Những chiến đấu cơ thế hệ thứ V là hiện thân của sức mạnh khoa học công nghệ nhân loại khi bước vào thế kỷ XXI, nhân loại đã chứng kiến sự thay đổi vượt bậc của những chiếc máy bay chiến đấu một cách mạnh mẽ, với sự xuất hiện của những chiến đấu cơ thế hệ thứ V đặc trưng là khả năng tàng hình, kết hợp cùng động cơ mạnh mẽ… tạo ra sự vượt trội và chiếm ưu thế tuyệt đối trên bầu trời mà nó bảo vệ. Những đại diện tiêu biểu của dòng tiêm kích thế hệ thứ V này có thể kể đến như: F-22 Raptor, F-35 Lightning II của Mỹ; Sukhoi Su-57 của Nga; Shenyang J-31 của Trung Quốc… Việc các cường quốc trên thế giới đang và sẽ có cho mình những chiếc tiêm kích thế hệ thứ V với hiệu năng không hề kém cạnh hoặc vượt mặt siêu cường Mỹ, với giá cả phải chăng đang là mối đe dọa cho sự kiểm soát bầu trời ở những khu vực mà Mỹ đang đứng chân.
Lời giới thiệu đặc biệt từ Donald Trump
Theo công bố của trang phân tích quân sự độc lập Global Firepower vào tháng 01/2025, với với tiềm lực hùng mạnh và chiến lược phát triển mạnh mẽ, Mỹ tiếp tục sở hữu lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới và lực lượng không quân cũng không phải ngoại lệ.
Theo đó, quân đội nước này có 3 lực lượng không quân riêng biệt, gồm: Không quân, Không quân Hải quân và Không quân thuộc Thủy quân lục chiến quy mô bậc nhất thế giới và điều này sẽ tiếp tục tới năm 2030. Cũng theo Global Firepower, cả ba lực lượng không quân của quân đội Mỹ có khoảng 13.000 máy bay các loại, trong đó: Không quân Mỹ nói chung có khoảng 1.700 máy bay chiến đấu, biên chế những loại máy bay tiên tiến như: F-22 Raptor, F-35 Lightning II, F-16 Fighting Falcon, F-15 Eagle; Hơn 800 máy bay ném bom, biên chế các chủng loại: B-2 Spirit, B-1B Lancer, B-52 Stratofortress; gần 700 máy bay vận tải: C-17 Globemaster III, C-130 Hercules; hơn 5.800 máy bay trực thăng và trực thăng tấn công: UH-60 Black Hawk, CH-47 Chinook, AH-64 Apache.
Không quân Mỹ có khả năng tác chiến toàn cầu nhờ hệ thống căn cứ không quân được triển khai trên khắp thế giới. Ngoài ra, nhờ các hàng không mẫu hạm của Hải quân, máy bay chiến đấu có thể triển khai nhanh chóng đến bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Với quy mô đồ sộ, công nghệ tiên tiến và khả năng tác chiến linh hoạt, không quân Mỹ được xem là lực lượng không quân mạnh nhất thế giới hiện nay.
Là lực lượng quân đội hùng mạnh nhất nhân loại với mức chi tiêu quốc phòng đáng mơ ước với bất cứ quân đội nào trên thế giới, nó lên tới 895,2 tỷ USD chi tiêu quốc phòng cho năm tài chính 2025. Điều dễ hiểu khi lực lượng này đầu tư mạnh tay cho việc nâng cấp và nghiên cứu các loại vũ khí, khí tài nhằm trang bị cho quân đội của mình.
Để lực lượng không quân tiếp tục thống trị bầu trời và trở thành “mũi tên trong chân đại bàng”, gần đây, ngày 21/03/2025, Tổng thống Trump thông báo tập đoàn Boeing được trao hợp đồng chế tạo tiêm kích thế hệ 6 mang tên F-47 cho không quân Mỹ. “Sau cuộc cạnh tranh gay gắt và toàn diện giữa một số công ty hàng không hàng đầu của Mỹ, không quân sẽ trao hợp đồng chế tạo hệ thống làm chủ bầu trời thế hệ mới (NGAD) cho Boeing”, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 21/3.
Tổng thống Trump cho biết không thể tiết lộ giá trị hợp đồng và thời gian bàn giao những chiếc đầu tiên, song truyền thông Mỹ nhận định thương vụ có giá trị ít nhất 20 tỷ USD, chưa kể tới hàng trăm tỷ USD đơn đặt hàng trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.
