Tóm tắt: Trung Quốc là quốc gia tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử nhiều nhất trên thế giới. Với lợi thế lớn về khả năng sản xuất, thị trường xuất khẩu của Trung Quốc đa dạng mọi loại hàng hóa, trong đó mặt hàng nông sản đã có mặt từ rất sớm trong quá trình xuất khẩu bằng thương mại điện tử xuyên biên giới (CBEC) và đạt được nhiều thành tựu. Trong khi đó, mặc dù nông sản là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, tình hình ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu nông sản của nước ta lại gặp rất nhiều hạn chế ngay từ giai đoạn đầu tiên. Bài viết này nghiên cứu tình hình xuất khẩu nông sản thông qua thương mại điện tử của Trung Quốc từ đó rút ra bài học cho Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình ứng dụng CBEC trong xuất khẩu nông sản.
Dẫn nhập
Bắt đầu với mục đích hướng đến người tiêu dùng cuối, các nền tảng thương mại điện tử theo chiều dọc[1] chuyên biệt dành cho các sản phẩm nông nghiệp đã xuất hiện từ những năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2012, thương mại điện tử hàng thực phẩm tươi sống tại Trung Quốc nói chung và xuất nhập khẩu nông sản tươi thông qua thương mại điện tử nói riêng mới thật sự được coi là phát triển với hàng loạt sự tham gia của các công ty thương mại điện tử hàng đầu như JD.com, Yiou, Kaixue, Alibaba, khai sinh ra Tmall, Suning, COFCo,… và các doanh nghiệp khác trong ngành thực phẩm tươi sống.
Về điều kiện phát triển
Môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới
Trong quá trình phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới trong xuất khẩu nông sản, không thể thiếu đi sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. Ngay từ năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên đến năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng, thương mại điện tử với mô hình vận hành trực tuyến độc đáo mới nhận được sự chú ý xứng đáng trong hoạt động xuất khẩu. Đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ được tầm quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới và nhu cầu thị trường đối với hình thức thương mại này cũng phát triển nhanh chóng. Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế quốc dân, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ cho ngành thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy xây dựng khu vực thương mại điện tử xuyên biên giới tổng hợp, tạo điều kiện phát triển tốt cho ngành thương mại điện tử xuyên biên giới.
Kể từ năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm khuyến khích sự phát triển đổi mới của ngành. Trong số đó, nổi bật nhất là những chính sách liên quan đến việc xây dựng các khu thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc phân chia các khu vực thí điểm theo từng giai đoạn hướng đến mục tiêu mọi miền phát triển theo xu hướng thương mại quốc tế không chỉ khiến Trung Quốc đạt được sự phát triển toàn diện trong xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên toàn quốc mà còn tận dụng và phát triển tốt lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng.
Không dừng lại ở việc đưa ra những chính sách hỗ trợ liên quan, Chính phủ Trung Quốc cũng không ngừng tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế về thương mại điện tử với các quốc gia trên thế giới. Khoảng 60% trong số 19 hiệp định thương mại tự do mà Trung Quốc đã ký kết có các điều khoản về thương mại điện tử[2]. Trung Quốc cũng là nước đi đầu ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chương 12 “Thương mại điện tử” trong Hiệp định RCEP được coi là quy tắc thương mại điện tử đa phương cấp cao và toàn diện đầu tiên đạt được ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã thúc đẩy hiệu quả trao đổi và hợp tác thương mại điện tử trong khu vực.
Ngoài ra, hợp tác “Con đường tơ lụa thương mại điện tử” đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã thiết lập cơ chế đối thoại hợp tác thương mại điện tử trong khuôn khổ hợp tác với các nước Trung Đông Âu, Trung Á và các nước khác, “vòng tròn bạn bè” của “Con đường tơ lụa thương mại điện tử” ngày càng mở rộng, góp phần tạo động lực mới cho việc xây dựng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) chất lượng cao.
Lĩnh vực xuất khẩu nông sản ổn định và ngày càng phát triển
Với lợi thế là một nước có tiềm lực nông nghiệp lớn, Chính phủ Trung Quốc đã có những chính sách và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Trên nền tảng chính sách đó, nền nông nghiệp Trung Quốc đã có bước phát triển nhanh chóng. Kể từ khi gia nhập WTO, ngành xuất khẩu nông sản Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo số liệu xuất khẩu nông sản 2016-2019 do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cung cấp, từ năm 2016 đến nay, quy mô xuất khẩu nông sản Trung Quốc không ngừng mở rộng, từ 184,56 tỷ USD năm 2016[3] lên 230,07 tỷ USD năm 2019[4]. Mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh trong năm 2020, nhưng hiện Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ năm thế giới, với kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt 98,93 tỷ USD.[5]
Hợp tác đầu tư nông nghiệp tại nước này cũng tiếp tục đi sâu và phát triển mạnh. Trung Quốc đã tiến hành hợp tác nông nghiệp sâu rộng với hơn 140 quốc gia trên thế giới, thiết lập mối quan hệ hợp tác nông nghiệp ổn định với 94 quốc gia[6].
