Tiếp nội dung phần I
Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện tại
Tình hình bán đảo Triều Tiên đã trở nên căng thẳng cực độ kể từ cuối năm 2023 đến nay khi Triều Tiên liên tục phóng thử các loại tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn (ICBM). Hàn Quốc cũng đáp lại bằng các cuộc tập trận với Mỹ. Hai bên đang cố gắng gia tăng áp lực cho đối phương thông qua các biện pháp quân sự trả đũa liên tiếp.
Hồi đầu tháng 1/2024, Triều Tiên đã bắn hơn 200 quả đạn pháo gần vùng đệm trên biển giữa hai miền Nam Bắc, khiến Hàn Quốc phản ứng lại với hơn 400 quả đạn pháo trong các cuộc tập trận sau đó. Vụ phóng đạn pháo diễn ra 1 ngày sau khi Lục quân Hàn Quốc thông báo, nước này và Mỹ đã tiến hành tập trận bắn đạn thật gần biên giới với Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu chung.
Trong tháng 1/2024, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn (IRBM) vào ngày 14 và thử nghiệm hệ thống hạt nhân dưới nước Haeil-5-23 vào ngày 19. Sau đó ngày 24/1, Triều Tiên đã phóng một số tên lửa hành trình hướng ra Hoàng Hải. Đây là vụ phóng thử tên lửa hành trình đầu tiên của quốc gia Đông Bắc Á trong năm 2024. Các cuộc thử nghiệm vũ khí của quốc gia Đông Bắc Á này diễn ra trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa kết thúc tập trận chung trên vùng biển ngoài khơi đảo Jeju (Hàn Quốc)[1].
Ngày 15/01/2024, Chủ tịch Kim Jong-un đã phát biểu trước Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên rằng Hàn Quốc là “kẻ thù chính” của đất nước, công dân của họ không còn được coi là người cùng dân tộc với Triều Tiên và việc thống nhất với Hàn Quốc là không còn khả thi nữa. Ông Kim nói: “Thực tế mối quan hệ Bắc – Nam không còn là mối quan hệ họ hàng hay cùng chung một dân tộc, mà là mối quan hệ của hai quốc gia thù địch, hai bên tham chiến trong chiến tranh.” Kim Jeong-min, nhà phân tích tại NK Pro có trụ sở tại Seoul cho rằng “nhà lãnh đạo Triều Tiên đang cố gắng giải quyết mâu thuẫn ý thức hệ phức tạp giữa hai nước và lập trường lịch sử rằng hai nước cuối cùng vẫn là đồng bào để được đoàn tụ”[2]. Việc cắt đứt mối quan hệ dân tộc để xác định hai quốc gia riêng biệt có thể là bước đệm cho hai chiều hướng, một là bình thường hóa quan hệ, hai là phát động chiến tranh. Trong đó, một số các nhà phân tích khác cũng cảnh báo rằng ông Kim có thể đang đặt nền móng cho một cuộc tấn công hạt nhân trong tương lai. Ông Kim cũng đã phát biểu thêm về nguy cơ chiến tranh với Hàn Quốc: “Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi cũng không có ý định tránh nó”.
Cách tiếp cận của Joe Biden trong bối cảnh hiện nay
Đối với Hàn Quốc
Trong chính sách hiện tại của Biden, Hàn Quốc chỉ là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn. Tuy nhiên, để bảo vệ đồng minh khỏi bất kỳ sự tấn công nào từ Triều Tiên, Mỹ vẫn sẽ duy trì sự hiện diện quân sự cùng các hoạt động tư vấn chiến lược khác và không thể thiếu tập trận chung để răn đe Triều Tiên. Chính quyền Biden sẽ cố gắng thiết lập một liên minh ba bên Mỹ – Nhật – Hàn có ý nghĩa hơn trong việc răn đe Triều Tiên, đảm bảo an ninh cho khu vực Đông Bắc Á và rộng hơn là cùng phối hợp trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với viễn cảnh về một sự chuyển đổi lớn trong quan hệ đồng minh. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nghĩa là sức nặng của chính sách an ninh của Mỹ ở châu Á sẽ chuyển từ trọng tâm truyền thống sang một khu vực rộng lớn hơn nhiều trải dài từ Nam Á đến Đông Bắc Á. Và Seoul giờ đây sẽ phải đánh giá lại cách tiếp cận của mình đối với Triều Tiên và Trung Quốc trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn thay vì đi theo một con đường độc lập.
