Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi từ khi quay trở lại nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2, tổng thống Mỹ Donand Trump đã đưa ra nhiều quyết sách gây sốc từ đối ngoại đến đối nội khiến cả thế giới phải nín thở dõi theo. Sự kiện tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng với nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu mức thuế cao nhất đã tạo ra cú sốc cho cả khu vực. Từ đó, sự kiện trên đã đặt ra những xu hướng khó lường trước, đem lại cả thời cơ và thách thức cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chính sách kinh tế
Động thái gây sóng gió của Trump 2.0
Trong tháng 4, sự kiện Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng lên nhiều nền kinh tế trên thế giới đã tạo ra cú sốc thực sự, đặc biệt là với khu vực Đông Nam Á. Mặc dù mức độ phụ thuộc kinh tế của các nước ASEAN vào Mỹ là khác nhau, nhưng xuất khẩu đều chiếm tỷ trọng quan trọng trong nền kinh tế của các nước thành viên, khiến khu vực này nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sáu trong số chín quốc gia Đông Nam Á được Trump liệt kê đã phải chịu mức thuế quan cao hơn nhiều so với dự kiến, từ 32% đến 49%. Trong khi đó, mức thuế của Liên minh châu Âu là 20%, Nhật Bản là 24% và Ấn Độ là 27% .
Ngay sau khi công bố mức thuế đối ứng, các nước Đông Nam Á đã có những động thái thể hiện thiện chí muốn đàm phán lại mức thuế hợp lý hơn, để cả hai bên cùng có lợi, đơn cử như Việt Nam, Thái Lan hay Campuchia. Đáp lại, Tổng thống Trump cũng đã có động thái “lùi bước” đối với một số quốc gia, thay vì ngay lập tức có động thái đáp trả thuế quan như Trung Quốc hay có phản ứng gay gắt như Brazil, các quốc gia ASEAN có cách tiếp cận hòa dịu hơn. Nhưng không vì thế mà tiến trình đàm phán sắp tới của các nước này với Mỹ có thể diễn ra một cách êm đềm, sẽ còn nhiều biến số khiến tình hình trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chung được Trump tuyên bố với mức thuế đối ứng là việc các nước trên thế giới nói chung đang xuất khẩu vào Mỹ quá nhiều trong khi lại nhập của Mỹ quá ít và còn áp thuế cao lên các mặt hàng của Mỹ vào các nước này. Nhưng thực tế mức thuế mà chính quyền Trump áp lên các nước lại không liên quan trực tiếp tới thuế các nước ASEAN nói riêng hay trên thế giới nói chung. Ông Trump đã lấy mức thâm hụt thương mại của các nước rồi chia với 2, rồi lấy trực tiếp con số đó để áp dụng với các quốc gia.
Một nguyên nhân nữa được chính quyền Trump 2.0 đưa ra đó là các quốc gia Đông Nam Á là nơi trung gian để hàng hóa Trung Quốc lách thuế đi vào Mỹ. Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Malaysia Woo Wing Thye nói với CNA rằng các nước Đông Nam Á có thể bị nhắm tới vì họ có mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc, và Mỹ coi Bắc Kinh là “mối đe dọa số một” trong cuộc chiến thương mại toàn cầu đang muốn gây tổn hại cho các quốc gia này. Woo cho biết: “Trump đang thực hiện những gì ông cho là cân bằng sân chơi trong quan hệ thương mại và ông đặc biệt chú ý đến các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc” .
Mục đích
Siết chặt vòng vây trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Khi chiến thắng trong cuộc bầu cử gọi tên tổng thống Donand Trump, dư luận thế giới gần như đồng tính với quan điểm một cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ được tái diễn, và lần này sẽ quy mô của nó sẽ còn lớn và khốc liệt hơn lần đầu tiên gấp nhiều lần. Và sau 3 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Trump đã chứng minh quan điểm trên là đúng. Chính quyền 2.0 của ông không chỉ áp thuế với Trung Quốc mà dường như mở rộng cuộc chiến thuế qua ra phạm vi toàn cầu. Từ sau cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhiều công ty trước đây đặt tại Trung Quốc đã chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á để né thuế quan áp dụng đối với Trung Quốc. Vì thế, Trump không còn nhắm trực tiếp vào Trung Quốc mà các “đòn đánh” đã ở nhiều khía cạnh hơn. Không chỉ Đông Nam Á, các quốc gia thành viên EU – những đồng minh lâu năm của Mỹ, cũng không nằm ngoài vòng xoáy thuế đối ứng. Ở một góc độ nhất định, ông Trump cho rằng việc các quốc gia EU nhập khẩu nhiều hàng hóa của Trung Quốc nhưng lại áp thuế cao đối với hàng hóa của Mỹ là bất công cho quốc gia của ông. Vô hình trung đang tạo ra lợi thế cho Trung Quốc, vì vậy, việc áp thuế cần áp dụng cho cả EU để kiềm chế Trung Quốc.