Như vậy, có thể nói, sự phát triển ổn định của lĩnh vực xuất khẩu nông sản cùng những mối quan hệ đầu tư nông nghiệp ngày càng mở rộng là tiền đề vững chắc cho việc xuất khẩu nông sản thông qua thương mại điện tử của Trung Quốc.
Nhu cầu tiêu dùng nông sản của thị trường quốc tế luôn ở mức cao
Trong xuyên suốt quá trình lịch sử, tiêu dùng nông sản luôn là nhu cầu cấp thiết và quan trọng nhất với nhân loại. Ước tính đến năm 2050, dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức 9,1 tỷ người, trong đó sự gia tăng dân số chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển có ít tài nguyên và công nghệ để đầu tư cho nông nghiệp.[7] Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng nông sản, đặc biệt, nhu cầu thương mại quốc tế để đảm bảo an ninh lương thực trở nên lớn hơn, sẽ có nhiều giao dịch thương mại quốc tế về nông sản hơn trong tương lai trên toàn thế giới.
Ngành thương mại điện tử xuyên biên giới là điểm mạnh của thương mại Trung Quốc
Trung Quốc là nước có ngành thương mại điện tử xuyên biên giới lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, quy mô xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của nước này đã tăng gần 10 lần trong 5 năm từ năm 2015 đến năm 2020.[8] Trong các năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn duy trì ở mức cao, tầm khoảng 15% mỗi năm.[9] Sự phát triển nhanh chóng này đến từ rất nhiều yếu tố, tuy nhiên những yếu tố được liệt kê sau đây là những yếu tố then chốt, có tác động trực tiếp nhất đến sự phát triển của ngành. Cụ thể:
Thứ nhất là môi trường chính sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của ngành. Các chính sách, hướng dẫn của Chính phủ kể từ năm 2021 trở đi đã tạo dựng được môi trường và tạo đà phát triển vô cũng thuận lợi cho thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng.
Thứ hai là hệ thống logistics phát triển mạnh mẽ. Logistics là yếu tố quan trọng giúp thực hiện hóa được ý tưởng thương mại điện tử xuyên biên giới. Giá trị thị trường logistics năm 2023 của Trung Quốc vào khoảng trên 48,6 nghìn tỷ USD.[10] Bên cạnh đó, nước này có hơn 9.000 công ty hậu cần hạng A[11] và 50 công ty hậu cần hàng đầu ở Trung Quốc có tổng doanh thu gần 2 nghìn tỷ nhân dân tệ. Với những con số ấn tượng trên, thị trường logistics của Trung Quốc được xếp hạng trong số những thị trường hậu cần lớn nhất thế giới trong bảy năm liên tiếp và là quốc gia có thị trường logistics lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương[12].
Thứ ba là các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc có năng lực cạnh tranh cao. Tại Trung Quốc, tính đến tháng 8 năm 2023, có 61.100 công ty thương mại điện tử xuyên biên giới ở Trung Quốc.[13] Thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc không chỉ gây ấn tượng bởi số lượng doanh nghiệp lớn, các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Alibaba, JD.com… cũng luôn đứng top đầu các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới trên toàn cầu.
Về quy mô phát triển
Từ góc độ thương mại xuất nhập khẩu nông sản, quy mô xuất nhập khẩu nông sản của Trung Quốc tăng dần qua các năm từ 2016 đến 2020, đạt khoảng 236 tỷ USD vào năm 2020. Tỷ trọng của xuất nhập trong tổng khối lượng logistics nông sản cả nước cũng có xu hướng tăng trưởng biến động, chiếm 37,2% vào năm 2020. Thị trường ngoại thương xuất nhập khẩu chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong giao dịch nông sản này. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, ngày càng nhiều công ty xuất khẩu nông sản bắt đầu sử dụng các kênh trực tuyến để xúc tiến thị trường và xuất khẩu nông sản thương mại điện tử B2B có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Dữ liệu của nền tảng Alibaba phiên bản quốc tế cho thấy vào năm 2021, xuất khẩu nông sản thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng này đã tăng 118% so với năm 2022.[14]
Từ góc độ các đối tác thương mại, năm thị trường hàng đầu cho xuất khẩu nông sản thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc là Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Malaysia và Nga. Trong đó, giá trị xuất khẩu nông sản sang Hong Kong Trung Quốc xấp xỉ 300 triệu USD.
Về đặc điểm phát triển
Về mặt hàng xuất khẩu
Sản phẩm nông sản chủ đạo đa phần là sản phẩm dễ bảo quản. Năm 2019, sản xuất khẩu qua thương mại điện tử của Trung Quốc chủ yếu là sữa bột, chiếm khoảng 90%, gần như xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là chính. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản khô, gia vị và các sản phẩm nông nghiệp dễ bảo quản khác đã bắt đầu được xuất khẩu thông qua các nền tảng xã hội hoặc thương mại điện tử nước ngoài, chẳng hạn như một số nước sốt Laoganma và quả dâu tây Trung Quốc đã trở thành sản phẩm của Amazon.
