Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên chiến tranh mới, với vũ khí mạng và vũ khí tự động chiếm vị trí trung tâm. Những công nghệ này đang làm cho quân đội nhanh hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn, cũng đồng nghĩa với việc các cuộc chiến tranh ngày càng thảm khốc và khó lường hơn. Bài viết này sẽ tập trung vào nghiên cứu xu hướng phát triển của các hệ thống vũ khí mạng trong tương lai và các vấn đề liên quan.
Xu hướng phát triển của các hệ thống vũ khí mạng trong tương lai
Dưới điều kiện sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng, các công nghệ này đang dần được tích hợp như một thành phần thiết yếu trong mọi lĩnh vực, trong đó có quân sự.
Vũ khí mạng ngày càng tinh vi và tự chủ.
Vũ khí mạng đang ngày càng được phát triển với độ tinh vi cao hơn, tích hợp với AI và máy học (ML) để tăng cường tính tự chủ trong hoạt động vận hành của chúng. Theo truyền thống, các cuộc tấn công mạng đòi hỏi sự can thiệp đáng kể của con người, từ việc xác định lỗ hổng cho đến thực hiện các hành động cụ thể trên các hệ thống mục tiêu. Tuy nhiên, vũ khí mạng hỗ trợ AI hiện có khả năng phân tích mục tiêu, thực hiện các cuộc tấn công và điều chỉnh chiến thuật một cách linh hoạt theo thời gian thực.
AI đã có những bước phát triển đột phá trong những năm gần đây, và nó đã cách mạng hóa vũ khí mạng bằng cách cho phép chúng “học” từ các chiến lược phòng thủ mà chúng gặp phải. Ví dụ, sự phát triển của phần mềm độc hại tự động như “DeepLocker” do các nhà nghiên cứu của IBM thiết kế vào năm 2018 đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong các mối đe dọa mạng. DeepLocker đã chứng minh tiềm năng của AI trong việc che giấu các phần mềm độc hại, cho phép nó trốn tránh sự phát hiện đến khi nó tìm được mục tiêu cụ thể, bằng cách nhận dạng và nhắm mục tiêu thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt, định vị địa lý và nhận dạng giọng nói[1]. Phần mềm độc hại được hỗ trợ bởi AI này đặc biệt nguy hiểm bởi vì nó có thể lây nhiễm hàng triệu hệ thống mà không bị phát hiện, bao gồm cả trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Những phần mềm độc hại như vậy minh họa cho quỹ đạo tương lai của vũ khí mạng, dự kiến sẽ trở nên tự chủ và thích ứng hơn trong việc điều hướng các biện pháp phòng thủ an ninh mạng. Xu hướng này đặt ra các câu hỏi về đạo đức liên quan đến việc triển khai các tác nhân tự động trong chiến tranh và khả năng leo thang không thể kiểm soát của chúng.
Một trong những xu hướng quan trọng nhất trong sự phát triển của các hệ thống vũ khí sự tích hợp giữa vũ khí mạng và vũ khí vật lý ngày càng tăng. Trong khi bản thân vũ khí mạng đang ngày càng thông minh, việc tích hợp chúng với các vật thể ở không gian thực khiến cho chúng gia tăng tính sát thương ở thế giới thực. Các hệ thống vũ khí tự động (AWS), như tên lửa, máy bay không người lái…, tích hợp với AI đang được phát triển nhanh chóng, để tạo ra lợi thế quân sự chiến lược. Các chuyên gia dự đoán rằng AI sẽ thay thế và vượt trội hơn con người trong các nhiệm vụ trung tâm của lực lượng quân sự, chẳng hạn như nhận dạng mẫu, dự đoán, tối ưu hóa và ra quyết định. Trong bối cảnh này, các hệ thống vũ khí tự động hiện đang được phát triển, có khả năng hoạt động độc lập với sự giám sát của con người trong việc phân loại và nhắm mục tiêu.
