Ngày 24/2/2024 – tròn 2 năm xảy ra xung đột Nga-Ukraine – cuộc chiến mà phía Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Đối với người Nga, đây là cuộc chiến tranh bắt buộc nhằm đảm bảo lợi ích an ninh của nước này. Trong khi đó, từ phía Ukraine, 2 năm là quãng thời gian dài đằng đẵng với những tổn thất nặng nề và Kiev vẫn chưa tìm được chiến lược phù hợp nhằm đối phó với các lực lượng quân sự của Moskva. Vậy rằng, hai năm qua, cuộc chiến này đã đạt được những kết quả gì đối với cả hai phía? Tình hình hiện tại của Ukraine ra sao? Tác động của cuộc xung đột ấy như thế nào và có thể dự báo điều gì về tương lai của cuộc xung đột Nga – Ukraine trong bối cảnh thế giới đầy biến động sắp tới?
Một số điểm nhấn đáng chú ý của cuộc chiến tại Ukraine thời gian qua
Cuộc phản công hè – thu của Ukraine không đạt được kết quả như mong đợi
Cuộc phản công của Ukraine năm 2023 (Ukrainian counteroffensive) chính thức diễn ra vào ngày 4/6/2023[1]. Trong chiến dịch phản công này, phía Ukraine đã phát động một cuộc tấn công ồ ạt trên diện rộng và quy mô lớn nhằm vào các lực lượng Nga chiếm đóng, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến nhằm khôi phục lại lãnh thổ của Ukraine và duy trì sự ủng hộ của phương Tây[2].
Tuy nhiên đã 6 tháng trôi qua kể từ khi Ukraine mở màn chiến dịch phản công mùa hè nhằm giành lại lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền Đông, quân đội Kiev vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trước các lớp phòng thủ của Nga. Hệ thống phòng thủ của Nga ở khu vực miền Đông Ukraine được đánh giá là có quy mô và kiên cố nhất châu Âu kể từ Thế chiến II, thực sự đã gây ra khó khăn cho Ukraine và mang lại hiệu quả cực kỳ lớn cho Nga. Triển vọng ban đầu về một chiến thắng vang dội của Ukraine, cắt đứt cây cầu trên bộ nối liền Nga với bán đảo Crimea do nước này chiếm đóng, giờ đây đang dần tan biến. Nhìn vào dòng thời gian sự kiện dưới đây có thể thấy một số vấn đề lớn:
Một số nguyên nhân khiến Ukraine bế tắc trong cuộc phản công:
Thứ nhất, chiến lược phản công có nhiều điểm bất cập. Vào tháng 8/2023, Tổng thống Ukraine Zelensky đã tiết lộ rằng họ sẽ khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine ở Crimea do Nga sát nhập – một động thái mà ông nói sẽ giúp thiết lập lại “luật pháp và trật tự thế giới” và đây sẽ là “bước phản chiến lớn nhất”. “Tất cả bắt đầu với Crimea và sẽ kết thúc với Crimea”[4], ông Zelensky nói trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Crimea, một diễn đàn nhằm khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và chấm dứt việc Nga sáp nhập Crimea.
Chính vì vậy, cũng có thể thấy rằng trọng tâm của cuộc phản công được thực hiện bởi Ukraine là mặt trận Zaporizhzhia, chiến trường được các nhà phân tích quân sự coi là con đường trực tiếp nhất để chia cắt lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine. Trải dài 80 km (50 dặm) từ Orikhiv, uốn lượn qua Tokmak và gặp nhau tại Melitopol, tuyến đường này nhằm mục đích cắt đứt các tuyến cung cấp quan trọng của Nga tới Crimea (hình 2)[5]
Do đó, Nga đã tập trung xây dựng tuyến phòng ngự có chiều sâu ở khu vực đó. Ukraine đã quyết định chiến lược tấn công ba trục cùng một lúc, với hy vọng làm cạn kiệt các đơn vị dự bị của Nga. Nhưng kết quả là các lực lượng, đặc biệt là pháo binh lại bị dàn trải thêm. Các hoạt động tấn công ở phía nam, mặt trận quan trọng nhất, được tiến hành bởi những đội quân thiếu kinh nghiệm hơn, mới được huấn luyện. Khi cuộc tấn công ban đầu thất bại, Ukraine chuyển sang tấn công bằng các đơn vị nhỏ hơn, nhằm bảo toàn tính mạng và trang thiết bị, nhưng không đạt được kết quả mang tính đột phá nào. Kofman nói: “Ukraine không có bất kỳ lựa chọn dễ dàng nào, và cuộc tấn công ba mũi nhọn đã không mang lại kết quả”[6]. Chính vì vậy, đến cuối cùng lực lượng Ukraine bị chia cắt. Sức mạnh cũng từ đó mà bị phân tán và bào mòn, khiến Ukraine khó khăn trong việc xuyên qua lớp phòng thủ của Nga.
Thứ hai, tiến độ tấn công của Ukraine chậm đã kéo dài thời gian, tạo thuận lợi cho Nga chuẩn bị hệ thống phòng thủ nhiều lớp. Thời điểm Ukraine phản công kéo dài nên Nga đã có thời gian củng cố tiền tuyến, đặc biệt là ở Zaporizhzhia. Ukraine đã chờ đợi nhiều tháng để bắt đầu cuộc tấn công trong khi huấn luyện quân đội, vận chuyển vũ khí phương Tây và tranh luận về chiến lược. Trong khi đó, Nga đã có thời gian để đào hào và đặt mìn dọc theo các khu vực chiến lược của mặt trận. “Phòng tuyến Surovikin” thực chất nó là một “trận đồ Surovikin” tinh vi. Hệ thống phòng ngự này được vận hành dựa trên nền tảng công nghệ vũ khí tiên tiến, kết hợp bố trí bãi mìn, khu vực hỏa lực và điểm săn xe tăng một cách hiệu quả. Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine không thể tìm ra cách hóa giải “trận đồ Surovikin”[7]. Do vậy, Zaporizhia trở thành “cối xay thịt” đối với các loại xe tăng hiện đại như Leopard 2 của Đức, Bradley và Stryker của Mỹ. Lực lượng xung kích Ukraine từ đó liên tục chịu tổn thất nặng nề hoặc sa vào bãi mìn, hoặc bị tấn công dữ dội tại các khu vực hỏa lực do Nga thiết lập sẵn. Bên cạnh đó, địa hình mở, bằng phẳng trong khu vực khiến Ukraine khó di chuyển hơn với bất kỳ yếu tố bất ngờ nào.
