Chủ đề về khả năng triển khai các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại các quốc gia châu Á thuộc khu vực Ấn Độ Dương đã trở thành tâm điểm chú ý của giới chuyên gia trong hơn một năm qua. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia thể hiện mức độ quan tâm lớn nhất về định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Họ coi các hành động và kế hoạch của Bắc Kinh là mối đe dọa đối với lợi ích an ninh và phát triển của mình. Việc New Delhi từ chối ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – SCO cũng có thể được coi là biểu hiện của sự nghi ngờ của New Delhi.
Chiến lược chuỗi ngọc trai của Trung Quốc
Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong những năm gần đây được Hoa Kỳ và các đồng minh của họ mô tả là “Chiến lược tằm ăn dâu”, tức là sự xâm lấn dần dần vào lãnh thổ các nước láng giềng, giống như một con tằm chậm rãi ăn lá … Theo chuyên gia quân sự người Mỹ R. Haddick, hành vi này tương tự với chiến lược Salami, hay cắt lát mỏng (Salami-Slice Strategy). Ý nghĩa của chiến lược này nằm ở các hành động quy mô nhỏ, mỗi hành động tự nó không thể trở thành nguyên nhân gây ra xung đột, nhưng nhìn chung, tất cả chúng đều phục vụ mục tiêu là mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quốc gia khởi xướng và dẫn đến những thay đổi quan trọng mang tính chiến lược.
Đáng chú ý là các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á nói chung không muốn đối đầu với Bắc Kinh, mà xây dựng mối quan hệ cùng có lợi với nước này trên cơ sở song phương, cũng như thông qua các nền tảng hợp tác khác nhau. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phương Tây khuyến nghị quan chức Washington nên tập trung vào tính cấp thiết của việc hình thành một phản ứng tập thể đối với Trung Quốc, bao gồm thông qua việc phổ biến ý tưởng về một “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Ấn Độ lo ngại rằng Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar và Campuchia là một phần trong kế hoạch thực hiện cái gọi là “chiến lược chuỗi ngọc trai” từ các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến lược Chuỗi ngọc trai tập trung vào việc tăng cường ảnh hưởng kinh tế, quân sự, ngoại giao và chính trị của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương (IOR). Mỗi viên ngọc trai trong chuỗi này đề cập đến một phạm vi quyền lực, mà Trung Quốc đang cố gắng bảo đảm dọc theo IOR. Những viên ngọc trai là biểu tượng cho các cảng của Trung Quốc ở Sri Lanka, Pakistan, Bangladesh, Maldives và Myanmar. Thật vậy, việc triển khai các cơ sở và đơn vị của PLA gần bờ biển Ấn Độ có nguy cơ làm gián đoạn liên lạc vận tải, tạo ra những lo ngại đối với New Delhi về các vấn đề như giải quyết các tranh chấp biên giới ở dãy Himalaya hoặc các vấn đề ổn định chiến lược, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, không có tài liệu chính thức nào của Trung Quốc đề cập đến bất kỳ viên ngọc nào trong chuỗi ngọc trai này.
Mọi lập luận về việc triển khai quân đội Trung Quốc trong khu vực từ Campuchia đến Guinea Xích đạo vẫn chỉ ở mức lý thuyết và giả định. Tác giả gần đây thậm chí đã phải trả lời câu hỏi về khả năng đặt căn cứ của các tàu của Hải quân PLA ở Vladivostok với sự cho phép của Tổng cục Hải quan CHND Trung Hoa để điều phối hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh phía đông bắc và phía nam thông qua các cảng Primorsky Krai.
Thuyết âm mưu trên quần đảo Coco
Cộng hòa Liên bang Myanmar (RSM), với mối quan hệ chặt chẽ của chế độ quân sự với Bắc Kinh, thường được các phương tiện truyền thông và chính trị gia phương Tây, Ấn Độ và Nhật Bản gọi là vệ tinh của Trung Quốc. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên đề cập đến việc xây dựng một căn cứ quân sự tại RSM từ năm 1992, nhưng việc xây dựng thậm chí còn chưa bắt đầu, điều này đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của những lo ngại đó.
