Năm 2024 là thời điểm đánh dấu sự kiện “cách mạng Maidan” (EuroMaidan) tròn 10 năm. Chiến dịch quân sự đặc biệt Nga triển khai tại Ukraine đã bước sang năm thứ 3 với nhiều diễn tiến khó đoán định. Dù nhìn nhận một cách khách quan hay chủ quan cũng có thể thấy căn nguyên của những căng thẳng bắt nguồn từ cuộc “cách mạng Maidan” năm 2014 cùng chính sách đối ngoại của các chính quyền Tổng thống Ukraine hậu Maidan đã thúc đẩy quá trình mâu thuẫn giữa hai quốc gia thành cuộc chiến tranh đẫm máu vào năm 2022. Thông qua góc nhìn lịch đại xem xét mối quan hệ giữa Nga và Ukraine sau 10 năm bùng phát sự kiện Euromaidan 2014 - 2024 nhằm làm rõ chính sách bài nga đã phát triển ra sao trong suốt khoảng thời gian đó và tương lai của mối quan hệ giữa hai quốc gia Đông Âu này. Đồng thời, bài viết cũng đúc kết lại một số bài học kinh nghiệm từ mối quan hệ đặc biệt này đối với Việt Nam.
Cuộc cách mạng Maidan 2014 chính xác là một cuộc đảo chính. Khởi điểm từ mâu thuẫn trong lòng giới chính trị Ukraine lan dần đến những người Ukraine mang tư tưởng bài xích Nga bởi chính sách không nhất quán của chính quyền ông Viktor Yanukovych – Tổng thống đắc cử năm 2010. Trong lời hứa sẽ đứng gần hơn về phía phương Tây thông qua hiệp định liên kết để mở ra cánh cửa nhận hỗ trợ kinh tế và gia nhập EU/NATO thì ông Yanukovych chọn ngả về Nga. Người dân cảm thấy bị ngó lơ vai trò dẫn tới sự gia tăng hoạt động biểu tình. Sự can thiệp từ phía phương Tây đã dẫn tới tình trạng bạo lực nhấn chìm Ukraine vào vòng xoáy bất ổn kéo dài.
Quan hệ Ukraine – Nga thời Poroshenko (2014-2019)
Cùng trong năm 2014, Ukraine đón nhận thêm hai biến cố chính trị bao gồm việc Liên bang Nga sáp nhập thành công bán đảo Crimea cùng hoạt động đấu tranh ly khai đã diễn ra trên các thành phố lớn khắp vùng phía Đông và phía Nam đất nước. Hệ quả dẫn đến bùng lên cuộc nội chiến Ukraine giữa chủ yếu hai phe thân phương Tây ở miền Tây và phe thân Nga ở các tỉnh biên giới miền Đông. Bất ổn trong thời gian hậu “cách mạng Maidan” khiến nhân dân Ukraine rơi vào tình cảnh khủng hoảng. Do đó, cuộc bầu cử Tổng thống được xem như con đường đưa đất nước ra khỏi bất ổn. Ngày 25/5/2014, ông Petro Poroshenko đắc cử Tổng thống Ukraine với tỉ lệ ủng hộ 55,9% bỏ xa đối thủ Tymoshenko với chỉ 12,9%[1]. Trong một phát biểu, ông Poroshenko đưa ra định hướng ưu tiên trước hết gồm chấm dứt tình trạng ly khai và nội chiến tại khu vực miền Đông đồng thời Kiev không công nhận sự chiếm đóng của Nga tại Crimea[2].
Trong suốt thời gian đương nhiệm (2014-2019), ông Poroshenko đã dẫn dắt đất nước Ukraine đi theo con đường hội nhập tích cực vào châu Âu trên phương châm giữ nguyên vẹn chủ quyền lãnh thổ đề cao chủ nghĩa dân tộc. Trên thực tế, chính sách thân phương Tây của giới cầm quyền Ukraine đã nhen nhóm từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy vậy, nói như cựu Tổng thống Leonid Kuchma và Yanukovych, Ukraine đang thực hiện “chính sách đối ngoại đa vector” tận dụng cả Nga cả phương Tây để phát triển[3]. Năm 2000, lần đầu tiên trong lịch sử NATO, cuộc họp thường niên của cơ quan chính trị chính được tổ chức bên ngoài các quốc gia thành viên NATO, và ở chính thủ đô Kiev của Ukraine[4]. Mục tiêu khi đó dừng ở việc thúc đẩy nhanh quá trình trở thành thành viên chính thức của EU. Cho đến khi cách mạng Maidan nổ ra năm 2014, chính sách bài Nga đã khởi phát mạnh mẽ.
Kinh tế
Kể từ khi Liên Xô tan rã thành 15 nước trong một Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG), Nga luôn có chủ trương nhất quán cho việc giữ cho các nước SNG nằm trong phạm vi ảnh hưởng để chống sự xâm lấn từ NATO. Năm 2012, Tổng thống Putin đặt ưu tiên cao cho việc hình thành Liên minh kinh tế Á – Âu đạt được vào năm 2015, dựa trên cơ sở Liên minh Thuế quan với Belarus và Kazakhstan[5]. Việc có Ukraine trong liên minh này cực kỳ quan trọng có thể gọi như sự khôi phục của Liên Xô và lôi kéo các nước SNG tham gia. Liên minh có triển vọng trở thành khối liên kết kinh tế mạnh giữa các nước Đông Âu và Trung Á tạo thế đối lập với EU và khối quân sự NATO về địa chiến lược.
