Khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (AĐD-TBD) lần đầu tiên được đề cập trong diễn ngôn chính trị quốc tế vào năm 2017 qua bài báo của nhà nghiên cứu Ấn Độ Gurpreet Khurana, được định nghĩa là một không gian hàng hải, nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương, giáp với tất cả các quốc gia ở Châu Á (bao gồm cả Tây Á, Trung Đông) và Đông Phi[1]. Với bối cảnh hiện nay, trong chiến lược của các quốc gia, khu vực này được coi là một “trung tâm” mới của thế giới, và đồng thời cũng chịu những sự tác động rất lớn đến từ chiến lược của các nước lớn, đặc biệt là các siêu cường. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của chủ nghĩa tiểu đa phương, hay còn gọi là những cơ chế hợp tác nhóm nhỏ, đang diễn ra ngày càng sâu rộng và có tác động mạnh mẽ đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Điều kiện thúc đẩy sự xuất hiện của các liên kết tiểu đa phương mới ở khu vực AĐD-TBD
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, quan hệ quốc tế được định hình bởi một trật tự lưỡng cực, với hai trung tâm có tiềm lực về chính trị và kinh tế hùng mạnh là Mỹ và Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, vai trò điều phối quan hệ quốc tế nằm trong tay của Mỹ. Có thể nói, Mỹ đã đảm nhận vai trò lãnh đạo quan hệ quốc tế toàn cầu trong suốt hơn hai thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh.
Nhưng hiện nay, ngoại giao toàn cầu đang cho thấy một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ quốc tế truyền thống. Các cơ chế hợp tác đa phương dường như không còn có sự liên kết chặt chẽ như trước mà thay vào đó, đã xuất hiện xu hướng hình thành các cơ chế hợp tác mới – cơ chế hợp tác nhóm. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã chỉ ra những điểm yếu của nhân loại và sự bất cập của chủ nghĩa đa phương hiện nay trong việc giải quyết các mối lo ngại về an ninh phi truyền thống.
Nếu như chủ nghĩa đa phương hoạt động dựa trên một bộ quy tắc nhất định, và giá trị chung, thì chủ nghĩa tiểu liên kết lại nhấn mạnh đến những lợi ích cục bộ, đồng thời cũng không lấy hệ tư tưởng làm nền tảng của mối liên kết. Các quốc gia có thể hợp tác với nhau về các lĩnh vực mà không cần phải chung một thế giới quan hay sự tương đồng về thể chế chính trị. [2]
Trong bối cảnh sự căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng như hiện nay, xu hướng tăng cường tiểu liên kết đa phương là lựa chọn của nhiều quốc gia trong chiến lược ngoại giao của mình. Sự thay đổi đáng kể của “hai mặt trận chiến lược” ở châu Âu – Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương gần đây đã thúc đẩy các nước theo đuổi việc hình thành các khối liên kết mới lấy Mỹ và Trung Quốc làm trung tâm. Điều đó cũng có nghĩa, cục diện thế giới đang chuyển dần từ đa cực hỗn loạn sang lưỡng cực, theo hướng sức mạnh thế giới chuyển từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam.[3] Tiếp đó là cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel tại khu vực Trung Đông cũng làm cho bối cảnh thế giới trở lên căng thẳng và khó lường. Các tuyến đường hàng hải quốc tế qua khu vực này hầu như bị ngưng trệ do những tác động của các cuộc xung đột, bên cạnh đó là vấn đề nhân đạo, chủ nghĩa khủng bố và phong trào bài Do thái đang có xu hướng lan rộng. [4]
Đồng thời, mô hình liên kết tiểu đa phương tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng bị tác động mạnh mẽ đến từ chiến lược phát triển của các nước lớn. Đối với Mỹ, trong những năm gần đây, với chính sách xoay trục sang Châu Á, Mỹ đã tăng cường vai trò của mình tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua các tổ chức, và đồng minh tại khu vực này nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc vốn được Mỹ coi là đối thủ trong thế kỷ XXI. Về phía Trung Quốc, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được coi là “cửa ngõ” để nước này hướng đến làm chủ đại dương, với tầm nhìn thực hiện giấc mơ Trung Hoa vào năm 2049, nước này tăng cường thực hiện hình thành các “chuỗi liên kết” nhằm kết nối các vùng địa chiến lược quan trọng trong khu vực, đồng thời cũng tăng cường, mở rộng sức ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực, hướng tới khả năng kiểm soát những địa bàn trọng yếu tại khu vực này.[5]
Trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn từ cuối năm 2019 với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 và những diễn biến xung đột đang ngày càng leo thang đã cho thấy một mối liên kết lỏng lẻo trong cơ chế hợp tác đa phương, cùng với đó là những cơ chế tiểu liên kết do các siêu cường dẫn dắt cũng mở ra rất nhiều thuận lợi và thách thức trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chính những điều này, sẽ có khả năng là một động lực để thúc đẩy một trào lưu liên kết mới – liên kết tiểu đa phương nhằm cân bằng sự ảnh hưởng của các nước lớn và giải quyết các vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh phi truyền thống trong khu vực này.
