cụ chống ép buộc. Mục tiêu của công cụ này là đóng vai trò răn đe, cho phép EU giải quyết xung đột thương mại thông qua đàm phán. Tuy nhiên, trong trường hợp cuối cùng, nó có thể được sử dụng để triển khai các biện pháp đối phó chống lại một quốc gia ngoài EU, bao gồm nhiều hạn chế liên quan đến thương mại, đầu tư và tài trợ.
Ngay sau khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11/2024, các nghị sĩ Nghị viện châu Âu (MEP) cũng đã thảo luận về ý nghĩa của sự kiện này đối với quan hệ EU – Mỹ. Trong tuần ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, các nghị sĩ hàng đầu kêu gọi tiếp tục hợp tác xuyên Đại Tây Dương: “Nghị viện châu Âu sẵn sàng thực hiện vai trò của mình trong việc củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bạn bè Mỹ tại Quốc hội, chính quyền mới của Mỹ cũng như các thống đốc và nhà lập pháp bang để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác EU – Mỹ.”
Vào ngày 12 tháng 2, các nghị sĩ đã thảo luận về mối đe dọa thuế quan từ chính quyền Trump cùng với đại diện từ Hội đồng và Ủy ban châu Âu. Ông Adam Szłapka, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Ba Lan, nói: “Chúng tôi tiếp tục tin rằng thương mại quốc tế cởi mở, dựa trên quy tắc và công bằng chủ yếu là một lực lượng tích cực. Bằng cách mở ra các thị trường mới, thương mại nâng cao quy mô kinh tế, đóng góp vào năng suất, đổi mới và hỗ trợ việc làm.” Ông Maroš Šefčovič, Ủy viên châu Âu về Thương mại và An ninh Kinh tế, đồng thời là Ủy viên Quan hệ Thể chế và Minh bạch, phát biểu: “Thuế quan là thuế, gây bất lợi cho doanh nghiệp và tồi tệ hơn cho người tiêu dùng. Và bằng cách áp thuế, Mỹ sẽ tự đánh thuế lên công dân của mình, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và thúc đẩy lạm phát.” Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện và báo cáo viên thường trực về Mỹ, nhắc đến khả năng EU áp thuế đối phó: “Isaac Newton từ lâu đã biết rằng một khi có hành động, luôn luôn có phản ứng.”Bà Sophie Wilmès, Phó Chủ tịch phái đoàn Nghị viện về quan hệ với Mỹ, nói: “Khi nói đến thuế quan, tuyến phòng thủ đầu tiên của chúng tôi là răn đe. Dù đây không phải là kịch bản lý tưởng, châu Âu có khả năng chống lại, đáp trả và bảo vệ các ngành then chốt của mình.”
Phản ứng của phía Mỹ
Ông Trump đã phàn nàn về “mất cân bằng thương mại nghiêm trọng” trong cuộc gặp với Thủ tướng Ireland. Ông Trump nói rằng Mỹ đã bị lạm dụng trong thời gian dài và họ sẽ không để điều đó tiếp diễn.
Ông Chris Swonger của Hội đồng Rượu mạnh Mỹ cho biết trong ba năm kể từ khi EU tạm ngừng thuế 25% đối với whisky Mỹ, các nhà sản xuất rượu đã “nỗ lực không ngừng để lấy lại vị thế vững chắc tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình.” Việc tái áp thuế từ ngày 1/4/2025 là “vô cùng đáng thất vọng,” và ông kêu gọi quay lại chính sách “thuế suất zero đổi zero.” Chưa dừng lại ở đó, ông Donald Trump tiếp tục đẩy cao căng thẳng thương mại với Liên minh châu Âu bằng việc công bố mức thuế đối ứng dành cho EU ở mức 20% vào ngày 2/4/2025 vừa qua.
Mỹ cũng có thể bị chịu ảnh hưởng ?
Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức giá trứng tại Mỹ đã chạm mức kỷ lục gần 5 USD mỗi tá, tăng 54% so với giá năm ngoái và tăng vọt 157% trong vòng ba năm. Điều này càng trầm trọng hơn bởi giá thực phẩm nói chung tăng cao, với chi phí các nhu yếu phẩm hàng ngày dự kiến sẽ tiếp tục leo thang, lên tới 3,4% trong năm nay, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Các học giả nhận định rằng ông Trump sẽ gặp khó khăn trong việc giảm giá thực phẩm và đồ uống trong thời gian ngắn, đồng thời dự báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Thậm chí, đã xuất hiện những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ, điều này có thể là một viễn cảnh đáng lo ngại trên phạm vi toàn cầu và ông Trump có lẽ cũng không loại trừ khả năng này.
