Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc ngày 16/10 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh với điểm nhấn là bài phát biểu dài của Chủ tịch Tập Cận Bình. Thông qua bài phát biểu, giới nghiên cứu và cộng đồng quốc tế có thể sớm hình dung về chính sách đối nội – đối ngoại của Bắc Kinh trong vòng 5 năm tới. Đáng chú ý, lập trường của nước này trong vấn đề Đài Loan đang được dư luận hết sức quan tâm.
Một số điểm đáng chú ý liên quan đến vấn đề Đài Loan
Trong bài phát biểu hôm 16/10, chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định tinh thần chủ đạo như những gì ông đã nhấn mạnh năm ngoái trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và là cam kết không gì lay chuyển được của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó cũng là nguyện vọng chung của tất cả những người con của đất nước Trung Hoa”. Những bình luận của ông Tập phản ánh Trung Quốc tiếp tục coi đây là vấn đề thuộc “lợi ích cốt lõi” và quyết tâm thu phục Đài Loan của Bắc Kinh là rất vững chắc. Lev Nachman, phó giáo sư Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc kiêm chuyên gia phân tích về Đài Loan cho rằng điều này phù hợp với những dự đoán ban đầu và những gì mà chúng ta đã được nghe trước đây.
Về biện pháp,ông Tập tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Trung Quốc là theo đuổi mục tiêu thống nhất đất nước với Đài Loan một cách hòa bình. Ông nhắc lại cách tiếp cận này: “Chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu cho sự thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất”. Qua đó làm rõ ưu tiên hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh vẫn là sử dụng giải pháp phi quân sự và công thức “một quốc gia, hai chế độ” trong quản lý mối quan hệ xuyên eo biển. Điều này còn biểu lộ thái độ tự tin của chính quyền Tập vào sự điềm tĩnh chiến lược và kiên nhẫn lịch sử sẽ giúp họ hoàn thành mục tiêu tái thống nhất, bất chấp thái độ bài trừ Trung Quốc ngày một sâu sắc trong xã hội Đài Loan.
Dù bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Đại hội đảng lần thứ XX không có nhiều nét mới thể hiện quan điểm của Chính phủ Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan, nhưng nó cũng đã tiết lộ một số chi tiết đáng chú ý khi so sánh với bài phát biểu của Đại hội lần thứ XIX hay các phát biểu trước đây.
Trước tiên, trong bài phát biểu hôm chủ nhật, vấn đề Đài Loan đã được đề cập sớm hơn so với bài phát biểu cách đây năm năm, đồng thời tần suất cũng tăng lên là 12 lần so với 9 lần trước đó (số liệu thống kê của CSIS). Qua đó cho thấy nó có độ ưu tiên, thu hút quan tâm hơn và truyền tải sự cấp thiết mới về việc đạt được tiến bộ về vấn đề Đài Loan.
Thứ hai, so với Đại hội năm 2017, lần này Trung Quốc có một giọng điệu sắc bén hơn khi nói về Đài Loan. Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo thế giới đây là chuyện nội bộ của Trung Quốc, chính Trung Quốc sẽ quyết định cách thức và thời điểm thống nhất: “Giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của người Trung Quốc, và vấn đề phải do người Trung Quốc giải quyết”. Bằng việc tái khẳng định đây là vấn đề nội bộ và quyền tự quyết của người Trung Quốc, ông Tập gạt bỏ các quan điểm muốn “quốc tế hóa vấn đề thống nhất Đài Loan”, cũng như các nỗ lực đưa Đài Loan trở thành một thực thể chính trị độc lập được công nhận trên chính trường quốc tế[1]. Ông cảnh báo: “Chúng tôi sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Và chúng tôi bảo lưu tùy chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, nhằm vào sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài và một số phe ly khai đang tìm kiếm độc lập cho Đài Loan”. Điều này báo hiệu một chính sách đối ngoại ngày càng táo bạo và cứng rắn của Trung Quốc, đồng thời phản ánh mối quan tâm gia tăng của Bắc Kinh về sự hỗ trợ của Mỹ và quốc tế đối với Đài Loan.