Hiện trạng các liên kết tiểu đa phương tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện tại khu vực này, với mục tiêu cốt lõi là củng cố vị thế của mình, và kìm kẹp khả năng phát triển của Trung Quốc. Các cơ chế được Mỹ thúc đẩy tại khu vực không nằm ở hệ thống hợp tác đa phương như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà là các cơ chế hợp tác nhóm do Mỹ dẫn đầu. Và quốc gia cạnh tranh với Mỹ là Trung Quốc, với Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc không ngừng liên kết với các quốc gia trong khu vực nhằm hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa” của mình. Bên cạnh đó sự tham gia của Ấn Độ, Nhật Bản cũng làm “mặt trận” này trở lên căng thẳng hơn. Hiện nay, tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nổi lên một số cơ chế hợp tác tiểu liên kết như:
Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD), đây là cơ chế đối thoại an ninh không chính thức giữa Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ. Cơ chế đối thoại này được thúc đẩy bởi cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào năm 2007 với mục tiêu, thúc đẩy “tự do và thịnh vượng” đồng thời kìm kẹp sự phát triển của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bộ tứ này đã có khoảng thời gian bị gián đoạn dưới thời Thủ tướng Australia – Kevin Rudd, khi ông có chính sách cải thiện quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 11/2017, cơ chế đối thoại giữa các thành viên QUAD đã được nối lại tại cuộc họp ở Manila, Philippines.
Mục tiêu của cơ chế QUAD hướng tới mục đích duy trì nhân quyền, pháp quyền, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như giải quyết hòa bình tranh chấp tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong chiến lược của các nước thành viên đều hướng đến ngăn chặn những bước đi kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực này. Nhưng nhóm QUAD cũng hạn chế đề cập trực tiếp đến các vấn đề về Bắc Kinh trên bàn thảo luận, bất chấp chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đề cập rõ ràng đến Trung Quốc. [6]
Tuy nhiên, sợi dây liên kết giữa các quốc gia này vẫn còn khá lỏng lẻo, như đã đề cập, cơ chế hợp tác nhóm hoàn toàn không dựa vào bộ quy tắc nào, ở đó chỉ có lợi ích quốc gia và nguyên tắc nhất định. Bộ từ kim cương được lập ra với mục đích là kìm kẹp Trung Quốc, nhưng nền kinh tế của những thành viên trong cơ chế này lại có quan hệ thương mại đáng kể với Đại lục. Trung Quốc hiện đang là nước xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản và Australia, đồng thời cũng là thị trường lớn của Mỹ và Ấn Độ. Bên cạnh đó, chưa có một chương trình cụ thể trong chiến lược hành động của nhóm này, giữa các thành viên đều có những quan điểm và lợi ích riêng nên khó có thể tiến tới một hành động chung chiến lược.