Tác động của cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ
Theo ước tính của EU, các biện pháp thuế quan của Mỹ sẽ gây thiệt hại trực tiếp khoảng 6 tỷ euro, trong khi các biện pháp đối phó của EU vượt xa con số này hơn bốn lần. Một báo cáo đánh giá chính sách thương mại gần đây của Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức chỉ ra rằng nếu các biện pháp thuế quan của Mỹ được triển khai toàn diện, chúng sẽ dẫn đến sự suy giảm kinh tế tại EU.
Không còn nghi ngờ gì nữa, rất nhiều lợi ích đang bị đe dọa. EU mô tả mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương là “mối quan hệ thương mại quan trọng nhất trên thế giới.”
Theo dữ liệu do Ủy ban EU tại Brussels công bố, thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa EU và Mỹ đạt 1,6 nghìn tỷ euro trong năm 2023. Cơ quan điều hành của EU đánh giá mối quan hệ này là “cân bằng,” cho biết chênh lệch giữa xuất khẩu của EU sang Mỹ và xuất khẩu của Mỹ sang EU chỉ tương đương “3% tổng thương mại” giữa hai bên.
Ông Trump liên tục phàn nàn rằng EU bán hàng cho Mỹ nhiều hơn hẳn so với lượng mua vào. Dữ liệu EU cho thấy khối này xuất khẩu 503 tỷ euro hàng hóa sang thị trường Mỹ trong năm 2023, trong khi nhập khẩu 347 tỷ euro. Tuy nhiên, EU thừa nhận có thâm hụt dịch vụ 109 tỷ euro với Mỹ.
Với ngành công nghiệp ô tô
Khi nói về những điểm yếu của châu Âu, bà Malmstrom, hiện là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đặc biệt lo ngại về ngành công nghiệp ô tô. Bà cho rằng đó là mục tiêu của Tổng thống Trump, không chỉ ngành công nghiệp ô tô Đức mà cả ngành ô tô nói chung đã bị ảnh hưởng, lấy ví dụ về tập đoàn ô tô khổng lồ Volvo của Thụy Điển tại quê nhà Gothenburg của bà. Tập đoàn này đã bị ảnh hưởng bởi giá thép và nhôm vì đây là các thành phần trong ngành công nghiệp ô tô. Và họ lo sợ sẽ phải chịu thêm thuế quan. Ngành công nghiệp ô tô ở châu Âu hiện nay khá dễ bị tổn thương. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ từ thuế quan trong bối cảnh ngành này đang đối mặt với cạnh tranh từ Trung Quốc, quá trình chuyển đổi sang xe điện (EV) và xu hướng phi công nghiệp hóa trên toàn lục địa. Bà Hildegard Müller, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức, cho rằng nếu ông Trump tăng thuế lên ô tô từ EU, điều này sẽ gây “tác động tiêu cực” đến xuất khẩu từ EU sang Mỹ. Điều đó cũng sẽ khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn, tất cả dẫn đến tổn thất về tăng trưởng và thịnh vượng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Mức thuế 25% mà Tổng thống Trump hiện nhắc đến là một sự khiêu khích.
Về khả năng quốc phòng
Cuộc chiến cũng sẽ kìm hãm chi tiêu quốc phòng của châu Âu, cản trở nỗ lực đối phó với Nga trong vấn đề Ukraine và “phá hủy mọi cơ hội để hai bên thống nhất cách tiếp cận đối với thách thức từ Trung Quốc”.
Trước bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu ngày càng gia tăng, ông Malte Lohan, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại EU, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương. Ông cho rằng những phát hiện của nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa châu Âu và Mỹ, cũng như nguy cơ để mối quan hệ này xấu đi.
Những rủi ro vượt xa thuế quan áp lên hàng hóa
Phòng Thương mại Mỹ tại Liên minh châu Âu (AmCham EU) nhấn mạnh rằng hậu quả của các biện pháp thuế quan có thể vượt xa phạm vi các mặt hàng bị áp thuế, đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho các khoản đầu tư xuyên Đại Tây Dương. Giá trị của các khoản đầu tư này được đánh giá cao gấp hơn ba lần so với thương mại hàng hóa đơn thuần.
