Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (ADD-TBD) đã trở thành khu vực trọng tâm chiến lược toàn cầu trong thế kỷ XXI. Ở đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai cường quốc đang lên ở Châu Á và đều có những tham vọng của riêng mình. Cả hai quốc gia đều nỗ lực tăng cường ảnh hưởng để đảm bảo lợi ích quốc gia và đối trọng với đối thủ cạnh tranh của mình, trong đó nổi bật là hai chiến lược Chuỗi Ngọc Trai (Trung Quốc) và Vòng cổ Kim Cương (Ấn Độ).
Ấn Độ Dương là khu vực quan trọng trên phạm vi quốc tế, các quốc gia ven biển nắm giữ hơn 2/3 trữ lượng dầu mỏ, 35% tài sản khí đốt, 60% uranium, 40% vàng và 80% dự trữ kim cương của toàn thế giới[1]. Sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Ấn Độ trên lĩnh vực hàng hải được kết hợp bởi sự phụ thuộc tài nguyên ngày càng tăng và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại đường biển. Trung Quốc đang mạnh mẽ thâm nhập vào Ấn Độ Dương, và sử dụng ngoại giao mềm để tăng cường vị thế của mình trong khu vực.
Lý thuyết Chuỗi Ngọc Trai (Trung Quốc)
Chuỗi Ngọc Trai là một lý thuyết địa chính trị về ý định của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, được đề cập lần đầu tiên năm trong báo cáo “Tương lai năng lượng ở Châu Á” năm 2005 của nhà thầu quốc phòng BOOZ-Allen Hamilton, được ủy quyền bởi Văn phòng Đánh giá An ninh Mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Báo cáo này định nghĩa các chiến thuật hàng hải mới nổi của Trung Quốc là “Chuỗi Ngọc Trai”. Lý thuyết này đề cập đến các cơ sở quân sự và thương mại của Trung Quốc, và các liên kết hàng hải trải dài từ Đại Lục đến phía nam cảng Sudan. Mỗi “viên ngọc” đại diện cho một dự án cảng cụ thể trên bờ biển Ấn Độ Dương. Kết nối các cảng này sẽ tạo ra một chuỗi các trung tâm có thể hoạt động như trung tâm kinh tế cũng như quân sự và tình báo ở khu vực Ấn Độ Dương cho Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo ra các “viên ngọc trai” đã trở nên rõ ràng hơn. Trung Quốc đã tạo ra một vành đai xung quanh Ấn Độ thông qua các quốc gia có vị trí chiến lược như tại Chittagong (Bangladesh), tại Karachi, cảng Gwadar (Pakistan) và tại Colombo, Hambantota (cả ở Sri Lanka) và các cơ sở khác.
Minh họa Lý thuyết Chuỗi Ngọc Trai. Nguồn: Research Gate[2]
Chuỗi Ngọc Trai cùng với Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan và các thành phần khác của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ấn Độ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã mạnh mẽ bác bỏ lý thuyết này: “hiện tại không có chiến lược nào như vậy và tất cả các hành động của Trung Quốc được thúc đẩy hoàn toàn bởi ý định hòa bình nhằm bảo vệ lợi ích thương mại của chính Trung Quốc cũng như phát triển nền kinh tế khu vực.”[3]
Chiến lược Vòng Cổ Kim Cương (Ấn Độ)
Lý thuyết Chuỗi Ngọc Trai đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng ở New Delhi về hoạt động gia tăng nhanh chóng của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương và Tiểu lục địa Ấn Độ. Đối với Ấn Độ, khu vực Ấn Độ Dương có tầm quan trọng chiến lược vì khoảng 80% dầu thô và 95% thương mại của nước này được vận chuyển qua biển và đại dương. Sự gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, cảng biển và các cơ sở quân sự của Trung Quốc trong khu vực đã làm tăng cảm giác bất an của New Delhi và nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa các rủi ro an ninh truyền thống và lợi ích kinh tế gắn liền với các tuyến thương mại hàng hải.
