Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Yoon Suk-yeol, Hàn Quốc đã bắt tay vào tiến trình cải thiện quan hệ với Nhật Bản, tìm cách vượt qua những căng thẳng trong những năm gần đây và tranh thủ sự ủng hộ của một bên đóng vai trò quan trọng trong khu vực. Trong bối cảnh phát triển các mô hình hội nhập kinh tế và quân sự-chính trị chống Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như một vòng căng thẳng mới trên Bán đảo Triều Tiên, chính quyền hiện tại của Hàn Quốc coi việc xích lại gần một đối tác chia sẻ lợi ích an ninh chung với Seoul là điều đương nhiên. Do đó, việc tăng cường hợp tác quân sự-chính trị với Nhật Bản đã được công bố là một trong những nhiệm vụ của chính sách nhà nước. Ưu tiên phát triển đối thoại an ninh song phương ở cấp chuyên viên và quan chức cấp cao vào tháng 09/2022, lần đầu tiên sau nhiều năm, các thứ trưởng quốc phòng của hai nước đã gặp nhau, vấn đề tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng cũng đang được lên kế hoạch. Việc mở rộng quan hệ cũng đang diễn ra theo thể thức ba bên Mỹ – Hàn Quốc – Nhật Bản: (i) Vào tháng 06/2022, bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore đã diễn ra hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản; (ii) Lãnh đạo ba nước cũng gặp nhau vào tháng 11/2022 tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, ra Tuyên bố Phnôm Pênh; (iii) Vào tháng 02/2023, một cuộc họp ba bên của các thứ trưởng quốc phòng đã được tổ chức tại Washington/Mỹ; (iv) Các hình thức tập trận quân sự khác nhau và hợp tác trên cơ sở Đàm phán ba bên về quốc phòng cũng được lên kế hoạch. Cuối cùng, ngay cả trong cuộc tranh luận trước bầu cử, ứng cử viên Yoon Suk-yeol đã từ chối đưa ra câu trả lời phủ định rõ ràng cho câu hỏi về triển vọng thành lập liên minh quân sự giữa Seoul, Washington và Tokyo, vốn đã trở thành điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông và cộng đồng chuyên gia về khả năng thành lập một khối quân sự song phương hoặc ba bên.
Những trở ngại đối với hội nhập quân sự-chính trị
Triển vọng thành lập một liên minh như vậy thực tế có tính khả thi ra sao? Trong số những lập luận đầu tiên chống lại khả năng thành lập một liên minh quân sự giữa ba bên như vậy có thể được gọi là yếu tố Trung Quốc, bắt đầu từ những năm 2016-2017. Seoul đã phải chịu áp lực kinh tế đáng kể từ Bắc Kinh sau khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ nước này. Trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung các khoáng sản quan trọng và mức độ trao đổi thương mại chung cao, Tổng thống Yoon Suk-yeol đang theo đuổi một chính sách rất thận trọng đối với Bắc Kinh (dẫn chứng tiêu biểu là việc Tổng thống Hàn Quốc từ hối gặp Nancy Pelosi ở Hàn Quốc sau chuyến thăm Đài Loan). Rõ ràng, vào thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đang kiềm chế tiến hành các bước đi quá đột ngột có thể buộc Trung Quốc phải dùng đến các biện pháp cưỡng chế kinh tế một lần nữa.
Nhiều mâu thuẫn trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng khiến giới phân tích có cái nhìn hoài nghi về triển vọng nối lại quan hệ chính trị-quân sự giữa hai nước. Gánh nặng của các vấn đề chưa được giải quyết trong quá khứ lịch sử – thiếu bồi thường cho lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục trong thời kỳ chiến tranh, tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết – không giảm theo thời gian và duy trì bầu không khí ngờ vực giữa Seoul và Tokyo. Yoon Suk-yeol đang cố gắng khắc phục điều này, nhưng những nỗ lực của ông ấy đã không đáp ứng được sự mong đợi của người dân. Nhà lãnh đạo của Hàn Quốc muốn làm dịu đi những “góc nhọn” của mối quan hệ với Nhật Bản, chẳng hạn, bằng cách thông báo kế hoạch bồi thường cho con cháu của các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thông qua sự đóng góp tự nguyện từ các công ty Hàn Quốc, không phải các công ty Nhật Bản, và không có gì đáng ngạc nhiên khi một chính sách như vậy không nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân và xếp hạng của chính tổng thống vẫn ở mức rất thấp.