Trong một báo cáo được công bố vào ngày 17/3/2025, AmCham EU cho biết thương mại hai chiều về hàng hóa, bao gồm cả với Vương quốc Anh, đã đạt kỷ lục khoảng 1,3 nghìn tỷ USD trong năm qua. Thương mại dịch vụ giữa hai nền kinh tế được ước tính vượt quá 750 tỷ USD. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vượt xa những con số này, với doanh số bán hàng của các chi nhánh châu Âu tại Mỹ ước tính hơn 3,5 nghìn tỷ USD, trong khi doanh số bán hàng của các chi nhánh Mỹ tại châu Âu có thể vượt quá 4 nghìn tỷ USD. “Thiệt hại đối với dòng chảy thương mại hàng hóa đã đủ nghiêm trọng,” ông Malte Lohan, Giám đốc Điều hành AmCham EU, phát biểu. “Rủi ro thực sự nằm ở chỗ nó bắt đầu lan tỏa và ảnh hưởng đến các mối liên kết khác.”
Những tác động tiềm tàng rộng lớn hơn đối với đầu tư và dịch vụ
Theo ông Dan Hamilton, nghiên cứu viên tại Đại học Johns Hopkins và đồng tác giả của báo cáo AmCham EU, hậu quả của các xung đột thuế quan có thể mở rộng hơn. EU có thể đáp trả bằng cách nhắm vào lĩnh vực dịch vụ, nơi Mỹ hiện đang duy trì thặng dư thương mại. Sự phức tạp của sản xuất và đầu tư xuyên biên giới có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Hamilton giải thích rằng thuế quan có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến các công ty châu Âu gặp khó khăn trong việc gửi linh kiện đến các chi nhánh tại Mỹ và làm phức tạp việc xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh của Mỹ. Hơn nữa, sự bất ổn trong chính sách có thể khiến các công ty ngần ngại thực hiện các khoản đầu tư xuyên Đại Tây Dương trong tương lai. “Hiệu ứng lan tỏa của xung đột trong lĩnh vực thương mại sẽ không chỉ giới hạn ở thương mại,” ông Hamilton nhấn mạnh.
Lo ngại về đầu tư trực tiếp nước ngoài
Báo cáo của AmCham EU cũng chỉ ra rằng châu Âu vẫn là điểm đến lớn nhất cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ, nhận được nhiều hơn tổng đầu tư vào phần còn lại của thế giới cộng lại. Tương tự, các công ty châu Âu chiếm gần hai phần ba tổng FDI toàn cầu vào Mỹ. Các biện pháp thuế quan đe dọa làm gián đoạn mối quan hệ đầu tư phức tạp này. Chẳng hạn, các công ty châu Âu có thể gặp khó khăn trong việc gửi linh kiện đến các nhà máy của họ tại Mỹ, trong khi các công ty Mỹ có thể đối mặt với các rào cản trả đũa khi xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh trở lại châu Âu. Sự bất ổn do chính sách gây ra có thể dẫn đến tình trạng đóng băng các khoản đầu tư xuyên Đại Tây Dương, làm trầm trọng thêm áp lực kinh tế từ cuộc xung đột thương mại đang diễn ra. Dù mức độ ảnh hưởng toàn diện vẫn chưa rõ ràng, những lời đe dọa thuế quan ngày càng leo thang nhấn mạnh nguy cơ gây tổn hại lâu dài cho mối quan hệ kinh tế sâu sắc và liên kết chặt chẽ giữa Mỹ và EU.
Ảnh hưởng với người tiêu dùng
Đối với người tiêu dùng, giá cả cao hơn đang rình rập trên các kệ hàng siêu thị ở châu Âu, đặc biệt là đối với các sản phẩm của Mỹ. Nhưng đối với doanh nghiệp và một số ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành thép, nguy cơ thực sự đang hiện hữu.
Ông Dirk Jandura, lãnh đạo Liên đoàn Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ Đức (BGA), cảnh báo rằng người dân Đức có thể phải chi tiêu nhiều hơn để mua các sản phẩm Mỹ tại siêu thị. Nước cam, rượu bourbon và bơ đậu phộng là những mặt hàng dễ bị ảnh hưởng nhất. “Biên lợi nhuận trong thương mại quá thấp nên các công ty không thể tự hấp thụ chi phí này,” ông nói.
