Trong bối cảnh trật tự khu vực Trung Đông đang trong quá trình tái định hình mạnh mẽ dưới sức ép cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ ngày 12 đến 16/5/2025 đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới quan sát quốc tế. Đây không chỉ đơn thuần là một chuyến thăm cấp cao mang tính chất ngoại giao thông thường, sự kiện này đánh dấu cho tín hiệu trở lại mạnh mẽ của Mỹ trong ván cờ Trung Đông với mục tiêu kết hợp cả chiến lược kinh tế, quân sự nhằm tái khẳng định cam kết luôn ưu tiên quan hệ đối tác khu vực. Chuyến công du thể hiện tính thực dụng đầy sắc sảo của chính sách đối ngoại dưới thời Trump 2.0, giúp làm nổi bật những biến chuyển lớn trong vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại một trong những điểm nóng chiến lược nhất toàn cầu.
Điều đặc biệt từ chuyến công du
Sau hơn 100 ngày trên cương vị người quyền lực nhất thế giới, Tổng thống Trump đã tạo ra nhiều dấu ấn đậm nét trong không chỉ trong lòng nước Mỹ mà còn có sức lan tỏa toàn cầu. Ngoài những công bố chính sách, ông Trump đã chọn Trung Đông làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Đây cũng được coi là chỉ dấu về những ưu tiên sắp tới của chính quyền Trump 2.0 và dấu hiệu cho thấy Trung Đông sẽ trở thành mặt trận cạnh tranh chiến lược tiếp theo với Trung Quốc bên cạnh châu Á-Thái Bình Dương.
Điều đặc biệt mà ông Trump cho thấy sau cả hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình vào năm 2017 và 2025 đó là ông đều chọn Saudi Arabia làm điểm đến cho chuyến công du đầu tiên. Khác với các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm thường chọn các nước láng giềng hoặc đồng minh ở châu Âu. Ông Trump với “nhãn quan” của một doanh nhân đã nhìn ra tiềm năng lợi ích địa chính trị, địa kinh tế cho thấy Riyadh có vai trò quan trọng lớn đối với Washington. Thời gian qua, Saudi Arabia là nơi diễn ra các cuộc đàm phán do Mỹ thúc đẩy nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, Qatar giữ vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán giữa Israel – Hamas về lệnh ngừng bắn và phóng thích con tin ở Dải Gaza[1].
Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị phức tạp ở Trung Đông do hệ quả của các diễn biến xung đột kéo dài từ năm 2023 tới nay. Chuyến công du Trung Đông năm 2025 của Tổng thống Trump thể hiện sự chuyển hướng từ ưu tiên lấy an ninh làm cơ sở sang tăng cường hợp tác về kinh tế và công nghệ. So với chuyến thăm đầu tiên năm 2017, lần này nổi bật với các thỏa thuận đầu tư quy mô lớn, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cùng với việc điều chỉnh chiến lược ngoại giao nhằm thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới.

Việc tái khẳng định quan hệ với các đồng minh truyền thống như Saudi Arabia, UAE và Qatar giúp Mỹ duy trì vị thế của nhà bảo trợ an ninh chính yếu cho các đối tác trước sự hiện diện đang gia tăng của Trung Quốc tại khu vực. Đáng chú ý, Mỹ và các đối tác vùng Vịnh đã ký kết một loạt thỏa thuận kinh tế, năng lượng và công nghệ, trong đó có các hợp đồng bán máy bay Boeing kết nối cơ sở hạ tầng hàng không chiến lược. Mặc dù không xuất hiện trong lịch trình chuyến công du, song Syria đã được nhắc tới như biểu tượng mới cho sự hòa giải giữa Washington với Damascus sau một thập kỷ đối đầu. Chính quyền mới thành lập sau cuộc đảo chính cuối năm 2024 do nhà lãnh đạo al-Sharaa đã tuân thủ những yêu cầu từ phía Nhà Trắng đưa ra, đây trở thành cơ sở quan trọng để ông Trump tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận cho Syria. “Tôi sẽ ra lệnh chấm dứt cấm vận Syria để trao cho họ cơ hội đạt được sự vĩ đại. Đã đến lúc họ tỏa sáng”, Đài Al Jazeera ngày 13/5 dẫn lời ông Trump nói[2].
