Từ tổn thất lực lượng ở mặt trận phía nam Ukraine cho thấy, Kiev sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trước khi có thể nghĩ đến một chiến thắng. Có lẽ, vấn đề lớn nhất là phương Tây, mặc dù đã cung cấp sự hỗ trợ đáng kể, nhưng lại thiếu một chiến lược mạch lạc đối với Ukraine. Điều này tỏ ra khó khăn trong hoàn cảnh, đây là cuộc chiến đầu tiên phương Tây hoàn toàn không có ưu thế từ trên không so với đối thủ...
Cuộc chiến ở Ukraine vừa bước qua tháng thứ 18. Kiev đã thực hiện ba chiến dịch tấn công lớn vào năm 2022. Hiện tại, họ đang sử dụng kết hợp các trang thiết bị cũ từ thời Liên Xô và mới của phương Tây để tiến hành một chiến dịch ở phía Nam. Ý định cắt đứt sự liên kết trên bộ của Nga là một mục tiêu quan trọng, và việc giải phóng những vùng đất rộng lớn có tiềm năng cao về nông nghiệp và khoáng sản sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho Chính phủ Ukraine.
Các cuộc tấn công diễn ra một cách chậm chạp theo như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả. Điều đó không gây ngạc nhiên cho những người đã nghiên cứu về cuộc chiến và những thách thức mà Ukraine phải đối mặt. Nhưng đối với nhiều nhà quan sát, đáng chú ý là những người muốn có một tiếng vang lớn trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2024, nhịp độ ổn định và có chủ ý của Ukraine có thể không được đánh giá cao. Một số quan chức an ninh và nhà hoạch định chính sách Mỹ thậm chí còn cho rằng, việc thiếu những kết quả tiến bộ nhanh chóng có nghĩa là cuộc phản công đã thất bại.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để nói cuộc chiến sẽ diễn ra theo hướng nào. Để so sánh, 18 tháng sau Thế chiến thứ nhất, quân đồng minh đã thua trong chiến dịch chiếm bán đảo phía đông Thổ Nhĩ Kỳ và trận Verdun vẫn đang diễn ra. Và sau 18 tháng đầu của Thế chiến thứ hai, phần lớn châu Âu bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Singapore rơi vào tay Nhật Bản, còn Mỹ đang giao tranh trên bán đảo Bataan ở Philippines.
So sánh để thấy được, có nhiều điều để lạc quan về cuộc chiến mà Ukraine đang thực hiện. Tuy nhiên, việc tổn thất lực lượng ở mặt trận phía nam Ukraine cho thấy, Kiev sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trước khi có thể nghĩ đến một chiến thắng. Có lẽ, vấn đề lớn nhất là phương Tây, mặc dù đã cung cấp sự hỗ trợ đáng kể, nhưng lại thiếu một chiến lược mạch lạc đối với Ukraine. Vì cuộc chiến này có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024, thậm chí có thể lâu hơn, Mỹ và châu Âu cần phải nghĩ ra một giải pháp. Họ cần tìm ra cách khai thác tốt hơn các nguồn lực của mình để hỗ trợ Ukraine ở thời điểm hiện tại, trong mùa đông sắp tới và trong những năm tiếp theo để Kiev có thể đạt được một chiến thắng trọn vẹn và lâu dài.
Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ và NATO cần phải làm rõ mục tiêu của họ trong việc giúp Ukraine đánh bại lực lượng của Nga. Sau đó, họ cần cung cấp cho Ukraine các thiết bị được tiêu chuẩn hóa cũng như nâng cao năng lực của cá nhân và tập thể. Họ cần cung cấp cho Kiev thêm thiết bị rà phá bom mìn và giúp nước này phát triển các chiến thuật mới để vượt qua hệ thống phòng thủ của Nga. Đó là cách tốt nhất để đảm bảo một chiến thắng cho Ukraine.
Hiện trạng của cuộc phản công
Các cuộc tấn công của Ukraine đã diễn ra được hơn hai tháng. Họ bắt đầu với cuộc tấn công nhằm mục đích xuyên thủng nhanh chóng các tuyến phòng thủ của Nga ở phía nam. Nhưng thật không may, nỗ lực này đã thất bại trước kế hoạch phòng thủ hiệu quả của Nga, bao gồm các bãi mìn rộng khắp; năng lực hạn chế từ phía Ukraine; và theo nhà phân tích quân sự Michael Kofman là sự thiếu sót trong việc tích hợp thiết giáp, bộ binh, công binh cùng với pháo binh ở cấp độ cao hơn .