Làm công cụ để thúc ép trên các lĩnh vực khác. Sở dĩ cho rằng đây chỉ là công cụ để Mỹ “làm giá” và ép các quốc gia ASEAN là bởi tại khu vực này Trung Quốc cũng đang có mối quan hệ kinh tế vô cùng chặt chẽ với các quốc gia Đông Nam Á. Một hành động cứng rắn thực sự nhằm vào ASEAN sẽ càng đẩy các quốc gia này gần hơn với Trung Quốc, đặc biệt là Malaysia và Campuchia, vô hình chung sẽ mâu thuẫn với mục đích đầu tiên, siết chặt vòng vây thương mại với Trung Quốc. Các quốc gia này và có thể là nhiều hơn nữa sẽ tìm những giải pháp thay thế, tăng cường sự tham gia vào các tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo, đặc biệt là BRICS. Và khi đó, chiến lược rộng lớn hơn là kiềm chế toàn diện Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ gặp vô vàn thách thức. Trung Quốc sẽ có nhiều “không gian” để triển khai các chiến lược của mình hơn, tăng cường ảnh hưởng và lợi thế trong cuộc đua tập hợp lực lượng với Mỹ. Chính vì lẽ đó, việc chính quyền Trump muốn cứng rắn với ASEAN – khu vực có vị thế địa chiến lược quan trọng có thể là một sai lầm lớn.
Chính sách về chính trị
Động thái
Trong 3 tháng đầu của nhiệm kỳ Trump 2.0, giới quan sát cho rằng, dường như Trump đang “bỏ rơi” khu vực Đông Nam Á . Một trong những minh chứng là trong phiên điều trần phê chuẩn của Thượng viện đối với Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, ông thậm chí không thể nêu tên một quốc gia ASEAN nào trước câu hỏi của Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth. Trump vẫn chưa đưa ra chính sách hoặc chiến lược rõ ràng cho Đông Nam Á. Thế nhưng các quyết định và đề xuất chính sách đối ngoại của ông đối với Trung Đông và Dải Gaza đã tác động phần nào đến cách Đông Nam Á nhìn nhận Mỹ. Trong một cuộc khảo sát ý kiến của giới tinh hoa vào tháng 4 năm 2024 do Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore thực hiện. Kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2020, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp bày tỏ mong muốn gắn kết quốc gia của họ với Trung Quốc thay vì Mỹ khi buộc phải chọn lựa. Tuy nhiên, một câu hỏi đơn lẻ không thể lột tả hết sự phức tạp của Đông Nam Á. Kết quả khảo sát phần nào cho thấy phản ứng của khu vực trước việc Mỹ ủng hộ các hoạt động của Israel ở Gaza, đặc biệt rõ nét ở các nước ASEAN có đa số người Hồi giáo như Malaysia và Indonesia .
Nguyên nhân
Sự thờ ơ đối với các quốc gia Đông Nam Á trên bình diện chính trị có thể được lý giải qua hai nguyên nhân, phản ánh cả bối cảnh quốc tế lẫn triết lý lãnh đạo của ông Trump. Trước hết, chính quyền Trump phải đối mặt với một danh sách dài các ưu tiên cấp bách hơn, trong đó các vấn đề đối nội và cuộc xung đột Nga – Ukraine chiếm vị trí trung tâm. Về mặt nội bộ, Trump cần tập trung ổn định nền kinh tế Mỹ, giải quyết những chia rẽ chính trị sâu sắc sau cuộc bầu cử, và củng cố niềm tin từ các nhóm cử tri ủng hộ ông, vốn đòi hỏi nguồn lực và sự chú ý đáng kể. Đồng thời, chiến sự Nga – Ukraine, ông Trump cho rằng cách tiếp cận của Mỹ với cuộc chiến này đang đẩy Nga gần hơn với Trung Quốc. Vì vậy, trọng tâm của ông trong 3 tháng qua là tìm cách nối lại mối quan hệ với Nga, thông qua các vòng đàm phán ở Ả rập xê út. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á – dù quan trọng về địa chính trị và kinh tế – trở thành một khu vực ít cấp thiết hơn trong ngắn hạn, đặc biệt khi không có khủng hoảng tức thời nào tại đây đòi hỏi sự can thiệp trực tiếp của Mỹ.
