Ở góc độ vĩ mô, quyền chủ động kết thúc chiến tranh thông qua đàm phán thực chất nằm trong tay Mỹ, và kéo dài chiến tranh cũng là lựa chọn tối ưu của Mỹ. Ở góc độ vi mô, Nga và Ukraine đưa ra cái giá quá cao dẫn đến mất đi các tiền đề để đàm phán. Việc đàm phán khó đạt được thành công nếu không có sự thỏa hiệp, nhượng bộ. Trừ phi phía Nga-Ukraine một trong hai bên thấy khó có thể trụ vững, nếu không sẽ khó có thể kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn. Nhưng đến lúc đó bên nào không trụ được thì nhất định phải trả thêm cái giá đắt hơn.
Hơn một năm bốn tháng kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, mặc dù ở giai đoạn đầu đã diễn ra nhiều vòng đàm phán tưởng chừng đạt được một số tiến triển nhưng thực tế lại thất bại. Kể từ đó, cường độ giao tranh trên chiến trường không ngừng gia tăng. Lời kêu gọi thúc đẩy hòa bình của cộng đồng quốc tế không ngừng vang lên, nhưng hai bên vẫn chưa thể tiến hành gặp mặt và đàm phán hiệu quả. Người ta không thể không đặt câu hỏi: Cả hai bên đều biết rằng tiếp tục chiến đấu trên chiến trường sẽ mang lại thương vong lớn hơn cho nhau và gây ra những thiệt hại kinh tế khôn lường, nhưng tại sao họ không thể ngồi xuống và đàm phán về cách kết thúc chiến tranh như thế nào? Đâu là mấu chốt của nó? Tác giả thử tiến hành một phân tích nhỏ từ hai góc độ vĩ mô và vi mô, có thể giúp độc giả hiểu được tương lai của Chiến tranh Nga-Ukraine.
Kết thúc chiến tranh: Quyền chủ động nằm trong tay Mỹ
Mặc dù có những tranh luận về nguyên nhân bùng nổ chiến tranh Nga-Ukraine nhưng có một thực tế không thể chối cãi là cuộc chiến đã phát triển thành xung đột giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Mặc dù các nước đó không trực tiếp tham chiến nhưng Ukraine đứng đầu chiến tuyến. Trên thực tế, kể từ cuộc khủng hoảng Crimea bắt đầu năm 2014, mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ cùng phương Tây trở nên cực kỳ gay gắt và không thể hàn gắn. Việc kiềm chế Nga theo hướng châu Âu đã trở thành nhiệm vụ chiến lược chủ yếu của Mỹ và phương Tây. Nga nhân cơ hội Mỹ và phương Tây xúi giục Ukraine gia nhập NATO, quyết dốc toàn lực, lấy công làm thủ, tấn công các thành phố, các vùng đất để tạo vùng đệm, nhưng cũng trực tiếp dẫn đến xung đột quân sự với Mỹ và phương Tây.
Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã dẫn đầu các đồng minh phương Tây tiến hành “biện pháp trừng phạt mang tính hủy diệt” đối với Nga, đồng thời tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Nhưng do xuất khẩu năng lượng của Nga bị phong tỏa và việc cắt giảm sản lượng của “OPEC +” đã thúc đẩy làn sóng giá dầu tăng cao. Nga ngược lại thuận thế đã kiếm được rất nhiều tiền, tổng thể thiệt hại đối với nền kinh tế rất hạn chế. Trong lĩnh vực quân sự, mặc dù Ukraine đã nhận được một số lượng lớn vũ khí cũng như viện trợ tình báo từ Hoa Kỳ và phương Tây, nhưng hiệu quả chiến thuật của chiến dịch chỉ có thể được coi là đạt mức tối thiểu. Cuối cùng, thế bế tắc trên chiến trường đã hình thành. Điều này dẫn đến mục tiêu của Mỹ và phương Tây kéo Nga xuống bằng chiến tranh và các biện pháp trừng phạt còn xa vời mới đạt được.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã trở thành “anh hùng” được yêu thích nhất ở Mỹ và phương Tây, với đủ mọi lời tán dương ca ngợi khiến ông “bay cao khó trở lại mặt đất”. Do đó, “chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng” không chỉ trở thành triết lý cơ bản của Zelensky, mà còn là “sự đúng đắn về chính trị” để Mỹ và phương Tây chống lại Nga đến cùng. Trên thực tế, ngay từ ngày 4 tháng 4 năm 2022, khi bắt đầu chiến tranh, Tạp chí American Conservative, một cơ quan truyền thông bảo thủ nổi tiếng của Mỹ, đã đăng một bài viết thẳng thừng nói rằng trong mắt Mỹ, châu Âu và Ukraine chỉ là “bia đỡ đạn” chống lại Nga, họ không ủng hộ hòa bình cái mà người Ukraine cần nhất. Ngược lại, Mỹ và phương Tây chỉ muốn Ukraine tiếp tục chiến đấu và chỉ cần chính quyền Zelensky tiếp tục chiến đấu với Moscow đến người Ukraine cuối cùng, đây luôn là thái độ của phương Tây đối với Ukraine.