Trong thời gian tới, với tình hình địa chính trị căng thẳng tại khu vực Trung Đông và Đông Âu, rất có thể các thành viên ở trong khối sẽ tăng cường những cuộc tập trận nhằm duy trì an ninh tại khu vực. Nhưng trong quan điểm của Trung Quốc, họ cho rằng, QUAD là khối NATO mới ở châu Á. Và trong nhận định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu “Mỹ và Phương Tây đang muốn mở rộng cuộc xung đột ở Ukraine sang châu Á”. [7]
Tiếp đó, cơ chế hợp tác AUKUS là một cơ chế hợp tác nhóm bao gồm ba quốc gia thành viên Australia, Mỹ và Anh, liên quan đến các vấn đề an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cơ chế hợp tác này được thúc đẩy bởi chính quyền Mỹ với hai đồng minh lâu năm của mình là Australia và Anh, đây được coi là một liên minh phòng thủ chiến lược được thỏa thuận giữa các thành viên trong nhóm với mục đích tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cũng là cách Mỹ dùng để ngăn chặn sự “bành trướng” của Trung Quốc tại khu vực này.
Nội dung chủ yếu trong các chương trình nghị sự của AUKUS là hướng tới tăng cường hỗ trợ Australia về các vấn đề liên quan đến năng lực hạt nhân. Một trong những trọng tâm của nhóm này là hướng tới hỗ trợ Australia chế tạo ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và chuẩn bị những điều kiện cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng một căn cứ hải quân trên bờ biển phía đông Australia.
Nhưng một điểm yếu còn tồn tại trong liên kết này là Australia phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Nếu như mục đích ban đầu là hướng tới tăng cường năng lực hạt nhân cho Australia thì trong thực tế lại hoàn toàn khác, nguồn nhân lực mà Anh và Mỹ cung cấp hầu như không làm việc toàn thời gian mà thay vào đó họ chia sự chú ý vào những vấn đề cấp bách khác. Dư luận quốc tế cũng là một thách thức lớn cho cơ chế này, Nhật Bản ủng hộ Australia trong việc tăng cường năng lực quân sự của mình, nhưng quan điểm từ chính quyền Pháp và Trung Quốc lại khá căng thẳng. Trung Quốc cho rằng, hành động này của nhóm đang hướng đến một cuộc chạy đua vũ trang và rải ráp vũ khí hạt nhân tại khu vực. [8]
Một cơ chế hợp tác nữa tại khu vực đó là Khuôn khổ liên minh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines (JAPHUS) nhằm tạo ra một công cụ mới đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Có thể thấy rõ một điều, khối tiểu liên kết này được hình thành với mục đích ngăn chặn những hành động của Trung Quốc tại vùng biển Đông và biển Hoa Đông. Cả hai quốc gia Nhật Bản và Philippines đều đang gặp những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Khuôn khổ hợp tác của ba nước dựa trên cơ sở triển khai chiến lược an ninh bao gồm diễn tập quân sự chung, hợp tác và giao lưu quốc phòng, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả cụ trong các lĩnh vực quân sự, tình báo và tổng hợp. [9]
Vừa qua, cuộc đối đầu chiến lược của nhóm này với Trung Quốc đã diễn ra tại khu vực biển Đông. Khi vào ngày 7/4, khối liên kết JAPHUS với sự tham gia của Australia đã tổ chức một hoạt động hợp tác hàng hải tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhằm tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế hướng tới một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cùng ngày hôm đó, Trung Quốc thông báo rằng đã tổ chức một cuộc tuần tra chiến lược hải quân và không quân chung ở Biển Đông nhằm kiểm soát mọi hoạt động quân sự gây rối tình hình Biển Đông. [10]
Có thể thấy điểm chung của cả ba mối liên kết này đều có một mục tiêu nhằm hướng đến ngăn chặn những bước tiến của Trung Quốc tại khu vực và vấn đề hợp tác an ninh được đặt lên làm trọng tâm trong cả ba cơ chế hợp tác. Một điểm nữa, cả ba khối tiểu liên kết này đều chịu sự chi phối của Mỹ. Điều này làm hạn chế khả năng tự quyết trong khu vực đối với các quốc gia châu Á. Bên cạnh đó, ngoài cơ chế JAPHUS là cơ chế được đánh giá là có khả năng liên kết bền chặt hơn dựa trên cơ sở sự bất đồng của cả ba nước với Trung Quốc thì hai khối còn lại đều bộc lộ mối liên kết lỏng lẻo vào khó đi tới một mục tiêu chiến lược chung.
