Tháng 5/2024, cùng với những chuyển biến chính trị rất đáng chú ý ở Việt Nam, tình hình thế giới cũng tiếp tục xuất hiện những diễn biến lớn, có tác động toàn cầu. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng và các đề xuất nghiên cứu có tính thực tiễn và khoa học cao trong thời gian tới.
MỘT SỐ DIỄN BIẾN ĐÁNG CHÚ Ý TẠI CÁC KHU VỰC CHIẾN LƯỢC
Khu vực châu Á – Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
1. Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc ngày 16-17/5/2024. Đây cũng là chuyến thăm quốc tế đầu tiên của người đứng đầu nước Nga sau khi tái cử nhiệm kỳ mới. Việc lựa chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên không bất ngờ đối với giới quan sát thế giới. Điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của cả 2 cường quốc trong chính sách của mỗi bên.
2. Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên sau 5 năm, mở ra một cơ hội mới nhằm ổn định tình hình an ninh Đông Bắc Á. Tuy nhiên, kết quả của hội nghị khó có thể làm thay đổi cục diện cạnh tranh phức tạp ở khu vực này,
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines nhóm họp tại Honolulu ngày 2/5/2024 nhằm tăng cường hợp tác thực thi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt, cuộc họp cũng được cho là có đề cập đến việc hỗ trợ Philippines ở Biển Đông.
4. Đối thoại Shangri-La 2024 (Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á) lần thứ 21 chính thức được khai mạc ngày 31/5/2024. Trong 3 ngày làm việc, các quan chức cấp cao của gần 50 quốc gia sẽ tham dự và cùng thảo luận về các vấn đề an ninh cấp thiết ở khu vực trong thời gian qua và cùng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các căng thẳng trong tương lai.
5. Mỹ – Trung tham vấn trực tuyến về Biển Đông, Biển Hoa Đông và Đài Loan. Cuộc tham vấn đã được diễn ra giữa ông Hồng Lương – Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc và ông Mark Baxter Lambert – Điều phối viên về Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuy vậy, cuộc tham vấn này dường nhưng không đạt được quá nhiều đồng thuận về các vấn đề then chốt giữa hai cường quốc.
6. Philippines khai trương tiền đồn của lực lượng bảo vệ bờ biển ở Biển Đông, địa điểm nằm tại đảo Itbayat cực bắc của quốc gia quần đảo này. Với vị trí đó, tiền đồn này có thể có nhiều giá trị đối với Mỹ hơn là với Philippines trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc.
7. Triều Tiên tuyên bố tăng cường khả năng răn đe hạt nhân vào ngày 17/5/2024 sau động thái nối lại các hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Mỹ. Theo đó, Triều Tiên cho rằng, việc làm của Mỹ là một hành động nguy hiểm, khiến môi trường an ninh toàn cầu trở nên bất ổn hơn. Việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên là cần thiết trước “sự liều lĩnh của kẻ thù”.
8. Xung đột quân sự bên trong Myanmar có xu hướng bất lợi đối với lực lượng quân đội chính phủ. Sau khi giao tranh ác liệt tại Myawaddy vào hồi tháng 4/2024, bước sang tháng 5, lực lượng quân đội Myanmar tiếp tục phải gánh chịu những thiệt hại đáng kể ở khu vực bang Rakhine. Các diễn biến quân sự gần đây đang cho thấy sự vượt trội của quân đội chính phủ đã không còn, cán cân lực lượng trong cuộc “nội chiến” ở quốc gia Đông Nam Á này đang ngày càng trở nên cân bằng hơn.
Khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương
9. Nga mở chiến dịch tại Kharkov – thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Xoay quanh chiến dịch này, nhiều giả thiết về mục đích thực sự của Nga đã được đưa ra. Nhiều khả năng, đây tiếp tục là trận đánh làm gia tăng thêm áp lực viện trợ của các nước phương Tây đối với Ukraine.
10. Nhiều nước EU và NATO đang “bật đèn xanh” cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga. Đây được coi là một hành động nguy hiểm có thể khiến cuộc xung đột ở Ukraine bước vào giai đoạn khốc liệt mới.
11. 3 nước châu Âu đón tiếp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 5-10/5/2024. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập sau 5 năm ở lục địa già. Chuyến thăm này được cho là nhằm mục tiêu thúc đẩy quan hệ châu Âu – Trung Quốc phát triển bền vững, ổn định và lành mạnh.
12. Tổng Thư ký NATO phản đối thành lập quân đội chung châu Âu. Tuyên bố được ông Jens Stoltenberg đưa ra ngày 25/5/2024, ông cho rằng đó là ý tưởng sao chép lại lực lượng của NATO và điều đó là thừa thãi.