Thứ hai, sự thờ ơ này còn bắt nguồn từ việc Trump không mặn mà với các cơ chế đa phương, một điểm khác biệt rõ rệt so với cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden. Trong khi Biden thường xuyên nhấn mạnh vai trò của các liên minh và tổ chức quốc tế như ASEAN để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trump lại nghiêng về chủ nghĩa đơn phương và các thỏa thuận song phương. Đối với Trump, các cơ chế đa phương như ASEAN thường bị xem là cồng kềnh, kém hiệu quả, và không mang lại lợi ích trực tiếp, đo lường được cho Mỹ. Thay vào đó, ông ưu tiên đàm phán trực tiếp với từng quốc gia, tập trung vào các lợi ích kinh tế hoặc an ninh cụ thể – chẳng hạn như thương mại hoặc hợp tác quân sự – hơn là đầu tư vào các mối quan hệ dài hạn qua các diễn đàn khu vực. Điều này lý giải tại sao trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, chính quyền Trump không tích cực tham gia vào các sáng kiến ngoại giao ở Đông Nam Á, chẳng hạn như tăng cường quan hệ với các nước thành viên ASEAN hay thúc đẩy các hiệp định đa phương.
Mục đích
Sự thờ ơ này có thể mang lại cho Mỹ sự linh hoạt chiến lược ở phạm vi toàn cầu. Bằng cách tạm thời giảm chú ý đến Đông Nam Á, chính quyền Trump có thể dồn nguồn lực vào các điểm nóng khác như Trung Đông – nơi các vấn đề như Iran hay xung đột Israel-Palestine đòi hỏi sự can thiệp tức thời – hoặc châu Âu, nơi cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn đang đặt ra nhiều thách thức. Hơn nữa, cách tiếp cận này phản ánh triết lý “America First” của Trump, trong đó mọi chính sách đối ngoại đều phải phục vụ lợi ích kinh tế và an ninh ngắn hạn của Mỹ, thay vì đầu tư dài hạn vào các mối quan hệ khu vực phức tạp. Các đòn thuế quan mới nhất của Mỹ cùng với thiếu các hoạt động trao đổi trong lĩnh vực chính trị có thể khiến các quốc gia ASEAN hoang mang, thiếu các thông tin cần thiết về quan điểm, chiến lược từ phía Mỹ. Từ đó, các nước này có thể gặp bất lợi hơn trong các cuộc đàm phán về thuế quan với Mỹ.
Tuy nhiên, chiến lược này không phải không có rủi ro. Việc duy trì sự xa cách quá lâu có thể đẩy các quốc gia Đông Nam Á – vốn đã quen với sự hiện diện ngoại giao tích cực dưới thời Obama hay Biden – nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, đặc biệt khi Bắc Kinh sẵn sàng bơm vốn đầu tư và viện trợ mà không kèm theo các điều kiện chính trị khắt khe như phương Tây. Ngoài ra, sự thờ ơ này còn có thể làm suy yếu vị thế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khi các nước trong khu vực bắt đầu tìm kiếm các đối tác thay thế như Nhật Bản, Ấn Độ hay thậm chí Nga để cân bằng ảnh hưởng. Vì vậy, dù mang lại lợi thế đàm phán trước mắt, mục đích của chính quyền Trump cũng tiềm ẩn nguy cơ làm xói mòn ảnh hưởng lâu dài của Mỹ tại một khu vực vốn có vai trò ngày càng quan trọng trong trật tự toàn cầu.
