Hậu cần quân sự là các hoạt động quân sự nhằm bảo đảm vật chất, sinh hoạt, quân y, vận tải… cho các lực lượng vũ trang hoạt động và chiến đấu. Chuẩn bị và tiến hành các hoạt động hậu cần quân sự là một yếu tố có tính tiên quyết trước khi tiến hành bất kì chiến dịch quân sự nào. Trong cuộc chiến Nga – Ukraine, hai bên tham chiến không chỉ phải đảm bảo hệ thống hậu cần quân sự của mình hoạt động hiệu quả mà còn tìm cách làm tê liệt hệ thống hậu cần của đối phương. Bên nào giành chiến thắng trong lĩnh vực quân sự này sẽ có ưu thế trong toàn cục cuộc chiến, đặc biệt trong bối cảnh hai bên vẫn thi gan trong cuộc chiến tiêu hao hiện nay.
Một số điểm căn bản trong hoạt động hậu cần quân sự
Về mặt tổng quan, các đơn vị hậu cần có 2 nhiệm vụ chính yếu: vận chuyển các vật dụng, nguyên nhiên liệu từ nhà máy sản xuất hoặc kho lưu trữ đến các đơn vị; quản lý và đảm bảo an toàn cho các tuyến cung cấp và kho lưu trữ. Các vật dụng, nguyên nhiên liệu mà các đơn vị hậu cần phải cung cấp bao gồm 4 nhóm chính: 1) Nhóm thứ nhất là các vũ khí tấn công, bao gồm súng, pháo, xe tăng, xe chở quân và đạn dược. Đây là nhóm đối tượng vận chuyển căn bản nhất, nguy hiểm nhất do tính dễ cháy nổ. 2) Nhóm thứ hai là các trang bị phòng vệ, bao gồm áo giáp chống đạn, mũ bảo hiểm và công cụ nguỵ trang, là những trang bị giúp cho những người lính sống sót lâu hơn, từ đó hạn chế thiệt hại nhân mạng, giúp chỉ huy chiến trường vận dụng chiến thuật thuận lợi hơn. 3) Nhóm thứ ba là các công cụ hỗ trợ cho binh lính và thiết bị, bao gồm các thiết bị liên lạc, kính nhìn đêm, kính hồng ngoại và các dụng cụ sửa chữa. 4) Nhóm cuối cùng, cũng là nhóm đối tượng quan trọng nhất, chính là nhu yếu phẩm (thức ăn, thuốc men, thiết bị xử lý nước và những vật dụng khác đáp ứng nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của binh lính).
Để vận chuyển các nhóm hàng hoá trên, các đơn vị hậu cần không thể dựa trên sức người thuần tuý mà cần sử dụng các phương tiện vận tải. Các loại phương tiện vận tải khác nhau thường được chia làm ba nhóm chính: nhóm phương tiện mặt đất, phương tiện mặt nước và phương tiện bay. Cụ thể: 1) Các phương tiện mặt đất (các loại xe tải và tàu hoả) có đặc điểm dễ thấy nhất là sự đa dạng về khối lượng vận tải mỗi xe, tàu; có thể phục vụ cho nhiều loại nhiệm vụ vận tải khác nhau tùy theo mức độ cấp thiết, mặt hàng vận chuyển và khoảng cách di chuyển, có khả năng tối ưu hoá hiệu suất hoạt động. Các phương tiện mặt đất có tốc độ vận chuyển tương đối cao, nhịp độ vận chuyển liên tục. Điều này, cùng với sự đa dạng về khối lượng vận tải, cho phép đảm bảo cung cấp hậu cần tốt ở mọi điều kiện. Như vậy, các phương tiện mặt đất có khả năng duy trì mức độ cung cấp rất cao với số lượng hàng hóa vận chuyển lớn. Tuy nhiên, các phương tiện này cũng dễ bị tiêu diệt và tuyến đi của chũng cũng dễ bị phá hoại bởi lực lượng đối phương[1]. 2) Phương tiện mặt nước (bao gồm tàu, thuyền, xuồng vận tải) có đặc điểm là có khả năng vận tải với khối lượng rất lớn. Tuy nhiên, chúng không thể vận chuyển liên tục, dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện địa hình (phụ thuộc vào các tuyến đường thủy) và dễ bị đối phương ngăn chặn khi chiếm đóng các cầu, cảng. 3) Các phương tiện vận tải đường không (bao gồm máy bay, trực thăng vận tải) có tốc độ vận chuyển cao nhất, có khả năng vận chuyển khối lượng lớn. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải đường không cũng bị ảnh hưởng bởi điều kiện thiên nhiên như khí hậu, địa hình cũng như mức độ đảm bảo an toàn cho các cơ sở hỗ trợ (như bãi đỗ, đường băng).
