Trong khi mọi sự chú ý đang dồn vào các nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, hồi tháng 6/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức “Đối thoại cấp cao về phát triển toàn cầu” theo hình thức trực tuyến bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Cuộc đối thoại đáng chú ý không chỉ vì danh sách 32 nội dung của “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (GDI), mà còn bởi cuộc đối thoại này còn chính thức tái định hình các nỗ lực phát triển của Trung Quốc dưới hình thức GDI. Bài phân tích trên trang mạng the interpreter ngày 1/8 của chuyên gia Mercedes Page, thành viên của Diễn đàn Chiến lược Quốc tế Schmidt Futures (Châu Á), có tiêu đề “Unpacking China’s Global Development Initiative” đưa ra một số đánh giá về sáng kiến này như sau:
Tập Cận Bình lần đầu tiên giới thiệu GDI trong một hội nghị trực tuyến trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) hồi tháng 9/2021 như một nỗ lực hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội trên toàn thế giới nhằm đối phó với những thiệt hại do COVID-19 gây ra. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, GDI là một nỗ lực mới để giúp đẩy nhanh động lực trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của LHQ và “hướng sự phát triển toàn cầu tới một giai đoạn mới của tăng trưởng cân bằng, phối hợp và bao trùm”. Các lĩnh vực ưu tiên của GDI sẽ bao gồm “xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, COVID-19 và vaccine, nguồn lực tài chính cho phát triển, biến đổi khí hậu và phát triển xanh, công nghiệp hóa, kinh tế kỹ thuật số và kết nối”.
Bất chấp những mơ hồ về những gì GDI thực sự yêu cầu, hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến này, trong đó có 50 quốc gia đã tham gia Nhóm bạn bè về GDI do Trung Quốc thành lập hồi tháng 1/2022. GDI đã được Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và các cơ quan khác của LHQ đánh giá cao, trong khi các tham chiếu đến GDI ngày càng được lược bớt trong các tuyên bố chung giữa Trung Quốc và các nước.
Đề xuất của Trung Quốc về GDI chắc chắn là đúng thời điểm. Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những thiệt hại nặng nề đối với sự phát triển trên toàn thế giới, xóa bỏ những tiến bộ trong nhiều thập kỷ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới ̣(WHO), số người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói trên toàn thế giới lần đầu tiên tăng sau 20 năm vào năm 2020. Thực trạng này diễn ra trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế toàn cầu đang đi vào kỷ nguyên lạm phát đình trệ và suy thoái và và các biện pháp nhằm đảo ngược xu hướng này càng khó khăn hơn. Vì vậy, cần phải có thêm động lực đáng kể trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững nếu chúng ta kỳ vọng các mục tiêu này có hi vọng đạt được vào năm 2030 mặc dù ngay cả khi có thêm động lực, để đạt được mục tiêu vẫn thực sự khó khăn giống như các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước đây.
Bất kỳ nỗ lực nào nhằm xóa nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững phải là mục tiêu tích cực cho chương trình phát triển toàn cầu. Tuy nhiên, GDI của Trung Quốc cho thấy một số nỗ lực nhằm định hình lại các quy tắc và quản trị toàn cầu rộng lớn hơn phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh. Ví dụ, GDI bao gồm một số ngôn ngữ không rõ ràng nhưng có vấn đề, có ý nghĩa quan trọng đối với quyền con người trên toàn thế giới. GDI coi “phát triển” là “chìa khóa chính” cho “mọi vấn đề” và coi phát triển như một điều kiện tiên quyết để thụ hưởng các quyền con người. Nếu điều này nghe có vẻ quen thuộc, đó là vì Trung Quốc từ lâu đã nhấn mạnh quyền ưu tiên phát triển kinh tế trước khi tôn trọng và đề cao các quyền con người khác. Cách tiếp cận này có vấn đề vì nó trực tiếp đi ngược lại Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc. Nó cho thấy nhân quyền là tự nguyện, chứ không phải là nghĩa vụ pháp lý quốc tế, và làm xói mòn chế độ nhân quyền quốc tế hiện có bằng cách tạo tiền lệ bằng văn bản cho các quốc gia không tôn trọng hoặc đề cao nhân quyền.
GDI cũng sử dụng nhiều ngôn ngữ xoay quanh “tập thể” và “những điều tốt đẹp hơn”. Một lần nữa, việc tập trung vào các quyền “tập thể” nghe có vẻ quen thuộc như một biện pháp phổ biến của hình thức chuyên chế. Từ lâu, Trung Quốc đã nhấn mạnh vào khái niệm quyền tập thể của nhà nước hơn quyền của cá nhân nhằm mục đích hướng tới “điều tốt đẹp hơn”. Điều này đặt ra một quan điểm đối lập trực tiếp với khái niệm nhân quyền phổ biến và bất khả xâm phạm, đồng thời giúp thúc đẩy các nỗ lực rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm tạo ra một khuôn khổ nhân quyền thay thế ưu tiên quốc gia hơn là cá nhân và làm suy yếu quyền con người.
Việc sử dụng ngôn ngữ này rất quan trọng – nó đặc biệt quan trọng trong hệ thống quốc tế, nơi mà theo thời gian, nó có khả năng tạo ra hoặc làm suy giảm luật pháp và chuẩn mực quốc tế và tạo tiền lệ cho các hiệp định và hiệp ước quốc tế khác. Ngoài vấn đề ngôn ngữ, có mối liên hệ giữa GDI và Sáng kiến An ninh Toàn cầu mới của Trung Quốc gắn các nỗ lực phát triển với các lợi ích an ninh của Bắc Kinh. Bất chấp tất cả các mối tương đồng của GDI với Chương trình nghị sự 2030 của LHQ về Phát triển bền vững, vẫn chưa rõ cách thức GDI thực sự thúc đẩy các Các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Ngoài ra còn có rủi ro GDI sẽ lựa chọn khía cạnh nào trong Các mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh, gây phương hại đến các nguyên tắc đã được quốc tế và thống nhất trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu.
Dù vẫn đang trong những ngày đầu nhưng ngoài mục tiêu tập trung vào “phát triển”, rõ ràng GDI là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm định hình lại các quy tắc và quản trị toàn cầu rộng lớn hơn theo hướng có lợi cho Bắc Kinh với những tác động đáng kể đối với nhân quyền. Tuy nhiên, GDI cho đến nay vẫn chưa nhận được sự chú ý của phương Tây hay các nước đang phát triển./.
(Theo TTXVN)