Ấn Độ đã và đang tạo ra một “Vòng cổ Kim Cương” để chống lại Chuỗi Ngọc Trai này. Cụm từ “Vòng cổ Kim Cương” – Necklace of Diamonds được đề cập lần đầu tiên bởi cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Lalit Mansingh khi phát biểu tại một viện nghiên cứu vào tháng 8/2011: “Ấn Độ đang làm mọi thứ mà chúng ta phải làm để bảo vệ lợi ích của mình. Đối với học thuyết về Chuỗi Ngọc Trai, Ấn Độ có học thuyết riêng của mình – Vòng cổ Kim Cương. Cũng giống như Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở cảng, chúng ta đang thắt chặt hợp tác hải quân với hầu hết các cường quốc của khu vực Ấn Độ Dương.” Ấn Độ đã và đang mở rộng các căn cứ hải quân và cải thiện quan hệ với các nước có vị trí chiến lược để chống lại các tính toán từ Trung Quốc.
Minh họa Chiến lược “Vòng Cổ Kim Cương”, Nguồn: The Calcutta Journal of Global Affairs[4]
Trên thực tế, mặc dù các nhà bình luận thường sử dụng “Vòng cổ Kim Cương” để mô tả cách tiếp cận chiến lược của Ấn Độ nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong Khu vực Ấn Độ Dương, nhưng nó đã không được đề cập trong các diễn văn chính thức của Chính phủ Ấn Độ.
Cạnh tranh giữa Chuỗi Ngọc Trai và Vòng Cổ Kim Cương
Mạng lưới Chuỗi Ngọc Trai
Mỗi cảng và/hoặc cơ sở quân sự do Trung Quốc kiểm soát ở Ấn Độ Dương tạo thành một hạt ngọc trai trong “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc. Cùng nhau, chúng tạo thành một sợi dây chuyền bao quanh Ấn Độ, mà họ có thể thắt chặt bất cứ lúc nào nếu Ấn Độ thách thức sự thống trị của mình. Mặc dù Trung Quốc không công nhận lý thuyết này, Trung Quốc có thể không coi Ấn Độ là một đối thủ cạnh tranh chiến lược và những nỗ lực của Bắc Kinh tại khu vực này chỉ đơn giản là vì lợi ích kinh tế, khi xem xét sự hiện diện của Bắc Kinh tại các quốc gia xung quanh New Delhi, chúng tạo thành một vòng tròn bao vây xung quanh Ấn Độ.
(1) Căn cứ hải quân ở Djibouti: Djibouti là một quốc gia nhỏ ở Đông Bắc châu Phi, tham gia sáng kiến BRI của Trung Quốc, sau đó, đã chấp nhận cho Trung quốc thiết lập căn cứ quân sự để gán khoản nợ từ BRI. Đây trở thành căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc. Căn cứ hải quân này cho phép Bắc Kinh tiếp cận một trong những nút thắt hàng hải quan trọng nhất trên thế giới là Vịnh Aden và đặc biệt là eo biển Bab el-Mandeb. Các công ty Trung Quốc cũng đã giành quyền kiểm soát cảng Doraleh, Djibouti và vào năm 2017
(2) Cảng Gwadar, Pakistan: Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân ở Gwadar, Pakistan, như một phần của dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Cảng Gwadar ở Pakistan cho phép Trung Quốc dễ dàng tiếp cận eo biển Hormuz và kênh đào Suez. Cảng này sẽ giúp Trung Quốc đối phó với Ấn Độ từ phía tây trong bất kỳ tình huống nào nếu có xung đột xảy ra.
(3) Cảng Hambantota, Sri Lanka: Sri Lanka là quốc gia láng giềng của Ấn Độ. Nước này vì không thể trả khoản nợ 8 tỷ USD, đã phải đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm, từ đó, Trung Quốc đã kiểm soát và khai thác các hoạt động của cảng biển này.
(4) Cảng Chittagong, Bangladesh: Trung Quốc cũng đã thiết lập căn cứ hải quân tại cảng Chittagong, có vị trí gần cửa vịnh Bengal.