Những tiểu liên kết tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu dường như chưa mang lại những hiệu quả về kinh tế cũng như chưa có biện pháp đấu tranh chống lại những rủi ro tiềm ẩn từ các vấn đề an ninh phi truyền thống. Tiếp đó, khối liên kết này không có sự cạnh tranh trong khu vực, ngoài ba cơ chế nêu trên chưa có một cơ chế nào thực sự có thể cạnh tranh mang tầm quốc tế.
Những liên kết tiểu đa phương có thể hình thành trong thời gian tới[11]
Với tư cách là khu vực có vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ XXI, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương luôn có vị trí chiến lược trong chính sách của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước lớn. Với tiềm năng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, trong những năm gần đây khu vực này luôn trong tình trạng căng thẳng bởi quá trình gia tăng ảnh hưởng của các nước, đặc biệt là các tiểu liên kết do Mỹ đứng đầu. Đó là một xu hướng có thể nhận ra, và xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai với nhiều liên kết nhỏ khác có thể được hình thành.
Trước hết, bản thân Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy quá trình các tiểu liên kết do họ giữ vai trò chủ đạo. Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được coi là cửa ngõ của Trung Quốc để nước này thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”. Những năm vừa qua, chính quyền Bắc Kinh không ngừng đẩy mạnh cách chiến lược của mình, tiêu biểu trong số đó là Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) và yêu sách “đường đứt đoạn” tại khu vực biển Đông. Với Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc không ngừng liên kết với các quốc gia khu vực trên thế giới dọc theo tuyến đường phát triển này. Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác với các nước thông qua cơ chế đầu tư, xây dựng các “đặc khu”, hành lang kinh tế như: Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar-Bangladesh, và một số cơ chế hợp tác khác. Rất có thể, trong thời gian tới, chính quyền Bắc Kinh sẽ hướng tới thành lập một số cơ chế tiểu liên kết để mở rộng và củng cố thêm vị thế của mình tại khu vực này. Trong vấn đề biển Đông, rất khó để Trung Quốc có thể thành lập một trục liên kết quân sự như Mỹ, vì trong yêu sách “đường đứt đoạn”, Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực khiến cho mối quan hệ giữa chính quyền Bắc Kinh với các nước ASEAN xấu đi. Cùng với đó, sự hiện diện của Mỹ cũng làm cho các nhà hoạch định chính sách của các nước có phần “dè dặt” hơn khi liên kết với Trung Quốc về vấn đề này.
Một trục liên kết liên quan đến các vấn đề như: thịnh vượng và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh, quản trị đại dương và kinh tế số; kết nối khu vực, an ninh, quốc phòng và an ninh con người cũng có thể được liên kết do EU đứng đầu. Trong những năm gần đây, EU tăng cường cải thiện hợp tác với các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các mối liên hệ kinh tế giữa EU và khu vực này đã đạt đến cấp độ tăng trưởng ấn tượng. Trong bối cảnh an ninh thế giới căng thẳng như hiện nay, EU luôn duy trì đối thoại an ninh và quốc phòng với Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và các nước khác. Về mặt kinh tế, EU gần đây đã ký hiệp định thương mại tự do với New Zealand và đang tiến hành đàm phán với Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, đồng thời cũng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ để đảm bảo chuỗi cung ứng. [12]
Trong thời gian tới, cơ chế hợp tác nhóm xoay quanh Nhật Bản cũng có thể được hình thành, ngoài liên minh chặt chẽ với Mỹ về các vấn đề quân sự, chính quyền Tokyo cũng công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm củng cố vị thế của mình với tư cách là một nước lớn tại khu vực. Nhật Bản tập trung vào tăng cường “sức mạnh mềm” thông qua các dự án hợp tác kinh tế, hỗ trợ tài chính cho các nước khu vực Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi, đồng thời quốc gia này cũng liên kết chặt chẽ với Ấn Độ nhằm thực hiện dự án “Hành lang tăng trưởng Á-Phi” để kết nối hạ tầng giữa hai châu lục.