Tổng cộng, EU sẽ nhắm đến 26 tỷ euro (22 tỷ bảng Anh) hàng xuất khẩu của Mỹ. “Chúng tôi sẽ không đưa ra các giả định, ngoài việc khẳng định rằng chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi kịch bản,” người phát ngôn EU Olof Gill cho biết.
Tại Áo cũng xuất hiện lo ngại về sự leo thang này. “Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của các sản phẩm Áo sau Đức – và là thị trường quan trọng nhất đối với Đức,” ông Christoph Neumayer, lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp Áo, cho biết. Ông nhấn mạnh rằng “châu Âu cần hành động đồng lòng và quyết đoán.”
Một quan chức EU chỉ ra rằng các sản phẩm như đậu nành và nước cam có thể dễ dàng được nhập khẩu từ Brazil hoặc Argentina, do đó người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ bị nhắm đến cũng đến từ các bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát, như đậu nành từ Louisiana hoặc thịt từ Nebraska và Kansas.
Một lượng tương đối lớn hàng xuất khẩu của Mỹ vào EU qua cảng Rotterdam của Hà Lan hoặc Antwerp của Bỉ. Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan Dirk Beljaarts cho rằng không ai được lợi từ “cuộc chiến thuế quan,” nhưng ông hy vọng điều này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế nước mình: “Nó tác động đến doanh nghiệp và người tiêu dùng – đặc biệt là người tiêu dùng ở Mỹ.”
Một lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề ở cả hai bờ Đại Tây Dương là ngành đồ uống. Bà Pauline Bastidon của Spirits Europe cho biết các nhà sản xuất ở EU và Mỹ đang đoàn kết, với rủi ro đe dọa các công ty châu Âu sản xuất rượu mạnh Mỹ và các công ty Mỹ đầu tư mạnh vào châu Âu. Đối với các nhà sản xuất cognac ở Pháp, viễn cảnh thuế nhập khẩu 25% của Mỹ cũng là vấn đề lớn, vì phần lớn sản phẩm của họ dành cho xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ hoặc Trung Quốc. Các nhà sản xuất Pháp đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp của Trung Quốc áp thuế nặng lên cognac. “Tinh thần đang xuống dốc nghiêm trọng,” ông Bastien Brusaferro của Liên đoàn trồng nho chung nói với France Info. Hàng nghìn việc làm đang bị đe dọa chỉ riêng tại vùng Charente, ông cho biết: “Cognac là sản phẩm được tạo ra để xuất khẩu.”
Ông Henrik Adam, lãnh đạo Hiệp hội Thép châu Âu, cũng đưa ra cảnh báo nghiêm trọng: “Chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Trump đe dọa trở thành đinh cuối cùng đóng vào quan tài của ngành thép châu Âu.”
Nếu Mỹ áp thuế lên sản phẩm của các công ty EU, chúng sẽ trở nên đắt đỏ hơn và do đó bán được ít hơn. Nếu EU đáp trả bằng cách áp thuế lên sản phẩm Mỹ, thì những mặt hàng này sẽ trở nên đắt hơn đối với người tiêu dùng EU. Tuy nhiên, các mức thuế này cũng có thể thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với EU để đối phó với cách tiếp cận mới của Mỹ trong việc tăng thuế. EU hiện đã có các hiệp định thương mại với các quốc gia và khu vực trên khắp thế giới, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, giảm giá cả và thúc đẩy thương mại cũng như việc làm.
Biện pháp triển khai ứng phó của EU
Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán thông qua việc áp đặt các mức thuế trả đũa lên một loạt sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, trong đó bao gồm cả những mặt hàng từ những bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo kế hoạch, EU sẽ áp dụng thuế quan theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên sẽ bắt đầu từ ngày 1/4/2025, tác động đến các sản phẩm đã từng chịu thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, chẳng hạn như rượu bourbon, tàu thuyền và xe máy. Đối với một số mặt hàng cụ thể như rượu whisky và xe máy Harley-Davidson, mức thuế có thể lên tới 50%, được xem là một đòn giáng mạnh.