Thứ ba, Ukraine không đủ nhân lực và vũ khí. Trong 6 tháng tổng phản công và giao tranh dữ dội, Ukraine chỉ tiến được 7,5 km, đến làng Robotyne. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho rằng Nga có thể có lợi thế địa lý và lực lượng mạnh hơn. Khoảng 500.000 binh sĩ Nga hiện đang tập trung ở Ukraine, với ít nhất 300.000 người bên trong lãnh thổ Ukraine. Phương Tây tin tưởng Ukraine có đủ sức mạnh cho cuộc chiến hè-thu. Tuy nhiên, Ông Reznikov nói rằng, Ukraine vẫn đang “thiếu hụt trong huấn luyện và cung cấp đạn dược”[8]. Tướng Richard Barrons, chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp Anh (2013-2016), cho biết có những lo ngại rằng hệ thống phòng không cạn kiệt của Ukraine có thể phải đối mặt với một loạt tên lửa của Nga một khi cuộc phản công bắt đầu và việc thiếu vũ khí như vậy đang khiến Ukraine gặp bất lợi nghiêm trọng[9].
Mặc dù còn những nguyên nhân khác để có thể phân tích nguyên nhân của kết quả không mấy tích cực của trận hè-thu của Ukraine, tuy nhiên các vấn đề nêu trên là những nguyên nhân rõ ràng và cũng là căn bản cho thấy sự yếu thế của Ukraine để đạt được mục tiêu trong các chiến dịch phản công lần này.
Cán cân lực lượng Ukraine – Nga sau 2 năm xung đột
Cuộc phản công hè – thu 2023 của Ukraine đã không chiếm được bất kỳ lãnh thổ quan trọng nào, chưa nói đến việc tiến gần đến Biển Azov, nơi có thể gây áp lực lên việc Nga kiểm soát Crimea. Mà qua đó còn làm cho Nga ngày càng tăng cường lực lượng và sức mạnh quân sự, làm suy yếu các cơ quan phòng thủ của Ukraine. Điều này khiến tổn thất của Kiev tương đối đáng kể.
Vào ngày 29/12/2023, Nga đã bắn hơn 150 tên lửa và thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các thành phố và thị trấn trên khắp Ukraine. Sau 2 năm kể từ ngày bắt đầu cuộc xung đột, đây là cuộc tấn công ở quy mô lớn nhất vào Ukraine của Nga[10]. Các quan chức cho biết Nga đã phóng 122 tên lửa và 36 máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu của Ukraine, gây ra nhiều thiệt hại cho nước này. Một quan chức không quân Ukraine cho biết đó là vụ tấn công trên không lớn nhất trong cuộc chiến kéo dài 22 tháng. Các quan chức Ukraine cho biết ít nhất 144 người bị thương và một số người chưa xác định bị chôn vùi dưới đống đổ nát trong cuộc tấn công dữ dội kéo dài khoảng 18 giờ[11].
Theo một phân tích từ tờ Times, tính đến tháng 9/2023, Nga đã kiểm soát thêm 200 dặm vuông lãnh thổ ở Ukraine so với thời điểm đầu năm 2023. Ở các thủ đô phương Tây, sự thất vọng này đã gây ra một loạt chỉ trích. Đảng Cộng hòa ở Washington đã viện vào lý do đó để đặt câu hỏi về giá trị viện trợ tiếp theo của Mỹ cho Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine đã nói: “Điều mà Chính quyền Biden dường như đang yêu cầu là hàng tỷ đô la bổ sung mà không có sự giám sát phù hợp, không có chiến lược rõ ràng để giành chiến thắng và không có bất kỳ điều gì về những câu trả lời mà tôi nghĩ người dân Mỹ mắc nợ”[12]. Mối nguy hiểm đối với Ukraine là sự bi quan của phương Tây trở thành hiện thực. Mykola Bielieskov, một nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev, nói: “Những người hoài nghi ở phương Tây đã được đưa ra một lập luận rất thuyết phục: đâu là sự đảm bảo rằng nếu chúng tôi cung cấp thêm 60 tỷ USD nữa” – số tiền mà Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu Quốc hội phê duyệt – “kết quả sẽ khác thế nào?”[13]
Trong khi đó, Nga đã bơm hàng tỷ USD vào sản xuất vũ khí và các ngành công nghiệp liên quan. Chi tiêu quốc phòng chiếm gần 1/3 ngân sách nhà nước trong năm 2023, trong thời gian đó các nhà máy của Nga sẽ sản xuất tới 3 triệu quả đạn pháo, một con số lớn hơn so với sản lượng từ Mỹ và châu Âu cộng lại. Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu sản phẩm, công nghệ và dịch vụ quân sự và lưỡng dụng của Nga cho biết tổng giá trị đơn hàng mà công ty nhận năm 2023 đạt trên 55 tỷ USD, mức cao nhất 23 năm qua[14].
Theo ước tính, vào hè năm 2022, Ukraine đã bắn 7 nghìn quả đạn pháo mỗi ngày và Nga bắn 5 nghìn quả đạn pháo mỗi ngày. Sau 2 năm, tỷ lệ đó đã thay đổi đáng kể theo hướng ngược lại, Nga bắn 10.000 quả đạn pháo cho mỗi 2.000 quả đạn pháo do Ukraine phóng. Nga ngày càng tăng cường vũ khí đạn dược, trong khi đó dường như Mỹ và Phương Tây đang ngày càng mất kiên nhẫn và “cạn kiệt” nguồn trợ cấp cho Ukraine. Chính vì vậy, khi Ukraine càng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài, và khi sử dụng nguồn lực ấy một cách không hiệu quả, thì ngay lập tức sẽ có những sự hoài nghi, ngay cả những sự chỉ trích, cắt bỏ toàn bộ những sự viện trợ cho Ukraine. Đến lúc đó, việc kéo dài thêm thời gian chỉ làm mọi thứ trở nên tồi tệ đối với Ukraine.
