Các diễn đàn quốc tế, từng được thành lập để thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia trên thế giới, hiện nay đang ngày càng được sử dụng làm nền tảng để đưa ra các tuyên bố đối đầu và chỉ trích lẫn nhau. Tiêu biểu như gần đây, tại các Hội nghị Thượng đỉnh G20, G7, Trung Quốc và Nga đã trở thành tâm điểm của các chỉ trích cũng như chính sách cô lập từ các quốc gia phương Tây liên quan đến tình hình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các hành động của họ đối với vấn đề Ukraine. Tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), việc Ấn Độ cáo buộc Pakistan là quốc gia tài trợ khủng bố cũng là một minh chứng tiêu biểu cho xu hướng này. Điều này cho thấy, thay vì hướng tới việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề cấp bách toàn cầu, các cuộc họp kể trên đã biến thành diễn đàn để bày tỏ sự bất bình và chỉ trích các quốc gia khác. Sự thay đổi trọng tâm ấy đã làm giảm hiệu quả của các diễn đàn này trong việc giải quyết chính những vấn đề và thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 gần đây ở Hiroshima, Nhật Bản cùng các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với Nga, Trung Quốc. Những quốc gia này cáo buộc Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng chế kinh tế và quân sự hóa Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh thúc đẩy Nga rút quân khỏi Ukraine. Hơn nữa, cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này, lãnh đạo của các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất thế giới đã cam kết áp đặt các biện pháp bổ sung nhằm vào Nga, đồng thời thống nhất quan điểm về mối quan ngại ngày càng tăng của họ đối với Trung Quốc. Tương tự, vào tháng 02/2023, tại Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Tài chính G20 tổ chức ở Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, Nga và Trung Quốc đã từ chối ký tuyên bố chung lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine, và đương nhiên, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Nga có quyền bảo vệ lãnh thổ, chiến đấu chống lại các mối đe dọa gây nguy hiểm cho “sự sống” của Nhà nước Nga.
Đây chỉ là một vài trường hợp minh họa cách thế giới phương Tây phản ứng với các hành động cũng như chính sách của Trung Quốc và Nga trên trường quốc tế. Do đó, sự lên án, đổ lỗi gần đây tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima chứng tỏ rằng, các diễn đàn quốc tế không còn có thể giải quyết các vấn đề toàn cầu nghiêm trọng; thay vào đó, chúng đã trở thành đấu trường để đổ lỗi và buộc tội lẫn nhau. Sự thay đổi về bản chất của các diễn đàn quốc tế này có ý nghĩa quan trọng đối với quản trị cũng như hợp tác toàn cầu. Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải từ bỏ hệ thống toàn cầu hiện tại do khối phương Tây thống trị.
Bên cạnh đó, việc buộc tội các quốc gia như Trung Quốc và Nga tại các diễn đàn quốc tế không phải là giải pháp cho các vấn đề toàn cầu; thay vào đó, điều này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực, thúc đẩy tâm lý chống lại các quốc gia có ảnh hưởng. Hơn nữa, thay vì thúc đẩy hợp tác, đối thoại, những cáo buộc như vậy có thể thúc đẩy xu hướng hình thành một môi trường không tin tưởng và thù địch, khiến việc tìm kiếm tiếng nói chung, hướng tới giải quyết các vấn đề toàn cầu trở nên khó khăn hơn.
Đặc điểm chủ đạo trong tình hình địa chính trị hiện nay là tình trạng căng thẳng leo thang giữa một bên là Mỹ cùng các đồng minh với một bên Trung Quốc và Nga. Điều này xảy ra có thể là do sự vắng mặt của trật tự thế giới đơn cực minh bạch, toàn diện, giải quyết hiệu quả các lợi ích cũng như mối quan tâm của tất cả các quốc gia. Hiện nay, Mỹ và các đồng minh của họ không có khuynh hướng công nhận sự xuất hiện của một trật tự thế giới do Trung-Nga dẫn đầu, bằng chứng chính là diễn biến của một số Hội nghị Thượng đỉnh gần đây. Phương Tây thường xuyên trừng phạt Trung Quốc và Nga với các lý do như “chế độ độc tài chuyên quyền, vi phạm nhân quyền cũng như tham vọng bành trướng”. Tuy nhiên, những tuyên bố như vậy thực chất dựa trên sự hiểu biết lệch lạc, lỗi thời về hệ thống toàn cầu vốn phớt lờ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của hai nước Trung – Nga. Thay vì đưa ra các cáo buộc, thế giới phương Tây nên biết ơn hệ thống quốc tế do Trung-Nga lãnh đạo, hệ thống mang lại một giải pháp thay thế dân chủ, đa cực và hòa bình hơn cho tình trạng bá quyền khu vực do Mỹ thống trị.