Chắc chắn, một cơ sở quan trọng chiến lược đối với CHND Trung Hoa là cảng nước sâu Kyaukpyu của Myanmar, từ đó các đường ống dẫn dầu và khí đốt được nối đến tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. Phần cơ sở hạ tầng này được liên kết chặt chẽ với việc thực hiện “sáng kiến Một vành đai, Một con đường”, và theo giả thuyết có thể trở thành một đối tượng được bảo vệ quân sự trong trường hợp có mối đe dọa trực tiếp từ các quốc gia thứ ba hoặc các phần tử cực đoan. Các thuyết âm mưu về chủ đề này thường được tìm thấy trong cộng đồng chuyên gia có trình độ năng lực khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa thể hiện bất kỳ hành động nào theo hướng này.
Vào tháng 01/2023, Maxar Technologies, một công ty thân với chính phủ Hoa Kỳ, đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy công trình xây dựng trên quần đảo Coco của Myanmar ở phía đông bắc Vịnh Bengal. Hình ảnh cho thấy cần cẩu, một khu dân cư và một khu vực được dọn sạch để xây dựng các vật thể không xác định, không rõ mục đích. Một báo cáo của tổ chức tư vấn Vương quốc Anh ghi chú rằng Trung Quốc dự định triển khai một trạm do thám ở đó để giám sát giao thông vận tải, cũng như phục vụ mục đích do thám quân sự trong khu vực. Các chuyên gia Úc ghi lại rằng không có bằng chứng về sự hiện diện của PLA trên lãnh thổ của RSM, cũng như không có bằng chứng chắc chắn nào về những kế hoạch như vậy. Bắc Kinh không chính thức bình luận về tiến độ công việc và không tiết lộ chi tiết hợp tác với Naypyidaw trong lĩnh vực quân sự. Báo chí Ấn Độ trích dẫn một nguồn ẩn danh, báo cáo rằng tất cả các công việc được thực hiện độc quyền bởi các nhà thầu và kỹ sư Trung Quốc, và các cơ sở được tạo ra sẽ được sử dụng vì lợi ích của PLA nếu cần thiết. Các phương tiện truyền thông Myanmar đưa tin rằng không có bí mật nào ở đây, và tất cả các cơ sở sẽ chỉ được lực lượng vũ trang quốc gia sử dụng vì lợi ích an ninh quốc gia.
Cạm bẫy hay cơ hội?
Vào tháng 11 năm 2021, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo về các hoạt động của CHND Trung Hoa trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trong đó nêu rõ việc bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự ở phía nam Sri Lanka. Cơ sở của việc xây dựng căn cứ quân sự được hình thành xung quanh việc cho China Merchants Port Holdings Company Limited thuê cảng Hambantota ở phía nam đất nước vào năm 2017 trong thời hạn 99 năm với giá 1,12 tỷ USD. Thỏa thuận này trở nên khả thi do chính phủ Sri Lanka đang có một khoản nợ lớn không thể trả đối với các đối tác Trung Quốc. Đây là một ví dụ thường được các phương tiện truyền thông phương Tây và giới nghiên cứu sử dụng như một minh họa cho “bẫy nợ”, mặc dù sự tham nhũng và sự kém cỏi của những người đại diện cho giới lãnh đạo Sri Lanka là nguyên nhân chính dẫn đến những gì đã xảy ra.
Gần đây nhất là những ý tưởng về việc triển khai một trạm radar ở miền nam Sri Lanka liên quan đến một dự án chung với Đại học Ruhuna Island nhằm cung cấp dịch vụ hình ảnh vệ tinh trinh sát quang học từ quỹ đạo của Trung Quốc. Tờ báo “Morning” của Sri Lanka đưa tin rằng, hình ảnh chi tiết sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nông nghiệp, thủy lợi, khí tượng, giám sát bờ biển và phát triển đô thị. Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học nước này được tiếp cận với những công nghệ hiện đại như vậy thông qua hợp tác với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà báo Ấn Độ, trích dẫn một số “dữ liệu tình báo”, bày tỏ sự tin tưởng rằng hoạt động của Bắc Kinh mang tính chất quân sự. Theo báo cáo phương tiện truyền thông, hệ thống radar này sẽ giám sát mọi hoạt động của Hải quân Ấn Độ, cũng như các cơ sở chiến lược ở phía nam tiểu lục địa Ấn Độ, bao gồm các nhà máy điện hạt nhân Kudankulam và Kalpakkam, có thể bao gồm cả căn cứ không quân của Mỹ ở Diego Garcia, Quần đảo Chagos. Trong khi đó, nguồn tin không hề đề cập đến các thông tin như: chủng loại, các thông số kỹ thuật của nó và thậm chí cả ngày vận hành gần đúng của hệ thống radar này.
