Châu Á đang dần trở thành một khu vực quan trọng trên bản đồ địa chính trị và kinh tế thế giới. Với tư cách là một quốc gia Châu Á và trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn với các mối quan hệ với phương Tây, Nga cũng đưa ra chiến lược “Hướng Đông” với tầm nhìn về khu vực Châu Á để nâng cao vị thế của mình tại châu lục này, đồng thời đảm bảo sư phát triển của quốc gia. Vậy Nga đã triển khai những bước chiến lược nào để đạt được mục tiêu của mình, và những hành động này có ảnh hưởng gì đến Việt Nam nói riêng, khu vực và thế giới nói chung?
Vị trí của Nga tại Châu Á
Dù lệch hẳn về phía bắc của châu Á, vị trí địa lý của Nga vẫn tạo điều kiện thuận lợi để Nga thể hiện mình là một yếu tố quan trọng tại châu lục này. Nga bao quanh một phần lớn của Bắc Cực, nơi có tuyến đường biển phía Bắc – mà theo thời gian có thể trở thành một huyết mạch giao thông chính nối liền châu Á và Châu Âu thay thế cho quãng đường đi qua kênh đào Suez, Nga chính là cầu nối tiềm năng giữa Châu Á và Châu Âu. Bên cạnh đó, vùng Viễn Đông của Nga còn nằm ở ngã tư giữa Đông Bắc Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, Nga có vai trò quan trọng trong cân bằng quyền lực tại Đông Bắc Á.
Nga chưa có nhiều ảnh hưởng kinh tế tại Châu Á. Năm 2020, các quốc gia Châu Á nhập khẩu khoảng 141.6 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Nga[i], trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm hơn 50%[ii]. Các sản phẩm Châu Á nhập khẩu từ Nga chủ yếu là các sản phẩm năng lượng như dầu thô, dầu tinh chế, than, các sản phẩm khí tài quân sự và các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì. Nga cung cấp khoảng 8% lượng dầu nhập khẩu và 5% khí tự nhiên hóa lỏng LNG của Châu Á (Năm 2019)[iii]. Đây không phải là một tỷ trọng lớn, nhưng vẫn có nghĩa trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của thị trường châu Á. Nga cũng là thị trường của các nước châu Á về các sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị, xe cộ… Nga và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Iran, Israel, Singapore, Serbia, ngoài ra còn có một số quốc gia khác như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ… cũng đang trong quá trình đàm phán. Ngoại từ Trung Quốc, Nga chưa có nhiều ảnh hưởng kinh tế đến các quốc gia ở Châu Á, tuy nhiên, Nga cũng là một đối tác tiềm năng và tương thích với nhiều nền kinh tế ở Châu Á, và mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga và các nước châu Á còn nhiều dư địa để phát triển.
Mục tiêu, toan tính của Nga
Sáng kiến “Hướng Đông” của Nga được đưa ra lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhằm cho phép Nga giảm sự phụ thuộc vào phương Tây, đồng thời khai thác sự tăng trưởng năng động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD) như một phương tiện để hiện đại hóa vùng Viễn Đông Nga và cuối cùng là chính nước Nga. Nga xác định rằng CA-TBD là khu vực quan trọng cần được ưu tiên và chuyển hướng sang tăng cường hợp tác kinh tế với các nước này nhiều hơn và nổi bật là Trung Quốc. Việc Nga định hướng lại châu Á không chỉ đơn giản là một chính sách đối ngoại, mà còn là một chiến lược mới của Nga, một sự tự thức tỉnh về địa chính trị và một sự đổi mới về tư duy của Nga. Sự trở lại của V. Putin trên cương vị Tổng thống Liên Bang Nga năm 2012 và sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014 đã ảnh hưởng nhiều đến các hướng đi đối ngoại của Nga. Trước các lệnh trừng phạt và cấm vận từ Mỹ và Phương Tây, Liên Bang Nga đã đẩy nhanh quá trình “Hướng Đông” của mình. Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng việc Nga định hướng lại CA-TBD và sự phát triển năng động ở vùng Viễn Đông là ưu tiên của Nga trong cả thế kỷ 21.