Ngoài những con số khổng lồ từ các thỏa thuận ký kết, chuyến công du lần này của Tổng thống Trump đã khơi dậy nhiều tranh luận khi ông công khai chuyển trọng tâm từ các giá trị dân chủ, đặc biệt là nhân quyền, sang lợi ích kinh tế. Trong suốt hành trình thăm cấp cao đến ba quốc gia giàu có nhất trong thế giới Arab là Saudi Arabia, Qatar và UAE, ông Trump không đề cập đến vấn đề nhân quyền – một điểm từng là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới các chính quyền tiền nhiệm. Điều này cho thấy những lập luận mới của ông Trump trong cách thức ngoại giao hướng tới sự tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Hồi giáo vùng Vịnh. Đây có thể coi như chỉ dấu cho thấy chính sách “nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump đã được vận dụng mức cao nhất. Rằng duy trì quan hệ chiến lược với các đối tác để đối phó với những thách thức lớn hơn như sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực quan trọng hơn so với “rao giảng dân chủ”. Trong một thế giới cạnh tranh đa cực, việc truyền bá giá trị có thể gây phản tác dụng, trong khi tập trung vào lợi ích thực chất mới là cách hiệu quả để giữ vững ảnh hưởng.
Phản ứng từ truyền thông trong nước và quốc tế đánh giá cao việc ông Trump đích thân kéo về cho nước Mỹ loạt thỏa thuận đầu tư khủng. Tờ báo Arab News, đánh giá chuyến đi là “một chiến lược thực dụng mới mẻ”, mở ra “những khả năng sáng tạo trong việc tái định hình chính sách Trung Đông của Mỹ, đưa các nước vùng Vịnh trở thành đối tác đầu tư chiến lược”[3]. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung, việc tận dụng các quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ như PIF hay Mubadala có thể giúp Mỹ giảm bớt gánh nặng chi tiêu quốc phòng mà vẫn duy trì ảnh hưởng chiến lược.
Những kết quả Mỹ thu về được
Thành tựu kinh tế vượt trội
Một trong những thành tựu nổi bật nhất của chuyến công du là việc ký kết các thỏa thuận kinh tế có quy mô kỷ lục với ba quốc gia vùng Vịnh – Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tại Saudi Arabia, Tổng thống Trump đã đạt được cam kết đầu tư lên tới 600 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và trí tuệ nhân tạo. Theo Nhà Trắng, các thỏa thuận bao gồm 142 tỷ USD cho quốc phòng, 20 tỷ USD từ công ty DataVolt của Saudi Arabia để xây dựng trung tâm dữ liệu AI và hạ tầng năng lượng tại Mỹ. Thái tử Mohammed bày tỏ tham vọng nâng tổng vốn đầu tư lên 1.000 tỷ USD trong những tháng tới. Tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn AMD cùng với Humain đầu tư 10 tỷ USD triển khai cơ sở hạ tầng tại Saudi Arabia[4].
Tại Qatar, Mỹ đã ký kết các thỏa thuận trị giá khoảng 1,2 nghìn tỷ USD, bao gồm hợp đồng bán 210 máy bay Boeing và động cơ do General Electric sản xuất cho Qatar Airways, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác về cơ sở hạ tầng, công nghệ cao và viễn thông[5]. Đây là cú hích lớn cho xuất khẩu Mỹ và một phần trong nỗ lực giành lại vị thế dẫn đầu trong chuỗi giá trị hàng không dân dụng toàn cầu, mặt trận đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hãng sản xuất Trung Quốc.