Giai đoạn thứ hai hiện vẫn đang được hoàn thiện, mặc dù danh sách các sản phẩm có thể bị ảnh hưởng đã được công bố công khai với độ dài lên tới 99 trang. Trong giai đoạn này, EU dự kiến áp thêm các khoản thuế lên các mặt hàng trị giá khoảng 18 tỷ euro (tương đương 19,6 tỷ USD), với thời điểm dự kiến có hiệu lực là ngày 13/4/2025. Các mặt hàng được đề xuất bao gồm: Gia cầm, thịt bò và thịt lợn; Đậu nành; Rượu vang và rượu vang sủi bọt; Bia; Quần, áo sơ mi và các loại quần áo khác; Túi xách; Tủ lạnh; Máy giặt; Máy cắt cỏ;… Chi tiết cụ thể về mức thuế vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hiện tại, EU đang tiến hành tham vấn ý kiến từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trên toàn khối 27 quốc gia để hoàn thiện danh sách cuối cùng. Nhiều mục tiêu tiềm năng trong danh sách này tập trung vào các khu vực do Đảng Cộng hòa kiểm soát, chẳng hạn như nông sản từ quận Louisiana, nơi bầu ra Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, cùng với gia súc từ các bang Nebraska và Kansas.
Trước đó, vào tháng 11/2024, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã đề xuất rằng EU nên tăng cường mua sắm các mặt hàng từ Mỹ, chẳng hạn như khí tự nhiên hóa lỏng, nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột và thúc đẩy hợp tác song phương.
Để giảm thiểu rủi ro từ một cuộc xung đột thương mại với Mỹ, EU cần thực hiện các biện pháp ngắn hạn như tăng cường hợp tác thương mại với các quốc gia và khu vực khác, thúc đẩy đa dạng hóa thương mại, đồng thời nâng cao sự phối hợp chính sách nhằm đối phó với các mối đe dọa thương mại từ Mỹ.
Bà Malmstrom, Ủy viên Thương mại EU, thì kêu gọi EU “chuẩn bị tốt nhất có thể” cho một cuộc tranh chấp kéo dài và có thể gây thiệt hại, ủng hộ việc sử dụng Công cụ Chống Ép buộc của EU. Công cụ này được phát triển vào cuối năm 2023 sau khi Trung Quốc làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại với thành viên EU Lithuania, khi Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Vilnius. Dù không được sử dụng vào thời điểm đó, EU đã phát triển công cụ này để sử dụng tiềm năng trong các tranh chấp tương lai.
Đến nay, công cụ này chưa từng được áp dụng, nhưng bà Malmstrom cho rằng cuối cùng nó có thể phải được triển khai lần đầu tiên nếu EU xác định cách tiếp cận của ông Trump tương đương với một hình thức “ép buộc kinh tế.” Khi đó, EU sẽ có quyền pháp lý để hành động.
Hiện tại, bà Malmstrom hy vọng “vẫn có thể đạt được một thỏa thuận,” ngay cả trong bối cảnh trao đổi thuế quan hiện nay là cần thiết để “đàm phán từ vị thế bình đẳng.” Nhưng tất nhiên, không ai muốn điều này kéo dài hàng năm trời. Các ngành công nghiệp của chúng tôi ở châu Âu đã chịu thiệt hại, và thiệt hại cũng sẽ lớn ở Mỹ.
Khó khăn của EU
Tuy nhiên, đằng sau lập trường tưởng chừng cứng rắn, EU vẫn đang bị kìm hãm bởi quá trình phục hồi kinh tế yếu kém, những chia rẽ chính trị nội bộ và sự thiếu hụt quyền tự chủ chiến lược. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp đã hạn chế khả năng đáp trả của EU. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của EU chỉ đạt 0,9%, với dự báo không vượt quá 1,5% trong năm 2025. Dù tỷ lệ lạm phát ở khu vực đồng euro đã giảm xuống còn 2,4% trong năm 2024, giá thực phẩm và năng lượng vẫn tiếp tục tăng, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình duy trì ở mức cao, trong khi ý chí đầu tư của các doanh nghiệp lại ở mức thấp.
Bên cạnh đó, những bất đồng giữa các quốc gia thành viên EU về nhiều vấn đề tiếp tục gia tăng. Chẳng hạn, đã xuất hiện những rạn nứt trong nội bộ EU về cách thức đối phó với mối đe dọa từ Mỹ khi nước này tuyên bố áp thuế 200% lên rượu vang của EU.
Sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh năng lượng khiến EU khó có thể hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc chiến lược vào Mỹ. Do đó, khi Mỹ áp đặt các biện pháp thuế quan đơn phương dưới danh nghĩa “an ninh quốc gia”, châu Âu thiếu các phương tiện thực chất để tạo thế cân bằng.