Rõ ràng, mục đích của Hoa Kỳ muốn sử dụng một trong những cách tiết kiệm chi phí nhất để làm suy yếu Nga. Vì vậy, kéo dài chiến tranh là lựa chọn tốt nhất. Điều này đã dẫn đến thái độ của Tổng thống Mỹ Biden, trong các bài phát biểu ban đầu rằng Mỹ “khuyến khích” Ukraine và Nga giải quyết xung đột thông qua đàm phán hòa bình, nhưng sẽ không “ép buộc” Ukraine chấp nhận các điều kiện đàm phán và yêu cầu không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào về vấn đề lãnh thổ. Khi tròn một năm chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, ông nói: “Hôm qua, tôi có vinh dự được đứng cùng Tổng thống Zelensky và tuyên bố tại Kiev rằng chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ những nguyên tắc này (tức chủ quyền và dân chủ) cho dù bất kể điều gì xảy ra”. Cho đến ngày 26 tháng 6 năm 2023 sau “sự cố Wagner”, trong cuộc điện đàm với Zelensky, ông nhắc lại rằng “Hoa Kỳ sẽ kiên định hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc duy trì hỗ trợ an ninh, kinh tế và hỗ trợ nhân đạo”. Tuy nhiên, Zelensky đã mô tả cuộc trò chuyện của ông với Biden trong một dòng tweet sau cuộc gọi là “tích cực và đầy cảm hứng”, khi cả hai thảo luận về “tiến trình chiến sự và những gì đang xảy ra ở Nga”. Ông nói “cộng đồng quốc tế phải gây áp lực lên Nga cho đến khi trật tự quốc tế được khôi phục”.
Tất cả điều này tạo thành một logic khép kín: Đối với Mỹ mà nói, họ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Ukraine tiếp tục chiến đấu, ngay cả khi không thể làm sụp đổ nhưng có thể tiếp tục kiềm chế Nga, lợi ích phức hợp công nghiệp-quân sự cũng được tối đa hóa. Vì thế, vấn đề đàm phán có thể gác lại trước; Về phần Ukraine, khó có thể chiến đấu nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây. Có sự hỗ trợ của họ sẽ tiếp tục chiến đấu và kiên định mục tiêu giành lại lãnh thổ của mình, cái giá để trả cho đàm phán hòa bình là rất cao. Còn đối với Nga, sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng không muốn từ bỏ những lãnh thổ đã giành được, không thể chủ động đình chiến, bởi điều đó sẽ khiến Nga gánh chịu những hậu quả chính trị và kinh tế không thể chấp nhận được.
Cũng trong thời gian này, hãng thông tấn TASS ngày 30/6/2023 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Lavrov trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia Bồ Đào Nha RTP cho biết Tổng thống Mỹ Biden không mấy quan tâm đến việc giải quyết hòa bình xung đột giữa Nga và Ukraine. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov cho rằng các cuộc đàm phán về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nên được tiến hành trước với Washington. Do đó, theo nghĩa này, liệu chiến tranh Nga-Ucraina có thể đạt được ngừng bắn và kết thúc hoàn toàn chiến tranh thông qua đàm phán hòa bình hay không, quyền chủ động rõ ràng nằm trong tay Mỹ.