Nga đặt mục tiêu dài hạn trong chính sách đối ngoại của mình là tạo điều kiện để Nga trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, trong đó có việc đạt được vị trí là nhà cung cấp số một các nguồn năng lượng trên thế giới. Do đó, sự điều chỉnh chiến lược của Nga cũng nhằm tạo điều kiện để Nga đạt được mục tiêu này. Thứ nhất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực Siberia và vùng Viễn Đông thông qua khai thác tiềm năng từ các nền kinh tế đang phát triển nhanh tại Châu Á và thu hút đầu tư từ các nền kinh tế này. Thứ hai, tiếp cận thị trường rất lớn về năng lượng ở châu Á và tiến tới trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho khu vực này. Thứ ba, mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí tại khu vực có nhu cầu rất lớn về trang bị vũ khí hiện đại là châu Á. Nga đã đặt ra các nhiệm vụ cho chiến lược Châu Á là phải tăng cường niềm tin và sự tự tin giữa Nga và các nước châu Á ở cấp độ nhà nước, doanh nghiệp và con người. Bởi không thể có sự đầu tư mà không có niềm tin và sẽ không có sự phát triển nếu không có đầu tư. Sau đó là mở rộng quy mô tham gia vào các vấn đề khu vực và tăng cường ảnh hưởng của mình trong các vấn đề này.
Các động thái triển khai của Nga
Để đạt được những mục đích dài hạn của mình và nhằm tăng cường vị thế của mình ở khu vực châu Á, Nga đã tiến hành can dự nhiều hơn, toàn diện hơn vào các lĩnh vực ở CA-TBD.
Chính phủ Nga đã trở nên tích cực hơn trong các tổ chức khu vực ở Châu Á. Mối quan tâm của Nga đối với chủ nghĩa đa phương không còn giới hạn ở những tổ chức mà họ có vai trò lãnh đạo như Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải, SCO, BRICS, hay Liên minh Kinh tế Á – Âu. Nga đã thể hiện tinh thần sẵn sàng và chủ động tham gia vào các tổ chức mà Nga chỉ ở vị trí thứ yếu, chẳng hạn như APEC, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng, Hội nghị Á – Âu, Đối thoại Shangri-La…
Tài liệu Chiến lược An ninh Quốc gia (2015 và 2021) và Chiến lược An ninh Kinh tế (2017) của Nga đã xác định định hướng của Nga trong quan hệ đối ngoại là phải giảm bớt sự tiếp xúc với động cơ chính trị. Chính phủ Nga đã tăng cường và cải thiện những chính sách của mình để thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở miền Đông nước này và xây dựng một nền kinh tế định hướng xuất khẩu sang thị trường châu Á. Năm 2020, Nga đã phê duyệt Chiến lược Năng lượng của Nga đến năm 2035 với việc tập trung vào việc tăng cường sản xuất và xuất khẩu dầu khí tới các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng tại Châu Á. Buôn bán khí tài quân sự cũng được Nga xác định là một công cụ quan trọng trong việc giúp Nga hình thành mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia và mở rộng ảnh hưởng của mình. Nga cũng đã đưa ra chiến lược để thâm nhập các thị trường mới ở Châu Á trong tương lai.