“Không gì trên thế giới có thể sánh được với nó, thứ sẽ được gọi là F-47. Các tướng lĩnh đã chọn tên và đó là con số đẹp”, ông Trump, Tổng thống thứ 47 của Mỹ, cho hay.
NGAD là chương trình của không quân Mỹ nhằm phát triển nhiều hệ thống vũ khí gồm máy bay có người lái và không người lái (UAV), với trọng tâm là tiêm kích tàng hình tầm xa thế hệ 6 – một số nguồn tin gọi nó là “phương tiện phản công xâm nhập”.
Dự án sẽ giúp quân đội Mỹ thay thế dòng chiến đấu cơ tàng hình F-22, vốn đã hoạt động hơn 20 năm, bằng loại tiêm kích mới và tiên tiến hơn, có thể hoạt động cùng UAV yểm trợ. Hiện chưa rõ năng lực cụ thể tiêm kích F-47, song ông Trump tuyên bố mẫu phi cơ này “gần như không thể bị phát hiện và làm được những điều mà không máy bay nào khác có thể thực hiện”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết dòng F-47 sẽ “phát thông điệp trực tiếp, rõ ràng” rằng Washington sẽ không rời bỏ đồng minh. “Còn với đối thủ, nó cho thấy Mỹ có đủ năng lực thể hiện sức mạnh trên khắp toàn cầu mà không bị ngăn trở trong nhiều thế hệ tới”, ông nói.
Tập đoàn Boeing cho biết hãng được chọn nhờ thành tựu và kinh nghiệm lâu đời trong lĩnh vực chiến đấu cơ, thêm rằng điều này sẽ giúp “thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu mới về năng lực thế hệ 6”.
Liệu thế giới có được thấy một chiếc tiêm kích thế hệ thứ VI có khả năng vượt trội, một tương lai đầy khả quan đã được ông Trump và giới quân sự vẽ ra, lấn át các dòng tiêm kích của đối phương trên chiến trường, giữ vững ngôi vị số một của lực lượng không quân hùng mạnh bậc nhất thế giới của siêu cường số một thế giới hay không?.
Mục tiêu của dự án F-47
Một chiếc tiêm kích thế hệ mới, một thứ chưa từng tồn tại như F-47 sẽ như thế nào? Bản vẽ phác thảo chiếc F-47 do Không quân Mỹ cung cấp cho báo giới, dù cố tình che giấu nhiều tính năng, vẫn cho thấy sự khác biệt rõ rệt so với máy bay thế hệ thứ năm như F-22 và F-35. Mẫu tiêm kích này được cho là có khả năng đạt tốc độ trên Mach 2 (gấp hai lần tốc độ âm thanh), tương đương khoảng 2.450 km/h. Để so sánh, F-22 có thể bay với tốc độ tối đa khoảng Mach 2. Tướng David Allvin, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho biết F-47 có tầm bay xa hơn đáng kể so với F-22. Cụ thể, F-22 có thể bay tối đa gần 3.000 km khi mang theo hai thùng nhiên liệu phụ dưới cánh.
Trong khi hình ảnh cho thấy mũi và buồng lái dạng bong bóng tàng hình thông thường với hình dạng tổng thể của thân máy bay dẹt, chúng cũng cho thấy cả cánh phụ và không có cánh đuôi, những tính năng khác biệt so với các thiết kế tàng hình trước đây. Nhìn chung, không quân Mỹ mô tả F-47 “là một bước tiến đáng kể so với F-22” và có thiết kế mô-đun cho phép nó trở thành “nền tảng thống trị trong nhiều thập kỷ tới”. Tướng Allvin cũng cho biết, nguyên mẫu của F-47, với cái tên X-planes, đã thử nghiệm công nghệ NGAD trong 5 năm qua.
Những chiếc máy bay thử nghiệm này đã bay hàng trăm giờ, cải tiến khả năng tàng hình, tầm bay và hệ thống tự động trong khi tinh chỉnh các khái niệm hoạt động. Quá trình này đã “thúc đẩy công nghệ, tinh chỉnh các khái niệm hoạt động của chúng tôi và chứng minh rằng chúng tôi có thể triển khai… nhanh hơn bao giờ hết. Vì thế, máy bay chiến đấu này sẽ bay trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump”, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ cho biết.