Đối với Triều Tiên
Khi Triều Tiên đã trở thành một vấn đề “bớt quan trọng” trong chiến lược an ninh của Mỹ, nó cũng tạo ra một câu hỏi hóc búa cho Kim Jong Un: khi Mỹ đã hạ thấp ưu tiên phi hạt nhân hóa để ủng hộ răn đe, mối đe dọa khiêu khích của Triều Tiên không còn tạo ra sự cấp bách cho hành động ở Washington. Điều này trên thực tế đã vô hiệu hóa một đòn bẩy tâm lý lớn mà Triều Tiên sở hữu đối với Mỹ[3]. Những động thái gần đây của Triều Tiên đang thể hiện tham vọng lớn hơn của nước này và buộc Mỹ phải chú ý. Tuy nhiên, với cách tiếp cận không rõ ràng trong chiến lược của Tổng thống Biden, rất khó để tìm thấy đối thoại ngoại giao nghiêm túc giữa hai bên.
Tương lai chính sách của Mỹ sau cuộc bầu cử 2024
Ý chí của Tổng thống Mỹ, định hướng và phong cách chính sách đối ngoại, và sự điều chỉnh nhân sự, đặc biệt là những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có tác động trực tiếp đến chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên.
Thực tế, vướng mắc trọng tâm vẫn là Triều Tiên khó có thể sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Thứ nhất, nó mang lại cho Kim Jong-un một con bài mặc cả để đạt được sự công nhận quốc tế về chế độ của mình. Thứ hai, nó phục vụ như một phương tiện để đảm bảo sự tồn tại của chế độ, chống lại bất kỳ mối đe dọa quân sự bên ngoài nào. Và cuối cùng, nó tiếp tục hỗ trợ tham vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự kiểm soát của Bắc Triều Tiên. Sydney Seiler, cựu sĩ quan tình báo quốc gia về Triều Tiên, nói rằng “Triều Tiên đã nói rõ rằng họ không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào trong chương trình của mình. Họ nói rằng họ sẽ phi hạt nhân hóa chỉ khi thế giới phi hạt nhân hóa”.[4] Do đó, mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là vô cùng khó khăn, mà không thể chỉ dựa vào Mỹ và Hàn Quốc. Một bài viết trên The Korea Times cho rằng “Washington có ba lựa chọn cơ bản: duy trì các biện pháp trừng phạt trong khi Triều Tiên tiếp tục xây dựng lực lượng hạt nhân; tham chiến để chế ngự Triều Tiên hoặc đàm phán để làm chậm hoặc đóng băng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng”[5].
Nếu Biden tiếp tục là Tổng thống Mỹ trong 4 năm tới, có thể dự đoán ông vẫn sẽ duy trì cách tiếp cận như hiện tại đến bán đảo Triều Tiên – chỉ là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tổng thể. Cùng với việc nâng cao mối quan hệ liên minh Mỹ – Hàn, Mỹ sẽ thu hút cả Nhật Bản vào chủ đề Triều Tiên. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên khó có thể diễn ra sớm, khi cả hai bên vẫn chưa thể bỏ qua các các cuộc gặp năm 2018 và 2019 dưới thời Trump[6]. Frank Aum, chuyên gia về Đông Bắc Á tại Viện Hòa bình Mỹ cho rằng: “cả hai bên dường như không ưu tiên ngoại giao trong tương lai một cách nghiêm túc”.
Nếu ông Trump trở lại cương vị Tổng thống Mỹ, với sự chỉ trích ông dành cho chính quyền Biden hiện tại, Trump sẽ đưa ra những cách tiếp cận mà ông cho là cần thiết và hiệu quả: Nối lại đàm phán với ông Kim Jong-un. Cựu Tổng thống Trump tiết lộ rằng ông vẫn duy trì liên lạc với ông Kim Jong-un qua thư. Nếu Trump có thể nối lại đàm phán với ông Kim, sẽ mở ra những cơ hội mới để tìm hiểu và đi đến những thỏa thuận dù ngắn hạn để ổn định khu vực Đông Bắc Á.