Tình hình Ukraine sau 2 năm xung đột
Những thay đổi của nền kinh tế Ukraine
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine từ ngày 24/2/2022 đến nay vẫn tiếp diễn và vẫn chưa có hồi kết.
Vào năm 2021, theo dữ liệu của World Bank, GDP của Ukraine đạt tăng trưởng dương 3,4%, tuy nhiên đến năm 2022 do ảnh hưởng nặng nề của cuộc xung đột Nga – Ukraine, GDP giảm tới 29,1% (hình 3)[15]. GDP danh nghĩa là 159 tỷ USD vào năm 2022 và GDP bình quân đầu người đạt 4.005 USD so với mức bình quân toàn cầu là 10.589 USD[16]. Nhìn chung, thời điểm đầu cuộc xung đột, là nước bị động hơn, chính vì vậy GDP của Ukraine giảm xuống một cách đáng báo động gây ra tình trạng khủng hoảng khắp đất nước. Mặc dù được sự giúp đỡ của Mỹ và Phương Tây, tuy nhiên năm 2022, Ukraine chưa thể vực dậy nổi kinh tế nước mình.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP của Ukraine đã đạt 5% vào năm 2023 sau khi giảm xuống mức trầm trọng năm 2022. Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) kỳ vọng sự phục hồi kinh tế của Ukraine sẽ tiếp tục và đến tháng 1/2024, Bộ Kinh tế Ukraine cho biết tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine đạt 3,5% (±1%) so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu đầu tư ngày càng tăng và khả năng hậu cần mở rộng. “Các yếu tố chính hỗ trợ các động lực kinh tế tích cực vào đầu năm là nhu cầu đầu tư ngày càng tăng do ngân sách tạo ra, cũng như khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài cho các nhà sản xuất trong nước do mở rộng khả năng hậu cần”[17], Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yuliia Svyrydenko cho biết.
Tình hình xã hội
Cuộc chiến vẫn kéo dài, đặc biệt là ở các khu vực phía đông và phía nam đất nước, nơi pháo kích và các cuộc tấn công có chủ đích vào cơ sở hạ tầng. Các cuộc bắn phá dữ dội và dữ dội kết hợp với giao tranh trên bộ tiếp tục diễn ra trong suốt năm 2023, gây ra các thiệt hại về người và tài sản. Theo Dự án Dữ liệu Sự kiện & Vị trí Xung đột Vũ trang (ACLED), đã có hơn 47.000 sự cố liên quan đến đụng độ vũ trang, không kích và các cuộc tấn công khác trên khắp Ukraine vào năm 2023, tăng hơn 12.000 vụ so với năm 2022[18]. Những sự cố này đã gây ra thiệt hại và phá hủy trên diện rộng nhà cửa, bệnh viện, trường học và cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng, bao gồm cả năng lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình nhân đạo. Mặc dù không có vùng nào trong nước không bị ảnh hưởng nhưng người dân miền Đông và miền Nam vẫn phải gánh chịu sự tàn phá nặng nề hơn do cuộc chiến gây ra.
Tại các cộng đồng tiền tuyến, bao gồm cả các vùng lãnh thổ do Liên bang Nga chiếm đóng, tình hình nhân đạo đang đạt đến mức nghiêm trọng và thảm khốc. Hơn 3,3 triệu người – trong đó có 800.000 trẻ em – sống dọc tiền tuyến cần được hỗ trợ khẩn cấp[19]. Khả năng tiếp cận nước, thực phẩm, chỗ ở đầy đủ, nhiên liệu để sưởi ấm nhà và nấu ăn, sức khỏe, an ninh, các dịch vụ và vật tư thiết yếu khác, cũng như việc làm và sinh kế là vô cùng hạn chế, buộc người dân phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo để đáp ứng nhu cầu của họ.
Vào năm 2023, các cơ sở dân sự luôn đứng trước nguy cơ bị tấn công hàng ngày, với các cuộc tấn công tăng vọt vào cuối năm tương ứng với giai đoạn phản công của Ukraine. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, sự tàn phá khiến gần 720.000 người ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ukraine không có khả năng tiếp cận nhà ở đầy đủ và an toàn[20].
Theo ước tính của WHO, gần 10 triệu người được ước tính có nguy cơ hoặc đang sống chung với tình trạng sức khỏe tâm thần và 3,9 triệu người được ước tính mắc các triệu chứng từ trung bình đến nặng. Theo UNICEF, trẻ em bị ảnh hưởng đặc biệt, với hơn 1,5 triệu bé gái và bé trai cần một số hình thức hỗ trợ để kiểm soát căng thẳng, lo lắng hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Đối với những người di cư, cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới hiện nay. Hàng triệu người tị nạn đã vượt biên sang các nước láng giềng và nhiều người khác phải di dời trong nước. Đến 20/9/2023, Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn một năm sau khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine số công dân Ukraine lưu vong lên đến 4,8 triệu người đã trốn sang một nước thành viên EU và Vương quốc Anh. Về con số tuyệt đối, Ba Lan (khoảng 1,5 triệu) và Đức (khoảng 1 triệu) tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất vào năm 2023. Mỗi nước có số người Ukraine nhiều gấp đôi so với Cộng hòa Séc (490.000), là quốc gia thành viên EU lớn thứ ba tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine theo số liệu của UNHCR. Họ phải sống trong các trại trong một thời gian dài, nơi những người tị nạn sống mà không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết, và nhiều người trong số họ phải đối mặt với bạo lực thể xác và tình dục[21]. Họ mất đất nước, tiền bạc, lối sống, sự an toàn và an ninh. Sự nghiệp của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở trong nước Ukraine nói riêng và các quốc gia nhận người di cư nói chung.
