Bất định và phức tạp là những đặc tính của cục diện khu vực Trung Đông trong năm 2023 – một năm đã chứng kiến nhiều biến động mới trên cả hai chiều hướng: hòa giải và xung đột. Quan hệ Iran – Saudi Arabia, Iran – Iraq, Syria và Liên đoàn Arab, vấn đề Yemen đều đang có được những kết quả tích cực. Sự gắn kết toàn khu vực sẽ trở nên hoàn hảo nếu không có sự xuất hiện của cuộc xung đột ở dải Gaza. Như vậy, năm 2023, cục diện Trung Đông đã có những thay đổi như thế nào. Chiều hướng phát triển trong thời gian tới ra sao?
Tác động của một số nhân tố tới tình hình Trung Đông năm 2023
Tác động của các điểm nóng trên toàn cầu
Các xu hướng phát triển của Trung Đông trong năm 2023 chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các điểm nóng xung đột trên thế giới, đáng kể nhất vẫn là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Các điểm nóng khác như khủng hoảng châu Phi hay những mâu thuẫn dọc “vành đai giao thoa biển và lục địa” ở khu vực Ấn Độ Đương – Thái Bình Dương cũng có những cách ảnh hưởng khác nhau tới tình hình Trung Đông.
Chiến sự ở Ukraine vẫn tiếp diễn sau gần 2 năm (từ ngày 24/02/2022), kéo theo đó là áp lực duy trì cuộc chiến đối với tất cả các bên liên quan. Khó có thể nói cuộc chiến ở Ukraine đang vận hành theo ý muốn của phương Tây, khi bản thân thế giới phương Tây đang dần lâm vào thế bị động trong việc viện trợ cho Kiev. Châu Âu vẫn ở trong tình thế lưỡng nan khi cắt đứt quan hệ với Nga, nhưng chưa thực sự tìm được đối tác kinh tế ổn định mới. Đặc biệt là việc tìm nguồn cung năng lượng trở thành bài toán khó khăn đối với lục địa già. Trung Đông chắc chắn là một nguồn cung lớn, gần về mặt địa lý, nhưng sự bất định về an ninh ở khu vực này luôn là một rào cản.
Thế lưỡng nan của các bên liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine tạo ra một cách tiếp cận không triệt để và sâu sát của họ đối với các khu vực khác, bao gồm cả Trung Đông. Điều đó khiến các lực lượng chính trị trong khu vực này có được thời cơ thuận lợi, thực hiện các tham vọng riêng của mình.
Trong khi đó, khủng hoảng đang diễn ra ở châu Phi với tâm điểm là sự trỗi dậy của các quốc gia ở vùng Sahel. Một loạt các cuộc đảo chỉnh ở khu vực này đang đẩy các cường quốc, đặc biệt là Pháp, vào tình thế mất khả năng ảnh hưởng ở châu Phi. Bên cạnh đó, hình thái căng thẳng dọc vùng Sahel làm tăng thêm vai trò của Trung Đông đối với châu Âu, nhất là về vấn đề năng lượng và thị trường.
Sức ảnh hưởng của các điểm nóng ở Đông Á đối với Trung Đông thể hiện chủ yếu ở góc độ kinh tế. Các quốc gia cũng như tổ chức khu vực ở Trung Đông đang có xu hướng tích cực mở rộng và tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực Đông Á. Sự chồng chéo về lợi ích kinh tế, an ninh giữa các đối tác có mối quan hệ phức tạp với nhau đã và đang tạo ra sự đa dạng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia khu vực Trung Đông.
Cạnh tranh nước lớn ở Trung Đông
Năm 2023, Trung Đông tiếp tục trở thành tâm điểm của cuộc đua giữa các siêu cường gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga. Với vai trò kết nối cả ba lục địa Á, Phi, Âu, đồng thời, việc kiểm soát được Trung Đông có ý nghĩa đặc biệt đối với chiến lược của các bên.