Về lý do khiến chiếc tiêm kích thế hệ sáu này mang tên F-47, Không quân Mỹ cho biết con số “47” được chọn vì muốn “tôn vinh di sản của chiếc tiêm kích P-47, những đóng góp của nó cho ưu thế trên không trong Thế chiến II vẫn còn mang tính lịch sử”. Ngoài ra, con số này tôn vinh năm thành lập của Không quân Mỹ, đồng thời ghi nhận sự hỗ trợ quan trọng của Tổng thống thứ 47, ông Donald Trump cho sự phát triển của máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới.
Điều gì khiến cả quân đội và chính trường Mỹ đặt kỳ vọng lớn với dự án lần này như thế ?. Liệu đây có phải là một màn chào hàng tới các đồng minh của Washington, hay đây là sự thừa nhận rằng các mẫu tiêm kích hiện có không đáp ứng được vai trò thống trị của Mỹ Washington?.
Đầu tiên, khả năng thực hiện nhiệm vụ của các tiêm kích trong lực lượng Không quân Mỹ vào năm 2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10-20 năm, theo dữ liệu mới được công bố vào ngày 18 tháng 2. Tỷ lệ khả năng thực hiện nhiệm vụ trung bình của tất cả các đội bay của Không quân Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 67,15% trong năm tài chính 2024; 69,92% và 71,24% trong năm tài chính 2023 và năm tài chính 2024. Dữ liệu có sẵn cho giai đoạn 2004-2006 và 2012-2024 cho thấy tỷ lệ khả năng thực hiện nhiệm vụ trong các giai đoạn này cũng cao hơn, khiến tỷ lệ vào năm 2024 trở thành mức thấp nhất được ghi nhận trong hai thập kỷ qua. Trong phi đội máy bay chiến đấu của Không quân, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 và F-35 liên tục kéo tỷ lệ có khả năng thực hiện nhiệm vụ trung bình xuống thấp do nhu cầu bảo dưỡng đặc biệt cao của chúng, với tỷ lệ của F-22 gặp sự cố giảm xuống chỉ còn 40,19%, trong khi tỷ lệ của F-35A chỉ ở mức 51,5% – thấp hơn mức 55% gây tranh cãi trong những năm trước.
Việc chuyển đổi các đơn vị F-16 sang F-35 là yếu tố chính làm giảm tỷ lệ có khả năng thực hiện nhiệm vụ trên toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu, vì F-16 liên tục chứng tỏ là một trong những máy bay chiến đấu dễ bảo trì nhất, mặc dù khung máy bay bị hao mòn sau nhiều thập kỷ sử dụng so với F-35 tương đối mới. Những thiếu sót trong các chương trình F-22 và F-35, cụ thể là sự chậm trễ lớn và việc hủy bỏ phần lớn sản xuất F-22, đã có tác động buộc các máy bay chiến đấu thời Chiến tranh Lạnh cũ kỹ phải tiếp tục hoạt động trong nhiều thập kỷ lâu hơn dự định, điều này đến lượt nó làm giảm tỷ lệ có khả năng thực hiện nhiệm vụ của chúng. F-15C vốn được dự định thay thế bằng F-22 và đã tiếp tục bay trong gần 20 năm so với dự định, bị hạn chế ở tỷ lệ có khả năng thực hiện nhiệm vụ chỉ là 52,0%. Các vấn đề với F-22 đã khiến không quân kể từ năm 2021 tìm cách bắt đầu cho nghỉ hưu loại máy bay có vấn đề này một phần nhỏ trong suốt thời gian phục vụ của chúng, đồng thời tăng đơn đặt hàng cho các máy bay F-15 mới.
Đó là chưa kể tới việc những phi công quân sự mới này phải mất nhiều năm mới trở nên dày dặn kinh nghiệm. Ngoài ra, việc tăng cường cho “ra lò” các phi công quân sự mới lại tốn kém hơn nhiều so với giữ chân những phi công dày dặn kinh nghiệm. Một nghiên cứu hồi năm 2019 của Tổ chức phi lợi nhuận RAND có trụ sở tại California (Mỹ) cho thấy chi phí đào tạo dao động từ 5,6 triệu USD đối với một phi công lái máy bay tiêm kích F-16 đến 10,9 triệu USD đối với một phi công lái máy bay tiêm kích F-22. Trong một báo cáo gửi Đồi Capitol hồi năm 2019, chính không quân Mỹ cũng thừa nhận nếu chỉ tập trung vào đào tạo thêm các phi công quân sự mới thì không thể giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động của lực lượng này.