Chính sách về an ninh – quốc phòng
Động thái
Giữa bối cảnh việc Trump áp thuế lên các nước trên thế giới, trong đó nặng nề nhất là các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ vẫn có những hoạt động nhằm củng cố mối quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực này. Tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đưa ra tại Hawaii, Philippines và Nhật Bản đã đưa ra những dấu hiệu về sự tiếp nối các cam kết an ninh khu vực của Mỹ tại khu vực này. Ông tuyên bố tại Manila rằng Trump sẽ thực hiện lời hứa về việc ưu tiên “theo cách chưa từng có” thông qua chất lượng và số lượng lực lượng Mỹ được phân bổ tới Châu Á . Trong khi đó, Dan Caldwell, cố vấn cấp cao của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth, và Andrew Byers, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã bày tỏ sự phản đối đối với bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào cho Đài Loan và muốn các đồng minh và đối tác ở Đông Á và Đông Nam Á làm nhiều hơn nữa cho việc tự vệ của họ. Trong một bài báo gần đây, Byers đã đề xuất “rút quân đội hoặc hệ thống vũ khí của Mỹ khỏi Philippines để đổi lấy việc Cảnh sát biển Trung Quốc thực hiện ít cuộc tuần tra hơn .
Trước đó, Vào ngày 5 tháng 2, Hegseth và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro, Jr. đã có cuộc điện đàm giới thiệu để thảo luận về liên minh quốc phòng Mỹ-Philippines. Cuộc gọi này, chỉ hai tuần sau cuộc gọi của Ngoại trưởng Marco Rubio với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo, đã nhắc lại tầm quan trọng của các nỗ lực chung nhằm tái lập sự răn đe ở Biển Đông. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết sắt đá của Mỹ đối với Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951. Và hai tuần sau cuộc điện đàm này, Philippines tuyên bố rằng 336 triệu đô la trong số 500 triệu đô la được phân bổ trong quỹ quân sự của Mỹ đã được miễn trừ khỏi lệnh tạm dừng viện trợ nước ngoài trị giá 5,3 tỷ đô la của Trump. Số tiền 336 triệu đô la được phân bổ để hiện đại hóa lực lượng an ninh Philippines là một trong ba khoản miễn trừ tài trợ an ninh do chính quyền Trump đưa ra, cùng với các khoản phân bổ cho Đài Loan và Ukraine.
Thái Lan cũng đã có cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên với chính quyền mới giữa Hegseth và phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai. Cả hai nước đều thừa nhận liên minh lâu đời giữa Mỹ và Thái Lan và thảo luận về các cơ hội để tăng cường mối quan hệ quốc phòng song phương. Bên cạnh việc tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với quá trình hiện đại hóa quân đội của Thái Lan, Hegseth cũng thảo luận về các khả năng mở rộng các cuộc tập trận quân sự và tăng cường hợp tác trên cơ sở công nghiệp quốc phòng và mạng. Cuộc điện đàm diễn ra ngay trước khi Mỹ và Thái Lan khởi động cuộc tập trận quân sự Cobra Gold lần thứ 44 tại Thái Lan. Cobra Gold, cuộc tập trận chung và kết hợp lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, được coi là “biểu tượng lâu đời của liên minh quốc phòng Mỹ – Thái Lan”. Năm nay, các cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của hơn 8.000 quân nhân từ cả hai quốc gia, cũng như những người tham gia từ khoảng 30 quốc gia .
Có thể thấy, Trump đang ưu tiên các liên minh quốc phòng song phương đã được thiết lập. Nhưng khu vực này vẫn tiếp tục nín thở trước sự không chắc chắn về viện trợ nước ngoài của Mỹ.
Nguyên nhân – Mục đích
Các nước ASEAN vẫn có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc tại khu vực này của Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Hegseth cũng tuyên bố: “Các liên minh và quan hệ đối tác cũng vẫn là trọng tâm của phiên bản Trump về chiến lược ngăn chặn Trung Quốc” . Nhưng tuyên bố trên càng khẳng định cho lập luận việc Trump áp thuế đối ứng cao với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á nhằm mục đích tạo ra sức ép trên các lĩnh vực khác. Và xích lại gần Mỹ hơn trên lĩnh vực an ninh quốc phòng là một trong số đó. Đây là những bước đầu tiên, nền tảng cho sự đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình tại Đông Nam Á bằng cách củng cố các liên minh và quan hệ đối tác, phù hợp với nhiệm kỳ đầu tiên của ông .