Jason Knight, một sỹ quan thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Colorado cho rằng, không giống “kiên nhẫn chiến lược”, việc tích cực theo đuổi đối thoại có ý nghĩa để đạt được một khu vực ổn định bất kể tình trạng hạt nhân của Triều Tiên có tiềm năng cao nhất dẫn đến một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo[7]. Frank Aum, một chuyên gia về Đông Bắc Á tại Viện Hòa bình Mỹ cho biết: “Một đề xuất để đóng băng chương trình của Triều Tiên trong khi không phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong ngắn hoặc trung hạn có thể là cách tiếp cận thực tế hơn với tình hình hiện tại. Và đó có thể là cách duy nhất”[8].
Tuy nhiên, đối với Hàn Quốc, sự trở lại của ông Trump có thể gây ra những bất ổn về an ninh và kinh tế của Seoul. Giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Ajou – Lee Wang-hwi cho biết: “Thách thức xuất phát từ khả năng Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, chính sách của ông ấy hoàn toàn không thể đoán được. Điều này gây ra những bất ổn không thể kiểm soát được, gây tổn lại đến Hàn Quốc”[9].
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine và Chiến tranh Israel-Hamas đang diễn ra, không chắc chắn rằng Nhà Trắng trong tương lai bất kể vị tổng thống nào tại vị sẽ quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề của Triều Tiên, vì mức độ đe dọa hạt nhân của Triều Tiên sẽ không có tác dụng như những năm trước. Do đó, Triều Tiên sẽ tập trung phát triển vũ khí hạt nhân mới tiên tiến nhằm nâng cao lợi thế cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ. Bình Nhưỡng sẽ đặt nền móng cho một số kịch bản trong tương lai trong đó ông Kim có thể có một cuộc gặp thượng đỉnh khác với Trump nếu ông đắc cử tổng thống, còn nếu Biden tái đắc cử có nghĩa là không có đối thoại và đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên trong 4 năm nữa.
Tác động đối với khu vực Đông Bắc Á và toàn cầu
Việc đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ mang lại hòa bình và ổn định không chỉ đối với bán đảo này mà còn cả các quốc gia Đông Bắc Á và rộng hơn nữa.
Đối với khu vực Đông Bắc Á
Các cuộc đàm phán và ngoại giao xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ảnh hưởng đến mối quan hệ của Mỹ với tất cả các cường quốc trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Với sự xấu đi nghiêm trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Nga trong những năm gần đây, việc ngăn chặn và quản lý các cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đã trở nên vô cùng khó khăn, và sự ổn định chiến lược khu vực có thể phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Quan hệ giữa Mỹ và Nga đã rơi vào đối đầu toàn diện kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ. Hiện tại, Mỹ, Trung Quốc và Nga không chỉ không còn coi vấn đề hạt nhân Triều Tiên là ưu tiên, mà sự khác biệt giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga về vấn đề bán đảo Triều Tiên ngày càng mở rộng. Trong khi đó, để đạt được phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên, dù ngắn hạn hay dài hạn, đều cần sự phối hợp của nhiều bên trong đó các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga là rất quan trọng. Trong khi Mỹ cố gắng gây áp lực lên Triều Tiên thông qua các trừng phạt về kinh tế, Triều Tiên tìm cách hợp tác với Trung Quốc và Nga như một giải pháp. Một trường hợp điển hình là Trung Quốc và Nga phủ quyết một nghị quyết mới về các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an vào tháng 5/2022[10]. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu Triều Tiên tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình và Mỹ và các đồng minh thực hiện nhiều biện pháp răn đe hạt nhân hơn chống lại Triều Tiên, sự ổn định chiến lược khu vực sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Zhang Tuosheng, cựu giám đốc Ủy ban học thuật của Quỹ Cơ sở Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Trung Quốc và là thành viên của Ủy ban Học thuật của Cơ sở Nghiên cứu Trao đổi Nhân dân Trung-Ngoại của Đại học Bắc Kinh tin rằng trong điều kiện như vậy, một cuộc đối đầu tương tự như Chiến tranh Lạnh có thể xảy ra trên bán đảo và ở Đông Bắc Á[11].