Tiếp đó, giới quan sát cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao lại là Boeing?. Không có gì bí mật khi Boeing đang trong tình thế khó khăn. Các cơ quan quản lý đang xem xét kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh thương mại của hãng sản xuất máy bay này, những khó khăn của họ cũng đã thu hút sự chú ý của các công tố viên liên bang. Và các hợp đồng phát triển giá cố định, hoạt động kém hiệu quả đang buộc đơn vị quốc phòng của công ty phải chảy máu tiền mặt, bất chấp những nỗ lực hết mình của các giám đốc điều hành nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu.
Ít nhất là đối với hoạt động kinh doanh quốc phòng, các giám đốc điều hành của Boeing đang hy vọng rằng các công nghệ thống trị không quân trong tương lai có thể giúp thay đổi tình hình. Và vì mục đích đó, công ty đã nghiêng về phía trước, đặt cược hàng tỷ đô la để xây dựng các cơ sở sản xuất mới tại trung tâm sản xuất máy bay chiến đấu của công ty ở St. Louis, nơi dây chuyền F/A-18 cũ sắp kết thúc.
Đơn vị quốc phòng của Boeing sẽ nhận được một cú hích cần thiết nếu họ đảm bảo được một nhượng quyền thương mại có lợi nhuận lớn để bù đắp cho các khoản lỗ trong các chương trình như KC-46 và máy bay Không lực Một mới. Một chiến thắng cũng sẽ đảm bảo họ giữ được tài năng kỹ thuật cần thiết để theo kịp các đối thủ cạnh tranh đang sản xuất máy bay tàng hình.
Trong khi các giải thưởng sản xuất trong tương lai cho máy bay không người lái được gọi là máy bay chiến đấu hợp tác (CCA) vẫn có thể được xem xét, hải quân đã hoãn kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của riêng mình, khiến hợp đồng NGAD của không quân trở thành cơ hội duy nhất trước mắt để phục hồi hoạt động kinh doanh quốc phòng của Boeing.
Từ hai vấn đề được rất nhiều các nhà quan sát chính trị và quân sự quan tâm nhất khi chiếc tiêm kích F47 được công bố với những mĩ từ dành cho nó, có thể cho thấy:
Đầu tiên, không quân Mỹ thực sự gặp vấn đề. Việc triển khai chiến đấu các loại tiêm kích và hiệu năng của các dòng tiêm kích có trong biên chế của không quân Mỹ là đáng báo động. Việc đặt lên bàn cân so sánh các mẫu tiêm kích thế hệ thứ V của Mỹ cùng với các mẫu cùng thế hệ của Nga và Trung Quốc là vấn đề đáng được lưu ý. Khi sự vượt trội hơn về cả thông số kỹ thuật, lẫn thực tế chiến đấu của dòng Su-57 của Nga tại chiến trường Ukraina, cùng với sự phát triển như vũ bão của Trung Quốc và mới trình làng mẫu tiêm kích thế hệ thứ V J-20S với nhiều thông số kỹ thuật đáng nể, đã thúc đẩy Washington công bố mẫu tiêm kích thế hệ mới này?.
Việc Boeing được lựa chọn là nhà thầu cho hợp đồng phát triển mẫu tiêm kích thế hệ mới này cũng là điều đáng nói. Điều gì một công ty đang chìm trong khủng hoảng như Boeing lại được lựa chọn?. Nếu đích thân Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố về F-47 thì rõ ràng là có lý do tại sao ông ấy làm như vậy. Rõ ràng, ngay cả chúng ta ở đây cũng không thể tưởng tượng được tất cả những điều này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với người Mỹ, vì Trump xuất hiện trên mọi kênh truyền hình và đảm bảo với công chúng rằng F-47 sẽ là tinh hoa của mọi thứ mà ngành hàng không Mỹ có thể hình dung và hiện thực hóa bằng kim loại.
F-47 có thể mang lại điều gì?
Điều chúng ta biết rõ nhất bây giờ đó là không quân Mỹ cần một mẫu tiêm kích thế hệ thứ VI có khả năng vượt trội trên không, mang trong nó những công nghệ tiên tiến nhất của khoa học công nghệ hiện đại, những thứ có thể khiến lực lượng không quân Mỹ đứng trên mọi quốc gia khác. Tuy nhiên, F47 có thể mang lại cho Mỹ điều gì? (câu chuyện của Boeing sẽ không được nhắc thêm).
Về mặt lý thuyết và tinh thần, chiếc tiêm kích F47 sẽ giúp Mỹ bỏ xa các đối thủ. Những nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển F-47 có thể giúp họ trở thành quốc gia đầu tiên triển khai máy bay chiến đấu có người lái thế hệ thứ sáu.