Vũ khí mạng sẽ không chỉ dừng lại ở nghiệp vụ tình báo, mà sẽ được nâng cấp để tạo ra những thiệt hại lớn hơn. Trên thực tế, hiện tại các vũ khí mạng thường tập trung vào lĩnh vực thu thập thông tin tình báo hoặc gián điệp. Chiến tranh mạng chủ yếu được xác định bằng cách đánh cắp thông tin bí mật, gián điệp hoặc làm cho các cơ sở chính rối loạn chức năng. Tuy nhiên trong tương lai, bằng cách kết hợp các hoạt động mạng với các lĩnh vực vật lý, vũ khí mạng có thể đạt được nhiều kết quả chiến lược quan trọng hơn, mang lại lợi thế lớn hơn cho bên tham chiến. Các vũ khí mạng hiện tại đã có thể chuyển đổi các mối đe dọa ảo thành tác động vật lý. Cùng với việc sử dụng xe tăng, bom và binh lính trên chiến trường, các quốc gia hiện cũng đang tiến hành chiến tranh trong không gian mạng để làm suy yếu kẻ thù của họ, đáng chú ý nhất là bằng cách nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điện và thông tin liên lạc.
Theo cựu Thiếu tướng Vautrinot (Mỹ), “không gian mạng không chỉ đơn giản là Internet; thay vào đó, nó là một mạng lưới các công nghệ thông tin phụ thuộc lẫn nhau bao gồm Internet, các công trình mạng viễn thông, hệ thống máy tính và bộ xử lý nhúng”[2]. Mặc dù phần lớn nỗ lực hiện tại tập trung vào các mạng kết nối Internet, đây chỉ là một tập hợp con của tổng số miền mạng, bao gồm các mạng không kết nối Internet như liên kết dữ liệu chiến thuật, mạng điều khiển vệ tinh, mạng điều khiển phóng và các mạng khác không dựa trên các giao thức truyền dữ liệu Internet và công nghệ. Chiến tranh trong tương lai sẽ chứng kiến các hoạt động không gian mạng, mở rộng sang các công trình mạng phi truyền thống và các hệ thống kết nối thông qua chúng, chẳng hạn như vệ tinh, hệ thống điện tử hàng không, thiết bị nhắm mục tiêu, radio kỹ thuật số và máy bay điều khiển từ xa. Các hiệu ứng được tạo ra trên và thông qua các hệ thống này sẽ bao gồm sự tan rã, mất tập trung, bóp méo, mất lòng tin, nhầm lẫn và hỗn loạn cả về bản chất và thể chất, tao ra những hậu quả có thể được đánh giá và đo lường trên chiến trường.
Điều này làm gia tăng việc kết hợp chiến tranh mạng trong chiến tranh truyền thống. Sự phụ thuộc của các quốc gia vào công nghệ đã làm nảy sinh các chiến trường kỹ thuật số. Ranh giới giữa chiến tranh thông thường và chiến tranh mạng đang mờ dần khi các khả năng phòng thủ và tấn công thông thường ngày càng sử dụng Internet để chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và tình báo, khiến cơ sở hạ tầng và mạng lưới thông tin và truyền thông trở thành cả mục tiêu và phương tiện của các cuộc tấn công quân sự. Mặc dù chiến tranh mạng hiện chỉ giới hạn trong các hệ thống mạng thông tin, nhưng nó sẽ mở rộng mạnh mẽ trong tương lai. Sự thống trị toàn diện của không gian mạng sẽ cho phép tự do cơ động trong tất cả các lĩnh vực chiến đấu bằng cách giữ cho hệ thống xử lý thông tin điện tử của kẻ thù gặp rủi ro trong khi bảo vệ các hệ thống của mình khỏi bị tấn công. Ví dụ, theo một báo cáo của Microsoft, Nga đã tạo ra ít nhất 22 cuộc tấn công mạng chống lại các mạng Ukraine trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột (năm 2022) và sử dụng phần mềm độc hại phá hoại hơn trong bốn tháng đầu tiên của cuộc xung đột[3]. Một báo cáo của Reuters cũng cho biết rằng rạng sáng ngày 24/2/2022, khi các lực lượng Nga tiến vào miền đông Ukraine, đã có các cuộc tấn công làm tê liệt hàng chục nghìn modem Internet vệ tinh ở Ukraine và trên khắp châu Âu[4].
Trong thời đại ngày nay, tầm quan trọng của không gian mạng đã được nhấn mạnh rất nhiều. Nó có tác động sâu sắc đến an ninh quốc tế và học thuyết quân sự của các quốc gia. Ảnh hưởng ngày càng tăng của không gian mạng trong lĩnh vực hoạt động quân sự đã làm thay đổi khái niệm chiến tranh. Có thể nói rằng sự phát triển của chiến tranh hiện đại là sự kết hợp giữa chiến tranh thông thường và kỹ thuật số. Chiến tranh mạng không còn là một lĩnh vực riêng biệt mà sẽ dần trở thành một phần trong chiến lược quân sự.