Về mô hình xuất khẩu
Hiện nay, thương mại điện tử nông sản xuyên biên giới của Trung Quốc đã hình thành các mô hình chủ đạo như B2B, B2C, B2B2C trong đó mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới xuất khẩu trực tiếp B2B (Mã giám sát hải quan: 9710) và mô hình xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới đến kho hàng ở nước ngoài (mã giám sát hải quan: 9810) là hai mô hình chính.
Đối với mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới xuất khẩu trực tiếp B2B (Mã giám sát hải quan: 9710). Đây là mô hình sau khi doanh nghiệp trong nước giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp có thể xuất khẩu trực tiếp hàng hóa, bao gồm nông sản, sang doanh nghiệp nước ngoài với sự trợ giúp của dịch vụ logistics xuyên biên giới. Mô hình này đảm bảo được giảm thiểu rủi ro hàng hóa liên quan như người nhập khẩu không nhận hàng. Tuy nhiên, nó lại phải chịu mức chi phí cao và tốn nhiều thời gian do có phải thụ động chờ có cầu mới dẫn đến quá trình cung ứng. Các mô hình Khu thí điểm xuất khẩu theo hình thức này đã được triển khai đầy đủ và đa dạng mặt hàng. Ví dụ như vào tháng 5 năm 2021, một lượng cần tây khử nước và ớt khử nước trị giá 48.887 USD đã được khai báo tại Chi cục Hải quan Hồ Châu và lần đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài theo mô hình B2B. [15]
Đối với mô hình xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới đến kho hàng ở nước ngoài (mã giám sát hải quan: 9810). Doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa, bao gồm cả nông sản, đến kho hàng ở nước ngoài thông qua hậu cần xuyên biên giới và sử dụng nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để hoàn tất các giao dịch và sau đó giao hàng từ kho ở nước ngoài. Theo mô hình này, hàng hóa sẽ đến tay người mua nhanh hơn nhưng doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với rủi ro hàng hóa đã xuất sang nhưng không bán được. Mô hình này được áp dụng khá rộng rãi tại Trung Quốc. Vào tháng 12 năm 2021, kho thương mại điện tử B2B xuyên biên giới xuất khẩu ra nước ngoài đầu tiên (mã giám sát hải quan: 9810) trong Khu thí điểm toàn diện thương mại điện tử xuyên biên giới Thiên Thủy đã khai báo thành công 6.375 hộp (120 tấn) táo tươi đã đến kho ở nước ngoài đặt tại Nepal sau khi được vận chuyển bằng đường bộ đến cảng Gyirong. Vào tháng 12 năm 2021, Khu thí điểm toàn diện thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc (Deyang) đã xuất khẩu nhiều loại gia vị thực phẩm khác nhau như gia vị cá muối đến các kho hàng ở nước ngoài ở Hồng Kông (Trung Quốc), thông qua kho hàng xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới B2B ở nước ngoài.[16]
Mặc dù không phát triển được bằng hai mô hình trên, trong việc xuất khẩu nông sản, mô hình nhắm đến người tiêu dùng cuối cùng B2C cũng đã đem lại những kết quả và triển vọng đáng kể. Hiện tại, mô hình nền tảng B2C do Alibaba International Station đại diện đã phát triển tương đối vững và cũng là một trong những nền tảng chủ đạo trên thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới trong nước cho các sản phẩm nông nghiệp. Theo dữ liệu thống kê do Alibaba International Station công bố, vào năm 2020, khối lượng giao dịch của ngành hàng nông nghiệp trên nền tảng này đã tăng 183% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn tốc độ tăng trưởng 101% của toàn nền tảng. Trong số đó, lượng tỏi tươi xuất khẩu đã tăng gần 5 lần, đứng đầu trong các mặt hàng nông sản. Kể từ năm 2014, Alibaba đã tập hợp hơn 20 doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp để tạo ra hệ thống hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số, trong đó có Alibaba International Station sử dụng mô hình ngoại thương kỹ thuật số mới để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Trung Quốc tới 100 quốc gia và khu vực trên thế giới. [17]
Về công tác tiếp thị và quảng bá thương hiệu nông sản
Năm 2021, trước tác động liên tục của dịch bệnh, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội phát triển các hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới mới, tích cực tìm hiểu và xây dựng các kênh mới để tiếp thị thương mại điện tử xuyên biên giới cho các sản phẩm nông nghiệp, giúp doanh nghiệp nông nghiệp có được đơn hàng quốc tế, mở ra con đường mới cho nông sản vươn ra toàn cầu. Từ đó, chiến lược tiếp thị “thương mại điện tử + nông sản” ra đời và có tác động không nhỏ trong việc tăng doanh số bán, hình thành thương hiệu, mở rộng kênh tiêu thụ nông sản.