Năng lực quân sự của Ukraine sau 2 năm xung đột
Thứ nhất, về vũ khí quân sự. Khi cuộc xung đột bước vào năm thứ 3, Ukraine đã có kế hoạch sản xuất thêm đạn dược và các hệ thống vũ khí chủ chốt. Mục tiêu tự cung tự cấp lớn hơn xuất hiện khi các đồng minh phương Tây của Ukraine gặp phải sự phản kháng chính trị ngày càng tăng đối với viện trợ quân sự và Nga tăng cường sản xuất vũ khí. Sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine đang giảm dần trong khi Nga mua máy bay không người lái từ Iran và theo Mỹ, tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Ukraine có kế hoạch tăng sản lượng vũ khí nội địa lên gấp 6 lần trong năm 2024. Ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã bắt đầu mở rộng. Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Oleksandr Kamyshin cho biết Ukraine năm ngoái đã tăng gấp đôi sản lượng đạn dược cho các hệ thống pháo cỡ nòng của NATO. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết họ đã sản xuất số lượng thiết bị và vũ khí nhiều gấp ba lần so với năm đầu tiên của cuộc chiến. Trong đó bao gồm xe bọc thép và hệ thống tên lửa chống tăng[22]. Vladyslav Belbas, tổng giám đốc Ukraine Armor, cho biết sản lượng súng cối và xe bọc thép đã tăng ít nhất 10 lần kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022. Khách hàng lớn nhất của họ là chính phủ Ukraine, vốn mua hàng một lần trước cuộc xung đột để đặt hàng dài hạn. Belbas cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi không có nhà đầu tư bên ngoài. Ý tưởng kinh doanh mà chúng tôi có vào lúc này là tái đầu tư lợi nhuận của mình vào công ty để mở rộng khả năng sản xuất”.[23] Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất các hệ thống thiết bị không người lái mà Ukraine đặt mục tiêu trở thành nước tiên phong toàn cầu. Gần 200 công ty đã sản xuất máy bay không người lái ở Ukraine vào năm ngoái, tăng so với 7 công ty vào năm 2022 và sản lượng của họ đã tăng gấp 100 lần.
Như vậy có thể thấy, do thời gian kéo dài, các cuộc phản công có những kết quả không mấy tích cực đã khiến Phương Tây mất kiên nhẫn với Ukraine, khiến Kiev phải tăng cường khả năng “tự cung tự cấp” lên hàng chục hàng trăm lần kể từ thời điểm ban đầu.
Thứ hai, về nhân lực quân sự. Hai năm sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Ukraine thấy mình bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tiêu hao đẫm máu với một quốc gia có dân số đông gấp ba lần. Đó không phải là một cuộc chiến ngang bằng. Với việc Nga vẫn đang cố gắng giành lãnh thổ ở phía đông và phía nam đất nước, cộng với sự chậm trễ trong các gói viện trợ quân sự mới của phương Tây khiến hạn chế về đạn dược và trang thiết bị, giới lãnh đạo Ukraine đang chịu áp lực ngày càng tăng phải tăng cường phòng thủ bằng cách tìm thêm binh sĩ.
Trong những tháng sau chiến dịch của Nga vào tháng 2/2022, hàng chục nghìn thường dân Ukraine đã tình nguyện tham gia bảo vệ đất nước họ. Quân đội Nga đã bị đẩy ra khỏi thủ đô Ukraine và phần lớn vùng đông bắc đất nước. Tinh thần quần chúng và quân đội lên cao. Kiev khi đó thậm chí đã mường tượng ra một chiến thắng có thể xảy ra. Nhưng sau các cuộc phản công của Ukraine không có mấy hiệu quả tích cực, cuộc giao tranh kể từ đó đã rơi vào tình trạng bế tắc chết người. Một lính pháo binh Ukraine phục vụ ở miền đông đất nước, người thường gọi bằng ký hiệu Zvynn cho biết: “Chúng tôi không thấy chuyển động nào”. “Bây giờ chúng tôi chỉ mệt mỏi[24]“. Hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine được cho là đã thiệt mạng. Hàng chục ngàn người khác được cho là đã bị thương. Các yếu tố như: sự giằng co và kéo dài của cuộc chiến, cơ hội hạn chế có một chiến thắng của Ukraine đã làm giảm đáng kể động lực phục vụ quân đội của công dân. Mạng xã hội tràn ngập các video quay cảnh những người bất đắc dĩ bị nhân viên nghĩa vụ tiếp cận và bắt giữ “Họ bắt người trên đường phố’. “Đối với đàn ông, đó là điều đáng sợ nhất hiện nay”[25] một người phục vụ 30 tuổi ở Kiev tên là Yevhen.
Không chỉ không nhận được sự hỗ trợ tích cực về từ bên ngoài, mà nay người dân Ukraine cũng đang dần mất “kiên nhẫn”, sự chia rẽ ngày càng gia tăng, sự đồng thuận ngày càng giảm. Chính điều này đã gây ra những khó khăn rất lớn cho Ukraine khi quân sự là yếu tố quan trọng và quyết định đến con đường kháng chiến của Ukraine thì giờ đây, mọi thứ đang dần trở nên tồi tệ nếu tình trạng giằng co cứ tiếp diễn và kéo dài trong những tháng năm sau này.
Vị thế ngoại giao của Ukraine trong những năm diễn ra xung đột
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt cách đây 2 năm, Ukraine đã ở trong tình thế bị động trong cuộc chiến vì các lợi ích chiến lược của Kiev. Mặc dù vậy, Ukraine đã nhanh chóng tạo dựng và duy trì một liên minh quốc tế rộng rãi gồm các đối tác sẵn sàng trang bị vũ khí cho đất nước. Rõ ràng, để duy trì sự hỗ trợ của thế giới phương Tây trong suốt 2 năm không phải là điều dễ dàng. Chính sách ngoại giao của Kiev đã tỏ ra hiệu quả trong việc kết nối và tăng cường quan hệ với các đối tác phương Tây này. Điều này cho thấy:
Thứ nhất, quyết tâm của Kiev phù hợp với chiến lược chung của thế giới phương Tây. Đó là yếu tố tiên quyết giúp duy trì sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với Ukraine. Vào thời điểm cuộc xung đột vừa xảy ra, trong khi một số chính trị gia và nhà bình luận quốc tế cho rằng Ukraine sẽ khó chống cự trước sức mạnh của Nga hoặc tiếp tục cho rằng các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga là không thể tránh khỏi sự thiệt thòi cho nước này thì Kiev lại khẳng định quyết tâm giải phóng toàn bộ lãnh thổ của họ và đưa ra những lý lẽ thuyết phục để biện minh cho lập trường này. Sự nhất quán trong lập trường của Ukraine đã giúp nước này dần dần thuyết phục được các nước phương Tây. Trong khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu trước đó đã nói về sự cần thiết phải tránh cô lập Nga vì đây là một nền kinh tế lớn, thì đến hiện tại khắp phương Tây ngày càng có sự đồng thuận rằng Nga phải bị đánh bại. Thêm vào đó, quyết định định mệnh của Tổng thống Zelensky trong những ngày đầu tiên của cuộc tấn công là ở lại Kiev thay vì chấp nhận lời đề nghị sơ tán. Câu nói nổi tiếng của ông, “Trận chiến đã đến rồi, tôi cần đạn dược chứ không cần phương tiện di chuyển”[26] là câu nói có ý nghĩa quan trọng giúp thuyết phục các nhà lãnh đạo phương Tây sát cánh cùng Ukraine.