Với UAE, các thỏa thuận được ký kết có tổng trị giá hơn 200 tỷ USD, chủ yếu hướng tới phát triển năng lực nghiên cứu – ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quốc phòng trên không gian mạng và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các lực lượng đặc biệt của Abu Dhabi[6]. Những thỏa thuận mang tính chiến lược này không chỉ tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng việc làm và xuất khẩu của Mỹ, mà còn giúp Washington đi trước nhiều bước trong cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc trong khu vực.
Tái cấu trúc quan hệ địa chính trị
Một dấu hiệu rõ nét cho thấy Mỹ đang tái cấu trúc chiến lược tại Trung Đông là quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria. Hành động này mở đường cho việc tái thiết đất nước sau nội chiến, đồng thời đặt nền móng cho một kiểu quan hệ mới giữa Washington với chính quyền Damascus[7]. Việc Mỹ sẵn sàng bắt tay với một quốc gia từng đối đầu trong quá khứ cho thấy sự linh hoạt thực dụng của chính quyền Trump trong bối cảnh trật tự khu vực đang phân mảnh.
Đáng chú ý hơn, thỏa thuận sơ bộ giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân được coi là một đột phá về ngoại giao, tạo ra không gian đối thoại và kiềm chế xung đột tiềm tàng. Đây là bước đi thể hiện sự thay đổi chiến thuật từ đối đầu sang kiểm soát, từ trừng phạt đơn phương sang thiết lập cơ chế đồng thuận trong chiến lược Trung Đông của Mỹ kể từ sau khi rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) năm 2018[8].
Củng cố hiện diện quân sự và an ninh
Bên cạnh các thành tựu kinh tế và ngoại giao, yếu tố quân sự – an ninh tiếp tục đóng vai trò then chốt trong chiến lược Trung Đông của Hoa Kỳ. Tại Qatar, Tổng thống Trump đã đến thăm căn cứ không quân Al Udeid nơi đóng vai trò trung tâm trong các chiến dịch quân sự của Mỹ tại khu vực. Trong tuyên bố tại đây, ông cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng và mở rộng hiện diện quân sự tại Trung Đông, nhằm “bảo vệ lợi ích chiến lược và đảm bảo an ninh lâu dài cho các đồng minh”[9]. Bằng việc củng cố lực lượng tại những điểm then chốt như Qatar và Saudi Arabia, Mỹ không chỉ duy trì ưu thế răn đe mà còn gửi đi tín hiệu rõ ràng đến các đối thủ như Iran và các lực lượng ủy nhiệm chống Mỹ trong khu vực. Song song, việc nhấn mạnh đến năng lực phòng thủ mạng và an ninh năng lượng cho thấy Mỹ đang thích ứng với mô hình an ninh phi truyền thống đang gia tăng tại Trung Đông.
Điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng thực dụng
Một điểm đáng chú ý khác từ chuyến công du là sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump. Không còn nhấn mạnh đến các giá trị phổ quát như dân chủ, nhân quyền hay cải cách thể chế, chính quyền Trump thể hiện xu hướng thực dụng khi tập trung vào thúc đẩy các lợi ích cụ thể về kinh tế, quốc phòng và kiểm soát năng lượng. Sự điều chỉnh này phản ánh một bước ngoặt trong cách Mỹ định nghĩa vai trò của mình tại Trung Đông từ “người hưởng lợi” sang “người định hình lợi ích”.
Có thể thấy, Washington đã nhanh chóng ứng phó với việc Bắc Kinh đã tận dụng 4 năm vắng bóng quyền lực Mỹ tại Trung Đông dưới thời cựu Tổng thống Biden để tích cực gia tăng ảnh hưởng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Sự trở lại của Trump 2.0 thể hiện bằng cách củng cố liên minh, đảm bảo an ninh năng lượng, dẫn đầu trong các ngành công nghiệp tương lai như AI, Mỹ đang chuyển hướng sang cạnh tranh địa chính trị và quyền lực mềm tại Trung Đông nhằm duy trì ảnh hưởng trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc.