Đối với mô hình này, điểm quan trọng nhất là tăng cường kết nối thông tin từ trồng trọt sang chuỗi sản xuất và tiêu thụ, từ nhà cung cấp nông sản đến người mua, tránh sản xuất nông nghiệp do trồng trọt mù quáng, mất cân đối. Trong chiến lược này, người bán có thể lựa chọn các phương pháp tiếp thị trực tuyến phù hợp với sản phẩm, nguồn lực và đối tượng khách hàng. Đối với Trung Quốc, phương pháp tiếp thị hiệu quả nhất là “webcasting + nông sản”, hay còn gọi là phát sóng trực tiếp mặt hàng nông sản. Phương pháp này có thể tăng cường sự tương tác, phá vỡ những định kiến, nghi ngờ của người tiêu dùng về sản phẩm và thúc đẩy hình ảnh trực quan của các sản phẩm nông sản. Với những lợi ích trên, phát sóng trực tiếp đã trở thành xu thế và đem lại những hiệu quả rõ nét trong xuất khẩu nông sản. Ví dụ như thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc dựa vào Khu thí điểm toàn diện thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc Thiên Thủy đã tổ chức và thực hiện một số hoạt động bán phát sóng trực tiếp xuyên biên giới các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, đẩy táo Huaniu, đào Qin’an, anh đào, hành tây, tỏi và các đặc sản nông nghiệp khác từ thành phố Thiên Thủy, cũng như dược liệu Trung Quốc của huyện Trương Gia Xuyên lần đầu tiên mở cửa thị trường ngoại thương. Hoạt động này đã giúp các sản phẩm đặc sản nông nghiệp của Cam Túc đạt được những đột phá mới. Trong sự kiện này, 300 tấn táo Tianshui đã được bán vào ngày phát sóng trực tiếp, chủ yếu được bán sang Malaysia, trị giá 248.695 USD, 90 tấn đào Tianshui được bán trước cho Singapore, trị giá khoảng 262.511 USD.[18]
Ngoài ra, các phương pháp tiếp thị trực tuyến khác như video ngắn về nông sản hay quảng cáo trên mạng xã hội cũng được các doanh nghiệp thường xuyên lựa chọn.
Về công tác giám sát
So với thương mại truyền thống, ngoại thương theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới có đặc điểm manh mún, tần suất cao sẽ gặp thách thức lớn hơn cho công tác giám sát hải quan. Trong những năm gần đây, nhiều ngành hải quan Trung Quốc đã tìm hiểu các phương thức giám sát mới theo tình hình thực địa, đồng thời đưa ra các đề xuất đổi mới mô hình giám sát thương mại điện tử xuyên biên giới đối với nông sản. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, hiện có 4 mô hình giám sát là 1210, 9610, 9710, 9810. Cụ thể:
Mô hình giám sát 1210 là chế độ nhập kho, chức năng chính là chia toàn bộ thành nhiều phần, website thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ gửi hàng hóa đến trung tâm logistics ngoại quan nội địa thông qua toàn bộ lô hàng đóng gói và bán lẻ hàng hóa cho người mua thông qua phương thức bán hàng trực tuyến để thông quan. Hàng hóa chưa bán được tiếp tục được lưu giữ tại trung tâm ngoại quan mà không cần khai báo hải quan, hàng hóa chưa bán được có thể được trả lại trực tiếp ở nước ngoài.
Mô hình 9610 là hàng hóa đã được bán, lưu giữ tại khu vực bảo quản tạm thời của kho ngoại quan, chờ thông quan, vận chuyển nội địa.
Mô hình 9710 là “xuất khẩu trực tiếp B2B thương mại điện tử xuyên biên giới”, người mua và người bán tiếp cận giao dịch trực tuyến và hàng hóa được giao trực tiếp cho người mua thông qua vận chuyển.
Mô hình 9810 là “kho B2B xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ngoài”, đề cập đến việc người bán có sẵn hàng hóa ở kho bãi tại nước ngoài, hàng hóa được lưu trữ trong kho và khi người mua và người bán thực hiện giao dịch trực tuyến, kho bãi sẽ trực tiếp gửi hàng hóa có sẵn mà không cần gửi hàng hóa từ nước người bán đến nước ngoài.
Việc đa dạng phương thức, mô hình giám sát vừa tạo được các công cụ giám sát hiệu quả các hoạt động nhập khẩu vừa giúp doanh nghiệp có thể được hưởng nhiều chính sách thuận lợi hơn trong thủ tục hải quan, hậu cần và kiểm tra hải quan.
Đánh giá tình hình xuất khẩu nông sản qua CBEC của Trung Quốc
Từ những phân tích về điều kiện, quy mô, đặc điểm phát triển và thực tiễn của lĩnh vực xuất khẩu nông sản thông qua thương mại điện tử của Trung Quốc nêu trên, ta có thể thấy, phía Trung Quốc có rất nhiều lợi thế từ nhu cầu của quốc tế và sức mạnh nội tại của ngành nông nghiệp và thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự phát triển thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực này không thể thiếu đi vai trò và sự đóng góp của Chính phủ. Thông qua các chính sách, định hướng phát triển theo từng vùng trọng điểm trong từng giai đoạn cùng với công tác giám sát chặt chẽ, theo sát sự phát triển và nhu cầu của ngành, Chính phủ Trung Quốc đã tạo dựng thành công nền móng vững chắc và cho sự phát triển của việc xuất khẩu nông sản qua CBEC. Bên cạnh đó, sự tham gia sâu và sát sao của chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp cũng là một điểm sáng trong việc ứng dụng CBEC xuất khẩu nông sản tại nước này. Hiện nay, có nhiều địa phương đang tích cực tìm hiểu và đầu tư cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản và có tính cạnh tranh phù hợp. Cụ thể như, để thúc đẩy xuất khẩu dâu tây, thành phố Yinchuan ở Ninh Hạ đã bố trí các quỹ đặc biệt để hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới trong việc phát triển thương hiệu, cải thiện trình độ kho bãi và hậu cần, đồng thời nỗ lực giới thiệu Amazon thành lập một trung tâm đổi mới thương mại điện tử.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CBEC trong xuất khẩu nông sản của Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể:
Thứ nhất là năng lực cạnh tranh quốc tế của nông sản còn thấp.