Phát triển vũ khí mạng nhằm vào các thực thể kinh tế – xã hội – quân sự và chính phủ ngày càng gia tăng. Trước đây, các cuộc tấn công mạng thường nhắm vào các đối tượng cá nhân riêng lẻ hoặc doanh nghiệp, với mục tiêu chủ yếu về dữ liệu hoặc tài chính. Hiện tại, khi các quốc gia tiến hành số hóa các cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện, mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống vũ khí, thiết bị định vị và các khía cạnh khác của hoạt động quân sự, đã tạo ra các lỗ hổng mới để vũ khí mạng khai thác và tấn công. Vì các hệ thống này thiết yêu đối với các hoạt động xã hội và an ninh quốc phòng, việc xâm phạm chúng có thể dẫn đến sự gián đoạn trên diện rộng, gây ra những tác động đáng kể về cả kinh tế và con người. Điều này đang đặt ra một khái niệm chiến tranh mới, nơi không có chiến trường thực tế, nhưng vẫn tạo ra thương vong và kết quả như một cuộc chiến tranh bằng vũ khí vật lý. “Các cuộc tấn công mạng đang thay thế các cuộc tấn công động học” – cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, Jeh Johnson khẳng định. [5]
Chiến tranh mạng cũng đang được các quốc gia sử dụng để định hình dư luận hoặc thúc đẩy một câu chuyện cụ thể có thể gây tổn hại đến mục tiêu và mục đích của kẻ thù. Chiến dịch tâm lý có thể được tiến hành qua không gian mạng để nhắm vào một nhóm người nhất định. Hiện tượng này đã làm nảy sinh khái niệm “chiến tranh nhận thức”. Trọng tâm mở rộng ra ngoài các cân nhắc về quân sự để bao gồm các hoạt động tâm lý và chiến dịch thông tin sai lệch với sự trợ giúp của các công cụ kỹ thuật số như phương tiện truyền thông xã hội. Các chiến dịch này cũng có thể được nhà nước đối phương phát động để làm suy yếu chức năng của Chính phủ. Mục tiêu của các chiến dịch như vậy bao gồm cả quân đội và dân thường. Khi những tiến bộ công nghệ tiến triển, tính phức tạp của chiến tranh nhận thức đồng thời cũng tăng lên. Việc hiểu và điều hướng sự phức tạp của chiến tranh nhận thức trong các cuộc xung đột hiện đại là rất quan trọng.
Cuộc chạy đua vũ trang mạng đã bắt đầu trên toàn cầu. Những tiến bộ công nghệ và động lực địa chính trị đang thay đổi là những nhân tố định hình và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mạng trên toàn cầu. Các quốc gia đang tiến hành các cuộc chạy đua trong chiến trường kỹ thuật số, mà cốt lõi là vũ khí mạng. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Nga đi đầu trong việc phát triển năng lực mạng, đã thành lập các đơn vị quân sự mạng chuyên trách và các chiến lược tấn công. Ví dụ, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) của Trung Quốc tích hợp chiến tranh mạng và điện tử vào học thuyết quân sự của mình, cho thấy một cách tiếp cận toàn diện đối với sức mạnh mạng[6]. Mỹ cũng có Bộ tư lệnh không gian mạng (USCYBERCOM) chịu trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động và phòng thủ của các mạng thông tin. Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng ban hành chiến lược không gian mạng để hướng dẫn sự phát triển của các lực lượngj không gian mạng, tìm cách tăng cường phòng thủ và răn đe không gian mạng.
Trong thế giới toàn cầu hóa, các quốc gia không chỉ cần máy móc hạng nặng, nhân lực và vũ khí tiên tiến về mặt kỹ thuật mà còn cần sức mạnh kỹ thuật số và chiến lược để chống lại kẻ thù.
Các hệ thống vũ khí mạng sẽ được phát triển và sử dụng trong bí mật. Đây vừa là đặc tính vừa là lợi thế của vũ khí mạng. Cần lưu ý rằng, vũ khí mạng thường khai thác các lỗ hổng trong hệ thống của đối phương, do đó, việc phát triển và sử dụng vũ khí mạng phải tiến hành trong bí mật, vì nếu lỗ hổng bị phát hiện, nó sẽ được nâng cấp và bảo vệ, vũ khí mạng không thể khai thác đặc điểm của lỗ hổng nữa. Bên cạnh đó, việc sử dụng vũ khí mạng một cách bí mật cho phép bên tấn công có thể khai thác lỗ hổng đó một cách lâu dài nếu không bị phát hiện, ngoài ra khi bị phát hiện, bên tấn công có thể dễ dàng phủ nhận trách nhiệm do rất khó để truy ngược lại nguồn gốc của vũ khí mạng. Từ đó, các bên có thể lợi dụng điểm này để gây nên các xung đột mạng với các tổn thất thực tế, tuy nhiên không leo thang quân sự, và hạn chế sự trả đũa[7]. Thậm chí, nó có thể trở thành một kịch bản khiêu khích chiến tranh, để bên kia tấn công trước và biến mình trở thành thế lực tự vệ chính đáng.