Thứ hai, cách tiếp cận dựa trên lợi ích để xây dựng liên minh giữa các nước có cùng lập trường chống Nga, tập trung vào lợi ích cốt lõi của các thành viên trong nhóm này. Ukraine đã thành công trong việc truyền tải thông điệp rằng cuộc tấn công của Nga là một cuộc xung đột giữa các nền văn minh mang tầm quan trọng toàn cầu. Trong khi một số người cố gắng mô tả cuộc chiến chỉ là một tranh chấp lãnh thổ, Ukraine đã nhất quán giải thích rằng thành công của Nga sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai an ninh quốc tế. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sự hỗ trợ của phương Tây cho nỗ lực cuộc chiến đấu của Ukraine. Bằng cách xác định và giải quyết các lợi ích an ninh cốt lõi của các bên, Ukraine đã có thể thiết lập các mục tiêu rõ ràng và xây dựng lòng tin của mình tại các cơ chế đa phương vốn có chung quan điểm chống Nga, giúp Ukraine có thể kéo dài thời gian như vậy, chứ không phải chịu khuất phục trước Nga.
Mặc dù bên cạnh những nguyên nhân trên thì còn có những lý do khác khiến Phương Tây hỗ trợ cho Ukraine, tuy nhiên cũng nhìn nhận rằng, ngoại giao của Ukraine đã có những thành công nhất định trong việc nâng cao vị thế của họ trong thế giới phương Tây cũng như trong cộng đồng các quốc gia có chung quan điểm chống Nga.
Tác động của cuộc xung đột tới khu vực và toàn cầu trong bối cảnh hiện nay
Hai năm sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, hậu quả của cuộc chiến tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ ra khắp thế giới. Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ tạo ra ảnh hưởng về tình hình địa chính trị mà còn gây ra khó khăn kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng của các khu vực nói riêng và thế giới nói chung
Thứ nhất, ảnh hướng đến nền kinh tế thế giới (đặc biệt trên lĩnh vực lương thực và năng lượng. Ukraine và Nga là những nước xuất khẩu chính lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu ăn, đặc biệt là sang các nước châu Phi và Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã môi giới một thỏa thuận để cho phép ngũ cốc Ukraine đi qua các cảng Biển Đen, nhưng phương Tây luôn cho rằng Nga vẫn đang cản trở việc vận chuyển. Sự gián đoạn đối với dòng hàng hóa này đang làm tăng thêm các thách thức liên quan tới các chuỗi cung ứng khác, đẩy giá lương thực tăng cao và gây ra tình trạng thiếu hụt ở những nơi như Chad[27], Tunisia[28], Sri Lanka… Điển hình vào 4/2022 khi cuộc chiến diễn ra được thời gian ngắn, Sir Lanka cho biết họ cần tạm dừng thanh toán nợ quốc tế để tiết kiệm nguồn dự trữ đô la đang cạn kiệt để nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm, cả hai đều đang thiếu hụt ở đây, góp phần vào vòng xoáy lạm phát tàn khốc. Dữ liệu của ngân hàng trung ương cho thấy, giá gạo và lúa mì trên thị trường đã tăng gấp đôi. Giá dầu diesel đã tăng 60%, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và mất điện trên diện rộng, làm dấy lên các cuộc biểu tình khắp cả nước yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức[29].
Bên cạnh đó, Nga là một trong những nước sản xuất dầu và nhiên liệu lớn nhất thế giới. Các nước châu Âu đã cấm sử dụng dầu, khí đốt và dầu diesel của Nga mà họ phụ thuộc vào, điều này ban đầu khiến giá cả tăng vọt. Nhưng chúng được coi là con dao hai lưỡi và cũng gây ra sự gián đoạn đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng đã gây ra sự rạn nứt sâu sắc giữa chính phủ Nga và phương Tây chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong môi trường kinh tế toàn cầu đặc trưng bởi lạm phát cao, bao gồm chi phí năng lượng tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và các vấn đề kinh tế khác do đại dịch, cuộc khủng hoảng đang làm tăng thêm sự bất ổn của thị trường và biến động giá cả.
Mặc dù thời điểm ban đầu là vậy, từ tháng 2-4/2022 giá dầu thô đã tăng đột biến, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mức giá năng lượng đã quay lại với mức trước xung đột không còn quá cao do động thái của các quốc gia châu Âu nhằm tìm kiếm các nguồn thay thế, cùng với nỗ lực dự trữ và mùa đông ôn hòa, đã phần lớn làm giảm bớt sự tăng giá đó. Bây giờ giá cả đã trở lại mức trước cuộc xung đột xảy ra (hình 4: so sánh giá dầu thô từ trước xung đột xảy ra 12/2021 đến gần thời điểm hiện tại 12/2023 do Cơ quan thông tin Năng lượng Hoa Kỳ )[30].