Xuất khẩu nông sản sử dụng thương mại điện tử đòi hỏi mức độ tiêu chuẩn hóa cao đối với hàng hóa xuất khẩu. Đối với Trung Quốc, đa số mặt hàng nông sản xuất khẩu được sản xuất bởi nông dân. Việc kiểm soát chất lượng và năng lực của họ gặp nhiều khó khăn do trình độ lao động thấp. Bên cạnh đó, mức độ gia công sâu của sản phẩm xuất khẩu chưa cao. Hiện tại, tỷ lệ chuyển đổi chế biến nông sản của Trung Quốc là 67,5%, thấp hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với các nước phát triển[19]. Đồng thời, việc nghiên cứu phát triển các giống nông sản, thực phẩm mới còn chậm, chủng loại sản phẩm chế biến còn cố định, tạo nền tảng yếu cho việc tạo ra các sản phẩm đặc sản mới “bán chạy” toàn cầu. Một yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc tế của nông sản Trung Quốc là thương hiệu sản phẩm không mạnh. Có rất ít thương hiệu nông sản, thực phẩm nổi tiếng quốc tế, trong top 500 thương hiệu nông sản, thực phẩm toàn cầu, chỉ có 5 thương hiệu Trung Quốc (trong đó có 3 thương hiệu rượu vang).
Thứ hai là sự phát triển của dịch vụ hậu cần, logistics còn lạc hậu.
Thương mại điện tử xuyên biên giới thương mại nông sản xuyên biên giới hiện nay chủ yếu được bán theo quy trình số lượng lớn về cảng, lưu kho, thông quan lô hàng nhỏ và chuyển phát nhanh tận nhà. Hiện nay, sự phát triển của dịch vụ hậu cần đặc biệt là logistics chuỗi lạnh đối với sản phẩm nông sản tươi tại Trung Quốc vẫn còn tụt hậu so với thương mại điện tử xuyên biên giới khiến chi phí hậu cần còn ở mức cao. Năm 2023, tỷ lệ tổng chi phí logistics xã hội của nước này so với GDP là 14,4%, cao hơn khá nhiều so với các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ.[20] Chi phí logistics của một số sản phẩm nông nghiệp ở mức rất cao, chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị thị trường. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của các sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc. Bên cạnh đó, mức độ lưu thông chuỗi lạnh của nước này vẫn còn thấp. Tỷ lệ lưu thông chuỗi lạnh[21] của thịt, trái cây và rau quả ở Trung Quốc lần lượt là khoảng 30% và 20%, chỉ bằng 1/3 và 1/4 so với các nước phát triển.[22] Điều này hạn chế việc nâng cao chất lượng nông sản và gây ra nhiều lãng phí trong khâu liên kết vận tải, gián tiếp làm tăng giá thành sản phẩm. Ngoài ra, điều kiện logistics tại nước ngoài cũng tồn tại nhiều hạn chế. Mặc dù phía Trung Quốc đẩy mạnh việc đầu từ nước ngoài, xây dựng các kho hàng tại thị trường mục tiêu, tuy nhiên số lượng kho hàng hiện nay vẫn không đáp ứng được nhu cầu điều kiện bảo quản cao của nông sản. Mặt khác, do chi phí xây dựng nhiều nhà kho và tiền thuê mặt bằng cao, chi phí nhân công cao và đắt đỏ nên khó có thể tăng thêm số lượng và chất lượng kho hàng.
Thứ ba là việc thiếu nhân lực chất lượng cao cho xuất khẩu thương mại điện tử nông sản xuyên biên giới
Trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản qua thương mại điện tử, yêu cầu về năng lực, chất lượng của nhân sự là vô cùng cao. Tuy nhiên việc đào tạo nhân lực lại không thể đáp ứng được điều này. Theo dữ liệu từ Tao Work Channel, đã có 198.870 yêu cầu việc làm trong lĩnh vực thương mại điện tử được Tongwang đưa ra vào giữa tháng 4 năm 2017, nhưng chỉ có khoảng 90.000 sinh viên mới tốt nghiệp đại học trong cùng năm đó. Những nhân tài được các trường cao đẳng, đại học đào tạo hàng năm, chỉ có thể đáp ứng nhu cầu nhân tài của ngành thương mại điện tử trong nửa tháng. Theo thống kê từ “Báo cáo Thương mại Điện tử Trung Quốc (2023)”, khoảng cách nhân tài thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc là gần 15 triệu người và đang mở rộng.[23]
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Xuất khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam. Tuy vậy, phía Chính phủ cũng đã có những chỉ thị liên quan để phát triển lĩnh vực này trong đó có Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra là đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, bao gồm xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn thương mại điện tử lớn của thế giới, tổ chức các không gian hàng Việt là nơi tập trung các thương hiệu uy tín, có hàm lượng nội địa hóa cao, được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, vì ứng dụng CBEC trong xuất khẩu mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn còn khá e ngại với CBEC. Điều này xuất phát từ môi trường phát triển của CBEC chưa được hoàn thiện, sản phẩm nông sản chất lượng thấp và thương hiệu còn yếu, bên cạnh đó là việc thiếu nguồn lực để phát triển.