13. EU tiếp tục triển khai các lệnh trừng phạt mới trong bối cảnh chính lục địa già đang lún sâu vào khủng hoảng. Cụ thể, trong tháng 5, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga, gia hạn trừng phạt với Syria và chuẩn bị kế hoạch trừng phạt đối với Iran, Gruzia…
Khu vực Trung Đông & Châu Phi
14. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tử nạn trong một tai nạn máy bay có nhiều điểm bất thường. Đêm 19/5, chiếc trực thăng chở các quan chức cấp cao Iran như Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao đã gặp nạn ở tỉnh Đông Azerbaijan, phía tây bắc Iran. Đây là một mất mát lớn đối với Iran khi ông Raisi được coi là người kế nhiệm tiềm năng của vị Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Mặc dù vậy, các chính sách của Iran được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi.
15. Dải Gaza tiếp tục duy trì trạng thái xung đột căng thẳng. Bất chấp sự phản đối của các bên, Israel vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch nhằm vào Rafah (thành phố nằm ở phía Nam dải Gaza). Nhiều nước và tổ chức quốc tế trong khu vực Trung Đông cũng như trên thế giới kêu gọi lên án các hành động được coi là diệt chủng của Israel nhằm vào người Palestine. Trong số này có: Tổ chức Hợp tác Hồi giáo OIC, Mexico, Libya, Nam Phi, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng tham gia kiện Israel.
16. Mỹ và Saudi Arabia nỗ lực tìm cách hoàn tất thỏa thuận song phương. Ngày 18/5, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thảo luận về một thỏa thuận song phương trong nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả vấn đề về cuộc xung đột đang diễn ra ở dải Gaza cũng như các căng thẳng liên quan tới Israel thời gian qua.
17. Nam Phi bắt đầu cuộc tổng tuyển cử từ ngày 29/5/2024. Đây được coi là cuộc tổng tuyển cử quan trọng nhất trong vòng 30 năm qua tại quốc gia này. Bối cảnh hiện nay, một số nguồn dự báo cho rằng đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đang đối mặt với nguy cơ thất bại lần đầu tiên trong lịch sử. Kết quả của cuộc bầu cử này dự kiến sẽ được công bố vào ngày 2/6/2024.
18. Các quốc gia Sahel lần đầu tiên tổ chức tập trận ở Tây Niger. Các thành viên tham gia cuộc tập trận bao gồm: Burkina Faso, CH Chad, Mali, Niger và Togo. Đây đều là các nước đang có mối quan hệ xấu với ECOWAS (Cộng đồng Kinh tế Tây Phi) kể từ khi khủng hoảng ở Niger nổ ra.
Khu vực châu Mỹ
19. Bầu cử tại Dominica kết thúc với kết quả Tổng thống Luis Abinader tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Ngày 25/5/2024 theo giờ địa phương, Ủy ban bầu cử Trung ương Dominica chính thức công bố kết quả kiểm phiếu của cuộc bầu cử. Theo đó, Tổng thống Luis Abinade – ứng viên của Đảng Cách mạng hiện đại đã tái đắc cử với 57,44% phiếu bầu.
20. Bầu cử tại Mexico bước vào giai đoạn cuối với nhiều diễn biến căng thẳng. Một số ứng viên tranh cử chức Thị trưởng ở quốc gia Trung Mỹ này đã bị ám sát ngay trước thềm bầu cử chỉ vài ngày. Cụ thể, ứng cử viên Ricardo Arizmendi tranh cử chức Thị trưởng thành phố Cuautla, bang miền Trung Morelos đã bị ám sát ngày 28/5/2024. Trong 1 năm qua, đã có gần 40 ứng viên vào các vị trí chính quyền ở Mexico đã bị ám sát, khiến cuộc bầu cử tại quốc gia này trở thành cuộc bầu cử nguy hiểm bậc nhất thế giới đối với các ứng viên.
21. Ecuador ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh do bạo lực. Nguyên nhân ban đầu được xác định là bởi bạo lực gia tăng liên quan tới cuộc chiến chống lại các băng đảng vũ khí.
MỘT SỐ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
– Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
– Sự phát triển của khoa học, công nghệ quân sự thông qua các cuộc xung đột hiện nay.
– Đánh giá kết quả, tác động của các cuộc bầu cử quan trọng, có khả năng ảnh hưởng ở tầm khu vực cũng như toàn cầu.
– Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
– Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
TM. BAN BIÊN TẬP