Các tác nhân phi nhà nước, chẳng hạn như tội phạm mạng và các thành phần khủng bố sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc chiến tranh mạng. Rất khó để biết ai đứng sau các cuộc tấn công mạng, điều này khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Sự tham gia của các chủ thể phi nhà nước cũng làm cho chiến tranh mạng thậm chí còn khó đoán hơn, vì họ không bị ràng buộc bởi các quy tắc giống như chính phủ.
Trước đây, xung đột chỉ do các quốc gia có chủ quyền tiến hành nhưng hiện nay các tác nhân phi nhà nước bao gồm các nhóm cực đoan, khủng bố và cá nhân có thể dễ dàng tham gia ẩn danh hoặc công khai bằng cách sử dụng các phương tiện kỹ thuật số dễ dàng có sẵn để thúc đẩy yêu sách của họ. Họ không chỉ sử dụng công cụ số để nhắm mục tiêu vào các cơ sở chiến lược của một quốc gia mà còn phát tán thông tin sai lệch trong dân chúng nói chung để thúc đẩy các hệ tư tưởng cực đoan của họ bằng cách sử dụng các tài khoản mạng xã hội.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia trong việc phòng thủ chống lại các cuộc tấn công mạng là tính ẩn danh của không gian mạng. Chi phí thấp (so với các hình thức tấn công vật lý khác) để thâm nhập vào không gian mạng và một đặc điểm khác là bất kỳ ai sử dụng đúng công cụ đều có thể dễ dàng che giấu danh tính, vị trí và động cơ của mình tạo điều kiện cho các thế lực tham gia cuộc chiến không gian mạng. Tính ẩn danh dễ dàng có ý nghĩa sâu sắc đối với các quốc gia hoặc cơ quan đang tìm cách ứng phó và ngăn chặn các cuộc tấn công chiến tranh mạng. Nếu không thể xác định được danh tính, vị trí và động cơ của một cuộc tấn công, thì việc ngăn chặn một cuộc tấn công như vậy sẽ trở nên rất khó khăn và việc sử dụng các khả năng tấn công mạng để trả đũa sẽ mang lại rủi ro lớn và nếu trả đũa sai mục tiêu sẽ phải đối mặt với sự trả thù.
Cuối cùng, không có sự giới hạn cho các hình thức của vũ khí mạng trong tương lai. Các hoạt động không gian mạng là không thể tránh khỏi trong chiến tranh trong tương lai. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận rằng chúng sẽ đóng góp như thế nào trên chiến trường vẫn đang diễn ra. Trong khi có thể nhìn nhận về xu hướng chung của vũ khí mạng là tích hợp với vũ khí truyền thống, rất khó để dự báo các hình thức cụ thể của chúng và cách chúng được sử dụng trong chiến tranh. Các vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm của các binh lính Hezbollah trong xung đột với Israel gần đây đã chứng minh điều này. Dù Israel đã không phản hồi về trách nhiệm, vụ nổ này đã trở thành ví dụ kinh điển về việc các nguyên tắc không gian mạng và vật lý của chiến tranh đang hội tụ theo một cách không thể lường trước. Hezbollah đã chủ động tránh sử dụng các thiết bị tiên tiến để tránh khỏi các phần mềm gián điệp và theo dõi định vị, và sử dụng một công cụ liên lạc được coi là cổ xưa. Đã không có ai có thể lường trước được việc tấn công thông qua các máy nhắn tin này, Tal Mimran, giám đốc học thuật của Diễn đàn Luật quốc tế tại Đại học Hebrew và là cựu cố vấn pháp lý của IDF, cho biết cuộc tấn công bằng máy nhắn tin là một loại tấn công mới, chưa từng có tiền lệ. Cuộc tấn công đã mở ra một chương mới trong chiến tranh hiện đại, rằng không có giới hạn nào cho các hình thức tấn công của vũ khí mạng. Tiến Sĩ Naureen Akhtar, thuộc Văn Phòng Thủ Tướng Pakistan, cho rằng “các vụ nổ máy nhắn tin của Hezbollah không chỉ là một trường hợp đơn thuần, mà là tiền thân của các cuộc chiến tranh thời kỳ tương lai.”