Mong muốn đưa Ukraine vào Liên minh kinh tế Á – Âu của Nga đã không thành hiện thực. Từ khi Yanukovych bị lật đổ, chính quyền Poroshenko thực hiện chính sách kinh tế trừng phạt trả đũa sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea nhằm làm suy yếu cường quốc này. Bắt đầu từ việc đóng cửa đi lại giữa hai nước đến hủy bỏ các chương trình hợp tác kinh tế – thương mại Nga – Ukraine giai đoạn 2011-2020. Nga sáp nhập Crimea đã ảnh hưởng rất lớn đến nền xuất nhập khẩu hàng hóa của Ukraine ở biển Đen, trong đó có cả vận chuyển năng lượng. Tập đoàn năng lượng nhà nước Naftogaz của Ukraine tháng 6/2014 đã khởi kiện Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga lên Tòa Trọng tài về thương mại ở Stockholm. Sau khi thắng kiện, Ukraine còn kêu gọi và ủng hộ Mỹ và các nước phương Tây áp đặt, kéo dài các lệnh trừng phạt kinh tế Nga. Đáp trả lại, Nga tiến hành trả đũa trừng phạt đình chỉ Hiệp định thương mại tự do đã ký với Ukraine từ tháng 1/2016.
Ngoài ra, Nga cũng áp đặt các lệnh về cấm vận chuyển hàng hóa Ukraine qua lãnh thổ Nga, hạn chế hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Ukraine sang các thị trường truyền thống Trung Á. Nga còn tăng cường kiểm soát tuyến hàng hải nối Biển Đen với Biển Azov, ngăn cản tàu thuyền từ Biển Đen đến các cảng của Ukraine[6]. Nhằm triển khai các đường ống dầu khí tránh đi qua lãnh thổ Ukraine, Moscow tiến hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 – Nord Stream 2 có thể khiến Ukraine mất khoảng 3% GDP và nguồn thu giảm 2,7 tỷ USD mỗi năm nếu không có dầu khí đi qua[7]. So với thời gian cầm quyền của Yanukovych, Poroshenko thực hiện đối sách kinh tế siết chặt hơn đối với Nga, hướng nền kinh tế Ukraine đến EU, tìm kiếm các giải pháp chính trị cho hai vấn đề Crimea và vùng ly khai phía Đông.
Chính trị
Từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea 3/2014, quan hệ Nga – Ukraine rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc, toàn diện trên các phương diện, đặc biệt là về chính trị – ngoại giao.
Sau khi nhậm chức, một trong những ưu tiên của Tổng thống Poroshenko là điều chỉnh cơ bản chính sách đối ngoại của Ukraine. Theo đó, Tổng thống Poroshenko đã thực thi và theo đuổi chính sách đối ngoại mới với các hướng: Thứ nhất, Cải thiện quan hệ với phương Tây, hội nhập toàn diện vào châu Âu-Đại Tây Dương với việc ký kết Hiệp định Liên kết EU-Ukraine nhằm mục tiêu gia nhập EU và NATO; Thứ hai, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, coi Mỹ là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của nước này trên con đường hiện đại hóa đất nước và hội nhập châu Âu, muốn Mỹ chính thức công nhận Ukraine là “đồng minh chủ chốt ngoài NATO”; Thứ ba, ưu tiên cho các hoạt động của Ukraine trong các tổ chức quốc tế gồm Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Hội đồng Châu Âu (EC)[8]. Trên cơ sở chính sách đối ngoại “cải tiến” mới, việc thân thiết hơn với EU trở lên công khai hơn đến mức hội nhập hoàn toàn vào Tây Âu bỏ qua gốc Đông Âu của quốc gia này.
Ngày 27/6/2014, tại Brussels đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định liên kết giữa Ukraine, Gruzia, Moldova với EU. Cả ba nước này đều có chung đường biên giới với Nga. Tuy chưa phải là thành viên của EU và NATO, nhưng sự liên minh, liên kết này sẽ được mở rộng. Nếu tiến trình này hoàn tất, chắc chắn không gian hậu Xô viết sẽ bị thu hẹp và đe dọa đến lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh của nước Nga[9].
Đã nhiều lần cộng đồng quốc tế tham gia đóng góp sáng kiến để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Một điểm tựa quan trọng cho các cuộc đàm phán là các thỏa thuận hòa bình từng được các bên ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus. Thỏa thuận Minsk 1 được các đại diện của Nhóm liên lạc ba bên về Ukraine (gồm Nga, Ukraine và OSCE) ký ngày 05/09/2014, nhằm chấm dứt căng thẳng trong vùng Donbass. Các điều khoản của Minsk 1 bao gồm trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng nhưng nhanh chóng đổ vỡ và giao tranh tiếp diễn.
Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 được Nhóm Bộ tứ an ninh Normandy gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức thúc đẩy tại thủ đô của Belarus năm 2015, nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu khi đó đã kéo dài 10 tháng ở miền Đông Ukraine. Thỏa thuận này gồm 13 điểm, trong đó điều khoản hàng đầu là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Thỏa thuận Minsk 2 đã đưa ra những giải pháp chính trị và quân sự nhưng vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Trở ngại chính nằm ở việc Nga và Ukraine có những cách hiểu rất khác nhau về những ràng buộc của hai bên đối với vùng đòi ly khai. Dẫn đến những vấn đề cơ bản chưa được giải quyết đã tiếp tục phát sinh vấn đề mới từ sự nghi ngại nhau.
Năm 2018, Chính quyền Ukraine thông qua Luật tái hòa nhập khu vực Donbass ở miền Đông, khẳng định “Nga là quốc gia xâm lược” và việc sáp nhập Crimea, chiếm đóng Donbass bất hợp pháp. Tháng 5/2018, Tổng thống Poroshenko khẳng định Ukraine đang trên con đường tiến gần hơn tới châu Âu; ngày 10/12/2018, Nhà lãnh đạo Kiev ký ban hành đạo luật về hủy bỏ Hiệp ước hữu nghị với Nga và tuyên bố đây là “một phần trong chiến lược tái định hướng của Ukraine về phía châu Âu”[10]. Một loạt chính sách bài Nga cực đoan, “chống Cộng sản” được ban hành dưới thời Poroshenko, xét lại, xuyên tạc, phủ nhận chính mình, rũ bỏ tất cả quá khứ thời Xô Viết, can thiệp vào vấn đề sắc tộc, ngôn ngữ tất cả nhằm chứng minh cho thế giới phương Tây thấy mong mỏi gia nhập EU cần được khẩn trương thúc đẩy trước khi đi quá giới hạn của Nga. Quan hệ Nga – Ukraine tụt dốc đến mức thấp kể từ sau năm 1991.