Dự báo trong thời gian tới
Trong thời gian làm Ủy viên Thương mại EU, bà Malmstrom đã trực tiếp đàm phán với ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump từ 2017 đến 2021. Những cuộc đàm phán đó đã mở đường cho một thỏa thuận giảm thuế song phương đạt được vào tháng 8 năm 2020. Tuy nhiên, bà Malmstrom lo ngại về triển vọng của các cuộc đàm phán hiện tại do tính khó lường trong cách tiếp cận của ông Trump. Tuy nhiên, bà cho rằng lần này khó hơn nhiều vì họ thực sự không biết mục tiêu là gì. Đây có thể chỉ là trừng phạt EU vì các quy định công nghệ tồi tệ, vì hành vi không công bằng, vì Greenland hay vì bất cứ lý do gì. Nhắc đến lời đe dọa của ông Trump về việc áp thêm các mức thuế nhắm mục tiêu vào tháng 4/2025, bà cũng cho rằng tình hình có nguy cơ leo thang. Nhưng bà nhấn mạnh EU sẽ không phải là bên làm leo thang. EU sẽ không leo thang điều này. Nhưng theo bà, mặt khác, các mức thuế mà Mỹ áp lên EU là bất hợp pháp. Chúng vi phạm các quy định của WTO. Chúng không có cơ sở biện minh. Vì vậy, EU cần phải đáp trả.
Thế giới chịu những ảnh hưởng gì từ cuộc chiến này ?
Cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Đầu tiên có thể là sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. EU và Mỹ là hai trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với mối quan hệ thương mại và đầu tư sâu rộng. Việc áp thuế cao hơn sẽ làm tăng chi phí sản xuất và gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử, và dệt may. Các công ty trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện từ EU và Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt và tăng chi phí, từ đó làm chậm lại quá trình sản xuất và tăng giá thành sản phẩm.
Thứ hai, việc áp thuế sẽ làm tăng giá cả hàng hóa nhập khẩu từ cả EU và Mỹ, ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên toàn thế giới. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia đang phát triển, nơi mà người tiêu dùng nhạy cảm hơn với sự thay đổi giá cả. Hơn nữa, sự tăng giá này có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, gây áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Sự bất ổn trong chính sách thương mại có thể khiến các nhà đầu tư e ngại, dẫn đến việc giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các quốc gia có liên quan đến chuỗi cung ứng của EU và Mỹ. Điều này sẽ làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang phụ thuộc vào FDI để thúc đẩy tăng trưởng.
Và cuối cùng, cuộc chiến thương mại này có thể làm suy yếu các hiệp định thương mại quốc tế hiện có, đặc biệt là các hiệp định đa phương như Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) và các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc EU và Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan đơn phương có thể tạo tiền lệ xấu, khiến các quốc gia khác cũng áp dụng các biện pháp tương tự, dẫn đến sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu.
Việt Nam liệu có chịu ảnh hưởng?
Việt Nam, với tư cách là một đối tác thương mại lớn của cả Mỹ và EU, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ. Mặc dù Việt Nam không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến này, nhưng những tác động gián tiếp là không thể tránh khỏi. Dưới đây là một số khía cạnh cụ thể mà Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng:
Đầu tiên chính là việc giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, điện tử và nông sản. Việc giá cả hàng hóa tăng cao do thuế quan có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may và giày dép, vốn đã phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác như Trung Quốc và Bangladesh.
Thứ hai, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ các quốc gia khác, bao gồm cả EU và Mỹ. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến việc nhập khẩu các nguyên liệu này, từ đó làm chậm lại quá trình sản xuất trong nước. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp như điện tử và ô tô, nơi mà các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài.
Thứ ba chính là áp lực từ việc chuyển hướng xuất khẩu. Các quốc gia bị áp thuế cao tại Mỹ và EU có thể chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, dẫn đến tình trạng dư thừa hàng hóa trên thị trường nội địa. Điều này có thể gây áp lực lên các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Cuối cùng, sự bất ổn trong chính sách thương mại có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại, dẫn đến việc giảm đầu tư vào Việt Nam. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào FDI như điện tử và dệt may. Hơn nữa, việc giảm đầu tư nước ngoài có thể làm chậm lại quá trình chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Để đối phó với những thách thức từ cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ, Việt Nam cần có những biện pháp chính sách linh hoạt và hiệu quả. Dưới đây là một số hàm ý chính sách cụ thể:
Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số thị trường lớn như EU và Mỹ. Việc tìm kiếm và mở rộng thị trường mới tại các khu vực như châu Phi, Trung Đông, và Đông Nam Á sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước này đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), để tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ hai là tăng cường năng lực cạnh tranh. Việt Nam cần đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này bao gồm việc áp dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và cải thiện cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Việt Nam cần thúc đẩy việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để giúp họ vượt qua những khó khăn từ cuộc chiến thương mại. Điều này bao gồm việc giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, và cung cấp thông tin thị trường kịp thời. Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường mới và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam cũng cần chủ động tham gia vào các diễn đàn kinh tế quốc tế và khu vực để nắm bắt các cơ hội hợp tác và đàm phán thương mại. Việc tham gia tích cực vào các tổ chức như WTO, ASEAN, và APEC sẽ giúp Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để đối phó với các thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp thuế quan đơn phương.