Tương lai của cuộc chạy đua vũ trang mạng đầy bất ổn. Sự phát triển của công nghệ, không gian mạng đã chuyển từ lĩnh vực cạnh tranh chính trị sang một lĩnh vực liên quan đến chiến tranh – một chiến trường mà trên đó các tác nhân tạo ra sức mạnh chiến đấu kể kết hợp với các lực lượng trong lĩnh vực khác.
Các vấn đề cần lưu ý
Các hệ thống vũ khí mạng tích hợp cùng nhân tố vật lý đang phát triển nhanh chóng, khó dự báo, tuy mang lại lợi thế chiến lược cho bên tham chiến, nhưng cũng đặt ra những thách thức sâu sắc về đạo đức và quy định. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã chia sẻ với DW rằng “Chúng ta đã bước vào cuộc chạy đua vũ trang, công nghệ đang thúc đẩy chúng ta hướng tới tương lai này. Và đây là thực tế mà chúng ta phải đối phó”[8]. Việc tìm ra những kịch bản phát triển, phân tích các rủi ro là bước đầu để tìm ra những giải pháp chèo lái thế giới theo hướng an toàn hơn. Nỗ lực quốc tế là cần thiết để cùng nhau đặt ra những giới hạn để kiềm chế những rủi ro vô hạn của vũ khí mạng.
Trong khi các quốc gia phát triển các vũ khí mạng tấn công, để nâng cao khả năng răn đe hoặc phòng thủ. Ý nghĩa đạo đức và nhân đạo của các hoạt động tấn công này phải được xem xét cẩn thận, tập trung vào tính tương xứng, sự cần thiết và tránh gây tổn hại cho dân thường. “Đây là một cuộc chạy đua cắt ngang các lĩnh vực quân sự và dân sự”, Amandeep Singh Gill, cựu chủ tịch nhóm chuyên gia chính phủ của Liên Hợp Quốc về vũ khí tự động gây chết người nói về cuộc chạy đua vũ khí mạng.
Khi lĩnh vực không gian mạng ngày càng được vũ khí hóa, điều cần thiết là phải thiết lập các quy tắc tham gia rõ ràng để quản lý chiến tranh mạng. Điều này bao gồm việc xác định những gì cấu thành một hành động xâm lược, thiết lập các ngưỡng phản ứng và làm rõ ranh giới pháp lý và đạo đức của các hoạt động mạng. Các thỏa thuận và chuẩn mực quốc tế có thể cung cấp một khuôn khổ cho hành vi có trách nhiệm trong không gian mạng, giảm nguy cơ leo thang ngoài ý muốn và thúc đẩy sự ổn định. Bằng cách xây dựng sự đồng thuận giữa các quốc gia về các giao thức và thủ tục quy kết và làm rõ khả năng áp dụng luật pháp quốc tế, chúng ta có thể bắt đầu xây dựng sự đồng thuận về Vũ khí mạng và các chuẩn mực.
Thời đại của chiến tranh mạng đã đến. Các quan niệm thời bình về quy mô và chi phí của các lực lượng và hoạt động không gian mạng đã không phù hợp với các quan sát được thực hiện trong cuộc chiến này[9]. Câu hỏi về tính hủy diệt của vũ khí mạng vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia phải nghiên cứu cuộc chiến này để hiểu chiến tranh mạng có thể phát triển như thế nào trong các cuộc xung đột trong tương lai. Page Stoutland, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề khoa học và kỹ thuật của Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (Mỹ), cho biết: “Bất kỳ hệ thống nào chứa thành phần kỹ thuật số, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, đều dễ bị đe dọa bởi các mối đe dọa mạng”. Một cách khác để giảm thiểu mối đe dọa mạng là hạn chế sử dụng các cuộc tấn công mạng nhằm vào vũ khí hạt nhân. Giới lãnh đạo quân sự và chính trị, cũng như các viên chức ở cấp thấp hơn, cần nhận thức rõ rằng các cuộc tấn công mạng vào hệ thống hạt nhân tiềm ẩn nguy cơ gây ra thảm họa không mong muốn. Để tránh thảm họa, họ cần phải đưa ra các quy tắc rõ ràng của cuộc chạy đua. Rõ ràng, những quyết định này chỉ có thể thực hiện được khi hợp tác với các quốc gia khác và với sự tin tưởng lẫn nhau và các bước đi đồng bộ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trở ngại đối với việc xây dựng sự đồng thuận về chuẩn mực mạng và các biện pháp xây dựng lòng tin là thiếu minh bạch trong phát triển vũ khí mạng và việc quy kết thủ phạm tấn công kém. Và mặc dù việc xác minh các quy tắc này có thể khó khăn, đây là yêu cầu bắt buộc để giới hạn lại những chiều hướng tiêu cực nhất của vũ khí mạng. Các chuyên gia tin rằng chỉ cần có các chuẩn mực như vậy là có thể ngăn chặn được sự leo thang. Việc không thiết lập được các chuẩn mực và khuôn khổ quản lý có thể làm gia tăng căng thẳng và tăng khả năng xảy ra xung đột trên không gian mạng. Và chiến tranh mạng không chỉ là nỗi sợ hãi về tương lai mà còn là tình trạng vĩnh viễn.