Quan hệ Ukraine – Nga thời Zelensky
Tiếp quản đất nước Ukraine từ hai thế hệ Tổng thống tiền nhiệm được coi như đã đưa Ukraine đến bên bờ vực sụp đổ. Thời Viktor Yanukovych nắm quyền thực hiện chính sách thân Nga dẫn đến cuộc cách mạng Maidan là điều kiện cho những bất ổn chính trị nội bộ bùng phát kéo dài. Thời kỳ Petro Poroshenko, quan hệ chính trị giữa Ukraine với phương Tây có bước tiến triển lớn, ngược lại đối với Nga đi xuống trầm trọng. Trong thời điểm thực hiện cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Gallup Mỹ triển khai cuối năm 2018 chỉ có 9% tỷ lệ người dân còn tin tưởng vào chính phủ Kiev, đạt mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã[11].
Volodymyr Zelensky khi đó xuất hiện được người dân xem như làn gió mới thổi vào giới chính trường. Cuộc bầu cử năm 2019, Zelensky đắc cử với tỉ lệ phiếu bầu chưa từng có với 73% chiến thắng cách biệt trước người tiền nhiệm Poroshenko[12]. Một tân tổng thống trẻ đã định hình mối quan hệ với Nga với vốn kinh nghiệm chính trị ít ỏi mà người khác thường nhắc đến ông nhiều hơn với danh xưng “diễn viên hài”.
Từ khi Tổng thống Zelensky lên cầm quyền, mặc dù đã có một số nỗ lực nhằm tìm kiếm các giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, tuy nhiên chưa đạt được chuyển biến mang tính đột phá thậm chí còn leo thang, bùng nổ xung đột quân sự.
Kinh tế
Ở góc độ quan hệ kinh tế, từ sau năm 2014, Nga và Ukraine đã liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa về kinh tế – thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế và mở rộng cửa để Ukraine tham gia EU. Tuy vậy, Nga vẫn là đối tác thương mại chính của Ukraine, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 14 tỷ USD [13]. So với thời Poroshenko kinh tế được nối lại trong một số lĩnh vực có lợi như năng lượng, lương thực… Điển hình với việc Ukraine thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán về việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraina sang EU. Ngày 20/12/2019, tại Brussels, Nga và Ukraine đã ký một Bản ghi nhớ về gia hạn trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine trong bối cảnh cuộc đàm phán 3 bên diễn ra thuận lợi. Dầu khí của Nga như một cách thức giúp đưa quan hệ với Ukraine cải thiện trở lại phần vì Ukraine án ngữ cầu nối với các đối tác châu Âu do đó lựa chọn bắt tay kinh tế là quyết định đúng đắn của hai nước. Bên cạnh khí đốt, Nga và Ukraine cũng đã gia hạn hợp đồng quá cảnh dầu mỏ. Ngày 03/12/2019, Ukrtransnafta – Công ty vận tải dầu mỏ của Ukraine thông báo Nga đã gia hạn thêm 10 năm hợp đồng vận chuyển dầu mỏ từ Nga sang châu Âu qua Ukraine đến năm 2030[14].
Mặc dù chính quyền Nga và Ukraine đều thể hiện quan điểm cứng rắn, áp đặt trừng phạt và trả đũa lẫn nhau, tuy nhiên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn được duy trì, thậm chí có dấu hiệu tăng lên. Trong những năm 2019 đến cuối 2021, Nga vẫn duy trì cung cấp nhiều mặt hàng quan trọng cho Ukraine, trong đó có than đá, nông sản. Hoạt động đầu tư và hỗ trợ hợp tác phát triển chính thức giữa Nga và Ukraine không nằm ngoài xu hướng bị hạn chế và suy giảm sâu do những lệnh trừng phạt giữa hai nước từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát rộng. Tuy nhiên, theo thống kê của Hải quan Nga, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Nga và Ukraine tăng 22,8%, đạt hơn 12,2 tỷ USD, chủ yếu giao thương diễn ra với 4 tỉnh miền Đông Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye vốn được coi như trung tâm công nghiệp của Ukraine. Xuất khẩu của Nga sang Ukraine tăng 28,8%, đạt 8,13 tỷ USD, xuất khẩu của của Ukraine sang Nga cũng tăng 12,5%, đạt 4,15 tỷ USD. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đạt 10 tỷ USD[15].
Chính trị
Đối với vấn đề ly khai ở Donbass và Crimea, Zelensky là người ủng hộ mạnh mẽ việc binh lính Ukraine chiến đấu với các lực lượng chống đối chính phủ. Trong cuộc cách mạng Maidan, Zelensky hoạt động tích cực trong phe biểu tình lật đổ chính quyền Yanukovych. Do vậy, quan điểm chính trị từ trước khi đứng ra tranh cử chức Tổng thống Ukraine của Zelensky là nối dài các chính sách thân phương Tây của Poroshenko và đưa quan hệ với Nga biến động theo chiều hướng ngày càng xấu đi. Mặc dù trong quá trình tranh cử Zelensky khẳng định ưu tiên nối lại các cuộc đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột ở vùng Donbass, đồng thời khởi động lại tiến trình hòa bình Minsk, nhưng trên thực tế, sau khi đạt được mục tiêu chính trị hành động lại đi ngược lại. Ngày 20/5/2019 trong bài phát biểu nhậm chức ông tuyên bố: “Đất nước Ukraine theo mô hình châu Âu bắt đầu. Chúng ta đã chọn con đường hướng tới châu Âu nhưng châu Âu không phải ở đâu xa. Châu Âu ở ngay trong tâm trí chúng ta”[16]. Bởi vậy, so với thời kỳ của Tổng thống Poroshenko, quan hệ Ukraine – Nga đã có những dấu hiệu ấm lên, nhất là vào những tháng cuối 2019, tuy nhiên sự tích cực này diễn ra không lâu.