Những thách thức do hệ thống phòng thủ của Nga tạo ra đã không nhận được sự quan tâm đầy đủ của những người ủng hộ Ukraine. Những trở ngại này không nên bị bỏ qua, sự nguy hiểm của các bãi mìn đã được biết rõ trong học thuyết quân sự phương Tây. Các quốc gia NATO lẽ ra phải cung cấp cho Ukraine nhiều thiết bị rà phá bom mìn cũng như phương tiện xâm nhập được cơ giới hóa hơn. Việc họ không làm được điều đó là biểu hiện của sự thiếu hụt “chất xám” đang lây lan sang nhiều tổ chức quân sự phương Tây. Các đơn vị vận hành các thiết bị phức tạp cần thiết để rà phá và vượt qua các bãi mìn đều bị thiếu hụt nghiêm trọng. Họ không được bổ sung đầy đủ ngay cả khi hiểu rõ hoạt động xâm nhập có rủi ro cao. Và thực tế, một lượng lớn thiết bị đã bị tiêu hao trong quá trình này.
Thất bại đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là học thuyết và việc huấn luyện rà phá mìn, vượt chướng ngại vật bằng vũ khí tổng hợp của họ đã lỗi thời. Hơn nữa, phương Tây có rất ít thời gian để giúp Ukraina cải thiện vấn đề này – đặc biệt là ở các lữ đoàn mới thành lập. Những vinh quang của Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong đó liên minh do Mỹ dẫn đầu đã nhanh chóng đẩy quân đội Iraq ra khỏi Kuwait, đơn giản là không thể áp dụng trong cuộc chiến với Nga. Cuộc chiến mà Ukraine và phương Tây không kiểm soát được trên không và chiến trường được bao phủ bởi một mạng lưới cảm biến, giám sát dày đặc cho phép Nga nhanh chóng phát hiện, sau đó tấn công các mục tiêu Ukraine.
Bất chấp những thách thức này, Ukraine đã thích nghi và áp dụng chiến lược “lấn và giữ” dần dần ở phía nam, giảm thiểu thương vong đồng thời tăng dần áp lực lên lực lượng phòng thủ của Nga. Kết quả là Ukraine đang đạt được tiến bộ nhất định ở miền nam, giành lấy một số thị trấn quan trọng. Đồng thời, bộ chỉ huy cấp cao Ukraine đang điều hành nhiều chiến dịch khác. Ở phía đông, họ đang thực hiện một cuộc tấn công khác xung quanh thành phố Bakhmut (tức Artemovsk). Ở đây, hệ thống phòng thủ của Nga không giống ở phía nam, đồng thời quân Ukraine cũng không còn phải đối mặt với lực lượng Wagner như hồi đầu mùa hè. Quân đội Nga xung quanh Bakhmut là lực lượng chính quy, có chất lượng cao hơn và Ukraine đang tham vọng làm tiêu hao lực lượng này nhằm làm suy giảm các lựa chọn tấn công trong tương lai của Nga.
Xa hơn về phía bắc, quân Ukraine đang thực hiện chiến dịch phòng thủ trước cuộc tấn công của Nga ở Luhansk. Cho đến nay, họ đang giữ vững lập trường của mình. Bất chấp các nguồn lực mà Moskva đã phân bổ cho cuộc tấn công này, ở đây, Nga không đạt được thành công đáng kể nào so với những gì họ đã đạt được vào đầu năm 2023. Ukraine đang tập trung đối phó với các cuộc tấn công bằng đường không, tên lửa và máy bay không người lái của Nga, đồng thời tiến hành một chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái vào các mục tiêu của đối phương. Ngoài ra, Ukraine đang thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chiến lược, bao gồm các nỗ lực ngoại giao toàn cầu của mình – chẳng hạn như các chuyến đi ngắn ngày của Zelensky tới nhiều quốc gia.