Xu hướng triển khai
Xu hướng
Khoảng thời gian tiếp theo sẽ chứng kiến nhiều cuộc đàm phán song phương và có thể với nhiều vòng khác nhau giữa Mỹ và các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó không thể thiếu ASEAN. Tính đến đầu tháng 4, chỉ vài ngày sau khi lệnh áp thuế được công bố, hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tuyên bố muốn có một cuộc đàm phán thương mại với Mỹ về thuế quan. Điều này cũng có thể thúc đẩy xu hướng thiết lập các hiệp định thương mại tự do song phương giữa các nước thành viên ASEAN với Mỹ. Nhà kinh tế học Jayant Menon – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng: “Các nước ASEAN nên chống lại sự cám dỗ trả đũa, chủ yếu là vì thuế quan gây tổn hại cho các quốc gia áp dụng chúng nhiều hơn bất kỳ ai khác. Đây là phản ứng đúng đắn từ góc độ kinh tế, nhưng tình hình có thể khác về mặt chính trị. Nếu phản ứng được coi là cần thiết về mặt chính trị, thì ASEAN nên phối hợp phản ứng đó. Có trọng lượng trong số lượng”. Chính vì các vấn đề về thuế quan, số lượng các cuộc gặp tiếp xúc cấp cao giữa quan chức các nước ASEAN với Mỹ cùng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Còn các hoạt động về an ninh – quốc phòng của Mỹ tại khu vực này có thể ít được chú ý hơn các vấn đề thuế quan giữa các nước, nhưng lực lượng của Mỹ nhiều khả năng vẫn duy trì tần suất các hoạt động tại biển Đông cùng với các đồng minh như Philippines hay Thái Lan. Nhưng cũng có thể ông Trump sẽ đẩy căng thẳng với Trung Quốc lên một nấc thang mới, lan rộng ra ngoài vấn đề thương mại. Khi mới đây nhất, Trung Quốc cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn tại khu vực eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, Trung Quốc – đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của các quốc gia ASEAN chắc chắn sẽ không đứng yên trong giai đoạn này. Cách tiếp cận của chính quyền Trump 2.0 trong 3 tháng đầu nhiệm kỳ đối với Đông Nam Á sẽ tạo ra cơ hội cho Trung Quốc khai thác, ngay cả khi Bắc Kinh đang vật lộn để quản lý mối quan hệ phức tạp và thay đổi của riêng mình với Washington. Trung Quốc luôn miêu tả Mỹ là thế lực gây bất ổn trong khu vực. Bắc Kinh sẽ thấy cơ hội để tiến lên với chiến lược tăng cường quan hệ trên khắp Đông Nam Á, tập trung vào các dự án đầu tư và hợp tác kinh tế. Đơn cử như vào tháng 11 năm 2024, Trung Quốc đã công bố một thỏa thuận đầu tư kinh tế trị giá 10 tỷ đô la Mỹ với Indonesia, bao gồm các lĩnh vực như thực phẩm, năng lượng mới, công nghệ, kinh tế kỹ thuật số và công nghệ sinh học . Chiến lược tăng cường hợp tác song phương này có thể sẽ tập trung vào các quốc gia như Campuchia và Malaysia, những quốc gia mà các nhà lãnh đạo đã thể hiện sự cởi mở với đầu tư của Trung Quốc và, theo quan điểm của phương Tây, ngày càng chuyển sang phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây. Vai trò của Malaysia với tư cách là chủ tịch ASEAN trong năm 2025 sẽ là một trọng tâm đặc biệt. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã lưu ý trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 năm 2025 rằng việc thiếu sự hợp tác gần đây của Mỹ đã tạo ra cơ hội cho Trung Quốc. Ông cho biết Mỹ “không hợp tác tích cực với khu vực như trước đây”. “Trung Quốc … có thái độ tích cực hơn” . Sự thờ ơ của Mỹ đối với các cơ chế đa phương tại Đông Nam Á cũng có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tìm cách mở rộng cam kết đa phương của mình ở Đông Nam Á, thông qua vai trò là đối tác của ASEAN và thông qua nhóm BRICS mở rộng. Indonesia chính thức gia nhập BRICS vào đầu năm 2025, trong khi Malaysia, Thái Lan và Việt Nam được chính thức phân loại là các quốc gia “đối tác”.