Trong vấn đề Crimea, nhiều phát biểu chính thức, Tổng thống Zelensky đã đặt điều kiện khôi phục quan hệ với Nga chỉ khi Nga trả lại Bán đảo Crimea cho Ukraine. Dựa trên cơ chế thỏa thuận giữa bộ tứ an ninh Normandy, Ukraine vẫn kiên định gọi hành động can thiệp của Nga vào Donetsk, Lugansk và Crimea là hành động xâm lược. Sau khi đắc cử, Zelensky đã chủ động điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng mềm dẻo, linh hoạt hơn và để ngỏ khả năng tìm kiếm cơ hội cải thiện quan hệ với Nga. Vốn xuất thân từ một diễn viên hài và yếu về chính trị nên việc Moscow hy vọng can thiệp tác động kiểm soát cá nhân Zelensky như với Yanukovych hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, ý định này là hoàn toàn sai lầm. Chỉ sau gần 2 năm nắm quyền, Tổng thống Zelensky đã khiến giới chức Nga choáng váng khi thể hiện rõ thái độ thân phương Tây cuồng nhiệt, mong muốn gia nhập EU và NATO thậm chí muốn đặt tên lửa hành trình lên lãnh thổ cùng những tuyên bố cứng rắn với Moscow.
Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Nga – Ukraine thực sự trở nên tăng nhiệt có thể tính từ thời điểm tháng 3/2021 khi Ukraine chính thức từ bỏ chính sách trung lập và thể hiện nguyện vọng gia nhập EU, NATO. Chiến lược an ninh quốc gia của Ukraine năm 2021 xác định rõ mục tiêu trở thành thành viên NATO; cùng năm, chiến lược chính sách đối ngoại đưa ra khẳng định quyết tâm xây dựng Ukraine như một quốc gia châu Âu mạnh mẽ và có uy tín, xác định các hướng ưu tiên của chính sách đối ngoại nhằm hỗ trợ đất nước hướng tới Liên minh châu Âu và NATO, cũng như chống lại “chính sách mà Kiev cho là hung hăng của Nga”[17].
Từ cuối năm 2021, Nga gửi cảnh báo đến Mỹ và NATO thông qua bản đề nghị an ninh 8 điểm, trong đó nêu rõ các quan ngại về an ninh được coi như những “lằn ranh đỏ” không thể xâm phạm [18]. Sự kiện đóng hiệu ứng giọt nước tràn ly được xem như ngày 19/02/2022, Ukraine tuyên bố có thể phát triển vũ khí hạt nhân đã thực sự đe dọa đến lợi ích cốt lõi và an ninh của toàn bộ Liên bang Nga cùng đồng minh Belarus. Nga vốn xem đây là những “lằn ranh đỏ” mà Ukraine và phương Tây không được xâm phạm [19]. Và kết quả của quá trình “hướng Tây” của Ukraine trả giá bằng việc nước này đang dần bị nhấn chìm vào lò lửa chiến tranh, mọi dự định khi ông Zelensky tuyên bố lúc nhậm chức đều không thực hiện được kể cả việc vào NATO. Bằng con đường chọn đẩy căng thẳng lên thành xung đột vũ trang, Ukraine đang cho thấy một thời kỳ bất ổn trong chính sách đối ngoại của những người đứng đầu đất nước trong hơn 10 năm qua có vấn đề rất lớn.
Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine từ năm 2022 đến nay chính là hệ quả tất yếu của toàn bộ quá trình đó. Quan hệ giữa hai nước hiện nay vẫn trong trạng thái “chưa tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm”. Từ khi xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2, Ukraine đã tăng tốc thực hiện chiến dịch “phi Nga hóa” nhằm xóa bỏ các di sản liên quan đến Nga và Liên Xô bằng cách đổi tên đường phố, phá bỏ các tượng đài, di tích lịch sử. Tổng thống Zelensky vẫn tích cực tìm kiếm thêm sự hỗ trợ về kinh tế, quân sự cho chiến trường và xây dựng các mối liên kết đồng minh với những quốc gia chống Nga khác. Cánh cửa đi đến đàm phán hòa bình đã được mở ra với trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ cùng với thiện chí sẵn sàng đối thoại từ phía Nga, song phía Ukraine vẫn chưa chấp nhận đàm phán khi các yêu sách bất hợp lý trong “công thức hòa bình” họ đưa ra không được Nga chấp nhận. Trong tiến trình 10 năm từ 2014 – 2024, quan hệ Moscow – Kiev biến chuyển theo các giai đoạn từ “đóng băng” đến “tăng nhiệt” và chạm mức chiến tranh.
Dự báo quan hệ hai nước trong tương lai
Quan hệ hai nước trong ngắn hạn
Những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Nga và Ukraine từ năm 2014 đến nay đã, đang và sẽ tác động nhiều chiều đến tình hình hai nước, khiến cả hai nước đều phải có những điều chỉnh mạnh mẽ, sâu rộng trên hướng chính sách đối ngoại ngắn hạn và dài hạn. Cả chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Poroshenko và chính quyền hiện tại của Tổng thống Zelensky đều đẩy mạnh chính sách đối ngoại “hướng Tây”, hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nước EU/NATO, tăng cường chính sách thù địch chống Nga. Đến nay, cuộc chiến tranh nổ ra năm 2022 đã trải qua 2 năm giao tranh và tương quan lực lượng trên chiến trường sẽ trở thành cơ sở cho quan hệ Nga – Ukraine trong thời gian tới.