Rất khó để đo lường một cách khách quan sự tiến bộ của Ukraine vì chỉ một số nhà lãnh đạo quân sự và dân sự cấp cao nhất của Ukraine mới biết được các mục tiêu chiến lược và hoạt động thực tế trong các cuộc tấn công của họ. Nhưng đối với những người ngoài cuộc đang quan sát cuộc chiến, tiến bộ của Kiev có thể được xác định bằng các phần lãnh thổ chiếm được trên bộ, các lực lượng Nga bị tiêu hao, các lực lượng Nga ở Crimea bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Ở một mức độ nào đó, Ukraine đang thuyết phục các chính phủ phương Tây rằng họ đang thành công và các mục tiêu đề ra vẫn “đang được tiến hành”.
Con đường chiến tranh của Ukraine
Chuỗi chiến dịch phức tạp, có liên quan đến nhau của Ukraine có giá trị đối với ngay cả những tổ chức quân sự lớn nhất và tinh vi nhất của phương Tây. Kiev đã có kinh nghiệm hơn trong việc quản lý các thách thức qua 18 tháng chiến tranh. Để cải thiện khả năng chiến đấu ở nhiều cấp độ khác nhau trong điều kiện không có ưu thế rõ ràng về không quân, hải quân và hỏa lực nói chung, Ukraine đã kết hợp các vũ khí và học thuyết thời Liên Xô cũng như NATO. Khi làm như vậy, Ukraine đã phát triển cách tiếp cận riêng biệt của họ đối với chiến tranh hiện đại.
Cách tiến hành chiến tranh này của Ukraine rất đáng để nghiên cứu vì hầu hết các tổ chức quân sự phương Tây có lẽ giống với quân đội Ukraine hơn là với lực lượng vũ trang Mỹ, nơi mà những học thuyết của họ chắc chắn sẽ được sao chép. Và phần trọng tâm trong cách tổ chức chiến tranh của Ukraine là khả năng học hỏi, tiếp thu các thiết bị, ý tưởng mới cũng như các điều chỉnh chiến thuật và chiến lược.
Nhưng ngay cả những tổ chức có khả năng thích ứng tốt nhất cũng có giới hạn về khả năng tiếp thu các ý tưởng và công nghệ mới. Việc xây dựng, duy trì và phát triển một tổ chức quân sự có năng lực cao – đặc biệt là một tổ chức có nhiều đơn vị mới – có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm. Như Aimée Fox-Godden đã quan sát trong “Học cách chiến đấu”, một nghiên cứu về quá trình học tập và thích ứng quy mô lớn diễn ra trong Quân đội Anh từ năm 1914 đến năm 1918. Vương quốc Anh đã có thể dần dần cải thiện hiệu suất của mình nhờ vào “sự kết hợp giữa các kỹ năng trước đó từng có với đặc tính linh hoạt ngày càng tăng trong thời chiến” đã tạo ra “sự linh hoạt về tổ chức và văn hóa, thúc đẩy việc học tập không chính thức, khuyến khích các cá nhân sáng tạo”.
Phương Tây phải chấp nhận, như người Anh đã làm trong Thế chiến thứ nhất, rằng sẽ cần thời gian để tiến hành tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện kỹ thuật, phát triển khả năng lãnh đạo và hướng dẫn tập thể cần thiết để biến một tổ chức quân sự như Ukraine thành một tổ chức lớn, thống nhất, trở thành một lực lượng bền bỉ có khả năng thực hiện các hoạt động tấn công quy mô dưới sự kiểm soát trên không và làm chủ chiến tranh điện tử.
Tiếp theo sẽ là gì?
Cả Ukraine và Nga đều sở hữu các nguồn lực và ý chí cho một cuộc chiến kéo dài. Đặc biệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn giữ quan điểm của mình rằng, NATO đặt ra mối đe dọa đối với Nga. Ông tiếp tục thúc đẩy quan niệm về một nước Nga vĩ đại hơn. Ví dụ, vào ngày 2/8, ông đã có bài phát biểu thúc đẩy “sự hội nhập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk cũng như các vùng Kherson và Zaporizhzhia vào không gian văn hóa chung của Nga”.