Việc học hỏi kinh nghiệm từ một nước đã ứng dụng thành công thương mại điện tử trong xuất khẩu nông sản như Trung Quốc là điều cần thiết cho quá trình phát triển và tháo gỡ các khó khăn của Việt Nam. Dựa vào tình hình phát triển tại Việt Nam và những kinh nghiệm của Trung Quốc, có thể phân ra thành 4 vấn đề chính. Cụ thể:
Về vấn đề nâng cao chất lượng và thương hiệu nông sản Việt
i, Nâng cao chất lượng nông sản
Vấn đề chất lượng của nông sản được quyết định chính bởi yếu tố canh tác, chính vì vậy, để thay đổi và cải thiện được chất lượng nông sản cần phải tác động chính vào yếu tố này, khiến quy trình canh tác, khai thác phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường mục tiêu.
Mô hình canh tác của rau quả Việt Nam hiện tại phụ thuộc nhiều vào các chế phẩm hóa học như phân bón, thuốc trừ sâu khiến cho thành phẩm có dư lượng hóa học cao. Trong khi đó, việc khai thác thủy hải sản, khai thác muối và bảo quản vẫn còn phụ thuộc vào phương pháp thủ công, gây hao hụt chất lượng. Để cải thiện vấn đề này, cần có một quy trình cụ thể hướng dẫn người dân canh tác và khai thác nông sản, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và khai thác, giúp thay đổi và nâng cao các yếu tố cố định, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Để làm được điều này, cần có sự đóng góp của các bên liên quan, cụ thể:
Đối với Chính phủ, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn người dân vận dụng các phương pháp trồng trọt và khai thác đạt chuẩn quốc tế như chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt – GAP hay chứng nhận HACCP, ISO 2000. Chính quyền các địa phương, các hợp tác xã cần có sự đồng hành, theo dõi sát sao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất của người dân.
Đối với người dân, cần chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về các phương thức canh tác phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, tìm ra phương thức phù hợp và áp dụng vào quá trình khai thác, sản xuất.
ii, Xây dựng thương hiệu nông sản Việt
Việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt không chỉ khiến gia tăng danh tiếng nông sản Việt Nam mà còn trực tiếp nâng cao khối lượng nông sản xuất khẩu. Hơn nữa, với độ phủ sóng cao của thương mại điện tử xuyên biên giới, việc xây dựng thương hiệu trở nên dễ dàng và cũng cần thiết hơn. Do vậy, để xây dựng thành công thương hiệu, cần:
Đối với Chính phủ, cần có những chính sách định hướng và hướng dẫn cho các doanh nghiệp và người dân xây dựng thương hiệu nông sản thuần Việt. Tăng cường hoạt động cung cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn mác sản phẩm đối với các sản phẩm đặc thù, chất lượng cao.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, ngoại trừ việc xây dựng thương hiệu trên chất lượng sản phẩm, để thương hiệu có thể thành công đi vào lòng người tiêu dùng cần có những phương thức tiếp thị phù hợp và hiệu quả. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tận dụng các nền tảng thương mại điện tử, các nền tảng trực tuyến để xây dựng câu chuyện, xây dựng thương hiệu và truyền tải đến người tiêu dùng.
Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, cả Chính phủ và các doanh nghiệp đều cần phải có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu nông sản Việt, tránh làm mất hình ảnh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường toàn thế giới.
Về vấn đề môi trường phát triển
Trước hết, để tạo dựng được động lực và môi trường phát triển thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản thông qua thương mại điện tử, Chính phủ cần có kế hoạch tổng thể và những chính sách cụ thể để phát triển ngành thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong kế hoạch này, cần làm rõ được tiềm năng phát triển, hiện trạng và các bước phát triển năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Bên cạnh kế hoạch tổng thể, các vấn đề về môi trường phát triển của xuất khẩu nông sản qua CBEC cũng cần được chú trọng và giải quyết. Cụ thể:
i, Môi trường chính sách và pháp lý
Thứ nhất, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của luật pháp quốc tế. Từ đó tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, kịp thời tháo gỡ những vấn đề liên quan đến pháp lý trong quá trình xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua CBEC.