Để thuận lợi xuất khẩu năng lượng sang thị trường châu Á, Nga đã nỗ lực cải tiến cơ sở hạ tầng vận chuyển. Nga đã xây dựng nhiều đường ống, mở rộng cảng và những tuyến đường để thuận lợi trong việc vận chuyển dầu và khí sang các nước châu Á, nhất là Trung Quốc. Trong đó có thể kể đến các công trình lớn như Đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia” , đường ống “Đông Siberia – Thái Bình Dương”, đường ống “Skovorotino – Mạc Hà”, và đường ống “Sakhalin-Khabarovsk-Vladivostok”…
Là một quốc gia với tiềm lực quân sự mạnh mẽ, Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí và tích cực tham gia các cuộc tập trận chung với các quốc gia ở Châu Á nhằm gia tăng ảnh hưởng và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với các quốc gia này. Mục tiêu chính của việc xuất khẩu vũ khí chính là củng cố vị thế chính trị – quân sự của Nga tại khu vực. Doanh số bán vũ khí cũng chính là cơ sở cho quan hệ thương mại của Nga với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Myanmar, và Malaysia. Nga cũng tiến hành tập trận chung với nhiều quốc gia tại Châu Á, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Pakistan…
Cuối cùng, Nga đã tập trung củng cố và phát triển quan hệ với các tổ chức và các nước đối tác chủ yếu trong khu vực.
Thứ nhất, đối với các nước Đông Á, Nga đã nỗ lực đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, bên cạnh đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Triều Tiên. Đây là tiểu vùng quan trọng trong châu Á với sự hiện diện của những nền kinh tế hàng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản, và cả điểm nóng về vấn đề hạt nhân là Triều Tiên. Nga đã nỗ lực đưa mối quan hệ hợp tác Nga – Trung phát triển mạnh mẽ về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tổng thống Putin đã gặp mặt Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên hơn 30 lần kể từ năm 2013 đến nay[iv], nhiều hơn bất cứ hai nhà lãnh đạo quốc gia nào khác. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, Nga cũng là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho Trung Quốc – đất nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Hợp tác quân sự giữa hai nước đã đạt đến tầm cao mới, thông qua các thỏa thuận mua bán vũ khí hàng tỷ USD, cùng một loạt các cuộc tập trận quân sự cấp cao trên biển và cả trên đất liền. Nga và Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy việc hoán đổi tiền tệ song phương và sử dụng đồng nội tệ để thanh toán cho trao đổi thương mại giữa hai nước. Ngân hàng Trung Ương Nga thậm chí đã đưa đồng Nhân Dân Tệ vào các đồng tiền dự trữ ngoại hối của nước này vào cuối năm 2015 và tính đến hết năm 2021, Nhân Dân Tệ hiện chiếm hơn 12% dự trữ ngoại hối của Nga[v]. Nga cũng công khai ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” bằng cách không công nhận Đài Loan. Ngoài ra, với các quốc gia Đông Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, Nga cố gắng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm dầu khí của mình và thu hút đầu tư tại vùng Viễn Đông. Tuy nhiên mối quan hệ giữa Nga và hai quốc gia này không có nhiều tiến triển vượt bậc như với Trung Quốc. Chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga cũng được phản ánh trong mối quan hệ với Triều Tiên. Quan hệ song phương giữa hai nước có sự cải thiện khá rõ ràng thể hiện qua các dự án cơ sở hạ tầng mới và việc giải quyết thương mại song phương bằng đồng Rúp Nga. Bên cạnh đó, năm 2020, Nga đã nhiều lần và liên tục kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Thứ hai, Nga tập trung vào sức mạnh quân sự, thỏa thuận vũ khí và hợp tác chống khủng bố tại khu vực Trung Á. Hầu hết các quốc gia Trung Á trước đây đều là một phần của Liên Xô, Nga không có ý định từ bỏ thành tựu quá khứ của mình tại những quốc gia này và đồng thời cố gắng duy trì ảnh hưởng của mình và giữ các nước Trung Á dưới sự kiểm soát của mình. Nga đã thành lập Liên minh Kinh tế Á – Âu[vi] vào tháng 1 năm 2015 để tận dụng các kết nối giữa các quốc gia Liên Xô cũ và hội nhập hơn nữa với một số quốc gia. Chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Á tập trung vào việc thúc đẩy an ninh và hợp tác kỹ thuật quân sự, từ việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang ở các quốc gia này đến việc xây dựng căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan và Tajikistan, tiếp đó là phát triển các dự án năng lượng trong lĩnh vực dầu khí và thủy điện và cuối cùng là tăng cường các thể chế hội nhập của EAEU. Nga cũng cùng các quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan trở thành thành viên của SCO. Gần đây nhất, tháng 10 năm 2022, Nga đã đề xuất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên Nga – Trung Á, nhân kỷ niệm 30 thiết lập quan hệ ngoại giao của nước này với các quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan[vii].