Ngoài ra, Nhật Bản đang theo đuổi việc tăng cường đáng kể năng lực tác chiến của lực lượng quân sự nước này bằng cách quyết định mua vũ khí tấn công vào mùa Thu năm 2022 để đối phó với “thách thức an ninh chiến lược chưa từng có” của Trung Quốc đối với Nhật Bản trước “mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra” của Triều Tiên và các hành động của Nga gây ra “mối quan ngại lớn ở Tokyo”. Tài liệu chiến lược mới cung cấp khả năng mua lại và chế tạo tên lửa đạn đạo và dẫn đường (bao gồm cả tên lửa siêu thanh), phương tiện không người lái dưới nước, vũ khí năng lượng định hướng, cũng như tăng chi tiêu quân sự vào năm 2027 lên mức 2% GDP hiện tại, gấp đôi mức hiện tại của ngân sách quốc phòng Hàn Quốc. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol khá bình tĩnh trước chính sách này, dường như cũng có nhận thức tương tự về tình hình an ninh trong khu vực, nhưng về lâu dài, sự phát triển quân sự của Nhật Bản có nguy cơ không những không góp phần vào sự hội nhập thành công về chính trị-quân giữa hai nước mà còn trở thành trở ngại chính của nước này, kích thích cạnh tranh quân sự-kỹ thuật giữa Seoul và Tokyo.
Những vấn đề này chắc chắn là quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn vào lúc này là cả Nhật Bản và Hàn Quốc, động lực của việc nối lại quan hệ hiện nay giữa hai nước, không có yêu cầu thể chế hóa hợp tác chính trị-quân sự. Mong muốn hình thành một khối quân sự song phương hoặc ba bên không thể hiện trong các tài liệu chiến lược (ví dụ: trong kế hoạch “120 nhiệm vụ của chính sách nhà nước”, Sách trắng Quốc phòng và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2022) và các bài phát biểu của các quan chức của hàn Quốc. Vì đối với tam giác Mỹ-Hàn-Nhật, thách thức lớn nhất trong khu vực không phải là hoạt động quân sự của CHDCND Triều Tiên, mà là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, điều tối quan trọng không phải là hội nhập quân sự-chính trị, mà là kinh tế. Bảo vệ chuỗi cung ứng, giảm thiểu sự phụ thuộc công nghệ của các đồng minh của Mỹ vào Trung Quốc hiện được đặt lên hàng đầu và vấn đề chính trong chương trình nghị sự, tương tác giữa các nền kinh tế của ba quốc gia trong khuôn khổ IPEF (Cấu trúc kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương), sự hình thành của liên minh công nghệ Chip4 (Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản) và việc xóa bỏ các rào cản trong quan hệ thương mại song phương giữa Seoul và Tokyo đã tích tụ trong vài năm qua.
Ngành công nghiệp quân sự và thị trường vũ khí của Seoul và Tokyo rất khó để bổ sung cho nhau. Ngay cả khi theo giả thuyết có thể vượt qua các rào cản chính trị, thì hầu như không có bất kỳ triển vọng nào về việc buôn bán vũ khí giữa hai đối tác. Hàn Quốc và Nhật Bản đều có tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu tuần dương và cũng đóng tàu chở máy bay (tàu khu trục trực thăng lớp Izumo và Hyuga của Nhật Bản và tàu đổ bộ trực thăng đa năng ROKS Dokdo của Hàn Quốc). Cơ cấu nhập khẩu thiết bị quân sự và vũ khí từ hai quốc gia cũng tương tự nhau – Seoul và Tokyo mua cùng một thứ từ cùng một nhà cung cấp: động cơ cho máy bay trực thăng từ Đức, vũ khí trang bị cho tàu chiến từ Mỹ; Các thỏa thuận lớn đang được cả hai quốc gia thực hiện để mua máy bay chiến đấu F-35A Lightning II và trực thăng CH-47F Chinook từ Mỹ. Do đó, thị trường của hàn Quốc và Nhật Bản có thể được gọi là cạnh tranh và không có triển vọng hợp tác nghiêm túc nào ở đây.
Khả năng hình thành liên minh tình báo?
Có lẽ triển vọng hợp tác quân sự nghiêm túc duy nhất trong tam giác Mỹ-Hàn-Nhật có liên quan đến vấn đề chia sẻ thông tin tình báo. Theo dõi các vụ thử tên lửa và các hoạt động quân sự khác của CHDCND Triều Tiên là một nhiệm vụ quan trọng đối với họ, và không phải ngẫu nhiên mà một trong những kết quả chính của cuộc gặp giữa Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản F. Kishida vào ngày 16–17/03, 2023 là quyết định gia hạn Thỏa thuận trao đổi thông tin quân sự (GSOMIA – General Security of Military Information Agreement) sau khi bị “đóng băng” vào năm 2019. Ban đầu, tại thời điểm ký kết Thỏa thuận năm 2016, khả năng thu thập dữ liệu tình báo của Seoul chỉ giới hạn ở không gian phía Nam khu phi quân sự và đường phân giới phía Bắc trên Hoàng Hải – biên giới thực tế của hai miền Triều Tiên trên đất liền và trên biển.Việc không có các vệ tinh quân sự của riêng mình buộc Hàn Quốc phải sử dụng thông tin nhận được từ các vệ tinh của các quốc gia khác và GSOMIA đã khắc phục các vấn đề tương tác với Nhật Bản, bao gồm cả vấn đề truy cập dữ liệu từ các vệ tinh của Nhật Bản.