Thứ hai, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thông qua CBEC, đặc biệt với sản phẩm nông sản như giảm thuế xuất khẩu, hướng dẫn doanh nghiệp và các cá nhân trong quá trình làm các thủ tục giấy tờ xuất khẩu,…
ii, Môi trường phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới
Về môi trường logistics
Phát triển hạ tầng logistics nội địa và logistics xuyên biên giới là một lĩnh vực đòi hỏi thời gian và sự đầu tư cao. Vì thế, để tác động trực tiếp đến vấn đề này, vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng.
Chính phủ cần có kế hoạch phát triển hạ tầng logistics toàn diện cho toàn quốc, đặc biệt là các địa phương phát triển ngành xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đầu tư và thu hút đầu tư cho lĩnh vực này, đảm bảo có đủ nguồn lực để phát triển và xây dựng.
Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp logistics là không thể thiếu. Các doanh nghiệp cần tự nâng cao năng lực logistics của bản thân, hỗ trợ và hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để tối ưu hóa quy trình vận chuyển và giảm thiểu rủi ro.
Nhà xuất khẩu cũng phải chủ động tìm hiểu phương thức vận chuyển phù hợp với nguồn lực trong nước. Đặc biệt, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới tại thị trường mục tiêu để giảm thiểu gánh nặng cho ngành logistics trong nước và gánh nặng chi phí của doanh nghiệp.
Về môi trường thanh toán
Một môi trường thanh toán an toàn, tiện lợi và minh bạch là điều kiện cần cho sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới. Để có được điều này, cần:
Đối với Chính phủ, Ngân hàng Trung ương, với tư cách là người giám sát hệ thống thanh toán, cần có vai trò ban hành các chính sách, nguyên tác giám sát hệ thống thanh toán và đồng thời thực hiện những thay đổi cần thiết để đảm bảo môi trường thanh toán xuyên biên giới an toàn cho các doanh nghiệp.
Đối với các ngân hàng, cần nâng cao năng lực thanh toán quốc tế, đa dạng và tăng cường mối hợp tác quốc tế với các ngân hàng trên toàn cầu, đảm bảo cho doanh nghiệp có sự lựa chọn thanh toán tiện lợi và nhanh chóng.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cần phải nâng cao hiểu biết và chọn lọc phương thức thanh toàn phù hợp và an toàn cho bản thân.
Về vấn đề phát triển nhân lực chất lượng cao
Để phát triển nhân lực chất lượng cao, yếu tố cốt lõi cần đặt lên hàng đầu là giáo dục. Đối với lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa qua CBEC, tiêu chuẩn năng lực nhân sự là rất cao. Nguồn nhân lực cần có kiến thức chuyên sâu về cả thương mại điện tử xuyên biên giới và nông sản. Do tính chất công việc liên quan đến giao dịch quốc tế, nhân sự còn cần có khả năng ngoại ngữ, hiểu biết về luật quốc tế, luật thương mại điện tử. Chính vì yêu cầu cao, nên việc đào tạo nguồn nhân lực cần sự hỗ trợ của các bên, cụ thể:
Đối với Chính phủ, cần rà soát, ban hành các chính sách tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành thương mại điện tử, ngành nông nghiệp; tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử, thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của thương mại điện tử để thu hút nhiều lao động chất lượng cao.
Đối với ngành Giáo dục, cần xây dựng mô hình giáo dục phù hợp với nhu cầu của ngành; gia tăng hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên để giúp người học tìm ra được định hướng của bản thân, tránh việc lãng phí tài nguyên đào tạo.
Đối với các doanh nghiệp, cần có những chính sách nâng cao năng lực cho nhân sự như tổ chức các lớp tập huấn, gửi nhân sự đi học chuyên sâu tại các cơ sở giáo dục.
Đối với người lao động, cần có ý thức và hành động để nâng cao năng lực nghề nghiệp của bản thân.
Chú trọng vào hình thức phát sóng trực tiếp
Đối với người tiêu dùng trong thời đại kinh tế số hiện nay, mua hàng thông qua phát sóng trực tiếp đang là hình thức phổ biến nhất nhờ sự tiện lợi, thông tin trực quan và tính giải trí mà hình thức này đem lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần nắm bắt được xu thế này khi tiếp cận với thị trường mục tiêu từ đó kéo gần khoảng cách với người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm Việt Nam một cách hiệu quả.
Kết luận
Tóm lại, nhờ vào những chính sách, định hướng đúng đắn và những lợi thế sẵn có từ ngành nông sản và thương mại điện tử, Trung Quốc đã ứng dụng thành công thương mại điện tử xuyên biên giới trong xuất khẩu nông sản và đạt được những thành tựu đáng kể. Từ những kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, có thể thấy, dù cũng có nhiều điểm mạnh từ việc sản xuất và xuất khẩu nông sản cũng như sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục tháo gỡ những khó khăn liên quan đến chất lượng, thương hiệu nông sản, môi trường và nguồn lực phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải chú trọng vào những hình thức, thói quen mua hàng của người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là hình thức phát sóng trực tiếp để tiếp cận thành công đến thị trường mục tiêu./.