Thứ ba, Nga cũng tích cực trong thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia Nam Á, nổi bật là Ấn Độ và Pakistan. Nga đã tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng và trở thành đối tác hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực này. Chỉ trong 4 năm từ 2018 đến 2021, thương mại quốc phòng giữa hai nước đã tăng gấp 3 lần từ 2-3 tỷ USD lên 9-10 tỷ USD[viii]. Đầu tháng 12 năm 2021, Nga đã đồng ý bán cho Ấn Độ 700.000 khẩu súng tấn công Kalashnikov AK-203, đây là hợp đồng có giá trị lớn nhất từ trước đến nay giữa Nga và Ấn Độ. Cũng trong năm này, Ấn Độ và Nga đã cùng tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung trong đó có thể kể đến cuộc tập trận thường niên Indra, cuộc tập trận Zapad và cuộc tập trận Phái bộ hòa bình của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức tại Nga[ix]. Cùng với đó, Nga cũng tăng cường hợp tác với Pakistan. Năm 2014, Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm bán thiết bị quốc phòng cho Pakistan, và đánh dấu sự khởi đầu trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước[x]. Nga và Pakistan cũng thường tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung. Ngoài ra, Nga cũng tích cực thể hiện vai trò nước lớn tại Afghanistan. Tháng 4 năm 2019, Nga đã tổ chức một cuộc họp ba bên cùng với Mỹ và Trung Quốc về các cuộc đàm phán Hòa bình Afghanistan, nơi ba siêu cường đã đạt được sự đồng thuận về việc giải quyết đàm phán với Taliban. Ngay sau đó, vào tháng 5, chính quyền tổng thống Putin đã mời các thành viên cấp cao của chính phủ Afghanistan và Taliban tới Moscow để chào mừng “100 năm quan hệ Nga-Afghanistan”. Tại cuộc gặp đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi việc rút hoàn toàn các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan.
Thứ tư, đối với các quốc gia Đông Nam Á, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng thúc đẩy quan hệ với ASEAN luôn là một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Nga. Từ quan điểm của Nga, các mối quan hệ thương mại, năng lượng, giao thông vận tải và đầu tư sẽ củng cố mối quan hệ của nước này với các thành viên của ASEAN.
Nga đã tích cực tham gia vào các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo ASEAN. Tại hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Nga lần thứ 10 năm 2021, hai bên đã đạt được thỏa thuận về Chương trình Hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN – Nga giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chính là cải thiện dòng chảy thương mại và đầu tư hai chiều giữa ASEAN và mang lại sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn giữa ASEAN và Nga[xi]. Ngay sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh với ASEAN ngày 28/10/2021, Nga đã soạn thảo một kế hoạch hành động toàn diện để tăng cường hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực khác nhau trong đó bao gồm năng lượng và vũ khí. Nga cũng đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên với các thành viên ASEAN tại ngoài khơi Bắc Sumatra thuộc vùng biển Indonesia hồi cuối năm 2021[xii]. Ngoài ra, Nga cũng đã nỗ lực để giành được sự thiện chí bằng cách cung cấp vắc xin Sputnik V cho các quốc gia ASEAN trong thời điểm khó khăn tiếp cận với các nguồn vắc xin chống Covid – 19.