Về phương diện chính trị, ngoại giao, mặc dù là bên chủ động tiến hành chiến dịch, song nước Nga không thực sự coi Ukraine là kẻ thù. Trong thông điệp liên bang được Tổng thống Putin đọc tại thủ đô Moscow, ông khẳng định “Nga không bắt đầu cuộc chiến ở Donbass, nhưng chúng tôi sẽ làm mọi cách để kết thúc nó, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra của chiến dịch”. Điều này có nghĩa giới chức cầm quyền Nga không nhắm vào đất nước Ukraine mà nhắm vào Brussels và Washington hậu thuẫn đằng sau cho Kiev đang ngầm gây ra sự chia rẽ giữa người Ukraine với người Nga. Sau hơn 700 ngày xung đột, cả hai quốc gia đều thiệt hại về người và vật chất ước tính hơn 380.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc xung đột, nặng nề nhất trong chiến dịch phản công hồi tháng 6/2023 lên tới 160.000 binh sĩ[20].
Ukraine đang trở thành quân cờ cho các nước phương Tây lợi dụng để chống lại Nga tạo ra khủng hoảng quan hệ giữa hai nước. Chính quyền Zelensky không muốn ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề hòa bình, quan hệ chính trị hai bên chưa được nối lại. Quan hệ hai nước trong ngắn hạn còn phụ thuộc vào tương lai của cuộc chiến cơ bản như sau: Thứ nhất, nếu Nga thắng và đạt được các mục tiêu ban đầu của chiến dịch phi phát xít, phi quân sự hóa; một chính quyền thân Nga hoặc có quan điểm trung lập sẽ được Nga hậu thuẫn và Nga sẽ giữ mối quan hệ với Ukraine ở một mức độ đảm bảo không cho phương Tây tiếp cận. Thứ hai, nếu Ukraine thắng dù xác suất thấp bởi đã đánh mất thế chủ động trên chiến trường, nhưng dù có đẩy lùi được quân Nga ra khỏi đất nước thì lãnh thổ Ukraine không còn nguyên trạng, các khu vực ly khai miền Đông Nam đã được Nga sáp nhập vào lãnh thổ của họ, Crimea được Nga tăng cường lực lượng bảo vệ và chủ yếu Ukraine sẽ kiểm soát phần phía Tây đất nước. Điều đó sẽ khiến hai bên vẫn duy trì căng thẳng. Thứ ba, là một bản hiệp định cùng chung sống hòa bình giữa hai quốc gia đồng ý thực hiện.
Thỏa thuận hòa bình có khả năng đạt được hay không còn phụ thuộc vào nước Mỹ – nguồn viện trợ lớn nhất cho cuộc chiến. Hiện nước Mỹ đang trong giai đoạn bầu cử, nếu ông Trump tái đắc cử, tình hình về Ukraine có thể sẽ khả quan hơn. Một cuộc gặp giữa Trump và Putin sẽ kết thúc chiến tranh trong vòng 24 giờ theo như ông Trump đăng trên mạng xã hội X (Twitter). Nếu ông Joe Biden tiếp tục một nhiệm kỳ mới, cuộc chiến sẽ còn diễn ra ít nhất đến hết năm 2024, EU/Mỹ vẫn duy trì chính sách chống Nga, sử dụng Ukraine phục vụ cho kế hoạch “Đông tiến” mà NATO triển khai từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong ngắn hạn giai đoạn 2024 đến 2025, chủ nhân của nhà Trắng sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ Nga – Ukraine.
Hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng có chuyển biến khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngũ cốc lần đầu tiên vào tháng 8/2022 từ các cảng trên Biển Đen với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù phía Nga đã ngừng thỏa thuận, song cơ hội đưa nền kinh tế trở lại vẫn còn nếu đáp ứng các yêu cầu tháo gỡ trừng phạt.
Quan hệ hai nước trong dài hạn
Về mặt dài hạn, trước hết cần kết thúc cuộc chiến hiện tại và xây dựng một mối quan hệ gắn kết hai nước dựa trên ba trụ cột chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân mới có thể đưa tình hình trở về thời kỳ trước cuộc cách mạng Maidan bùng nổ.
Trên trụ cột chính trị, ngoại giao: Quan hệ giữa bộ ba Nga – Ukraine – phương Tây chính là chìa khóa mở ra khả năng có thể đưa quan hệ Nga – Ukraine về đúng quỹ đạo trong tương lai dài. Thực tế một chính quyền Ukraine dù thân bên nào cũng rất khó tồn tại một cách bền vững. Về phía phương Tây, với quá trình “Đông tiến” mở rộng phạm vi NATO đến sát vách Nga, thực hiện nhiều chính sách hiếu chiến gây căng thẳng với Nga và chính sách răn đe hạt nhân của Mỹ trở thành nhân tố tác động cao nhất đến tình hình Ukraine hiện nay. Về bản chất, cuộc khủng hoảng Ukraine được tạo ra, duy trì và phát triển được trong suốt thời gian dài do phương Tây đứng sau tiếp sức, chỉ đạo quân cờ Kiev trên bàn cờ địa chính trị mà chiến tranh bùng nổ là sản phẩm từ quá trình đó. Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine đã đẩy mối quan hệ Nga – Mỹ vốn đã rất phức tạp và nhiều bất đồng đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Về phía Ukraine, trong không gian hậu Xô Viết, Ukraine đối với Nga có vai trò tối quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia, chủ trương gồm tích cực hợp tác và sử dụng biện pháp ngoại giao chủ yếu. Thực tế, Học thuyết đối ngoại 2016 nêu rõ “Liên bang Nga quan tâm đến việc phát triển đa dạng các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa và tinh thần với Ukraine trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, xây dựng quan hệ đối tác phù hợp với lợi ích quốc gia”[21]. Nga muốn Ukraine là láng giềng tốt và đặc biệt nhấn mạnh sự hiện diện sát sườn của NATO. Mục tiêu lớn nhất của Nga chỉ cần giữ cho Ukraine được trong thế cân bằng dù nước này luôn theo đuổi có được tư cách thành viên EU/NATO, nếu thành công, hệ thống tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân sẽ chĩa thẳng vào Moscow. Đó là nguyên nhân của mục tiêu phi quân sự và phi tư tưởng bài Nga cực đoan trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong Nguyên tắc cơ bản của Chính sách Nhà nước Nga về răn đe hạt nhân, điều 4 có nêu, Nga chỉ tấn công nếu đối phương sở hữu vũ khí hạt nhân và (hoặc) các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, cũng như các phương tiện để sử dụng chúng của các quốc gia có thể được sử dụng để chống lại Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga[22]. Rõ ràng, Ukraine không phải mục tiêu mà lực lượng hạt nhân Nga hướng tới, cuộc chiến 2 năm qua Nga cũng không đe dọa sử dụng hạt nhân với Kiev, mục tiêu thật sự nằm ở giới chính trị “diều hâu” dẫn dắt khối NATO.