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng là khu vực quan trọng đối với Ấn Độ, theo đó quan điểm của Ấn Độ về khu vực này bao trùm cả vùng duyên hải châu Phi ở phía tây Ấn Độ Dương và biển Arab, bao gồm các nước láng giềng trong Vùng Vịnh, các đảo quốc ở biển Arab và khu vực châu Phi. Một trục liên kết xoay quanh Ấn Độ cũng có thể được hình thành khi quốc gia này xây dựng Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương gồm 7 trụ cột với 6 nhóm: an ninh hàng hải; hệ sinh thái và tài nguyên biển; xây dựng năng lực thực thi hàng hải và chia sẻ thông tin; quản lý rủi ro và thảm họa; hợp tác khoa học và công nghệ; kết nối thương mại và vận tải biển. [13]
Có thể thấy, khả năng hình thành các liên kết tiểu đa phương mới trong những năm tiếp theo là rất lớn, với vị thế và tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với tầm quan trọng chiến lược của khu vực liên hai đại dương, các quốc gia luôn xác định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể định hình cục diện quốc tế trong thế kỷ XXI. Và đứng trước những tác động sâu rộng từ nhiều chủ thể, an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương luôn trong tình trạng căng thẳng đến từ “quan điểm” của các nước lớn.
Những tác động đến cấu trúc an ninh khu vực
Cấu trúc an ninh khu vực được phân biệt dưới năm dạng thức, gồm cấu trúc dựa trên bá quyền; cấu trúc dựa trên cân bằng quyền lực; cấu trúc dựa trên hòa hợp quyền lực; cấu trúc dựa trên quan hệ hợp tác và cấu trúc tự do.[14] Trong những năm gần đây, cục diện an ninh, chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, dưới tác động của các nước lớn cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở lên căng thẳng và khó lường hơn bao giờ hết.
Hiện nay, cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang được thiết lập dựa trên hướng cân bằng quyền lưc. Dưới góc độ liên kết tiểu đa phương, dường như đây là phương thức để các nước phát triển trên thế giới liên minh với các quốc gia trong khu vực nhằm thiết lập các công cụ củng cố vị thế của mình. Các cơ chế hợp tác nhóm đang tồn tại ở khu vực này một hoặc do Mỹ đứng đầu, hoặc do Trung Quốc đứng đầu, điều này có thể khiến cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc càng trở lên gay gắt hơn trong khu vực.
Tiếp đến, cơ chế hợp tác nhóm chủ yếu dựa trên lợi ích và mối quan tâm của từng quốc gia thành viên về một vấn đề cụ thể. Các quốc gia có thể hợp tác với bất kỳ đối tác nào dựa trên các khuôn khổ riêng biệt nhằm thực hiện các chính sách của mình. Điều này dẫn đến việc, quá nhiều cơ chế hợp tác trên từng lĩnh vực cụ thể mà không hướng đến một mục tiêu chiến lược trong dài hạn dẫn đến sự phân mảnh trong hành động và làm giảm hiệu quả, từ đó có thể gây mất ổn định an ninh khu vực.[15]
Vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực có thể sẽ bị suy giảm. Thứ nhất, đến từ cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, với vị thế là tâm điểm của khu vực địa chính trị chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ASEAN hiện nay đang là “trận địa” chính của cuộc cạnh tranh siêu cường này. Điều này có thể dẫn đến vai trò kết nối của ASEAN trở nên mờ nhạt và quyền tự chủ có thể bị xói mòn. Sự khác biệt trong chính sách tiếp cận của Mỹ-Trung với ASEAN cũng là vấn đề gây trở ngại đến vai trò trung tâm của tổ chức này, nếu như Mỹ chủ yếu tập trung vào an ninh quốc phòng thì Trung Quốc lại hướng đến những lĩnh vực kinh tế, với hàm ý chỉ có kinh tế mới là điểm thu hút trong thời đại mới. Thứ hai, vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực của ASEAN cũng đang bị thách thức bởi xu hướng hình thành các cơ chế hợp tác bên ngoài ASEAN. Với sự trỗi dậy của các cơ chế hợp tác an ninh do Mỹ đứng đầu đã phản ánh khả năng của ASEAN trong việc cân bằng Mỹ-Trung. Xu hướng hình thành các tiểu liên kết ngoài ASEAN sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, và những xu hướng liên kết này có nguy cơ làm rạn nứt nội bộ trong ASEAN, tác động tiêu cực đến chính sách cân bằng chiến lược các nước lớn mà ASEAN đang theo đuổi, đẩy ASEAN gần hơn đến tình thế phải chọn bên.[16]
Dự báo xu hướng
Trong thời gian tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ định hình rõ nét hơn, phản ánh thực tế địa-chiến lược, địa-kinh tế mới tại khu vực. Cục diện “lưỡng siêu đa cực” trong khu vực với vai trò chủ đạo của Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên rõ ràng hơn. Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược an ninh của mình, còn Trung Quốc cũng tập trung vào các chiến lược kinh tế, nhằm đối trọng, cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng với nhau tại khu vực. Đây cũng tiếp tục là khu vực cạnh tranh chính của những quốc gia phát triển ở trong và ngoài khu vực, các chủ thể gồm EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada cũng sẽ tham gia vào công cuộc cạnh tranh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này rất có thể dẫn đến tình trạng mất ổn định tại khu vực.