Đối với Mỹ, sau khoảng thời gian khó khăn khi ảnh hưởng ở Trung Đông suy giảm từ khi Nga triển khai các hoạt động quân sự hỗ trợ Syria và sự ảnh hưởng về mặt kinh tế của Trung Quốc, Tổng thống Biden đang cho thấy những nỗ lực tăng cường can dự vào khu vực này. Một mặt, Mỹ cần giữ chắc Trung Đông nhằm đạt được các mục tiêu: (1) tăng cường kiểm soát nguồn năng lượng ở khu vực này; (2) cản trở những nỗ lực thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (3); uy hiếp an ninh Nga ở khu vực biển Caspian và Biển Đen; (4) kiềm chế Iran; (5) triển khai tham vọng kinh tế mới kết nối từ Ấn Độ tới châu Âu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Ấn Độ, các bên gồm: Ấn Độ, Ả Rập Saudi, UAE, EU, Pháp, Đức, Ý và Mỹ đã công bố dự án cơ sở hạ tầng quốc tế – Hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu (IMEC). Dự án thương mại và đầu tư này đã được ra mắt dưới dạng bản ghi nhớ[1], hàm ý của Mỹ thông qua IMEC nhằm đối trọng với BRI của Trung Quốc, nhưng khác ở chỗ, đây vẫn là một ý tưởng chưa được hiện thực hóa.
Đối với Trung Quốc, học giả Muhammad Wasama Khalid đã nhận định “dầu mỏ chỉ là một trong nhiều thứ mà Trung Quốc quan tâm khi họ đến Trung Đông. Lợi ích của họ vượt xa điều đó”[2]. Năng lượng không phải là mục đích duy nhất của Trung Quốc, thay vào đó, nâng tầm BRI là một trong những ưu tiên hàng đầu và Trung Đông là một mắt xích không thể thiếu. Trung Quốc tiếp tục từng bước đẩy lùi ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở khu vực khi trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của các quốc gia Trung Đông. Thậm chí, cùng với Nga, Trung Quốc đang thực tạo ra mối đe dọa mới đối với vị thế của đồng đô la ở khu vực này.
Đối với Nga, nước này đã thiết lập được sự ảnh hưởng vững chắc ở Syria, tạo dựng được vành đai an ninh kéo dài từ Caspian ra tới Địa Trung Hải. Điều này tạo ra lợi thế to lớn cho Moskva trong cuộc đối đầu với phương Tây. Trước đây, Mỹ đã sử dụng cuộc chiến chống khủng bố để can thiệp vào khu vực. Tuy nhiên, việc Nga triển khai các hoạt động quân sự ở Syria đã làm phá sản chiến lược này của Mỹ tại nhiều địa điểm phía Bắc của Trung Đông.
Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga khiến Mỹ ngày càng có ít lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm khả năng chi phối cục diện khu vực Trung Đông trong thời gian qua.
Mâu thuẫn bên trong
Có 5 mâu thuẫn lớn có thể tác động tới cục diện Trung Đông, bao gồm 3 mâu thuẫn từ lịch sử, và 2 mâu thuẫn từ yếu tố địa chiến lược mới.
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa thế giới Arab và Israel. Sự “sắp xếp” của các bên thắng trận sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra mầm mống của mâu thuẫn giữa quốc gia Do Thái Israel với các quốc gia Arab mà trực tiếp nhất là với Palestine. Mâu thuẫn này được coi là một thùng thuốc súng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào trong gần 80 năm qua.
Thứ hai, mâu thuẫn bên trong nội bộ của thế giới Arab, chủ yếu giữa hai nhánh Hồi giáo Shia và Sunni với hai đại diện lớn nhất là Iran và Arabia Saudi. Tuy nhiên, mâu thuẫn này đã ghi nhận những động thái cải thiện đáng kể trong năm 2023, sau khi Iran và Saudi Arabiađã từng bước bình thường hóa quan hệ với yếu tố trung gian hòa giải của Trung Quốc.
Thứ ba, mâu thuẫn giữa các nhà nước với các nhóm cực đoan có vũ trang. Các lực lượng cực đoan này tương đối đa dạng, bao gồm các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng như các lực lượng đánh thuê có tài trợ từ bên ngoài.
Thứ tư, mâu thuẫn giữa nhiều quốc gia ở khu vực với các cường quốc có hiện diện quân sự, đặc biệt là Mỹ. Chiến lược can dự sâu vào Trung Đông của Washington vẫn đang vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các quốc gia trong khu vực này.
Cuối cùng, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể chính trị trong khu vực với nhau liên quan tới các sáng kiến chiến lược toàn cầu từ nhiều phía. Mỗi quốc gia đóng vai trò khác nhau trong các “đại dự án xuyên biên giới” của các siêu cường, đặc biệt là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và gần đây là Hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu IMEC do Mỹ và các đối tác của họ đề xướng. Sự khác biệt về lợi ích cũng như yếu tố nội tại khác nhau tạo ra sự phát triển không đồng đều. Điều này cũng trở thành một mâu thuẫn cần được xem xét khi đánh giá về tình hình khu vực.