Không có bằng chứng thuyết phục hơn nào về ý định thực sự của Bắc Kinh nhằm xây dựng một điểm căn cứ cho Hải quân, sân bay hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng quân sự nào khác trên hòn đảo ngọc trai. Thay vào đó, sẽ hợp lý hơn nhiều khi đặt mong đợi vào sự phát triển của mạng lưới giao thông, xây dựng khu công nghệ, khu du lịch và giải trí ở vùng Hambantota. Việc triển khai tàu chiến, máy bay hay bệ phóng tên lửa nhằm bảo vệ khách du lịch, bến tàu và các kỹ sư là điều có vẻ khá bất thường. Các đề xuất về việc sử dụng cảng Trincomalee ở phía đông hòn đảo của Hải quân Ấn Độ để “ứng phó với các hoạt động của Trung Quốc” cũng chưa có kết quả.
Mong muốn và thực tế
Điều đáng chú ý là các nhà phân tích thường dựa vào các báo cáo của phương tiện truyền thông xã hội trong nỗ lực xây dựng dự báo về hướng hoạt động của Trung Quốc ở Myanmar hoặc Sri Lanka. Tuy nhiên, những tin tức như vậy thường là những tin đồn hoặc thông tin sai lệch. Kết quả là, các quan chức Ấn Độ có một bức tranh méo mó về các sự kiện. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của New Delhi với Trung Quốc và làm giảm mức độ tin cậy vốn đã ở ngưỡng thấp giữa hai nước.
Tuy nhiên, Naypyidaw và Colombo chưa bao giờ đưa ra tuyên bố chính thức phủ nhận thông tin về khả năng triển khai các đối tượng hoặc bộ phận của PLA trên lãnh thổ của các quốc gia của họ. Các quốc gia đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị kéo dài, điều này tạo ra sự không chắc chắn về đường lối chiến lược trong tương lai và tạo ra mảnh đất màu mỡ cho mọi loại đồn đoán được thêu dệt. Thật vậy, Sri Lanka và Myanmar phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư của Trung Quốc, điều này tạo ra một vấn đề có khả năng gây ảnh hưởng đến giới lãnh đạo chính trị – những người đang quan tâm đến hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh. Vấn đề còn nằm ở sự thiếu minh bạch trong hợp tác song phương giữa các nước láng giềng của Ấn Độ và Trung Quốc, phần lớn là do đặc thù của phong cách ngoại giao quốc gia. Điều này khiến New Delhi phải tính toán, xây dựng định hướng chiến lược của họ dựa trên những kịch bản tồi tệ nhất.
Các quốc gia nhỏ có rất ít cơ hội đứng ngoài mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo khu vực, mặc dù họ mong muốn giữ thái độ trung lập và không liên kết. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ, bằng những nỗ lực chung, hoàn toàn có khả năng hỗ trợ Myanmar và Sri Lanka giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội cấp bách. Cả hai gã khổng lồ châu Á đều đã xem xét tái cấu trúc các khoản nợ của các quốc gia Nam và Đông Nam Á, đồng thời phân bổ thêm vốn trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.
***
New Delhi và Bắc Kinh vẫn chưa thể đạt được sự đồng thuận về phạm vi ảnh hưởng đối với Myanmar và Sri Lanka, và lo ngại về sự phát triển cũng như gia tăng ảnh hưởng của nhau ở khu vực. Tuy nhiên, như hướng đối thoại chính trị hiện tại giữa Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy, bất kể những khác biệt, các nhà lãnh đạo của các nước vẫn có xu hướng đồng ý về việc thiết lập một “modus vivendi” (thỏa thuận giữa những người có ý kiến, quan điểm khác nhau) để tránh trượt vào một cuộc đối đầu chính trị-quân sự. Trên cơ sở đó, khó có thể mong đợi các hành động khiêu khích ngoài tầm kiểm soát ở khu vực Ấn Độ Dương từ một trong hai bên Trung Quốc và Ấn Độ, vì điều này sẽ chỉ có lợi cho Hoa Kỳ và các đồng minh của họ./.
Biên dịch: Bùi Toàn
Tác giả: Andrey Gubin – Tiến sĩ Khoa học Chính trị, Phó Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Phó Giáo sư Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), chuyên gia RIAC.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi phản hồi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]