Thứ ba, trong báo cáo đầy đủ của hội nghị – một phiên bản dài hơn bài phát biểu của ông Tập, đề cập rằng Bắc Kinh đã “tăng cường sáng kiến chiến lược cho sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc.” Cụm từ “sáng kiến chiến lược” không phải là mới và thường được gắn với việc ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, nhưng đây là lần đầu tiên cụm từ này được đưa vào báo cáo Đại hội Đảng trong bối cảnh của Đài Loan. Nó thể hiện khát khao lớn hơn của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các động lực xuyên eo biển và đạt được tiến bộ trong quá trình thống nhất[2].
Đằng sau sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Bắc Kinh đối với vấn đề Đài Loan
Mức độ ưu tiên cùng giọng điệu cứng rắn của chính quyền Tập đối với vấn đề Đài Loan tại Đại hội Đảng lần thứ XX năm nay cần đặt trong bối cảnh địa chính trị mới, bao gồm cả các điều kiện bên trong và bên ngoài Trung Quốc.
Ở trong nước, sau gần ba năm áp dụng chính sách Zero-Covid hà khắc, sự thất vọng và mệt mỏi của người dân đang ngày càng gia tăng. Chỉ ba ngày trước khi Đại hội bắt đầu, các biểu ngữ phản đối được treo trên cầu vượt Bắc Kinh cùng lời kêu gọi lật đổ vị lãnh đạo “độc tài” trong một sự bất tuân dân sự hiếm thấy xảy ra ở đất nước tỷ dân. “Chúng tôi không muốn xét nghiệm covid, chúng tôi muốn được ăn; chúng tôi không thích bị phong tỏa, chúng tôi muốn được tự do”[3]. Trước tình hình đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã rất khéo léo chuyển hướng dư luận và giành lấy sự ủng hộ của quần chúng bằng cách khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và quyết tâm giành lại Đài Loan một cách mạnh mẽ. Kết quả là, người đứng đầu Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nhận về một trong những tràng pháo tay dài nhất của gần 2.300 đại biểu tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, giữa lúc nói về Đài Loan và “sự thống nhất hoàn toàn của đất mẹ”.
Mặt khác, ông Tập từ lâu đã gắn vấn đề thống nhất Đài Loan với sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Việc thu hồi Đài Loan không chỉ đồng nghĩa với việc Trung Quốc hoàn thành được nhiệm vụ dân tộc, củng cố sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn là một bước tiến lớn gia tăng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Không những vậy, như nhà khoa học chính trị Oriana Skylar đã lập luận, ông Tập muốn thống nhất Đài Loan là “một phần di sản cá nhân” trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2027 và nhiệm kỳ thứ tư tiềm năng vào năm 2032. Do đó, thời điểm 5 năm tới có ý nghĩa then chốt với không chỉ Bắc Kinh mà còn với hình tượng một nhà chính trị mạnh mẽ đã được ông Tập xây dựng nên cùng lời hứa tiến tới thống nhất đất nước, dẫn tới giọng điệu gấp gáp để thúc đẩy hành động quyết liệt sớm phá vỡ bế tắc hiện tại liên quan đến quan hệ xuyên eo biển.
Trong một bối cảnh rộng lớn hơn, căng thẳng về Đài Loan được đẩy lên cao trong mùa hè năm nay sau chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo vào tháng 8. Đây là chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến Đài Loan kể từ năm 1997 và chuyến thăm đã chọc giận chính quyền Bắc Kinh. Từ khi bà Pelosi rời hòn đảo, lần đầu tiên Trung Quốc bắn tên lửa đạn đạo qua không phận Đài Loan, đưa số lượng kỷ lục tàu và máy bay quân sự vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật bao quanh hòn đảo trong một cuộc diễn tập phong tỏa. Bắc Kinh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Đài Loan, đồng thời cắt giảm các hoạt động hợp tác quân sự và các hợp tác khác với Mỹ. Do đó, bình luận lần này của ông Tập trong bài phát biểu khai mạc Đại hội XX tiếp tục là động thái phản ánh sự bất mãn sâu sắc cũng như sức mạnh của nước này trước sức ép từ quan hệ liên minh Mỹ – Đài.