(5) Myanmar: hợp tác kinh tế và quân sự giữa Trung Quốc và Myanmar đã được tăng cường đáng kể
(6) Maldives: Trung Quốc cũng thành lập căn cứ quân sự ở nước này. Tại Maldives, sau khi đắc cử vào tháng 11/2023, Tổng thống Mohamed Muizzu bắt đầu giữ khoảng cách với Ấn Độ và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
(7) Seychelles: Seychelles cũng là một quốc đảo nhỏ khác ở Ấn Độ Dương cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân vì sự hỗ trợ tiền tệ từ Trung Quốc.
(8) Cảng Dar es Salaam, Tanzania: Cảng này cho phép Trung Quốc tiếp cận Kênh Mozambique.[5]
Trung Quốc đã tận dụng mạng lưới các cảng thương mại cho chức năng tình báo và hậu cần quân sự tạo thành một hình thức triển khai quyền lực mang lại nhiều hiệu quả.
Vòng Cổ Kim Cương
Sự gia tăng ảnh hưởng không ngừng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, nơi có thể khiến vị thế hàng đầu của New Delhi bị suy giảm. Trong khi Ấn Độ không có tham vọng thống trị thế giới, họ vẫn phải bảo vệ lợi ích của mình[6]. Từ đó, Ấn Độ đã ngày càng chủ động và kiên quyết hơn trong chiến lược chống lại Chuỗi Ngọc Trai của Trung Quốc. New Delhi đã áp dụng chiến lược Vòng cổ Kim Cương, nhấn mạnh việc bao vây Bắc Kinh bằng cách tăng cường sự hiện diện hải quân, mở rộng căn cứ quân sự và tăng cường quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong khu vực.
Thứ nhất, điều chỉnh chính sách, kế hoạch quốc gia. Dưới thời Thủ tướng Modi, bắt đầu từ năm 2014, Ấn Độ đã điều chỉnh chiến lược của mình về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là điều chỉnh chính sách Nhìn về phía Đông (Look East Policy) thành “Hành động phía Đông” (Act East Policy), thể hiện tâm thế chủ động và động thái sẵn sàng hoạt động nhiều hơn nhằm thiết lập sự hiện diện của mình ở khu vực phía Đông, kể cả khu vực xung quanh Trung Quốc. Năm 2015, Ấn Độ cũng đã công bố một kế hoạch mang tên SAGAR “An ninh và phát triển cho tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương” nhằm tăng cường hợp tác hàng hải, kinh tế và an ninh ở vùng biển lân cận.
Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) gồm 23 thành viên, được thành lập vào năm 1997 chủ yếu để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế, đã nổi lên như một nền tảng đa phương quan trọng cho an ninh và quản trị hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương. Là một thành viên sáng lập, Ấn Độ đã tìm cách hồi sinh cơ quan này như một phần của chiến lược lãnh đạo khu vực. Nền tảng này cũng được coi là một cơ chế để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh, vì cả Trung Quốc và đồng minh thân cận Pakistan đều không phải là thành viên đầy đủ.
Thứ hai, chú trọng xây dựng và sử dụng công trình cảng tại các nước chiến lược.
(1) Cảng Chabahar, Iran: Ấn Độ đã phát triển cảng ở Chabahar trên bờ biển phía đông nam của Iran dọc theo Vịnh Oman như một cách để vận chuyển hàng hóa đến Iran, Afghanistan và các nước Trung Á, mà không cần đi qua đối thủ Pakistan. Cảng Chabahar chỉ cách cảng Gwadar của Pakistan 72 km, nơi đang được phát triển với đầu tư của Trung Quốc. Sự gần gũi này được xem là minh chứng cho sự cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Chabahar mang lại cho Ấn Độ một vị trí chiến lược vì nước này nhìn ra Vịnh Oman, một tuyến đường cung cấp dầu rất chiến lược. Cảng này sẽ rất quan trọng đối với Ấn Độ trong việc đảm bảo lợi ích thương mại, nhập khẩu dầu từ Trung Đông, đồng thời cũng đóng vai trò như một căn cứ mạnh mẽ ứng phó với bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra với Trung Quốc. Ngày 13/5/2024 vừa qua, Ấn Độ đã chính thức ký hợp đồng 10 năm với Iran để phát triển và vận hành cảng Chabahar của Iran.