Song song đó, Hàn Quốc đang thực hiện “Dự án 425”, dự án này sẽ cho phép Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Hàn Quốc chế tạo 4 vệ tinh Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) và một vệ tinh Quang điện tử/Hồng ngoại (EO/IR ) và phóng chúng theo từng giai đoạn vào khoảng năm 2020 – 2024. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án trên đã bị trì hoãn vì nhiều lý do. Trong số đó có những bất đồng giữa Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo Quốc gia về quyền vận hành các vệ tinh. Ngoài ra, còn có những trở ngại bên ngoài – cho đến khi sửa đổi “bản ghi nhớ tên lửa” của Mỹ và Hàn Quốc vào năm 2020, Seoul đã hạn chế chế tạo các phương tiện phóng nhiên liệu rắn có khả năng phóng vệ tinh trinh sát lên quỹ đạo. Ví dụ, trong những điều kiện này, vào năm 2020, Hàn Quốc đã khởi xướng dự án ANASIS-II, liên quan đến việc phóng vệ tinh dân sự sử dụng tên lửa SpaceX Falcon 9.
Ngày nay, Hàn Quốc đang tích cực làm việc để lấp đầy những khoảng trống này. Các kế hoạch mở rộng cho Dự án 425 hiện bao gồm 10 vệ tinh SAR và 02 vệ tinh cảm biến EO/IR, với lần phóng đầu tiên dự kiến vào tháng 11/2023. Các vệ tinh của Hàn Quốc sẽ là “con mắt” của chương trình Kill Chain, một trong ba thành phần của một Dự án thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không quốc gia Hàn Quốc (Phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (Korea Air and Missile Defense – KAMD). Chính quyền của Yoon Suk-yeol cũng đã công bố Chương trình “Đổi mới quân sự 4.0”, liên quan đến việc sử dụng tích cực các công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự. Với sự trợ giúp của các giải pháp AI, người ta cho rằng, Hàn Quốc sẽ hiện đại hóa chương trình tấn công phòng ngừa Kill Chain với tên mới Kill Web, cho phép phân công và phân phối lại mục tiêu linh hoạt hơn, theo dõi và ngăn chặn hiệu quả hơn các cuộc tấn công tên lửa tiềm ẩn của kẻ thù. Do đó, tiến bộ trong việc phát triển các hệ thống này trong những năm tới có thể khiến Hàn Quốc ít phụ thuộc hơn vào GSOMIA so với thời điểm thỏa thuận bảy năm trước.
Tuy nhiên, vấn đề về phạm vi địa lý vẫn còn tồn tại: nếu chúng ta xem xét một kịch bản thử tên lửa điển hình của Triều Tiên, thì Hàn Quốc có thể theo dõi hiệu quả các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, trong khi Nhật Bản thu thập thêm thông tin về các địa điểm phóng tên lửa của họ ở Biển Nhật Bản. Cả hai quốc gia đều dựa vào thông tin và hỗ trợ vật chất từ Mỹ, quốc gia có thể đóng vai trò là điều phối viên trao đổi dữ liệu. Đây là kịch bản có khả năng nhất để hình thành cấu trúc an ninh ba bên – một thỏa thuận giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ về trao đổi dữ liệu tình báo điện tử, sẽ thay thế GSOMIA và các hiệp định song phương tương tự giữa Washington và mỗi bên trong hai đồng minh. Một thỏa thuận như vậy sẽ không chỉ đáp ứng lợi ích của Mỹ và tiếp tục thực tiễn của những năm gần đây – sự hình thành dưới sự bảo trợ của Washington không phải là các liên minh (như NATO hoặc các liên minh song phương của hệ thống “trục và nan hoa”), mà là, các liên minh gần như không có cấu trúc kiểm soát cứng nhắc và theo quy luật, có trọng tâm chức năng hẹp (AUKUS, QUAD ). Do đó, khả năng hội nhập quân sự-chính trị trong tam giác Mỹ-Hàn-Nhật có thể ở dạng gần như liên minh tình báo như liên minh Five Eyes, chủ yếu nhằm mục đích thu thập dữ liệu về hoạt động quân sự của CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, khả năng như vậy vào lúc này vẫn hoàn toàn là giả thuyết vì tất cả các lý do trên. Có lẽ trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu sự ủng hộ trong nước đối với quá trình nối lại quan hệ chung của Yoon Suk-yeol với Nhật Bản, chẳng hạn như lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập và là đối thủ cạnh tranh của Yoon Suk-yeol trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, Lee Jaemyung. Vụ bê bối với các cơ quan tình báo Mỹ do thám Chính phủ Hàn Quốc và phản ứng rất nhẹ nhàng của Seoul đối với nó cũng không tạo ra nền tảng thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác trao đổi thông tin tình báo. Triển vọng hội nhập chính trị-quân sự của Seoul và Tokyo hoàn toàn phụ thuộc vào tương lai chính trị của Yoon So-gyeol, và hiện nay vị trí của ông khó có thể được gọi là vững chắc.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Valentin Voloshchak là Giảng viên cao cấp, Khoa Quan hệ Quốc tế, Viện Phương Đông – Trường Nghiên cứu Quan hệ quốc tế và khu vực, Đại học Liên bang Viễn Đông.