Đặc biệt, khi xung đột Nga – Ukraine ngày càng leo thang, Bắc Kinh có thể nhận ra một sơ hở chiến lược khi các nguồn lực chính trị và quân sự của Mỹ đang phải đổ dồn về châu Âu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã diễn giải phản ứng của phương Tây đối với cuộc tấn công của Nga là một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ không can thiệp quân sự để bảo vệ một quốc gia mà họ không bị ràng buộc bởi một hiệp ước quốc phòng, đặc biệt là nếu phải chống lại một kẻ thù có vũ khí hạt nhân. Như David Sacks của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đã lập luận: “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể kết luận rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga đã có hiệu quả răn đe với Mỹ, do đó nước này cũng sẽ không muốn gây chiến với một cường quốc hạt nhân về vấn đề Đài Loan”[4]. Điều này càng cổ vũ cho những tham vọng lớn hơn của Trung Quốc và xúc tiến nước này hành động nhanh chóng để chớp lấy cơ hội, được tiết lộ phần nào qua những tuyên bố hùng hồn của chủ tịch Tập hôm Chủ nhật.
Phản ứng của các bên liên quan
Vấn đề Đài Loan không chỉ xoay quanh mối quan hệ xuyên eo biển giữa hòn đảo và Trung Quốc đại lục mà còn dính líu đến các quốc gia bên ngoài, điển hình là Mỹ. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đặc biệt quan tâm và theo dõi sát sao diễn biến tình hình, do lo ngại về việc Đài Loan có thể rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc – kịch bản sẽ đe doạ an ninh của xứ sở anh đào.
Ngay sau bài phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình, Đài Loan đã nhanh chóng lên tiếng về lập trường chính thức, tuyên bố sẽ không bao giờ thỏa hiệp về các giá trị chủ quyền, dân chủ và tự do: “Đội ngũ an ninh quốc gia đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ tiếp tục chú ý đến những diễn biến tiếp theo. Quan điểm chủ đạo của Đài Loan đã được bày tỏ rõ ràng rằng chúng tôi kiên quyết bác bỏ “Một quốc gia, hai chế độ”, phát ngôn viên văn phòng tổng thống Chang Tun-han cho biết. “Công chúng Đài Loan nhất trí rằng chủ quyền lãnh thổ, dân chủ và tự do không thể bị xâm phạm, và đối đầu quân sự không phải là lựa chọn cho cả hai bên eo biển Đài Loan”. Cùng với đó, ông Chang cũng tham khảo bài phát biểu của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày Quốc khánh trước đó rằng Đài Bắc sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh để tìm ra “những cách thức có thể chấp nhận được” nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Về phần mình, trong một sự kiện tại Đại học Stanford ở California hôm thứ hai, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo về “sự thay đổi trong cách tiếp cận” của Trung Quốc đối với việc thống nhất với Đài Loan. Ông nói: “Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc tái thống nhất trong một thời gian nhanh hơn nhiều. Nếu các biện pháp hòa bình không hoạt động, nước này sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng chế, và có thể là các biện pháp cưỡng bức để đạt được các mục tiêu của mình”. Kế đó, ngày 19/10, chính phủ Mỹ đã bắt đầu xem xét kế hoạch hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan – một sáng kiến nhằm tăng tốc chuyển giao vũ khí để tăng cường khả năng răn đe của Đài Loan với Trung Quốc[5].
Riêng Nhật Bản đã từ chối đưa ra lời bình luận trực tiếp, nhưng được cho là sẽ nỗ lực xúc tiến kế hoạch tái vũ trang từ nay đến năm 2027 để đối phó với tham vọng Đài Loan ngày một gia tăng của Bắc Kinh[6].
4 kịch bản giải quyết vấn đề Đài Loan của Trung Quốc
Trái ngược với những cảnh báo phần nào được thổi phồng từ Mỹ, hầu hết các chuyên gia đồng tình rằng “không có bất kỳ cảm giác cấp bách nào đối với Đài Loan”, “không có mối đe dọa sắp xảy ra từ việc Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng quân sự”. Quả thực, vấn đề Đài Loan là rất phức tạp và đòi hỏi những đánh giá kỹ lưỡng, đa chiều hơn khi đưa ra dự báo về những diễn biến trong tương lai. Một số nhân tố sau đây có thể là chỉ dấu cần thiết:
Thứ nhất, đường hướng phát triển của Trung Quốc sau Đại hội XX. Vẫn còn quá sớm để có những nhận định chính xác về lựa chọn chính sách của ông Tập trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ 3, song từ bài phát biểu của vị lãnh đạo này có thể thấy, Trung Quốc 5 năm tới sẽ đề cao vấn đề an ninh. Theo số liệu của Reuters, trong bài phát biểu của mình, ông Tập đã sử dụng thuật ngữ “an ninh” hoặc “an toàn” 91 lần, tăng từ 54 lần vào năm 2017, trong khi việc sử dụng từ “cải cách” của ông đã giảm xuống 48 lần từ 68 lần được đề cập trong 5 năm trước[7]. Điều này báo hiệu xu hướng gia tăng các hành vi đe dọa quân sự của Trung Quốc trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, bao gồm cả vấn đề thống nhất Đài Loan.