(2) Cảng Sabang, Indonesia: Ấn Độ đang xây dựng cảng nước sâu tại Sabang ở Indonesia. Cảng này có ý nghĩa chiến lược vì nằm ngay lối vào eo biển Malacca và Quần đảo Andaman & Nicobar của Ấn Độ. Eo biển này là một trong những điểm nút thắt cổ chai nổi tiếng trên thế giới. 60% thương mại và 70% nguồn cung dầu của Trung Quốc đi qua khu vực này. Ấn Độ đã được phép tiếp cận quân sự tới Cảng Sabang kể từ năm 2018. Do đó, cảng này cung cấp căn cứ hỗ trợ cho Ấn Độ chống lại bất kỳ mối đe dọa an ninh nào ở Khu vực Ấn Độ Dương và Khu vực Đông Nam Á. Eo biển Malacca là nơi 70% nguồn cung dầu và 60% thương mại của Trung Quốc đi qua.
(3) Cảng Sittwe, Myanmar: Cảng Sittwe là cảng nước sâu được Ấn Độ xây dựng năm 2016 tại Sittwe, thủ phủ bang Rakhine của Myanmar, trên Vịnh Bengal. Nó nằm ở cửa sông Kaladan, cảng đang được Ấn Độ tài trợ như một phần của Dự án Vận tải Quá cảnh Đa phương thức Kaladan. Dự án này nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở phía tây nam Myanmar và đông bắc Ấn Độ. Vào tháng 4/2024, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phê duyệt đề xuất của India Ports Global, một công ty nhà nước Ấn Độ, để điều hành các hoạt động của Cảng Sittwe ở Myanmar, cũng được xây dựng với sự hỗ trợ của New Delhi.
(4) Cảng Mongla, Bangladesh: Bangladesh là quốc gia láng giềng của Ấn Độ, có mối quan hệ gắn bó với Ấn Độ về nhiều mặt. Ấn Độ giúp Bangladesh hiện đại hóa cảng biển ở Mongla. Đồng thời, hai nước láng giềng bày tỏ mong muốn phát triển căn cứ quân sự biển sâu ở Sonadia. Ấn Độ cũng có thể sử dụng cảng Chittagong ở Bangladesh.
(5) Cảng Duqm, Oman – Ấn Độ được tiếp cận quân sự với Cảng Duqm vào năm 2018. Đây là cảng có vị trí chiến lược với lực lượng hải quân cơ sở vật chất ở Oman. Cơ sở này nằm gần eo biển Hormuz, trong khi đó hơn 30% lượng dầu xuất khẩu đi qua eo biển Hormuz, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Vịnh Pesian. Ngoài ra cảng này còn nằm giữa hai căn cứ của Trung Quốc – Djibuti và Gwadhar.
(6) Changi, Singapore: Năm 2018, Ấn Độ đã ký “Thỏa thuận song phương về hợp tác Hải quân” với Singapore để tiếp cận căn cứ Hải quân Changi. Đây là thỏa thuận đầu tiên mà Ấn Độ ký kết với một quốc gia nằm ở phía Đông eo biển Malacca. Eo biển này được coi là gót chân Achilles của Trung Quốc vì 80% lượng dầu và hydrocarbon nhập khẩu của nước này đi qua tuyến đường này. Thỏa thuận này cho phép Hải quân Ấn Độ tiếp cận căn cứ hải quân Changi, có vị trí chiến lược gần Biển Đông đồng thời cho phép các tàu hải quân Ấn Độ tận có thể tiếp nhiên liệu và bổ sung vật tư thông qua căn cứ này.
(7) Đảo Assumption, Seychelles: Năm 2015, Ấn Độ và Seychelles đã cùng nhau đồng ý phát triển các căn cứ hải quân ở khu vực này. Điều này cho phép quân đội tiếp cận Ấn Độ. Căn cứ này có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ khi Trung Quốc rất muốn tăng cường sự hiện diện ở lục địa châu Phi thông qua con đường tơ lụa trên biển.