Do vậy, về quan hệ lâu dài trong tương lai giữa Ukraine và Nga hoàn toàn thực hiện được do Nga không coi Ukraine làm kẻ thù mà kẻ thù thật sự là phương Tây. Theo “Khái niệm chính sách đối ngoại” cập nhật, Nga coi “chính sách hung hăng chống Nga” của Mỹ và các đồng minh là rủi ro lớn đối với an ninh của Nga, cũng như đối với hòa bình quốc tế. Moscow hy vọng các quốc gia phương Tây sẽ nhận ra rằng, chính sách thù địch, đối đầu và tham vọng bá quyền không có tương lai và Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau[23].
Trên trụ cột hợp tác kinh tế: Nền kinh tế cả hai quốc gia đều đi xuống từ sau khi cuộc cách mạng Maidan nổ ra. Trong đó từ tháng 3/2014, tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU cùng với sự sụt giảm giá dầu từ mức 100 USD/thùng xuống dưới 40 USD/thùng đã đẩy nền kinh tế Nga vào tình trạng rất khó khăn, GDP giảm sâu năm 2014 tăng trưởng 0,2%; năm 2015 tăng trưởng âm 3,7%[24]. Về phía Ukraine, do tác động từ đối đầu và trả đũa kinh tế với Nga, nền kinh tế Ukraine rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng GDP năm 2014 suy giảm 6,8%; năm 2015 tiếp tục giảm 9,9%, đồng Hryvnia mất đến 2/3 giá trị[25]. Đặc biệt trong những năm dịch bệnh Covid-19 lan rộng toàn cầu nền kinh tế Nga và Ukraine càng giảm trầm trọng thêm nhưng hai bên vẫn duy trì mạch chảy kinh tế.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022, hợp tác kinh tế giữa hai nước không diễn ra do chiến tranh. Nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga, Mỹ, EU và các đồng minh đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chưa từng có, Nga đã hứng chịu hơn 15.000 lệnh trừng phạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Phía bên kia, sản lượng kinh tế của Ukraine hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trước chiến tranh. Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột, đất nước đã mất 30 – 35% GDP[26]. Ngành vận tải, du lịch, hàng không thương mại không thể hoạt động hoặc phải di chuyển tránh vùng biển, không phận mà Ukraine và Nga kiểm soát do lo ngại bị bắn nhầm dẫn tới gia tăng chi phí nguyên, nhiên liệu. Không chỉ ảnh hưởng qua lại hai nước mà nền kinh tế thế giới cũng suy thoái theo khi chuỗi cung ứng toàn cầu đặc biệt là khí đốt từ Nga bị gián đoạn.
Đối với Nga, Ukraine đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản qua đường biển Đen và vận chuyển khí đốt bằng đường ống qua lãnh thổ Ukraine. Vai trò cầu nối giữa Nga với EU trở thành lý do quan trọng để hai quốc gia thúc đẩy gắn kết lại nền kinh tế. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi chiến sự mặc dù Ukraine duy trì chính sách chống Nga nhưng có thể thấy rõ ràng xuất khẩu nông sản chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do vậy nông dân Ukraine rất cần Nga bởi miền Tây nước này chủ yếu phát triển nhờ nông nghiệp trái với miền Đông là thủ phủ công nghiệp. Thỏa thuận ngũ cốc biển Đen hồi tháng 7 năm ngoái minh chứng cho việc Nga sẵn sàng nối lại quan hệ kinh tế với Ukraine với điều kiện không duy trì chính sách thù địch và để vấn đề chính trị, quân sự ảnh hưởng. Kế đó, thỏa thuận tiếp tục mở van vận hành đường ống vận chuyển khí đốt đến EU qua Ukraine được Nga công bố gần đây sau sự cố Nord Stream đã mang lại hy vọng nhận, vận chuyển và mua bán khí đốt thuận lợi hơn. Dự báo một tương lai mở về sự hợp tác kinh tế giữa Ukraine với chính phủ và các doanh nghiệp Nga trong dài hạn hoàn hoàn toàn khả thi.