Thứ nhất, trật tự quốc tế do Trung-Nga lãnh đạo dân chủ hơn trật tự phương Tây vì nó thừa nhận sự đa dạng của các hệ thống chính trị và văn hóa trên toàn cầu. Trung Quốc cùng với Nga không áp đặt lý tưởng hay ý thức hệ của họ lên các quốc gia khác mà thay vào đó, khuyến khích các quốc gia thực thi chủ quyền, quyền tự quyết của mình. Họ cũng bác bỏ mọi ảnh hưởng hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, đặc biệt là của Mỹ cùng các đồng minh của Washington. Ngược lại, thế giới phương Tây thường xuyên sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để ép buộc hoặc loại bỏ các chính phủ không chia sẻ lợi ích hoặc ý thích của mình. Iraq, Libya, Syria, Venezuela và Iran là một vài ví dụ. Những hoạt động như vậy đã vi phạm luật pháp quốc tế, tạo ra tình trạng mất an ninh và đau khổ ở một số nơi.
Thứ hai, trật tự quốc tế do Trung-Nga dẫn đầu đa cực hơn trật tự phương Tây vì nó cân bằng sức mạnh và ảnh hưởng của nhiều bên tham gia toàn cầu. Với việc mở rộng năng lực kinh tế, quân sự và ngoại giao, Trung Quốc cùng Nga đã nổi lên như những cường quốc quan trọng trong thế kỷ 21. Họ cũng đã thành lập các liên minh chiến lược với các quốc gia đang phát triển khác, bao gồm: Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Họ đã hợp lực để phản đối hệ thống đơn cực do Mỹ lãnh đạo và kêu gọi quản trị toàn cầu bình đẳng, toàn diện hơn. Mặt khác, thế giới phương Tây đã cố gắng duy trì sự thống trị và bá quyền của mình đối với các quốc gia khác, đặc biệt là ở các khu vực như Châu Âu, Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông, Châu Phi. Nhiều quốc gia tìm kiếm quyền tự trị lớn hơn đã bày tỏ sự không hài lòng và thù địch với một hệ thống như vậy.
Thứ ba, trật tự thế giới Trung-Nga hòa bình hơn trật tự thế giới của phương Tây vì trật tự này coi trọng thảo luận và hợp tác hơn đối đầu và chiến tranh. Trung Quốc cùng Nga đã giải quyết những khác biệt lịch sử của họ và hình thành một liên minh chiến lược toàn diện dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Họ cũng đã hợp tác trong một số vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm chống khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và ứng phó với đại dịch. Họ cũng đã ủng hộ các thể chế, thủ tục quốc tế như: Liên hợp quốc, SCO, BRICS (Brazil-Nga-Ấn Độ-Trung Quốc-Nam Phi), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), và một số tổ chức, liên minh khác. Ngược lại, thế giới phương Tây thường xuyên kích động hoặc làm gia tăng căng thẳng, bất đồng với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Một vài ví dụ là việc mở rộng NATO, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại.
Cuối cùng, các diễn đàn quốc tế có khả năng thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia; tuy nhiên, hiệu quả của chúng đang bị giảm sút khi những cơ chế này đang trở thành nền tảng cho xu hướng đối đầu và buộc tội nước khác. Ngược lại, trật tự thế giới do Trung-Nga dẫn đầu là một lựa chọn tốt hơn cho toàn cầu so với phương Tây. Trật tự này dân chủ hơn vì nó coi trọng sự đa dạng; đa cực vì nó cân bằng quyền lực; và hòa bình hơn vì nó thúc đẩy đối thoại. Do đó, thay vì chỉ trích, thế giới phương Tây nên ủng hộ trật tự quốc tế do sự hợp tác Trung-Nga dẫn dắt.
Tóm lại, trong khi các diễn đàn quốc tế có tiềm năng thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, thì chúng đang ngày càng bị lợi dụng để đối đầu. Trong bối cảnh này, trật tự thế giới do Trung-Nga dẫn đầu đưa ra một giải pháp thay thế dân chủ, hòa bình hơn cho quyền bá chủ do Mỹ thống trị và có thể là một lựa chọn tốt hơn để thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Asad Ullah học chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Sơn Đông, Thanh Đảo, Trung Quốc.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]