(8) Vào tháng 2/2024, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã khánh thành một đường băng, một cầu cảng và sáu dự án phát triển trên đảo Agalega, có ý nghĩa chiến lược của Mauritius, nơi đã từng trải qua các cuộc xâm nhập từ tàu chiến Trung Quốc.
Ngoài việc tiếp cận trực tiếp các căn cứ hải quân có vị trí chiến lược, Ấn Độ cũng phát triển các căn cứ hải quân mới, củng cố các căn cứ cũ và tăng cường quan hệ với các quốc gia khác để đối trọng với Trung Quốc. Ấn Độ gần đây đã khánh thành một căn cứ hải quân mới, INS Jatayu, trên đảo Minicoy trong lãnh thổ liên minh chiến lược quan trọng Lakshadweep, ngoài khơi bờ biển Kerala ở Biển Laccadive, hiện là “căn cứ quân sự lớn gần Maldives nhất”[7].
Để thể hiện tình hữu nghị kiên định với Sri Lanka, New Delhi đã viện trợ hơn 4 tỷ USD khi nước này chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2022. Hơn nữa, vào năm 2023, Tập đoàn Adani của Ấn Độ đã trở thành một phần của tập đoàn làm việc để mở rộng Bến tàu container nước sâu phía Tây của Cảng Colombo, được tài trợ bằng khoản vay 550 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Ấn Độ cũng tích cực tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia xung quanh Trung Quốc như Mông Cổ, Nhật Bản, Việt Nam, và các quốc gia Trung Á. Tạo điều kiện để hình thành một vòng cổ bao vây Trung Quốc giống như Chuỗi Ngọc Trai đối với Ấn Độ.
Thứ ba, tăng cường diễn tập quân sự, hải quân và các hoạt động đảm bảo an ninh hàng hải khác.
Ấn Độ đang tham gia vào các cuộc tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương và nỗ lực tham gia các tiểu liên kết đa phương với các quốc gia chia sẻ các mục tiêu chiến lược hàng hải, chẳng hạn như ngăn chặn hoặc kiềm chế sự quyết đoán của Trung Quốc và đảm bảo tự do hàng hải. Ví dụ như Ấn Độ-Nhật Bản-Mỹ, đối thoại ba bên Australia-Ấn Độ-Indonesia, và nổi bật Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Các cuộc tập trận Malabar bao gồm Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Mỹ, các cuộc tập trận Hàng hải Ấn Độ-Brazil-Nam Phi (IBSAMAR) và các cuộc tập trận Milan đa quốc gia hai năm một lần là những ví dụ khác về các cuộc tập trận hải quân thúc đẩy các mục tiêu tương tự. Sự tham gia của Canada vào Milan 2024 có thể là khởi đầu cho sự hợp tác hơn nữa giữa Canada và Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ấn Độ cũng đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách khả năng hải quân giữa mình và Trung Quốc. New Dehli đã tăng cường ngân sách hải quân của mình – mức tăng lớn nhất trong ngân sách quốc phòng tổng thể vào năm 2023 là để lực lượng hải quân hiện đại hóa các tàu chiến, tăng cường hạm đội và kết hợp các công nghệ mới[8].
Thứ tư, xây dựng mạng lưới radar ven biển[9]. Chính phủ Ấn Độ đã ủy quyền cho Bharat Electronics Limited thiết lập 46 trạm radar ven biển và 16 hệ thống chỉ huy và kiểm soát tại nước này trong giai đoạn 1 của dự án Hệ thống giám sát bờ biển. Trong giai đoạn tiếp theo, 38 trạm radar ven biển và 5 hệ thống chỉ huy và kiểm soát sẽ được thiết lập.