Bên cạnh đó, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự lạnh nhạt của liên minh Mỹ-Hàn có thể khuyến khích Seoul theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình nhằm đối trọng với Triều Tiên. Ông Yoon hồi đầu năm 2023 đã tuyên bố rằng Seoul có thể theo đuổi chương trình hạt nhân nếu mối đe dọa từ Triều Tiên gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên điều này sẽ kéo theo thêm sự tham gia của Nhật Bản trên con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Trong tương lai, nếu Triều Tiên tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân và phát triển nhiều khả năng chiến tranh theo kế hoạch được công bố tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Lao động Triều Tiên, trong khi Mỹ tăng cường triển khai tên lửa hạt nhân và chống tên lửa trong khu vực và mở rộng khả năng răn đe mở rộng chống lại các đồng minh, sự ổn định chiến lược khu vực sẽ tiếp tục bị suy yếu. Vào thời điểm đó, sẽ không có cảm giác an toàn giữa Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Trung Quốc và Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp đối phó để duy trì sự cân bằng chiến lược của họ, một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng và tiến thoái lưỡng nan về an ninh hạt nhân sẽ xuất hiện ở Đông Bắc Á.
Cũng có khả năng Triều Tiên không còn quan tâm đến một thỏa thuận với Mỹ khi có mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga. Tháng 9/2023, Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đã gặp Tổng thống Nga Putin tại Nga khi công du nước ngoài lần đầu tiên sau 4 năm. Ông Mitch Shin, nghiên cứu viên của Viện Chính sách An ninh và Phát triển (ISDP), Trung tâm Stockholm Hàn Quốc cho rằng: “Trong bối cảnh Triều Tiên nhấn mạnh vào ngoại giao với Nga và tập trung vào việc xây dựng quân đội, không có dấu hiệu nào cho thấy họ quan tâm đến việc nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ với Mỹ. Vì chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Triều Tiên dường như là phiên bản cập nhật của cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Obama, nên Triều Tiên không quan tâm đến việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ[12]”. Trong trường hợp xấu nhất, một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ có tác động nghiêm trọng đến an ninh và kinh tế khu vực.
Đối với toàn cầu
Việc Triều Tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân chiến lược, nghiên cứu và phát triển tên lửa nhiều đầu đạn, phát triển tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn trên đất liền và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm chắc chắn sẽ buộc Mỹ phải đẩy nhanh việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa, mở rộng số lượng tên lửa đánh chặn chiến lược và đầu tư hơn nữa vào phát triển công nghệ chống tên lửa mới. Với vị trí địa lý của Triều Tiên, một vụ tấn công tên lửa từ quốc gia này nhằm vào Mỹ sẽ có đường bay tương tự như một cuộc tấn công tên lửa từ Trung Quốc và Nga. Có nghĩa là hệ thống chống tên lửa chiến lược mà Mỹ sử dụng để phòng thủ chống lại Triều Tiên cũng sẽ có khả năng đánh chặn nhất định chống lại các tên lửa chiến lược từ Trung Quốc và Nga. Điều này, cùng với tuyên bố công khai của Triều Tiên về ý định phát triển khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu, sẽ tiếp tục thúc đẩy Mỹ mở rộng khả năng chống tên lửa để đảm bảo rằng ngay cả một loạt tên lửa lớn từ Triều Tiên cũng có thể bị đánh chặn một cách hiệu quả. Xu hướng này có khả năng làm trầm trọng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh đã xuất hiện giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga về vấn đề phòng thủ tên lửa, làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa ba cường quốc, làm xấu đi hơn nữa mối quan hệ giữa các cường quốc và mang lại tác động tiêu cực nghiêm trọng và lâu dài đối với an ninh khu vực và quốc tế. Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều xung đột diễn ra trên nhiều nơi, mà nổi bật là cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và xung đột ở dải Gaza vẫn tiếp tục, sẽ khiến tinh thần căng thẳng trên toàn bộ thế giới về nguy cơ chiến tranh và xung đột tràn lan. Từ đây, các hậu quả về suy thoái kinh tế cũng sẽ nghiêm trọng thêm.
Việt Nam cần lưu ý điều gì?
Trong một thế giới biến động không ngừng, sự tương tác giữa các quốc gia cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Mỹ – quốc gia có ảnh hưởng lớn đến các vấn đề khu vực và toàn cầu, có thể dễ dàng thay đổi chính sách tiếp cận của mình theo kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống. Việt Nam cần thận trọng trong mối quan hệ với Mỹ ở từng thời kỳ. Ngay đồng minh như Hàn Quốc cũng sẽ là công cụ của Mỹ trong một kế hoạch to lớn hơn, việc cảnh giác để tránh rơi vào tình thế bị động, tự biến mình trở thành điều kiện trao đổi của các nước lớn là cần thiết và quan trọng.