Nga và Ukraine mất tiền đề đàm phán
Trên thực tế, khi chiến tranh đi vào bế tắc, đó là thời điểm tốt nhất để đàm phán hòa bình, bởi vì về cơ bản, hai bên tham chiến đều bình đẳng. Tuy nhiên, mấu chốt của cuộc chiến Nga-Ukraine nằm ở chỗ Nga hiện tại mới là bên hưởng lợi tổng thể. Tức là Nga đã mở rộng được một số lượng lớn lãnh thổ mà Ukraine muốn giành lại, điều này dẫn đến nội dung các cuộc đàm phán tập trung vào các vấn đề lãnh thổ mà Ukraine quan tâm còn với Nga ngoài quan tâm vấn đề lãnh thổ ra còn bao gồm cả vấn đề “phi phát xít hóa” và “phi quân sự hóa”. Có thể thấy, xung quanh vấn đề đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh, Nga và Ukraine đang tồn tại một tiền đề mất cân bằng.
Nếu nhìn lại một tháng sau khi chiến tranh xảy ra, dưới sự điều phối của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, nhiều vòng đàm phán Nga-Ukraine đã được tiến hành. Do tình hình chiến trường lúc đó rất có lợi cho Nga, nên ở vòng đàm phán thứ năm vào ngày 29 tháng 3 năm 2023, Ukraine đã tích cực hơn và cuộc đối thoại giữa hai nước được coi là đã đạt được “tiến triển quan trọng nhất”. Trải qua 3 giờ đối thoại, trưởng đoàn đàm phán Nga Mekinsky cho biết, Nga đã xác nhận Ukraine mong muốn đạt được quy chế trung lập, không liên kết và phi hạt nhân, về sau nước này sẽ không sản xuất và triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt trên lãnh thổ của mình, và từ bỏ tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào. Alahamia, một thành viên của phái đoàn Ukraine cho biết Kiev hy vọng sẽ thiết lập một cơ chế quốc tế để đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tại thời điểm này, người ta dường như nhìn thấy một tia sáng của việc chấm dứt chiến tranh.
Tuy nhiên, mọi người vẫn còn lạc quan quá sớm. Trước những thay đổi của cục diện chiến sự, đặc biệt là sự suy giảm sức tấn công của quân đội Nga và khả năng tấn công của quân đội Ukraine được tăng cường với sự hỗ trợ về vũ khí và tình báo của Mỹ, phương Tây, các cuộc đàm phán tạm thời bị đình trệ. Đặc biệt, phía Ukraine hy vọng sẽ giành được nhiều lợi thế thương lượng hơn cho các cuộc đàm phán thông qua những chiến thắng liên tiếp trên chiến trường. Do đó, khi cuộc chiến đi vào bế tắc, thái độ của Ukraine bắt đầu thay đổi. Vào ngày 8 tháng 11 năm 2022 theo giờ địa phương, Oleksiy Danilov – Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine tuyên bố rằng điều kiện tiên quyết chính để Ukraine và Nga đàm phán nhằm chấm dứt xung đột là Nga phải trả lại tất cả lãnh thổ Ukraine dưới dự kiểm soát của mình. Danilov cùng ngày đã viết trên Twitter rằng điều kiện chính của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đối với các cuộc đàm phán Nga-Ukraine là “khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Ngày 28/6/2023 theo giờ địa phương, Reuters đưa tin, Tổng thống Ukraine Zelensky cùng ngày cho biết ông sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất hòa bình nào biến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chống lại Ukraine thành một cuộc xung đột kéo dài. Ông nói: “Ukraine sẽ không đồng ý với bất kỳ hình thức nào nhằm kéo dài cuộc xung đột”. Bài báo chỉ ra rằng phát ngôn của Zelensky cho thấy ông vẫn phản đối bất kỳ kế hoạch hòa bình nào nhằm duy trì lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát kể từ khi nổ ra xung đột vào tháng 2 năm 2022. Quan trọng hơn, Ukraine đã thay đổi ý định ban đầu là từ bỏ tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, tái tăng cường gắn kết với NATO và thảo luận về việc gia nhập NATO, đồng thời nộp đơn lên NATO để nhanh chóng gia nhập tổ chức này vào tháng 9/2022. Mặc dù Tổng thư ký NATO Stoltenberg ngày 24/5/2023 đã nói rõ: Chừng nào xung đột giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt, Ukraine không thể gia nhập NATO. Bởi “việc gia nhập NATO trong thời chiến không nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi, vấn đề là điều gì sẽ xảy ra sau khi kết thúc chiến tranh?”