Thuận lợi
Đối với các nước Đông Nam Á, bên cạnh những khó khăn, đây cũng là thời cơ tốt để các nước trong khối ASEAN thể hiện sự đoàn kết giữa các nước thành viên và vai trò trung tâm của tổ chức. Vốn từ lâu đã bị nghi ngờ về tính hiệu quả, bởi các nước thành viên được cho là bị ảnh hưởng bởi các nước lớn. Đây cũng là cơ hội để các nước thành viên ASEAN thúc đẩy mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, tạo nên sức mạnh tổng thể cho khối trên trường quốc tế, đủ sức đương đầu với những thách thức mà cạnh tranh siêu cường trong khu vực này mang tới. Cụ thể, ngay từ trước khi Trump công bố mức áp thuể một số nước ASEAN đã nâng cấp mối quan hệ. Việt Nam với Indonesia và Việt Nam với Singapore đã nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, cho thấy nhu cầu về gắn kết các nền kinh tế ASEAN mạnh mẽ của chính phủ các nước. Hoặc ngay sau sự kiện công bố áp thuế đối ứng, Thủ tướng của hai nước Việt Nam và Maylaysia đã điện đàm về mức thuế mới và cũng khẳng định việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa các nước ASEAN là điều cần thiết.
Khó khăn
Về lĩnh vực kinh tế, việc chính quyền Trump áp thuế đối ứng cao lên các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian tới sẽ đặt khu vực này trước những thách thức kinh tế đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh các nước như Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ. Trước hết, thuế suất cao sẽ làm tăng chi phí hàng hóa xuất khẩu, từ đó giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm Đông Nam Á trên thị trường Mỹ – một trong những điểm đến lớn nhất của khu vực. Điều này có thể dẫn đến suy giảm kim ngạch xuất khẩu, gây áp lực lên cán cân thương mại và đe dọa tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với những nước có nền kinh tế hướng ngoại mạnh như Việt Nam, nơi xuất khẩu chiếm hơn 90% GDP. Thứ hai, các doanh nghiệp trong khu vực, vốn đã quen với chuỗi cung ứng toàn cầu tích hợp sâu với Mỹ, sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do thuế nhập khẩu nguyên liệu hoặc linh kiện từ Mỹ, buộc họ phải tìm nguồn cung thay thế hoặc chấp nhận lợi nhuận giảm. Thách thức này càng nghiêm trọng khi Đông Nam Á đang cạnh tranh gay gắt với các khu vực khác như Ấn Độ hay Mexico để thu hút đầu tư nước ngoài, và chính sách thuế của Trump có thể khiến các công ty đa quốc gia xem xét lại việc duy trì hoặc mở rộng cơ sở sản xuất tại đây. Ngoài ra, sự bất ổn từ chính sách kinh tế của Mỹ có thể làm gián đoạn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực, khi các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro dài hạn. Cuối cùng, các nước Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với áp lực đàm phán song phương với Mỹ để giảm thiểu tác động, nhưng với cách tiếp cận cứng rắn của Trump, họ có thể buộc phải nhượng bộ trong các lĩnh vực khác như mở cửa thị trường hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và môi trường khắt khe hơn, làm phức tạp thêm nỗ lực cân bằng giữa lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia.
Về lĩnh vực chính trị, dư luận vẫn đang đặt ra những hoài nghi lớn về sự quan tâm của Trump trong việc tham gia các cơ chế đa phương do ASEAN dẫn dắt, điều này có thể làm suy giảm vị thế trung tâm của ASEAN trong kiến trúc an ninh khu vực. Vốn cần sự đồng thuận và tham gia của các nước lớn, đây là một trong những yếu tố quan trọng để vai trò trung tâm của tổ chức có hiệu quả trong thực tiễn. Thay vì tập trung vào các cơ chế đa phương, học giả James Crabtree viết trên Asia Society cho rằng Trump có thể hướng vào các mối quan hệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á nhiều hơn, chẳng hạn như Philipines, Việt Nam hay Singapore . Điều này sẽ càng làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực, khi các lo ngại về sự mất đoàn kết giữa các thành viên trong khối đã âm ỉ từ lâu. Cách tiếp cận và các chính sách trong thực tế của Trump đang đặt ra những cơ hội và cả thách thức lớn cho ASEAN trong việc duy trì và khẳng định vị thế của khối trong khu vực nói riêng và trên trường quốc tế nói chung. Cựu tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng từng cảnh báo: “ASEAN không nên để động lực địa chính trị hiện tại biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” .
Trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, sau khoảng thời gian được cho là khá bình lặng trong mối quan hệ Mỹ – Trung ở quãng cuối nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden, những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ – Trung lại được đẩy lên trong 3 tháng đầu nhậm chức của tổng thống Trump. Michael Waltz, cố vấn an ninh quốc gia đã viết vào tháng 11 năm 2024 rằng Mỹ nên “tăng chi tiêu quốc phòng và phục hồi cơ sở công nghiệp quốc phòng để đảm bảo rằng lực lượng vũ trang của nước này rõ ràng có khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan” . Cùng với mức thuế đối ứng mới của Trump với Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế có thể khẳng định mối quan hệ Mỹ – Trung trong nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ căng thẳng trên toàn diện các lĩnh vực. Trump có vẻ sẽ thúc đẩy tăng chi tiêu quân sự để tăng cường răn đe và chính sách gây sức ép ngoại giao mạnh mẽ để chống lại Trung Quốc. Những người ủng hộ ông lập luận rằng làm như vậy là cần thiết để đẩy lùi những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi các yếu tố của trật tự khu vực hiện tại – một trật tự đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy kinh tế của Đông Nam Á trong những thập kỷ gần đây – ngay cả khi điều này phải trả giá bằng căng thẳng gia tăng.
Những vấn đề đặt ra và giải pháp với Việt Nam
Ngay sau khi chính quyền Trump triển khai các chính sách thuế đối ứng cao nhắm vào các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Việt Nam đã nhanh chóng phản ứng với một loạt động thái ngoại giao quyết liệt nhằm giảm thiểu tác động và định hướng lại chiến lược kinh tế trong bối cảnh đầy thách thức. Việt Nam không chỉ tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao mà còn cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp tham gia đàm phán với phía Mỹ, đồng thời tiến hành các cuộc điện đàm ở cấp lãnh đạo cao nhất giữa hai nước. Trước đó Thủ tướng Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Xem họ quan tâm cái gì và ta giải quyết được cái gì, trên tinh thần hai bên cùng có lợi”. Những nỗ lực này cho thấy sự khẩn trương và chủ động của Việt Nam trong việc tìm kiếm giải pháp trước áp lực kinh tế từ Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Các phản ứng này không chỉ mang tính ứng phó tức thời mà còn phản ánh quyết tâm của Việt Nam trong việc duy trì mối quan hệ ổn định với Mỹ, dù trong ngắn hạn có thể phải đối mặt với những bất lợi lớn về kinh tế và thương mại.
Những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt trong tình huống này là hết sức phức tạp và đa chiều. Trước tiên, cú sốc thuế quan từ Mỹ đặt ra thách thức lớn đối với dòng vốn FDI và kim ngạch xuất nhập khẩu – hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua. Mỹ chiếm tới 30% trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt ở các ngành như dệt may, điện tử và thủy sản, thuế suất cao có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, dẫn đến nguy cơ suy giảm doanh thu xuất khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thương mại. Dòng vốn FDI cũng có thể bị tác động khi các nhà đầu tư nước ngoài, vốn xem Việt Nam là cứ điểm sản xuất để xuất sang Mỹ, cân nhắc lại chiến lược của mình trước rủi ro chi phí tăng cao. Tuy nhiên, trong mọi cuộc đàm phán, những nhượng bộ hay các thỏa thuận với phía Mỹ, Việt Nam cần đặt nó vào lợi ích tổng thể và tính tới các phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc. Bởi Trung Quốc cũng là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung đang diễn ra gay gắt, những bước đi của Việt Nam nếu không hài hòa được lợi ích của cả 2 cường quốc này sẽ gây ra những tác động tiêu cực rất lớn tới lợi ích của Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam ý thức rõ sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá mức vào một thị trường duy nhất, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt. Thêm nữa, tình hình mới ở eo biển Đài Loan và Biển Đông càng làm gia tăng thách thức cho Việt Nam. Căng thẳng ở eo biển Đài Loan có thể làm gián đoạn các tuyến vận tải biển toàn cầu, trong khi tranh chấp ở Biển Đông đe dọa trực tiếp đến an ninh hàng hải và quyền khai thác tài nguyên của Việt Nam. Những yếu tố này buộc Việt Nam phải tính toán kỹ lưỡng để bảo vệ lợi ích quốc gia, không chỉ về kinh tế mà còn về an ninh trong một khu vực đầy biến động.