Về mặt kinh tế, Nga đã và đang tìm cách tận dụng lợi thế so sánh của mình trong các lĩnh vực năng lượng, vũ khí và vận tải để thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu đang phát triển của Đông Nam Á. Nga đã cố gắng thâm nhập thị trường vũ khí của Đông Nam Á và dần trở thành nhà cung cấp khí tài quân sự quan trọng của các thành viên ASEAN. Từ năm 2000 đến năm 2019, các thành viên ASEAN chiếm 9% xuất khẩu vũ khí của Nga, và lượng vũ khí này chiếm khoảng gần 30% lượng vũ khí nhập khẩu của ASEAN[xiii]. Nga là nhà cung cấp nhiều khí tài quân sự lớn, máy bay chiến đấu, xe tăng và trực thăng vận tải hạng nặng cho các quốc gia Indonesia, Malaysia, Myanmar và cả Việt Nam. Ba đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong ASEAN là Việt Nam, Indonesia và Singapore, chiếm khoảng ¾ giá trị ngoại thương hai chiều Nga – ASEAN. Và trong xuất khẩu sang các quốc gia này, các sản phẩm chủ yếu vẫn tập trung vào dầu và khí đốt, chẳng hạn như nhiên liệu và dầu mỏ chiếm 59% trong xuất khẩu từ Nga sang Indonesia, và chiếm đến 98,1% giá trị xuất khẩu từ Nga sang Singapore[xiv].
Trong ASEAN, Nga đặc biệt tăng cường mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của Nga và cả hai nước có mối quan hệ thân thiết từ lâu đời. Năm 2015, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu cũng đã ký kết hiệp định thương mại tự do và có hiệu lực kể từ năm 2016. Đây là FTA đầu tiên giữa EAEU và một quốc gia Đông Nam Á. Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khối ASEAN[xv]. Không chỉ xuất khẩu dầu khí sang Việt Nam, Nga còn cùng Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên và các sản phẩm tinh chế dầu tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Liên doanh Nga – Việt Vietsovpetro là công ty lớn thứ tám ở Việt Nam và sản xuất một phần ba lượng dầu của cả nước[xvi]. Ngoài ra, Novatek, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, cũng đã ký một bản ghi nhớ với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận để phát triển một dự án sản xuất khí LNG tích hợp tại Việt Nam. Ngoài ra, Nga và Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các cuộc hội đàm, gặp gỡ nhiều cấp độ và thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm hợp tác quân sự, giáo dục, nông nghiệp,…
Ngoài ra, Nga cũng cố gắng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với nền kinh tế lớn nhất Hiệp hội là Indonesia. Nga đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Indonesia năm 2016[xvii]. Năm 2017, Rosneft và Pertamina của Indonesia cũng đã ký một thỏa thuận lớn đầu tư 15 tỷ USD để phát triển một tổ hợp lọc dầu và hóa dầu mới ở Đông Java[xviii]. Nga cũng có một dự án xây dựng tuyến đường sắt với chi phí ước tính khoảng 2.5 tỷ USD tại Indonesia[xix].
Nga đã có những nỗ lực đáng kể trong việc đa dạng hóa quan hệ của Nga với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là đối với ASEAN, điều này rất quan trọng với Nga vì có thể giúp ngăn chặn Nga trở nên phụ thuộc quá nhiều vào thương mại với Trung Quốc. ASEAN có thể là một thị trường thay thế lý tưởng với dân số hơn 600 triệu người và nền kinh tế phát triển năng động và tính tương thích cao. Tuy nhiên sự hiện diện chính trị và chiến lược của Nga ở Đông Nam Á hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Trả lời cuộc phỏng vấn trước thềm chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Sergei Lavrov hồi tháng 7/2022, Ông Grigory Lokshin – chuyên gia Việt Nam học kỳ cựu, đã nhận định rằng Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Nga, giống như một điểm tựa cho mối quan hệ ổn định giữa Nga và khu vực Đông Nam Á[xx]. Có thể thấy xoay trục trong lĩnh vực “năng lượng” và “vũ khí” là hai thành phần quan trọng nhất của quá trình chuyển dịch sang châu Á của Nga. Nga dựa vào lợi thế của mình về nguồn tài nguyên năng lượng và công nghệ vũ khí để đưa chúng trở thành công cụ giúp Nga tiến gần và gắn kết với các quốc gia Châu Á, từ đó trở thành một yếu tố ảnh hưởng tại khu vực này.