Thứ hai gây ra tình trạng khủng hoảng di cư nhân đạo trên thế giới. Sau 2 năm, cuộc xung đột dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, hai bên tiếp tục giằng co và tranh chấp lãnh thổ. Kể từ thời điểm cuộc xung đột Ukraine bùng nổ tháng 2/2022 đến 12/2023 có hơn 6.357.100 người di cư trên toàn cầu do Tổng hợp số liệu thống kê của UNHCR do chính quyền cung cấp[31]. Giai đoạn đầu các nước Phương Tây, EU, Mỹ “dang tay chào đón”, tuy nhiên cũng có những nhận định và luồng ý kiến cho rằng: những người tị nạn Ukraine sẽ trở thành gánh nặng cho các quốc gia. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi cũng từng nhận định: “Tình hình diễn biến quá nhanh và mức độ rủi ro cao đến mức các nhà nhân đạo không thể phân phối viện trợ một cách có hệ thống“, theo báo Newsweek. Chính vì vậy, các quốc gia phải thắt chặt hơn những biện pháp kiểm soát đối với người tị nạn Ukraine và “khai thác triệt để tiềm năng con người này”. Một số quốc gia châu Âu có đường biên giới với Ukraine như Ba Lan, Hungary, Romania… đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng buộc người tị nạn phải bươn chải để kiếm sống, điều này khiến chính quyền nước sở tại khó quản lý và kiểm soát tình hình. Làn sóng tị nạn cũng đặt gánh nặng lên vai các nước châu Âu về chăm sóc y tế, việc làm, giáo dục con cái và vấn đề lưu trú bất hợp pháp.
Thứ ba, làm thay đổi tình hình địa chính trị thế giới. Một cuộc xung đột thế kỷ 21 ở châu Âu – do một cường quốc hạt nhân dẫn đầu đã gây lo ngại cho NATO, Liên minh Châu Âu và Liên Hợp Quốc, buộc các nước phải đưa ra những quyết định dẫn đến căng thẳng leo thang và những thay đổi ngoại giao (ví dụ trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù là thành viên NATO, nhưng lại tăng cường thương mại với Nga để đạt được lợi ích của mình, từ đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ chịu sức ép một bên là Nga và bên khác là Mỹ và Phương Tây). Bên cạnh đó, để có thể đối trọng với Nga, Phương Tây đang cố gắng mở rộng tư cách thành viên NATO. Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 830 dặm với Nga, đã được chấp nhận là một phần của liên minh vào năm 2023. Việc Thụy Điển gia nhập NATO đang chờ tất cả các thành viên NATO hiện có chấp thuận.
Thứ tư, ảnh hưởng đến an ninh thế giới. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang đe dọa nguyên tắc cốt lõi làm nền tảng cho trật tự hòa bình và an ninh quốc tế sau Thế chiến II, được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc – cụ thể là cấm đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Các báo cáo về sự leo thang xung đột tiềm tàng với NATO, bao gồm cả mối đe dọa chiến tranh hạt nhân (dù cơ hội nhỏ), gợi nhớ đến một kỷ nguyên chính trị quyền lực đã qua. Cuộc xung đột nhu là “tiền lệ xấu” khi các quốc gia sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của mình.
Một số dự báo về cuộc chiến trong thời gian tới
Trong năm 2024, nhiều dự đoán về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thể kết thúc và gây ra những sự bế tắc nhất định cho Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng: “hai bên đã thực sự lâm vào bế tắc. Một cuộc chiến tiêu hao vẫn đang diễn ra. Nhiều ý kiến dự đoán, năm 2024 này, Ukraine khó phá vỡ được thế bế tắc, thậm chí nhiều khó khăn và nguy hiểm đang chờ đợi phía trước”[32]
Xa hơn, nhiều người cũng dự đoán rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và có thể tiếp diễn đến những năm tiếp theo. Cựu tướng Anh Richard Barrons – nguyên lãnh đạo Bộ chỉ huy lực lượng chung của Vương quốc Anh, nói với CNBC: “Cả hai bên sẽ nghĩ rằng họ vẫn thu được nhiều lợi ích hơn khi chiến đấu. Nga không thể bỏ cuộc, không thể thua, vì những hậu quả tuyệt vọng đối với chế độ Nga, và Ukraine vẫn chưa cạn ý chí chiến đấu và không sẵn sàng từ bỏ lãnh thổ đã bị chiếm đóng, họ chỉ muốn nhiều hơn nữa. giúp lấy lại nó. Và điều đó sẽ đưa chúng ta đến năm 2024 và có thể là năm 2025”[33]. Từ phía Nga, Ukraine hay các quốc gia khác trên thế giới cũng cho rằng cuộc xung đột sẽ tiếp tục kéo dài suốt những tháng này mà không có dấu hiệu kết thúc. Cuộc chiến càng kéo dài càng dự đoán về sự bế tắc của Ukraine ngày càng tăng. Các nguyên nhân căn bản của tình thế bế tắc này có thể nêu ra như sau:
Thứ nhất, sự yếu thế về nhân lực và vũ khí chiến đấu. Nga đã và đang tăng cường sản xuất quốc phòng vũ khí và đạn dược vào cuối năm 2022 có thể tạo ra hơn 2 triệu đạn pháo trong năm 2024, cùng với hàng trăm xe tăng mới được tân trang lại. Theo một số thông tin, kho dự trữ chiến tranh của Nga đang được cả Iran và Triều Tiên bổ sung. Trong khi đó, châu Âu bị hạn chế về đạn dược và khí tài quân sự có thể cung cấp cho Ukraine, khiến nguồn dự trữ của châu Âu cũng cạn kiệt. Thêm vào đó, quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới luôn có lợi thế về quân số để dựa vào quân đội, không giống như Ukraine, quốc gia sẽ ngày càng phải chịu cảnh thiếu nhân lực vào năm tới (Điển hình là Ukraine đang cân nhắc bắt buộc những thanh niên 20 tuổi ra chiến trường chiến đấu và yêu cầu thanh niên đang di cư trở về tham gia vào nghĩa vụ quân sự và nộp thuế).