Những diễn biến đáng chú ý ở Trung Đông năm 2023
Nỗ lực bình thường hóa Israel – Saudi Arabia: từ triển vọng tích cực lâm vào thế khó
Sau thành công trong việc hàn gắn quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc ở Đông Bắc Á, Mỹ đã tiếp tục thúc đẩy ngoại giao hòa giải ở Trung Đông, mục tiêu nhằm nối lại quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia – những đồng minh cũng là các nhân tố quan trọng đối với chiến lược của Washington.
Đáp lại tác động từ Mỹ, ngày 17/4/2023, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phát biểu rằng, Israel muốn bình thường hóa và hòa bình với Saudi Arabia. Đây có thể là một bước nhảy vọt tiến tới chấm dứt cuộc xung đột giữa người Arab và người Israel. Thỏa thuận này có thể tạo ra những tác động lớn lao, lịch sử cho cả Israel, Saudi Arabia, khu vực và thế giới”[3]. Tuy nhiên, Saudi Arabia tỏ ra thận trọng hơn, nhất là khi nước này cũng đang tiến hành chính sách nối lại quan hệ với Iran, cùng chính sách đoàn kết thế giới Hồi giáo ở khu vực Trung Đông.
Đặc biệt, sau khi xung đột ở dải Gaza bùng nổ, cuộc chiến Israel – Palestine được xem là yếu tố then chốt quyết định tới tính toán của Saudi Arabia về vấn đề bình thường hóa quan hệ với quốc gia Do Thái. Sau khi chiến sự nổ ra không lâu, Saudi Arabia đã tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Israel[4]. Những diễn biến đang tiếp diễn có nguy cơ làm sụp đổ những nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ.
Quan hệ nội bộ thế giới Hồi giáo có bước tiến tích cực
Đầu tiên, sự kiện Syria tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Saudi Arabia hồi tháng 5/2023 đã đánh dấu sự trở lại Liên đoàn Arab (AL) sau 11 năm của nước này.
Tháng 11/2011, AL đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria. Gần đây, Saudi Arabia đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Syria trở lại AL. AL cũng đã nhất trí thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng để tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria[5]. Việc Syria trở lại Liên đoàn Arab là dấu hiệu quan trọng đầu tiên trong việc tái đoàn kết cộng đồng Hồi giáo ở Trung Đông.
Tiếp đến, Iran – Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ trở thành dấu mốc mới cho tương lai đoàn kết thế giới Hồi giáo ở Trung Đông. Theo các phương tiện truyền thông chính thức của Iran ngày 19/3/2023, Tổng thống Iran Abdul Latif Rahid đã nhận được thư mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đến thăm Riyadh[6]. Đến ngày 6/4/2023, ngoại trưởng hai nước đã có cuộc gặp quan trọng tại Bắc Kinh (Trung Quốc), mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ[7]. Việc hai “cựu địch thủ” bình thường hóa quan hệ đã mở ra một chương mới cho khu vực Trung Đông. Vấn đề xung đột ở Yemen từng bước được gỡ rối dưới tác động của hai cường quốc khu vực này. Tình hình Chiến tranh Lạnh trong thế giới Hồi giáo Trung Đông được hứa hẹn sẽ tiến tới chấm dứt.
Bên cạnh đó, Iraq và Iran ký thỏa thuận an ninh biên giới để cùng duy trì an ninh biên giới và đảm bảo các nhóm vũ trang bất đồng chính kiến ở các khu vực của Iraq do người Kurd kiểm soát sẽ không tạo thành mối đe dọa đối với an ninh của Iran[8].
Có thể nói, năm 2023 đánh dấu một bước tiến rất dài trong việc đoàn kết các quốc gia Hồi giáo ở khu vực Trung Đông.
Cục diện an ninh mới ở Trung Đông được hình thành
Làn sóng hòa giải giữa các nước Arab cùng sự thay đổi trong chiến lược giữa các siêu cường về cơ bản đã làm đảo lộn cục diện an ninh Trung Đông trong năm qua. Bố cục an ninh “bốn lớp” đã có sự điều chỉnh:
Lớp thứ nhất, sự can dự của các nước lớn vẫn được duy trì, nhưng trong khi Trung Quốc và Nga gia tăng ảnh hưởng thì Mỹ đang tỏ ra vất vả trong những nỗi lực can thiệp.