Vấn đề ở bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên phức tạp hơn, Việt Nam tuy không phải là một bên trực tiếp liên quan, nhưng cũng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực cả trực tiếp lẫn gián tiếp trong trường hợp khủng hoảng thực sự nổ ra. Việt Nam khẳng định luôn nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực nhằm giải trừ, chống phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc. Từ đó, Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy đối thoại và đàm phán giữa các bên liên quan về vấn đề này, giống như việc Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều vào tháng 2/2019.
Cuộc khủng hoảng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên đặt ra nhu cầu cấp thiết về những nỗ lực ngoại giao cần trở nên rõ ràng hơn. Giảm căng thẳng leo thang, khôi phục các kênh đối thoại và giải quyết các mối lo ngại hạt nhân ngày càng gia tăng là điều tối quan trọng và bắt buộc. Sự tham gia của cộng đồng quốc tế vào các sáng kiến hợp tác và chiến lược là rất quan trọng để khôi phục sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và ngăn chặn những hậu quả thảm khốc tiềm tàng của tình trạng thù địch gia tăng. Trong cấu trúc an ninh khu vực, ASEAN nổi lên như một nhân tố quan trọng, có khả năng xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên nhờ ảnh hưởng khu vực và vị thế ngoại giao của khối này. Là một tổ chức được tôn trọng, ASEAN nhận được sự tin tưởng của cả Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, tạo ra một nền tảng trung lập cho các hoạt động đối thoại. Việt Nam với tư cách Đối tác Chiến lược Toàn diện của Mỹ và là quốc gia có cùng chế độ Xã hội Chủ nghĩa với Triều Tiên, có tiềm năng đóng góp vào những nỗ lực hòa giải giữa các nước./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Bảo Minh (2024), Triều Tiên phóng tên lửa hành trình lần đầu trong năm 2024, Báo Việt Nam và Thế Giới, https://baoquocte.vn/trieu-tien-phong-ten-lua-hanh-trinh-lan-dau-trong-nam-2024-258530.html
[2] Christian Davies (2024), Kim Jong Un abandons aim of unification with South Korea, Financial Times, https://www.ft.com/content/206dd3e6-19db-4cdf-932a-033c92a1a221
[3] Go Myong-Hyun, Biden’s North Korea Policy : Alliance Transformation before Denuclearization, The ASAN Institute for Policy Studies, https://en.asaninst.org/contents/bidens-north-korea-policy-alliance-transformation-before/
[4] Alexander Ward, Trump considers overhauling his approach to North Korea if he wins in 2024, POLITICO, https://www.politico.com/news/2023/12/13/trump-north-korea-nuclear-weapons-plan-00131469
[5] Join Burton, Differences over NK nuclear weapons may emerge, The Korea Times, https://www.koreatimes.co.kr/www/opinon/2023/12/202_365867.html
[6] Elisabeth Suh, Biden’s North Korea Policy, DGAP, https://dgap.org/en/research/publications/bidens-north-korea-policy
[7] Jason Knight, The End of Strategic Patience: The North Korea Dilemma, The Strategy Brigde, https://thestrategybridge.org/the-bridge/2018/1/17/the-end-of-strategic-patience-the-north-korea-dilemma
[8] Alexander Ward, Trump considers overhauling his approach to North Korea if he wins in 2024, POLITICO, https://www.politico.com/news/2023/12/13/trump-north-korea-nuclear-weapons-plan-00131469
[9] Ji Da-gyum (20024), Korea enters 2024 in fog of uncertainties, The Korea Herald, https://www.koreaherald.com/view.php?ud=20240101000169
[10] Báo điện tử VTV, Nga, “Trung Quốc phủ quyết nghị quyết trừng phạt Triều Tiên tại HĐBA LHQ”, https://vtv.vn/the-gioi/nga-trung-quoc-phu-quyet-nghi-quyet-trung-phat-trieu-tien-tai-hdba-lhq-20220527120540883.htm
[11] 张沱生 (2022), 朝鲜半岛形势恶化,如何维持地区战略稳定?, https://www.thepaper.cn/newsDetail_forward_20193775
[12] Mitch Shin (2024), Previewing North Korea’s Strategic Moves in 2024, The Diplomat, https://thediplomat.com/2023/12/previewing-north-koreas-strategic-moves-in-2024/