Do đó phương Tây phải chấp nhận rằng đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài. Nhiều thế hệ đã tán thành quan điểm cho rằng, chiến tranh giữa các quốc gia lớn, đông dân và hiểu biết về công nghệ có thể diễn ra trong thời gian ngắn. Ví dụ, vào thời điểm mỗi cuộc chiến bắt đầu, các nhà phân tích lập luận rằng Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Iraq sẽ diễn ra và kết thúc trong một thời gian ngắn, nhưng cuối cùng đã được chứng minh là không chính xác. Điều tương tự cũng sẽ đúng với cuộc xung đột hiện tại. Sẽ cần có thời gian để tiếp tục nâng cao năng lực trên bộ, trên không, hải quân, mạng, công nghiệp và thông tin của Ukraine để nước này có thể chiếm ưu thế trước Nga. Mặc dù Moskva đã có những lỗi chiến lược và chiến thuật trong cuộc chiến này nhưng họ cũng đã học hỏi và thích nghi. Như Oleksandr Syrsky – Tư lệnh lực lượng mặt đất Ukraine – đã nói, người Nga “không phải là những kẻ ngốc”. Kiev sẽ cần nhiều tháng để đánh bại và đẩy họ ra khỏi khoảng 18% lãnh thổ Ukraine mà Nga đã chiếm đóng.
Khi chấp nhận rằng đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài, phương Tây nên làm rõ các mục tiêu của họ. Bằng cách cam kết hỗ trợ Ukraine trong suốt cuộc chiến, phương Tây có thể làm suy yếu những nỗ lực của Putin nhằm tồn tại lâu hơn những người bảo trợ của Ukraine. Cam kết này cũng mang lại lòng tin cho các quốc gia tài trợ, những quốc gia có thể mở rộng quy mô sản xuất và tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển cần thiết cho các nỗ lực của Ukraine.
Một yếu tố khác trong chiến lược của phương Tây là xác định các vấn đề về thể chế và các hoạt động then chốt cần được hỗ trợ. Mỹ có thể cần phải chấp nhận rằng, học thuyết phức tạp của họ về chiến tranh trên không và trên bộ không hoàn toàn phù hợp với Ukraine. Thực tế này không có nghĩa là việc hiệp đồng trong tác chiến không hiệu quả. Nhưng NATO cần tiến hành đánh giá lại nhanh chóng học thuyết của mình ngay bây giờ để phát triển các chiến thuật và học thuyết về vũ khí tổng hợp một cách tối ưu. Nói chung, điều đó có nghĩa là các quốc gia phương Tây phải tìm cách tiến hành chiến đấu trên bộ, trong một môi trường mà họ sẽ thường xuyên phải chịu các cuộc tấn công trên không – điều mà họ chưa phải làm trong nhiều thế hệ, nhưng đó là thực tế mà Ukraine đang phải đối mặt.
Việc đánh giá như vậy phải kết hợp các tác động của mạng lưới giám sát dân sự và quân sự được kết nối trong kỷ nguyên mới đang khiến các cuộc phản công của Ukraine trở thành một trong những trận chiến quan trọng và chết chóc nhất trong thời hiện đại. Sự phổ biến của máy bay không người lái, được kết nối với mạng chỉ huy chiến đấu số hóa hiện đại, cho phép quân đội cả hai bên nhanh chóng xác định và nhắm mục tiêu vào lực lượng của nhau. Học thuyết phương Tây hiện nay chưa thích ứng đủ với môi trường mới này, trong khi nó vẫn là nền tảng cho việc đào tạo tất cả binh lính, thủy thủ, thủy quân lục chiến và phi công. Nếu thành phần trí tuệ này của quân đội một quốc gia bị thiếu hụt thì năng lực chiến đấu tổng thể của lực lượng đó sẽ bị tổn hại. Và mặc dù Ukraine đang đi tiên phong trong cách tiếp cận chiến tranh của riêng mình, nước này vẫn phụ thuộc vào học thuyết của phương Tây trong nhiều hoạt động.