Thời gian qua, Anh, Nhật Bản và Ý đang cùng nhau phát triển máy bay thế hệ thứ sáu theo Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu, trong khi Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang nỗ lực với Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS).
Trung Quốc cũng đang có những dự án tương tự, còn đang giữ bí mật và được đồn đoán với cái tên J-36. Nhưng các nước này đều chưa cho thấy những bước tiến rõ rệt nào như cách Mỹ đang thể hiện với F-47 (về mặt truyền thông). Trong khi đó, Nga đang ở những giai đoạn sản xuất hàng loạt đầu tiên với những chiếc Su-57, tiêm kích thế hệ thứ năm, hoặc đang hoàn thiện thiết kế Su-75 Checkmate, một bản rút gọn và hiện đại hóa của Su-57.
Do đó, F-47 nếu được chế tạo đúng tiến độ hứa hẹn sẽ đem lại lợi thế vượt trội cho Mỹ trên bầu trời. Những so sánh giữa F-47 với các máy bay kể trên có thể cho thấy rõ hơn điều đó.
Cùng với thông báo về hợp đồng F47, ông Trump cũng muốn thương mại hóa mẫu tiêm kích thế hệ mới này, điều khác biệt với F22 bị cấm xuất khẩu. Nếu điều này thực sự triển khai sẽ là điều đáng lưu ý rất lớn cho các đồng minh lẫn các đối thủ của Mỹ và đồng minh. Một mẫu tiêm kích với ưu thế vượt trội xuất hiện bất cứ đâu, không cần sự cho phép của Mỹ. Điều đó sẽ khiến cán cân của các cuộc xung đột và chiến tranh bị ảnh hưởng rất đáng kề.
Với phong cách chính trị của mình, ông Trump có thể để điều này xảy ra. Một cuộc đua mới về vũ khí sẽ nổ ra ngay lập tức giữa các cường quốc và đối thủ của Mỹ, một sự răn đe hay một sự bảo đảm cho đối thủ và đồng minh. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn bất ổn nhất từ sau chiến tranh lạnh kết thúc, một thế giới phân mảnh với nhiều cực hay một sự hỗn loạn có trật tự được đẩy vào có chủ đích. Một vòng xoáy vô tận đang được mở ra ?.
Tác giả: Lục Đình Lộc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected] Tài liệu tham khảo
1. Роман Скоморохов (2025), «Боинг», третьим будешь?, https://topwar.ru/261765-boing-tretim-budesh.html?utm_referrer=topwar.ru
2. Valerie Insinna and Michael Marrow (2025), Why Boeing’s F-47 NGAD next-gen fighter win was existential for the company, https://breakingdefense.com/2025/03/why-boeings-f-47-ngad-next-gen-fighter-win-was-existential-for-the-company/
3. Military Watch Magazine Editorial Staff (2025), U.S. Air Force Mission Capable Rates Fall to Lowest Known Level in 20 Years, https://militarywatchmagazine.com/article/usaf-mission-capable-rates-lowest-known-20-years#:
4. Stephen Losey (2025), Air Force aircraft readiness plunges to new low, alarming chief, https://www.defensenews.com/air/2025/03/06/air-force-aircraft-readiness-plunges-to-new-low-alarming-chief/
5. Nguyễn Khánh (2025), Tiêm kích F-47 của Mỹ mạnh hơn Su-57 và J-20 như thế nào?, https://baomoi.com/tiem-kich-f-47-cua-my-manh-hon-su-57-va-j-20-nhu-the-nao-c51833805.epi?
6. Global Firepower (2025), Sức mạnh quân sự của Mỹ năm 2025, https://www.globalfirepower.com/country-military-strength-detail.php?country_id=united-states-of-america
7. Ban Thời sự/TTXVN (2025), Hạ viện Mỹ thông qua mức chi tiêu quân sự năm 2025 cao kỷ lục, https://vtv.vn/the-gioi/ha-vien-my-thong-qua-muc-chi-tieu-quan-su-nam-2025-cao-ky-luc-20241212172845303.htm
8. Thông tin điện tử Biên phòng Việt Nam (2021), Những quốc gia có lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, http://bienphongvietnam.gov.vn/nhung-quoc-gia-co-luc-luong-khong-quan-manh-nhat-the-gioi.html
9. Hoàng Vũ (2022), Bài toán đau đầu với không quân Mỹ, https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/bai-toan-dau-dau-voi-khong-quan-my-704539