Để đối phó với những thách thức trên, Việt Nam đã đề ra các giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn. Trước hết, nhu cầu tự chủ kinh tế được đặt lên hàng đầu như một mục tiêu cốt lõi. Việt Nam nhận thức rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là một điểm yếu cần khắc phục. Do đó, chính phủ tập trung phát triển các thế mạnh nội tại, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, và nông nghiệp thông minh. Ví dụ, việc đầu tư vào sản xuất chip bán dẫn hay năng lượng mặt trời không chỉ giúp Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu ở phân khúc cao hơn mà còn giảm sự lệ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu thô dễ bị tổn thương trước biến động thuế quan. Những ngành này, nếu được phát triển đúng hướng, sẽ tạo ra nền tảng để Việt Nam tự tin hơn trong việc chống chịu các cú sốc kinh tế từ bên ngoài. Thứ hai, Việt Nam đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ hơn trên các mặt kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng nhằm xây dựng một chiến lược toàn diện. Về kinh tế, điều này bao gồm việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các khu vực như EU, Nhật Bản, và Ấn Độ thông qua các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, chẳng hạn như EVFTA, để giảm phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc. Về chính trị, Việt Nam tăng cường quan hệ song phương và đa phương, mà trước hết và quan trọng nhất là tăng cường mối quan hệ hợp tác trong ASEAN, sau đó là các cường quốc khác như Nhật, Ấn v..v. Sự phối hợp này không chỉ là biện pháp đối phó với chính sách thuế của Trump mà còn là bước đi dài hạn để Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong khu vực và trên trường quốc tế. Bằng cách kết hợp giữa phát triển nội lực và mở rộng quan hệ đối ngoại, Việt Nam đang nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, dù con đường phía trước vẫn đầy rủi ro và đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt trong một thế giới ngày càng bất định./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Francesco Guarscio, Orathai Sriring (2025), “Southeast Asian nations, among hardest-hit by Trump tariffs, seek talks”, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/southeast-asia-nations-hit-particularly-hard-by-us-tariffs-prep-talks-with-trump-2025-04-03/
2. Amir Yusof (2025), “Why are Trump’s tariffs in Southeast Asia highest among Indochina countries?”, CNA, https://www.channelnewsasia.com/asia/us-president-donald-trump-tariffs-levy-asean-southeast-asia-economy-indochina-5042096
3. Aristyo Rizka Darmawan (2025), “How Trump’s Foreign Policy May Hurt US Interests in Southeast Asia”, Australian Institute of International Affairs, https://www.internationalaffairs.org.au/australianoutlook/how-trumps-foreign-policy-may-hurt-us-interests-in-southeast-asia/
4. “The State of Southeast Asia 2024: Survey report” (2024), ISEAS – Yusof Ishak Institute, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2024/03/The-State-of-SEA-2024.pdf
5. Tom Corben (2025), “On Defense, Trump’s Early Moves in Asia Have Been Notably Normal”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2025/04/on-defense-trumps-early-moves-in-asia-have-been-surprisingly-normal/
6. Sarang Shidore (2025), “Southeast Asia Will Be Challenged by Trump 2.0”, Fulcrum, https://fulcrum.sg/aseanfocus/southeast-asia-will-be-challenged-by-trump-2-0/
7. Lauren Mai (2025), “The Latest on Southeast Asia: Trump’s Defense Alliances in Southeast Asia”, CSIS, https://www.csis.org/blogs/latest-southeast-asia/latest-southeast-asia-trumps-defense-alliances-southeast-asia
8. Derek Grossman (2025), “Trump 2.0 Could Give China a Headache in Southeast Asia”, RAND, https://www.rand.org/pubs/commentary/2024/11/trump-20-could-give-china-a-headache-in-southeast-asia.html
9. “China, Indonesia seal $10 billion in deals focused on green energy and tech” (2024), Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/china-indonesia-enhance-ties-with-key-deals-lithium-green-energy-tourism-2024-11-10/
10. “Global trade will survive ‘initial shock’ of Donald Trump’s rule, says Malaysia PM” (2025), Financial Times, https://www.ft.com/content/1870c45d-aeb8-418c-bfa5-8b2a6becbd7d
11. James Crabtree (2025), “U.S.–China–Southeast Asia Relations in a Second Trump Administration”, Asia Society, https://asiasociety.org/policy-institute/us-china-southeast-asia-relations-second-trump-administration
12. Thanh Thương (2025), “Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua”, Dân trí, https://dantri.com.vn/kinh-doanh/my-la-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-nhieu-nam-qua-20250403102034520.htm