Ảnh hưởng của cuộc chiến với Ukraine đến chiến lược châu Á của Nga
Cuối tháng 2/2022, Nga triển khai Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cuộc xung đột quân sự đã có những ảnh hưởng đến chiến lược Châu Á của Nga. Cùng với các lệnh trừng phạt từ Phương Tây, Nga phải đối mặt thêm với những sự thay đổi từ nhiều nước châu Á, những quốc gia mà Nga đã cố gắng đẩy mạnh hợp tác. Cụ thể:
Trung Quốc, đối tác chủ chốt của Nga tại Châu Á, trên một số lĩnh vực cũng đã có sự hạn chế hợp tác với Nga. Ngay sau khi cuộc xung đột xảy ra, it nhất hai ngân hàng trong số các Ngân Hàng Nhà Nước của Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế các giao dịch thanh toán cho hàng hóa của Nga[xxi], Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á – Ngân hàng do Trung Quốc thành lập trong khuôn khổ BRI để cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á, cũng đã tạm dùng cung cấp các khoản vay cho các dự án ở Nga[xxii]. Nguyên nhân chủ yếu là các ngân hàng ở Trung Quốc không thể mất quyền truy cập vào các giao dịch bằng đồng USD, do đó dù Nga có là nhà cung cấp năng lượng quan trọng nhất của Trung Quốc, họ cũng phải coi trọng việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc Sinopec cũng đã tuyên bố tạm dừng với Sibur (Nga) về việc thành lập một nhà máy khí hóa học mới[xxiii]. Hai quốc gia Đông Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những hành động của mình để lên án hành động của Nga. Nhật Bản đã đóng băng quyền truy cập của Nga vào lượng tiền dự trữ ở Ngân Hàng Trung Ương ở Tokyo với tổng trị gia lên tới hàng chục tỷ USD[xxiv]. Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ thắt chặt xuất khẩu sang Nga.
Trong khối ASEAN, Singapore đã công khai lên án hành động của Nga như là một “hành động gây hấn vô cớ” và “là mối đe dọa hiện hữu” đối với các quốc gia nhỏ hơn trên khắp thế giới, nước này cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai của hiệp định thương mại tự do giữa Singapore và khối EAEU do Nga dẫn đầu. Indonesia cũng đã từ bỏ thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 của Nga trị giá 1,1 tỷ USD để đổi sang nhà cung cấp khác là Pháp và Mỹ nhằm tránh vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với những người mua hệ thống vũ khí của Nga. Tương tự, Philippines cũng hủy hợp đồng mua máy bay trực thăng quân sự của Nga trị giá 244,2 triệu USD để bắt đầu đàm phán với một nhà cung cấp Mỹ[xxv].
Tác động của chiến lược Châu Á của Nga
Chính sách Hướng Đông của Nga đã có những tác động đến tình hình chính trị và môi trường an ninh trong khu vực.