. Vào ngày 30 tháng 6 năm 2023, Kivkova, phó chủ nhiệm văn phòng Tổng thống Ukraine nói rằng: Đơn xin gia nhập NATO của chúng tôi đang ở trên bàn làm việc của các bạn. Tương tự, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn và NATO nhanh chóng bắt đầu quá trình làm thủ tục và tiếp nhận. Thật không công bằng khi chúng tôi đã nộp đơn mà không được chấp nhận trong một thời gian dài. Nếu Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 07 không chấp nhận đơn đăng ký của chúng tôi, Tổng thống Zelensky sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO.
Đồng thời, thái độ và lập trường của Nga cũng rất rõ ràng, đòi hỏi “chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine không nằm dưới sự kiểm soát quân sự của phương Tây và NATO”, tức là một Ukraine trung lập “phi quân sự hóa”, đồng thời sẽ không trả lại các vùng lãnh thổ mới được sáp nhập vào Nga thông qua “chiến dịch quân sự đặc biệt”, càng không nói đến Crimea.
Trên thực tế, ngay từ sớm ngày 7/7/2022 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói: Nga không từ chối đàm phán hòa bình, nhưng càng trì hoãn lâu thì đàm phán càng khó khăn. Đến cuối tháng 12/2022, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Matvienko cho biết các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới vẫn chưa chín muồi và sẽ không có cuộc đàm phán nào được tổ chức. Theo thời gian, Nga đã thể hiện tích cực hơn trong vấn đề đàm phán hòa bình. Vào đầu tháng 2 năm 2023, trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Vershinin khẳng định Nga đã chuẩn bị sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Ukraine, tuy nhiên phản ứng của Ukraine không tích cực.
Giờ đây, các cuộc đàm phán diễn ra chậm chạp khó có thể tiến hành như vậy nguyên nhân không chỉ là bỏ lỡ thời điểm tốt nhất cho việc đàm phán, mà có vẻ như Hoa Kỳ cũng không muốn khởi động hòa đàm. Điểm mấu chốt căn bản là cả Nga và Ukraine đều đưa ra cái giá quá cao, rất khó để hình thành tiền đề đàm phán.
Thỏa hiệp, nhượng bộ: điều kiện tiên quyết cho đàm phán thành công
Nói chung, khi khó đạt được thắng lợi quyết định trên chiến trường, đàm phán ngoại giao trở thành lựa chọn tất yếu để chấm dứt chiến tranh. Các cuộc đàm phán từ trước đến nay luôn được coi là nghệ thuật thỏa hiệp và nhượng bộ, tức là tìm kiếm điểm chung lớn nhất với nhau thông qua quá trình thương lượng liên tục, chủ động thỏa hiệp để thúc đẩy đàm phán thành công, từ đó hình thành hiệp ước hòa bình.
Chiến tranh Nga-Ukraine tiếp diễn đến ngày nay cũng đang phải đối mặt với cùng vấn đề như vậy, đó là sự bế tắc trong chiến tranh. Việc sử dụng các phương thức chiến tranh thông thường chí ít trong thời gian ngắn rất khó để hình thành tính quyết định của bên chiến thắng. Vì vậy lựa chọn tốt nhất nên là giải quyết vấn đề thông qua đàm phán để kết thúc chiến tranh, khôi phục lại hòa bình. Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, mấu chốt của vấn đề nằm ở việc thiết lập điều kiện tiên quyết cho cuộc đàm phán.