Tăng cường an ninh mạng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ cần bảo vệ thông tin mà cả các hệ thống vật lý và các thiết bị truyền thông. Khi các cuộc tấn công mạng trở nên thường xuyên và tinh vi hơn, khả năng chịu đựng và phục hồi từ các cuộc tấn công này ngày càng trở nên quan trọng. Điều này bao gồm không chỉ các biện pháp kỹ thuật như sao lưu và dự phòng, mà còn các yếu tố tổ chức và con người như đào tạo và nhận thức. Khả năng phục hồi không gian mạng không chỉ là vấn đề an ninh quốc gia mà còn là vấn đề ổn định kinh tế, vì các cuộc tấn công mạng có thể phá vỡ cơ sở hạ tầng và hệ thống tài chính quan trọng.
Vũ khí mạng là một thành phần quan trọng trong kho vũ khí quân sự của các dân tộc, và cuộc chạy đua vũ trang mạng đã dần nổi lên. Sự phổ biến và rủi ro của các cuộc tấn cộng mạng tiếp tục gia tăng song song với sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào Internet, trong tất cả mọi mặt trận từ hệ thống sản xuất kinh tế, chuỗi cung ứng và phân phối, tài chính, điện, giao thông đến các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Chiến tranh mạng đã, đang và sẽ dần trở thành mối đe dọa nghiêm trọng tiếp theo đối với an ninh quốc gia.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Marc Ph. Stoecklin, Jiyong Jang, Dhilung Kirat, DeepLocker: How AI Can Power a Stealthy New Breed of Malware, Security Intellygence, https://securityintelligence.com/deeplocker-how-ai-can-power-a-stealthy-new-breed-of-malware/
[2] Vautrinot, S. M., & Anderson, S. J. Sharing the Cyber Journey. Strategic Studies Quarterly, 6(3), 71-87. https://doi.org/26267262
[3] Microsoft Digital Security Unit, An Overview of Russia’s Cyber attack Activity in Ukraine, Special Report: Ukraine, 27 April 2022,
[4] James Pearson and Christopher Bing, The cyber war between Ukraine and Russia: An overview, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/factbox-the-cyber-war-between-ukraine-russia-2022-05-10/
[5] Atlantic Council, “Securing the energy and critical infrastructure sectors from cyberattacks”, https://www.atlanticcouncil.org/event/securing-the-energy-and-critical-infrastructure-sectors-from-cyberattacks/
[6] John Costello and Joe McReynolds, China’s Strategic Support Force: A Force for a New Era, China Strategic Perspectives, https://ndupress.ndu.edu/Media/News/Article/1651760/chinas-strategic-support-force-a-force-for-a-new-era/
[7] Richard L. Manley, Cyber in the Shadows: Why the Future of Cyber Operations Will Be Covert, Joint Force Quarterly 106, https://ndupress.ndu.edu/Media/News/News-Article-View/Article/3105355/cyber-in-the-shadows-why-the-future-of-cyber-operations-will-be-covert/
[8] DW, Future Wars – and How to Prevent Them, https://www.dw.com/en/future-wars-and-how-to-prevent-them/a-57777491
[9] Major Christopher Pickle, U.S. Marine Corps, The Changing Character of Cyber Warfare, U.S. Naval Institute, https://www.usni.org/magazines/proceedings/2024/june/changing-character-cyber-warfare