Triển vọng đặt ra cho các bên
Cơ hội và thách thức đối với Mỹ
Tổng thống Trump thành công trong việc “xoay trục đầu tư” từ Trung Đông sang Mỹ, tạo ra một dòng chảy tài chính thay thế cho các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Với cam kết 600 tỷ USD từ Saudi Arabia, 243 tỷ USD từ UAE và 1,4 nghìn tỷ USD dự kiến từ UAE trong 10 năm tới, Washington đang khẳng định vai trò là điểm đến thông minh của các quỹ đầu tư vùng Vịnh.

Sự xuất hiện của các quỹ đầu tư trong các thương vụ với Nvidia, Boeing, AMD, Google… phản ánh niềm tin lâu dài vào nền kinh tế Mỹ. Đây là cách tiếp cận song song: Mỹ nhận đầu tư chất lượng cao, trong khi các nước vùng Vịnh được chia sẻ công nghệ, bảo đảm an ninh và tiếp cận thị trường lớn.
Ngoài ra, sau hai thập kỷ sa lầy trong các cuộc chiến tranh tại Iraq, Afghanistan, Syria và sự nổi lên của các nhóm phiến quân cực đoan, nước Mỹ rơi vào tình trạng phân tán nguồn lực tại Trung Đông. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump đã đặt nền móng cho cấu trúc địa kinh tế của khu vực thay vì tiếp tục làm “cảnh sát toàn cầu”. Các hợp đồng quân sự khổng lồ bảo đảm lợi ích an ninh của Mỹ mà không cần mở rộng hiện diện quân sự. Như vậy, sức mạnh quân sự Mỹ không suy giảm mà đang được chuyển thể sang mô hình thông minh, tiết kiệm hơn về nhân lực, hiệu quả hơn về chiến lược.
Việc thúc đẩy đầu tư thay cho can thiệp trực tiếp sẽ giúp Mỹ giảm gánh nặng chi tiêu quốc phòng, đồng thời tập trung hơn vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối phó với Trung Quốc. Đặc biệt, Mỹ đang xây dựng một mô hình “hậu dầu mỏ” cho Trung Đông, giúp các quốc gia vùng Vịnh chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh và xã hội số hóa điều mà Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc lẫn Nga.
Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ cũng khó tránh khỏi những rủi ro mang tính chu kỳ và cấu trúc, đặc biệt liên quan đến khả năng duy trì cam kết tài chính dài hạn từ phía Saudi Arabia và UAE.
Thứ nhất, việc phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư từ các nước vùng Vịnh trong dài hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi xét đến tính chất biến động mạnh của thị trường năng lượng toàn cầu. Các quỹ đầu tư như PIF hay Mubadala phần lớn được tài trợ bằng nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Do đó, khả năng duy trì các cam kết đầu tư khổng lồ mức 600 tỷ USD từ Saudi Arabia hay 1,4 nghìn tỷ USD từ UAE trong vòng 10 năm phụ thuộc lớn vào diễn biến giá dầu. Nếu giá dầu giảm mạnh do biến động năng lượng toàn cầu ngân sách quốc gia và các quỹ đầu tư vùng Vịnh sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc Mỹ có thể mất đi nguồn vốn. Mặt khác, nhu cầu đầu tư nội địa nhằm phục vụ các chương trình đa dạng hóa kinh tế như “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia cũng đặt ra áp lực cạnh tranh với các kế hoạch đầu tư ra bên ngoài, trong đó có Mỹ[10]. Điều này cho thấy sự mong manh của chiến lược tài chính hóa ảnh hưởng nếu thiếu các cơ chế đảm bảo bền vững trong quan hệ đầu tư song phương.
Thứ hai, chính sách điều chỉnh ảnh hưởng tại Trung Đông cũng đặt Mỹ trước những bài toán ngoại giao phức tạp, đặc biệt liên quan đến các mâu thuẫn trong hệ thống liên minh khu vực. Một trong những thách thức lớn là việc tái khởi động hoặc duy trì đàm phán với Tehran nhằm kiểm soát phổ biến vũ khí hạt nhân. Đối với Saudi Arabia, bất kỳ động thái hòa hoãn nào của Mỹ đối với Iran đều có nguy cơ bị diễn giải như sự suy giảm cam kết an ninh. Trong khi đó, nếu Washington không hành động để kiểm soát chương trình hạt nhân Iran, nguy cơ đe dọa an ninh sẽ vẫn hiện hữu. Do vậy, vấn đề Iran trở thành một “điểm nóng cân bằng” trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh làm tổn hại lòng tin chiến lược từ các đồng minh chủ chốt.