Lớp thứ hai, sự chi phối của mâu thuẫn giữa các cường quốc khu vực, đặc biệt là Saudi Arabia và Iran đã thay đổi. Quan hệ Saudi – Iran từ thế đối đầu đã chuyển sang hợp tác, bình thường hóa. Từ việc là căn nguyên tác động tới các cuộc xung đột khu vực, hai bên đang đầy triển vọng hướng đến hợp tác đảm bảo an ninh chung của khu vực.
Lớp thứ ba, mâu thuẫn giữa các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực được cải thiện đáng kể. Ngoài xung đột Israel – Palestine, quan hệ giữa các nước Arab khác có dấu hiệu ấm lên. Điều này có tác động tích cực tới tình hình an ninh khu vực.
Lớp thứ tư, vai trò của các tổ chức vũ trang thánh chiến mờ nhạt dần. Kể từ thời điểm Nga triển khai các hoạt động quân sự hỗ trợ Syria, vai trò của các nhà nước ở Trung Đông đã được nâng cao đáng kể. Các tổ chức vũ trang thánh chiến, các tổ chức cực đoan dần bị thu hẹp ảnh hưởng. Đồng thời, sự hòa giải Iran – Saudi cũng khiến nhiều lực lượng vũ trang có sự hậu thuẫn của hai quốc gia này giảm các hoạt động thù địch lẫn nhau.
Có thể nói, các nhân tố quyết định đến cục diện an ninh Trung Đông chỉ còn lại các yếu tố: sự chi phối của các siêu cường, vai trò chung của tập thể các nước Hồi giáo Arab trong khu vực và sự tham gia của các bên liên quan trong cuộc chiến Israel – Palestine.
Dự báo tình hình Trung Đông năm 2024
Với những diễn biến đang diễn ra và những yếu tố đang thay đổi ở khu vực, tình hình Trung Đông trong năm tiếp theo khó có thể trở lại trạng thái hòa bình trọn vẹn. Thay vào đó, có thể đưa ra một số dự báo mang tính tương đối như sau:
Thứ nhất, xung đột ở dải Gaza tất nhiên sẽ có nhiều kịch bản phát triển. Tuy nhiên, sẽ không thể đi đến kết cục một bên còn, một bên mất. Sẽ có hai khả năng chính, hoặc cuộc chiến sẽ kéo dài và mở rộng với sự tham gia của nhiều bên hơn, hoặc sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn mong manh, trở lại trạng thái trước thời điểm Hamas thực hiện cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023. Với những diễn biến chiến sự phức tạp trong hơn 2 tháng qua, khả năng quay lại trạng thái trước trước cuộc chiến là không nhiều. Nguy cơ mở rộng cuộc xung đột với nhiều bên tham gia hơn là một thực tế cần được tính đến. Các lực lượng ủng hộ Palestine và phong trào Hamas sẽ có những vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến chống lại Israel.
Thứ hai, cuộc chiến ở Gaza một mặt sẽ tạo thêm động lực đoàn kết thế giới Hồi giáo, nhưng sẽ tạo ra một tình thế phức tạp mới trong quan hệ Iran – Saudi Arabia. Mối quan hệ song phương mới được bình thường hóa này sẽ đứng trước những thách thức mới trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực. Một mặt, với tư cách là đồng minh của Mỹ, Saudi Arabia sẽ chịu những áp lực từ phía đồng minh trong việc hỗ trợ Israel, ít nhất là về mặt chính trị. Điều đó vốn không được nhiều nước Arab mong đợi. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Mỹ đối với Saudi Arabia cũng không còn như trước, hình ảnh Thống đốc Mecca đón Tổng thống Mỹ Biden thay vì người đứng đầu Saudi Arabia đã cho thấy điều đó. Do vậy, Saudi Arabia có thể thực hiện một chính sách cân bằng mới giữa các bên liên quan đến vấn đề xung đột Israel – Palestine.
Thứ ba, xu hướng hòa giải quan hệ giữa các nước Hồi giáo ở Trung Đông sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Đáng chú ý sẽ là quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Syria và các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, theo sau Saudi Arabia, nhiều quốc gia Hồi giáo Sunni khác cũng sẽ có những tín hiệu tích cực trong việc cải thiện mối quan hệ với Iran. Xung đột Israel – Palestine càng leo thang, xu hướng hòa hợp của thế giới Hồi giáo sẽ càng được đẩy mạnh.