Trên trụ cột giao lưu nhân dân hai nước: Sau năm 1991, Ukraine tách ra khỏi Nga thành quốc gia độc lập. Trên lãnh thổ Ukraine có sự chung sống xen kẽ giữa người Ukraine và bộ phận người dân gốc Nga phân bố theo chiều ngang địa lý. Cuộc cách mạng Maidan 2014 cho thấy sự phân hóa Đông – Tây ở Ukraine ở thời điểm đó rất lớn gồm phần lớn người nói tiếng Nga ở miền Đông và người Ukraine ở miền Tây. Khủng hoảng ly khai cùng năm vùng Donetsk và Lugansk lập lên các nhà nước cộng hòa nhân dân dưới sự bảo trợ của Liên bang Nga. Cuộc chiến giữa phe ly khai với chính phủ Ukraine nổ ra đẩy mâu thuẫn dân tộc lên cao. Chính phủ Ukraine từ Poroshenko đến nay đều muốn “đồng hóa” người gốc Nga trở thành người Ukraine bằng cách giảm ảnh hưởng của các yếu tố Nga trong xã hội trên nhiều phương diện đời sống nhằm hướng nhân dân đến những giá trị phương Tây. Trước khi cuộc chiến tranh nóng giữa hai nước nổ ra bản thân Ukraine đã tồn tại từ lâu một cuộc nội chiến về văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc.
Ngoài ra, một cuộc khủng hoảng di cư với khoảng hơn 10 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ đất nước đi sang các quốc gia EU hoặc Nga tạo ra làn sóng di dân lớn nhất sau thế chiến thứ hai tại châu Âu. Điều này gây ra sự suy giảm nghiêm trọng đến dân số Ukraine trong thời gian dài.
Nhìn lại lịch sử, Nga và Ukraine ít nhiều có chung nguồn gốc dân tộc và tôn giáo. Trong tương lai, những công dân Ukraine thế hệ sau sẽ chỉ biết đến lịch sử gần nhất Ukraine từng có chiến tranh với Nga gây ra khó khăn cho sự gắn kết hai nước. Nếu chiến tranh kết thúc sớm quan hệ nhân dân giữa Nga và Ukraine có thể diễn tiến theo hai trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất, nhân dân hai nước mà đại diện là 4 tỉnh miền Đông nay thuộc Nga và Ukraine cùng bắt tay hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh với sự hỗ trợ, giúp sức từ cộng đồng quốc tế. Hai nhà nước Cộng hòa tự xưng tại miền Đông sẽ triển khai thiết lập quan hệ với chính quyền Ukraine dựa trên cơ sở đảm bảo về bình đẳng, thân thiện tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc của nhau. Trường hợp thứ hai, tình hình diễn biến của công cuộc hàn gắn nhân dân sau chiến tranh không đạt được thành công, hai miền Đông – Tây vẫn tiếp tục mâu thuẫn, xung đột không công nhận lẫn nhau và đi theo những giá trị văn hóa, xã hội khác nhau gây thù ghét, chia rẽ dân tộc sâu sắc.
Một số kinh nghiệm đối với Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn
Vị trí địa chiến lược của Việt Nam với Ukraine có nhiều tương đồng. Với đường bờ biển dài có hệ thống cảng nước sâu và các đảo có giá trị quốc phòng cao. Phía bắc Việt Nam là Trung Quốc – quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Mặc dù ASEAN không phải tổ chức mang thiên hướng quân sự, tuy vậy nằm trong khu vực Biển Đông đang tồn tại nhiều tranh chấp cùng sự can thiệp sâu từ các thế lực bên ngoài khiến khu vực Đông Nam Á trở thành nơi ẩn chứa nhiều mâu thuẫn có thể bộc phát. Với chiến lược bao vây Trung Quốc từ mọi hướng, hệ thống tiền tiêu bao vây, kiềm chế của Mỹ cùng phương Tây ngày càng mở rộng sang châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông là một mắt xích quan trọng trong sự điều chỉnh chiến lược từ châu Âu – Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương.
Việt Nam vào năm 2014 cũng xảy ra biến cố biểu tình quá khích tại một số doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau khi cựu Tổng thống Trump chính thức gọi tên Trung Quốc là đối trọng chính của Mỹ, lập tức khu vực Đông Nam Á trở thành nơi hoạt động trọng điểm chiến lược mới cho các liên minh như AUKUS, QUAD thậm chí có thể cả NATO. Trong thế cờ đó, Việt Nam rất dễ bị cuốn vào tình thế lưỡng nan về an ninh giữa Trung Quốc và Mỹ cùng đồng minh.
Xuất phát từ bài học rút ra sau 10 năm cuộc cách mạng Maidan cùng sự biến chuyển khó lường của tình hình khu vực và thế giới Việt Nam đúc kết được kinh nghiệm trong quan hệ với các nước lớn như sau: i) Hơn 35 năm kể từ khi thực hiện đổi mới về tư duy đối ngoại, trong các văn kiện Đảng luôn nhấn mạnh đến tính hợp tác và cạnh tranh trong quan hệ quốc tế do đó bộ máy hoạch định đường lối là nhân tố cốt lõi[27]; ii) Đặt lợi ích quốc gia làm mục tiêu hành động và bảo vệ phân hóa rõ “đối tượng – đối tác” theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW(XI)[28]; iii) Giữ thế chủ động chiến lược với chính sách “cân bằng nước lớn” tạo môi trường hợp tác không có khoảng cách giữa các đối tác, tránh bị cô lập hoặc bị phụ thuộc; iv) Bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, không bị bất ngờ, bảo vệ tính tự chủ chiến lược, không để bị quốc gia khác thao túng kiểm soát đồng thời đảm bảo hòa bình, ổn định chính trị trong ấm ngoài êm, phòng ngừa các thế lực chống phá tạo cơ hội diễn ra “cách mạng màu” cho sự can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề nội bộ[29]; v) Kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chính sách “Bốn không” Quốc phòng và chiến lược “Ngoại giao cây tre” làm bạn với tất cả, tránh những để tranh chấp trên biển hiện thời trở thành xung đột vũ trang. Cuộc cách mạng Maidan cùng chiến tranh Nga – Ukraine chính là bài học sâu sắc nhất cho các nước nhỏ và vừa về giá trị của độc lập, tự chủ trong thời kỳ chuyển dịch sang trật tự thế giới mới./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] [2] Thông tấn xã Việt Nam (2014), “Tỷ phú Poroshenko tuyên bố đắc cử Tổng thống Ukraine”. https://www.tuyengiao.vn/ty-phu-poroshenko-tuyen-bo-dac-cu-tong-thong-ukraine-62858
[3] [5]Nguyễn Anh Tuấn (2022), “Chính sách đối ngoại của U-crai-na sau hơn 30 năm độc lập và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại U-crai-na”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 1/2022, trang 97-120.