Thứ hai, nỗi lo sợ tồi tệ nhất của Tổng thống Ukraine Zelensky về sự rạn nứt trong sự thống nhất của phương Tây. Hiện nay sự chia rẽ chính trị ở Mỹ và châu Âu hiện đang cản trở việc cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế. Một số đó là do những hoài nghi về một kết quả có lợi cho Ukraine và sự hao phí về vũ khí và đạn dược khi mọi nỗ lực trong các chiến dịch phản công hè – thu đã thất bại cùng những ý kiến và sự ủng hộ chính trị khác nhau. Chuyến đi tháng 12 của Zelensky tới Washington DC, đã mang lại 200 triệu đô la – thay vì 61 tỷ đô la mà ông mong muốn – cho các loại đạn dược mới vì các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ không hề lay chuyển trước những thay đổi chính sách biên giới mà họ yêu cầu đổi lại. Vài ngày sau, Hungary chặn gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) của Liên minh châu Âu cho Ukraine[34]. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục cản trở các nỗ lực quân sự của Ukraine trong năm tới vì cả Mỹ và EU sẽ ưu tiên các vấn đề trong nước trước cuộc bầu cử của họ. Đôi khi sự ủng hộ về mặt thể chế và ngôn từ các đồng minh có thể sẽ tiếp tục trái ngược với sự hỗ trợ tài chính và quân sự thực sự của họ.
Ukraine có thể đưa ra lựa chọn chiến lược nào?
Cuộc phản công mùa hè thu năm 2023 đã không thành công như mong đợi. Lập kế hoạch phản công để dành ưu thế tuyệt đối cho chiến dịch của Ukraine được đánh giá là quá lạc quan và chưa thực sự phù hợp với khả năng thực tế của quân đội nước này. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng chiến dịch phản công sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém, đồng thời cuộc chiến cơ động khó có thể đạt được bước đột phá nhanh chóng trước một lực lượng phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng như Nga.
Hiện tại, Ukraine không có điều kiện thuận lợi cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào năm 2024. Chính vì vậy, nếu cuộc chiến kéo dài, để Ukraine giành được kết quả có lợi hơn, Ukraine cần vạch ra chiến lược mới nhằm tiêu hao quân đội Nga. Phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine trên các phương diện: tăng cường hỏa lực: pháo, tên lửa, máy bay không người lái[35],…, hệ thống tấn công chính xác tầm xa, hỗ trợ không quân chiến thuật, bên cạnh đó nâng cao năng lực sử dụng vũ khí cho quân đội Ukraine, tăng cường sản xuất công nghiệp phục vụ cuộc chiến.
Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014, sẽ tiếp tục là mục tiêu chiến lược mà Ukraine tìm cách tấn công và thách thức sự thống trị của Nga ở Biển Đen.
Đương nhiên, tương lai của cuộc xung đột này phụ thuộc phần lớn vào người đứng đầu nguồn viện trợ tài chính và quân sự lớn nhất của Ukraine – Hoa Kỳ. Moskva có xu hướng ủng hộ sự trở lại của ứng cử viên đang dẫn đầu Đảng Cộng hòa Donald Trump vào mùa thu này. Cuộc bầu cử năm 2024 tại Mỹ có thể tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc chiến tại Ukraine./.
Tác giả: Nguyễn Thị Hải Yến
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Karolina Hird, George Barros, Grace Mappes, Nicole Wolkov, Mason Clark, and Fredrick W. Kagan (2023), Russian Offensive Campaign Assessment, June 8, 2023, Understanding War, June 8 Russian Offensive Campaign Assessment PDF.pdf (understandingwar.org), [truy cập ngày 13/2/2023]
[2] 2023, “Ukraine launches counteroffensive against Russia”, The Washington Post, Ukraine launches counteroffensive against Russia – The Washington Post,[truy cập ngày 13/2/2023]
[3] Mariano Zafra and Jon McClure (202), “Mapping Ukraine’s counteroffensive”, Reuters, https://www.reuters.com/graphics/UKRAINE-CRISIS/MAPS/klvygwawavg/#four-factors-that-stalled-ukraines-counteroffensive, [truy cập ngày 13/2/2023]
[4] Natalia Zinets (2023), Zelenskiy thề sẽ khôi phục quyền cai trị của Ukraine ở Crimea do Nga sáp nhập, Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/zelenskiy-vows-restore-ukrainian-rule-crimea-2022-08-23/, [truy cập ngày 13/2/2023]
[5] Mariano Zafra and Jon McClure (202), “Mapping Ukraine’s counteroffensive”, Reuters, https://www.reuters.com/graphics/UKRAINE-CRISIS/MAPS/klvygwawavg/#four-factors-that-stalled-ukraines-counteroffensive, [truy cập ngày 13/2/2023]
[6] Joshua Yaffa (2024), “what could tip the balance in the war in Ukraine?”, The New Yorker, https://www.newyorker.com/news/news-desk/what-could-tip-the-balance-in-the-war-in-ukraine, [truy cập ngày 14/2/2024]
[7] 2023, “What is ‘Surovikin Defensive Line’ Which Ukrainian Forces Can’t Crack?”, Sputnik, <https://sputnikglobe.com/20230622/what-is-surovikin-defensive-line-which-ukrainian-forces-cant-crack-1111393818.html,. [ngày truy cập 14/02/2024]
[8] Siobhán O’Grady, Isabelle Khurshudyan, Laris Karklis, Samuel Granados (2023), “Senior Ukrainian officials fear counterattack may not live up to hype”, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/world/2023/05/06/ukraine-counteroffensive-expectations-hype-russia/, [truy cập ngày 14/02/2024]
[9] Siobhán O’Grady, Isabelle Khurshudyan, Laris Karklis, Samuel Granados (2023), “Senior Ukrainian officials fear counterattack may not live up to hype”, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/world/2023/05/06/ukraine-counteroffensive-expectations-hype-russia/, [truy cập ngày 14/02/2024]
[10] 2023, “Almost 2 years in, here’s where Russia’s invasion of Ukraine stands”, CBC NEWS, https://www.cbc.ca/news/world/war-invasion-ukraine-russia-2-years-status-1.7071265, [ngày 14/02/2024]