Dưới góc độ tích cực, trước hết nó giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước lớn với nhau và nước lớn với các nước bé hơn, từ đó tạo ra một môi trường hòa bình, đối trọng trong khu vực. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những hệ hụy khó lường trong quan hệ khu vực và thế giới, sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn rõ rệt hơn, mối quan hệ Nga – Mỹ – Trung thay đổi sâu sắc hơn, tạo ra những thách thức không thể dự đoán đối với các nước nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam. Sự nồng ấm trong mối quan hệ Nga – Trung có thể xem như bớt đi một mối nguy cơ xung đột trong quan hệ giữa các nước lớn, góp phần tạo môi trường ổn định cho khu vực nói riêng và toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên, cũng chính sự liên kết chặt chẽ giữa hai nước lớn sẽ tạo ra những thách thức đối với những nước lớn khác, từ đó sẽ tạo ra một cục diện căng thẳng và phức tạp hơn trong khu vực với sự tham gia của nhiều nước lớn khác như Mỹ. Đối với Việt Nam nói riêng, sự thân thiết trong quan hệ Nga – Trung, hai nước có ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, cũng có thể tạo ra mối đe dọa nếu Nga bị lợi ích từ mối quan hệ với Trung Quốc chi phối và ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chính sách hướng Đông của Nga cũng đã góp phần vào việc tăng cường tính đa cực trên thế giới. Việc Nga tăng cường quan hệ với các nước có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực CA-TBD cũng đồng thời làm tăng cường ảnh hưởng của mình tại khu vực này. Việc Nga dần có vị thế quan trọng và ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực sẽ phá vỡ thế độc tôn của Trung Quốc, đồng thời cũng là thế lực ngoài khu vực khác Mỹ có ảnh hưởng lớn đến khu vực. Bên cạnh đó, Nga cũng xem ASEAN là một khối quan trọng và góp phần tăng vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc an ninh tại CA-TBD. Điều này đã tăng cường an ninh tại đây và từ đó góp phần tích cực tạo dựng một môi trường cân bằng, ổn định ở Châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Việt Nam cần làm gì?
Với tư cách là một quốc gia Châu Á và là đối tác truyền thống của Nga, những bước đi của Nga trên châu Á sẽ gián tiếp và trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, cũng như chính sự phát triển của Việt Nam. Các tác động có thể mang tính đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, tùy thuộc vào thời điểm và phạm vi nhất định. Do đó, Việt Nam cần nhìn nhận và hiểu được những cơ hội, thách thức và rủi ro từ những nước cờ triển khai của Nga, từ đó hoạch định những đối sách nhằm nắm bắt thời cơ và hạn chế những rủi ro có thể đối mặt nhằm giữ vũng an ninh quốc gia và tạo ra cơ hội để phát triển đất nước.
Đầu tiên, phải kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, lấy bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Từ đó nhìn nhận những hàm ý từ các bước đi của Nga, tăng cường hợp tác nhưng vẫn giữ tinh thần trung lập, nhất quán với chính sách “bốn không”: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, không để Việt Nam trở thành “con tốt trên bàn cờ”, hay là công cụ để các nước lớn thỏa hiệp với nhau, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang nồng ấm hơn bao giờ hết.
Tiếp theo, nâng cao tiềm lực quốc gia trong đó có các lĩnh vực kinh tế, an ninh – quốc phòng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chiến lược của đất nước. Phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, nền kinh tế vững chắc là nền tảng để đất nước nâng cao khả năng thích ứng với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương bởi những biến động đó, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam nâng cao tiềm lực quốc phòng. Bên cạnh đó, sự phát triển vững mạnh về kinh tế cũng giúp Việt Nam tự tin hơn, có tiếng nói hơn trong thương lượng, đàm phán các vấn đề với các đối tác, hạn chế chịu thiệt về mình. Là đối tác truyền thống của Nga, Việt Nam có nguy cơ đối mặt với những sự chỉ trích từ quốc tế do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, chẳng hạn như vừa qua, khi Việt Nam bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu “Lên án Nga xâm lược Ucraina và yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh” do Đại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tổ chức, đã có những ý kiến chỉ trích Việt Nam. Trong những trường hợp như vậy, khi Việt Nam kêu gọi các bên “ưu tiên kiềm chế tối đa, chấm dứt các hoạt động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường”, thì chúng ta tự tin hơn khi nói rằng Việt Nam không chọn bên, Việt Nam chọn công lý dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Luật pháp Quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trung hòa Carbon vào năm 2050 theo Hiệp định Paris 2015, việc phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu này. Nga là một quốc gia với lợi thế về năng lượng hạt nhân và năng lượng Hydro, việc thúc đẩy hợp tác trong ngành năng lượng tái tạo với Nga có thể trở thành một hướng đi triển vọng và hợp lý đối với nước ta bên cạnh năng lượng truyền thống như hiện tại. Trước đây, Nga và Việt Nam đã từng phát triển dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, tuy nhiên năm 2016, Quốc hội đã ra quyết định dừng dự án này, do vậy, trong tương lai, Việt Nam có thể cân nhắc việc tái khởi động lại dự án và tích cực thúc đẩy hợp tác với Nga trong lĩnh vực này.