Nga với tư cách là bên có quyền lợi nhất định, mặc dù đề xuất “đàm phán vô điều kiện”, nhưng có thể thấy rằng theo truyền thống chiến lược và văn hóa của Nga, nước này sẽ không từ bỏ các vùng lãnh thổ đã mở rộng, đồng thời kiên quyết hoàn thành mục tiêu “phi phát xít hóa”, “phi quân sự hóa” ở Ukraine. Còn mục tiêu của Ukraine là “lấy lại tất cả lãnh thổ và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ”. Cho nên, như đã đề cập trước đó, Zelensky thậm chí còn tuyên bố rằng “Ukraine sẽ không đồng ý với bất kỳ hình thức đóng băng xung đột nào”. Cái gọi là “đóng băng xung đột” ở đây không phải đề cập đến việc khôi phục lãnh thổ hay giải pháp chính trị và kinh tế, mà chỉ là một lệnh ngừng bắn đơn giản để kết thúc chiến tranh. Điều này rõ ràng là còn xa mục tiêu thu hồi tất cả các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát, bao gồm cả Crimea, nên ông bày tỏ sẽ không bao giờ chấp nhận. Có thể thấy rằng Nga và Ukraine hai bên đều giữ vững lập trường của mình trong việc xây dựng tiền đề đàm phán và không chịu thỏa hiệp, việc khởi động đàm phán là điều đương nhiên không thể xảy ra.
Chúng ta hãy cùng xem kế hoạch hòa bình gồm mười điểm do Zelensky đề xuất vào tháng 6 năm 2022, bao gồm: 1- Đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân; 2- Đảm bảo an ninh lương thực; 3- Đảm bảo an ninh năng lượng; 4- Thả tất cả những người bị bắt và đưa người bị trục xuất về nước; 5- Thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như trật tự thế giới; 6- Nga rút quân và chấm dứt chiến sự; 7- Tái lập công lý; 8- Phản đối chế độ diệt chủng; 9- Ngăn chặn tình hình leo thang; 10- Tuyên bố kết thúc chiến tranh. Khách quan mà nói, những đề xuất này thoạt nhìn có vẻ không có vấn đề gì lớn, nhưng một trong những vướng mắc cốt lõi nhất là Điều 5 và Điều 7. Một điều liên quan đến lãnh thổ, một điều liên quan đến chính trị. Điều này về cơ bản phù hợp với những lý luận trước đây. Sau khi kế hoạch này được đưa ra, John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nói rằng chính phủ Hoa Kỳ tin rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào về tình hình ở Ukraine nên bắt đầu bằng cách thảo luận về kế hoạch 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo đó có thể kết luận rằng xác suất lớn của chương trình mười điểm (kế hoạch) này được xây dựng với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Rõ ràng, trong trường hợp không có ưu thế quân sự tuyệt đối trên chiến trường, việc giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bao gồm cả Crimea rõ ràng là không thực tế. Còn cái gọi là “tái lập công lý” có nghĩa là buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Hai điều kiện này cũng thuộc diện “giá chào” quá cao, khó có thể làm điều kiện tiên quyết để đàm phán. Chính vì vậy, để đáp lại kế hoạch hòa bình mười điểm của Zelensky, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã nói trong một cuộc họp báo: “Tôi nhắc nhở rằng mọi vấn đề đều nằm ở phía Ukraine, họ từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào và đưa ra các điều kiện không phù hợp và không thực tế”. Điều này cho thấy hai bên vẫn chưa tìm được điểm cân bằng để khởi động lại các cuộc đàm phán.