Do đó, sự thất bại trong học thuyết quân sự của phương Tây có lẽ được minh họa rõ nhất qua cuộc chiến hiện nay của Ukraine nhằm xâm nhập các bãi mìn của Nga ở phía nam. Các vành đai chướng ngại vật dày đặc, bao gồm cả bãi mìn, cơ bản không phải là một sự phát triển mới. Tuy nhiên, nếu sơ đồ phòng thủ này được bao phủ bởi các hệ thống giám sát và hỏa lực quân sự – dân sự được kết nối chặt chẽ, thì việc xâm nhập các vành đai này trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Công nghệ và chiến thuật của những hành động xâm nhập như vậy không thay đổi trong gần nửa thế kỷ. Dự án “Manhattan thời đại mới” được thiết kế nhằm khám phá những cách thức mới để nhanh chóng phát hiện và rà phá bom mìn sẽ giúp ích cho các cuộc tấn công của Ukraine về sau. Nó cũng sẽ hỗ trợ rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ khỏi những vùng lãnh thổ rộng lớn được giải phóng của nước này.
Một chiến lược mới của phương Tây cũng có thể thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo cho Ukraine. Số lượng xe bọc thép và pháo binh cung cấp cho Ukraine là không nhỏ nhưng không bền vững. Có lý do cho việc quân đội thường có một loại xe tăng hoặc một loại pháo dành riêng cho từng nhu cầu. Gánh nặng huấn luyện và hậu cần của việc trang bị nhiều loại hệ thống tương tự sẽ rất lớn đối với quân đội thời bình. Nó sẽ trở nên quá sức đối với Ukraine theo thời gian. Một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn để hỗ trợ Ukraine sẽ cung cấp các bộ thiết bị tiêu chuẩn hóa cho quân đội nước này.
Đồng thời, việc đào tạo nhân sự cần phải chuyển hướng sang việc đào tạo tân binh và cung cấp hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thiết bị. Huấn luyện tập thể là một khía cạnh quan trọng trong việc xây dựng các thể chế quân sự hiệu quả và đó là lĩnh vực mà phương Tây nên hỗ trợ thêm. Sự phát triển của các đại đội, tiểu đoàn, lữ đoàn và các đội chỉ huy, theo thời gian, sẽ mang lại cho Ukraine nền tảng của một quân đội có thể điều phối các hoạt động và chiến dịch lớn xuyên thời gian và không gian. Được đúc kết từ kinh nghiệm chiến trường của Ukraine và học thuyết phát triển của NATO, huấn luyện tập thể sẽ mang lại cho Ukraine một lợi thế quan trọng so với đối thủ Nga.
Kiểu chiến lược này của Ukraine sẽ cho phép các chính phủ phương Tây nhanh chóng hỗ trợ Kiev hơn, chấm dứt tình trạng trì trệ từng là một trong những vấn đề lớn nhất của cuộc chiến. Zelensky nói trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2023 cho rằng: “Chúng ta cần tốc độ, tốc độ đưa ra các quyết định để hạn chế tiềm năng của Nga”. Các quyết định của phương Tây về xe tăng, hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu đã mất nhiều tháng. Nhưng khi được tiếp nhận, những hệ thống mới này đã nhanh chóng được các tổ chức Ukraine tiếp thu và sử dụng theo một cách thức sáng tạo. Một chiến lược mới phải chấp nhận rằng, Ukraine có khả năng tiếp thu các hệ thống vũ khí tiên tiến một cách nhanh chóng và thực sự có nhiều điều để bổ sung cho phương Tây về cách sử dụng chúng.
Cung cấp sự hỗ trợ lâu dài cho Kiev có thể không phải là tin tức đáng hoan nghênh đối với nhiều chính trị gia phương Tây, trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ và một số nước châu Âu. Nhưng trong 18 tháng qua, Ukraine đã thể hiện tinh thần chiến đấu, khả năng tiếp thu vũ khí mới cũng như khả năng học hỏi, thích ứng và nâng cao khả năng quân sự của mình. Cách tiếp theo để giúp Ukraine tiếp tục phát triển về chất lượng và sức bền là đảm bảo rằng, họ biết phương Tây sẵn sàng hỗ trợ họ trong cuộc chiến đánh bại Nga và thực hiện các hỗ trợ này vào năm 2024 và hơn thế nữa./.
Biên dịch: Hoàng Hải
Tác giả: Mick Ryan là nhà chiến lược quân sự, thiếu tướng quân đội Úc đã nghỉ hưu và là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]