Phân tích, tổng hợp: Thi Thi
[i] Chris Devonshire-Ellis (2021) Russian 2021 Exports To Asia Are Now Close To The Levels With Europe, Russia Briefing News
[ii] Chinese Customs – Business & Economy – TASS (2022), Trade turnover between Russia and China gained 35.8% in 2021
[iii] Jakub M. Godzimirski (2021), Russian Grand Strategy and Energy Resources: The Asian Dimension
[iv] Minh Hải (2021), “Quan hệ Nga – Trung đang nồng ấm “chưa từng có””, Báo Công an Nhân dân
[v] 于宏建, 隋 鑫 (2022), “中国连续12年稳居俄罗斯第一大贸易伙伴国”, 人民日报
[vi] bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan
[vii] Anh Tú (2022), Nga và các nước Trung Á nhất trí hợp tác cùng có lợi về kinh tế, Báo Dân Trí
[viii] Solène Lartigue (2022), Russia: what strategy in Asia-Pacific? REGARD SUR L’EST, REGARD SUR L’EST.
[ix] Đại sứ quán Liên Bang Nga tại Ấn Độ, Военное сотрудничество Российской Федерации и Республики Индии (Hợp tác quân sự giữa Liên Bang Nga và Cộng Hòa Ấn Độ 2021)
[x] Oleg Barabanov (2022), Перспективы сотрудничества России и Пакистана ( Triển vọng hợp tác giữa Nga và Pakistan), VaidaiClub
[xi] Việt Dũng (2021), ASEAN – Nga nâng cấp hợp tác thương mại và đầu tư 2021-2025, Báo Công Thương
[xii] Russia News Agency (2021), First Russia-ASEAN naval exercise begins in Indonesia
[xiii] Ét ô ét quên nguồn
[xiv] Галина Михайловна КОСТЮНИНА (2019), Внешняя торговля России со странами
АСЕАН: основные тенденции развития (Ngoại thương Nga – ASEAN: xu hướng phát triển chính)
[xv] VOVWORLD (2022), Vietnam is Russia’s largest trade partner in ASEAN
[xvi] Việt Dũng (2021), Quan hệ song phương Việt Nam – Nga ngày càng sâu sắc và thúc đẩy đầu tư, báo Công Thương
[xvii] Petr Konovalov (2021), Russian-Indonesian Relations Grow Stronger Amid Geopolitical Instability
[xviii] Reuters (2017), Indonesia’s Pertamina signs JV deal with Russia’s Rosneft for new Tuban refinery
[xix] Russia Council, АСЕАН Новый виток интеграции и позиции России
[xx] Trần Hiếu (2022), Ngoại trưởng Lavrov thăm châu Á để định hướng lại nguồn lực, Việt Nam là ‘điểm tựa’ quan hệ ổn định, Báo Quốc Tế
[xxi] Bloomberg (2022), China State Banks Restrict Financing for Russian Commodities
[xxii] DW China (2022), 北京转向?亚投行冻结俄罗斯业务 | 经济纵横
[xxiii] Quang Vinh (2022), Doanh nghiệp Trung Quốc – ‘cứu tinh’ cho nền kinh tế Nga?, Báo Quốc Tế
[xxiv] Reuters (2022), Japan freezes assets of Russia’s central bank as part of new sanctions
[xxv] Richard Heydarian (2022), Southeast Asia will not be Russia’s lifeline, Nikkei Asia