Trong thực tế triển khai, lực lượng quân đội cần đảm bảo 4 nguyên tắc phân bổ và bảo vệ các hoạt động hậu cần quân sự: 1) Đảm bảo cho các tuyến hậu cần không bị chồng chéo. Theo đó, các tuyến hậu cần không được phép tổ chức quá sơ sài, dễ đoán, nhưng cũng phải tránh tổ chức chồng chéo lên nhau. 2) Cần có các tuyến vận chuyển dự bị. Trong tác chiến, việc địch phá hoại các tuyến hậu cần là điều luôn có thể xảy ra. Vì thế, phương án B dành cho các tuyến đường vận tải là cần thiết để đảm bảo cung cấp hậu cần liên tục cho các lực lượng chiến đấu. 3) Đảm bảo nguỵ trang cho các tuyến hậu cần, nhằm mục đích hạn chế bị phát hiện, từ đó khó bị phá hoại hơn. 4) Đảm bảo bí mật để hạn chế gián điệp trà trộn vào phá hoại hoạt động hậu cần.
Hoạt động hậu cần quân sự trong cuộc chiến Nga – Ukraine
Nhiều tháng chiến sự tại Ukraine đã cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động hậu cần quân sự của Nga và Ukraine.
Về phía Nga, hoạt động hậu cần quân sự của nước này tuy có ưu thế về số lượng hàng hoá vận chuyển, số lượng phương tiện vận chuyển so với Ukraine[2], nhưng vẫn có những vấn đề chủ quan cố hữu. Cho dù Nga có tiềm năng và ưu thế trong sản xuất các phương tiện vận tải quân sự (tàu, xe, máy bay vận tải), nhưng hiệu quả huy động những phương tiện này có nhiều vấn đề [3]. Các tuyến hậu cần của Nga vẫn còn được tổ chức khá sơ sài, chồng chéo và chúng cũng dễ bị phá hoại. Đây là hệ quả của việc ngân sách eo hẹp dành cho hậu cần trong bối cảnh nền kinh tế bị Mỹ và phương Tây cấm vận trong thời gian dài, khiến việc đầu tư cho hậu cần thiếu đồng bộ. Tệ nạn tham nhũng, hối lộ trong quân đội và trong ngành công nghiệp quốc phòng tồn tại từ thập niên 90 của thế kỉ 20 càng làm trầm trọng thêm sự thiếu đồng bộ này[4][5]. Vấn đề nữa là việc lưu kho dài ngày các loại vũ khí, khí tài của Nga[6]. Nga đã không xây dựng mới thêm nhiều các kho hậu cần, trong khi nhu cầu lưu trữ, bảo quản vũ khí, khí tài rất lớn. Việc sử dụng các kho hậu cần cũ giúp Quân đội Nga tiết kiệm được chi phí xây mới, trong khi vẫn đảm bảo khả năng trang bị vũ khí, khí tài cho các lực lượng dân quân, quân dự bị, quân địa phương. Tuy nhiên, do tuổi trang bị tỉ lệ thuận với chi phí bảo quản, vì thế, chúng lại gây tiêu tốn tiền bạc rất lớn.
Về yếu tố khách quan, hoạt động hậu cần của Quân đội Nga trên thực địa cũng đang phải đối mặt với Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) của Mỹ. HIMARS bắn trúng chủ yếu vào các kho hậu cần quân sự của Nga tại các điểm ngay phía sau tiền quân[7], thậm chi trong một số trường hợp, Ukraine đã tập kích thành công các khu vực biên giới Nga tại các vùng Belgogrod và Krasnodar. Việc hệ thống hậu cần của Nga bị HIMARS tấn công phá hoại có thể làm giảm cường độ bắn phá của Nga; nhưng cũng không lâu dài, bởi mặc dù có độ chính xác cao và khó bị bắn chặn, số lượng HIMARS trang bị cho Ukraine hiện khá hạn chế.
Về phía Ukraine, nước này cũng gặp vấn đề tham nhũng, nạn tuồn hàng ra thị trường chợ đen và chậm trễ viện trợ của phương Tây. Tuy nhiên, những vấn đề này không có tác động lớn đến hậu cần quân sự Ukraine trong chiến tranh bằng sự phá hoại của Nga. Ngay từ những ngày đầu tiên, Nga đã sử dụng tên lửa Kalibr và Iskander tấn công các cơ sở hậu cần quân sự cả ở tiền phương và hậu phương[8], tiêu diệt toàn bộ các kho quân trang của Ukraine[9]. Hiện Nga đang sử dụng các tên lửa hành trình Geran-2 và Kh-101 tấn công các cơ sở năng lượng và truyền thông nhằm tiêu diệt toàn bộ hệ thống hậu cần quân sự của Ukraine[10] [11]. Ukraine gặp nhiều khó khăn khi không đủ sức mạnh để chống lại các cuộc tấn công từ phía Nga[12]. Cuộc không kích gần đây của Nga vào thủ đô Kiev và khu vực miền tây Ukraine cho thấy nước này đã không còn vùng an toàn nào nữa[13].