Bên cạnh đó, nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, tuy mở ra cơ hội định hình một trật tự khu vực mới do Mỹ làm trung tâm, cũng không tránh khỏi những rào cản mang tính cố hữu. Đối với giới lãnh đạo Saudi Arabia việc tiến hành bình thường hóa với Israel sẽ cần một sự nhượng bộ lớn từ Tel Aviv đối với vấn đề Palestine tại Gaza và Bờ Tây[11]. Nếu tiến trình bình thường hóa thất bại hoặc bị đình trệ. Mỹ không chỉ mất đi cơ hội thiết lập một liên minh ba bên Arab – Israel – Mỹ mà còn có nguy cơ bị đánh giá là thiếu hiệu quả trong việc kiến tạo đồng thuận khu vực, từ đó mở rộng không gian can dự cho các đối thủ như Trung Quốc.
Cơ hội và thách thức đối với Trung Đông
Chuyến công du của Tổng thống Trump đã đánh dấu bước ngoặt đầu tư chiến lược chưa từng có tại Trung Đông. Không chỉ đơn thuần là tái khẳng định vai trò đồng minh truyền thống, ông Trump đã đặt nền móng cho một cuộc cách mạng phát triển mới dựa trên ba trụ cột: công nghệ cao, cơ sở hạ tầng thông minh, và kinh tế tri thức.
Các tập đoàn lớn của Mỹ như Amazon, Nvidia, Oracle, Google, Palantir, Salesforce… đang hợp tác phát triển các “AI Zones” tại Riyadh và Doha. Sự dịch chuyển chiến lược khỏi mô hình phụ thuộc dầu mỏ sang kinh tế tri thức đang biến vùng Vịnh trở thành trung tâm AI mới của thế giới, mở ra hàng trăm nghìn việc làm và thu hút nhân tài toàn cầu.
Đáng chú ý, sự dịch chuyển khỏi mô hình dầu mỏ sang kinh tế tri thức không chỉ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm chất lượng cao, mà còn định hình một thế hệ nhân lực toàn cầu mới, với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học dữ liệu và kỹ sư AI đến từ Mỹ, Ấn Độ, châu Âu và Đông Á. Trung Đông đang dần định hình lại bản đồ kinh tế thế giới không còn chỉ được nhắc tới với vai trò giếng dầu thế giới, mà đang tiến tới trung tâm tăng trưởng công nghệ mới.
Song hành với động lực phát triển kinh tế là những bước tiến mang tính lịch sử về mặt ngoại giao. Một trong những bất ngờ lớn trong chuyến công du của Trump là việc Syria tuyên bố tham gia Thỏa thuận Abraham động thái được xem như bước nhảy vọt lịch sử sau hàng thập kỷ xung đột. Trong khi đó, ông Trump cũng tiết lộ rằng Mỹ đang “rất gần” đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, theo hướng cam kết ngừng sản xuất vật liệu hạt nhân mang tính quân sự[12].
Quan trọng hơn, chuyển biến về diễn ngôn trước truyền thông đã thay đổi, từ lâu các tranh chấp ở Trung Đông chủ yếu dựa vào logic răn đe vũ lực, không đàm phán, hòa giải. Nhưng nay, giọng điệu ngoại giao hòa dịu bắt đầu thay thế cho đe dọa quân sự. Điều này tạo ra khoảng ngưng hiếm hoi với xu thế bạo lực từng kéo dài suốt hơn 20 năm qua.