Cuối cùng, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa để giảm thiểu sự phụ thuộc vào xuất khẩu và nhập khẩu. Điều này bao gồm việc phát triển các ngành công nghiệp nội địa, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, và tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, và dịch vụ. Việc phát triển kinh tế nội địa sẽ giúp Việt Nam tạo ra một nền tảng kinh tế vững chắc hơn, từ đó giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại toàn cầu.
Kết luận
Cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ không chỉ là vấn đề của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn có tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Việt Nam cần có những biện pháp chính sách linh hoạt và hiệu quả để đối phó với những thách thức từ cuộc chiến này, đồng thời tận dụng các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đa dạng hóa thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh, và thúc đẩy hợp tác khu vực sẽ là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn và tiếp tục phát triển trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động./.
Tác giả: Nguyễn Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Arthur Sullivan. (2025, March 13). Trump tariffs: Who will win the EU-US trade war? DW. Retrieved March 20, 2025, from https://www.dw.com/en/donald-trump-tariffs-us-eu-trade-war-v2/a-71911655
2. EU must diversify trade to counter tariff threats ECONOMIC DAILY. (2025, March 19). EU must diversify trade to counter tariff threats. China Daily. Retrieved March 20, 2025, from https://www.chinadaily.com.cn/a/202503/19/WS67d9fe38a310c240449db8b5.html
3. European Parliament. (2025, February 13). EU-US trade: how tariffs could impact Europe. European Parlianment. Retrieved March 20, 2025, from https://www.europarl.europa.eu/topics/en/article/20250210STO26801/eu-us-trade-how-tariffs-could-impact-europe
4. Giorgio Leali. (2025, March 16). French PM says EU hitting wrong targets with retaliation tariffs on US. POLITICO. Retrieved March 20, 2025, from https://www.politico.eu/article/france-prime-minister-eu-tariffs-us-trade-war-american-products/
5. Giovanna Coi. (2025, February 5). Where are the pain points of a transatlantic trade war? POLITICO. Retrieved March 21, 2025, from https://www.politico.eu/article/eu-us-trade-war-donald-trump-tariffs-imports-exports-numbers/
6. Jeanna Smialek. (2025, March 12). Wine, Soy, Refrigerators: What Products Might Be Hit by European Tariffs. The New York Times. Retrieved March 20, 2025, from https://www.nytimes.com/2025/03/12/business/economy/europe-tariffs-products-goods-trump.html
7. Moneycontrol World Desk. (2025, March 17). US-EU trade war threatens $9.5 trillion economic relationship. money control. Retrieved March 21, 2025, from https://www.moneycontrol.com/world/us-eu-trade-war-threatens-9-5-trillion-economic-relationship-article-12966895.html
8. Nicholas Robinson. (2025, March 13). Tit-for-tat as EU – US trade war begins. FoodNavigatorEurope. Retrieved March 21, 2025, from https://www.foodnavigator.com/Article/2025/03/13/eu-and-us-trade-war-has-begun-what-does-it-mean/
9. Paul Kirby, Bethany Bell, & Adam Easton. (2025, March 13). EU braces for higher prices as US trade war ramps up. BBC. Retrieved March 21, 2025, from https://www.bbc.com/news/articles/cm2y8222ye4o
10. Ronan Smyth. (2025, March 17). ‘Tit-for-tat’ trade war will leave both EU and US ‘weaker’ and ‘poorer’. Irish Examiner. Retrieved March 20, 2025, from https://www.msn.com/en-ie/money/economy/tit-for-tat-trade-war-will-leave-both-eu-and-us-weaker-and-poorer/ar-AA1Bb8av