Thứ tư, cạnh tranh nước lớn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm tới. Đặc biệt là Mỹ đang có dấu hiệu yếu thế trước sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và Nga ở khu vực này. Điều đó có thể dẫn tới những hành động phiêu lưu mới của Washington. Cũng cần lưu ý rằng, Israel đang là mắt xích quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, như Tổng thống Biden đã từng nói “nếu không có Israel thì Mỹ cũng sẽ tạo ra một Israel khác”[9]. Do vậy, trong trường hợp Israel gặp bất lợi và những tính toán của Mỹ thông qua đồng minh Do Thái này thất bại, Mỹ nhiều khả năng sẽ kích hoạt một điểm nóng mới để can thiệp vào tình hình Trung Đông trong thời gian tới. Mặc dù Nga có những ưu tiên đối với tình hình ở Ukraine, nhưng vấn đề Syria và toàn bộ vành đai Biển Caspian – Biển Đen – Trung Đông – Địa Trung Hải có ý nghĩa chiến lược trong cuộc đối đầu với phương Tây. Kiểm soát tốt vành đai này sẽ càng khiến châu Âu lâm vào thế khó. Các động thái của Mỹ và đồng minh có nguy cơ đe dọa tới vành đai an ninh mới của Nga chắc chắn sẽ vấp phải những phản ứng đáp trả. Đối với Trung Quốc, sự “bế tắc” của Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu (IMEC) tiếp tục nâng cao thêm vị thế của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ở khu vực Trung Đông. Bằng sức ảnh hưởng về kinh tế, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy ngoại giao hòa giải với các quốc gia nằm trên BRI.
Các xu hướng đa chiều sẽ khiến tình hình Trung Đông trong thời gian tới ngày càng trở nên phức tạp hơn. Trung Đông trong năm 2024 về cơ bản vẫn là một điểm nóng đáng chú ý của thế giới, nhưng khả năng đổ vỡ bằng một cuộc chiến quy mô rộng khắp, có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới là không cao. Cuộc xung đột Israel – Palestine có thể mở rộng thêm đối tượng tham gia, nhưng phạm vi xung đột sẽ khó có thể lan rộng liên quan đến lợi ích chồng chéo của các bên. Cục diện cạnh tranh chiến lược ở Trung Đông sẽ chờ đợi một chính sách mới đến từ người kế nhiệm Tổng thống Biden vào cuối năm 2024./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Sputnik Việt Nam (2023), Hành lang kinh tế IMEC: Mỹ tiếp tục nỗ lực để chia rẽ Trung Quốc và Ấn Độ?, https://sputniknews.vn/20230912/hanh-lang-kinh-te-imec-my-tiep-tuc-no-luc-de-chia-re-trung-quoc-va-an-do-25224487.html
[2] Muhammad Wasama Khalid (2023), China and the Middle East: More Than Oil, Modern Diplomacy, https://moderndiplomacy.eu/2023/01/30/china-and-the-middle-east-more-than-oil/
[3] Reuters (2023), Israeli PM: Peace with Saudi Arabia would be ‘giant leap’ towards ending Arab-Israeli conflict, https://www.reuters.com/world/middle-east/israeli-pm-peace-with-saudi-arabia-would-be-giant-leap-towards-ending-arab-2023-04-17/
[4] Thanh Phương (2023), Saudi Arabia tạm dừng đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel, Vietnam Plus, https://www.vietnamplus.vn/saudi-arabia-tam-dung-dam-phan-binh-thuong-hoa-quan-he-voi-israel-post902158.vnp
[5] Thái An (2023), Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 32 với kỳ vọng thúc đẩy hòa bình và phát triển, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-lien-doan-arab-al-lan-thu-32-voi-ky-vong-thuc-day-hoa-binh-va-phat-trien-post753708.html
[6] TTXVN (2023), Tổng thống Iran hoan nghênh Quốc vương Saudi Arabia mời thăm Riyadh, https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-iran-hoan-nghenh-quoc-vuong-saudi-arabia-moi-tham-riyadh-post852163.vnp
[7] Reuters (2023), Foreign ministers of Iran, Saudi meet in China, https://www.reuters.com/world/foreign-ministers-iran-saudi-meet-china-2023-04-06/
[8] Ahmed Rasheed (2023), Iraq and Iran sign deal to tighten border security, Reuters, https://www.reuters.com/world/middle-east/iraq-iran-sign-deal-tighten-border-security-2023-03-19/
[9] President Biden’s statement during his visit to Tel Aviv, https://sv.usembassy.gov/president-bidens-statement-during-his-visit-to-tel-aviv/