Một trong những thay đổi sâu sắc nhưng ít được nhấn mạnh trên truyền thông quốc tế chính là chuyển dịch về bản sắc xã hội của các quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh. Trong các cuộc gặp giữa Trump và lãnh đạo Saudi Arabia, UAE, Qatar…, các vấn đề dân chủ, quyền phụ nữ hay tự do báo chí không còn nằm trọng tâm. Thay vào đó là sự đồng thuận chiến lược về phát triển công nghệ, AI, du lịch, năng lượng tái tạo và logistics.
Quan trọng hơn, việc lồng ghép kinh tế với cải cách xã hội cho thấy con đường “trung đạo” mà Trung Đông đang thử nghiệm để thích nghi với kỷ nguyên số hóa. Thay vì lựa chọn dân chủ hóa kiểu phương Tây, các quốc gia Hồi giáo chọn phương án chuyển hóa bản sắc, giảm vai trò thần quyền trong quản trị quốc gia, và thay bằng mô hình quốc gia hiện đại, định hướng công nghệ. Điều này đồng thời giúp làm suy yếu nền tảng hoạt động của các phong trào Hồi giáo chính trị cực đoan như Al-Qaeda hay ISIS.
Tuy nhiên, xét từ nhiều góc độ, chuyến công du của Tổng thống Trump mang tính chất tìm kiếm lợi ích về cho nước Mỹ nhiều hơn và những cam kết của Mỹ về tương lai lâu dài cho khu vực vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Tính chất tạm thời, không lấy gì làm chắc chắn trong các thỏa thuận chưa từng có tiền lệ giữa Mỹ và các đồng minh Arab xuất phát từ nhiều khía cạnh. Một là, các thỏa thuận ký kết ở mặt song phương được đặt thời hạn theo từng giai đoạn có thể lên tới hàng chục năm, do vậy, khi một chính quyền khác thay thế, liệu tương lai có xáo trộn. Hai là, bài học từ cách Mỹ ra điều kiện với các đồng minh phương Tây vốn có lịch sử gắn kết lâu đời hơn so với Trung Đông trở thành vấn đề cần quan tâm. Không điều gì đủ để khẳng định sự chắc chắn trong chính sách từ Trump 2.0 đặc biệt khi ông hiện tại chỉ đang nắm quyền hơn 100 ngày.
Sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga trong khu vực đang dẫn đến hiện tượng đa cực hóa ảnh hưởng, phá vỡ thế ổn định tương đối vốn tồn tại dựa trên lợi thế nghiêng về Mỹ trong ba thập kỷ hậu Chiến tranh Lạnh. Việc các quốc gia Trung Đông phải điều chỉnh chính sách ngoại giao để thích ứng với xu thế này đã làm nổi bật tính không chắc chắn trong cấu trúc quyền lực khu vực. Thay vì gắn bó độc lập với một cực quyền lực duy nhất, các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng theo đuổi chiến lược phòng ngừa rủi ro linh hoạt, đồng thời giữ quan hệ với cả Mỹ, Nga và Trung Quốc để tối ưu hóa lợi ích. Đây cũng đồng thời là thách thức lớn trong việc duy trì ổn định, do mỗi cường quốc mang theo một mô hình giá trị, chiến lược an ninh và lợi ích riêng biệt.
Một số dự báo
Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ đặt ưu tiên chiến lược vào việc giải quyết khủng hoảng Gaza như một bước đệm để tái định hình trật tự khu vực Trung Đông. Một số tín hiệu cho thấy Mỹ có thể sử dụng đòn bẩy viện trợ nhân đạo, tái thiết Gaza như một công cụ để buộc các lực lượng vũ trang Palestine phải chấp nhận các điều kiện ngừng bắn lâu dài, đổi lại là lợi ích kinh tế và chính trị cụ thể. Chỉ khi đạt được hòa bình tại Gaza, uy thế của Mỹ mới trở lại như trước và kế hoạch “Đại Trung Đông” mới có cơ sở để tái khởi động.