Về nguyên tắc cơ bản của đàm phán là theo đuổi đôi bên cùng có lợi chứ không phải kết quả bằng 0. Để bắt đầu một cuộc đàm phán, điều đầu tiên cần làm là tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia; trong quá trình đàm phán, cố gắng thu hẹp khoảng cách về thái độ của các bên với nhau; Thông qua nhượng bộ có chừng mực và thỏa hiệp để thúc đẩy đàm phán thành công. Trong lịch sử, tất cả các cuộc đàm phán vị thế bình đẳng trước nay đều vậy.
Do đó, xét từ tình hình hiện tại của Nga và Ukraine, hai bên cần phải có những thỏa hiệp và nhượng bộ nhất định từ góc độ thực tế, thì mới có thể khởi động đàm phán và đạt được thành công. Trên thực tế, trọng tâm của hai bên chủ yếu xoay quanh hai vấn đề cốt lõi, một là lãnh thổ, hai là “gia nhập NATO”. Điều Ukraine cần là Nga trả lại toàn bộ lãnh thổ, trong khi điều Nga cần là Ukraine không được gia nhập NATO, những điều khác không phải là vấn đề cốt lõi. Về mặt lý thuyết đôi bên vẫn có không gian cho sự thỏa hiệp .
Điều đó có nghĩa là, đối với Nga, nước này nên đồng ý rút quân khỏi lãnh thổ kiểm soát bởi “chiến dịch quân sự đặc biệt” này, ngoại trừ Crimea, và trao quyền tự trị hoặc độc lập ở mức độ cao cho Luhansk và Donetsk – nơi không thuộc về Nga cũng như Ukraine; Từ bỏ kêu gọi phi thực tế “phi quân sự hóa” Ukraine, chỉ là yêu cầu nước này không gia nhập NATO; Từ đó đạt được mục tiêu Ukraine trở thành vùng đệm chiến lược với NATO. Những vấn đề khác chúng ta sẽ đề cập đến sau.
Về phần mình Ukraine nên từ bỏ ý tưởng giành lại “tất cả các vùng lãnh thổ”, tạm thời gác lại vấn đề Crimea, đồng ý để Luhansk và Donetsk đạt được quyền tự trị hoặc độc lập ở mức độ cao. Tất cả quân nhân và thiết bị quân sự của Nga rút khỏi các khu vực trên. Cam kết không xin gia nhập NATO. Đừng đòi “tái lập công lý” và bồi thường kinh tế từ Nga, v.v.
Có lẽ chỉ bằng cách này mới là phương án thỏa hiệp tốt nhất để tránh xuất hiện tình huống một bên “thất bại hoàn toàn” khi tiến hành khởi động đàm phán và hình thành một kết quả “đôi bên cùng có lợi”. Vì trong tình thế ngang hàng ngang sức, không thể kỳ vọng việc đạt được một hiệp ước hòa bình bằng cách thỏa mãn mọi yêu cầu hoặc thậm chí trừng phạt một bên. Xét cho cùng, trong hầu hết các trường hợp, hiệp ước (hiệp ước hòa bình) xác lập các tổn thất hoặc lợi ích cuối cùng trong một cuộc xung đột vũ trang. Đó là cái giá phải trả cho chiến tranh và hòa bình. Mặc dù có vẻ thiếu hợp lý nhưng lịch sử các cuộc chiến tranh của loài người đã nhiều lần chứng minh sự tồn tại của nó.
Nói tóm lại, chừng nào Nga và Ukraine còn giữ vững lập trường yêu cầu của mình, từ chối thỏa hiệp nhượng bộ thì hòa đàm sẽ tiếp tục mất tiền đề để bắt đầu do phải trả giá đắt cho nhau. Chiến tranh cũng rất khó kết thúc trong một thời gian ngắn trừ khi một bên cảm thấy khó duy trì. Tuy nhiên, khi đó bên nào không cầm cự được thì tất yếu sẽ phải trả giá đắt hơn cho sự thỏa hiệp./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Lưu Cường (刘强) là Chủ tịch Ủy ban Học thuật và Nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Hoàn Thái Thượng Hải. Ông từng là Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Quan hệ Quốc tế PLA, Giám đốc Điều hành Viện Chiến lược và An ninh của khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc phòng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]