Tác giả: TS. Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Khánh Linh
Học viện Ngoại giao
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích tham khảo:
[1] Nền tảng thương mại điện tử theo chiều dọc là một loại nền tảng thương mại điện tử được thiết kế để hiển thị sản phẩm và dịch vụ theo chiều dọc trên trang web. Điều này giúp người dùng dễ dàng cuộn xuống để xem các sản phẩm và thông tin liên quan một cách thuận tiện.
[2] 中华人民共和国农业农村部 (2023), 全国农产品跨境电子商务发展报告(2020-2021), http://www.moa.gov.cn/xw/zxfb/202301/P020230116514407964876.pdf, truy cập ngày: 08/03/2024.
[3] 中华人民共和国农业农村部 (2017), 2016年1-12月我国农产品进出口情况,http://www.moa.gov.cn/ztzl/nybrl/rlxx/201702/t20170207_5469872.htm, truy cập ngày: 27/02/2024.
[4] 中华人民共和国农业农村部 (2020), 2019年我国农产品进出口情况, http://www.moa.gov.cn/ztzl/nybrl/rlxx/202002/t20200218_6337263.html, truy cập ngày: 27/02/2024.
[5] 搜狐, 农业农村部:2023年我国农产品出口额达到989.3亿美元,https://news.sohu.com/a/753860735_267106, truy cập ngày: 15/05/2024.
[6] 中华人民共和国农业农村部 (2021), 2020全国农产品跨境电子商务发展研究报告, http://www.moa.gov.cn/xw/bmdt/202009/P020200922607765030509.pdf, truy cập ngày: 03/03/2024.
[7] FAO, How to Feed the World in 2050. link truy cập: https://www.fao.org/fileadmin/templates/wsfs/docs/expert_paper/How_to_Feed_the_World_in_2050.pdf
[8] 中华人民共和国中央人民政府 (2022), 跨境电商培育外贸新增长点, https://www.gov.cn/xinwen/2022-10/13/content_5717999.htm, truy cập ngày: 02/03/2024.
[9] Tác giả tự thống kê từ các báo cáo thương mại điện tử hàng năm của Bộ Thương mại Trung Quốc
[10] 央视新闻客户端 (2024), 2023年我国物流运行数据有哪些新特点?专家解读,https://content-static.cctvnews.cctv.com/snow-book/index.html?, truy cập ngày: 15/05/2024.
[11] công ty logistics có điều kiện hoạt động tốt và khả năng cạnh tranh thị trường mạnh mẽ
[12] 央视新闻客户端 (2023), 我国物流市场规模连续7年位居全球第一, https://content-static.cctvnews.cctv.com/snow-book/index.html?, truy cập ngày: 03/03/2024.
[13] 丁海寅(2023), 2023-2024年中国跨境出口电商产业:中国2024年跨境电商出口规模有望达到2.95万亿元, 艾媒网, https://www.iimedia.cn/c1020/96244.html, truy cập ngày: 04/03/2024.
[14] 中华人民共和国农业农村部 (2023),全国农产品跨境电子商务发展报告(2020-2021), http://www.moa.gov.cn/xw/zxfb/202301/P020230116514407964876.pdf, truy cập ngày: 08/03/2024.
[15] 中华人民共和国农业农村部 (2023),全国农产品跨境电子商务发展报告(2020-2021), http://www.moa.gov.cn/xw/zxfb/202301/P020230116514407964876.pdf, truy cập ngày: 08/03/2024.
[16] 中华人民共和国农业农村部 (2023),全国农产品跨境电子商务发展报告(2020-2021), http://www.moa.gov.cn/xw/zxfb/202301/P020230116514407964876.pdf, truy cập ngày: 08/03/2024.
[17] 中华人民共和国农业农村部 (2023),全国农产品跨境电子商务发展报告(2020-2021), http://www.moa.gov.cn/xw/zxfb/202301/P020230116514407964876.pdf, truy cập ngày: 08/03/2024.
[18] 中华人民共和国农业农村部 (2023),全国农产品跨境电子商务发展报告(2020-2021), http://www.moa.gov.cn/xw/zxfb/202301/P020230116514407964876.pdf, truy cập ngày: 08/03/2024.
[19] 中华人民共和国农业农村部 (2021), 2020全国农产品跨境电子商务发展研究报告, http://www.moa.gov.cn/xw/bmdt/202009/P020200922607765030509.pdf, truy cập ngày: 03/03/2024.
[20] 中国改革发展(2024), 去年我国社会物流总费用与GDP的比率为14.4%,同比下降0.3个百分点 物流降成本 发展增效益, http://www.chinareform.org.cn/2024/0424/39445.shtml, truy cập ngày: 16/05/2024.
[21] là tỷ lệ phần trăm sản phẩm trong chuỗi lạnh được vận chuyển và lưu trữ thành công, không bị hư hỏng hoặc giảm chất lượng trong suốt quá trình từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.
[22] iResearch Inc. (2023), 中国跨境出口电商行业研究报告, https://report.iresearch.cn/report/202309/4234.shtml, truy cập ngày: 27/02/2024.
[23] 中华人民共和国农业农村部 (2023),全国农产品跨境电子商务发展报告(2020-2021), http://www.moa.gov.cn/xw/zxfb/202301/P020230116514407964876.pdf, truy cập ngày: 08/03/2024.