ASEAN tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn của thế giới, tiếp tục điều chỉnh chính sách nhằm cân bằng sức ảnh hưởng của các nước lớn, hình thành các cơ chế mới để giải quyết các vấn đề nội khối. Với bối cảnh như vậy, ASEAN cũng cần phải có những chính sách linh hoạt nhằm duy trì vai trò trung tâm của mình tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. [17]
Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Dựa trên những tác động của xu hướng tiểu liên kết đa phương đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Việt Nam với vị thế địa-chính trị quan trọng tại khu vực, án ngữ “cửa ngõ” phía Nam của Trung Quốc, đồng thời cũng là cửa ngõ để các nước phương Tây tiếp cận đến khu vực châu Á. Việt Nam cần nắm rõ tình hình quốc tế, kết hợp với nguồn lực nội tại để phát triển và trung hòa sức ảnh hưởng của các nước lớn.
Phát huy “thế”, khắc phục “lực” tạo môi trường an ninh phát triển thuận lợi, mặc dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhưng so với các nước lớn trên thế giới, nền kinh tế của Việt Nam vẫn là một nền kinh tế nhỏ, và còn chịu sự tác động đa chiều của các siêu cường. Vì vậy cần phát huy sức mạnh của “thế” nhằm khắc phục được điểm yếu về “lực” từng bước nâng dần sức mạnh tổng hợp của quốc gia. [14]
Củng cố chính sách đối ngoại quốc phòng dựa trên tinh thần“4 không”. Việt Nam trong chiến lược của các nước lớn luôn là vị trí trọng tâm trong chính sách của mình. Đối với Mỹ, Việt Nam là đối tác tối quan trọng, nếu Việt Nam ngả về phía Mỹ tại khu vực này thì tiềm lực an ninh của Mỹ được củng cố vững chắc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về phía Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia láng giềng quan trọng với đường biên giới dài và là quốc gia có đường bờ biển chiến lược trong chính sách vươn mình của chính quyền Bắc Kinh. Nếu kiểm soát tốt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để duy trì tự do hàng hải trên tuyến giao thương qua Biển Đông.
Thúc đẩy tăng cường hợp tác khu vực, trọng tâm là tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh cạnh tranh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng gia tăng, đây cũng là thời điểm để Việt Nam phát huy vai trò của mình trong việc gắn kết nội khối, tạo các cơ chế an ninh nhằm hướng tới xây dựng một môi trường an ninh chung trong khu vực./.