Một điểm nhấn chiến lược khác là khả năng Trump sẽ thúc đẩy một phiên bản mở rộng của “Thỏa thuận Abraham”. Việc đưa Saudi Arabia gia nhập khung thỏa thuận này sẽ là thành tựu lớn nhất của bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong vấn đề Trung Đông hiện đại. Một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Israel sẽ củng cố liên minh chống Iran mục tiêu đối ngoại then chốt của Trump từ trước tới nay. Trump có thể coi đây là chiến thắng biểu tượng để khẳng định hiệu quả của học thuyết “America First” không đồng nghĩa với cô lập hay rút lui, mà là sự tái định hình chiến lược can dự theo hướng hiệu quả hơn.
Một trọng tâm tiếp theo trong chính sách Trung Đông của Trump là quay lại chiến lược gây áp lực tối đa lên vấn đề hạt nhân Iran. Chính quyền Trump với nội các diều hâu có thể hướng tới đẩy mạnh bao vây Iran trên cả ba mặt trận: (i) ngoại giao (siết chặt quan hệ Tehran với các đối tác khu vực); (ii) quân sự (tăng cường răn đe từ các căn cứ Mỹ ở Vịnh Ba Tư), và (iii) kinh tế (mở rộng danh sách trừng phạt với ngành dầu mỏ Iran). Tuy nhiên, ngoài giải pháp đối thoại trực tiếp, ông Trump có thể ưu tiên sử dụng các đồng minh như Israel và Saudi Arabia không ngoại trừ cả Syria để gây sức ép gián tiếp, tạo thế gọng kìm đối với tham vọng chiến lược của Iran.
Điểm đặc biệt trong chiến lược Trung Đông ở nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump là sự kết nối rõ ràng hơn tổng thể chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc trên đa mặt trận. Trong bối cảnh Washington đang từng bước rút khỏi mô hình toàn cầu hóa cũ và chuyển sang toàn cầu hóa có chọn lọc, Trung Đông nhiều khả năng trở thành điểm nóng mới trong cuộc đua giành ảnh hưởng quyền lực giữa hai nước lớn.
Về kinh tế, Mỹ đang khuyến khích các quốc gia vùng Vịnh chuyển hướng chuỗi cung ứng công nghệ và năng lượng về phía Washington. Điều này nhằm ngăn chặn sự phụ thuộc của khu vực vào vốn, công nghệ và hạ tầng từ Bắc Kinh. Về ảnh hưởng của hai mô hình phát triển khác nhau. Cuộc cạnh tranh này đang vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, chuyển sang mô hình đa tầng, nơi công nghệ, dữ liệu và quyền lực mềm trở thành vũ khí chiến lược.
Tuy nhiên, ở chiều phía Trung Quốc, Trung Đông chưa phải khu vực mang tính sống còn bằng mọi giá. Thực tế cho thấy châu Phi và Trung Á là những khu vực Bắc Kinh đặt ưu tiên lớn hơn. Do vậy, dù Mỹ đạt phần hơn ở Trung Đông thì Trung Quốc cũng sẽ không phản ứng lại gay gắt. Thay vào đó, nơi đây sẽ được định hình là không gian đối thoại hoặc “sàn đấu” sức mạnh mềm của hai bên.
Tóm lại, chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump không chỉ là một cuộc trình diễn ngoại giao, mà là bước chuyển chiến lược của nước Mỹ trong thế kỷ XXI. Mọi trục chính sách đều được tích hợp vào một tầm nhìn chiến lược chung rằng Trung Đông phải giàu có, hòa bình và không phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào bên ngoài, ngoại trừ sự cộng hưởng với Mỹ. Đây có thể là dấu mốc đầu tiên của một khái niệm “Pax Americana”* mới ở Trung Đông, nếu được duy trì khéo léo. Với các thành tựu vượt trội về kinh tế, điều chỉnh tinh tế trong chính sách địa chính trị, cùng cam kết an ninh rõ ràng, Washington đang từng bước xây dựng lại hình ảnh một đối tác có trách nhiệm đáng tin cậy đã trở lại sau quãng thời gian tạm giảm can dự tại vùng chảo lửa xung đột này.