Không chỉ xây dựng cơ sở radar trong nước, Ấn Độ đã mở rộng phạm vi ra các quốc gia lân cận. Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Bangladesh để lắp đặt 20 hệ thống radar giám sát bờ biển dọc theo bờ biển Bangladesh. Điều này sẽ giúp Ấn Độ giám sát các tàu chiến Trung Quốc thường xuyên ghé thăm Vịnh Bengal. Ấn Độ cũng lắp đặt 10 hệ thống radar ven biển ở Maldives. Các radar này sẽ chuyển tiếp hình ảnh, video và thông tin vị trí trực tiếp của các tàu di chuyển trong khu vực Ấn Độ Dương. Tính đến năm 2019, 7 hệ thống đã hoàn thành, tuy nhiên quá trình triển khai cũng gặp phải những trục trặc do Chính phủ Maldives. Khi một chính phủ “thân” Ấn Độ lên nắm quyền, dự án được tiến hành với tốc độ tối đa và ngược lại. 6 radar giám sát bờ biển cũng đã được lắp đặt tại Sri Lanka. Theo một số báo cáo, Ấn Độ đang có kế hoạch thiết lập thêm ít nhất 10 CSR ở Sri Lanka. Chính phủ Ấn Độ và Sri Lanka liên tục nỗ lực củng cố quan hệ Ấn Độ-Sri Lanka. 8 radar giám sát bờ biển đã được lắp đặt tại Mauritius. 1 radar giám sát bờ biển đã được lắp đặt tại Seychelles và bắt đầu hoạt động vào năm 2015. Tuy nhiên, Ấn Độ đang lên kế hoạch cho 32 hệ thống radar giám sát bờ biển nữa ở Seychelles.
Bản đồ khu vực Ấn Độ Dương
Tác động của cuộc cạnh tranh
Trong khi Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực, tương lai về sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai nước là hiện hữu. Cuộc cạnh tranh chiến lược này đã và đang tạo ra những ảnh hưởng đến cấu trúc cũng như tình hình an ninh khu vực.
Tác động tích cực
Thứ nhất, kế hoạch hành động của Ấn Độ có thể giúp cân bằng quyền lực trong cấu trúc an ninh khu vực, chống lại tham vọng của Trung Quốc, từ đó đóng góp vào công cuộc chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa độc tài trong dài hạn, góp phần thúc đẩy một thế giới đa cực.
Thứ hai, thông qua chiến lược Vòng cổ Kim Cương, Ấn Độ đã khẳng định vai trò “Nhà cung cấp an ninh” ở khu vực Ấn Độ Dương. Với sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự, Ấn Độ luôn công khai mục tiêu đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Thứ ba, đảm bảo an ninh hàng hải. Khoảng 27,9% trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới được tìm thấy ở Ấn Độ Dương. Quan trọng hơn, Ấn Độ Dương là nơi 80% nguồn cung dầu toàn cầu đi qua[10]. Có ba điểm nút thắt chính trong Ấn Độ Dương – đó là eo biển Hormuz ở Vịnh Ba Tư, eo biển Malacca ở bán đảo Mã Lai và eo biển Bab el-Mandeb ở bán đảo Ả Rập. Có những nút thắt khác, mặc dù ít nghiêm trọng hơn, cụ thể là Kênh Mozambique, Kênh đào Suez, và Eo biển Sunda và Lombok. Việc bóp nghẹt bất kỳ eo biển nào trong số này có thể khiến dòng chảy dầu mỏ và thương mại toàn cầu rơi vào bế tắc. Chiến lược Vòng cổ Kim Cương của Ấn Độ và Lý thuyết Chuỗi Ngọc Trai đối trọng lẫn nhau, có khả năng phản ứng lại bất cứ động thái nào của đối phương. Từ đó tạo điều kiện đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa và các dòng chảy khác, không bị kiểm soát bởi một thế lực duy quyền. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Ấn Độ trong việc thiết lập hệ thống radar ven biển dọc theo các nước Ấn Độ Dương sẽ cho phép nước này theo dõi các tàu di chuyển trên biển, có ý nghĩa trong việc nâng cao khả năng phản ứng với các sự cố trên biển. Đặc biệt, nó cũng mở ra những cơ hội về hợp tác chia sẻ dữ liệu trên biển với các nước xung quanh phối hợp với các nước này để đảm bảo an ninh hàng hải ở cấp độ toàn khu vực.