Thứ hai, chính sách Đài Loan của Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Từ lâu, loạt vấn đề liên quan đến Đài Loan và Trung Quốc là yếu tố ảnh hưởng lớn đến cử tri. Một khảo sát năm 2021 của Hội đồng Các vấn đề toàn cầu Chicago cho kết quả 69% người được hỏi ủng hộ Mỹ công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập; 65% muốn Đài Loan được gia nhập các tổ chức quốc tế. Do đó, trong cuộc chạy đua cho bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 sắp tới, Đảng Cộng Hòa đang nỗ lực “ghi điểm” bằng cách khai thác tình cảm chống Trung Quốc thông qua vấn đề Đài Loan. Cụ thể, các đại diện Đảng Cộng Hòa đã đề xuất phiên bản của riêng họ về “Đạo luật chính sách Đài Loan năm 2022”, mang tính cấp tiến hơn và diều hâu hơn so với Đạo luật được Ủy ban đối ngoại Thượng Viện thông qua hai tuần trước đó, yêu cầu Mỹ tăng cường sự rõ ràng chiến lược trong việc bảo vệ Đài Loan và khẳng định Đài Loan là “đồng minh ngoài NATO của Mỹ”[8]. Bởi vậy, nếu Đảng Cộng Hòa chiếm lại quyền kiểm soát đối với cả hai viện Quốc hội Mỹ, ảnh hưởng của họ sẽ được cảm nhận trong các cuộc tranh luận về mức độ cam kết với Đài Loan, và nhiều khả năng sẽ càng đáng lo ngại hơn đối với Bắc Kinh.
Thứ ba, lựa chọn chính sách của Đài Loan. Chính trường Đài Loan đang rất nóng bởi cuộc bầu cử địa phương diễn ra vào ngày 26/11, được ví như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Bầu cử năm nay được đánh giá là đặc biệt hơn do bị phủ bóng bởi tình trạng căng thẳng hiện tại của mối quan hệ xuyên eo biển, thể hiện ít nhất ở hai khía cạnh. Thứ nhất, lập trường của các đảng phái khác nhau tại Đài Loan về mối quan hệ với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của cử tri. Thứ hai, các tác động chính trị gây ra bởi các chiến thuật cưỡng ép ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan trong lĩnh vực phi quân sự, đặc biệt là các lệnh cấm xuất khẩu gần đây[9]. Do đó, kết quả bầu cử sắp tới sẽ hé lộ phần nào về việc lãnh đạo Thái Anh Văn được nhìn nhận như thế nào trong mắt các cử tri của hòn đảo và liệu bà có thể tái đắc cử vào năm 2024 nữa hay không. Từ đó cung cấp các manh mối có giá trị về quỹ đạo tương lai và cách thức Đài Loan quản lý quan hệ với Trung Quốc.
Thứ tư, vấn đề Đài Loan không thể tránh khỏi những tác động từ môi trường bên ngoài. Bên cạnh cục diện cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc, trong đó cạnh tranh Mỹ – Trung là tâm điểm; xu thế hòa bình, ổn định để phát triển vẫn là dòng chủ lưu trong quan hệ quốc tế và hơn bao giờ hết là khát khao cháy bỏng của nhân loại sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Chưa kể, trong thời đại toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là rất chặt chẽ. Chi phí cho một cuộc tấn công vũ trang vào Đài Loan sẽ đắt hơn gấp nhiều lần so với xung đột Nga – Ukraine, do Bắc Kinh là nền kinh tế liên kết với thế giới nhiều hơn so với Moscow. Điều này khiến cả Trung Quốc lẫn phần còn lại đều phải kiềm chế.