[11] 2023, “Russia launches ‘most massive aerial attack’ on Ukraine since invasion began”, CBC NEWS, https://www.cbc.ca/news/world/russia-ukraine-war-1.7070831, [truy cập ngày 14/02/2024]
[12] Joshua Yaffa (2024), “what could tip the balance in the war in Ukraine?”, The New Yorker, https://www.newyorker.com/news/news-desk/what-could-tip-the-balance-in-the-war-in-ukraine, [truy cập ngày 14/2/2024]
[13] Joshua Yaffa (2024), “what could tip the balance in the war in Ukraine?”, The New Yorker, https://www.newyorker.com/news/news-desk/what-could-tip-the-balance-in-the-war-in-ukraine, [truy cập ngày 14/2/2024]
[14] TTXVN (2024), “Nga tuyên bố đạt kỷ lục xuất nhập hẩu vũ khí năm 2023, với hơn 55 tỷ USD”, Báo Mới, https://baomoi.com/nga-tuyen-bo-dat-ky-luc-xuat-khau-vu-khi-nam-2023-voi-hon-55-ty-usd-c48265896.epi, [truy cập ngày 14/2/2024]
[15] 2023, “GDP growth (annual %) – Ukraine”, World Bank, https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?end=2022&locations=UA&start=2014&view=chart, [truy cập ngày 15/2/2024]
[16] 2023, “Ukraine Economy”, FocusEconomics, https://www.focus-economics.com/countries/ukraine/, [truy cập ngày 15/2/2024]
[17] 2024, “Economy Ministry: Ukraine’s GDP Rises By 3.5% In Jan 2024”, MENAFN, <https://menafn.com/1107848786/Economy-Ministry-Ukraines-GDP-Rises-By-35-In-Jan-2024>, [truy cập ngày 15/2/2024]
[18] 2023, “Armed Conflict Location & Event Data Project (ACLED) Codebook”, ACLED, <https://acleddata.com/acleddatanew/wp-content/uploads/2021/11/ACLED_Codebook_v1_January-2021.pdf>, [truy cập ngày 15/2/2024]
[19] 2024, “Ukraine Situation Report, UNOCHA, https://reports.unocha.org/en/country/ukraine/, [ truy cập ngày 15/2/2024]
[20] 2024, “Ukraine Situation Report, UNOCHA, https://reports.unocha.org/en/country/ukraine/, [ truy cập ngày 15/2/2024]
[21] (2024), “Ukraine Refugee Situation”, UNHCR, https://data.unhcr.org/en/situations/ukraine?, [truy cập ngày 21/1/2023]
[22] 2024, “For Ukraine’s defence industry goals against Russia, the sky’s the limit”, Aljazeera, https://www.aljazeera.com/news/2024/2/12/for-ukraines-defence-industry-ambitions-the-skys-the-limit, [truy cập ngày 15/2/2024]
[23] 2024, With Western military aid increasingly uncertain, Ukraine builds its own weapons, npr, https://www.npr.org/2024/02/13/1229974838/ukraine-weapons-industry-russia-war , [truy cập ngày 15/2/2024]
[24] 2024, “As Ukraine seeks to replenish its depleted army, a divide grows among its civilians”, npr, https://www.npr.org/2024/01/31/1226251649/ukraine-russia-war-conscription-military, [truy cập ngày 15/2/2024]
[25] 2024, “As Ukraine seeks to replenish its depleted army, a divide grows among its civilians”, npr, https://www.npr.org/2024/01/31/1226251649/ukraine-russia-war-conscription-military, [truy cập ngày 15/2/2024]
[26] 2023, Yuna Potomkina, Exploring the secrets of Ukraine’s successful wartime diplomacy, Atlantic Council, https://www.atlanticcouncil.org/blogs/ukrainealert/exploring-the-secrets-of-ukraines-successful-wartime-diplomacy/, [truy cập ngày 16/2/2024]
[27] Willem Marx (2022), Even remote corners of Africa are feeling the costly impacts of war in Ukraine, npr, https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2022/11/17/1136830506/even-remote-corners-of-africa-are-feeling-the-costly-impacts-of-war-in-ukraine, [truy cập ngày 16/2/2024]
[28] 2022, Unaffordable food and shortages risk instability in the birthplace of the Arab Spring, npr, https://www.npr.org/2022/10/11/1127961255/unaffordable-food-and-shortages-risk-instability-in-the-birthplace-of-the-arab-s, [truy cập ngày 16/2/2024]
[29] 2022, “How war in Ukraine turned Sri Lanka’s economic crisis into a calamity”, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/world/2022/04/17/sri-lanka-crisis-default-ukraine/, [truy cập ngày 16/2/2024]
[30] 2024, “Russia-Ukraine conflict and its continued impact on global markets”, US Wealth Management, https://www.usbank.com/investing/financial-perspectives/market-news/russia-ukraine-global-market.html, [truy cập ngày 16/2/2024]
[31] (2024), “Ukraine Refugee Situation”, UNHCR, https://data.unhcr.org/en/situations/ukraine?_gl=1*6ii4b*_rup_ga*MTMzOTI3MjAzMy4xNzA1NDIzODUx*_rup_ga_EVDQTJ4LMY*MTcwNTk5NTk4My41LjEuMTcwNTk5NzE0MS4wLjAuMA..*_ga*MTMzOTI3MjAzMy4xNzA1NDIzODUx*_ga_X2YZPJ1XWR*MTcwNTk5NTk4My41LjEuMTcwNTk5NzE0MS4wLjAuMA..#_ga=2.154213816.1211496691.1705995984-1339272033.1705423851, [truy cập ngày 21/1/2023]
[32] 2024, “Tâm điểm thế giới | Dự báo cuộc chiến thế giới 2024: Bế tắc – Biến số – Bất ngờ”, FBNC, https://www.youtube.com/watch?v=X4TzFpgWj-c, [truy cập ngày 17/2/2024]
[33] Holly Ellyatt (2023), “How — and when — Ukraine’s war with Russia could end”, CNBC, https://www.cnbc.com/2023/08/07/when-and-how-will-ukraines-war-with-russia-end.html, [truy cập ngày 25/1/2024]
[34] Bianca Nobilo (2024), “Israel-Hamas war threatens to spill over, AI, and a seismic US election: 5 predictions for 2024, CNN, https://edition.cnn.com/2024/01/01/world/2024-predictions-trump-israel-ukraine-intl/, [truy cập ngày 17/2/2024]
[35] Franz-Stefan Gady (2024), Making Attrition Work: A Viable Theory of Victory for Ukraine, IISS, https://www.iiss.org/online-analysis/survival-online/2024/01/making-attrition-work-a-viable-theory-of-victory-for-ukraine, [truy cập ngày 17/2/2024]