Tác giả: Hoàng Trần Minh Trí
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Duy Hoàng. “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: tầm nhìn và thực tiễn”. Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quan-triet-va-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/820763/view_content#
2. Nickolay Mladenov. “Minilateralism: A concept that is changing the world order”. The washington institute for near east policy.https://www.washingtoninstitute.org/policy-analysis/minilateralism-concept-changing-world-order
3. Nguyễn Anh Tuấn. “Một số tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine tới cục diện thế giới” Tuyên giáo. https://www.tuyengiao.vn/mot-so-tac-dong-cua-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-toi-cuc-dien-the-gioi-151056
4. Minh Đức-Đức Mạnh. “Tác động đa chiều từ cuộc xung đột Hamas-Israel tới an ninh khu vực và quốc tế”. Tạp chí quốc phòng toàn dân. http://m.tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/tac-dong-da-chieu-tu-cuoc-xung-dot-hamas-israel-toi-an-ninh-khu-vuc-va-quoc-te-21490.html
5. Minh Đức. “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chiến lược của các nước lớn”. Tạp chí quốc phòng toàn dân. http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/an-do-duong-thai-binh-duong-trong-chien-luoc-cua-cac-nuoc-lon/18509.html
6. Alice Valioulis. “The QUAD: its objectives, its limitations, and what its future holds”. Institute for youth in policy. https://yipinstitute.org/article/the-quad-its-objectives-its-limitations-and-what-its-future-holds
7. Thảo Vy. “Ông Shoigu lên tiếng về QUAD, AUKUS, chuyện Nato muốn mở rộng ra châu Á” . Pháp luật. https://plo.vn/ong-shoigu-len-tieng-ve-quad-aukus-chuyen-nato-muon-mo-rong-ra-chau-a-post759116.html
8. “Liên minh AUKUS – Lịch sử, Mục đích, Tính năng, Ý nghĩa, Phản ứng quốc tế, Tác động & Thách thức”. Testbook. https://testbook.com/ias-preparation/aukus-alliance
9. Trịnh Tiên Vũ (郑先武), Nguyễn Phượng (dịch). “ Liên minh Mỹ – Nhật Bản – Philippines (JAPHUS): hiện trạng, xu hướng và tác động”. Nghiên cứu chiến lược. https://nghiencuuchienluoc.org/lien-minh-my-nhat-ban-philippines-japhus-hien-trang-xu-huong-va-tac-dong/
10. Vĩnh Khang. “Trung Quốc tuần tra cùng lúc Mỹ-Nhật-Úc-Philippines tập trận trên Biển Đông” . Pháp Luật. https://plo.vn/trung-quoc-tuan-tra-cung-luc-my-nhat-uc-philippines-tap-tran-tren-bien-dong-post784329.html
11. Minh Đức. “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chiến lược của các nước lớn”. http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/an-do-duong-thai-binh-duong-trong-chien-luoc-cua-cac-nuoc-lon/18509.html
12. “EU quyết tăng cường hợp tác với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Dân Trí. https://dantri.com.vn/the-gioi/eu-quyet-tang-cuong-hop-tac-voi-an-do-duong-thai-binh-duong-20240202204621211.htm
13. Nguyễn Trần Xuân Sơn. “Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ: Từ chính sách đến hành động”. Bộ Công an-Học Viện Chính Trị Công An Nhân Dân. https://hvctcand.bocongan.gov.vn/nghien-cuu-quoc-te/sang-kien-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-an-do-tu-chinh-sach-den-hanh-dong-3529
14. Đỗ Lê Chi. “Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật
15. Aarshi Tirkey. “Minilaterals and their impact on Indo-Pacific security”. National Security College Futures Hub. https://futureshub.anu.edu.au/minilaterals-and-their-impact-on-indo-pacific-security/
16. Ngô Chí Nguyện. “Vị thế, vai trò của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: cơ hội trong thách thức”. Tạp chí điện tử lý luận chính trị. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/4261-vi-the-vai-tro-cua-asean-o-khu-vuc-an-do-thai-binh-duong-co-hoi-trong-thach-thuc.html
17. Phan Thị Thu Dung. “Dự báo các xu thế lớn trên thế giới tác độc đến môi trường chiến lược của Việt Nam trong 15 năm tới, và một số vấn đề đặt ra đối với lợi ích, an ninh quốc gia” Tạp chí Cộng Sản.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827297/du-bao-cac-xu-the-lon-tren-the-gioi-tac-dong-den-moi-truong-chien-luoc-cua-viet-nam-trong-15-nam-toi-va-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi-loi-ich%2C-an-ninh-quoc-gia.aspx