Cả Nga và Ukraine hiện đều tìm kiếm giải pháp nhằm duy trì hoạt động hậu cần trong tình hình chiến sự vẫn tiếp diễn căng thẳng. Ukraine có khả năng huy động vận tải dân sự phục vụ cho chiến trường. Tuy nhiên, sau các cuộc không kích của Nga, Ukraine về căn bản đã bị phi công nghiệp hoá hoàn toàn; do đó, bắt buộc phải lệ thuộc vào nguồn cung các xe vận tải của các nước NATO. Trong khi đó, Nga vẫn có khả năng sản xuất và huy động sử dụng các phương tiện vận tải, do các cơ sở sản xuất vẫn ở vùng an toàn và duy trì khả năng sản xuất cao. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của hoạt động hậu cần phục vụ cuộc chiến tại Ukraine, Nga sẽ tăng cường đầu tư, phát triển các xe tải thế hệ mới có hiệu suất hoạt động cao hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn để tránh lệ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài, hạn chế ảnh hưởng của cấm vận kinh tế. Nga cũng sẽ tăng cường cung cấp, trang bị vũ khí, khí tài cũ không còn sử dụng cho dân quân các vùng Donetsk và Luhansk, dành các kho hậu cần cho việc niêm cất các loại vũ khí, khí tài mới[14]. Nga cũng đẩy mạnh các cuộc tấn công phá hoại để bào mòn đến mức tối đa khả năng hậu cần của Ukraine[15].
Tương lai hoạt động hậu cần quân sự sau cuộc chiến Nga – Ukraine?
Bài học từ cuộc chiến Nga – Ukraine đã mở ra những hướng đi mới cho hậu cần quân sự. Đó là: 1) Ứng dụng công nghệ lưỡng dụng. Công nghệ lưỡng dụng không phải là vấn đề mới, nhưng sẽ ngày càng có vai trò quan trọng trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh vũ bão. Với sự tiện lợi trong việc nghiên cứu và sản xuất khi có thể tận dụng cơ sở dân sự, quân đội sẽ mất ít chi phí hơn cho việc bảo quản và sử dụng các trang bị sử dụng công nghệ lưỡng dụng. Ngoài ra, công nghệ lưỡng dụng còn cho phép phát triển sản xuất, mang lại giá trị kinh tế, từ đó có thể tái đầu tư phát triển hậu cần quân sự. 2) Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm xây dựng hệ thống hậu cần thống nhất, đồng bộ. Sự thiếu thống nhất và đồng bộ trong hệ thống hậu cần đã gây ra hậu quả nghiêm trọng trên chiến trường. Việc ứng dụng AI vào để quản lý hậu cần sẽ là hướng đi rộng mở giúp đơn giản hoá quy trình và xử lý nhanh gọn, vốn rất quan trọng trong hoạt động quân sự. 3) Tăng cường các hoạt động bảo vệ các cơ sở hậu cần quan trọng. Trong môi trường tác chiến hiện đại, để bảo vệ các cơ sở hậu cần, các lực lượng quân đội không chỉ giữ bí mật tình báo, tăng cường nguỵ trang, mà còn phải nghiên cứu các biện pháp đối phó với hoạt động theo dõi của vệ tinh, các hoạt động phá hoại thông qua triển khai tác chiến điện tử, tác chiến mạng.
Tác giả: Nguyễn Trần Hoàng Anh
Tài liệu tham khảo
1. David Jordan, James D. Kiras, David J. Lonsdale, Ian Speller, Christopher Tuck, C. Dale Walton (2016), Understanding Modern Warfare (second edition).
2. Robert Gibson – Logistic Lessons in the Russia-Ukraine War – The Cove.
3. Alex Vershinin – Russia’s logistical problems may slow down Russia’s advance, but they are unlikely to stop it – Modern War Institute.
4. Susanne Oxenstierna – Russia’s defense spending and the economic decline – Journal of Eurasian Studies.
5. Sam Cranny-Evans, Dr Olga Ivshina – Corruption in the Russian Armed Forces – Royal United Services Institute (RUSI).
6. Base for Storage and Repair of Weapons and Military Equipment (BHiRVT) – globalsecurity.org.
7. Ukraine says it has destroyed 50 Russian ammunition depots using HIMARS – Reuters.
8. Russia’s Brutal Use of Artillery in Ukraine Has Historical Roots – foreignpolicy.com.
9. Russian attack destroys warehouses of major Ukrainian commodity terminal, company says – Reuters.
10. Russian Strikes Batter Kyiv and Send Residents Dashing for Cover – The New York Times.
11. Russian forces strike Kyiv Oblast with kamikaze drones on Oct. 13 – kyivindependent.com.
12. Ukraine Urgently Needs Air Defense Capabilities – U.S. Department of Defense.
13. US and UN condemn brutality after missile strikes – as it happened – The Guardian.
14. Russia Threatens to Send More Arms to Separatists in Ukraine – Bloomberg.
15. Russia-Ukraine updates: G7 vows to hold Putin ‘to account’ – Al Jazeera.