Tác động tiêu cực
Sự cạnh tranh giữa hai nước lớn trong cùng một khu vực cũng tạo ra những tác động tiêu cực đến các quốc gia lân cận, đặc biệt hơn khi tầm nhìn của hai quốc gia cạnh tranh là việc tăng cường ảnh hưởng của mình với đối tượng cụ thể là từng quốc gia trong khu vực. Điều này khiến các nước nhỏ hơn bị xoáy vào cuộc cạnh tranh nước lớn. Một phương pháp phổ biển mà Trung Quốc và Ấn Độ áp dụng là tăng cường đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là cảng biển tại các quốc gia nhỏ hơn, đặt ra một vấn đề mới, là sự phụ thuộc vào quốc gia đầu tư, từ đó dễ bị chi phối hoặc vô tình trở một quốc gia “đã chọn phe” trong cuộc cạnh tranh vốn dĩ không liên quan trực tiếp đến mình. Điều này có thể làm chia rẽ sự đoàn kết giữa các quốc gia trong cùng một khối ví dụ như ASEAN, hoặc thậm chí gia tăng sự thù địch giữa các quốc gia trong cùng một khu vực, ví dụ như Ấn Độ với Pakistan và Bangladesh.
Các quốc gia cũng có thể đối mặt với các rủi ro bẫy nợ. Nhất là đối với Trung Quốc luôn bị chỉ trích với “ngoại giao bẫy nợ” khi đầu tư lớn vào các quốc gia này và cung cấp cho họ vô số khoản vay trong những lúc cần thiết để nhận lại sự ủng hộ từ các quốc gia thông qua sự phụ thuộc nợ, đảm bảo quyền lực ngoại giao trong khu vực./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1]Manhas, Neeraj Singh. (2020). China’s Policy of ‘String of Pearls’. DOI: 10.25215/2455/0503003
[2] DOI: 10.18533/ijbsr.v7i8.1060
[3] Ventsislav Bozhev (2019), The Chinese String of Pearls or How Beijing is Conquering the Sea, De Re Militari Journal, https://drmjournal.org/2019/08/26/the-chinese-string-of-pearls-or-how-beijing-is-conquering-the-sea/
[4] https://www.globaljournalceners.org/article.php?e=55
[5] HEMANT SINGH, How would China’s ‘String of Pearls Project’ affect India’s security?, https://www.jagranjosh.com/general-knowledge/how-chinas-string-of-pearls-project-would-affect-indias-security-1500355710-1
[6] Andrew J. Masigan, A string of pearls and a diamond necklace. The Cold war between China and India, Business World, https://www.bworldonline.com/opinion/2022/09/18/475215/a-string-of-pearls-and-a-diamond-necklace-the-cold-war-between-china-and-india/?amp
[7] Suyesha Dutta, Suvolaxmi Dutta Choudhury (2024), Balancing Tides: India’s Competition with China for Dominance of the Indian Ocean Region, Asia Pacific Foundation of Canada, https://www.asiapacific.ca/publication/balancing-tides-indias-competition-china-dominance-indian
[8] Suyesha Dutta, Suvolaxmi Dutta Choudhury (2024), Balancing Tides: India’s Competition with China for Dominance of the Indian Ocean Region, Asia Pacific Foundation of Canada, https://www.asiapacific.ca/publication/balancing-tides-indias-competition-china-dominance-indian
[9] Yash Jha, Necklace of diamonds vs string of pearls : India-China standoff. Time of India, https://timesofindia.indiatimes.com/readersblog/youthwrites/necklace-of-diamonds-vs-string-of-pearls-india-china-standoff-43458/
[10] Andrew J. Masigan, A string of pearls and a diamond necklace. The Cold war between China and India, Business World, https://www.bworldonline.com/opinion/2022/09/18/475215/a-string-of-pearls-and-a-diamond-necklace-the-cold-war-between-china-and-india/?amp