Trên cơ sở các yếu tố nêu trên, có thể hình dung diễn biến eo biển Đài Loan theo 4 kịch bản như sau:
Kịch bản 1: Duy trì hiện trạng mong manh
Trung Quốc duy trì quyết tâm thống nhất Đài Loan bằng con đường hòa bình, sử dụng các biện pháp phi quân sự để gây sức ép lên Đài Loan như: gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngăn chặn các chính khách nước ngoài khác công du đến hòn đảo, và lôi kéo sự ủng hộ của gần chục quốc gia còn lại có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Ngoài ra, cùng với xu thế chú trọng cải cách, hiện đại hóa quân đội, nước này cũng sẽ cố gắng thiết lập một “bình thường mới” cho các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, nhưng sẽ được hiệu chỉnh để giữ cho chiến tranh không xảy ra.
Ở chiều ngược lại, Đài Loan kiên định với ý tưởng về nền độc lập không chính thức như hiện tại và duy trì quan hệ liên minh với Mỹ, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng từ tinh thần cho tới sức mạnh quốc phòng do luôn lường trước khả năng bị tấn công. Trong khi đó, Washington không thay đổi cách tiếp cận “mập mờ chiến lược”, hỗ trợ Đài Loan mạnh mẽ hơn trong khi vẫn duy trì cam kết “Một Trung Quốc”. Do đó, căng thẳng trên eo biển Đài Loan tiếp tục gia tăng nhưng ít có khả năng xảy ra chiến tranh hoặc sự cố nghiêm trọng. Đây là kịch bản dễ đoán nhất và cũng nhiều khả năng xảy ra nhất.
Kịch bản 2: Mỹ – Trung đối đầu trực diện khi Bắc Kinh tiến hành chinh phục Đài Loan bằng quân sự
Giải pháp quân sự sẽ được chính quyền Bắc Kinh lựa chọn khi con đường hòa bình để thống nhất Đài Loan không phát huy hiệu quả, trong khi những “lằn ranh đỏ” mà Trung Quốc không thể thỏa hiệp lại liên tiếp bị Mỹ vượt qua (bằng cách mở rộng các mối quan hệ chính thức, đối xử ngoại giao trên thực tế với Đài Loan tương đương với các chính phủ nước ngoài khác, mở đường cho Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế…). Một cuộc tấn công vũ trang như vậy sẽ đẩy căng thẳng eo biển lên đến đỉnh điểm, phá vỡ nguyên trạng và gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với an ninh khu vực. Song thời điểm mà điều này diễn ra vẫn còn khá mơ hồ, do ông Tập chưa ấn định một mốc thời gian cụ thể, nhưng có thể sẽ là vào năm 2024 – khi Trung Quốc cảm nhận được khoảng trống chính trị sau kỳ bầu cử tổng thống Đài Loan và Mỹ, năm 2027 – kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hoặc muộn nhất là năm 2049 – gắn liền với thời điểm hoàn thành “giấc mộng Trung Hoa”.
Phản ứng lại hành vi gây hấn của Trung Quốc, Mỹ sẽ có những hành động mạnh mẽ và can thiệp rất sâu để hỗ trợ Đài Loan, được sự ủng hộ từ Nhật Bản và các liên minh quân sự trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo. Thêm vào đó, mặc dù Đài Loan không được công nhận với tư cách là một quốc gia nhưng hành vi sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp của Trung Quốc vẫn sẽ vấp phải phản đối quốc tế. Vì vậy cuộc chiến có thể sẽ kéo theo sự tham gia của nhiều nhân tố khác, gia tăng tính phức tạp và kéo dài thời gian chiến tranh[10].
Kịch bản 3: Trung Quốc tấn công vũ trang Đài Loan, Mỹ hỗ trợ nhưng không can thiệp trực tiếp
Quân đội Mỹ đã rút ra các chiến lược quân sự qua nhiều lần can thiệp trên địa bàn nước ngoài: (i) Quân đội chỉ can thiệp quân sự ở nước ngoài khi nắm chắc phần thắng; (ii) Không can dự quân sự trực tiếp quá lâu và quá sâu mà chỉ hỗ trợ cho các chính quyền được Mỹ ủng hộ thông qua huấn luyện và trợ giúp vũ khí; (iii) Quân đội chỉ tham gia các hoạt động quân sự đơn thuần, không can dự vào tiến trình tái thiết quốc gia hoặc hòa giải dân tộc ở quốc gia mà Mỹ xâm chiếm; (iv) Phải có chiến lược rút lui nếu như kế hoạch can thiệp quân sự thất bại[11]. Vấn đề Đài Loan hội tụ rất nhiều yếu tố không nên can thiệp quân sự đã được đề cập, chưa kể nếu đặt lên bàn cân chiến lược, quan hệ với Trung Quốc vẫn rất quan trọng với nền kinh tế đầu tàu thế giới đến mức nước này không muốn tìm kiếm sự đổ vỡ trong bất kỳ trường hợp nào.