Tuy vậy, bài toán đối với Mỹ là phải duy trì thế cân bằng trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và phân mảnh. Trong đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc, những bất ổn nội bộ trong khu vực, cùng tính hai mặt của chính sách thực dụng sẽ tiếp tục là những thách thức lớn đối với chiến lược của Mỹ tại Trung Đông trong những thập kỷ tới./.
* “Pax Americana” hay Hòa bình kiểu Mỹ là cách mô tả vị thế quân sự và kinh tế của Mỹ so với các quốc gia khác. Mặc dù phần lớn dựa trên sự đồng thuận và hợp tác, nhưng đặc điểm xác định của Pax Americana là đơn cực, tổ chức thế giới xung quanh một trung tâm quyền lực duy nhất.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Phạm Huân (2025), “Tổng thống Trump bắt đầu chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ mới”, VOV, https://vov.vn/chinh-tri/tong-thong-trump-bat-dau-chuyen-cong-du-dau-tien-trong-nhiem-ky-moi-post1198963.vov
[2] Al Jazeera (2025), “Trump says US to lift Syria sanctions, ending years of Washington’s policy”, https://www.aljazeera.com/news/2025/5/13/trump-says-us-to-lift-syria-sanctions-ending-years-of-washingtons-policy
[3] Salman Al-Ansari (2025), “Trump meets Syria’s al-Sharaa, eyes normalisation of ties with Damascus”, Arab News, https://www.arabnews.com/node/2600319Al Jazeera
[4] Đức Hoàng (2025), “Ông Trump ‘chốt’ loạt thương vụ 2.000 tỷ USD khi công du Trung Đông”, Dân Trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-trump-chot-loat-thuong-vu-2000-ty-usd-khi-cong-du-trung-dong-20250516091307545.htmBáo điện tử Dân Trí
[5] Nguyễn Tùng, Hoàng An (2025), “Mỹ và Qatar ký kết các thỏa thuận kinh tế lịch sử trị giá 1.200 tỷ USD”, Báo Tin Tức, https://baotintuc.vn/the-gioi/my-va-qatar-ky-ket-cac-thoa-thuan-kinh-te-lich-su-tri-gia-1200-ty-usd-20250515114839640.htm
[6] Thanh Danh (2025), “Mỹ – UAE chốt loạt thỏa thuận 200 tỷ USD”, VnExpress, https://vnexpress.net/my-uae-chot-loat-thoa-thuan-200-ty-usd-4886765.htmlvnexpress.net
[7] Jennifer Holleis (2025), “Is US sanctions relief a pivotal turning point for Syria?”, DW, https://www.dw.com/en/is-us-sanctions-relief-a-pivotal-turning-point-for-syria/a-72556332
[8] The Guardian (2025), “Iran has ‘sort of’ agreed deal on nuclear programme, says Donald Trump”, https://www.theguardian.com/world/2025/may/15/us-has-sort-of-agreed-a-nuclear-deal-with-iran-says-donald-trumpThe Guardian
[9] The New York Times (2025), “Trump and Qatar Agree to Expand U.S. Military Base”, The New York Times, https://www.nytimes.com/2025/05/15/us/politics/trump-qatar-us-military-base.html
[10] Andrew Leber (2025), “Vision 2030 in the Home Stretch: Clear Achievements yet Limited Accountability”, Carnegie Endowment for International Peace, https://carnegieendowment.org/research/2025/03/vision-2030-in-the-home-stretch-clear-achievements-yet-limited-accountability
[11] Amir Asmar (2025), “In a normalization agreement with Israel, Saudi Arabia should settle for nothing less than Palestinian statehood”, Atlantic Council, https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/in-a-normalization-agreement-with-israel-saudi-arabia-should-settle-for-nothing-less-than-palestinian-statehood/
[12] U.S. Department of State (2025), “Press Briefing” https://www.state.gov/?post_type=state_briefing&%3Bp=92333&utm_campaign=atlantic-daily-newsletter&utm_source=newsletter&utm_medium=email&utm_content=20240605&lctg=6796bccb7b375dec1909a709