[4] [8] Nguyễn Anh Tuấn (2022), “Ba mươi năm quan hệ của Ukraine và Việt Nam với châu Âu-Đại Tây Dương: Cơ hội thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Ukraine”, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu số 257/2022, trang 8-23.
[6] [10] [21] [24] [25] Nguyễn Ba Tài (2020), “Quan hệ Nga – Ucraina giai đoạn 2014-2020”, Luận văn thạc sĩ Trường ĐH KHXH&NV, mã số: 8310601.01, tr 28-75.
[7] Ariel Cohen (2018), “Russia’s Nord Stream II Pipeline Is Ukraine’s Worst Nightmare”, Forbes. https://www.forbes.com/sites/arielcohen/2018/06/18/russias-nord-stream-ii-pipeline-is-ukraines-worst-nightmare/?sh=6919d9243524
[9] Đinh Công Tuấn (2022), “Chính sách hướng Đông của NATO và cuộc chiến Nga-Ukraine”, Châu Mỹ ngày nay số 4/2022, trang 3-15.
[11] Hồng Anh (2019), “Dưới thời TT Poroshenko, cuối cùng Ukraine cũng lập kỉ lục thế giới, nhưng là xếp thứ nhất… từ dưới lên!”, Soha. https://soha.vn/duoi-thoi-tt-poroshenko-cuoi-cung-ukraine-cung-lap-ki-luc-the-gioi-nhung-la-xep-thu-nhat-tu-duoi-len-2019032216325721.htm
[12] Phúc Long (2019), “Vén màn bí mật về tân Tổng thống Ukraine”, Báo tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/ven-man-bi-mat-ve-tan-tong-thong-ukraine-20190422105149502.htm
[13] VTV Online (2019), “Thách thức của Tổng thống đắc cử Ukraine”. https://vtv.vn/the-gioi/thach-thuc-cua-tong-thong-dac-cu-ukraine-20190424063837486.htm
[14] Thảo Nguyên (2019), “Nga, Ukraine đạt thỏa thuận trung chuyển dầu mỏ có hiệu lực 10 năm”, Báo Nhân dân. https://nhandan.vn/nga-ukraine-dat-thoa-thuan-trung-chuyen-dau-mo-co-hieu-luc-10-nam-post378943.html
[15] Trần Hiếu (2022), “Trao đổi thương mại giữa Nga và Ukraine gia tăng trong năm 2011”, Bộ Tài chính. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM223534
[16] President of Ukraine Official Website (2019), “Bài phát biểu nhậm chức gây chú ý của tân Tổng thống Ukraine”. https://vnexpress.net/bai-phat-bieu-nham-chuc-gay-chu-y-cua-tan-tong-thong-ukraine-3928444.html
[17] Anh Tú (2021), “Ukraine thông qua chiến lược chính sách đối ngoại mới”, VOV. https://vov.vn/the-gioi/ukraine-thong-qua-chien-luoc-chinh-sach-doi-ngoai-moi-878581.vov
[18] Phan Thị Thu Dung (2022), “Một số lý giải về cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên”, Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/825105/view_content#
[19] Nguyễn Đình Thiện & Nguyễn Thị Hoài Thu (2022), “Một góc nhìn về “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine”, Học viện Chính trị CAND. https://hvctcand.bocongan.gov.vn/nghien-cuu-quoc-te/mot-goc-nhin-ve-chien-dich-quan-su-dac-biet-cua-nga-tai-ukraine-4682
[20] Hoàng Bách (2024), “Tổng thống Putin: Ukraine không phải kẻ thù của Nga”, Báo Nghệ An. https://baonghean.vn/tong-thong-putin-ukraine-khong-phai-ke-thu-cua-nga-post282646.html
[22] Shannon Bugos (2020), “Russia Releases Nuclear Deterrence Policy”, Arms Control Association. https://www.armscontrol.org/act/2020-07/news/russia-releases-nuclear-deterrence-policy
[23] Phương Vũ (2023), “Những điểm mới trong “Khái niệm chính sách đối ngoại” cập nhật của Nga”, Quân đội nhân dân. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nhung-diem-moi-trong-khai-niem-chinh-sach-doi-ngoai-cap-nhat-cua-nga-723736
[26] Michelle Kilfoyle (2023), “Ukraine: what’s the global economic impact of Russia’s invasion?”, Economics Observatory. https://www.economicsobservatory.com/ukraine-whats-the-global-economic-impact-of-russias-invasion
[27] Thúy Minh (2022), Hội thảo khoa học “Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI – Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/825480/hoi-thao-khoa-hoc-canh-tranh-chien-luoc-giua-cac-nuoc-lon-trong-thap-nien-thu-ba-cua-the-ky-xxi-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-viet-nam
[28] Trần Thái Bình (2014), “Một số nội dung cơ bản của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân. http://tapchiqptd.vn/vi/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/mot-so-noi-dung-co-ban-cua-chien-luoc-bao-ve-to-quoc-trong-tinh-hinh-moi/5731.html
[29] Lê Xuân Thành (2021), “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân. http://tapchiqptd.vn/vi/quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet/giu-trong-am-ngoai-em-phuong-cham-giu-nuoc-tu-som-tu-xa-tu-khi-nuoc-chua-nguy/17735.html