Tuy nhiên, Đài Loan đang có một chính quyền thân Mỹ, do vậy Mỹ sẽ không hoàn toàn bỏ rơi khi chiến tranh xảy ra. Mỹ có thể không muốn đối đầu trực diện với Trung Quốc nhưng vẫn sẽ cung cấp vũ khí, trang thiết bị chiến đấu và duy trì hỗ trợ kinh tế cho Đài Loan trong khả năng giới hạn.
Kịch bản 4: Mỹ hoàn toàn “bỏ rơi” Đài Loan
Trung Quốc tiếp tục thu hẹp khoảng cách về sức mạnh tổng hợp đối với Mỹ, trong khi Washington bước vào chu kỳ bất ổn như lạm phát tăng cao cùng nguy cơ kinh tế suy thoái, đẩy lòng dân càng thêm ly tán. Khi ấy, Mỹ sẽ quay sự chú ý vào trong nước để bình ổn bên trong thay thì phân tán nguồn lực ra bên ngoài. Đặc biệt, khi Trung Quốc phát động chiến tranh với Đài Loan, chi phí hỗ trợ Đài Loan càng thêm tốn kém và có thể kích động làn sóng phản đối dữ dội. Trong kịch bản này, Mỹ sẽ phó mặc Đài Loan và tìm kiếm đòn bẩy chính trị khác với Trung Quốc, còn Đài Loan mất đi chỗ dựa buộc phải lựa chọn đàm phán thực dụng một thỏa thuận mà Bắc Kinh có thể chấp nhận. Đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra, nhưng không thể không tính đến.
Tóm lại, dù ông Tập đã đặt dấu ấn cá nhân vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhưng cho đến nay, ông đã kiềm chế không thay đổi cách tiếp cận lâu đời của Bắc Kinh đối với mối quan hệ xuyên eo biển. Có lẽ, thời gian tới, căng thẳng trong vấn đề Đài Loan vẫn chưa thể hạ nhiệt, thậm chí còn có nguy cơ lan rộng, tạo ra những tác động không tránh khỏi đến việc duy trì hòa bình, ổn và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Tổng hợp – Phân tích: Lã Thị Thu Hà
Tài liệu tham khảo
[1] Ông Tập nói gì về thống nhất Đài Loan?, Báo Tuổi Trẻ.
[2] Bonny Lin – Briant Hart – Samantha Lu – Matthew P. Funaiole, China’s 20th Party Congress Report: Doubling Down in the Face of External Threats, CSIS.
[3] At China’s Communist Party congress, Xi Jinping sails on undaunted, The economist.
[4] Andrew J. Nathan, “Beijing Is Still Playing the Long Game on Taiwan”, Foreign Affairs.
[5] Michael Martina et al, U.S. considering joint weapons production with Taiwan, Reuters.
[6] Tim Kelly – Nobuhiro Kubo – Yukiko Toyoda, Analysis: Japan rushes to rearm with eye on 2027 – and China’s Taiwan ambitions, Reuters.
[7] Yew Lun Tian – Ryan Woo, China’s Xi talks up security, reiterates COVID stance as congress opens, Reuters.
[8] Wang Yi, US politicians move to introduce radical bill over China’s Taiwan, in a ‘dangerous provocation’, Global Times.
[9] Kamal Madishetty, The Impact of Cross-Strait Relations on Local Politics in Taiwan, IPCS.
[10] Nguyễn Văn Lịch – Bế Thanh Xuân, Vấn đề Đài Loan trong quan hệ Mỹ-Trung và tác động từ xung đột Nga – Ukraine, Nghiên cứu quốc tế.
[11] Hoàng Anh Tuấn, 10 điều rút ra từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan (phần cuối), VOV.